STEVE, tôi xúc động quá khi nghe tin Cerbu tiên sinh
qua đưòi. Điện tín của Steve khiến tôi bàng hoàng. Tôi không ngờ chúng
ta lại mất người bạn thân đó một cách dễ dàng đến thế. Hôm rời Nữu Ước,
vì vội vàng quá, tôi chỉ nói được lời từ giã với Anton qua điện thoại.
Anton ân cần dặn tói nếu công việc xong xuối thì trở qua lại để lo thực
hiện những điều chúng tôi đã bàn tính với nhau nhiều lần. Tôi đã nói cho
Steve nghe về dự định đó, dự định mà Steve không tán thành cho lắm ấy:
đó là việc tôi ở lại để cộng tác với các bạn mở một phân ban về văn minh
và ngôn ngữ Việt Nam. Tôi cũng ưa việc làm ấy lắm bởi vì đó cũng là một
cách làm việc cho xứ sở tôi. Đã có những phân ban về Nhật Bản, Trung Hoa
và Triều Tiên nhưng về Việt Nam thì chưa có gì. Mà Việt Nam thì hiện giờ
đang là một đối tượng nghiên cứu, một vấn đề nóng bỏng. Tôi nhớ lại ánh
mắt sáng ngời và thái độ sốt sắng của Anton khi bàn tính về dự án ấy.
Nhưng bây giờ thì hết rồi, bởi vì Anton đã học ở trường Đông Phương Ngữ
ở Ba lê và đọc được tiếng Việt. Tôi đã yêu cái vẻ trẻ con dung dị của
Anton nhiều quá. Ngồi đây viết cho Steve tôi còn hình dung được toàn thể
con người của Anton một cách rõ rệt. Anton mất đi, để lại bao công trình
dang dở. Tôi biết Anton còn có bao nhiêu tài liệu, bao nhiêu bản thảo.
Không biết bạn nào sẽ lo liệu về tất cả những thứ đó. Hoặc để giữ gìn,
hoặc để công bố. Những ngày cuối tháng Décembre, Anton đã khuyên tôi nên
ở lại. Anton nói rằng thời thế ở Saigon chưa dung được tôi đâu. Tôi đã
lưỡng lự rất nhiều, nhưng cuối cùng tiếng gọi của Phương Bối, của Nguyên
Hưng và của các bạn trẻ bên này đã thắng. Thật ra tôi không lo lắng gì
cho bệnh tình của Anton bởi vì sau ngày giải phẫu Anton vẫn có thể đàm
luận cùng tôi với một sự nhiệt thành ít thấy. Tôi phải ngăn không cho
Anton nói nhiều. Chính Anton mượn tôi cuốn Việt Nam Cổ Văn Học Sử của
Nguyễn Đổng Chi vào dịp ấy. Hôm nói lời từ giã bằng điện thoại tôi có
hứa “vài năm nữa” tôi qua lại. Thế nhưng người bạn của chúng ta hôm nay
đã thành người thiên cổ rồi. Tôi biết Steve yêu Anton lắm, và các bạn
của Steve cũng vậy. Hôm Anton vào nhà thương để giải phẫu đã có tới gần
mười cô cậu tình nguyện hiến máu cho giáo sư của mình, có phải thế
không?
Mùa
xuân đã sắp đến bên ấy rồi tại sao Anton lại vội vàng không đợi nụ hoa
đầu hé cánh? Có lẽ mùa Đông đã dài quá. Trong năm qua, biết bao nhiêu
biến cố đã xảy ra cho chúng ta. Tôi nghĩ đến Steve và có thể tưởng tượng
được nét mặt của cậu sáng hôm qua lúc nhận điện thoại của người nhà
Cerbu báo tin Anton mất. Cuộc giãi phẫu như thế; đã không được thành
công. Chắc chắn tất cả mọi người trong phân khoa đều hàng hoàng vì tin
ấy. Và thế nào Mirriam cũng viết cho tôi.
Tuy
giáo sư Cerbu mất, tôi vẫn tin rằng Steve sẽ iếp tục đi theo con đường
đã vạch. Steve hãy tiếp tục học Phạn Ngữ và Hán Ngữ đi. Có ngày chúng ta
sẽ làm việc chung. Như Steve đã ước muốn. Tôi không muốn cậu nản chí vì
thiếu người nương tựa. Dù sao thì tôi cũng vẫn còn đây, và tôi hứa sẽ
viết đều cho Steve.
Tôi
muốn hỏi Steve một việc: lâu nay cậu ăn ở đâu, ai nấu cho mà ăn? Bên này
thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tự nấu bếp lấy đấy. Thỉnh thoảng mà thôi; bởi
vì chúng tôi bận rộn quá đi mất. Nguyên Hưng và tôi bây giờ ở chung và
ăn chung với nhau; Nguyên Hưng nấu bếp cũng tài và có Nguyên Hưng bỗng
nhiên tôi sinh ra ỷ lại và làm biếng nữa Steve ạ. Điều đó tôi biết mà
tôi cứ để mặc kệ cho nó xảy ra. Chừng nào Nguyên Hưng nhăn mặt, chừng ấy
hãy hay có phải không? Nguyên Hưng bây giờ thành người lớn thực sự rồi,
nhưng mà vẫn còn bông đùa như hồi còn bé. Thực ra nếu không có tiếng
cười nói và bông đùa đó trong những giờ nghỉ ngơi và giải trí có lẽ
chúng tôi sẽ thấy thiếu thốn lắm. Steve không biết điều kiện làm việc ở
đây khó khăn đến mực nào đâu.
Một
vài con chim Phương Bối ngày xưa đã quy tụ về đây và làm việc với nhau,
sinh hoạt với nhau. Chúng tôi hiện có Hưng, có Phú, có Mẫn. Và tôi nữa
là bốn. Lý cũng ở gần chúng tôi, nhưng mà Lý bận rộn lắm. Lo một tờ nhật
báo thì còn thì giờ đâu để mà làm những việc khác nữa. Cái ông chủ báo
này vẫn mặc đồ bà ba (nó giống như bộ đồ tôi mặc trong nhà ấy) màu đen
hay màu nâu như thời ở Phương Bối. Thỉnh thoảng Lý tạt vào thăm chúng
tôi để hút chưa cháy xong nửa điếu thuốc thì đã vội vã từ biệt. Tờ báo
của Lý đã bị đóng cửa một tuần lễ rồi đấy, mà Lý vẫn còn cứng đầu cứng
cổ như thường. Trong cái không khí chính trị này, chắc tờ báo chẳng sống
được lâu đâu. Tuy nhiên hình như tờ báo có độc giả. Thỉnh thoảng Lý hỏi
tôi có “nghèo” lắm không. Tôi nói: nghèo lắm thì cũng chưa phải là
nghèo. Nghèo mấy thì cũng còn có ánh trăng bên cửa sổ, khi điện thành
phố bị cúp. Đó là lời nói theo cửa thơ “bài cú” của thi sĩ Ba Tiêu. Lý
cười ha hả và móc túi đưa cho tôi năm bảy trăm đồng, nói rằng trả tiền
cái truyện ngắn đăng trên báo của Lý. Tôi không nhớ là Lý đã đăng truyện
gì của tôi, nhưng mà tôi cứ nhận tiền của Lý như thường.
Để tôi
nói cho Steve nghe về chỗ ở của chúng tôi. Chúng tôi hiện ở tạm nơi Đại
học Vạn Hạnh. Cái đại học có cái đặc biệt là trong một vùng nghèo bùn
lầy nước đọng của thành phố Saigon hai triệu rưỡi dân, cái thành phố, mà
đã có người gọi là “hòn ngọc Viễn đông” ấy. Đại học Vạn Hạnh đang còn
mới lắm, chưa có cơ sở gì nên phải mượn tạm một số những ngôi chùa trong
đô thành. Phòng của tôi nằm trên từng gác của cư xá chùa Pháp Hội, trung
tâm của Vạn Hạnh. Thật là một cái trường đại học kỳ lạ bởi vì nó không
có vẻ oai vệ của một trường đại học tí nào cả. Trời mưa anh phải lội qua
mấy vũng nước mới tới được đại học. Và hai bên đường anh đi bà con trong
xóm nghèo họp chợ, bán đủ các thứ, từ cá khô, cá tươi, cho đến khoai
lang, rau muống. Cái chỗ ông viện trưởng ở và làm việc chỉ vỏn vẹn có ba
căn phòng nhỏ xíu. Chẳng bì được với “tòa Viện trưởng” ở đại học Huế.
Tuy vậy mà tiện đáo để đấy Steve ạ. Buổi sáng chúng tôi chỉ việc bước ra
đường là có thể mua thức ăn điểm tâm được rồi, khỏi phải làm bếp lôi
thôi. Hoặc và vài ba đồng bạc xôi đỗ, gói trong lá chuối đem về sớt lại
trong một chiếc đĩa lớn. Thêm hai đôi đũa nữa. Thế là xong. Hoặc là mấy
đồng bạc khoai lang hay khoai từ mới luộc xong, đang còn nóng hỏi. Còn
trà thì người lao công của Viện sáng nào cũng cho chúng tôi một bình trà
khá lớn. Người lao công giữ các chìa khóa của trường đại học cho nên hôm
nào sáng anh cũng đến thật sớm và tối nào anh cũng về sau tất cả mọi
người.
Ở dây
chúng tôi dậy thật sớm, chứ không phải như ở Nữu Ước đâu nhé. Bên đó
thiên hạ đi ngủ thật khuya và chỉ thức dậy khi chỉ bắt buộc. Còn ở đây,
vì chúng tôi ở sát bên chùa nên chúng tôi thức dậy với tiếng đại hồng
chung buổi sáng và tiếng tụng kinh của các thầy bên chùa. Khi trời tờ mờ
sáng là tôi mở cửa sổ phòng tôi. Cửa sổ trong ra phía ngoài đường. Ánh
điện đường nơi ngõ hẻm chùa Pháp Hội vàng vọt và yếu đuối. Chợ chưa
đông, nhưng đã có mấy hàng dọn ra rồi. Đặc biệt, dưới cột đèn và sát
thành chùa, là hàng của bà bán hủ tiếu. Hủ tiếu, tức là một thức
ăn giống như phở mà tôi đã nói cho Steve nghe một lần. Hủ tiếu giống như
phở, nhưng khác phở ở chỗ nó có thêm giá tươi. Hủ tiếu có đặc tính miền
Nam hơn phở và có lẽ chịu ảnh hưởng Trung Hoa hơn phở. Gánh hủ tiếu tôi
đang nói chuyện với Steve đây chắc hẳn đã được chuẩn bị từ tối hôm qua.
Khuya vào khoảng ba giờ sáng, bà Tư (tôi tạm gọi bà bán hủ tiếu này là
bà Tư, bởi vì tôi không biết tên bà) đã phải thức dậy để nấu hoặc để hâm
nồi nước dùng trước khi gánh hàng tới đây. Nước dùng phải thật nóng vì
vậy bà phải đặt nó trong một cái lò than để gánh đi để giữ sức nóng. Bà
chỉ mở nắp nồi mỗi khi múc nước dùng đổ vào bát mà thôi.
Ngồi
phía trên nhìn xuống, tôi ngắm cách bà Tư làm hủ tiếu cho khách và kỳ lạ
lắm Steve, sáng nào tôi cũng ngồi ngắm bà như vậy chừng năm bảy phút và
lòng tôi thấy êm ả. Khách của bà khi thì anh bảy phía bên kia đường, ưa
ăn hủ tiếu trước khi đi làm hơn là ăn bánh mì nhúng cà phê sữa; có khi
thì là chị bán bắp không muốn ăn điểm tâm bằng một vài trái bắp; có khi
là mấy em nhỏ ở trong xóm được mẹ hay chị đưa đến ăn trước khi đi học;
có khi thì là bà nội trợ đi chợ trước khi mua thức ăn bỏ vào làn mây đem
về, ghé lại ăn một bát hủ tiếu cho ấm bụng đã. Ở chợ hẽm Pháp Hội, có
nhiều hàng quà chen lẫn trong các hàng bán thức ăn còn sống. Các bạn
hàng bán quà thường mua lẫn quà của nhau mà ăn. Không ai ăn quà của
chính mình bán, bởi vì không ai thấy quà hàng mình bán là ngon cả, Steve
có nghe ra không?
Khách
tới ngồi trên một chiếc đòn thấp trước cái mâm gỗ rộng chừng mười thước
tây mà bà Tư dựng lại bên bờ tường mỗi khi bà bán xong gánh hàng. Cái
mâm gỗ quá cũ và xấu xí quá nên có lẽ không ai thèm lấy cắp. Hoặc giả bà
Tư đã gửi gắm cái mâm kia cho chú Liu chủ tiệm thuốc bắc gần đó,
nhờ chú can thiệp khi có kẻ muốn chiếm đoạt nó cũng nên. Chỉ biết rằng
là cái mâm để dựng bờ tường kia trải qua mưa nắng bốn mùa mà vẫn còn đó.
Khách ngồi xuống trước cái mâm và đưa tiền cho bà Tư. Tùy theo số tiền
mà bát hủ tiếu sẽ to hay nhỏ. Bà Tư bán giá rất bình dân. Một đồng bạc
Việt Nam là đã có thể mua một chén hủ tiếu rồi, thứ chén con các gia
đình thường dùng để ăn cơm. Có thể mua ba, hoặc năm đồng. Có thể ăn hai
ba bát một lúc nếu thấy ngon miệng. Bà Tư đặt rau sống, giá và bánh phở
vào bát bằng tay rồi dùng “vá” múc nước dùng đổ vào. Tay trái bà mở nắp
nồi. Hơi nóng bốc lên. Tay phải bà cầm cái “vá” của bà khá lớn. Vá thứ
nhất chỉ thuần có nước dùng mà không có tí thịt nào. Khi múc vá thứ hai
bà lựa tay khéo thế nào mà để trong vá hai miếng thịt nhỏ, một miếng
chìm một miếng nổi. Dù cái chén hủ tiếu là chén một đồng bà cũng cho
được một miếng thịt nhỏ xíu vào chén. Có khi hai ba miếng thịt trôi vào
vá một lần; bà liền nghiêng vá và giật tay một tí để những miếng thịt
kia rơi bớt lại trong nồi. Tôi nhớ hồi còn ở tu viện, có khi nấu canh
cho gần một trăm tu sĩ ở trong chùa, tôi cũng phải tính toán khi múc
canh để có thể múc thế nào cho phải. Tôi phải múc cho được năm mươi bát
canh từ trong cái nồi canh bằng đồng to tướng kia, múc thế nào cho đủ
năm mươi bát mà bát nào cũng có thể “trông được” nghĩa là có đủ rau, đủ
nấm và đủ nước. Thế nhưng kỳ nào tôi cũng chật vật, bởi vì mỗi lần lại
phải nấu một thứ canh khác nhau. Có khi là canh mít non; tôi nấu thứ
canh này giỏi nhất. Có khi là canh rau lang nấu nấm. Ở Huế nấm mối được
xem là ngon nhất bởi vì nấm mối ở Huế nấu canh rất ngọt. Có một lần rau
lang ít quá nhưng có nấm mối ngon, tôi liền nấu một nồi canh lộn chỉ có
ít nấm ít rau và hai trái cà chua nhỏ xíu. Bửa đó, canh chỉ lỏng bỏng
toàn nước, cà chua cũng tan thành nước; trong mỗi bát canh chỉ có vài
cọng ra còn nấm thì biến đâu hết. Không phải là tôi ăn vụng nấm đâu
nghe; đó là tại vì nấm cũng ít cho nên năm bảy bát canh mới có một bát
may mắn có được một tai nấm. Thế nhưng bữa đó mọi người đều khen là canh
ngọt. Chắc là nhờ nấm mối rồi.
Khi
múc nước dùng đổ vào bát xong. Bà Tư liền dốc bình nước mắm vài ba lần
trên bát hủ tiếu. Rồi đặt bình nước mắm xuống, bà lấy hai ngón tay nhón
vài cánh rau thơm bày lên trên mặt hủ tiếu rồi đặt bát hủ tiếu xuống
mâm, trước mắt người khách. Bà rút một đôi đũa đưa vào chiếc khăn máng
từ đầu gióng, lau sơ qua, rồi trao tận tay cho khách hàng. Những bát đũa
khăch ăn xong, bà đem rửa trong một cái chậu nước mang theo, lau khô và
úp vào chiếc rổ kế bên để dành cho khách hàng sẽ tới. Nắng lên, chiếu
vào hẻm nhỏ. Khi tôi rảnh việc buổi sáng, tới nhìn ra chợ thì bà Tư đã
dọn hàng về rồi. Gánh hủ tiếu ngày nào cũng bán hết sớm. Chỉ có một lần
tôi được thắy bà dọn hàng về. Đó là vào khoảng tám giờ rưỡi sáng. Bà Tư
quét mọi thứ sạch sẽ, trả cái mâm và mấy cái đòn nhỏ vào bức thành, rồi
gánh không đi về. Nhiều hàng khác còn ở lại cho đến mười giờ hay mười
một giờ mới giải tán.
Tôi
giả định bà Tư có một vài đứa con đi học. Bà phải nuôi chúng, phải sắm
giấy bút cùng là trả tiền trường cho chúng. Đó là không kể những vấn đề
riêng và đặc biệt thuộc mỗi gia đình. Gánh hủ tiếu buổi sáng không biết
có đủ tiền lời để mà lo từng đó chuyện? Buổi chiều không biết bà Tư có
làm lụng gì thêm không. Chớ tôi biết rằng bà còn phải lo cho gánh hàng
buổi sáng mai ngay từ tối hôm đó. Cái ngõ hẻm Pháp Hội một ngày kia sẽ
thiếu thốn buồn tẻ nếu không có bà Tư với gánh hủ tiếu của bà. Mà chắc
chắn những chị hàng rau, hàng cá, hàng thịt cũng đều quan trọng như bà
Tư hủ tiếu, không khác. Độ sau này có chị hàng vải và anh chàng bán nồi
niêu soong chảo bằng nhôm tới bầy ngay hàng trước cửa đại học Vạn Hạnh
mà bán. Nhất là anh hàng nồi. Ảnh bày hàng trên một khoảng đất rộng có
đến tám thước vuông. Hàng của anh phản chiếu ánh mặt trời sáng choang.
Có khi ảnh bày thêm một hàng dài các thứ dao lớn nhỏ cần dùng cho việc
nội trợ. Nhìn mà ngán. Cái xe hơi nhỏ của Vạn Hạnh có khi mắc kẹt không
vào cái cổng được và bác tài phải mở cửa năn nỉ anh hàng nồi thu bớt
phạm vi bày hàng lại. Nói cho đúùng các bạn hàng rất tỏ vẻ hiểu biết.
Mỗi khi có xe hơi của trường vào, họ tự động thu vén để cho cái xe có đủ
chỗ mà lưu thông.
Trước
đây nửa năm tôi cũng có chút trách nhiệm với Vạn Hạnh. Ông Tổng Thư ký
nói với tôi: “Cái chợ hẽm này làm mất “uy tín” của đại học Vạn Hạnh quá.
Hay là thầy để tôi thu xếp. Tôi chỉ gọi một cú điện thoại thôi là chúng
ta dẹp được chợ. Bởi vì chợ họp bất hợp pháp. Rồi ta sẽ xin Công chánh
năm bảy xe đất đá để lấp các hố nước là cho lối đi vào trường có vẻ
nghiêm chỉnh thêm ra”. Ông ta nói với tôi vài lần như vậy, nhưng lần nào
tôi cũng mỉm cười từ chối. Rồi tôi khuyên ông đừng nên làm cái chuyện
thất đức và thất nhân tâm đó. Cái Viện Đại học của ông làm lợi cho văn
hóa dân tộc đâu thì chưa thấy mà nếu làm như thế thì đã có thể gây thất
nghiệp cho gần một trăm người tiểu thương và chuốc lấy sự oán ghét của
cả xóm lao động. Tôi nghĩ tới bà Tư hủ tiếu và tôi biết là chẳng bao giờ
ông Tổng Thư ký có thể thuyết phục được tôi về sự cần thiết của cái “thể
diện” của trường. Tôi muốn kể cho Steve nghe cái hôm chúng tôi vừa tiếp
tân các giới trí thức văn hóa Saigon và trong các ngoại giao đoàn.
Trường lúc ấy cũng đang còn thiếu thốn nhiều quá cho nên ông Tổng Thư ký
phải đi vay mượn nhiều ghế dựa bọc vải tại những tiệm mộc quen biết.
Chúng tôi điều đình với bạn hàng trước đó một hôm. Là sáng mai xin đừng
họp chợ ngay trước cửa Pháp Hội. Sáng hôm tiếp tân trời mưa và các ông
khách quý phải rón rén từng bước từ ngoài đường đi vào ngang qua hẻm
tránh các vũng bùn. Trong lời chào mừng, tôi có xin lỗi quan khách về
những vũng nước bùn đó. Ai cũng cười hoan hỉ. Ông Tổng Thư ký, sau đó,
thì thầm với tôi: “thì ra thầy muốn lấp những vũng bùn đó mà không cần
những xe ủi đất và đá của bộ Công chánh:. Tôi nói: “tôi chỉ lấp ‘tạm’ mà
thôi, bác phải lấp chúng thật sự chứ lại”. Ông ta cười.
Cái
đường hẻm Pháp Hội vậy mà vui như Tết đó Steve. Nhất là vào ban đêm có
trăng. Phía trước vài căn nhà hai bên đường hẻm, có những cây cao chừng
bốn năm thước, có bữa đi vào hẻm tôi thấy mặt trăng thấp thoáng sau lá
cây. Đây đó có một hàng bán quà cho trẻ con dưới ánh đèn đường. Và một
xe nước giải khát. Ở trong nhà thì nóng, thành ra hầu hết mọi gia đình
đều ra ngoài hẻm để sinh hoạt. Có nhà quét đường sạch rồi trải chiếu ra,
cha mẹ con cái ngồi chơi chuyện trò với nhau. Có nhà thì nhắc ghế bàn ra
kê ngay trước cửa. Có nhà đem cả công ăn việc làm ra đường. Ở xóm nghèo
Pháp Hội có nhiều nhà làm bong bóng cao su để bán cho trẻ con chơi. Họ
mang một nồi lửa than ra đường, trải chiếu rách và ngồi làm việc. Những
chiếc bóng cao su đủ mầu mới mua sỉ của hãng cần phải làm lại mới bán
được. Họ hơ cao su trên than hồng cho mềm kéo dài chiếc bong bóng ra rồi
thổi vào cho da bong bóng phồng lên, mỏng đi. Như thế bong bóng mới đem
bán cho trẻ con chơi được. Người lớn ngồi nói chuyện còn trẻ con thì
chạy chơi nô đùa. Thật là vui như ngày hội, cái ngõ hẻm Pháp Hội này.
Phía sau cái không khí hòa bình ấy là sự sống càng lúc càng khó khăn đắt
đỏ, những vấn đề dằn vặt con người và nhất là ảnh hưởng của tai họa
chiến tranh mà ít gia đình nào tránh khỏi.
Ở
những xóm nghèo như thế này dân cư rất đông đảo. Trẻ con đầy đường đầy
ngõ. Chúng nó phần đông đều xanh xao. Nhưng không biết tại sao trẻ con
độ nầy trông đẹp ra, kể cả những đứa thuộc về gia đình nghèo nhất. Tuy
không có cái đẹp hồng hào mũm mĩm của trẻ con đủ ăn đủ mặc nhưng mà
chúng vẫn đẹp trong cái xanh xao của chúng. Có lẽ trẻ con bao giờ cũng
đẹp. Hoặc giả vì tôi chỉ mới để ý đến chúng trong thời gian gần đây cho
nên tôi mới thấy chúng đẹp như thế, Steve nhỉ.