11/11/2010 11:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 7313
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đó là Hòa thượng Thích Thuyền Ấn, khi đó là Thượng tọa Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.


Những năm 1979 - 1980, tôi mới là cậu học sinh lớp 12. Khi đó, vì khó khăn kinh tế, và vì hoàn cảnh bấy giờ, hoạt động in ấn xuất bản thu hẹp. Một học sinh trung học như tôi, dù có được đọc một số tờ báo Phật giáo, như chưa thể hình dung việc làm báo Phật giáo cũng là một hoạt động tu học và có vai trò quan trọng thế nào, quy trình ra sao.

Bổn sư  của tôi là Tổng Thư ký Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là cánh tay mặt của Hòa thượng Thích Thuyền Ấn, nhưng thầy bổn sư tôi là người hoạt động trên lĩnh vực giáo dục Phật giáo, là hiệu trưởng một trường trung học Bồ Đề, nên hầu như không đề cập đến hoạt động báo chí Phật giáo.

Thầy chỉ ấp ủ hoài bão mở lại hệ thống trường Bồ Đề và mong tôi theo học ngành sư phạm, dù lúc đó ngành học này ít nhiều bị xem nhẹ.

Nhưng may mắn, Hòa thượng Thích Thuyền Ấn đã giúp cho tôi những kiến thức đầu tiên về truyền thông Phật giáo, chỉ cho tôi một cách thức tu hành mà bây giờ tôi đang áp dụng, là đọc và viết cho công chúng về đề tài Phật giáo.

Hòa thượng Thích Thuyền Ấn sống ẩn dật và tách biệt trên một phòng nhỏ ở tầng cao nhất của chùa  Ấn Quang. Hầu như, thầy không hề xuống chính điện tụng kinh, lập chúng, nhận đệ tử mà dành hết thời gian vào việc đọc sách.

Vì thế  thời gian thầy dành cho Phật tử cũng không nhiều. Tôi may mắn lắm mới được gặp thầy vài ba lần.

Lần  đầu tiên vào thăm thầy, tôi thấy thầy ngắm nghía bản phim in bìa tạp chí Hải Triều Âm. Đối với tôi bản phim dùng để in báo là cái rất lạ, tôi mới nhìn thấy lần đầu.

Thấy tôi quan tâm, thầy cầm lên giải thích rất kỹ về  vai trò của công việc làm báo trong hoạt động hoằng pháp. Thầy giải thích việc làm báo hoằng pháp là một pháp tu, vì trước hết, nó phục vụ đạo pháp theo cách mà không phải ai cũng làm được.

Thầy cũng nói đến tác động và quả của báo chí  đối với việc truyền bá đạo Phật, tức là những khái niệm cơ bản về truyền thông và truyền thông Phật giáo theo cách nói hiện nay.

Thầy cũng nói sơ lược về quy trình kỹ thuật của việc làm báo, thông qua trường hợp cụ thể của tạp chí Hải Triều Âm, từ khâu bản thảo (như khái niệm biên tập bây giờ), cho đến việc trình bày, chế bản, in ấn, và cả khâu phát hành.

Nhờ  có vài buổi được hầu chuyện cùng thầy, một học sinh 17 tuổi đã có được khái niệm ban đầu, tương đối bao quát, về việc làm báo Phật giáo, gieo vào lòng tôi những ước mơ ban đầu về việc phụng sự đạo pháp bằng ngòi bút.

Thầy giúp cho chúng tôi hình dung phần nào từ “âm” trong “hải triều âm”, “phạm âm”, “quán thế âm” cũng có thể hiểu là hoằng pháp, là truyền bá đạo Phật đến với mọi người.

Nhờ thầy, lúc đó, tôi đã có ý niệm về logo của một tờ báo, với hải triều âm là làn sóng dâng cao viên mãn.

Bản phim in bìa tạp chí Hải Triều Âm khi đó không còn dùng vào việc gì, nhưng thầy vẫn lưu giữ như một kỷ vật, và dùng làm “giáo cụ” trực quan cho những thanh niên Phật tử có duyên với truyền thông như tôi.

Hình ảnh bản phim bìa tạp chí Hải Triều Âm của thầy là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi.

Trong những ngày tháng tiễn đưa giác linh hòa thượng, tôi muốn trình với ngài rằng, đứa học trò về truyền thông Phật giáo trong một vài buổi của ngài, nay đã viết được có lẽ đã đến được hàng trăm bài viết về truyền thông Phật giáo. Dù thụ giáo chỉ vài buổi, tôi mặc nhiên là đứa học trò được ngài vỡ lòng để đi vào lĩnh vực truyền thông Phật giáo.

Chắc không bao giờ tôi làm được công việc chủ biên một tờ báo tạp chí Phật giáo như ngài, nhưng tôi chắc chắn cũng làm được một cái gì đó, dù nhỏ bé cho truyền thông Phật giáo, không phụ công sức vỡ lòng của thầy.

Thực sự  tôi đang theo “pháp môn” mà thầy truyền đạt. Tôi không tụng kinh, không trì chú, mà dành hết thời giờ để đọc sách trong đạo ngoại đời, để có kiến thức Phật học và truyền thông, viết được nhiều bài về lĩnh vực báo chí Phật giáo, hoằng pháp. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một cách tu, vì khi viết bài truyền thông Phật giáo, tôi chỉ nghĩ đến làm sao để “hải triều âm” vang xa.

Loạt bài giảng sau cùng của thầy trên giảng đường chùa Ấn Quang, theo tôi nhớ, không phải là những bộ kinh Phật, mà là phân tích một quyển tiểu thuyết. Đó là tác phẩm Câu chuyện dòng sông của nhà văn Đức Hermann Hesse, giải Nobel văn học.

Loạt bài giảng của thầy cũng là những bài học của tôi về  một đề tài khác, đó là hoằng pháp thông qua việc phân tích một tác phẩm văn học nghệ thuật.

Lần  đầu tiên, tôi nhận thức được rằng thuyết pháp không chỉ là giảng kinh mà đề tài có  thể là một quyển… tiểu thuyết, có liên hệ đến nhân sinh quan Phật giáo.

Xin cũng được kính trình lên giác linh hòa thượng, cách mà thầy làm cũng đã được đứa học trò xa vận dụng ít nhiều có kết quả nhất định.

Với phương pháp mà thầy vỡ lòng, tôi đã mở rộng ra nhiều tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm kịch và điện ảnh.

Cũng như  rất nhiều Phật tử khác, tôi cũng trông chờ thầy về mỏi mòn.

Tôi nghĩ  là thầy sẽ rất vui khi biết được có  một Phật tử, chỉ học vỡ lòng ở thầy vài giờ vài buổi những phương pháp hoằng pháp mà thầy rất sở trường, đã vận dụng bước đầu trong việc tu học và có được kết quả sơ khởi nào đó.

Người thầy vỡ lòng tôi về truyền thông, báo chí Phật giáo mãi mãi sống trong tôi.

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/9/41/12312.html

Âm lịch

Ảnh đẹp