Thiền không phải là suy tư về những vấn đề triết học,
Steve ạ, nhất là lối suy tư với hy vọng tìm ra giải đáp. Thiền là gieo
những vấn đề lớn nhất của cuộc đời vào chính mảnh đất của bản thể mình,
của tâm hồn mình, của máu huyết và xương tủy mình. Thiền là nuôi nấng
bằng trọn con người mình - nếu quả thực mình có một vấn đề khẩn thiết.
Rồi thiền cũng có khi là một cuộc đấu tranh thập tử nhất sinh trong một
khoảnh khắc nào đó để được sống hay để được trở lại trong giòng lưu
chuyển sâu thẳm. Có những giây phút gian nan hiểm nghèo quyết định cả
một đời mình nhưng chẳng có ai hay ai biết. Mình hoàn toàn cô độc. Lại
có những buổi công phu phải quán tự tâm, khi thì những thắng lợi xẩy ra
liên tiếp, khi thì hiểm nguy đe dọa, khi thì thất bại nằm chết cứng một
mình. Nhưng mà Steve đừng nghĩ thiền là những thứ tôi vừa kể đó. Những
thứ tôi vừa kể đó thể chỉ để dành riêng cho tôi thôi. Để tôi nói chuyện
này cho Steve nghe. Hãy tưởng tượng chúng ta là những đứa bé con đi chơi
và gặp một ông già đang ngồi câu… trên một bãi cỏ xanh. Ông ta câu rắn.
“Bãi cỏ xanh mướt như thế này đáng lẽ có thể trồng bao nhiêu thứ hoa
đẹp. Nhưng mà có những con rắn nằm phía dưới. Lão phải câu tất cả chúng
nó lên, và đập chết hết, trước khi chúng ta có thể vun bón khu vườn”.
Rồi ông già kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm câu rắn của ông ta. Có
những con rắn con, nằm trong những cái hang con. Khi nhử chúng lên được
trên mặt đất thì chúng nằm quay ra chết, khỏi cần đánh đập gì hết. Lại
có những con rắn lớn. Câu chúng lên, phải cẩn thận. Nếu không đủ sức đập
chúng chết, chúng sẽ cắn mình trước, và mình ngã quỵ. Vì vậy phải biết
mình biết ta. Phải biết lúc nào mình đủ sức, lúc nào mình không đủ sức.
Lại có những con rắn cần được câu lên một lúc hai con, để chúng nó tự
tiêu diệt nhau, khỏi phải nhọc sức mình đánh đập. Chúng ta thích thú
nghe ông già kể chuyện và ngồi chứng kiến, tuy chúng ta có hơi sợ sệt.
Có nhiều lúc thiền định nó giống như vậy đó Steve. Dưới đáy tiềm thức
anh, từ vô lượng vô biên kiếp, đó là nói theo kiểu nhà Phật - có những
con rắn, hoặc những con ma, hoặc những con gì đó mà ta không thể gọi
tên. Có người gọi là triền là sử là tập. Chúng nằm
ở đó và chúng chi phối. Vậy muốn được tự do ta phải mời chúng lên chơi
trên mặt phẳng ý thức. Cũng không phải là để đánh đập chúng như trường
hợp ông già câu rắn kia đâu. Chúng tôi cần nhận diện chúng, đối thoại
với chúng, và nói với chúng rằng chúng ta không sợ chúng, bởi chúng ta
là bạn chúng. Thế mà rồi chúng sẽ trở nên dễ thương hết chỗ nói đó
Steve. Còn nếu không thì chúng vẫn tồn tại như là những mối đe dọa
thường nhật của mình. Điều cần yếu là mình không nên sợ đối diện chúng.
Và chỉ cần cẩn thận, biết lúc nào là lúc mình có thể mời chúng đến chơi.
Thế thôi. Nghĩa là mình phải sẵn sàng. Thiền là sẵn sàng. Cũng gần như
hướng đạo sinh vậy. Phải sẵn sàng. Nhưng mà muốn sẵn sàng thì phải có
công phu sắp sẵn. Ví dụ bây giờ có người nói với Steve: tôi cho anh biết
độ hai ngày nữa thì anh chết. Nếu Steve tin người đó chắc là Steve sẽ
cuống lên. Bởi vì Steve không sẵn sàng. Không phải là không sẵn sàng để
chết mà là không sẵn sàng để mà có phản ứng thông minh nhất đối với cái
ý tưởng kia. Cũng như bây giờ người ta cho biết cái cô Hạnh Trí Tử mỹ
miều kia không chịu yêu Steve nữa và đã đi theo một người con trai khác,
thì Steve cũng thấy rõ là mình chưa sẵn sàng để mà đối phó với một ý
tưởng như vậy. Và không sẵn sàng cho nên Steve sẽ không biết đặt chân
đặt tay vào đâu cho phải khi xúc sự. Và Steve chuốc lấy nhiều khổ
đau.
Lý do
quan trọng nhất khiến cho Steve không sẵn sàng là sự sợ hãi những ý
tưởng đó, sự ghét bỏ những ý trong đó. Steve không thích nghĩ đến cái
chết của mình cũng không khí thích nghĩ đến cái phụ bạc có thể có của
Hạnh Trí Tử. Xin lỗi Steve nhé, tôi lấy ví dụ chơi vậy mà thôi. Vì không
thích, cho nên Steve cứ dìm chúng xuống dưới cát để có cảm tưởng là
chúng không thể có. Nếu bây giờ Steve mời chúng nó ra trình diện và cười
với chúng, thế là mọi việc xong xuôi. Nhưng mà cũng không dễ lắm đâu,
hỡi người bạn trẻ tuổi của tôi.
Mới
hôm đầu tháng đây đi qua Giác Minh tôi ngạc nhiên thấy Lý ngồi trong
phòng khách, hai tay bị còng lại. Thứ còng có khóa rất chắc. Xung quanh
Lý các bạn bè ngồi đông toàn là những nhà văn, nhà báo. Báo của Lý bị
đóng cửa từ mấy tháng nay rồi, nhưng mà Lý vẫn tiếp tục cuộc vận động dư
luận, không chịu thua. Chúng lùng bắt Lý. Đã có lần Lý cải trang đi tạm
trú ở miền Gia Định. Khi Lý trở về xin tạm trú ở Giác Minh, không ai cho
phép Lý đi ra khỏi chùa. Thế mà hôm đó tự dưng Lý ra khỏi chùa. Lập tức
hai người lạ mặt đến xốc tay Lý kéo đi. Lý la lớn lên. Người bên đường
đổ xô lại. Hai người lạ mặt vội vàng áp Lý tới cột trụ xe buýt và khóa
còng hai tay Lý vào rồi lẫn mất. Những người bên đường xúm lại đưa bổng
Lý lên cao luồn tay ra khỏi cột. Và với hai tay bị còng như thế, Lý trở
về Giác Minh, yêu cầu gọi các bạn lại. Có người đang đi gọi thợ sắt để
chặt chiếc còng. Cổ tay Lý đỏ bầm. Thấy tôi, Lý cười. Cổ tôi khan lại,
không nói ra tiếng. Như thế này thì còn trời đất gì nữa. Giữa ban ngày
ban mặt, lúc một giờ trưa, ngay trong khu đông đảo nhất của thành
phố.
Steve
ơi, chúng tôi đang tiếp tục đi tới đây. Những sẽ gì xảy ra cho chúng tôi
ở đàng kia, chúng tôi chưa biết. Nhưng chúng tôi đặt niềm tin ở khả năng
con người, dù con người có tỏ ra ác độc đến mấy đi nữa. Kẻ thù của chúng
ta không phải là con người; kẻ thù của chúng ta là vô minh, là cựu
thù.
Thôi,
để tôi đưa Steve vào làng thăm để quên đi trong giây lát tất cả những
vấn đề gay go đó. Steve xem, đây cũng là một làng nước mặn, thành ra vấn
đề nước uống là một vấn đề lớn lao của làng. Người ta phải “đổi” một đôi
nước tới ba đồng bạc, khi xe nước ngọt chèo tới và dân làng đem thùng và
quang gióng ra để “đổi”. Người ta dù chữ “đổi” để khỏi dùng chữ “mua”,
bởi vì nếu có người “mua nước” thì phải có người “bán nước” điều mà
không ai muốn xảy ra cả. Steve xem, người dân quê yêu nước biết chừng
nào! Steve đi qua con đê này và rẽ về phía bên trái. Cái hồ nước xây
bằng đá này có thể chứa sáu thước nước, do dân làng góp và xây nên với
sự trợ lực của chúng tôi. Một cái đơn do dân làng ký đã được bộ Công
Chánh chấp nhận. Thế là lâu nay cứ mỗi tuần ba lần xe Công Chánh về ghé
đổ nước ngọt vào hồ nước. Dân làng chỉ có việc ra gánh.
Tuy
vậy vấn đề nước chỉ khó khăn trong mùa nắng thôi Steve. Về mùa mưa, nước
sông trở thành nước ngọt và nước mưa hứng được có thể dùng dư dả. Đám
đất lớn phía tay trái kia đã được dân làng khai phá trồng trọt; hoa mầu
được chia đều cho nhau dù đó không phải là đất của người trong làng. Đất
đó là đất chính quyền bỏ hoang từ bao nhiêu năm. Có những thứ cây cối có
thể chịu được nước mặn, nhưng mà có những thứ cây phải chờ đợi đến mùa
mưa mới có thể trồng trọt được. Bé Lê ở trong làng bảo là có những cây
bầu, cây bí nếu ta tới từ nước sông (mặn) pha với nước mưa (ngọt) cho
chúng thì chúng cũng quen dần với nước mặn và cuối cùng có thể chấp nhận
được nước mặn. Cũng hay nhỉ. Steve có muốn về đây để tôi tưới cho một ít
nước mặn, xem thử cậu có chấp nhận được không nào?
Dân
làng đã bắt đầu trồng nấm rơm để bán theo phương pháp chỉ dẫn. Nhưng mà
rơm năm nay đắt rồi; số ruộng được canh tác giảm xuống thật nhiều trong
toàn quốc. Phải để dành rơm cho trâu bò ăn, nhất là trâu, cho tới mùa
gặt mới. Có nhiều gia đình đã thực hiện chương trình nuôi gà, và họ đã
thành công. Ban đầu, khi chúng tôi đề nghị nuôi gà, nhiều nhà lắc đầu.
Gà của họ nuôi chết hoài. Họ nói: đất nước mặn, gà đi kiếm ăn cứ bị bệnh
chết. Chúng tôi biết không thể thuyết phục họ bằng lời, nên tự xuất vốn
nuôi một trăm con gà bằng lồng úm. Chúng tôi mượn nhà bé Lợi để thực
hiện công tác trình diễn chứng minh. Bé Lợi chưa bao giờ thấy một cái
lồng nuôi gà có hệ thống lò sưởi, nên tò mò lắm. Chúng tôi sưởi lồng
bằng đèn bão. Gà con thì chúng tôi mua giống New Hamsphire. Thực phẩm
của gà chúng tôi mua nhiều bao lớn đã được trộn sẵn. Những con gà con
lớn lên mau như thổi. Chúng tôi theo đúng phương pháp chăm sóc, vệ sinh
cho gà, nhỏ thuốc lỗ mũi cho gà, vân vân… Sau đó ba tuần, chúng tôi bắt
đầu đem dụng cụ về làng đóng những chuồng gà tơ và gà giò. Bởi vì không
mấy lúc nữa, gà con trở thành gà tơ. Nhà của bé Lợi luôn luôn có khách
ra vào. Bác Ba, thím Tư, bà Bảy ai đến thăm cũng ngạc nhiên khi thấy gà
lớn như thổi mà không chết con nào. Một đồn mười. Thế rồi chúng tôi được
hỏi ý kiến. Năm ba gia đình quyết định nuôi gà để kiếm tiền lợi tức.
Mọi
công tác ở các làng thí nghiệm đều được thực hành theo kiểu đó nghe
Steve. Ban đầu thì phải nghiên cứu về tình trạng chung của làng về các
mặt y tế, giáo dục, kinh tế, xã hội. Rồi tùy theo tình trạng mà bắt đầu
công cuộc cải tiến. Phải đánh thức ước muốn của dân làng dậy bằng những
công tác trình diễn chứng minh. Và tự nhiên dân làng hưởng ứng. Tuy vậy
cũng công tác đầu phải làm ở nhiều làng vốn không phải là những công tác
y tế và giáo dục. Trong thành phần giảng viên của trường Xã Hội, có một
vị tăng sĩ mà chúng tôi gọi là thầy Tám: vị này chứng tỏ một khả năng
thu phục nhân tâm rất lớn. Chúng tôi đôi khi cũng gọi đùa thầy là “bách
khoa tự điển” bởi vì ông biết thật nhiều chuyện. Có lẽ chuyện gì ông
cũng biết. Từ tiếng Pháp tiếng Anh, tiếng Miên cho đến thuốc Tây, thuốc
Bắc, thuốc Ngoại Khoa; từ việc trồng cam trồng bưởi cho đến việc gieo
hạt bí hạt bầu, từ dạy học cho đến coi sóc công trường kiến trúc. Chính
ông sẽ coi sóc họa đồ và điều khiển việc xây cất trường Xã Hội của chúng
tôi. Trong một làng thí điểm kia, mỗi lần thầy Tám về, ông chỉ mang theo
một cái gói nhỏ trong đó có đựng cau, trầu, một ve dầu gió bạch tượng,
vài trái chanh, một ít bông gòn và vài cái kim. Thế mà được việc bằng
mấy các cô cậu khác. Ban đầu thì thầy tìm tới nhà một người bị bịnh ban,
một cậu bé chẳng hạn. Thầy cạo gió, và nếu cần thì “cắt”. Cắt có nghĩa
là chích lễ, một loại châm cứu giản dị. Thầy dùng lá trầu hoặc một múi
chanh. Ít khi thầy dùng tới thuốc uống hay thuốc chích. Mà lạ quá, người
bịnh nào được thầy “hành nghề’ cũng mát ra, và qua được cơn nóng. Tài
thật. Thế rồi thầy mở khăn gói ra, ngồi trên bức ngựa, lấy trầu nhai bỏm
bẻm, mời mọi người trong gia đình. Rồi thầy nói chuyện mưa gió, mùa
màng, thời tiết. Chuyện gì thầy nói cũng hay, thế mới lạ chứ. Dân làng
mê thầy. Và hàng xóm ai bị bệnh đều mời thầy tới. Hầu hết cả xóm đều là
người chịu ơn thầy, một cái ơn nhỏ nhưng mà thật bền chặt. Và thầy đề
nghị cái gì, dân làng cũng sốt sắng hưởng ứng, Steve ạ. Ở mỗi làng Việt
Nam đều có một ngôi chùa và một ông thầy chùa. Nếu thuyết phục được ông
thầy theo phong trào cải tiến nông thôn thì chắc là không bao lâu phong
trào phải thành công. Khỏi phải tâm lý chiến, ấp chiến lược gì lôi thôi.
Có phải không. hiện giờ chúng tôi rất cần chuyên viên, và chúng tôi phải
lo đào tạo. Lấy kinh nghiệm của thầy Tám, công tác đưa vào chương trình
học tập của trường môn thực hiện ngoại khoa. Người công tác viên xã hội
sau này cần phải nói chuyện hay như thầy Tám, đến với dân làng dễ dàng
tự nhiên như thầy Tám. Điều đó quan trọng hơn những kiến thức có tính
cách bác học mà thiếu giá trị thực dụng. Khinh thường kho tàng kinh
nghiệm của dân quê tức là mua chuốc lấy thất bại. Phải xem kỹ thuật mới
như một cái gì đi đến bổ túc, chứ không phải để bài bác, những kinh
nghiệm và phương pháp truyền thống. Chúng tôi có ý muốn kết nạp những
thanh niên nam nữ gốc ở hương thôn hơn là ở thành thị, bởi vì họ có khả
năng hiểu biết và đến với người dân nông thôn dễ dàng hơn.
Ngôi
trường mà Steve thấy đây không phải là không có một lịch sử kỳ thú đâu
nhé. Ban đầu, một cộng tác viên về làng, và làm quen với vài em bé trong
lúc chơi đùa, câu cá, hát hò. Rồi anh công tác viên đó hỏi thăm về sự
học hành của các em, và rốt cuộc là các em bằng lòng để hco anh dạy cho
mà học thay vì đi chơi rong suốt ngày. Họ ngồi dưới gốc cây, kê một tấm
gỗ để viết chữ. Thế rồi chỉ một tuần sau, số học trò tăng lên mười mấy
em. Một “bác” phụ huynh thấy thương, liền gọi tất cả vào nhà ngồi học.
Họ được phép sử dụng bức ngựa bên chái. Thế là họ tách năm tấm ván ra,
lấy gạch kê làm năm chiếc ghế dài. Còn dư chỗ cho bốn năm em. Mấy tuần
sau trẻ em tới đông thêm. Không khí học tập vui vẻ hăng hái. Phụ huynh
mừng rỡ thấy con mình được học để sau này có “dăm ba chữ”, khỏi thua kém
con người ta. Họ thương thầy giáo lắm. Steve biết sao không, ở Việt Nam
chúng tôi chịu ảnh hưởng Nho giáo khá sâu đậm. Ngày xưa, ông vua là quan
trọng hơn hết, rồi mới đến ông thầy, rồi mới đến ông cha. Quân, Sư, Phụ
tức là “tam cương”. Chắc chắn là Steve biết dư điều đó, tôi khỏi cần
phải xổ nho ra nữa. Vì vậy địa vị của ông hương sư rất là quan trọng,
bởi vì ông ấy thay thánh hiền để dạy chữ nghĩa đạo đức cho con cháu. Cho
nên người công tác viên xã hội nếu bắt đầu bằng công tác giáo dục, sẽ
chiếm được chỗ khá tốt trong lòng người dân làng. Nhất là khi anh có thể
dạy cho trẻ em thêm phép tắc ngoan ngoãn. Anh được các môn đệ bé tí của
anh mời về nhà chơi, và cha mẹ các môn đệ ấy bao giờ cũng đón tiếp
“thầy” của con mình một cách niềm nở. Thế là anh có dịp tuyên truyền cho
chương trình cải tiến sinh hoạt nông thôn, một cách gián tiếp và kín
đáo, cố nhiên, và tiếng nói của anh sẽ rất dễ lọt vào tai người đã sẵn
có cảm tình với anh.
Khi
học trò đông quá mà chỗ học thiếu thốn, các phụ huynh họp lại để giải
quyết vấn đề trường ốc; có khi họ tự động làm như thế mà khỏi phải có ý
kiến của người cộng tác viên. Một buổi họp như thế cố nhiên đưa đến kết
quả là sự quyết định dựng một ngôi trường cho làng. Và người thì cho
tre, người thì cho gỗ, người thì cho gạch, người thì cho công. Vật liệu
không hiếm. Ban đầu chỉ cần là trường bằng tre, tranh và đất thôi. Khi
mà dân làng ý thức được sự cần thiết, thì tự nhiên khả năng của thôn quê
để tự cải tiến trở nên lớn lao. Người dân không nghèo như họ tưởng hay
như chúng ta tưởng, ít nhất là trong tiềm năng của họ và của xứ sở họ.
Đó, cái ngôi trường bốn gian mà Steve thấy đó là của chính họ làm ra. Họ
không cầu xin của Chính phủ hay của viện trợ một xu nào. Hiện giờ đã có
tới hai giáo viên là người làng, những giáo viên khác cũng sẽ thay thế
bằng dân làng khi điều ấy trở thành có thể.
Có năm
sáu thanh niên nam nữ trong làng tham dự sốt sắng vào công việc xây dựng
và cải tiến. Có một cậu mười lăm tuổi tên là Mười - có thể nói nó là một
cộng sự viên đắc lực. Cha của Mười mất rồi. Mẹ nó cũng vậy. Mẹ của nó
bây giờ là mẹ ghẻ. Nó có một đứa em gái chín tuổi rất kháu khỉnh dễ
thương, cùng cha khác mẹ. Nó làm nghề “cày đáy” nghĩa là chài lưới. Từng
đó tuổi mà gánh vác việc gia đình như một người lớn. Và nó cũng cư xử
như một người lớn. Steve biết không, buổi sáng trước khi cho thuyền đi,
nó cũng uống rượu “cho ấm bụng”. Và những buổi chiều thuyền về, trong
khi em nó lo bán mẻ cá, nó ngồi “nhâm nhi” be rượu, khề khà như một ông
lão. Tội nghiệp quá. Việc làm thì nặng nhọc. Bà dì ghẻ thì không ấm áp
ngọt ngào. Không có một thứ giải trí lành mạnh nào. Không có phòng đọc
sách, không có đàn hát, không có truyện kiếm hiệp, không có hội hè, bạn
hữu đồng điệu, không có thể thao, bóng chuyền, bóng bàn… Chỉ có uống
rượu và đánh bạc. Em gái nó, con Mười Một, là học trò trường Chim Sơn
Ca. Có một hôm tới trường hai mắt đỏ hoe. Cô giáo hỏi vì sao. Nó nói anh
nó bỏ nhà đi gần một tuần nay không chịu về. Hỏi nó thằng Mười đi đâu.
Nó nói: nghe người ta nói anh nó xin vô làm công trong hãng sắt nguội
trên Saigon. Khi tôi nghe câu chuyện, tôi nói. Chết rồi, thằng bé bị đô
thành quyến rũ mất rồi. Để em nó lại đây ai nuôi. Hay là để cho cái bà
dì ghẻ thiếu cảm tình ấy? Nó, nó thương em nó hơn là mẹ con bé
thương.
Hơn
một tháng sau, cô Chín, một trong các hướng dẫn viên thực tập ở làng,
gặp Mười đang đi trên một con đường miệt Hàng Sanh. Mới đầu Chín không
nhận ra nó, bởi vì nó mặc áo sơ mi rằn ri và quần cao bồi. Nó đi với một
thằng bạn có vẻ mặt rất là Saigon. Có vẻ mặt Mười thì vẫn còn mang cái
nét thơ ngây non non dại dại nhà quê. Con mắt nó vẫn còn chứa đựng sự
ngơ ngác. Chín đã tới và hỏi: Có phải em là em Mười không. Nó thấy Chín
thì mừng và nói: “Phải. Chị đi đâu vậy”. Và nó nói với thằng bạn. “Thôi
mày đi chơi một mình đi, để tao gặp người quen”. Chị Chín đưa nó vào một
quán cà phê. “Này Mười, bộ lâu nay em đi làm được nhiều tiền lắm hả”.
“Đâu mà có, chị. Làm ở sắt nguội cũng đủ ăn mà thôi, không hơn gì ở
làng”. “Vậy tại sao em bỏ làng mà đi”. “Tại buồn lắm chị Chín ơi. Cả đời
như vậy hoài không có gì vui hết. Rồi mai mốt em đi lính, thế là xong”.
“Vậy chớ em để con Mười Một một mình à? Mày không thương em mày sao, hả
Mười?” Nó yên lặng, lúng túng. Chín không khuyên nó trở về làng ngay, mà
chỉ hỏi xem nó làm tại hãng nào để thỉnh thoảng lại thăm. “Em làm ở sở
B.S. gần Đakao đó chị”. Chín hẹn trưa thứ bảy tới đón nó đưa về làng
thăm em. Nó nhận lời.
Từ đó
ở làng có những buổi văn nghệ do học sinh tổ chức với sự tham dự và
hướng dẫn của các giáo viên, các người bạn trẻ của làng từ các nơi tới.
Có khi học trò trường Tình Thương bên làng Thảo Điền qua tổ chức, rồi
thì học trò bên này đáp lễ. Muốn tổ chức “văn nghệ” lúc nào cũng được.
Dân làng lớn tuổi mà cũng tham dự thật tình. Nhiều người biết ca sáu câu
vọng cổ. Những buổi chiều mát, ở gốc cây dừa. Những buổi sáng trăng. Tủ
sách của làng bây giờ có nhiều sách đọc giải trí. Và vô số tiểu thuyết
kiếm hiệp. Lại có cả trọn bộ “Cô gái Đồ Long”. Buổi tối trong gia đình,
tiếng thỏ thẻ của các em bé đọc tiểu thuyết Tàu tạo nên một không khí ấm
cúng. Rồi thì có bóng bàn, bóng rổ. Các ông “cụ non” trong làng bắt đầu
say mê những thứ giải trí mới, và bỏ dần uống rượu đánh bạc. Chị Chín
dọa các cậu “Tôi sẽ xúi con gái ở các làng bên không thèm lấy các cậu.
Lấy các cậu để rồi các cậu rượu chè be bét làm khổ gia đình ấy à. Mới
mười ba, mười lăm tuổi mà đã uống rượu”. “Đừng làm ác, chị Chín à; có
cậu trả lời. Mà thiếu gì con gái. Tụi tui sẽ đi cưới con gái làng thật
xa. Nhưng mà nói chơi đó chị Chín. Buồn thì tụi tui uống chút chơi, chớ
có say sưa gì đâu. Bữa nay có giải trí lành mạnh rồi thì không uống nữa
cũng được”.
Cậu
Mười của chúng ta ngày nay đã trở về làng rồi. Khỏi phải nói, con em gái
nó mừng hết sức Mười cũng đã trở lại nghề chài lưới. Những thời gian còn
lại trong ngày, nó dùng để hoạt động cho phong trào làng. Nó có vẻ đàn
anh lắm. Bọn trẻ con rất thích. Nó thích tổ chức thiếu nhi nông thôn,
thích chơi bóng chuyền; nó tập đánh đàn măng-đô và rất say văn nghệ.
Giọng nó không tốt lắm, nhưng nó rất ưa ca hát.
Steve
ơi, tôi là người rất tha thiết đến việc làm làng nhưng mà tôi thấy tôi
thua kém thầy Tám cô Chín và rất nhiều người khác. Nhìn những thắng lợi
liên tiếp của những người trẻ có lòng kia, lòng tôi thấy phấn khởi và hy
vọng hơn. Thì ra rôi là người được thừa hưởng cái kết quả trước hết, chớ
không hẳn đã là người dân nông thôn. Anh được yêu mến, được chấp nhận,
được tin cậy. Anh lại sống có hy vọng, có ước mơ. Thế thì anh còn đòi
hỏi gì nữa. Chính anh là người thừa hưởng công trình của anh trước hết,
bất cứ thứ công trình nào mà anh có thể gọi là công trình. Điều đơn giản
đó, gieo ngô được ngô, gieo đậu được đậu, thế mà cũng phải lao đao lắm
mới chứng thực được nó.
Steve
ơi, cái không khí Phương Bối phãng phất ở đâu đây, trong khi chính
Phương Bối thì bị cô lập hóa trên miền núi rừng Bsu-Danglu lặng lẽ. Có
lẽ vì có những con chim cũ của Phương Bối hay lui tới, nhất là ở những
làng quê như làng này. Mà có lẽ là tại Phương Bối ngự trị nơi lòng của
mỗi người. Phương Bối là tình yêu. Là hy vọng. Một ngày nào đó chúng tôi
mong sẽ được đoàn viên trong chiếc nôi bông đá, hoa rừng và cỏ dại ấy.
Những khu làng tương đối yên tĩnh như khu làng này ngày mai có còn được
yên tĩnh nữa không? Sự dựng xây phải được thực hiện từng chút từng chút
với tất cả công phu. Những sự phá đổ thì không cần đi từng bước một. Một
vài phút, một vài giờ đồng hồ, thôi thế là tất cả tiêu tan. Chiến tranh
không tôn trọng một giá trị nào, kể cả những giá trị truyền thống và
nhân dân. Và nhất là nó tiêu diệt hy vọng…