STEVE ơi, cái nhà của mình ở đường 109 đã được trả lại
cho người ta rồi phải không? Thương quá đi! Chúng ta đã trải qua biết
bao nhiêu vui buồn trong đó. Và đối với tôi, tôi không bao giờ có thể
quên được bất cứ một chi tiết nào trong nó. Steve không nói nhưng tôi
biết là sau khi tôi đi rồi Steve đã phải bắt buộc trả lại cái nhà đó để
đi mướn một gian phòng khác, bởi vì một mình Steve làm sao trả được tiền
nhà, tiền điện, tiền nước, và bao nhiêu thứ lặt vặt nữa liên hệ tới một
cái nhà.
Nơi mà
tôi đang ngồi viết cho Steve đây là một ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước,
một thứ cây mọc đầy ở rạch, các bưng, các vũng sình lầy ở miền Nam nước
Việt. Vách của nó được trộn bằng đất bùn trộn lẫn rơm khô. Kín lắm, và
cũng đẹp nữa. Chắc chắn là Steve chưa bao giờ thấy những cái vách trát
bùn như vậy. Trước hết người ta lấy tre chẻ ra, gọt hai đầu, lắp vào các
cây cột gỗ quanh nhà rồi lấy lạt buộc lại thành những tấm lưới tre chắc
chắn. Sau đó đất bùn được lấy dưới sông lên, trộn với rơm khô. Bữa ấy
tôi có yêu cầu các bác nông dân pha thêm tí xi măng vào cho chắc. Người
ta lấy rơm bùn quấn vào các nẹp của tấm lưới tre cho các mắt lưới được
bịt kín lại và cuối cùng lấy đất bùn trét lên cho phẳng. Những cái vách
khi khô rồi cũng trắng bệch ra, nom rất đẹp. Ở đây là đồng quê, gió lộng
nhiều, nhất là vào buổi chiều, nên làm vách như thế này thì kín và ấm
lắm. Bây giờ là buổi sớm mai. Tôi ngồi viết trước một chiếc cửa sổ ngó
ra đồng. Nắng vừa lên phía bên trái là đồng lúa còn con gái. Trước mặt
cách tôi chừng năm trăm thước là một cái rạch sình lầy xanh um lá dừa
nước. Bên phải có xóm làng với những cái chuồng trâu cao ráo, sát ngay
rạch dừa nước. Đất miền này nhiều phèn lắm, và nhằm mùa nắng vấn đề nước
uống là một vấn đề gay go. Tuy gần sông, nhưng mà vào mùa nắng thì nước
mặn. Ở đây chỉ cách Saigon chừng mười cây số nhưng đã yên tĩnh và dễ
chịu hơn Saigon nhiều lắm rồi. Tôi về đây từ hồi hôm. Dạy học ra muộn
cho nên tới đầu cầu giáp giới của làng thì đã thấy trăng tròn nằm trên
đọt cây dừa trên sông rồi. Gió trên cầu mát rượi. Tôi đi thong thả vào
làng. Ở Việt Nam, những làng như thế này là tương đối an có an ninh lắm.
Tôi đã vừa được ngủ một đêm thanh tịnh ở vùng quê. Tuy thỉnh thoảng
tiếng súng trong đêm vẫn nghe rõ mồn một.
Khu
vực nhà tôi đang nói cho Steve nghe đây là một thí điểm làm “làng” của
chúng tôi được khởi sự vài tuần lễ sau ngày tôi về tới quê nhà. Chúng
tôi gọi nó là “làng tự nguyện đầu tiên”. Đó là mẫu làng mà chúng ta đã
bàn bạc nhiều với nhau trong lúc rỗi rảnh đó, Steve. Bây giờ nó đã thành
sự thực. Ba tiếng “làng tự nguyện” gợi cho chúng ta hình ảnh một khu
làng mà trong đó dân chúng tự tổ chức lại nếp sống kinh tế, giáo dục và
y tế của họ theo xn tiêu chuẩn phát triển cộng đồng. Họ chấm dứt thái độ
tiêu cực và trông chờ, phải có những người bạn có óc tổ chức, có kiến
thức căn bản về sinh hoạt xã hội nông thôn sống ngay trong xóm làng, làm
chất men cho tinh thần tự nguyện phát khởi. Ở khu làng thí nghiệm này,
chúng tôi đã được dân làng chấp nhận như anh em bà con của họ, cái nhà
mà tôi đang ở đây là một cái nhà bốn gian, ba gian là trường học, một
gian là trạm y tế. Tất cả đều do các nông dân trong làng tạo dựng, với
sự có mặt của chúng tôi. Nói cho đúng, chỉ có hai người con trai là Tâm
Quang và Tâm Thái là ở thường trực trong làng, còn tất cả chúng tôi chỉ
về thỉnh thoảng để học hỏi và thực tập. Chúng tôi cũng vừa mới mở một
địa điểm thực tập khác, không xa lắm. Đây là ấp Thảo Điền.
Chắc
chắn nếu Steve có ở đây thì Steve sẽ thích lắm. Nhưng mà Steve chưa thể
qua đây được đâu. Hãy học cho xong chương trình mà em đang theo đuổi đã.
Tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề để cho Steve qua đây theo học tại trường
đại học Saigon để tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Nhưng mà sau tôi
nghĩ: Steve phải học xong chương trình ấy trước khi qua. Vấn đề không
giản dị như chúng ta đã bàn với nhau ở Nữu Ước. Sự có mặt một người Mỹ
như Steve trong nhóm chúng tôi hiện bây giờ chưa có lợi gì cho công
việc. Và nhận thức của quần chúng về vấn đề cố nhiên là chưa chín chắn
gì cả.
Steve,
tôi về tới phi trường Tân Sơn Nhất vào một buổi trưa nóng bức. Đáng lẽ
tôi tới Saigon chậm hơn thế, vì theo lộ trình đã định sẵn, máy bay của
chúng tôi phải ghé Vọng Các trước. Nhưng sương mù không cho phép máy bay
ghé xuống Vọng Các và do đó tôi tới Saigon sớm hơn một tiếng đồng hồ.
Khi bánh xe máy bay chạm đất, tôi thấy lòng rung động. Phương Bối chỉ
cách đây chưa đầy hai trăm cây số! Bốn giờ đồng hồ xe hơi thì tôi có thể
trở về. Trở về với miền rừng núi quen thuộc với chiếc nôi mây êm đềm đã
từng che chở cho chúng tôi trong một thời gian bão táp, đã từng un đúc
và nuôi dưỡng chúng tôi trong bao năm tháng rộng dài.
Sau
một thời gian gần ba năm trời sống trong một khung cảnh khác hẳn với xã
hội Việt Nam, tôi đa trở về và đã được thức tỉnh lại một cách đầy đủ
bằng những hình bóng thật quen thuộc, thật giản dị. Dọc theo con đường
dài từ phi trường Tân Sơn Nhất về nhà, tôi chứng kiến lại một cách hiện
thực tình trạng chậm tiến của xứ sở này. Những dãy nhà còn lụp xụp ngỗn
ngang, đầy nhóc những người, những bác xa phu cong lưng đạp xích lô, mồ
hôi nhễ nhại. Tôi còn nhớ rõ cái lưng áo rách toang của một bác xa phu.
Bác này uể oải đạp một chiếc xích lô cũ kỹ không có khách. Chắc chắn là
bác đã ngồi trên yên quá lâu nên hai mông của bác đã đau và mỏi. Bác
đang ngồi trên một cái mông để cho mông bên kia được thong thả, và do đó
bác chỉ đạp xe bằng một cái chân trái. Thỉnh thoảng bác mới thay sang
bên kia và đạp xe bằng chân này cho đến khi nào có khách gọi bác mới
phanh lại và ngồi ngay ngắn để đưa khách. Tôi thấy bọn trẻ con ở trần và
chạy chơi chân đất trên hè phố. Tôi trông thấy những đống rác, những xe
nước mía, những chiếc xe gắn máy vừa chạy vừa rú lên như những con vật
dữ bị thương. Thành phố Saigon đây rồi, thành phố Saigon lấm tấm mang
thêm một cách vụng về những nhà lầu những căn phố có đường nét và mầu
sắc Mỹ. Dân nông thôn đã đổ xô lên Saigon quá nhiều. Chắc chắn là vùng
quê ít chỗ có được an ninh. Những hình ảnh đó khiến tôi nao nao. Việt
Nam đang ở trong một giai đoạn lịch sử quyết liệt. Không biết chúng tôi
có thể làm được cái gì để đóng góp vào trong cái hướng đi mới của một
dân tộc vừa thoát khỏi một chế độ độc tài hay không.
Steve,
ngay tối hôm đó, tôi phải nghe nhiều chuyện buồn rồi. Ngồi ở chùa Trúc
Lâm với mấy mươi người bạn trẻ tuổi, tôi đã lắng tai nghe những câu
chuyện không lấy gì làm vui lắm ấy. Những người quân nhân đã không biết
cách nắm lấy cơ hội và khí thế dâng lên của quần chúng để tạo một sức
mạnh đi tới. Những người tăng sĩ Phật giáo, choáng ngợp bởi thái độ khâm
phục và mến chuộng của quần chúng đối với đạo Phật đã trở nên tự thị tự
mãn đáng ghét. Thật là một hiểm họa cho đạo Phật. Một cuộc pháp nạn thứ
hai đang khởi đầu mà ít ai biết đến. Người trí thức, người thanh niên
sau khi khám phá ra tiềm lực đạo Phật trong quần chúng, đã tìm tới với
những vị tăng sĩ, và đã thất vọng… Một số đông đảo những người có tham
vọng, những người theo cơ hội chủ nghĩa, đã đến tràn ngập tự viện và bao
quanh những nhà lãnh đạo Phật giáo. Sự có mặt của họ xung quanh các thầy
đã khiến người trí thức và những người có lòng đặt những câu hỏi. Rồi
thì Phật giáo, chính Phật giáo trong cơ hội ngàn năm một thuở của nó,
cũng không biết tìm cách để tự phát triển và đống góp phần mình vào cho
sự tạo nên một nẻo thoát cho tình trạng đã từng bế tắc trong gần hai
mươi năm qua.
Tôi đã
ngồi nghe họ rất lâu, Steve. Rồi tôi an ủi họ. Chúng ta đừng thất vọng.
Chúng ta sẽ đóng góp phần của chúng ta. Sức chúng ta bé nhỏ, nhưng lòng
của chúng ta không bé nhỏ. Hãy tự biến mình thành một chút men để dậy
lần lần khối bột to lớn. Chúng tôi đã thức trọn đêm đó, chia xẻ vưói
nhau những lo âu, những hy vọng. Những ngày ở lại Paris tôi đã phải đầu
tắt mặt tối với các bạn bên ấy. Tiếp đó là một chuyến đi mệt nhọc và một
đêm thức trọn. Tôi mệt mỏi quá và đã ngủ suốt một buổi sáng kế tiếp. Đến
mười một giờ trưa, tôi mới dậy để ăn “điểm tâm” do Toàn sửa soạn.
Steve
ơi, chiều ngày hôm ấy tôi đi thăm những gốc cây, những bụi tre của chùa
Trúc lâm và nghe Toàn kể chuyện Sen Hái Đầu Mùa và những hoạt
động của các bạn trẻ trong thời tôi vắng mặt. Buổi tối ấy lại có một
cuộc họp mặt thứ hai, và trong cuộc họp mặt này chúng tôi đã tìm ra được
một vài nguyên tắc để làm việc. Sáng hôm sau, tôi một mình tìm về Phương
Bối, mang theo một cái xắc nhỏ. Tôi tìm một chiếc xe Minh Trung ở bến xe
đường Pétrus Ký và thoải mái thoát khỏi Saigon. Những cánh rừng, những
vườn cao su, và những cánh rừng khác nữa. Rồi Định Quán. Rồi núi, rồi
đèo, và cuối cùng rừng B’su Danglu hiện rõ trước mặt Đại Lão Sơn,
Đại Lão Sơn quen thuộc đã tới gần. Tôi bảo xe ngừng ở cây số 190 và ung
dung xách túi leo lên ngọn đồi bên trái. Qua đồn điền Đại Hà, tôi ghé
vào. Không có ai ở nhà cả. Đồn điền có vẻ hoang vắng. Chắc gia đình bác
Đại Hà đã để lại một vài người làm công để coi sóc nhà cửa và vườn tược.
Những người này có lẽ là đang ở ngoài vườn. Tôi đưa tay lên miệng hú vài
tiếng nhưng không có ai trả lời cả. Tôi xách túi tiếp tục leo qua chiếc
đồi thứ hai. Lau lách choán cả đường đi. Con đường quen thuộc ngày xưa
nay có vẻ hoang vắng lạ thường. Rừng có vẻ huyền bí hơn và nguy hiểm
hơn. Vượt khỏi khu rừng xanh tôi bắt đầu trèo đến cái dốc cao nhất. Cầu
Mai đã xuất hiện nơi giữa rừng. Vài thân cây bắt ngang qua cầu đã gãy
đổ, tôi phải bước cẩn thận. Lạ quá, tôi nhận ngay ra con đường từ cầu
Mai lên Thiền Duyệt Thất. Con đường vẫn đẹp, vẫn quyến rũ, vẫn đầy đủ
phong độ như cách đây ba bốn năm trời. Có dấu tích của sự phát dọn. Ai
đã lên đây trong những ngày như thế này nhỉ. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ.
Nhưng kìa, tôi đã đi đến chỗ rẽ vào lối Thiền Duyệt Thất. Tôi nhìn lên
Thiền Duyệt Thất. Và tôi sửng sốt. Một người đang đứng ở cạnh Thiền
Duyệt Thất, tay cầm một cái xà gạc, nhìn xuống phía tôi. Steve
biết đó là ai không? Trời ơi, chính là Nguyên Hưng, Nguyên Hưng bằng
xương thịt! Vừa lúc đó thì Nguyên Hưng cũng kịp nhận ra tôi. Chúng tôi
gọi tên nhau. Tôi chạy lên, và Nguyên Hưng cũng bỏ xà gạc, chạy
xuống. Chúng tôi gặp nhau ở giữa sườn đồi, trên con đường dốc lên thất
Thiền Duyệt.
Tôi
hỏi Nguyên Hưng: sao Nguyên Hưng lại ở đây? thì ra cái lúc tôi mới về
Saigon, Nguyên Hưng đang ở Đalat. Nghe tin tôi về, Nguyên Hưng không
xuống Saigon mà lại tìm tới Phương Bối vì biết rằng thế nào tôi cũng
phải tìm lên Phương Bối. Mà quả thật Nguyên Hưng đã nghĩ đúng. Dù ai nói
Đông nói Tây, tôi vẫn bất chấp những sự nguy hiểm, và đã tìm về Phương
Bối. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc gặp lý thú - tuy là hẹn gặp nhưng
kỳ thực thật đã là một sự bất ngờ đối với tôi. Nguyên Hưng đã nói gì với
tôi, Steve có biết không? Nguyên Hưng bảo rằng từ hôm qua khi về tới
Phương Bối, Nguyên Hưng dã tự tay phát dọn con đường từ cầu Mai lên
Phương Bối, cả xung quanh ngôi nhà Phương Bối và Thiền Duyệt Thất nữa.
Nguyên Hưng bảo nếu không làm như thế thì Phương Bối sẽ điêu tàn quá và
sẽ gây xúc động cho lúc tôi trở về. Hảo ý của Nguyên Hưng, tôi trông
thấy rõ. Chính trong giờ phút tôi tới Phương Bối, Nguyên Hưng còn đang
phát dọn xung quanh Thiền Duyệt Thất.
Nhà
Thượng đã bị cháy rụi trong một tai nạn gây nên do việc đốt rừng không
cẩn thận của người Thượng. Leo lên đỉnh đồi Thượng, tôi nhìn đống than
và những cái xác cột nám đen nằm ngổn ngang trước mặt với một niềm cảm
thương, than kia là di tích của chiếc nhà Thượng xinh đẹp ngày xưa, nơi
chúng ta trải qua bao giây phút êm đềm, ấm áp. Hòa Bình, chúng ta sẽ làm
lại nhà Thượng, tôi nói với Nguyên Hưng như thế, sau một hồi trầm ngâm,
bằng một giọng quả quyết. Nguyên Hưng có lẽ cũng được an ủi bằng câu nói
đó, cho nên gật đầu vui vẻ. Chúng tôi xuống đồi, đi thăm mọi nơi. Thật
ra Phương Bối rất có lòng. Ngày tôi về, khóm hồng phía trước còn nở cho
ba chiếc hoa đỏ chói. Cây mimosa góc nhà đã lớn và rất xanh tốt. Mấy gốc
thông tôi trồng ngày xưa cũng rất xanh và đã lên cao.
Chúng
tôi đi dần về phía rừng Tham Thiền. Tấm bảng có những chữ “Đại Lão Sơn
Phương Bối Am” ở phía trước vẫn còn nguyên vẹn. Nét chữ vẫn rõ ràng,
xương kính. Nước sơn tốt quá, đã năm sáu năm rồi chưa tróc. Tôi cúi nhặt
một trái thông, và thấy phảng phất hương của hoa chiều. Chúng tôi tìm
được bụi hoa, bứt một ôm những cành hoa có bông trắng xóa và đem lên
cúng Phật. Bàn Phật của chúng tôi tang thương quá: lâu ngày không có ai
dọn dẹp, bụi đất và lá khô phủ đầy.
Chúng
tôi bẻ một ít cành cây quét dọn cho sạch sẽ và dâng bó hoa tươi dưới
chân Phật mà nét thủy mạc đã phai mờ. Phương Bối am đã để trống lâu
ngay, và tất cả các cửa đều mở để cho những kẻ tò mò ghé qua đây khỏi
phải mất công phá cửa, bẻ khóa. Chúng tôi ngồi yên lặng giờ lâu trên gác
tham thiền trong tư thế cầu nguyện. Rồi chúng tôi trở ra, khép nhẹ cánh
cửa. Thời toàn thịnh của Phương Bối đã qua rồi. Còn đâu với những đêm
giao thừa với những đống lữa vĩ đại trên đỉnh đồi Thượng. Còn đâu những
buổi bình văn sang sảng ở nhà Thượng, những cuộc đàm thoại đầy hứng thú
về những vấn đề tâm linh xã hội. Chúng tôi trở nên yên lặng hơn sau giờ
phút tĩnh tâm cúng Phật.
Trên
hồ nước, trên vách tường, tôi đọc những câu biểu ngữ viết bằng than đen.
Những câu biểu ngữ chống đối nhau của hai bên. Nguyên Hưng cho biết rằng
một hôm nọ họ bắn nhau dữ dội tại cầu Mai. Những xác chết gần cầu Mai.
Rồi những cuộc hành quân kế tiếp. Chính sau biến cố đó, bác Đại Hà đã di
cư về tỉnh lỵ. Chỉ còn lại, trong ấp chiến lược bên kia trũng một số gia
đình nghèo phải bám lấy mảnh đất đã khai thác.
Nhà
Phương Bối xơ xác và hoang lạnh. Các tủ sách của chúng tôi đã được chở
về Đại Hà từ lâu, những bàn ghế và vật dụng khác đều cũng được chuyển về
Đại Hà. Có nhiều nhóm đã vào đốt củi thức đêm trong các phòng. Thôi nhé,
Steve, thôi đừng ấp ủ cái mộng về Phương Bối sống với chúng tôi nữa nhé.
Đúng là thời thịnh vượng của Phương Bối đã qua rồi. Phương Bối giờ đây
thương tích đầy mình, bây giờ đầy tủi thân và cô độc. Những buổi sáng
sương mù, những buổi chiều trong vắt, Phương Bối một mình hoang vắng như
một cái tổ chim xác xơ, những con chim đã bay đi cả rồi. Những con chim
tuy có ước mong trở lại nhưng mưa gió không cho chúng trở lại.
Chúng
tôi ngồi nói chuyện với nhau trên hồ nước cho đến chiều. Phương Bối thật
êm ả, dù trong lòng chúng tôi hơi lo. Nguyên Hưng rủ tôi trở lại Đại Hà
trước khi chiều xuống. Chúng tôi chia nhau mấy cái bánh bột nếp mà tôi
mang theo trong túi xách vừa đi xuống đồi vừa ăn. Chúng tôi tìm về Bảo
Lộc bằng xe “lam” và ngủ đêm ở đó để sáng sớm trở về Saigon.
Steve
ơi, mấy tháng sau đó vì nhớ Phương Bối quá cho nên chúng tôi lại tìm lên
núi Đại Lão. Lần này chúng tôi lên đông có tới mười người. Chúng tôi đều
bị một toán linh vây bắt. Sau mấy giờ đồng hồ, chúng tôi được thả, và từ
đó, chúng tôi không lên thăm Phương Bối được nữa. Ngồi đây viết cho
Steve tôi biết rằng Phương Bối đang âm thầm và cô quạnh chịu đựng. Những
như biết bao nhiêu làng mạc bao nhiêu núi sông đang âm thầm và cô quạnh
chịu đựng. Cuộc chiến càng ngày càng trở nên ác liệt và không ai không
mông ước cho nó chấm dứt càng sớm càng hay. Chiến tranh gây thương tích
khăp nơi trên đất nước và cũng gây thương tích trong mỗi chúng tôi. Hình
ảnh Phương Bối trong lòng chúng tôi cũng là hình ảnh của một vết thương.
Đúng làmột vết thương.
Tôi sẽ
ở lại đây cho đến hết ngày, Steve. Hôm nay chủ nhật, trường học đóng
cửa. Ngôi trường của chúng tôi tên là Chim Sơn Ca. Và trạm y tế
gọi là trạm Tình Thương. Lát nữa tôi sẽ vào trong xóm để tìm hiểu
thêm về đất cát ở đây. Buổi chiều thế nào cũng có một số bạn trẻ về làm
việc mà nghiên cứu. Chúng tôi để khá nhiều công phu vào việc nghiên cứu
và thực hiện cải tiến sinh hoạt của những khu làng thí nghiệm này. Chúng
tôi phải tìm ra cho được những phương thức hữu hiệu để thực hiện công
cuộc cải tiến sinh hoạt nông thôn. Tương lai đất nước chúng tôi tùy
thuộc vào rất nhiều ở những nỗ lực hiện tại để cải tiến xã hội nông
thôn. Chủ quyền độc lập của xứ sở chúng tôi như Steve đã biết chỉ có thể
đảm bảo khi nào chúng tôi có thể đứng vững trên hai chân của chúng tôi.
Như vậy có nghĩa là chúng tôi phải tiến tới một nền kinh tế độc lập vững
chãi. Nếu Steve ở đây, Steve sẽ nhận thấy rằng xứ sở của chúng tôi không
nghèo. Xứ sở chúng tôi có nhiều tài nguyên chưa khai thác được. Đi thăm
miền đồng bằng rồi lên thăm miền cao nguyên. Steve sẽ thấy điều đó là
đúng. Chúng tôi phải cải tiến nông nghiệp, nhất định phải đặt nhiều rất
nhiều cố gắng ở công cuộc cải tiến nông nghiệp vì nền kỹ nghệ mới phát
triển của chúng tôi đang cần đến sự phát triển nông nghiệp. Nông dân cần
cung cấp nguyên liệu cho các ngành kỹ nghệ và cũng cần tiêu thụ những
sản phẩm của các ngành kỹ nghệ ấy một cách rộng rãi. Có như thế các
ngành kỹ nghệ mới được nuôi dưỡng và phát triển trong những bước đầu còn
non yếu của mình và quốc gia mới khỏi phải tốn một số ngoại tệ nhập cảng
những hóa phẩm để thêm vốn đầu tư vào các ngành kỹ nghệ đang cần được
phát triển. Như thế, nông nghiệp cần được hướng dẫn để tự cải tiến về
phương diện kỹ thuật lẫn thị trường. Mà sự cải tiến nông nghiệp lại có
liên hệ mật thiết đến những vấn đề y tế, giáo dục và tổ chức. Cho nên
một cuộc cải tiến toàn diện cần được thực hiện trên ý thức cộng tác của
toàn dân. Steve cũng biết rằng trong hàng chục năm qua, người dân đã
nghe quá nhiều những hứahẹn cải tiến xã hội nhưng nếp sống cơ cực vẫn
hoàn cơ cực. Thêm vào đó, chiến tranh làm cho ruộng vườn hư nát, làm cho
cơ nghiệp sụp đổ, làm cho an ninh bị đe dọa. Viện trợ của Hoa Kỳ đủ sức
giữ cho nền kinh tế ấy không sụp đổ, nhưng viện trợ ấy càng làm cho Việt
Nam phải bám víu vào Hoa Kỳ hơn lên. Chiến tranh đã phá hủy nhiều thứ và
không để cho Việt Nam gượng lại để đứng vững trên hai chân kinh tế của
mình.
Steve
hẳn còn nhớ những lúc chúng ta bàn luận về vấn đề cảm thông giữa người Á
Đông và Tây Phương. Chính tôi lắm khi cũng cảm thấy khó khăn khi dùng
những phương tiện diễn đạt tư tưởng và tình cảm với Steve. Người Pháp đã
ở với người Việt vần một trăm năm. Đã có trường Ecole Francaise
d’Extrême-Orient đã hiểu tông chỉ, tính tình người Việt thế mà vẫn không
hiểu người Việt mấy tí; thế thì người Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn
làm sao hơn được. Cứ tin vào thông kê, cứ tin vào dự án, cứ tin vào
phương pháp toán học quá. Những thứ đó áp dụng ở cái xứ này không thành
công, hoặc chưa thành công đâu, Steve ơi. Tôi về làng, làm việc ở làng
lâu rồi tôi biết. Phương pháp làm việc ở đây chắc chắn phải là những
phương pháp khác hẳn với những điều người ta học được ở một đại học
đường ở Tây Phương. Cho nên giấy tờ, thống kê, dự án đã có thể, trong
rất nhiều trường hợp, là những mảnh giấy giúp người ta hợp thức hóa cách
tiêu tiền bất hợp pháp. Các ông bộ trưởng, các ông giám đốc cho đến
những nhân viên thừa hành của một cái chính quyền chỉ lo kiếm tiền, đều
đã làm như thế, và đã khinh thường đến nỗi có một vài đỗ vỡ và bại
lộ.
Tôi
xấu hổ về một số những người đồng bào tôi khi tôi kể cho Steve nghe điều
đó. Nhưng mà tôi phải kể, bởi vì tôi phải giải nghĩa cho Steve nghe tại
sao phải bắt đầu trở lại các công việc mà ông Diệm đã hô hào và đã bắt
đầu nhiều năm trước. Người dân quê đã bị đánh lừa nhiều lần khiến họ
không còn tin tưởng ở một lời hứa hẹn đường mật nào nữa. Họ đã bị lợi
dụng. Và họ đã sợ hãi phần đông những người cán bộ mà họ tiếp nhận từ
trung ương: Những người này thực chỉ vì một số lương bổng mà trở thành
“chiến sĩ - xã hội”. Họ ăn mặc chững chạc, về nông thôn hoặc các “ấp
chiến lược” và ở lại đó mấy giờ rồi rút lui. Trong khi ở lại, họ chẳng
làm được việc gì đáng kể. Họ chỉ tuyên truyền qua loa chính quyền, và
được đào tạo cấp bách, non nớt, không hiểu được tâm lý quần chúng, không
có tâm niệm phụng sự, họ nói và làm những điều phật ý nông dân. Họ hống
hách khó chịu. Họ đi nghênh ngang dùng súng để bắn chim để dọa nạt và
cũng để dân chúng sợ giật nẩy mình. Thế rồi họ rút lui, để lại ấn tượng
không tốt trong lòng thôn dã. Họ rút lui bởi vì họ đâu dám ở đêm ở những
vùng nông thôn. Mấy ông cán bộ phía trong thì khôn ngoan hơn nhiều. Họ
ăn mặc đồ đen giống hệt nông dân. Họ “tam cùng” với nông dân khi họ về
một nhà địa phương nào đó. Họ có thể ẳm con, quét tước, rửa bát hay ra
đồng gặt lúa với nông dân. Tối đến họ ngủ lại, và chuyện trò. Những cán
bộ nhân vị làm sao ăn đứt được họ, hả Steve? Đó là một trong nguyên do
cho ta thấy rằng tại sao chính quyền ông Ngô Đình Diệm càng ngày càng bị
thua lực lượng mặt trận giải phóng. Những “cán bộ” “nhân vị” làm
sao ăn đứt được họ, hả Steve.
Chắc
Steve đã nghe nói đến nhiều lần về những ấp chiến lược. Những ông cố vấn
từ Hoa Kỳ sang xem bộ tin tưởng ở chúng lắm. Nhưng mà những ấp chiến
lược chỉ đẹp đẽ và hữu hiệu trong lý thuyết. Trên thực tế, chúng hư nát
hết. Lý do là người ta đã xây dựng chúng bằng tiền bạc và bằng bạo lực.
Người Mỹ đã tin tưởng quá ở mãnh lực đồng tiền và chính phủ của ông
Diệm, đã tin tưởng quá ở sức mạnh bạo lực. Thành trì của những ấp chiến
lược, không được xây dựng bằng sự tự nguyện và bằng cộng tác, đã tan rã
như những cánh bèo. Steve nên biết rằng ấp chiến lược lập ra, trên lý
thuyết, là để tập trung dân chúng lại thành từng vùng có kiểm soát có
phòng thủ để ngăn ngừa sự xâm nhập và tác động của những người bên kia.
Những vùng nào khả nghi thì bị giải tỏa trước. Có những vùng được giải
tỏa một cách đột ngột để dân chúng không thể đem ra theo bất cứ một thứ
tài liệu nào. Một buổi sáng nào đó, người ta biết gọi tất cả dân chúng,
già trẻ trai gái, ra hết ngoài khu vực “ấp chiến lược” trong đó họ sẽ có
đất cất nhà mới, vật cất nhà mới, để trồng trọt và luôn cả tiền bạc để
sinh sống cho đến lúc có thể tự túc được. Rồi người ta phóng hỏa đốt
trọn khu ấy. Đốt như thế để mà tiêu hủy tất cả những thứ nguy hiểm mà ta
nghĩ là có thể có rất nhiều trong khu xóm. Dân đau xót và phẫn uất.
Steve phải biết: nhà nào cũng có những kỹ niệm tuy đơn sơ nhưng rất thân
thiết. Như cái bát hương, cái bài vị, mồ mã của người thân, hoặc những
tờ di chúc hãy kỷ niệm vui buồn khác. Tiền bạc đâu có thể thay thế cho
những thứ ấy? Họ thất thểu ra đi tới khu đất mới và ở đó, họ được hướng
dẫn bởi những người cán bộ của chính quyền để “làm lại cuộc đời”. Họ
nhận đôi chút tiền bạc và sống nhục nhã dưới sự hống hách của bạo
lực.
Mà nào
họ đã được yên thân trong “ấp chiến lược”. Những người bên kia, mà bên
này gọi là Việt Cộng, đâu có vì thế mà bị gạt ra ngoài. Họ có mang cái
huy hiệu hay cái đồng phục nào đâu để chúng ta nhận ra họ. Thế là họ
cũng vào ấp, sống lẫn lộn. Và một buổi sáng nào đó, người ta có thể
thấy, trong phòng họp của ấp một trái mìn, một trái mìn bằng gỗ thôi,
một trái mìn giả, có mang dấu hiệu Việt Cộng. Thế là cái hàng rào kẽm
gia xung quanh ấp trở thành vô nghĩa. Trái mìn kia nói thay cho một lời
dọa nạt: Có chúng tôi đây, các anh liệu hồn. Giả sử trái mìn thật thì
các anh nghĩ sao?
Vậy là
tinh thần phòng thủ của ấp đã lung lay. Một trận giặc mà không có trận
tuyến như thế, làm sao có thể đánh bằng súng đạn không mà được?
Ấp
chiến lược, như Steve thấy, nhắm tới một mục tiêu quân sự và chính trị
chứ không nhắm tới mục tiêu xã hội. Chính vì thế mà những tuyên truyền
về cách mạng xã hội đều không được ai nghe theo. Chúng tôi thấy rõ điều
đó và đã quyết định với nhau rằng một phong trào dựng lại xứ sở cần được
đặt trên một căn bản hoàn toàn khác biệt. chúng tôi muốn mở một mặt trận
chống lại nghèo đói, ngu dốt, bịnh tật và vô tổ chức.
Chúng
tôi hiện có hai làng thí điểm tại miền Nam, hai làng tại miền Trung -
một tại Khánh Hòa, một tại Thừa Thiên. Chúng tôi, trong thời gian đầu
cũng bị người dân nhìn với những cặp mắt lạnh lùng. Thái độ họ là thái
độ khép kín, nghi ngờ. Dù anh tuyên truyền gì cũng vô ích. Họ lạnh và
cứng như một tảng thép nguội. Đó là hậu quả của những công trình “cách
mệnh xã hội” đi trước. Chúng tôi hết sức kiên nhẫn, khiêm cung và cẩn
trọng. Sau một thời gian, thái độ đó thay đổi. Đến lúc mà họ nở một nụ
cười vồn vã, mình thấy ấm áp cả tâm hồn. Họ trở thành cởi mở, sốt sắng.
Họ hưởng ứng và tham dự vào các dự án một cách chân thành. Được họ chấp
nhận, mình thấy như con đường đi tới thành công được rút ngắn lại một
phần trăm. Mà Steve ạ, chính lúc cộng tác với họ để thực hiện các dự án
cải tiến sinh hoạt, ta mới thấy được khả năng và tiềm lực của xã hội
nông thôn trong công cuộc tạo dựng một đời sống tiến bộ.
Xã hội
chúng tôi đã bị phân hóa quá, bởi vì chiến tranh đã tàn phá đức tin, tàn
phá hy vọng, tàn phá mọi công trình kiến thiết lâu dài. Ngày nay quần
chúng nghi ngờ mọi thiện chí, mọi hứa hẹn. Chúng tôi nhận thấy ngoài
chất liệu tôn giáo, không còn có chất liệu nào có thể tạo dựng được đoàn
kết tính và xã hội tính. Cho nên phải xử dụng cho được tiềm lực tôn giáo
để thực hiện những sự chuyên đổi lớn. Đạo Phật có thể đóng góp nhiều vào
việc này. Nhưng mà chưa thể nương tựa vào những người có trách nhiệm
lãnh đạo các giáo hội đâu. Họ có bảo thủ tư kiến nhiều quá và khó chuyển
hóa quá. Dự án tôi đề nghị với Viện Hóa Đạo về kế hoạch xã hội hóa đạo
Phật đã không được chú ý. Hiện giờ nó vẫn còn nằm trong hồ sơ của Viện
Hóa Đạo. Chúng tôi phải bắt đầu từ chỗ tự lực để tranh thủ một sự chấp
nhận sau nầy của quần chúng và của giáo hội nữa. Của quần chúng trước,
đó là điều dĩ nhiên. Ở Âu Châu và ở Hiệp Chủng Quốc, hiện tượng đó không
lạ gì. Chúng tôi đã làm xong một dự án về một tổ chức đào tạo những
“Làng tự nguyện”. Những người này sẽ được huấn luyện kỹ lưỡng, có đủ
kiến thức về xã hội về tôn giáo và nhất là về phương pháp thực hiện các
dự án chống nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt và vô tổ chức. Họ sẽ hành động
không vì lương bổng, quyền hành mà vì tình thương ý thức và trách nhiệm
và ý thức tự nguyện. Họ sẽ là những người thanh niên cũng như Steve,
cũng như Nguyên Hưng vậy, có đức tin, có chí nguyện biết khinh thường
nếp sống trưởng giả và cầu an, biết tìm hạnh phúc trong phụng sự. Chỉ
với chất liệu tâm lý do chí nguyện đó, họ mới có thể thành công. Mà
những người trai trẻ như thế, Steve, không hiếm ở đất nước này đâu. Tôi
dám chắc với Steve là có hàng vạn hay hàng chục vạn. Tôi đã gần gũi họ
trong những ngày gần đây, và đã thấy trong mắt họ sáng lên trong niềm
tin mới. Chỉ trong mấy tháng nữa chúng tôi khai giảng trường Thanh Niên
Phụng Sự Xã Hội, và ngôi trường này sẽ là một trường chuyên nghiệp thông
thuộc một viện đại học trẻ trung vừa mới thành lập. Ban giảng huấn của
trường gồm toàn những người trẻ tuổi, tất cả đều nao nức về công việc
sắp thực hiện. Chúng tôi không có tiền bạc, nhưng chúng tôi đã có kế
hoạch và rất nhiều thiện chí, Steve có nghe không?