19/12/2010 20:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 4372
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Trong cảnh "trải qua một cuộc bể dâu", Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca. Những bản nhạc Thiền do Hà Thanh hát hoặc vừa phổ nhạc thơ thiền, vừa ca mang âm hưởng thâm trầm, gợi cảm mà gần gũi của nước "sông An Cựu Nắng đục mưa trong" và sự lắng đọng thấm vào lòng người của hồi chuông Thiên Mụ..."


Gọi tên hoa súng: LỤC HÀ
Gọi thôn LIỄU HẠ: quê nhà bên sông
Gọi TRẦN KIÊM: họ sắc... không
Gọi HÀ THANH: tiếng hát dòng Hương Giang

Có hai gã Trần Kiêm lang bạt xa quê gặp nhau bên trời Tây cùng nói về một nhân vật. Thi sĩ Kiêm Thêm nói về "mụ O" và tôi nói về "bà Chị" nghệ sĩ của mình là ca sĩ Hà Thanh bằng một mẫu "sơ yếu lý lịch" hợp soạn hòa âm rất chơn chất và... nên thơ như thế đó.

Thuở nhỏ ở làng Liễu Hạ, tôi thường lên mặt hãnh diện khi cuối tuần ngồi quanh cái "Ra-dô" ở làng với bọn nhóc tì trong xóm nghe chương trình ca nhạc của ban Việt Thanh[1] ở đài phát thanh Huế, mà trong đó, Hà Thanh, bà chị họ của tôi, là ca sĩ... hát hay nhất. Nhóm bình luận gia âm nhạc chân đất làng tôi từ sáp nhỏ cho đến người lớn chẳng biết có mang hội chứng "trái ấu" [2] hay không nhưng ai cũng xuýt xoa khen giọng hát Hà Thanh thuở đó là "hay nhứt xứ."

Làng Liễu Hạ và họ Trần nhà tôi -- có lẽ luôn cả Huế -- hầu hết là những rặng thông già kẻ sĩ không lớn kịp với mùa Xuân nghệ sĩ đang lên. Đó là hiện tượng nghịch lý rằng, ai cũng mến mộ giọng hát của Hà Thanh, nhưng lại ái ngại khi một cô nữ sinh xinh đẹp xứ Huế, ái nữ của một gia đình nho phong "êm đềm trướng rủ màn che" trở thành ca sĩ. Nhất là dòng họ Trần Kiêm chúng tôi có bác Trần Kiêm Phổ làm trưởng tộc thì lại càng quan tâm nhiều hơn. Bác "Trợ Phổ", thân phụ của chị Hà Thanh, với dung mạo uy nghi, thường cầm cân nẩy mực cho cả dòng họ, nay lại cho phép chị Hà đi hát công khai trên đài phát thanh, thì quả là một cuộc "đại cách mạng" trong quan niệm truyền thống còn mang nhiều định kiến của đất lề quê thói rất Huế đương thời.

Ngày đó, khu nhà vườn cổ kính ở mé này nhánh sông Hương nối liền với sông An Cựu nắng đục mưa trong; ngó qua mé bên tê sông là trường Pellerin vẫn thường được giới nam nhi Huế ròng và Huế "bậu" -- bắt chước Lan Đình gọi là "Vườn Thúy Hạnh"[2*] -- vì một nhà mà có nhiều hơn cả "ngũ long công chúa", đều mang tên chữ có bộ thảo và rất chi là... tường Đông ong bướm đi về mặc ai: Tố Cần, Hà Thanh, Phương Thảo, Liên Như, Thúy Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai.

Đời nghệ sĩ của Hà Thanh bắt đầu từ năm 1953, lần đầu đài Phát Thanh Huế mở một cuộc tuyển lựa ca sĩ với quy mô lớn. Anh Trần Kiêm Tịnh biết cô em gái mình có giọng hát hay quá nên đã dắt em đi thi. Điều kiện ghi danh dự thi là phải từ 15 tuổi trở lên. Ngày đó, Lục Hà, cô nữ sinh áo trắng nón bài thơ Huế mới 14 tuổi, nên phải "kiếm thêm một tuổi trời cho" nữa mới đủ tuổi dự thi và kết quả đứng đầu cuộc thi. Tuy ông cụ thân sinh chị Hà Thanh là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng "phương Tây Huế" thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực nho phong. Nhạc sĩ Ngô Ganh là giám đốc đài phát thanh Huế đương thời, phải dùng uy tín của mình đến nhà năn nỉ, rằng: "Học hành thì đứa nào học chẳng được, nhưng còn cái tài của cháu Hà Thanh là một tài năng độc đáo, có giá trị trong cả nước Việt Nam. Nếu không cho đi hát thì tài năng sẽ bị mai một đi, uổng lắm." Ông cụ nghe lời minh giải hợp lý nên cho đi hát ở đài phát thanh mà thôi, không hát ở phòng trà hay sân khấu. Từ đó, tiếng hát Hà Thanh đã vọng ra xa hơn bên ngoài rào dậu Vườn Thúy Hạnh.

Người ta vừa thưởng thức giọng hát thanh thoát, mượt mà (uyển thanh) như tiếng sông Hương đang lên của Hà Thanh; nhưng đồng thời cũng vừa quan sát nàng ca sĩ xứ Huế đó như một hiện tượng.

Nói về giọng hát thiên phú của Hà Thanh đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ... nhiệt thành khen tặng. Một vị thầy âm nhạc của tôi ở trường Hàm Nghi Huế là nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương...) đã cho rằng, Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh.

Nhân dáng, điệu bộ trình diễn và phong cách sinh hoạt đời thường cũng như trong hội diễn vẫn bị xem là một "đại nghiệp dĩ" của người ca sĩ. Nếu như nói theo Đào Uyển Minh, nhà phê bình nghệ thuật Đài Loan khi nhận định về Quỳnh Dao, thì phong thái của một nghệ sĩ là "sự biểu hiện cụ thể của một chuỗi phản ứng tâm lý có điều kiện khi tài năng thiên phú đối mặt và tương tác với trình độ giáo dục, hoàn cảnh xã hội và xu hướng nghệ thuật của thời đại"[3] thì quan niệm nầy có vẻ sát hợp với Hà Thanh. Chị sinh ra và lớn lên ở Huế. Huế được người đời nhớ nhung và yêu thương không chỉ vì Huế đẹp, Huế thơ mà còn vì Huế là vùng đất của nhiều tai trời ách nước; chịu nhiều oan khiên và đổ vỡ tan tác từ thuở công chúa Huyền Trân đổi mình cho Huế, áo xiêm phiêu bạt về Chiêm quốc. Cho nên, hầu như tất cả nghệ sĩ xứ Huế đều không có sự biểu hiện táo bạo, vỡ bờ, chinh phục để cuốn hút khách thưởng ngoạn qua dáng vẻ bên ngoài. Đấy cũng là cảm nhận của Thu Bồn, một nhà thơ xứ Quảng: "... sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu."

Nhà thơ Nhất Tuấn, tác giả "Chuyện Chúng Mình" vang tiếng một thời, nói về Hà Thanh như sau: "Tôi có dịp gặp Hà Thanh khi làm quản đốc đài Phát Thanh Quân Đội (1968) tại Sài Gòn. Hà Thanh lúc đó hát rất hay và xuất hiện thường xuyên trên các đài VOF, Mẹ Việt Nam, đài Sài Gòn, đài Quân Đội. Hà Thanh càng ngày càng nổi tiếng. So với những ngày còn ở Huế, sự giao thiệp của Hà Thanh có phần bạo dạn hơn đôi chút, nhưng vẫn còn dè dặt và giới hạn lắm. Thời này Hà Thanh hát nhiều bài của Nhất Tuấn do Phạm Duy, Đan Thọ, Hoàng Lan phổ nhạc. Đặc biệt là Hà Thanh hát rất nổi tiếng những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Bài nào Hà Thanh hát lên cững làm người nghe rung động vì khi hát nàng để hết tâm hồn vào lời thơ, ý nhạc của tác giả muốn gởi gắm trong bài. Hà Thanh như 'nhập' vào bài hát để diễn tả, để làm toát lên giọng Huế rất dễ thương."[4]

Tác giả Chuyện Chúng Mình mô tả Hà Thanh: "Dáng người thanh tú, cao cao, nụ cười vui tươi luôn nở trên môi với nét mặt rạng rỡ. Tính nết Hà Thanh nhu mì, hiền dịu, khác biệt trong giới nghệ sĩ."[5]

Và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã "phong Huế" cho Hà Thanh, rằng: "Dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, dịu hiền, khiêm tốn; tuy tươi mát, thân tình nhưng cũng rất e dè và chừng mực của Hà Thanh là nét tiêu biểu cho con người và phong thái của 'vùng đất khó'... Huế."[6]

Những góc nhìn và cách nhìn có thể khác nhau về một Hà Thanh ca sĩ, nhưng hình ảnh và nhận định về một Hà Thanh hiện thực vẫn là chung nhất. Đó là một Hà Thanh mà về hình tướng cũng như về phong cách sinh hoạt và trình diễn văn nghệ rất tiêu biểu cho "tính Huế" đã ăn sâu trong từng nỗi niềm nhớ Huế: Sâu lắng, nồng nàn, trang trọng, tài hoa.

Chị Hà Thanh sang Mỹ năm 1984. Có những cây cầu đã gãy trong chiến tranh và những mối tình gãy đổ sau cuộc chiến. Trong cảnh "trải qua một cuộc bể dâu", Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca. Những bản nhạc Thiền do Hà Thanh hát hoặc vừa phổ nhạc thơ thiền, vừa ca mang âm hưởng thâm trầm, gợi cảm mà gần gũi của nước "sông An Cựu Nắng đục mưa trong" và sự lắng đọng thấm vào lòng người của hồi chuông Thiên Mụ. Những khi buồn nhất và lắng lòng chiêm nghiệm từng vọng âm suy tưởng từ tâm mình, tôi lại thích nghe thiền ca do Hà Thanh hát. Giọng hát đậm đà còn mang cái gốc thanh âm giọng Huế của chị làm cho người nghe có cảm tưởng như đang nghe những lời tự tình của Huế. Nghe Hà Thanh hát thiền ca, người ta bỗng quên đi sự hiện hữu của thời gian đã làm cho đời phôi pha và quên luôn khoảng cách thời gian làm nên tuổi tác của chị. Một cảm giác thanh tân, tươi mát và lắng đọng đầy ắp lòng người chợt đến, chợt đi hay thấm đượm vào trong cảm xúc.

Khán giả ái mộ Hà Thanh liên tưởng đến nguồn Thiền đang tưới tẩm bản chất nghệ sĩ của chị khi chị xuất hiện gần đây trong các cuộc trình diễn và thu băng gây quỹ từ thiện, cũng như trong các chương trình nhạc hội Asia, Paris by Night với dáng vẻ trẻ trung, tươi mát như cả mấy mươi năm về trước. Trong thế giới ca sĩ trẻ đang lên, Hà Thanh không bị chiếc cầu thế hệ ngăn cách; trái lại, chị đã làm cho khán giả ái mộ cảm động và thưởng thức giọng hát vẫn trong ngần, quý phái của chị trên nẻo về gần "thất thập cổ lai hy."

Hà Thanh có một chỗ đứng riêng trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và một vị trí độc sáng trong lòng người yêu nhạc xứ Huế.

Nửa thế kỷ, những dòng sông xanh vẫn luân lưu chảy. Tiếng hát vượt thời gian của Hà Thanh vẫn còn xanh mát như tên chị, như những dòng sông xanh mà muôn đời con nước vẫn đang về, đang tới. Và, nói thêm bằng những nét chấm phá thi vị như một nhà thơ nào đó, "...có một chút gì rất Huế, rất thương... Có một chút gì rất Huế trang đài..." trong tiếng hát Hà Thanh.

T.K.Đ

 

Nguon: http://www.lieuquanhue.com.vn/index.php/n_ng_ph_xu_n/4908.html

Âm lịch

Ảnh đẹp