Nguyên Hưng, không phải tôi chỉ nghe tiếng gọi mầu nhiệm
kia trong lúc trăng và rừng nói chuyện hay trong những cơn mưa lớn đầu
mùa. Tôi lại còn nghe tiếng gọi ấy và những buổi trưa rất là yên lặng
nữa. Những buổi trưa ở quê hương ta, những buổi trưa mà Lưu Trọng Lư
nghe thấy cả tiếng gà não nùng xao xác gáy, những buổi trưa mà Vũ Anh
Khanh thấy cả nắng lổ đổ rụng lên đầu người viễn khách ở xóm đạo vắng
người. Những buổi trưa ấy miền Bắc cũng có, miền Trung cũng có, mà miền
Nam cũng có. Tôi không tin rằng buổi chiều, dù rằng những buổi chiều
nhìn ra cửa biển, là lúc gợi buồn nhiều nhất. Buổi chiều đối với tôi dù
là ở đâu cũng chỉ là đẹp thôi, chứ không buồn. Chỉ có một lúc duy
nhất trong ngày có thể gọi là buồn: đó là buổi trưa, vào khoảng một giờ,
hay trễ hơn một chút. Buổi chiều cũng như buổi mai, bao giờ cũng linh
động, biến ảo và tràn đầy sức sống. Buổi chiều đã không mang màu sắc tàn
tạ như người ta thường tưởng, mà trái lại còn hứa hẹn một sức sống rạt
rào vào đêm. Tôi thấy vũ trụ sống về ban đêm nhiều hơn. Ban đêm, cái gì
cũng linh động, cũng mầu nhiệm, cũng hùng mạnh. Chỉ có loài người mới
ngừng hoạt động trong đêm, chớ vũ trụ, từ trăng sao nước mây đến trùng
dế cây cỏ đều rì rào mầu nhiệm. Nếu nói đến giờ ngưng đọng, ấy phải là
giờ buổi trưa, lúc quá ngọ một chút. Không có một giọt gió. Trời
cao cao quá, cao đến im lìm, cao cho đến nỗi trở nên vô cùng sâu thẳm.
Cây cối như chết đứng; không nói năng được một lời nào trong giây phút
ấy. Mặt trời như thôi miên trái đất và điểm huyệt trái đất bằng con mắt
lửa hung hãn của nó khiến trái đất và muôn loài trên trái đất trở thành
bất động không còn cựa quậy được nữa. Tôi dám chắc rằng đúng vào giờ
phút ấy trái đất không thể nào còn quay được. Phải đợi cho đến
khi nào có một đám mây hoặc một tí gió tới cứu vãn thì trái đất mới
thoát khỏi được tình trạng bị điểm huyệt và mới có thể tiếp tục cuộc
hành trình. Nếu ta thiếp đi vào buổi trưa trong một giấc ngủ ngắn mà
thức dậy đúng vào giờ phút ngưng đọng ấy, thì lập tức ta nghe tiếng
gọi. Tôi nghe tiếng gọi như thế đã có đến hàng trăm lần rồi
Nguyên Hưng, mà lần nào trái tim tôi cũng hồi hộp như nhau. Mà vì vừa
mới thiếp đi cho đến lúc chợt tỉnh tôi nghe nó không phải với lý trí của
tôi mà với tất cả biển tiềm thức còn đương dâng tràn, còn chưa kịp rút
xuống khỏi lằn mức ý thức. Tôi nghe tiếng vũ trụ gọi tôi về, và
tất cả bản thể tôi rung động đáp lại tiếng gọi ấy.
Nguyên
Hưng, ơ ûPhương Bối tôi cũng trải qua bốn lần nghe như vậy. Rừng
cây ít khi nào đứng chết lặng như trong những lúc ấy và trời không bao
giờ cao như thế, sâu như thế. Trong giây phút kia, tôi thấy lòng ngập
nhớ nhung và một niềm thao thức muốn trở về. Trở về theo tiếng
gọi mầu nhiệm. Những lúc ấy tôi có cảm giác như đứng ở một biên giới có
sương mù. Nếu tôi làm tan được sương mù ấy, tôi có cảm tưởng nó có thể
tan biến trong bất cứ một sát na nào, dễ như không, dễ như nó chưa bao
giờ từng hiện hữu, em ơi.
Nguyên
Hưng, để tôi nhắc lại cho Nguyên Hưng nghe về đem giao thừa đầu tiên ở
Phương Bối. Từ hôm hai mươi sáu Tết, Triều Quang, Từ Mẫn và Thanh Hiện
đã tự động kéo về Phương Bối, như con trở về nhà cha mẹ vào những ngày
giỗ lớn. Quang ở Dalat về mang theo rất nhiều nhánh bạch mai thật đẹp.
(Trước đó, chị Diệu Âm đã cho Như Hiền đem tặng cho chúng ta rất nhiều
cây bạch mai con để trồng quanh nhà). Chúng ta bàn với nhau ăn một
cái Tết lớn nhất trong đời chúng ta, và ăn tại Phương Bối. Sau một
đêm bàn luận, chúng ta đồng ý như sau:
1) Đốt
một đống lữa vĩ đại ngay trên đồi Thượng.
2) Cắm
trại ở đồi Thượng.
3) Nấu
một thùng bánh chưng ở trên đồi Thượng.
4) Cúng
giao thừa, đốt pháo ở đồi Thượng.
5) Hội
họp ăn bánh chưng, chúc Tết và bình văn ở đồi Thượng.
Cái
đống lữa vĩ đại ấy, chắc trong chúng ta không ai có thể quên được.
Nguyên Hưng cũng nhớ là để phá rừng trồng trà chúng ta phải đốn ngã hàng
trăm cây rừng thật lớn. Những cây ấy, sau khi chúng ta đốt rừng, đã bị
cháy xém và khiêng chất thành lại thành đống. Chúng ta đã tốn hết hơn
hai ngày mới chất được đống củi. Vì vậy đống củi lửa trại to lớn như một
cái nhà và đã được chất lên một cách rất công phu. Trong lòng đống củi
vĩ đại, chúng ta đã đặt rất nhiều cỏ khô, lá khô và các cành củi rất dễ
bén lửa. Đống củi đã cháy suốt đêm giao thừa và mãi đến sáng ngày mồng
hai vẫn còn cho ta than hồng. Nguyên Hưng nhớ không?
Ban đầu
thì một số trong chúng ta không tán thành ý kiến cắm trại trên đồi
Thượng vì sự sương khuya. Nhưng sau lại, chúng ta quyết định cứ căng lều
trên đồi, bởi vì đống lửa vĩ đại sẽ làm tan sương và ấm cả khu đồi. Mà
thực vậy, Nguyên Hưng. Không những chúng ta thấy ấm mà nhiều khi còn
thấy nóng bức là khác nữa.
Còn
bánh chưng, Lý là người Bắc và lý tuyên bố có thể gọi bánh chưng vào
hạng đẹp nhất Bắc Hà. Ban đầu ai cũng tưởng là Lý chỉ “ăn to nói lớn”
theo kiểu một nhà văn như Lý, nhưng sau khi thấy Lý trổ tài, ai cũng
phục lắm. Dì Tâm Huệ mua nếp, đỗ xanh và cung cấp lá rong tươi cho Lý.
Hôm gói bánh tôi cũng làm phụ tá cho Lý trong việc lau lá, xếp lá, rọc
lá. Lý làm một cái khuôn nhỏ và gói những chiếc bánh chưng nhỏ xíu,
vuông vắn, thật đẹp. Bánh chưng được nấu từ lúc năm giờ rưỡi chiều để
kịp chín nữa giờ trước giờ Giao Thừa. Mẫn và Hiện đã bắc hai bếp gần
dưới chân đồi Thượng, một bếp để luộc bánh chưng, một bếp khác để nấu
nước sôi tiếp cho nồi bánh. Bếp phải đặt phía dưới, bởi vì gần đỉnh đồi
quá thì sẽ nóng vì đống lửa đỉnh đồi.
Cả nhà
chuẩn bị ăn Tết một cách rộn rịp và chính sự chuẩn bị rộn rịp để ăn Tết
ấy quả đã là Tết một cách đích thực rồi. Từ lúc ba giờ chiều,
Nguyên Hưng và Triều Quang đã vào rừng đốn về những cây tre lớn và cưa
ra từng ống một, chất đầy bên lều. Khi thùng bánh chưng sôi, tất cả
chúng ta đều tắm rửa, quây quần trong chiếc lều lớn nhất cắm trên đồi,
nghỉ ngơi, nghe chương trình phát thanh cuối năm của đài Saigon từ chiếc
Sony quen thuộc và ăn cơm, một bữa cơm chiều thật đơn giản. Tha hồ cho
chúng ta nói chuyện bốn phương. Hồi ấy thường trú tại Phương Bối mới chỉ
có Nguyên Hưng, Lý, Tuệ, dì Tâm Huệ và tôi, còn những người khác là
“chim bốn phương bay về đây cả”. Những con chim ấy bay về Phương Bối và
tíu tít kể cho nhau nghe những mẩu sinh hoạt những câu chuyện những biến
cố đã xảy ra cho chúng từ những phương trời khác nhau. Không ai là không
thấy rõ rằng Phương Bối chính là alma maier của mình.
Trên
những cây cao còn lại của đồi Thượng và cả trên lan can của thiền thất
nữa, Mẫn và Lý đã treo đèn. Vào lúc mười giờ rưỡi, Nguyên Hưng ra lệnh
đốt lửa. Thế là chỉ trong nửa giờ sau, đống lửa cháy rực trời trên đồi
Thượng. Tàn lửa lên cao, cao ngất, khiến cho một vài người trong số
chúng ta tỏ ý lo ngại cho sự cháy rừng. Nguyên Hưng nghĩ, cháy rừng làm
sao được khi tàn lửa phải bay lên được bốn trăm thước mưói tới được cửa
rừng? Tuy vậy, đống lửa vĩ đại soi sáng rực rỡ cả một vùng núi hoang
dại. Bởi vì đồi Thượng là chiếc đồi cao nhất trong vùng. Chúng ta trông
rõ tất cả những vùng núi bao quanh Phương Bối nhờ ánh lửa rực trời trên
đồi Thượng. Có lẽ tất cả thú vật, dân chúng của núi rừng đang ngạc
nhiên, và qua kẻ lá, đang hướng những cặp mắt nhìn về đồi Thượng. Xa xa,
ta có thể trông thấy ngôi nhà của Đại Hà thấp thoáng trong đồi núi chập
chùng. Mười một giờ rưỡi khuya rồi và đống lửa đã cháy lên rất cao.
Chúng ta trở về thiền thất cúng giao thừa. Chiếc bánh đầu tiên vớt ra đã
được đem lên cúng Phật. Buổi lễ đơn giản và ấm áp chỉ kéo dài vào khoảng
20 phút. Giao thừa đến Mẫn, Hưng, Quang, Hiện, Lý, tất cả đều mang các
ống tre liệng dần vào đống lửa vĩ đại. Đó là pháo lệnh giao thừa của
Hưng đấy. Các ông tre liên tiếp nổ lớn vang động cả núi rừng và có lẽ
làm kinh hoàng cả mọi loài ẩn náu trong rừng. Tôi còn nhớ là các cậu đã
quăng vào đống lửa năm mươi mấy ống pháo tre như thế, và không có ống
tre nào là không nổ lớn.
Bánh
chưng của Lý quả thật là rất ngon - có lẽ cũng ngon nhờ những điều kiện
khác nữa, như là không khí đặc biệt của Phương Bối, sự hiểu biết của mọi
người, vui vẻ của mọi người và nhất là sự… đói bụng của mọi người. Nói
như thế không có hại gì đến cái “uy tín” gói bánh của Lý cả. Mỗi người
trong chúng ta phải chúc tất cả mọi người và như thế chúng ta nghe tất
cả đến năm mươi bốn câu chúc tết. Dì Tâm Huệ tỏ vẻ nhiều e thẹn nhất dù
dì lớn tuổi bằng dì của tất cả chúng ta, và dì đã chúc cho tất cả những
câu chúc đơn sơ mà chân thành cảm động.
Tôi nhớ
suốt ngày mồng một tết các cậu dã chia thành hai ba toán rủ nhau đi chơi
thám hiểm núi rừng. Đến đâu cũng đốt lửa, chặt tre làm pháo đốt vang cả
rừng. Thầy Thanh Từ chưa có mặt ở Phương Bối trong cái tết thứ nhất ấy.
Nhưng trong cái tết thứ hai, thầy cũng tham dự những trò nghịch ngợm
nhất của mọi người. Ở đây ai cũng dễ dàng sẵn sàng để mà “đồng sự”. Kiểu
chào của thầy Thanh Từ cũng thay đổi như tất cả mọi người và cả đến
những kiểu sinh hoạt khác như đi núi, trồng cây, cắm trại nữa.
Lần đầu
lên Phương Bối thăm, thầy Thanh Từ đã tỏ sự ưa thích Phương Bối một cách
mặn nồng. Thầy bảo chúng ta nhường cho thầy một ít vùng núi để làm thiền
thất. Tôi nói: tất cả rừng núi Phương Bối là của thầy. Thế là sau đó vài
ba tháng, nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn thân của thầy, chúng ta đã
dựng nên một thiền thất ở triền Đông Bắc của đồi Thượng. Nhà thiền này
được đặt tên là Thiền Duyệt Thất. Duyệt có nghĩa là sự vui vẻ
hoan lạc về tinh thần. Trong bài cúng dường của Nhị Thời Khóa
tụng, ta thấy có câu thiền duyệt vi thực nghĩa là thức ăn làm
bằng sự hoan lạc của thiền định. Thầy Thanh Từ nghe đặt tên cho nhà
thiền như thế thì chịu lắm bèn chấp nhận ngay.
Bên
cạnh Thiền Duyệt Thất, chúng ta còn xây thêm một cái hồ chứa nước
nữa và thầy Thanh Từ đã tự tay làm một chiếc giàn hoa leo thật đẹp phía
trước. Hai bên con đường từ dưới đồi đi lên, thầy đã trồng những cây
thông con bứng về từ Djiring. Thầy lại còn trồng thêm bao nhiêu là thứ
hoa nữa xung quanh thất. Lúc Thiền Duyệt Thất làm xong, thì chiếc nhà
Thượng cũng được khởi công dựng trên chót vót đỉnh đồi. Hai người có
công nhất là Triều Quang và Nguyên Hưng. Hợp tác với anh Phương ở ngoài
xóm và với hai người Thượng nữa Quang và Hưng đã hoàn thành được chiếc
nhà duyên dáng ấy trong vòng một tháng. Vì đứng chót vót trên đỉnh đồi
nên nhà Thượng phải được tạo dựng vững chãi. Tôi biết Nguyên Hưng đã tốn
rất nhiều công phu vào ngôi nhà ấy. Tôi đã cùng Nguyên Hưng trang trí
bên trong và bên ngoài nhà Thượng. Sau này chính nhà Thượng trở thành
hình ảnh tượng trưng nhất của Phương Bối. Buổi chiều chúng ta hay quây
quần bên nhà Thượng cho đến tối, và nhiều đêm chúng ta đem chăn ngủ ngay
ở sàn nhà Thượng. Có đêm rét quá mà trên đồi thì nhiều gió, chúng ta bắt
buộc ôm chăn rời nhà Thượng nửa đêm để về nhà cũ. Tôi không quên được
những đêm chúng ta đứng trên lan can nhà Thượng ngắm sao ngắm trăng.
Những đêm như thế thật là huyền diệu. Sao và trăng gần chúng ta quá.
Nhất là sao Mai. Lớn gần bằng một mặt trăng. Không biết ở những nơi như
Trúc Lâm, Toàn có thấy sao Mai lớn như thế không. Có những đêm tôi kéo
Lý ra khỏi những đống bản thảo dày cộm của Lý để chỉ cho Lý thấy trăng
sao thấy sao. Tôi thì cũng ham viết lắm, nhưng vào những đêm nhiều sao
như thế này, tôi không thể nào viết được.
Nguyên
Hưng, tôi nghe Phương Bối đã trở nên bất an quá, cho nên thầy Thanh Từ
cũng đã rời Thiền Duyệt Thất mà về Phú Lâm rồi. Thật là buồn. Hôm tôi từ
giả Phương Bối, tôi tưởng thầy Thanh Từ có thể ở lại Phương Bối bình
yên. Nhưng mà không. Lâu nay Nguyên Hưng có tiếp xúc với thầy Thanh Từ
bằng thư không? Hôm qua, tôi có viết cho thầy Thanh Từ một lá thư. Lá
thư còn để đây, chưa có dịp gởi nhà giây thép. Tôi đã viết lá thư ấy
trong một tâm trạng bình yên và yêu thương. Nhưng chỉ những người thuộc
về “thánh địa” Phương Bối như thầy Thanh Từ, như Hưng, như Lý mới hiểu
được tại sao tôi có thể viết như thế mà thôi. Thôi để tôi chép cho
Nguyên Hưng đọc một đoạn trong lá thư đó. Đoạn này nằm ở giữa lá
thư.
“Tôi
đã tìm ra chân lý rồi. Trời ơi có phải là nghe câu ấy thầy đang ôm bụng
cười tôi phải không? Tôi nói thật đó mà. Khi tôi thấy nó, tôi giật mình.
Nó không phải là ai xa lạ cả. Nó là, thầy ơi, nó là kẻ mà tôi đã gặp từ
lâu, đã biết rõ mặt mũi từ lâu. Nó không có chi mới lạ đối với tôi cả.
Thế mà tại sao lâu nay, có tới ngàn vạn kiếp rồi, tôi không nhận diện
được nó. Lần này thấy nó, tôi ngạc nhiên đến nỗi không biết làm gì hơn
là phá lên cười. Cũng giống như bây giờ thầy đang ôm bụng cười tôi
vậy.
Tôi
hỏi: “Tôi tưởng tên của cậu mày hay như thế thì mặt mũi cậu phải đẹp lắm
kia chứ?”.
Nó
hỏi lại: “Vậy thầy thấy tôi xấu hay sao?”.
Tôi
giật mình nó lại, thì quả thực nó không xấu.
Nó
lại hỏi: “Hởi người đã tìm thấy tôi, người sẽ làm gì chiều hôm
nay?”
Tôi
nghiêm trọng trả lời: “Ta sẽ đi ăn cơm khi ta thấy đói bụng, và sẽ ngủ
khi ta thấy buồn ngủ.”
Thầy
ơi, hôm từ giã phi trường Tân Sơn Nhất, tôi có mang theo một cái hột gà.
Tôi như một con gà ấp trứng, và luôn luôn có một cái hột gà để ấp, đêm
và ngày. Tôi mang theo qua bên này một cái hột gà đã ấp từ sáu bảy hôm
nay, và những kẻ đưa tôi ra phi trường không có ai hay biết. Họ chỉ biết
tôi mang theo một cái áo lạnh và một cây viết Pilot. Nhân viên quan thuế
không biết, mà tôi cũng không biết phải khai báo ra làm sao. Tôi nín
thinh. Nhưng mà tôi tin ngồi ở Thiền Duyệt Thất, thầy có thể biết. Tôi
nhớ cũng đã từng nói cho thầy nghe và hứa với thầy là khi nào hột gà nở
ra con gà thì tôi tin cho thầy hay. Thầy có nhớ điều đó không? Hôm nay
tôi có thể tin cho thầy biết là thêm một năm ấp ủ, và do khí hậu thuận
lợi, con gà đã mổ được vỏ quả trứng và chui ra ánh sáng. Ra khỏi vỏ nó
lớn rất mau chóng, không khác gì cậu bé Phù Đổng năm xưa.
Đêm
mồng bảy tháng năm vừa qua, tôi được chứng kiến một cuộc đàm thoại giữa
Đức Phật và Ma Vương Ba Tuần, Đức Thế Tôn tiếp Ma Vương Ba Tuần tại núi
Linh Thứu với tư cách một thượng khách của Ngài. Thầy nghe không, một
thượng khách của Ngài. Tôi thích thú lắm. Tôi định sẽ ghi tất cả nội
dung của cuộc đàm thoại đó làm thành một cuốn kinh:
“Đức
Phật: Xin mời Ngài ngồi.
Ba
Tuần: Xin cám ơn Ngài. Gớm cái ông thị giả của Ngài khó tính quá. Khi
tôi xưng danh hiệu, ông ta nhất định không cho tôi vào. Ông nói: Nhà
ngươi còn đến đây làm gì? Ngươi không nhớ năm xưa dưới gốc cây Bồ Đề,
ngươi đã bị đức Thế Tôn đánh bại hay sao? Ngài sẽ không tiếp nhà ngươi
đâu. Nhà ngươi là kẻ thù của Đức Phật”. Tôi phải nói khích một câu ông
ấy mới cho vào.
Đức
Phật (cười): Ngài nói khích như thế nào?
Ba
Tuần: Tôi nói: “Phật thì làm gì có kẻ thù. Phật mà còn phân biệt kẻ oán
người thân thì đâu có phải là Phật”. Chừng ông ta đã được nghe đâu cái
câu ấy của Ngài một vài lần rồi cho nên khi nghe tôi nói khích ông ta
động lòng tự ái, cho tôi vào ngay.
Đức
Phật: Cái kiểu của ngài thì muôn đời như vậy. Và cứ phải mưu mô mà đi
đường cong như vậy thì mới thắng được thiên hạ. Nhưng mà thực ra có dám
làm như thế mới được gọi là Ma Vương.
Ba
Tuần: Đúng lắm thưa Ngài. Làm Ma Vương bực lắm. Mặc áo thì luôn luôn
phải mặc áo giấy. Vẻ mặt thì khi nào cũng phải hoặc nham hiểm, hoặc độc
ác hoặc u mê. Thở thì phải thở toàn khói nghi ngờ đen nghịt. Để có hình
thức phù hợp. Để cho danh chánh ngôn thuân là Ma Vương mà. Đi đâu thiên
hạ cũng tránh, cũng ghét, cũng sợ. Làm Ma Vương quả thực bực
lắm.
Đức
Phật: Vậy ngài tưởng làm Phật sung sướng lắm hay sao? Thiên hạ dán vào
lưng tôi nhiều nhãn hiệu mà tôi không hề tự xưng bao giờ. Thiên hạ đem
tôi ra bán buôn. Và cứ tưởng tượng ngồi trên xe hoa để thiên hạ rước đi
từng bước gật gù qua các phố bán than, bán thực phẩm, bán nước mắm v.v…
thì tôi tưởng Ngài sẽ chẳng bao giờ ước muốn làm Phật, Thế Tôn của nhân
loại.
Nghe
đức Thế Tôn nói xong, Ba Tuần cười ha hả…”
Nguyên
Hưng ơi, tôi chỉ chép Nguyên Hưng đọc từng đó mà thôi nghe.
Không
phải tôi sợ rằng Nguyên Hưng nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại hay trách
móc đâu. Tôi đã nói với Nguyên Hưng rằng tôi viết lá thư đó trong tâm
niệm an lành và thương yêu rồi mà. Mai sau nếu chúng ta được trở về
Phương Bối thì bản thảo cuốn kinh kia sẽ được để trên bàn giữa của chiếc
nhà Thượng. Và sẽ chỉ có những người có căn cơ đại thừa của đại thừa
mới được đọc cuốn kinh đại thừa của đại thừa ấy có phải không?…