Nẻo về của ý


Thích Nhất Hạnh Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn - Q1,TP.HCM - xuất bản năm 2009
02/12/2010 18:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 7718
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mấy hôm này trời khá lạnh. Ngày mốt tôi đã phải rời bỏ nơi đây rồi. Tôi sẽ ghé Princeton thăm và ở lại đây vài hôm trước khi về Nữu Ước. Những ngày sống nơi đây thật là an tĩnh và mạnh khỏe. Tôi đã chơi rừng, đã chèo thuyền, đã bơi lội với bọn trẻ. Tôi làm tất cả những công việc bọn trẻ làm: đi quan sát các hiện tượng thiên nhiên, tập làm thủ công, chơi bóng bàn, bóng chuyền, chạy đua, đóng kịch, hát, chơi trò chơi lớn… Bọn trẻ thích nhất nói chuyện với tôi và ưa đi theo về Pomona trong những giờ tự do. Tôi đã nói chuyện nhiều lần cho từng nhóm ba bốn chục người. Tối hôm qua người ta làm lễ bế mạc trại theo hình thức của người thổ dân bản xứ. Họ mời tôi tới dự: và bởi vì là khách “quý” tôi được trao tặng lông chim xanh danh dự. Có những màn khiêu vũ kiểu thổ dân rất ngoạn mục. Buổi lễ được tổ chức trong một khu rừng âm u vào lúc mười giờ đêm. Để tôi kể cho Nguyên Hưng nghe.

Từ những khu trại khác nhau. Lúc chín giờ rưỡi đêm, các trại sinh từ bé tới lớn sắp hàng đi lặng lẽ về địa điểm làm lễ. Có những con đường mòn khác nhau dẫn tới khu rừng đã được chọn làm địa điểm ấy, và từng đoàn người trong bóng đêm đi im lặng như những bóng ma. Không ai được đốt đuốc cả. Người đi đầu mỗi đoàn đã phải học thuộc đường rồi và như thế cả đoàn cứ việc đi theo anh ta không sợ vấp, vướng hay đâm nhào vào bụi. Có trên năm trăm trại sinh trong toàn trại, và im lặng được tuyệt đối tôn trọng. Tôi thấy họ dạy dỗ trẻ con tài quá. Mỗi đoàn, khi tới địa điểm, im lặng tìm đến chỗ ngồi của mình. Nơi làm lễ là một khoảng đất trống. Dưới ánh sao, người ta chỉ trông thấy lờ mờ một đống củi. Tất cả đều lặng lẽ chờ.

Đúng mười giờ. Từ một góc rừng vọt ra một âm thanh lạ kỳ, một âm thanh có tính nguyên thỉ và man rợ. Tiếp theo là tiếng trống báo hiệu người tù trưởng đến. Một lúc sau xuất hiện ba bóng đen trước đống củi lớn. Một bóng đưa tay làm phép trên đống củi và đọc một đoạn cầu nguyện cho lửa thiêng trở về. Giọng hắn nghe mọi rợ và ghê rợn. Người ta chờ đợi. Vài phút sau có tiếng rẹt rẹt trong đống củi, và một tia lửa xanh xẹt lên. Đống củi bừng cháy.

Lửa càng lúc càng sáng và soi rõ hình dáng ba người thổ dân, cố nhiên là do trại sinh trá hình. Tất cả đều đóng khố. Thân hình đen thui đen thủi, vì đã được bôi thuốc. Mặt mày cũng thế. Lại có thêm nét rạch. Đầu đội lông chim. Tên đứng giữa ra lệnh khai mạc buổi lễ. Những màn múa bắt đầu. Trại sinh đã tập luyện rất kỹ lưỡng. Người nào người ấy đều phục sức như thổ dân, và những màn múa cố gắng diễn tả nếp sống tôn giáo tín ngưỡng của các bộ lạc. Tất cả trại sinh dự kiến đều im lặng. Không ai xuýt xoa một tiếng nào, và màn vũ đặc sắc cách mấy cũng không được vỗ tay. Tôi ưa nhất là cảnh đánh nhau bằng đuốc. Để cướp một người đàn bà, hai thanh niên đã phải đấu đuốc với nhau. Họ cầm những cây đuốc sáng rực và tấn công nhau một cách mãnh liệt. Tất cả mọi người đều hồi hộp cho đến khi cuộc đầu kết thúc và một trong hai người được phép chiếm hữu người đàn bà.

Tiếp đến là lễ tặng lông chim xanh danh dự cho những người có công trong “vương quốc” Ockanickon, nghĩa là cho những trại sinh xuất sắc của trại hè. Khi tù trưởng gọi đến tên một người nào được tặng lông chim danh dự, thì từ bốn phía rừng Đông rồi Tây rồi Nam rồi Bắc, vọng lên tiếng tên họ của người ấy kèm theo tiếng mõ ngắn. Tiếng vọng có vẻ huyền bí như tiếng của các thần linh đang đứng ở bốn phía để chứng kiến buổi lễ.

Tôi không thể nhớ đến những người bạn Thượng của chúng ta ở B’su Danglu, những người bạn Thượng thường hay đi qua Phương Bối để hái rau rịa. Rau rịa là một thứ rau rừng ăn rất ngon; người thượng nào cũng ưa thích. Thứ cây này có rất nhiều ở Phương Bối, nhất là trong khu rừng ở phía Tây Nam. Ta chỉ có thể hái được những đọt lá non mầu hồng tím. Lá rịa mọc song đôi trên đọt cho nên Lý đặt tên thứ rau này là song diệp thái. Người Thượng có thể bán cho người kinh bất cứ thứ gì họ kiếm được ở rừng: tre, mây, phong lan, thịt nai, măng, v.v… nhưng không bao giờ bán lại rau rịa. Họ nói không ăn rau rịa thì hai chân sẽ nhức mỏi; đi rừng nhắc chân không nổi. Tôi chắc thứ rau ấy có được tính trừ được tê thấp, hay gì đó. Bác Đại Hà nói những người mất ngủ nếu ăn rau rịa thì sẽ ngủ được. Chúng ta ai cũng thấy điều đó là đúng, và lâu lâu lại đi vào rừng đi hái thứ rau quý giá đó về để cho dì Tâm Huệ nấu canh. Những người bạn Thượng không nấu canh rau rịa theo kiểu dì Tâm Huệ. Họ đem rau rịa giã nát ra, rồi trộn với ít muối. Xong họ đổ thêm nước và đun sôi lên. Thế là họ có món ăn mà họ ưa thích nhất. Có một bữa Phượng từ Saigon lên ở lại, không nhận mặt được rau rịa cho nên hái nhầm những đọt lá không phải là rau rịa. Ăn món canh rau rịa chiều hôm ấy ai cũng thấy say say. Và chúng ta lại có dịp chế riễu cái cô botaniste hiền hậu đó.

Thỉnh thoảng gặp những người Thượng đi ngang Phương Bối, chúng ta hay ra mời mọc họ vào chơi uống nước. Những người thượng như thế ít nhiều cũng nói được tiếng Kinh. Còn tiếng Thượng thì chúng ta chỉ biết một vài câu xã giao mà thôi. Bác Đại Hà nói tiếng Thượng thật giỏi, nhưng không có dịp dạy chúng ta. Tôi đã kiếm được một tập tự điển Thượng Kinh Kinh Thượng in bằng ronéo, nhưng cũng chưa có dịp thuận lợi để học. Tập tự điển ấy, tôi nhớ còn để ở hộc tủ bên trái trong thư viện, Nguyên Hưng.

Trong chúng ta, ai cũng có nhiều cảm tình với người Thượng. Họ chất phát và thực thà, cho nên nhiều khi bị lợi dụng. Nhưng, càng bị lợi dụng họ lại càng khôn hơn lên, và bây giờ đây đã có những người Thượng mà tôi tưởng không ai còn có thể lợi dụng được nữa.

Người thượng có sức chịu đựng rất dẻo dai. Thân thể họ có nhiều năng lực kháng độc hơn chúng ta, và những điều chúng ta làm gọi là để mà “giữ vệ sinh” ấy, người Thượng không hề làm, hoặc không cần làm. Họ ít khi ốm đau vặt, và nếu bị ốm thì là bị ốm nặng mà thôi. Mà một khi đã ốm nặng là khó lòng qua khỏi. Có lần tôi gặp một gia đình người Thượng cõng một người ốm đi ngang Phương Bối. Người này đã già, và chân tay gầy tong teo như những cây sậy. Hỏi ra thì người này ốm già, chứ không phải là ốm bệnh. Ông ta sắp chết, không phải vì tật bệnh gì, mà chỉ vì già. Biết rằng ông ta sắp chết cho nên gia đình ông ta cõng về nơi mà ông ta sẽ nằm chết để chết.

Có một lần khác tôi trông thấy một người đàn bà Thượng tắm cho con trong một dòng suối. Tôi rùng mình. Đứa bé chỉ vào khoảng hai tuổi, tôi phải mặc áo ấm, thế mà đứa bé chịu đựng được, không hề kêu khóc. Tôi biết là đứa bé nào ở thành phố mà cho về tắm dưới suối kia theo kiểu người đàn bà Thượng thì cũng ít nhất là bị sưng phổi. Da thịt của hai mẹ con hình như bằng đồng thì phải. Dì Tâm Huệ còn nói rằng người Thượng còn tắm nước mát lạnh cho cả những đứa bé sơ sinh nữa. Người ta nhúng những đứa bé xuống nước vài lần. Những đứa nào chịu được thì sẽ sống mạnh khỏe. Những đứa nào không chịu được thì sẽ chết. Không biết điều này có thực không. Nếu thực thì ta có thể có thêm một lý do để hiểu tại sao dân số Thượng hầu như không tăng không giảm.

Nguyên Hưng có nhớ một buổi chiều cùng với bác Đại Hà trồng bạch mai trước sân, chúng ta đón một đoàn người Thượng đi ngang Phương Bối hay không? họ mang cung tên, trong đó có những mũi tên tẩm thuốc độc. Chúng ta đã ngừng tay và nói chuyện với họ, qua tài nói tiếng Thượng của bác Đại Hà. Lần đầu tiên tôi được mân mê trong tay những mũi tên có tẩm thuốc độc. Bác Đại Hà cắt nghĩa về cái chất vàng vàng ở đầu mũi tên đó. Để chứng kiến tài nghệ của những người Thượng, Lý yêu cầu họ bắn một mũi tên lên cành cây cong ở khu rừng trước mặt. Bác Đại Hà thông ngôn xong, họ nhận lời ngay một người trong đoàn lấy ra một mũi tên - không có thuốc độc - và lắp vào cung. Tiếng giật của giây cung và tiếng mũi tên xé gió đi tới làm cho tôi có cảm nghỉ rằng mũi tên thế nào cũng đi lạc. Nhưng không, sau một âm thanh khô cứng và bén nhọn, tất cả chúng ta đều reo mừng khi thấy mũi tên đã cắm trên cành cây cong, thân tên vẫn còn rung rung.

Đối với chúng ta, đoàn người Thượng hôm ấy là một đoàn người Thượng có phong thái hơn cả, và có tính cách Thượng hơn cả. Một đoàn người như thế thì đi bất cứ khu rừng nào cũng không còn phải sợ hãi gì nữa. Chắc lúc ấy Triều Quang đang tưởng tượng trong óc những lúc đoàn người này gặp cọp giữa rừng và hình dung ra những trận ác chiến ghê gớm giữa người và cọp. Quang hỏi: “Khi gặp cọp trong rừng các ông làm gì?” và đợi nghe những bí thuật, những chiến lược đặc biệt của người Thượng để đối phó với cọp. Bác Đại Hà vừa thông ngôn xong thì câu trả lời bằng tiếng Thượng của người vừa bắn mũi tên trổ tài cũng tới ngay, và rất ngắn. Bác Đại Hà dịch lại: “Khi gặp cọp thì chúng tôi… chạy.” Tất cả chúng ta đều rũ ra cười, phá lên cười, ôm bụng mà cười vì không có ai chờ đợi một câu trả lời như thế, có lẽ trừ bác Đại Hà, người thông hiểu về đời sống của người Thượng hơn hết. Những người khách Thượng ngơ ngác không biết chúng tôi cười vì duyên cớ nào. Họ đã trả lời một cách giản dị và thành thực. Điều đó không có gì đáng cho là khó hiểu hay buồn cười cả. Họ không ngờ chúng tôi cười chỉ vì đã tưởng tượng nhiều quá trong óc chúng tôi về những trận ác chiến với cọp.

Bác Đại Hà cắt nghĩa: “Cọp ở miền này không có ý hại người, không hay giết người ăn thịt. Vì hươu nai và các thú rừng rất nhiều, rừng không nghèo như ở miền rừng Quảng Bình, Quảng Trị. Cọp chỉ xông vào vồ người hoặc kịch chiến với người khi nào cọp bị dồn vào một thế bí. Vì vậy gặp cọp trong rừng thì chỉ cần tránh ra khỏi con đường cọp đi, thế là yên. Chạy có nghĩa là tránh đừng gặp mặt cọp trên đường cọp đi”.

Tuệ cười đến chảy nước mắt, phải lấy khăn lau. May là chúng tôi gặp những người Thượng chất phát cho nên chúng tôi mới có thể cười thẳng thắng như vậy mà không sao, chứ gặp những người dưới phố mà cười như thế thì chắc là phải có gây gổ với nhau rồi. Muốn tránh sự gây gổ thì phải bóp bụng lại, đừng cười. Mà làm sao có thể nín cười trong một trường hợp như thế, hả Nguyên Hưng.

Có một hôm, anh Phương con dì Tâm Huệ một mình với chiếc xe đạp cũ leo theo con đường mòn để vào Phương Bối. Qua rừng Tham Thiền chưa được mười thước, anh thấy một ông Ba Mươi rất to lớn nằm ngay giữa đường, xoay lưng về phía anh đang mơ mộng nhìn về giải núi xa xa trước mặt. Thật là bất thần. Không biết là nếu ở vào trường hợp của Phương, Nguyên Hưng hay tôi có chết khiếp đi không chứ theo lời Phương kể lại hôm đó thì Phương thấy lạnh hết xương sống. Ông Ba Mươi vẫn nằm đó, như không hay không biết, chi cách Phương có ba bước. Quay xe đạp chạy trốn là một điều nguy hiểm vì Phương biết nếu ông Ba Mươi nghe tiếng động quay lại, ông ta sẽ vồ ngay Phương. Thật là tiến thối lưỡng nan. Phương liền thi hành kế sách làm cho ông Ba Mươi giật mình để ông ta phóng vào rừng. Cậu ta liệng chiếc xe đạp ngay sau lưng con cọp một cái rầm vừa la “ối trời ôi, ối trời ôi” vang cả rừng, tôi giật mình tìm ra tới chỗ Phương. Lúc ấy thì ông Ba Mươi đã đi rồi, và Phương ngất xỉu giữa đường với chiếc xe đạp. Thì ra nghe tiếng rầm của chiếc xe đạp và tiếng hò hét của Phương ông Ba Mươi không “giật mình phóng vào rừng” như Phương dự tưởng. Ông ta từ từ đứng dậy, không thèm ngoái lại, và uể oải đi từng bước vào rừng. Tôi ra, gặp một anh Phương xám xanh như gà cắt tiết. Tôi vội gọi dì Tâm Huệ và chúng tôi dìu Phương vào. Suốt ba ngày, Phương chưa lấy lại đủ ba hồn, bảy vía.

Nguyên Hưng ơi cũng là may ở B’su Danglu cọp không ăn thịt người nên mấy lần gặp cọp chúng ta cũng chẳng bị hề hấn chi. Ngày xưa có người đành lòng lên ở chỗ nhiều thú dữ để dù rằng có bị thú dữ ăn thịt đi nữa thì cũng không đau khổ bằng sống dưới một sự cai trị hà khắc nhiều khốn đốn. Phương Bối tuy rằng không phải là một nơi đầy thú dữ, một nơi sơn lam chướng khí độc địa - trái lại; là một nơi rất đẹp, rất yên tĩnh, rất kỳ thú - nhưng còn chúng ta, cái gì đã khiến chúng ta bỏ thành thị bỏ xóm làng mà lên đây? chúng ta nhất là Lý và tôi, không được chế độ chấp nhận. Mà không được chế độ chấp nhận là bởi vì chúng tôi thao thức muốn nói những điều mà chúng tôi cho là sự thực. Nguyên Hưng ơi, tôi thấy rằng cái Chân hoặc cái Thiện bao giờ cũng phải đi với cái Cường nữa thì mới có thể có chỗ đứng trên trái đất này. Ngày xưa học thơ ngụ ngôn của La Fontaine, tôi rất bất bình khi nghe nói rằng lý luận của kẻ mạnh là lý luận hay hơn cả. La raison du phus fort est toujours la meilleure! Tôi giận ứ cả cổ. Tôi ghét con chó sói lắm. Tôi vẫn tin rằng câu ấy là một câu nói mĩa mai, chớ không phải là một chân lý. Nhưng mà đã mấy mươi năm qua rồi, cuộc đời đã bao nhiêu lần cho tôi biết rằng đó là một chân lý, dù là một chân lý đáng ghét. Chân lý mà không có sức mạnh thì không có chỗ đứng. Sức mạnh không hẳn là bạo lực. Nhưng mà anh phải mạnh. Chúng ta chỉ có những cây bút nhỏ, làm sao chúng tôi chống chọi lại với một chế độ, hả Nguyên Hưng.

Và tất cả chúng ta, nào Mẫn, nào Hiện, nào Hương, nào Tuệ, nào Hưng, và bao nhiêu người khác nữa cũng không tìm được chỗ đứng của chúng ta trong tổ chức Phật giáo. Chúng ta đã mang tiếng là những người gieo rắc tư tưởng phản giáo lý truyền thống, những người quá khích, những người chỉ biết phá hoại. Chế độ không dung được ta mà truyền thống cũng không dung được ta. Cổ họng chúng ta bé bỏng. Nói chuyện thống nhất Phật giáo, nói chuyện hiện đại hóa lễ nhạc, giáo dục, hoằng pháp, nói chuyện về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, những điều ấy chúng ta đã đeo đuổi từ gần tám năm nay. Những hạt giống đã gieo, một cách vô cùng khó khăn. Trong khi chờ đợi, chúng ta gặp toàn những giông tố, những ghen ghét, những thành trì cố chấp hủ bại, tuy nhiên chúng ta không nản chí, không thất vọng. Một số hạt giống đã lưa thưa mọc lên. Cùng với sự bất mãn chế độ, ý thức về một nền Phật giáo dân tộc dần dần tượng hình. Nguyên Hưng không ngờ được rằng ảnh hưởng của những tư tưởng kia đã sâu đậm như thế nào ở miền Trung. Một buổi chiều đi với Như Huệ và Như Vạn trong một xóm nghèo ở Quảng Nam, tôi nghe tiếng võng kẽo kẹt hòa theo tiếng ru em, những câu ca dao của Tâm Kiên! Tôi muốn chảy nước mắt.

Có lẽ là chúng ta không nên ngạc nhiên quá, và không nên đòi hỏi quá. Sự vùng dậy để thoát xác của một nền văn hóa không phải là một cái gì có thể thực hiện một cách dễ dàng và êm đềm. Sự dễ dàng và êm đềm đó chi có thể đi đôi với tinh thần nô dịch. Mà đã là nô dịch thì văn hóa không còn là văn hóa nữa, mà chỉ còn là một dụng cụ. Những mâu thuẫn và khổ đau gây nên do sự va chạm giữa cái cũ và cái mới vốn là những gì không tránh được. Chỉ có một con đường phải đi - con đường của sự tranh đấu bền bỉ và gian khổ.

Nguyên Hưng ơi, vì nghĩ như thế nên chúng ta đã làm việc tích cực trong thời gian ở Phương Bối. Tuy rằng chúng ta có những buổi thám hiểm núi rừng, những ngày cắm trại, những buổi bình văn, và tuy rằng tất cả những sinh hoạt ấy đều rất thú vị, chúng ta cũng đã để rất nhiều thì giờ vào việc học tập, tra cứu, viết lách. Lý thường thức rất khuya trên đống bản thảo. Còn tôi tuy sức khỏe không cho thức khuya, tôi cũng làm thật nhiều việc. Ngoài sự sưu tầm, viết lách tôi đã khởi thảo bộ Phật Học Từ Điển. Công việc này dỡ dang; trước khi đi, tôi đã giao lại cho một số các bạn trẻ ở Phật học viện Nha Trang tiếp tục. Tôi rất sung sướng nghĩ đến những buổi học nơi nhà Thượng hay ở thư viện. Nguyên Hưng và Thanh Tuệ đã làm việc rất siêng năng. Ngoài những môn học thường nhật, thỉnh thoảng tôi ưa giảng cho Hưng và Tuệ về những đề tại đặc biệt. Tôi chắc Nguyên Hưng còn nhớ hôm tôi đem giảng những đoạn trong Cựu Ước. Những cuộc hội thảo xảy ra luôn luôn, một cách tự nhiên và Lý có vẻ hùng biện hơn ai hết. Nói thế chứ nhiều khi tôi cũng hay “bắt nạt” Lý lắm, phải không Nguyên Hưng? Thầy Thanh Từ thì ít nói, hay cười hiền lành. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt thầy điều khiển những buổi hội thảo. Tôi nhớ chó một lần thầy hướng dẫn hội thảo về thiền. Lần này có một nhóm sinh viên Phật tử ở Saigon lên thăm và tham dự.

Triều Quang ít nói trong các buổi hội thảo, nhưng hễ nói thì nói những điều có thể gây nên những “vấn đề lớn”. Quang rất say mê làm việc ngoài rừng. Cậu ta dọn một khoảng thật đẹp ở khu rừng trước mặt, sửa sang cho thật xinh, và gọi đó là nội cỏ thiên đường. Quang rất thích nuôi một con bò, ý định ấy được vài người trong chúng ta tán thành. Tuệ cười nói: “vậy thì sẽ có sữa nóng uống buổi sáng”. Còn tôi thì ngại ông Ba Mươi. Nuôi một con bò con tức là mời các ông Ba Mươi tới viếng thăm ban đêm.

Một hôm Quang trông thấy những người Thượng đi ngang, mang theo một con nai nhỏ. Con nai bị trói lại trông rất đáng thương. Quang nhất định mua con nai ấy để nuôi trong nội cỏ thiên đường. Lần này không ai ngăn cản Quang cả. Nhưng con vật, tuy được cởi trói và đối đãi thật tử tế, vẫn không chịu ăn bất cứ một thứ gì. Ba bốn hôm liền như vậy. Đến hôm thứ tư, Quang thử cho uống sữa. Con vật thích lắm. Nó uống sữa xong, đi chơi quanh quẩn trong nội cỏ. Nhưng đến sáng mai, không ai tìm thấy nó nữa. Nó đã trở lại núi rừng.

Viết cho Nguyên Hưng đến đây tôi lại nhớ đến Datino, con nai nhỏ bé của bọn Cherrokeesi, Datino lớn như thổi. Đứa trẻ nào cũng ao ước được mang Datino về nhà. Tôi đã đề nghị trả Datino về rừng. Một số các em tỏ vẻ luyến tiếc, nhưng phần lớn đều tán thành.

Nguyên Hưng ơi, mùa hè năm ấy, bao nhiêu việc buồn đã xảy đến cho chúng ta. Chị Diệu Âm ốm nặng phải chở lên điều trị tại bệnh viện của bác sĩ Sohier. Lý bị bắt. Tôi phải trốn về Saigon. Phương Bối bị đe dọa. Tuệ Hưng và tất cả những người ở Phương Bối bị bắt buộc phải rời bỏ Phương Bối để vào trong ấp Chiến Lược. Công an nghi rằng chúng ta đang làm gì ở miền núi rừng nên cứ đến Phương Bối để hỏi thăm, dò la. Những người công an này lộ liễu lắm bởi vì trông tướng mạo họ và nghe một vài câu hỏi của họ, ta đã có thể biết ngay rằng họ là công an rồi. Đột nhiên chúng ta mất hết những an tĩnh của chúng ta. Phương Bối bị đe dọa trầm trọng. Chúng ta chứng kiến cảnh thiên đường bị mất dần dần.

Tôi tin rằng không ai trong chúng ta mà không nhớ rõ từng chi tiết của giai đoạn khó khăn ấy. Ba ngày hôm sau Như Hiền báo tin bệnh chị Diệu Âm đã được thuyên giảm trong khi điều trị ở bệnh viện Sohier, chúng ta nhận được tin cấp báo ở Dalat cho biết rằng bệnh tình chị trở lại trầm trọng hơn bao giờ hết. Hoảng kinh, Nguyên Hưng và tôi vượt rừng tìm về xa lộ, đón xe ngược Dalat. Từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều chúng ta không đón được một chiếc xe nào cả. Xe đò chiếc nào cũng đầy ăm ắp. Chúng ta đưa tay lên đón theo kiểu auto-stop bất cứ một chiếc xe nào. Chúng ta quên đói, quên mệt, mà chỉ lo lắng. Bốn giờ hơn, may mắn chúng ta đón được xe của một người quen. Xe của Nghĩa. Mừng quá, chúng ta hối thúc Nghĩa chạy thật nhanh. Con đường như dài vô tận. Đến Dalat, Nghĩa đưa chúng ta đến thẳng bệnh viện Sohier. Chị Âm đã tĩnh rồi, và cơn nguy hiểm đã qua rồi. Chị cười yếu ớt. Mắt chị sáng lên khi trông thấy chúng ta.

Chắc Nguyên Hưng cũng nhớ rằng, sau thời gian điều trị ở Dalat, chị đã được chúng ta mang về Saigon, điều trị ở Grall, và sau đó về Huế. Bởi vì Dalat rét quá, không thích hợp với bệnh của chị. Chị đã lấy lại được sức khỏe trong thời gian ba tháng. Khi tôi ra đi, chị có vẻ tin tưởng và hy vọng. Tôi ngồi bên giường chị, ở Thiên minh, và nói chuyện vói chị về những dự tính cho công việc sau này. Chị hơi mệt, nhưng nụ cười của chị rất tươi. Tôi nói tôi chỉ vắng mặt chín tháng thôi, rồi tôi lại trở về. Mà khi tôi về thì tình hình sẽ sáng sủa hơn, chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn. Chị chăm chú nghe tôi nói và sẵn sàng tin nơi những điều tôi nói. Tôi có cảm tưởng rằng trong khi nói chuyện với chị, tôi tưới được thêm những chất liệu của niềm tin trên tâm hồn chị. Tội nghiệp cho chị. Chị mất sau đó không lâu, nghĩa là khoảng ba tháng sau. Lúc ấy tôi ở Princeton. Điện tín do Hoàng Phong ở Huế gửi sang. Tôi bàng hoàng và lặng người đi. Bởi vì tôi đã tin rằng chị có thể qua khỏi.

Tôi ghi chầm chậm trên tập bản thảo của tôi mấy chữ đơn sơ: thương tiếc chị. Rồi tôi quỳ xuống cầu nguyện cho chị. Giờ chị ra đi chắc chị nghĩ đến chúng ta đến Mai Lâm và đến Phương Bối thân yêu. Rất an ủi cho tôi là lúc chị ra đi, vẫn còn có Nguyên Hưng ở Huế. Có cả Thanh Hiện. Như Hiền và Như Liên nữa. Mai mốt tôi về thì đã không còn chị. Bây giờ tôi ước ao ngồi bên tháp chị ở Từ Quang, để nghĩ đến chị, để tâm hồn tôi có thể nói chuyện với chị. Cố nhiên là chị không chết, người như thế làm sao chết được. Chị đã sống một cuộc đời đẹp, hoạt động và giàu tin tưởng. Trong chúng ta, ai cũng mang hình bóng của chị. Ta thương xót chị, nhưng ta vẫn có thể nở một nụ cười thương yêu khi nghĩ tới chị. Để tôi kể chuyện hôm vào thăm chị ở nhà thương Grall Saigon. Chiều hôm ấy là chiều cuối năm. Tết năm nay có lẽ buồn nhất ở Phương Bối. Nguyên Hưng đã phải phiêu dạt về Huế rồi, và những người khác cũng đã phải đi mỗi người một ngả, chỉ duy còn thầy Thanh Từ, chú Thanh Tuệ và dì Tâm Huệ là còn gan ở lại. Tôi thì cũng không sợ gì, nhưng mọi người ai cũng bắt tôi phải rời Phương Bối cả. Ai cũng lo cho tôi. Tôi phải vào Saigon, và ở lại Trúc Lâm. Độ ấy tôi bắt đầu hướng dẫn cho một số sinh viên các phân khoa thành lập hội Sinh viên Phật tử Việt Nam. Công việc gặp khá nhiều trở lực, từ ngoài đi vào cũng như từ trong đi ra điều này chắc Nguyên Hưng không thấy. Hồi ấy có Khanh, Dương, Chiểu, Phượng, Chi, Nhiên và Cương là những người có thiện chí nhất. Họ biết rất rõ điều ấy. Chiều ba mươi tết đáng lẽ đến dự buổi họp mặt của họ, thì tôi đi thăm chị Diệu Âm. Tôi nói chuyện và đọc báo xuân cho chị nghe, rồi ở lại với chị cho đến khi giao thừa trở về. Hồi đó người ta cấm đốt pháo, và chắc bây giờ cũng vậy. Tôi thắp những cây nến hồng bên cạnh những chậu hoa tôi mang đến tặng chị. Một giờ khuya, tôi chúc tết chị, và yêu cầu chị đi ngủ trước khi tôi từ giã chị. Một mình tôi đi bộ từ nhà thương Đồn Đất về tới chùa. Giờ này không còn xe cộ gì nữa cả. Sương xuống, tôi phải trùm vạt áo lên đầu. Tôi dang ngang qua tổng thống phủ, sáng rặc với những hàng bóng điện viền quanh mái nhà, và mĩm cười trước sự kiêu hãnh của ngôi nhà. Tôi biết là ngôi chùa gần nhất là chùa Xá Lợi, Và giờ này thì khách thập phương cũng đã đến lễ bái đông đảo như ở Lăng Ông Bà Chiểu rồi.

Năm tháng sau thì Lý cũng được chở vào điều trị ở bệnh viện Cơ Đốc Phú Nhận. Chứng bệnh nhức đầu ghê gớm của Lý ngày xưa đã trở lại. Lý là một người có nghị lực, thế mà khi đau quá, Lý phải hét như một người điên và nước mắt của Lý chảy ràn rụa. Nếu Lý không bị bắt thì chắc chứng bệnh cũ không đến nỗi trở lại như thế đâu. Một hôm có người khách quen, thầy Đức Nhuận, từ Saigon lên thăm Phương Bối, Lý và Nguyên Hưng sau khi đưa khách vượt rừng ra xa lộ đã vui chân đi bảy cây số đường bộ về tới Bảo Lộc. Hai người đang đi mua ít vật dụng trong chợ, thì người công an tới đưa giấy tờ cho Lý xem và mời Lý về ty. Thế là Nguyên Hưng cũng phải đi theo Lý về ty công an. Nguyên Hưng nhất định không ra về nếu Lý không về. Họ bảo Lý khai, Lý đòi giấy bút. Thế là Lý ngồi viết cho đến chiều. Viết cho đến chiều hết giấy, Lý xin thêm giấy nữa. Họ đưa Lý và Hưng về chùa Bảo Lộc. Rồi sáng mai, họ trở lại mời Lý vào ty. Có lẽ để viết thêm.

Lúc ấy đang loay hoay với mấy cái danh từ Phật học, tôi thấy Nguyên Hưng về. Sau khi kể lại mọi chuyện, Nguyên Hưng đưa cho tôi mảnh giấy của Lýviết: nếu tôi không về nữa thì thầy sẽ viết cho hết cuốn sách giùm tôi. Tôi cảm động quá. Mọi người ở Phương Bối ai cũng bảo tôi nên đi Saigon để tránh. Tôi có làm gì mà phải đi tránh. Có lẽ chúng tôi bị họ để ý chăng. Hoặc giả họ ghét và muốn trả thù vì chúng tôi đã viết lách chống báng họ chăng. Cái thời đại này, hễ ghét ai thì cứ gán cho họ tội làm “Việt cộng” dù họ là người quốc gia. Ở đây thấp cổ bé miệng làm sao nói được cho ai nghe. Nghĩ như thế tôi liền thu xếp về Saigon xem ra có thể giúp gì được cho Lý. Tôi dặn Tuệ nếu tối nay chúng không thả Lý thì đánh điện cho tôi biết. Còn nếu chúng thả Lý thì cũng đánh điện cho tôi biết.

Đợi mãi cho đến trưa hôm sau nữa điện tín mới về. Nội dung bức điện như sau: “Xin cho biết bệnh tình chị Diệu Âm có thuyên giảm không”. Tôi mừng rỡ vì có nghĩa là chúng đã buông Lý. Mà tôi đã dặn nếu Lý được ra thì phải cho Lý về Saigon ngay.

Lý về Saigon được ít lâu thì chứng nhức đầu tái phát. Hồi ấy, Nguyên Hưng đã ở Huế rồi. Tôi phải đưa Lý vào bệnh viện và phú thác cho Phượng chăm lo cho Lý. Cũng may mà Lý bình phục sau đó gần một tháng trời. Hôm tôi ra đi, Lý rất băn khoăn. Chính Lý cũng như mọi người đã khuyên tôi nên đi. Ở nhà cũng không làm được gì, Lý và cả Nguyên Hưng cũng nói như vậy. Lý có mua cho tôi một cuốn sách. Mãi đến khi sang bên này tôi mới mở ra xem. Trang cuối có hai giòng chữ của Lý:

“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát

thì tìm em nơi tận đáy lòng anh”.

 

Khi tôi phát giác ra hai câu ấy, tôi giật mình và lo sợ. Tình thế càng lúc càng căng thẳng. Chế độ đã tàn bạo nên bao nhiêu bất mãn và oán thù. Phương Bối đã coi như vượt khỏi tầm tay của chúng ta rồi. Lý đã tiên đoán một cuộc đổ vỡ ghê gớm. Tôi rùng mình, nghĩ đến ngày về, và tôi cầu nguyện cho những người thân yêu, cầu nguyện cho tất cả chúng ta.

Tuệ đã lại đi dạy học lại và chỉ về Phương Bối vài lần trong một tuần. Ấp chiến lược được thiết lập bên xa lộ. Ban đầu thầy Thanh Từ, Tuệ và dì Tâm Huệ còn nán ở lại, nhưng sau đó ít lâu, mỗi người cũng phải tản mát một nẻo. Thầy Thanh Từ cũng đã về Phú Lâm lâu rồi. Thanh Tuệ và dì Tâm Huệ cũng phải tạm trú ở Đại Hà thỉnh thoảng mới vào thăm Phương Bối. Tội nghiệp cho Thiền Duyệt Thất. Tội nghiệp cho nhà Thượng. Tội nghiệp cho từng lá cây ngọn cỏ.

Tôi nhớ trước ngày đi, tôi có lên Phương Bối thăm một cách đột ngột. Tôi ngủ lại một đêm. Buổi sáng hôm ấy trời đầy sương lạnh lẽo. Tôi giã từ thầy Thanh Từ, giã từ Phương Bối, giã từ những cuốn sách của tôi, tôi để lại cho thầy Thanh Từ một bài ngũ ngôn, như một bài chúc tụng như sau:

“Gối nhẹ mây đầu núi

Nghe gió thoảng hương trà

Thiền duyệt tâm bất động

Rừng cây dâng hương hoa

Một sáng ta thức dậy

Sương lam phủ mái nhà

Hồn nhiên cười tiễn biệt

Chim chóc vang lời ca

Đời đi về muôn lối

Quan san rộng hãi hà

Chút lửa hồng bếp cũ

Ấm áp bóng chiều sa

Đời vô thường vô ngã

Người khẩu Phật tâm xà

Niềm tin còn gửi gắm

Ta vui lòng đi xa

Thế sự như đại mộng

Quên tuế nguyệt ta đà

Tan biến dòng sinh tử

Duy còn Ngươi với Ta.

 

Thầy Thanh Từ xem xong rất cảm động. Tôi nói: “Tôi đi rồi lại về”. Và ở bên này có rất nhìêu khi tôi nhớ thầy, một hôm đọc Ngữ lục tôi thấy có câu:

Trương kiến kha kha tiếu

Viên lâm lạc diệp đa.

Và bất giác nhớ hình ảnh Phương Bối quá. Tôi dịch hai câu ấy ra như sau:

“Gặp nhau cười ha hả

Lá rụng ngập vườn rừng”

Có phải là khi nào đi từ cầu Mai đến đồi Thượng mà gặp nhau, chúng ta cũng thấy như thế phải không Nguyên Hưng?

Nhưng hết rồi, hết rồi, Phương Bối đã lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta rồi. Tội nghiệp cho từng gốc cây, từng bụi cỏ, từng lối mòn. Một người hiền hòa như thầy Thanh Từ mà cũng không được ngồi yên để tọa thiền trong lòng Phương Bối nữa! Chúng ta còn lại gì cho ngày mai? Mỗi người một ngả. Phương Bối đã tủi thân đến mức độ nào? Chiếc nhà Thượng có đứng vững được trước gió mưa cho đến khi chúng ta trở về hay không?

Nhưng mà Nguyên Hưng, không biết sao tôi cứ tin rằng chúng ta không bao giờ mất Phương Bối. Phương Bối vẫn còn đó, vẫn chịu đựng biệt ly cũng như tất cả chúng ta hiện đang mỗi người một nẻo, cũng chịu biệt ly. Phương Bối đã trở nên thực tại trong lòng người. Phương Bối đã chiếm chỗ linh thiêng trong lòng chúng ta. Ở bất cứ phương trời nào, nghe đến Phương Bối là ta cảm động. Bữa trước viết cho Mẫn tôi nói: “dù cho phong ba bão táp có đánh bạt chúng ta mỗi người một ngã thì niềm tin vẫn đưa chúng ta về trả lại cho nhau”.

Nguyên Hưng, Medford đã rét rồi. Bọn trẻ con đã về hết. Rừng Medford trở nên im lặng thêm. Tôi đã để nhiều thì giờ nghĩ đến Phương Bối. Và càng nghĩ tới Phương Bối tôi lại thấy tâm hồn tôi êm dịu hơn lên, giàu có hơn lên. Tôi tin giờ này ở khắp nơi những con chim của Phương Bối đều đang nghĩ về Phương Bối, rừng Medford đã cho tôi sống những giờ thanh tịnh. Mai mốt về đô thị, có lẽ trên hình bóng Phương Bối, tôi cũng sẽ thấp thoáng bóng của Medford…

 


Âm lịch

Ảnh đẹp