Nẻo về của ý


Thích Nhất Hạnh Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn - Q1,TP.HCM - xuất bản năm 2009
02/12/2010 18:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 7726
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thứ tư tuần tới, tôi sẽ rời Medford để về lại thành phố. Mùa thu đã sắp đến rồi. Ở bên này, người ta gọi mùa Thù là Mùa Rơi, bởi vì mùa Thu cũng là mùa lá vàng rơi rụng. Cũng như người ta gọi mùa Xuân là Mùa Tuôn Dậy. Lộc non, chồi xanh tuôn dậy như một dòng suối tuôn từ các khe đá. Chắc là Công Viên Bờ Sông cũng đã bắt đầu đẹp. Princeton mùa Thu thì nhất định là đẹp lắm rồi. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một buổi sáng lành lạnh, có nắng, đi trên những thảm cỏ xanh, rất xanh. Chỉ cần một tí gió thôi là bao nhiêu lá phong rụng xuống, rơi vào đầu, vào cổ, vào áo của mình. Mà lá phong rụng không phải chỉ là những lá mang độc một mầu hỏa hoàng thôi đâu nhé. Có thể nói là có những chiếc lá thật là đỏ, đỏ thắm như son. Và từ mầu xanh qua mầu vàng đến mầu đỏ thắm là biết bao nhiêu mầu sắc! Những trận mưa là như thế thật là ngoạn mục. Tôi rất ưa những loại cây thay lá. Như cây bàng ở quê hương ta chẳng hạn. Ở Phương Bối rừng núi mang mầu xanh suốt năm, kể cả mùa đông rét mướt và mưa gió. Chỉ có một số ít cây thuộc về loại cây thay lá mà thôi, và các cây ấy không đủ nhiều để tạo nên một mùa thu, một mùa rơi rụng, Princeton thật là đẹp, nhưng mà Princeton không có được những nét độc đáo của Phương Bối. Princeton không có những buổi sương mù bao trùm núi đồi và gây cho ta cảm tưởng đang đứng trên mặt biển. Princeton không phản phất hương của hoa Chiều, không có tiếng chim kêu vượn hú vang rừng, không có huyền bí hoang dại như Phương Bối. Tôi không thể nào quên được những đêm trăng rừng Phương Bối. Nguyên Hưng cũng biết là buổi tối ở trên rừng không giống gì với buổi tối ở đồng quê hay ở thành thị. Mới từng tám giờ tối thôi, ta đã có cảm tưởng như là đêm đã khuya lắm rồi. Màn đêm dày đặc hơn, huyền bí hơn. Xung quanh Phương Bối quyền uy của rừng núi quả đã khôi phục được quyền hành của nó. Ta có thể cảm thấy được những bước chân chậm rãi của chùa sơn lâm và tiếng xào xạc của khu rừng tranh cao quá đầu người khi chúa sơn lâm đi ngang. Rừng núi hết sức yên lặng. Nhưng cũng hết sức linh động. Những đêm có trăng, nhất là trăng khuya, ở Phương Bối hình như ít ai ngủ được. Có một bữa, ham viết cho đến một giờ khuya tôi không biết rằng Thanh Tuệ đã thức giấc và đang đứng lặng yên sau cửa sổ nhìn ra khu rừng ẩm ướt ánh trăng. Tôi cũng tắt cây đèn bát đi, và lại đứng gần bên Thanh Tuệ. Cả trăng cả rừng đều huyền bí đều mầu nhiệm, và cùng tạo nên một khung cảnh mà chúng ta chưa hề thấy bao giờ trong đời trừ ở Phương Bối. Trăng cũng tuyệt đối yên lặng. Nhưng mà trăng với rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta không thể nào biết được. Trăng và rừng trong lúc này không phải là hai mà chỉ là một. Thí dụ ta lấy trăng đi, thì rừng cũng mất. Hoặc giả nếu ta lấy rừng đi thì trăng cũng tan biến. Và chính chúng tôi nữa, chúng tôi là gì lúc ấy? Chúng tôi có thể hiện hữu bên nhau sau khung cửa sáng ấy không nếu một trong hai thứ trăng và rừng kia không hiện hữu? Nguyên Hưng cũng đã từng say mê những đêm trăng như thế. Riêng tôi, tôi thấy trăng từ mười sáu trở đi mới già dặn mới đủ sức nói chuyện với rừng. Có những buổi khuya tôi đứng một mình - cũng sau cửa sổ lớn đó - nhìn ra khu rừng trước mặt. Hồi đó khu rừng chỉ cách ta độ năm sáu mươi thước. Khu rừng hùng mạnh, và dưới ảnh hưởng của trăng khuya, tự tạo cho mình một hấp dẫn lực kỳ lạ. Có một sức gì thu hút phát xuất từ khu rừng, một cái gì rất hoang dại và cũng rất hùng biện. Tôi thấy hình như thấp thoáng ở cửa rừng có bóng một người Thượng thân hình đen cháy, hai mắt long lanh, có một người Thượng của hàng ngàn năm về trước chứ không phải như những người thượng bây giờ hay đi ngang qua Phương Bối để tìm rau Rịa. Tôi thấy thức dậy ở trong tôi con người cổ sơ. Tôi muốn liệng bỏ hết chữ nghĩa, liệng bỏ hết văn minh, liệng bỏ hết những áo xống rắc rối trên mình để trần truồng đi vào trong rừng. Đi vào trong rừng làm gì, tôi không biết, nhưng là đi vào thật sâu, đi mãi, đi mãi, dù là trời tối đen, dù là rừng đầy dã thú, đầy gai góc. Tôi thấy nếu tôi bị dã thú ăn thịt mà cũng không sao. Không đau đớn, không hãi hùng, không luyến tiếc. Có thể gọi là êm ái nữa cũng không biết chừng. Tôi đứng như thế, sau khung cửa, rất lâu, để chống lại với tiếng gọi của rừng, của trăng.

Rừng ở Medford hiền quá đi. Tôi nhớ trăng rừng Phương Bối lạ lùng; mình xa cách Phương Bối đã lâu rồi, Nguyên Hưng nhỉ. Nhưng mà từ ngày tôi rời xứ sở đến nay, đã mười sáu tháng qua. Ngày hôm kia tôi làm một bài thơ hai câu như sau:

“gối khuya rừng mộng trăng mười sáu

mười sáu trăng rồi, người biết không?”

Tôi thích hai câu ấy lắm, Nguyên Hưng. Nguyên Hưng cứ nghĩ là rừng Phương Bối trong một đêm không trăng, gồi đầu lên đêm khuya để mà nhớ, để mà thấy trong giấc mơ mặt trăng tròn đầy của ngày mười sáu. Từ ngày xa cách, có phải là mười sáu mùa trăng đã qua rồi hay không? Tôi ưa những tiếng “trăng mười sáu” và “mười sáu trăng” nối theo nhau làm cho hai câu trở thành như một. Như một mà kỳ thực là hai.

Nguyên Hưng, vào cái ngày bắt đầu mùa an cư năm xưa ấy, trời bỗng tạnh mưa. Vào khoảng chín giờ sáng thì Như Thông, Như Ngọc và thầy Châu Toàn lên. Họ mang theo rất nhiều thứ quà để tặng Phương Bối. Tôi còn nhớ đến chiếc giỏ mây thật đẹp mà chúng ta thường dùng để đơm hoa rừng cúng Phật. Và nào là chén, là đĩa, là đũa, là thức ăn. Hồi đó đồi Thượng chưa được dọn sạch nên không thể ăn bữu cơm đầu hạ trên ấy như chúng ta ước muốn. Tuệ cũng đã vào từ lúc sáng sớm. Nguyên Hưng và tôi vẫn còn đang phải loay hoay dọn dẹp thiền thất. Toàn đã vào Rừng Tham Thiền một mình để hai hoa. Một lát sau chị Diệu Âm và cô Lưu Phương vào, cùng đi hái hoa với Toàn. Chị hái được rất nhiều bông Chiều, những chùm hoa lớn trắng như tuyết. Còn Toàn thì sau khi hái được một ít hoa mẫu đơn đã bị rừng Sim lôi cuốn. Thế là từ lúc đó. Toàn hái toàn những cành hoa Sim. Tôi nhớ ngày hôm đó ở Phương Bối có rất nhiều bình hoa nhỏ mà phần lớn là những bình hoa Sim - nhưng vì Toàn đã trẩy gần hết lá Sim nên các bình hoa kia trông như những bình hoa đào. Cái giỏ mây đầy cả hoa Chiều. Hoa Mẫu Đơn, và một vài thứ hoa khác nữa mà chúng ta không biết được tên họ. Toàn còn chặt cả một đọt thông lớn để cắm vào chiếc ché Thượng men nâu để trên thiền thất. Như Khoa và Thanh Giới cũng đã băng rừng băng núi tìm vào. Các bạn của Phương Bối như thế, cũng đã khá đông. Sau buổi lễ Phật trang nghiêm và ấm áp, chúng ta đưa mọi người đi một vòng ở Phương Bối. Tuy nói một vòng nhưng kỳ thực chỉ là một vòng nhỏ, bởi vì phần lớn đồi núi ở Phương Bối vẫn là hoang vu, không đặt chân đến được.

Những người bạn của Phương Bối đã ở lại đến ba giờ chiều để đàm đạo về những dự tính cho Phương Bối trong tương lai. Rồi thì Toàn cùng với Như Ngọc và Như Thông từ giả chúng ta trước. Họ phải về Saigon và trước khi đi tìm tới xe, họ phải băng rừng đến Đại Hà, rồi Như Khoa và Thanh Giới cũng về, Thanh Tuệ cũng về, bởi vì Thanh Tuệ chưa vào Phương Bối luôn với chúng ta được - lý do là Tuệ còn cưu mang dỡ dang mấy lớp học ở Blao. Buổi chiều ấy, sau khi họ ra về hết rồi, Phương Bối thật vắng lặng và thanh tịnh. Đưa Tuệ và chị Diệu Âm về xong, chúng ta từ rừng Tham Thiền - nơi có mấy chữ nho viết dọc theo một bảng gỗ đóng trên một thân cây “Đại Lão Sơn Phương Bối Am” - thong thả đi vào. Phương Bối là một thực tại rồi đó, nhưng mà cũng như chiều hôm trước, chúng ta vẫn không chắc là nó có thực. Nó hiện hữu như một cái ráng trời. Ta có thể nghĩ rằng nó muốn tan biến đi lúc nào thì nó tan biến. Có lẽ vì Phương Bối không giống bất cứ một cái gì chúng ta đã gặp, đã thân thiết. Cũng có lẽ vì Phương Bối đối với ta còn mới mẽ quá, nhưng đã thân thiết quá. Lại cũng có lẽ Phương Bối đẹp không cùng. Ta chưa hề nghĩ rằng số kiếp của ta mà lại có thể liên hệ đến một thực hữu kỳ diệu như Phương Bối. Vậy cho nên Phương Bối nửa như là thực nửa như là hư. Ta không nghĩ rằng Phương Bối thuộc về ta. Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Cho nên tôi rất đồng ý với Nguyên Hưng khi Nguyên Hưng nói: Chúng ta thuộc về Phương Bối. Vì câu nói ấy mà sau này Lý thêu dệt thêm ra. Lý nói Phương Bối là “thánh địa”. Chúng ta là “dân” của thánh địa, đi đâu cũng thuộc về thánh địa. Cái tính của Lý thì hay “ăn to nói lớn” như vậy đó mà, Nguyên Hưng.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, khi đưa Tuệ và chị Diệu Âm ra về, chúng ta đã đi thẳng lên đồi Thượng, nhìn ra bốn phía. Rồi chúng ta đi vào trong những hàng trà. Đất rất mềm và xốp. Chúng ta men theo bờ rừng và đi mãi xuống gần thung lũng. Bỗng dưng Nguyên Hưng chỉ cho tôi những dấu chân cọp rất mới, in rõ ràng trên nền đất xốp sau những trận mưa hồi hôm. Dấu chân ấy hướng về phía lối cầu Mai. Trời cũng đã chiều rồi. Thanh vắng quá. Tôi hơi ngài ngại, liền rủ Nguyên Hưng trở về. Chúng ta băng qua những đồi chè để trèo lên đỉnh đồi Thượng. Khi vào tới nhà, chúng ta đi đốt lửa, và trời đã rét. Dì Tâm Huệ ngày hôm ấy chưa ở lại được với chúng ta, nên đêm ấy chỉ có một mình tôi với Nguyên Hưng. Chúng ta soạn một bữa cơm chiều rất giản dị, rồi ngồi ăn bên nhau dưới ánh sáng của bốn ngọn đèn nến. Đêm ấy, tôi đã nói cho Nguyên Hưng nghe về những dự liệu văn hóa chúng ta sẽ thực hiện sau này. Trước khi đi ngủ chúng ta đã có một buổi “công phu” ngắn và cảm động.

Tôi đã nhắc Nguyên Hưng nhớ lại những cảnh trăng rừng Phương Bối. Tôi tưởng cũng phải nhắc Nguyên Hưng nhớ lại thêm về những buổi sáng mai trên rừng núi Đại Lão. Hồi đó, chúng ta thường ưa làm việc tay chân vào các buổi sáng. Chỉ trong vòng ba tháng sau ngày chúng ta về, Phương Bối đã trở nên quang đãng và đẹp đẽ. Bởi vì sáng nào chúng ta cũng làm việc tay chân và ngày nào chúng ta cũng có ít ra một người bạn Thượng làm việc trong phạm vi Phương Bối. Sau này ta lại có anh Năm, người con trai hiền lành từ xứ Quảng di cư vào - Năm đã ở lại với chúng ta trong suốt thời gian hưng thịnh của Phương Bối.

Chỉ trừ những ngày mưa, còn thì buổi sáng nào ở Phương Bối cũng đẹp. Buổi sáng Phương Bối thật là linh động. Sáng nào Phương Bối cũng vang động tiếng chim tiếng vượn. Trời Phương Bối rét nên chúng ta không dậy sớm. Thường thường tôi chong đèn ngồi viết đến nửa đêm. Buổi sáng tôi thường thức dậy giữa tiếng chim tiếng vượn. Chính Tuệ và Nguyên Hưng biết rằng tôi chưa khôi phục lại được sức khỏe ngày xưa nên hai người cứ lẳng lặng dậy trước, để yên cho tôi ngủ. Còn dì Tâm Huệ thì ngủ rất ít. Thường thường khi tôi dậy thì đã có nước trà để uống cho ấm bụng. Nồi cháo trắng đỗ xanh lúc ấy đã chín rồi; thường thường chúng ta hay chạy vào bếp sưởi ấm, uống nước và ăn điểm tâm ngay trong cái nhà bếp nghèo nàn nhưng ấm cúng đó, Nguyên Hưng nhớ không.

Nắng mai tuy rất trong và đẹp nhưng không đủ ấm. Cho nên chúng ta phải bắt đầu mỗi ngày bằng công việc tay chân. Làm như thế thì chỉ trong mười phút thì đã thấy ấm người rồi. Hồi đó tôi cũng biết xử dụng phảng, cuốc và mai không kém gì Nguyên Hưng vậy. Nguyên khu đồi Thượng, chúng ta cũng phải để ra hàng tháng mới dọn xong. Bao nhiêu là gốc cây. Bao nhiêu là giây chằng. Bao nhiêu là gai góc. Chúng ta đã làm được không biết bao nhiêu là ghế, là bàn, bằng những nguyên liệu của rừng như mây, như gỗ, ngay trên đồi Thượng. Lại còn có những chiếc ghế treo nữa. Các thầy ở Huế hay ở Sàigon mỗi khi lên thì cứ ưa ngồi hàng giờ trên đồi Thượng và dù lớn cách mấy, vị nào cũng thích ngồi đu trên những chiếc ghế treo.

Buổi mai ở Phương Bối đẹp như một tờ giấy trắng tinh, nguyên vẹn, một tờ giấy trắng tinh có ửng mầu hồng ở góc. Thực vậy, Nguyên Hưng. Chúng ta thức dậy ở Phương Bối với ý thức là chúng ta có trước mặt một ngày trọn vẹn không bị ai xâm phạm. Không phải đi hội họp không phải chờ xe buýt, không phải ngồi ở phòng đợi, không phải thao thức vì những cái rendez-vous. Một ngày trọn vẹn có đủ sáng, trưa, chiều tối, và đẹp như mầu hồng của bình minh. Một ngày trọn vẹn mà ta muốn xử dụng như thế nào cũng được. Nguyên Hưng có thể làm cỏ ở đồi trà, hoặc dọn thêm khu rừng trước mặt, hoặc trồng thêm cây ăn trái, hoặc viết lách hay nghiên cứu. Chúng ta làm được thật nhiều việc, nhưng không bao giờ chúng ta chán việc, bởi vì tất cả những gì ta làm đều do sở thích. Nếu ta không làm cỏ ở đồi chè chẳng hạn, thì anh Năm cũng chịu khó làm và thế nào đồi chè cũng sạch cỏ. Nếu ta không dọn thêm được khu rừng trước mặt hôm nay thì ta có thể làm vào một lúc khác. Chúng ta, tóm lại, muốn làm gì thì làm. Buổi sáng, sau khi ăn điểm tâm, thế nào trong chúng ta cũng có một người đề nghị, là nên đi làm việc sáng hôm nay. Tôi nhớ hồi đó Phương Bối có Nguyên Hưng, có Tuệ, có Triều Quang, có Lý, có Năm, có Phú, có dì Tâm Huệ và có Tôi. Nếu Nguyên Hưng đề nghị “sáng nay dọn thêm ở khu đồi Thượng” thì ít nhất cũng có ba người hưởng ứng. Hoặc nếu Lý đề nghị “sáng nay làm một con đường xuống thung lủng” thì Lý chắc chắn cũng có người hưởng ứng. Thường thường các đề nghị đều được tất cả mọi người tán thành. Có khi hai người cùng đề nghị một lần, và chúng ta chia ra hai nhóm theo sở thích. Lâu lâu chúng ta lại có một cuộc thám hiểm núi rừng. Ai nấy đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường thường những cuộc “thám hiểm” như thế kéo dài cả ngày. Chúng ta hay dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi bên một dòng suối. Nhiều hôm Nguyên Hưng và Triều Quang mang về những cây phong lan tuyệt đẹp. Ai nấy đều mệt nhoài. Đêm đến chúng ta ngủ rất ngon.

Trong những buổi đi rừng phục sức của tất cả mọi người đều rất kỳ dị. Nguyên Hưng có nhớ không? ở Phương Bối chúng ta không cần vâng theo luật lệ của… người phàm. Ta có thể đội bất cứ thứ mũ nào, mang bất cứ thứ giầy ủng nào, dùng bất cứ thứ thắt lưng nào. Có khi nhìn vào tấm gương tôi thấy tôi giống như một ông ngáo ộp. Râu thì có khi một tuần chưa cạo một lần. Không phải vì làm biếng mà vì chúng ta có những việc khác ưa làm hơn! Áo thì bằng da dày cộm để gai rừng không bấu rách. Ống quần thì túm lại bỏi vào đôi ủng cao su để khỏi bị vắt xâm nhập. Vai thì mang một cái xách đựng hoặc cơm trưa, hoặc chiếc võng đay, hoặc hộp cứu thương. Tay thì cầm một cái xà gạc hoặc một cây gậy. Những người học tò của tôi ngày xưa nếu có trông thấy tôi trong hình dáng ngáo ộp ấy chắc cũng không thể nào không kinh ngạc cho được. Ăn mặc như thế này để vào lớp giảng thơ Nguyễn Du thì chắc là không được đâu, phải không Nguyên Hưng? Ở rừng núi chúng ta đi đứng mạnh bạo hơn. Chào nhau ở cửa rừng đôi khi chúng ta không chắp tay trước ngực mà chúng ta đưa một cánh tay thẳng lên trời. Đi lại trên các con đường rừng núi thì không cần bước từng bước đĩnh đạc bệ vệ nữa; chúng ta đi rất mau, hoặc là chúng ta chạy. Từ đồi này chúng ta la hét sang đồi kia. Nguyên Hưng hét to hơn ai hết, như một cái còi xe lửa. Có một điều mà ta thấy rất rõ là ai lên Phương Bối cũng ưa la hét thật to. Tôi nhớ có một lần trèo lên cây thông cao ở Rừng Tham Thiền để đốn một cành thông xanh, Nguyên Hưng hét vang cả núi rừng. Tôi lúc đó đang dọn dẹp thiền thất cũng bị tiếng hét của Nguyên Hưng kích động. Tôi bỏ chiếc chổi lau, chạy ra, nhìn về phía Rừng Tham Thiền. Và buồn cười chưa, tôi cũng hét to để hỏi và để trả lời Nguyên Hưng. Rừng núi lớn lao quá khiến ta có cảm tưởng là bị nhỏ bé lại và vì thế tiếng hét của ta là để phá tan cái mặc cảm là chúng ta bé nhỏ. Có phải không Nguyên Hưng? Lại cũng có lẽ là vì chúng ta muốn trả thù những công thức giao tiếp của cái xã hội cũ. Trong xã hội đó, nói thì phải nói với giọng giữ gìn, để ý từng câu từng chữ. Xã hội quy định ta phải ăn như thế nào, chào như thế nào. Vì vậy khi lên Phương Bối chúng ta đã có khuynh hướng lật nhào tất cả những luật lệ đó. Và chúng ta chạy hoặc hét là để phá vỡ cái mặc cảm chúng ta bị nô lệ, để chứng tỏ chúng ta có “tự do”. Cũng như ở bên này người ta có cái kiểu chào nhau “How are you” lạt như nước ốc. Câu chào ấy ai cũng thấy vô ích, thế mà không chào thì lại thấy thiếu một cái gì. Có thì là dư, mà không thì lại là thiếu. Buồn cười nhất là khi một người bệnh tới khám bệnh. Bác sĩ hỏi: “ông mạnh giỏi không?” một cách vô ý thức. Và bệnh nhân cũng trả lời “mạnh” một cách vô ý thức. Trong khi đó, ta biết rằng nếu “mạnh” thì bệnh nhân đâu có cần tới bác sĩ làm gì.

Nguyên Hưng, giữa ta và vũ trụ có những liên hệ nào mà mỗi khi vũ trụ kêu gọi, không thể nào cưỡng lại được? Tôi vừa mới viết cho Hưng về trăng rừng, một tiếng gọi hết sức thiết tha ít khi tôi có thể làm ngơ được. Tôi muốn kể cho Nguyên Hưng nghe về những trận mưa đầu mùa. Từ hồi còn bé thơ, tôi đã bị những trận mưa đầu mùa quyến rũ rồi. Hồi đó tôi còn ở đồng quê. Tiếng sấm động. Trời sa sầm xuống thấp. Những giọt nước to nặng đầu tiên rơi lộp độp trên mái ngói. Vài ngọn gió thổi tới đập các cánh cửa sổ ầm ầm. Tôi đã bị kích động ngay sau những hiện tượng đó. Thật giống như prélude của một bản hùng ca vĩ đại. Thế rồi sau một tiếng sấm long trời lỡ đất, mưa trút xuống rào rào như thác đổ. Những lúc như thế, đố mà tôi ngồi yên cho được. Tôi phải chạy ra, vén màn, dán mắt vào cửa kính. Những đọt cau xa oằn oại. Trong lúc trời đất thét gào. Vũ rụ rung chuyển. Những chiếc lá to bị gió hắt mạnh vào cửa sổ và vách tường. Nước trút xuống ào ào và chảy ồ ồ ngoài sân, trước rãnh. Trong màn mưa bạc, có những con chim quật cánh chống lại với gió với mưa. Trong bản hùng ca đó, tôi cảm nghe thấy rõ rệt tiếng gọi của hồn vũ trụ. Tôi muốn trở thành một đọt cau hay một cây nghiêng ngả oằn oại trong mưa. Tôi muốn trở thành một con chim bay quằn quại giữa trời để chịu đựng sức mưa sức gió. Tôi muốn chạy ra giữa mưa mà hét, mà múa mà quay cuồng, mà cười, mà khóc. Nhưng mà tôi không dám. Bởi vì tôi sợ mẹ tôi mắng. Trong tiếng ào ạt rạt rào của mưa và gió, tôi ráng lấy tất cả gân cổ hát một bài. Dù tôi có hét to đến mấy người ta cũng không nghe được, bởi vì bản nhạc long trời lở đất đã lấn át hết. Trong khi tôi hát như thế, mắt tôi vẫn không rời cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, thần trí tôi như bị hút vào cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, và tôi cảm thấy tôi được hòa mình vào trong bản hòa tấu vĩ đại. Tôi thấy dễ chịu. Tôi hát bài hát này rồi bài khác. Sau đó, trời tạnh, hơi đột ngột. Tôi cũng dừng tiếng hát. Thần kinh tôi êm dịu lại và tôi nhận ra rằng trên mi tôi còn đọng một vài giọt nước mắt.

Cho mãi tới ngày nay, tôi cũng vẫn còn giữ cái thói làm như vậy, Nguyên Hưng, tuy rằng có đôi khác chút ít. Tiếng gọi của đất trời vẫn tha thiết và rõ rệt như ngày xưa. Mỗi khi văng vẳng có tiếng gọi ây là tôi lại giật mình, và với tất cả với bản thể của tôi, với tất cả mọi nguyên tử của sinh lý tôi, với mọi đường máu, mọi đường giâythần kinh của thân thể tôi, tôi lắng nghe một cách kính cẩn và thiết tha. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một người mất mẹ đã mười năm, một hôm bất giác nghe tiếng mẹ gọi. Tâm trạng của tôi là như thế đó, mỗi khi tôi nghe tiếng gọi của đất trời. Mới vừa hôm qua đay, trong cảnh rừng mưa, tôi quỳ dưới cửa sổ để nghe bản nhạc hùng của tời, của đất, của rừng, của gió. Cửa sổ để ngỏ, nhưng tôi không đứng dậy đống lại. Tôi qùy đó, thành kính, đầu hơi cúi thấp, trong khi gió tạt mưa vào ướt cả đầu cả cổ cả áo tôi. Tôi thấy rất được dễ chịu, rất được yên lành trong cử chỉ ấy. Mãi cho dến khi rùng mình, thấy lạnh, tôi mới đứng dậy, đóng cửa và đi thay áo, đốt lò sưởi, trong lúc rừng Medford vẫn cuồng nhiệt gào thét trong cơn mưa…

 


Âm lịch

Ảnh đẹp