03/10/2010 18:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 14366
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vốn là người quê chân chất có bao giờ nghĩ đến thơ văn, giờ lại nghe Búp Bê đòi làm thơ ? Cô bé đâu biết đọc, biết viết mà thơ với thẩn ? Ngoại nghe vậy chưa kịp hiểu ý Búp Bê muốn gì nhưng cũng lấy bút và tập ra ngồi cạnh chờ “nhà thơ nhí” ứng khẩu

Phần 3: Bà ngoại

Một buổi sáng, Ngoại Bảy ẵm Búp Bê ra ngoài đường đón nắng sớm vàng như mật ong và hít thở không khí, thấy một người có thúng dâu chín mịn màng dưới nắng sớm. Ngoại nói như reo:

-  Mèn ơi. Dâu tươi thấy mà ham quá hén – Rồi nheo mắt cười với Búp Bê, hỏi – Cái tâm của ngoại lúc này là tâm gì vậy, Búp Bê ?

-  Cái tâm thích đó, ngoại.

-  Cái tâm thích là tâm gì vậy ? – Ngoại hỏi tiếp.

-  Cái tâm thích là tâm vọng nhiễm đó, ngoại ơi.

Hay quá, Búp Bê đáp câu nào ngoại nghe cũng vui, lại hỏi:

-   Sao Búp Bê biết đó là tâm vọng nhiễm ?

-   Bởi vì mới thấy cảnh là tâm động rồi.

Ngoại vẫn thấy Búp có thể trả lời thêm về ý này, lại hỏi tiếp:

-   Làm sao mình biết tâm động ?

-   Mình nhìn vô tâm thấy thích nên biết nó đông.

Nhỏ tuổi nhất nhà, bé nhất nhà, sức khỏe yếu nhất nhà. Nhưng ai ở trong nhà làm gì cũng đều hỏi cô bé góp ý nên hay không nên làm. Ngoài tình thân ruột thịt, Búp Bê được trong gia đình ai nấy cũng cưng chiều. Được Phật độ mầu nhiệm có sẵn kiến thức Phật Pháp, ngẫu nhiên Búp Bê có cái uy khiến cả nhà nể trọng.

Một lần ngoại đang nấu bếp, bỗng dưng nghe Búp Bê gọi:

-   Ngoại ơi. Lấy viết và giấy ra ghi lại giùm con vài ý thơ.

Vốn là người quê chân chất có bao giờ nghĩ đến thơ văn, giờ lại nghe Búp Bê đòi làm thơ ? Cô bé đâu biết đọc, biết viết mà thơ với thẩn ? Ngoại nghe vậy chưa kịp hiểu ý Búp Bê muốn gì nhưng cũng lấy bút và tập ra ngồi cạnh chờ “nhà thơ nhí” ứng khẩu:

Tâm mây là phiền não
Nhớ dứt vọng tiêu tan
Cho Bồ Đề được sáng
Tâm ngộ mãi, ngộ hoài
Chuyên cần lo tu tập
Sẽ chứng quả Bồ Đề
Tâm như như bất động
Là được Phật hiện tiền

 
Lần khác, cả nhà đang ai làm việc nấy bỗng nghe Búp Bê nói rành rẽ từng chữ:

-  Ngày nào chúng sanh trên quả địa cầu này hết chỗ, con mới xong bổn phận.

Nghe xong, mọi người dừng tay như một thước phim không cử động mà nhìn nhau. Có người xúc động đến lặng người không biết nói gì, tưởng chừng có Phật linh ứng ngay trong nhà.

Một thời gian sau, ngoại chợt nhớ câu nói như “Phật sống” của Búp Bê bữa trước nên đến bên nhẹ nhàng nhắc lại câu nói đó, rồi hỏi:

-   Ai dạy con nói ? Hay con đọc kinh sách thấy Bồ Tát nên con nói vậy ?

-   Dạ. Lúc đó con chưa biết chữ – Búp Bê trả lời .

-   Vậy… sao con nói vậy ? – Ngoại thắc mắc.

-   Vì lúc đó con lặng tâm.

Hoặc có lần ngoại Bảy lại hỏi:

-   Búp Bê ơi. Ở đời, mình sống như thế nào mới gọi là có hạnh phúc ?

Cô bé nói nếu mọi người biết giác ngộ là hạnh phúc lớn nhất. Thỉnh thoảng ngoại phát hiện Búp Bê có tật nhỏ nói điều gì là hai chân mày hơi nhíu vào nhau, có lần ngoại hỏi Búp bê có biết điều đó không thì cô nói: “Không biết mình chau mày là mất cái tâm, nếu biết mình chau mày là không mất cái tâm”. Khi hỏi Búp Bê có khi nào ngủ mơ thấy thầy Hai Thanh Sĩ không ? Búp Bê nói có thấy khi tâm đang thanh tịnh. Ngoại hỏi ngược lại:

-   Vậy là thấy trong tâm chứ đâu thấy ở ngoài ?

Búp Bê đáp:

-   Không ở ngoài cũng không ở trong.

Trong gia đình thì Búp Bê ít tuổi nhất, bà ngoại cao tuổi nhất, nên Búp Bê thường lễ phép dạ, vâng. Nhưng khi nói về việc tu tập thì hai bà cháu bình đẳng trong quan hệ như đồng đạo. Một lần ngoại buột miệng thốt lên:

-  Hàng ngày ngoại cúng, lạy, ngồi niệm Phật, nhưng vẫn còn sân, si hoài.

-  Ngoại cúng, lạy Phật mà vẫn sân, si thì ngoại tự hủy rừng công đức. Vì thế ngoại cố gắng dẹp sân si.

Là đàn bà vốn hay lo toan việc sinh họat thường ngày, chẳng mấy khi để chân tay được nghỉ ngơi mà sa đà quá vào việc không đáng làm nên thường phiền não mỗi khi làm quá sức. Ngoại và dì Hai Xuân cũng vậy, thương ngoại và dì, Búp bê khuyên cả hai đã cao tuổi, nên giữ sức khỏe, vì cái thân giống như con thuyền, mình phải nương theo thuyền mới qua sông được. Hoặc khuyên ngoại muốn không cho tâm mình động thì phải quán mọi vật đều không.

Có bà con gặp bà ngoại chuyện trò những điều phải, trái xẩy ra trong làng xóm. Sau đó, ngoại lại hỏi Búp Bê là ngoại làm vậy có đúng không ? Cô bé nói: “Đức Lục Tổ nói rằng, người lỗi, ta không lỗi. Ta lỗi, bởi ta chê bai”, và khuyên bà ngoại nên tập: “Ghét, yêu, đừng để dạ. Duỗi cẳng, nghĩ thanh nhàn”.

Qua những đối đáp và tư vấn Pháp kinh thường ngày với người đời hay người trong nhà, Búp Bê tỏ ra là người có tâm Bồ Tát và hạnh Bồ Tát có thể nói ở cấp cao đẳng từ thân – khẩu – ý.

Ngoại là người tu theo Phật đã gần hết đời người nhưng vẫn bày tỏ như một người mới học đạo:

-  Búp Bê ơi. Trong Sấm giảng, Đức Thầy có câu: “Ráng đem cho được Phật vào trong tâm”. Làm sao để đem được Phật vào tâm ? Lúc nào trong tâm mình mới có Phật ?

-  Đó là tâm tịnh, tâm không si mê, tâm không phiền não, tâm không cười giỡn, không chê, khen. Lúc đó là có ông Phật tại tâm. Khi trong tâm còn phiền não, si mê, giận hờn, cười chê thì lúc đó ông Phật đã đi xa, tâm chìm địa ngục.

-   Ngoại cũng cố gắng hoài nhưng không được. Vậy phải làm sao ?

-   Thì xuống địa ngục – Búp Bê cười rung cả người.

Hôm khác ngoại lại nói:

-  Ngoại cố gắng tu, nhưng sao còn vọng tưởng hoài. Phải làm sao Búp Bê ?

Búp Bê nhìn ngoại như một người khách mới tới, nói:

-   Tu mà còn vọng tưởng là nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp. Vậy phải đối trị bằng cách niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong mọi thời đi, đứng, nằm, ngồi.

-   Ngoại già rồi. Cơ thể mệt mỏi. Búp Bê tu giùm có được không ?

Nghe vậy, Búp bê không cười không được, tủm tỉm nói:

-  Ai ăn nấy no. Ai ngủ nấy khỏe. Ai tu nấy đắc. Làm sao con tu giùm ngoại được.

Tuy được coi là thần đồng, nhưng ngoài đời Búp bê vẫn là một đứa trẻ. Thỉnh thoảng ngoại ẵm Búp Bê đến thăm nhà bạn cùng tu chơi thì có người cố tình chọc giận Búp Bê để thử xem cô bé có… nổi sân không ? Nhưng đâu phải bị chọc giận lần đầu nên Búp Bê không lạ. Ra về, ngoại hỏi lúc đó Búp Bê thấy thế nào ? Thì cô thản nhiên nói: “Cùng là người tu. Con nghĩ lời nói ấy là giả nên con phủi rồi”.


Âm lịch

Ảnh đẹp