Thông tin cho
biết ông Ôn Như Mẫn, chủ biên sách ngữ văn trung học nói với tờ Global
Times: “Chúng tôi bỏ một số tác phẩm của Lỗ Tấn vốn không còn hợp lắm
với xã hội ngày nay”.
Lỗ Tấn chỉ sống 55 tuổi nhưng viết được gần sáu triệu chữ. Tác phẩm
của ông gồm ba mảng: Biên khảo hiệu đính, dịch thuật và sáng tác. Trong
sáng tác, ông viết tất cả 25 truyện ngắn và tạp bút với mong ước “Dùng
ngòi bút cải biến tinh thần người Trung Quốc, cải tạo quốc dân tính
Trung Hoa” (Giản Chi, AQ chính truyện, Lá Bối Sài Gòn 1965).
Nhà phê bình Tô Tuyết Lam nhận xét Lỗ Tấn như một nhà phân tâm học
(Psychologie). Bà viết: “Đối tượng mổ xẻ của ông không phải là thân xác
mà là tâm linh. Chúng ta đau đớn thế nào, ông cũng mặc; chúng ta muốn né
tránh thế nào, ông cũng vẫn lạnh lùng giơ cao mũi dao… nhằm vết thương
nằm sâu trong linh hồn chúng ta mà đâm vào, moi móc chỗ ung mủ ra đặt
dưới kính hiển vi cho mọi người quan sát” (dẫn theo Giản Chi).
Cả Lỗ Tấn và Kim Dung được Trung Quốc xếp vào mười nhà văn có tác
phẩm để đời bên cạnh các nhà văn xưa như Tào Tuyết Cần, Ngô Thừa Ân, La
Quán Trung… Nhờ đọc Lỗ Tấn và Kim Dung, tôi hiểu được một chút con người
Trung Quốc, tâm hồn Trung Quốc. Nay, chuyện gạt AQ chính truyện của Lỗ
Tấn ra, đưa Tuyết Sơn phi hồ của Kim Dung vào là một thiên hạ sự. Việc
của thiên hạ thì thiên hạ có quyền bàn.
Tôi trộm nghĩ ông Ôn Như Mẫn nói chưa thật rõ ý. Không phải tác phẩm
văn học nào “hợp lắm với xã hội ngày nay” mới đưa vào giáo trình văn
trung học. Cái mà người ta ngại nhất trong văn chương của Lỗ Tấn chính
là phép thắng lợi tinh thần trong con người AQ - một đại biểu hoành
tráng nhất của con người Trung Quốc 3.000 năm qua.
Kim Dung viết Lộc Đỉnh ký năm 1968, Lỗ Tấn viết AQ chính truyện năm
1921. Kim Dung xây dựng nhân vật Vi Tiểu Bảo sinh ra trong thời Thuận
Trị nhà Thanh nhưng là một tay lưu manh hiện đại, có thể tìm gặp nhan
nhản trong cuộc sống hôm nay. Lỗ Tấn xây dựng nhân vật AQ sinh ra cuối
đời nhà Thanh, trẻ hơn Vi Tiểu Bảo, nhưng là một con người Trung Quốc
rất cổ điển của 3.000 năm phong kiến.
Cùng nghiên cứu tâm hồn của người Trung Quốc, Kim Dung phẫu thuật ở
chiều rộng, đem lại cho người đọc tiếng cười ha hả; Lỗ Tấn phẫu thuật
chiều sâu, khiến người ta cười mà đau, mà đổ nước mắt. Hễ AQ mở miệng ra
là muốn tỏ ý khinh người: “Ông cha nhà ta bề thế hơn nhà mày nhiều. Thứ
mày là cái đồ gì”. Thế nhưng, trọn cuộc đời hắn chỉ bị người ta bắt
nạt, tát, đánh bằng gậy, bắt phải quỳ xin tội, phạt tiền. Nhân vật bị
hắn khinh nhất làng là Vương Râu Xồm nhưng hắn cũng bị họ Vương “dập đầu
vào tường bốn năm cái, đẩy văng ra sáu thước” (mỗi thước 0,35m - NV).
Người duy nhất mà AQ có thể bắt nạt là một tiểu ni cô ở am Tĩnh Tu.
Vị tiểu ni này bị hắn bẹo má một lần. Người mà AQ dám cãi lại duy nhất
là bà ni cô già bắt quả tang hắn ăn cắp củ cải trong am: “Củ cải này là
trong am nhà bà đấy à? Bà có thể bảo nó trả lời rằng đúng là của bà
không?”. Nhưng cãi xong, hắn cũng đâm đầu chạy trốn. “Thành tích” oai
hùng của hắn chỉ có thế.
Cái khổ là bao giờ gã AQ khoác lác kia đánh lộn với người ta cũng
bị… thua. “Xét về hình thức thì AQ thua, cái đuôi sam bị níu chặt, đầu
bị dập bốn năm cái côm cốp vào tường” - Lỗ Tấn mô tả. Thế nhưng, khi
người đánh hắn bỏ đi thì “AQ đứng sững một lúc, nghĩ thầm ta cứ coi như
cha bị con đánh. Thiên hạ đời nay thật chả ra sao cả”.
Có khi hắn tự hạ mình xuống: “Tớ là con giun, con bọ”. Nói tới như
vậy mà vẫn bị kẻ mạnh hơn nắm đuôi sam “lôi hắn tới đâu đó đập đầu côm
cốp năm sáu cái mới bỏ đi”. Thế nhưng chưa đầy mười giây sau, hắn đã cảm
thấy mình hả hê đắc thắng: “Hắn thấy hắn là người có thể tự mình khinh
rẻ mình hạng nhất, nếu gạt bỏ bốn chữ “mình khinh rẻ mình” ra thì mình
vẫn là hạng nhất rồi”. Mà cái gì hạng nhất trên đời đều hơn người cả!
Nói chung, AQ dù thất học, dù đi làm thuê, dù bị đòn nhiều lần vẫn
là… cha của thiên hạ. Bởi AQ hiểu mình là… con ông trời (thiên tử) mà.
Ấy, phép thắng lợi tinh thần hay như vậy đó.
Có lẽ chính vì mặc cảm về phép thắng lợi tinh thần này mà sách giáo
khoa văn Trung Quốc gạt bỏ anh chàng AQ ngớ ngẩn, hèn kém, chậm tiến, ảo
tưởng kia ra chăng? Có lẽ vì tự hào mình phát triển nhanh, mình đích
thực là tía má thiên hạ mà sách giáo khoa của họ thấy tư duy thắng lợi
tinh thần là không phù hợp chăng?
Kim Dung xây dựng một Vi Tiểu Bảo rất xưa nhưng ăn hối lộ, chơi gái,
nịnh bợ, gian lận tiền bạc, lạm dụng chức quyền rất hiện đại. Lỗ Tấn
xây dựng một AQ rất mới nhưng từ suy nghĩ, lời nói, đánh nhau, tự an ủi
mình rất cổ điển. Cả Vi Tiểu Bảo và AQ đều là những đại biểu trong văn
học Trung Quốc. Tiếc thay, một đại biểu được miễn nhiệm, có lẽ vì anh ta
ẻo lả quá và cũng có lẽ vì sự ẻo lả đó dù có thực đi nữa thì cũng không
còn phù hợp ngày nay.
Xưa, AQ đánh lộn với Vương Râu Xồm. Khi hắn bị họ Vương chụp cái
đuôi sam, đã hoảng hốt nói ngay: “Quân tử động khẩu, bất động thủ”
(Người quân tử chỉ nên đánh nhau bằng miệng, không cần đánh bằng tay
chân). Nghĩa là AQ chỉ muốn nói chuyện phải quấy qua đường… thương
thuyết. Nay, Vi Tiểu Bảo vừa chửi, vừa dùng nhiều thủ đoạn khác để triệt
hạ đối thủ của mình. Hắn dùng đủ thứ vũ khí: lưỡi trủy thủ giấu trong
ống tay áo để đâm qua vách ván, thuốc độc Hủ thi tán giấu trong kinh
Phật, ám khí Hàm sa sạ ảnh giấu trước ngực, rượu pha Mê hồn tán chứa
trong bình, súng lục giắt trong nách. Nghĩa là hắn phối hợp nhịp nhàng
cả võ lưỡi lẫn võ khí, làm sao cho người ta chết hay bị thương mới thôi.
Tôi vốn yêu văn chương của hai ông Lỗ Tấn và Kim Dung bởi hai nhà
văn này hơn người ở chỗ… dám nói thật. Tôi đã viết hẳn một quyển biên
khảo Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo (Nhà xuất bản Trẻ 1998) để tìm hiểu não
trạng… hai nhân vật này. Nay thì một nhân vật đã ra rìa vì không hợp
thời trang!
Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte gọi nước Trung Quốc là “con sư tử
ngủ”. Ông cũng nói tiếp: “Khi Trung Quốc thức giấc, trái đất sẽ lung
lay”. Thế nhưng, câu nói đó ra đời trước khi có chủ nghĩa thực dân cũ.
Trong thời đại ngày nay, chẳng ai cho phép ai làm sư tử và cũng chẳng ai
được phép làm sư tử với ai cả.
Vũ Đức Sao Biển