14/07/2011 19:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 50539
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam 
Lê Mạnh Thát
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999 - NXB Phương Đông 2006


PHẦN II
BẢN DỊCH THIỀN UYỂN TẬP ANH
BÀI TỰA IN LẠI THIỀN UYỂN TẬP ANH

(1a1)

Thiền uyển tập anh, sao dùng nghĩa đó? Xin thưa, dùng sự anh tú của nó làm nghĩa vậy. Sao thế?

Người theo Thiền tôn cố nhiên là nhiều, nhưng kẻ biết lẽ huyền thật ra lại hiếm: chính như một con phụng giữa bầy gà, một cây lan trong đám cỏ. Nếu chẳng phải phú bẩm anh dị, tri kiến siêu quần, làm sao thấu được ý chí huyền vi, để có thể làm lãnh tụ cho kẻ hậu học và mô thức cho người đời sau?

Ðáng tin thay! Trong vườn Thiền, người anh kỳ là hiếm, nhân đấy trích lấy những bậc danh công, thạc đức để làm tỏ sự tổ thuật của Thiền học. Nên cái nghĩa của Tập anh chính do đó mà có tên.

Kể từ hỗn độn bắt đầu, bấy giờ có Phật Uy Âm xuất thế (1), sáng làm tị tổ của Thiền tôn. Nhưng thời ấy, tục còn thuần hậu, người nhiều chất phác, kinh giáo ở tại hư không (1b1), không cần nói ra để làm máy hóa độ. Kẻ nào lấy ma làm Phật kẻ đó trá ngụy ngày càng sinh, gian dâm ngày càng dấy, nghiệp nợ kết đầy, chướng tội thêm thẳm. Nếu chẳng dùng đến thuyền từ cứu vớt, thì chẳng thể được.

Cho nên cha cả Thích Ca xuất hiện ở Ta Bà (2), vì họ mà nói ra kinh kệ, dạy dỗ chúng sanh, chín kiếp vượt tu(3), công thành quả mãn. Do thế, Phật giáo đại hành, Thiền tôn tiếp nối, như gió thổi qua sáu nẻo (4), để đem mát lành, tuyết rơi trên ba đường (5) để dẹp nóng dữ. Bí quyết thành Phật làm Tổ, từ đó mới mở được mối manh.

Nước Ðại Việt ta, lời Phật thấm nhuần khắp cả, mưa pháp sóng gội nhiều nơi, cắt tóc xuất gia, chứng ấn ngộ không thì cũng có người. Về hành tích, lòng Thiền họ sáng như mặt trời, gương đạo trong như giá băng. Có người ra đời để giúp nước an dân, có kẻ nhập thế để đỡ ngã, vớt chìm. Có người sớm ngộ ấn tâm, chống gậy làm thần diệu cơ mầu của Ðạt Ma (6) (2a1). Có kẻ muộn vào cửa Thiền, chú sen (7) khiến hiển hiện bí quyết của Ðồ Trừng. Còn những vị, chim rừng chuộng niềm đức, nghe kinh trong cửa, dã thú mến lòng nhân, cửa bếp dâng cơm. Ðó là lòng thành cảm cách đã hiệp, chỗ học thần hóa được xong, há chẳng là sự mầu nhiệm của bốn mắt nhìn nhau ư ! Thật đã đủ để làm bậc anh tú trong vườn Thiền vậy.

Ôi ! Phật đạo chí huyền, mà lòng lại huyền ở trong huyền (8). Phật đạo rất lớn mà lòng lại lớn ở trong lớn. Lòng ư ! Lòng ư ! Nó là cái chủ tể của sự tu đạo ư !

Một sách Thiền uyển này, bắt đầu từ Thiền sư Vô Ngôn Thông truyền đạo, đèn đèn nối nhau, ánh ánh huy hoàng, song rút gọn lời dài, làm ngắn chuyện rộng thì cũng đều cái lòng ấy là Chánh giác vô thượng vậy. Xét nguyên do nó, nếu chẳng phải gột rửa sáu trần, rời bỏ bốn tướng (9) mà có thể được như thế sao?

Tôi ròng học sách Nho, xem(2b1) thêm kinh Phật, xét về lý hữu vô của chúng, tuy nói là hai đường, nhưng khảo về chỗ quy kỉnh thì tợ cùng một lẽ. Nhân khi rảnh rỗi giảng dạy ở trường (10), gặp một bạn thiền đến bàn lời Phật, đối thoại hồi lâu, là những vấn đề lông rùa sừng thỏ. Ông nhân đó lấy ra từ trong tay áo, có Tập anh một tập nhờ tôi chỉnh cú, để tiện in lại, nhằm khỏi sai lầm. Tôi xem trong sách ấy có nhiều cao thiền, danh tổ, học tu hết sức, chứng ngộ rất thiêng bất giác ttrong lòng vừa kính vừa phục. Họ bàn không, nói giác, đấy đương nhiên không phải nằm trong phần việc của tôi.

Nhưng kinh Dịch có nói: "Trẻ nhỏ cầu ta"(11). Cho nên, tôi không thể không theo lời xin của ông để sửa lại những chữ thiếu và mất, thêm vào những chỗ sót và thoát lạc. Trong khoảng tuần nhật, lời văn nghĩa lý của sách này rõ ràng trở lại như xưa, không kém gì ánh trăng thêm sáng. Ông nhân đó xin tôi một bài tựa dùng để khắc vào đầu sách, nhằm hiển dương Phật giáo (3a1). Tôi không tiếc công, cho gọi đứa ở đến trước mặt, bảo lấy bút giấy, chuẩn bị viết lách, rồi thảo một thiên lời quê. Ông nhân đó vái chào mà nhận. Cẩn tự.

In lại vào ngày tốt tháng tư năm Lê Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

(3b1) Thác tích của Thiền tôn: Thích tử Như Trí

Môn đồ: Sa di Tính Nhu

Tính Xuyến

Tính Trung

Tính Huy

Tính Kiến

Tính Bổn

Thiện nam tử Tính Phận

Tính Thành

Tính Từ

Tính Hưng

Tính Minh

Tính Băng

Thiện nữ nhân hiệu Diệu Tặng

hiệu Diệu Ðạo

Tính Phụng
 

 

(4a1)THIỀN UYỂN TẬP ANH NGỮ LỤC 
 QUYỂN THƯỢNG

1. THIỀN SƯ VÔ NGÔN THÔNG (1) (759 – 826)

Chùa Kiến sơ, làng Phù đổng, Tiên du (2). Sư vốn người Quảng châu, họ Trịnh, nhỏ đã mộ đạo, không màng gia sản, đến thọ nghiệp tại chùa Song lâm ở Vũ châu (3). Tính tình trầm hậu, ít nói, im lặng mà biết, rõ hiểu mọi việc một cách tổng quát. Cho nên, người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông {Truyền đăng gọi Bất Ngữ Thông}.
Một hôm vào lúc Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi: "Tọa chủ lễ cái gì đó?"
Sư đáp: "Lễ Phật"
Thiền khách chỉ tượng Phật hỏi: "Cái này là cái gì?" Sư không đáp được.
Ðêm đó Sư y phục nghiêm chỉnh đến lạy thiền khách, thưa rằng: "Ðiều ngài hỏi khi nãy tôi chưa biết ý chỉ như thế nào?"
Thiền khách hỏi: "Tọa chủ xuất gia đến nay trải được mấy hạ?"
Sư thưa: "Mười hạ".
Thiền khách hỏi: "Lại từng xuất gia chưa?"
Sư trở thành hoang mang.
Thiền khách bảo: "Nếu không hiểu điều đó, thì dù có trăm hạ cũng chẳng ích gì !"
Rồi đem Sư cùng đến tham vấn Mã Tổ (5). Ði tới Giang tây (6), thì Tổ đã tịch (4b1), bèn đến yết kiến Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (7).
Bấy giờ có vị tăng hỏi: "Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Ðại thừa?"
Bách Trượng đáp: "Ðất lòng nếu không,
Trời tuệ tự chiếu (8).
Nghe xong Sư tỉnh ngộ.
Trở về Quảng châu, trụ trì chùa Hoà an. Có người hỏi: "Thầy phải là Thiền sư chăng?"
Sư đáp: "Bần đạo không từng học thiền"
Im lặng giây lâu, Sư gọi, Người đó đáp: "Dạ".
Sư chỉ cây soan. Người đó không trả lời.
Thiền sư Ngưỡng Sơn (9), khi còn là sa di, có lần Sư gọi: "Tịnh con, đem cái giường lại đây cho ta". Nguỡng Sơn đem giường đến. Sư bảo: "mang lại chỗ cũ". Nguỡng Sơn vâng theo.
Sư lại hỏi: "Tịch, bên này có cái gì?"
"Không vật".
"Còn bên kia?"
"Không vật".
Sư lại hỏi: "Tịch con !"
Nguỡng Sơn thưa: "Dạ".
Sư bảo: "Ði đi".
Tháng chín mùa thu năm Canh tý Ðường Nguyên Hoà thứ 15 (820), Sư đến trác tích chùa đấy (10). Ngoài việc cơm cháo, vui cái vui thiền, thường ngồi quay mặt vào vách, không bao giờ nói năng, suốt mấy năm mà không ai biết. Chỉ có thầy Cảm Thành chùa đó (5a1) lòng càng tôn kính, hầu hạ hai bên, âm thầm rõ thấu huyền cơ, được hết yếu chỉ.
Một hôm Sư không bệnh, tắm rửa thay y phục, gọi Cảm Thành đến dạy rằng: "Ngày xưa, Tổ ta là Nam Nhạc Nhượng Thiền sư (11), khi ngài sắp tịch, có dạy:
"Tất cả các pháp
Ðều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh
Pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất lòng
Chỗ làm không ngại
Không gặp thiện căn
Cẩn thận chớ nói" (12)
Dạy xong, Sư chắp tay mà mất.Cảm Thành làm lễ trà tì thu xá lợi (13), dựng tháp thờ Sư tại núi Tiên du, bấy giờ là nhằm ngày12 tháng giêng năm Bính ngọ Ðường Bảo Lịch thứ 2 (826), Sư thọ sáu mươi tám tuổi" (14)
Ðến năm Khai Hựu Ðinh sửu (1337) phàm có năm trăm mười hai năm (15). Thiền học nước Việt ta bắt đầu từ Sư vậy(16).
Pháp tự của Thiền sư (Vô Ngôn) Thông ở Kiến sơ.
 
THẾ HỆ THỨ NHẤT (MỘT NGƯỜI)
2. THIỀN SƯ CẢM THÀNH (? – 860)

Chùa Kiến sơ, đời thứ 2. Người Tiên du, họ Thị (1). Ban đầu Sư (5b1) xuất gia, tên đạo là Lập Ðức, ở tại núi Tiên du (2) của quận mình. Sư lấy việc đọc kinh làm sự nghiệp. Có hương hào họ Nguyễn mến Sư đức hạnh cao cả, muốn đổi nhà làm chùa mời Sư tới ở, bèn đến lấy tình mời Sư, Sư chẳng chịu nhận. Ban đêm mộng thấy thần nhân mách: "Nếu theo ý của Nguyễn, thì chẳng mấy năm sẽ được điều lành lớn", bèn đáp lại lời mời. {Nay là chùa Kiến sơ ở Phù đổng}.
Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thông là người phi thường, sớm hôm phục dịch, chưa từng biếng nhác. Thông cảm động trước lòng thành của Sư, bèn đặt tên là Cảm Thành. Một hôm, Thông gọi Sư đến dạy: "Xưa, Ðức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn , mà xuất hiện ở đời (3), hóa duyên xong xuôi, ngài vào Niết bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng, tam muội pháp môn, chính ngài tự thân trao cho đệ tử là tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Sư tổ (4), đời đời truyền nhau, đến Ðại sư Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang, trải bao hiểm nguy, để truyền pháp này cho đến Lục tổ Tào Khê, đắc pháp với Ngũ tổ. Khi Ðạt Ma (6a1) mới đến, vì người đời chưa biết tin, nên lấy sự truyền y để làm rõ việc đắc pháp. Nay đức tin đã chín muồi, thì y bát là đầu mối của tranh chấp, phải dừng lại ở nơi ông, không nên truyền nữa (5). Từ đó, lấy tâm truyền tâm, không truyền y bát. Bấy giờ Nam Nhạc Nhượng đầu tiên được tâm truyền, rồi Nhượng trao cho Mã Tổ Nhất, Nhất lại trao cho Bách Trượng Hải (6). Ta nhờ ở Bách Trượng mà được tâm pháp đó. Lâu nghe phương này, hâm mộ Ðại thừa cũng nhiếu, nên ta xuôi Nam để tìm thiện tri thức. Nay gặp được ngươi, ấy bởi duyên xưa. Hãy lắng nghe ta nói kệ:
"Các nơi đồn đãi
Dối tự rao truyền
Rằng thủy tổ ta
Gốc tự Tây thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Gọi đấy là Thiền
Một hoa năm lá (7)
Hạt giống liên miên
Ngầm hợp mật ngữ
Muôn ngàn có duyên (8)
Tam tông đều gọi
Thanh tịnh bản nhiên
Tây Thiên cõi này
Cõi này Tây Thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên
Ðụng đâu cũng vướng (9)
Phật tổ thành oan
Sai một mảy may
Ði mất trăm ngàn
Ngươi khéo quan sát
Chớ lửa cháu con
Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn (10)
(6b1) Nghe xong lời đó, Sư liền tỉnh ngộ.
Một lần có vị Tăng đến hỏi: "Thế nào là Phật?"
Sư đáp: "Khắp hết mọi nơi."
Lại hỏi: "Thế nào là tâm Phật?"
Sư đáp: "Chẳng từng che dấu"
Lại thưa: "Người học không hiểu".
Sư bảo: "Ði quá xa rồi"
Về sau, Sư không bệnh mà mất. Bấy giờ là năm Canh thìn Ðường Hàm Thống thứ nhất (860).

THẾ HỆ THỨ HAI (MỘT NGƯỜI)
3. THIỀN SƯ THIỆN HỘI (? – 900)

Chùa Ðịnh thiền (1) làng Siêu loại (2). Người Ðiển lãnh (3). Lúc nhỏ xuất gia với sư Tiệm Nguyên chùa Ðông lâm (4) cùng làng, tự gọi là Tổ Phong. Sư rảo khắp cõi ngoài, cầu học Thiền chỉ. Sau gặp Cảm Thành chùa Kiến sơ, bèn xin ở lại hầu hạhơn mười năm, mà hoàn toàn không mỏi mệt. Một hôm Sư vào thất hỏi: "Trong kinh (5) nói: "Ðức Thích Ca Như Lai, nhân địa tu hành trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới được thành Phật"(6). Nay Ðại đức lại luôn luôn bảo: "Tức tâm tức Phật". Tôi thật chưa hiểu, xin một phen khai thị cho".
(7a1) Thành hỏi: "Trong kinh đó là do ai nói?"
Sư thưa: "Há chẳng phải Phật nói sao?"
Thành hỏi: "Nếu là Phật nói thì tại sao trong kinh Văn Thù bảo: "Ta ở đời 49 năm, chưa từng nói một chữ cho ai" (7). Vả lại cổ đức nói: "Người tìm văn lấy chứng, thì thêm vướng mắc. Người khổ hạnh cầu Phật thì đều lầm mê. Người lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo. Người chấp tâm tức Phật là ma". (8)
Sư hỏi: "Như vậy tâm này là cái gì? Cái chẳng phải Phật là cái gì?"
Sư tiếp: "Như vậy tâm này là Phật gì?"
Thành đáp: "Xưa có người hỏi Mã Tổ: "Tâm tức là Phật, cái nào là Phật?" Mã Tổ dạy: "Ông nghĩ cái nào không phải là Phật chỉ ra xem?". Người ấy không trả lời. Tổ dạy"Hiểu được khắp nơi có, không hiểu mãi xa sai" (9)
Chỉ một câu thoại đầu nầy, ngươi lại hiểu chưa?"
Nghe lời đó xong, Sư thưa: "Con đã hiểu rồi".
Thành hỏi: "Ngươi hiểu như thế nào?"
Sư thưa: "Khắp cả mọi nơi, không chỗ nào là chẳng phải tâm Phật".
Sư liền sụp xuống lạy.
Thành bảo: "Cần (7b1)phải làm thế a?"
Nhân đó đặt tên là Thiện Hội. Về sau, Sư mất tại chùa mình, tức năm Canh thân Ðường Quang Hoá thứ 3 (900).

THẾ HỆ THỨ BA (MỘT NGƯỜI)

4. THIỀN SƯ VÂN PHONG *
{Một tên nữa là Chủ Phong} (? – 956)

Chùa Khai quốc (1), kinh đô Thăng Long, người Từ liêm, quận Vĩnh Khương (2), họ Nguyễn. Khi mẹ mang thai, bà thường ăn chay, tụng kinh, lúc sinh có ánh sáng lạ chiếu khắp nhà. Cha mẹ thấy điềm lạ, nên cho Sư đi xuất gia. Lớn lên, Sư theo hầu sư Thiện Hội ở Siêu loại làm đệ tử nhập thất (3), lặng nắm huyền chỉ, thiền học ngày thêm càng tiến triển. Hội có lần bảo Sư: "Sống chết là việc lớn, cần phải giải quyết ngay".
Sư hỏi: "Khi sống chết đến, làm sao tránh khỏi?"
Hội đáp: "Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh".
Sư hỏi: "Thế nào là chỗ không sống chết?"
Hội đáp: "Ngay trong sống chết nắm lấy nó mới được".
Sư hỏi: "Làm sao mà hiểu?"
Hội đáp: "Ngươi hãy đi, chiều nay sẽ đến".
Chiều Sư (8a1) lại vào, như đã hẹn, Hội bảo: "Ðợi đến sáng mai đông đủ, sẽ chứng minh cho ngươi".
Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, liền sụp lạy.
Hội hỏi: "Ngươi thấy đạo lý gì?"
Sư thưa: "Con đã lĩnh hội".
Hội hỏi: "Ngươi hiểu như thế nào?".
Sư đưa nắm tay lên, thưa: "Bất tiếu là cái này đây".
Hội liền bảo thôi.
Về sau, Sư mất vào năm Bính thìn Hậu Chu Hiển Ðức thứ 3 (956).
 
 
THẾ HỆ THỨ TƯ (HAI NGƯỜI, MỘT NGƯỜI KHUYẾT)
5. ÐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT * {Trước tên là Chân Lưu}(933 - 1011)

Chùa Phật đà, làng Cát lợi, Thường lạc(1). Người Cát lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Ðế. Sư tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Sư cùng bạn học Trụ Trì đến Thiền Sư Vân Phong chùa Khai quốc, thọ giới Cụ túc(2).từ đó, Sư đọc khắp sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền. Năm bốn mươi tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Ðinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bènphong làm Tăng thống (3). Năm Thái Bình thứ hai (917). Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư(4).
Hoàng đế Lê Ðại Hành càng kính trọng Sư hơn, phàm việc quân, việc nước ở triều đình, Sư dều dự vào.

Một lần Sư đi chơi núi Vệ linh(5) ở quận Bình lỗ,(6) thích phong cảnh vắng đẹp, bèn muốn lập am để ở. Ðêm xuống nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng: "Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương(7), những người theo ta là Dạ xoa(7). Thiên đế(7) có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết". Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu la ầm ĩ, lòng rất lấy làm lạ. Ðến sáng Sư vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum sê, bên trên lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt. Ðem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng, để thờ.

Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu ninh(8), lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn (9a1) tan vỡ(9).

Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), người Tống là Nguyễn Giác sang sứ nước ta. Bấy giờ pháp sư Ðỗ Thuận cũng có tiếng tăm lừng lẫy. Vua sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để nghinh đón Giác ở Giang khúc. Giác thấy Pháp sư giỏi bàn văn chương, bèn đem thơ tặng, có câu: "Ngoài trời lại có trời soi rạng". Vua đưa hỏi Sư. Sư thưa rằng: "Ðây nó muốn tôn kính Bệ hạ cùng với chúa nó không khác ". Khi Giác trở về, Sư làm một bài thơ nhan đề Vương lang qui(10) để tiễn đưa. Bài từ như sau:
Trời lành gió thuận, gấm buồm dương
Thần tiên về để hương
Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang
Trời xanh xa dặm trường
Tình ray rứt chén lên đường
Bịn rịn sứ tinh lang
Nguyện đem thâm ý vì Nam bang
Phân minh tâu Thượng hoàng(11).
Sau Sư lấy cớ già yếu, xin từ về núi Du hí ở quận mình(12), lập chùa trụ trì; người học tìm tới đông đảo. Một hôm, đệ tử nhập thất là Ða Bảo hỏi: "Thế nào là chung thủy của sự học đạo".
Sư đáp: "Thủy chung không vật, diệu hư không
Hiểu được chân hư, thể tự đồng".
Bảo tiếp: "Làm sao đảm bảo được?".
Sư đáp: "Không có chỗ cho nguời xuống tay".
(9b1) Bảo nói: "Hòa thượng nói xong rồi".
Sư lại hỏi: "Ngươi hiểu gì".
Bảo bèn hét lên.
Ngày 15 tháng hai năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) triều Lý, khi sắp cáo tịch, Sư dạy Ða Bảo kệ rằng:
Trong cây vốn có lửa
Có lửa, lủa mới bừng
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát do đâu bùng.
Nói kệ xong, sư ngồi kiết già mà mất, thọ 82 tuổi*{Có nơi nói thọ 79 tuổi} (13).

THẾ HỆ THỨ NĂM (HAI NGƯỜI, KHUYẾT MỘT)

6. THIỀN SƯ ÐA BẢO

Chùa Kiến sơ, làng Phù đổng, Tiên du. Khôngbiết người đâu, và cũng không biết họ gì. Khi Ðại sư KhuôngViệt giảng dạy tại chùa Khai quốc, Sư đến tham học. Ðại sư khen là người gặp việc thì chóng hiểu, xử sự cẩn thận, nên riêng cho thập thất.
Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bát, tiêu dao ngoại vật. Sau được chùa Kiến sơ, bèn đến ở đó.Lý Thái Tổ lúc chưa lên ngôi, Sư thấy tướng mạo đẹp đẽ khác thường, bèn bảo: "Chú này cốt tướng khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây". Vua cả kinh, thưa: "Hiện nay(10a1) đức Thánh thượng anh minh còn đó, trong ngoài cả nước yên vui, thầy ta sao lại nói lời phải tội tru di này?".
Sư bảo: "Mệnh trời đã định, người dù muốn trốn cũng chẳng được nào. Giả như lời này mà đúng, thì mong chớ bỏ nhau".
Khi Vua lên ngôi, nhiều lần triệu Sư vào cung, hỏi bàn yếu chỉ của Thiền và lễ Sư rất hậu. Cả đến công việc chính trị của triều đình, Sư đều dự phần giải quyết. Vua xuống chiếu trùng tu chùa Sư (1). Sau không biết Sư tịch ở đâu.

THẾ HỆ THỨ SÁU (BA NGƯỜI, MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

7. TRƯỞNG LÃO ÐỊNH HƯƠNG
(?- 1075)

Chùa Cảm ứng, Ba sơn(1), phủ Thiên đức(2), Sư họ Lã, người Châu minh(3), gia thế dòng tịnh hạnh. Thuở nhỏ thọ giáo với Thiền sư Ða Bảo tại chùa Kiến sơ. Trải qua 24 năm, môn đồ của Bảo có hơn trăm người , chỉ có Sư cùng với Quốc Bảo Hòa được chọn làm thủ lãnh, nhưng Sư thấu rõ nhất tôn chỉ của Bảo.
Một hôm Sư hỏi Bảo: "Làm thế nào để thấy được chân tâm?"
Bảo dạy: "Chính ngươi tự phát hiện".
Sư bỗng nhiên hiểu được yếu chỉ, liền thưa: "Hết thảy đếu như thế, chứ có riêng gì tôi".
Bảo hỏi: "Ngươi đã hiểu chưa?".
Sư đáp: "Khi đệ tử hiểu rồi, cũng giống như lúc chưa hiểu".(4)
Bảo dạy: "Nên đem tâm đó mà quyết chắc"
Sư bưng tai, đứng quay lưng lại. Bảo liền quát "Ði". Sư sụp lạy.
Bảo dạy: "Từ nay ngươi hãy như một kẻ đui điếc trong việc tiếp người".
Ðô tướng thành hoàng sứ là Nguyễn Tuân khâm phục tài đức của Sư, nên mời về chùa đó ở. Người học vân tập, dạy dỗ dắt dìu, công Sư không ít.
Ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh dần (5) Sùng Hưng Ðại Bảo thứ 2 (1050) triều Lý Thái Tôn, Sư nhuốm bệnh, họp chúng để từ biệt, đọc kệ:
"Bản lai không xứ sở(6)
Xứ sở ấy chân tông
Chân tông huyễn như vậy
Huyễn hữu tức không không"(7).
Nói kệ xong, Sư lặng lẽ viên tịch.

8. THIỀN SƯ THIỀN LÃO
(1)

Chùa Trùng minh, núi Thiên phúc(2), Tiên du. Ban đầu Sư đến tham bái Thiền sư Ða Bảo tại chùa Kiến sơ, lãnh được tâm yếu rồi đến trác tích tại núi ấy (3). Gió thiền càng nổi, kẻ học hàng nghìn, đông đảo làm cho tòng lâm thịnh vượng.
Vào khoảng Thông Thụy (1034 – 1038), Lý Thái Tôn có lần đến (11a1) chùa và hỏi Sư rằng: "Hoà thượng ở núi này đến nay được bao lâu?".
Sư thưa: "Chỉ biết tháng ngày này
Ai hay xuân thu trước" (4)
Vua hỏi: "Hàng ngày làm việc gì?"
Sư đáp: " Trúc biết hoa vàng đâu cảnh ngoại (5)
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân"
Vua hỏi: "Có ý chỉ gì?"
Sư đáp: "Lắm lời không ích về sau"
Vua hoát nhiên như có sở đắc.
Khi sắp sai sứ rước Sư về triều làm cố vấn, thì Sư đã viên tịch trước đó (6). Vua rất buồn tiếc, làm thơ thương khóc, sai trung sứ ban nhiều lễ hậu, lập đàn trà tỳ, thu linh cốt, xây tháp ở cửa núi, lại sửa sang rộng rãi chùa Sư, đặt môn đồ lo việc hương hỏa.

THẾ HỆ THỨ BẢY (BẢYNGƯỜI KHUYẾT MỘT)

9. Thiền sư VIÊN CHIẾU
(999 – 1090)

Chùa Cát tường, kinh đô Thăng Long, Sư họ Mai, tên Trực, người Long đàm(1) Phúc đường(2), là con người anh bà Linh Cảm thái hậu nhà Lý(3). Thuở nhỏ thông minh hiếu học, nghe đồn vị trưởng lão tại chùa Mật nghiêm(4) quận mình xem tướng giỏi, nên đến xem thử cho biết. Vị trưởng lão nhìn kỹ (11a1) rồi bảo: "Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là người trong hàng thiện Bồ tát, bằng không thì việc thọ yểu khó bảo toàn". Sư cảm ngộ, giã từ cha mẹ, đến núi Ba tiêu theo học với Ðịnh Hương, hầu hạ nhiều năm, nghiên cứu Thiền học, Sư thường trì kinh Viên giác, rõ thấy được phép Tam quán(5). Một tối trong lúc thiền định, Sư thấy Bồ tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột rồi dùng thuốc rịt lại. Từ ấy, những gì đã học trong lòng, trở thành rõ ràng như từng biết(6), sâu rõ ngôn ngữ tam muội(7), thuyết giảng lưu loát. Sau đó, Sư đến bên tả kinh thành dựng chùa để ở. Người học qui tụ đông đảo.
Có tăng hỏi: "Phật với Thánh, nghĩa ấy thế nào?"
Sư đáp: "Cúc trùng dương dưới dậu
Oanh thục khí đầu cành (8)"
Lại hỏi: "Cảm ơn, nhưng người học này không hiểu xin thầy dạy lại".
Sư đáp: "Ngày thì ác vàng dọi
Ðêm đến thỏ bạc soi"
Tăng lại hỏi: "Chân ý Sư đã rõ,
Máy huyền ấy thế nào?"
Sư đáp: "Bưng chậu nước đầy không cẩn thận
Một phen vấp ngã hối mà chi?"
Vị tăng nói: "Cảm ơn thầy".
Sư chỉ nói: "Sóng sông chìm chớ tát
(12a1) Gieo mình tự đắm thôi".
Lại hỏi: "Thiếu Thất, Ma kiệt rất huyền, từ xưa đến nay, ai nối nhau làm chủ?"(9).
Sư đáp: "Sáng tối tượng trời do quạ thỏ
Lõm lồi hình đất nọ núi sông"(10)
Lại hỏi: "Thế nào là căn nguyên đại đạo thẳng đường đi?"
Sư đáp: "Gió lộng bờ cao hay cỏ cứng
Nhà tan nước mất biết trung lương"(11).
Lại hỏi "Tất cả chúng sanh từ đâu mà đến? Trăm năm sau sẽ về đâu?"
Sư đáp: "Rùa đui chui vách đá
Trạch què bò núi cao"
Lại hỏi: "Xanh xanh trúc biếc thảy chân như (12). Thế nào là dụng của chân như?".
Sư đáp: "Tặng anh ngàn dặm xa
Cười mang trà một bình"(13)
Tăng thưa: " Ðến suông có ích gì là sao?"(14).
Sư đáp: "Ai biết đi Ðông a
Nửa đường đầu đã bạc"(15)
Lại hỏi: "Ðã hiên một cửa vắng
Thong thả gõ ai hay" (16)
Sư đáp: "Kim cốc đìu hiu hoa cỏ rối
Mà nay hôm sớm thả trâu dê".
Tăng thưa: "Vì sao như vậy?"
Sư đáp: "Giàu sang cùng kiêu thái
Lầu chợ khiến tan hoang"(17)
Lại hỏi: "Long nữ (12b1) dâng châu thành Phật quả,
Ðàn na bố thí phước ra sao?"(18).
Sư đáp: "Trong trăng quế muôn thuở
Rậm, thưa vẫn một vành".
Tăng thưa: "Nhọc mà vô ích là sao?"(19).
Sư đáp: "Như gương treo trên trời
Nhân gian soi khắp nơi".
Lại hỏi: "Qua sông phải dùng bè
Ðến bến hết cần ghe
Khi không qua sông thì sao?"(20).
Sư đáp: " Ao khô cá lên cạn
Sống cả vạn năm xuân".
Tăng thưa: "Thế nào là "Theo dòng mới đạt được Diệu lý?"(21).
Sư đáp: "Nghe nói bạn Kinh Kha
Một đi không trở lại"(22).
Lại hỏi: "Lẫn lộn quặng vàng cùng một chất
Xin thầy phương tiện luyện tinh ròng"(23).
Sư đáp: "Không phải khách Tề quân
Sao biết biển cá lớn"(24).
Tăng thưa: "Quách quân nếu không nhận
Can gián chẳng làm chi"(25).
Sư đáp: "Nếu muốn bưng uống trước
Vẽ rắn khéo hãy thôi"(26).
Lại hỏi: "Rắn chết giữa đường
Xin thầy cứu sống"(27).
Sư đáp: "Ngươi là người phương nào?".
Tăng đáp: "Vốn người ở núi".
Sư dạy: "Mau về (13a1) non cũ ẩn
Chớ gặp Hứa Chân Quân"(28).
Lại hỏi: "Hải tạng mênh mông không nên hỏi
Tào khê từng giọt nghĩa ra sao?"(29).
Sư đáp: "Rừng tùng tiếng gió thê lương thổi,
Mưa tạnh bùn nhơ ngập lối đi".
Tăng thưa: "Không khác với ngày nay, là thế nào?"(30).
Sư đáp: "Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh ngày nắng đầu cành".
Lại hỏi: "Sờ sờ ở khoảng mắt lòng
Rành rành trong chốn sắc thân
Nhưng lý không thể phân
Tướng không thể thấy
Vì sao không thấy được?"(31).
Sư đáp: "Trong vườn hoa rực rỡ
Trên bờ cỏ tràn lan".
Tăng thưa: "Năm lạnh mầm non rụng
Lấy gì để thưởng công".
Sư đáp: " Mừng cho ông tự rõ
Sung sướng biết chừng nào !"
Tăng thưa: "Hôm nay, may nghe giải
Từ nay hết hoang mang ".
Sư dạy: "Ðắm cạn vừa vớt ra
Ngoảnh đầu đầm muôn trượng".
Lại hỏi: "Trong thành Niết bàn vẫn còn nguy hiểm(32) Thế nào là chỗ không nguy hiểm?".
Sư đáp: "Trên rèm che làm tổ
Cành lau xõa tóc mai".
Tăng thưa: "Nếu gặp lúc cấp bách
Ðôi đường xử lẽ nào ?".
(13b1)Sư đáp: "Trượng phu theo phóng khoáng
Trăng gió hãy vui chơi"(33).
Lại hỏi: "Hết thảy chúng sanh đều bảo là Phật, lẽ ấy chưa tường, mong thầy chỉ dạy?".
Sư đáp: "Nông trang hãy gắng khuyên anh thế
Ðợi thỏ người kia chớ nhọc theo"(34).
Tăng thưa: "May được thầy chỉ rõ
Trọn chẳng đến ai tìm".
Sư dạy: "Khá thươngmột lần ngẹn
Ngồi đó trót quên ăn".
Lại hỏi: "Bao năm dồn chứa ngọc trong túi
Tận mặt hôm nay thấy rõ rành(35)".
Sư đáp: "Trăng trung thu chờ mãi
Gặp phải mây mưa xông"(36).
Tăng thưa: "Tuy nghe thầy dạy bảo
Lý đó vẫn chưa thông".
Sư dạy: "Cười người suông ôm cột
Chết đuối nhắm giữa dòng !"(37).
Tăng hỏi: "Thế nào là một phái?"(38).
Sư đáp: "Vừa thấy xuân gieo và hạ lớn
Gặp ngay thu chín với đông thâu".
Tăng thưa: "Thành phật nhiều thế là sao?".
Sư đáp: "Tổ Long thôi nghĩ chạy
Từ Phúc luống đường xa"(39).
Tăng hỏi: "Kiến tính thành Phật, nghĩa ấy thế nào?".
Sư đáp: "Xuân đến cây khô hoa đua nở
Gió đưa ngàn dặm nức (14a1) hương thần"(40).
Tăng thưa: "Học nhân không hiểu, xin thầy dạy lại".
Sư đáp: "Muôn năm cây cà ấy,(41)
Xanh ngát tận chân mây".
Lại hỏi: "Ma ni cùng các sắc
Chẳng hợp chẳng phân ly"(42).
Sư đáp: "Hoa xuân cùng bươm bướm
Lúc luyến lúc ruồng nhau".
Tăng hỏi: "Theo người xen lẫn là sao"
Sư đáp: "Chẳng phải mắt Hồ tăng(43)
Uổng công dâng ngọc Biện"(44).
Lại hỏi: "Thế nào là chạm mắt là Bồ đề?"(45).
Sư đáp: "Cây cong chim mãi sợ
Dưa nguội người thổi hoài".
Tăng thưa: "Học nhân không hiểu, xin thầy cho ví dụ khác".
Sư đáp: "Kẻ điếc nghe tiếng đàn
Người mù ngắm bóng trăng".
Lại hỏi: "Vốn đã có hình thêm có ảnh
Có lúc ảnh cũng lìa hình sao?".
Sư đáp: "Trăm sông đổ về đông kìa, muôn dòng đua chảy.
Ngàn sao chầu Bắc đẩu kìa, thiên cổ quy tâm".
Lại hỏi: "Thế nào là một câu tỏ ngộ, vượt muôn ngàn?"(46).
Sư đáp: "Xa kẹp Thái sơn qua biển Bắc
Ngửa quăng gậy chống vào cung trăng."
Lại hỏi: "Chỉ một sự này thật,
(14b1) Còn hai chẳng phải chân(47)
Thế thì, chân là gì?".
Sư đáp: "Gió dễ lay đầu gậy
Mưa thành nẩy trên đường".
Lại hỏi: "Không nhắm Như Lai xin Diệu tạng
Không mong lửa tổ nối đèn chong
Ýchỉ rốt ráo thế nào?".
Sư đáp: "Trời thu lúa xào xạt
Cảnh tuyết mẫu đơn cười".
Lại hỏi: "Thế nào là câu tối diệu?"
Sư đáp: "Một người ngoảnh mặt khóc
Cả tiệc uống không vui"(48).
Lại hỏi: "Xưa nay việc lớn xin không hỏi
Ðiểm lạ Tây lai ý thế nào?"(49).
Sư đáp: "Kẻ khéo lời đẹp mặt(50)
Phường đập ngói hong rùa"(51)
Lại hỏi: "Tâm, pháp đều quên, thì tính tức chân(52)
Thế nào là chân?".
Sư đáp: "Ðàn Bá Nha gió khua sân trúc(53)
Lệ Nữ Thần mưa rắc hoa non(54)
Lại hỏi: "Thế nào là câu tối diệu?".
Sư đáp: "Yếu hầu còn mắc nghẹn
Yên ở chẳng vui gì".
Lại hỏi: "Có tu có chứng, khơi bốn bệnh(55)
Ló đầu sao được thoát hồng trần".
Sư đáp: "Núi cao chất nhất dung muôn vật
Biển rộng bao la chứa vạn sông".
Lại hỏi: "Chỉ có Phật với Phật mới biết (15a1) việc đó(56). Thế thì việc đó là thế nào?".
Sư đáp: "Ðường hẹp chi chít trúc
Gió thổi nhạc tự thành".
Lại hỏi: "Chẳng cần bình thường, chẳng cần thiên nhiên, chẳng cần tác dụng, thì nay làm gì đây?".
Sư đáp: "Cỏ bồng én đậu thấp
Biển rộng ẩn cá lân".
Lại hỏi: "Tứ đại mang về từ nhiều kiếp
Xin thầy phương tiện thoát luân hồi".
Sư đáp: "Loài thú trên đời Tê là quý
Nó ăn gai góc mẹp bùn nhơ"(57).
Lại hỏi:"Mọi thứ thủ, xả đều luân hồi, không thủ không xả thời thế nào?"(58)
Sư đáp: "Giềng hồng đẹp đẽ xưa nay vậy
Có lá sum sê chẳng có hoa".
Lại hỏi: "Dứt hết nói năng ý ấy thế nào?"(59).
Sư đáp: "Theo gió tiếng còi luồn bụi trúc
Kèm trăng trái núi quá đầu tường".
Lại hỏi: "Chư Phật thuyết pháp là để giáo hóa mọi loài, nếu hiểu được bản ý thì gọi là xuất thế, bản ý là gì?".
Sư đáp: "Xuân dệt hoa như gấm
Thu sang lá tựa vàng".
Lại hỏi: "Thế nào là một đường nhắm thẳng?"(60).
Sư (15b1) đáp: "Ðông tây xe ngựa ruỗi
Hôm sớm bụi mờ bay".
Lại hỏi: "Có pháp, có tâm, sinh vọng thức
Làm sao tâm, pháp thảy tiêu vong?".
Sư đáp: "Ví được lá tùng xanh cao ngất
Sá gì sương tuyết lả tả rơi".
Lại hỏi: "Ý tổ và ý kinh thế nào?".
Sư đáp: "Chống trượng lên mây khi thích chí
Mệt buông rèm trúc ngủ giường tre".
Lại hỏi: "Tổ tổ truyền nhau là truyền những gì?".
Sư đáp: "Ðói đến tìm thức ăn
Rét thời xin áo mặc"(61).
Lại hỏi: "Thế nhân đều thuê nhà
Người dột ở đâu ta?".
Sư đáp: "Vầng ô cùng ngọc thố
Tròn khuyết dối nhọc chia".
Lại hỏi: "Thế nào là con đường duy nhất đến Tào khê?".
Sư đáp: "Khá thương kẻ khắc thuyền (62).
Rốt cuộc ý hoang mang".
Sư từng soạn Dược sư thập nhị nguyện văn(63). Vua Lý Nhân Tôn lấy bản thảo của Sư, sai sứ đem sang Triết Tôn(64). Triết Tôn cho mời Pháp sư Cao tòa chùa Tướng quốc đến xem(65). Xem xong liền chắp tay lạy, mà nói rằng: "Phương Nam có bậc Ðại sĩ nhục thân ra đời, ấy là vị Pháp sư khéo giảng kinh điển vậy. (16a1) Bần đạo đâu có thể dám thêm bớt". Nhân đó chép lại một bản, rồi giao trả bản cũ. Sứ giả trở về thuật lại vua nghe, vua rất khen thưởng.
Vào một ngày tháng chín năm Canh ngọ Quảng Hựu thứ sáu (1090), Sư không bệnh, gọi chúng đến dạy rằng: "Trong thân ta đây, thịt xương gân cốt, tứ đại giả hợp, đều là vô thường, ví như ngôi nhà kia khi sụp đổ, cột kèo đều đổ. Cùng các con giã từ, hãy nghe bài kệ ta đây:
Thân như tường vách đổ xiêu rồi,
Thiên hạ bồn chồn xót dạ thôi,
Nêu rõ tâm không, không tướng sắc,
Sắc không ẩn hiện mặc xoay dời.
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng viên tịch, thọ 92 tuổi đời, và 56 tuổi hạ(66). Có để lại tập Tán viên giác kinh, Thập nhị bồ tát hành tu chứng đạo trường vàTham đồ hiển quyết một quyển(67) ngày nay còn truyền ở đời(68).

10. THIỀN SƯ CỨU CHỈ

Chùa Diên linh, núi Long đội(1), Yên lãng(2), Người Phù đàm, Châu minh(3), họ Ðàm. Thuở nhỏ hiếu học, sách Nho, sách Phật, không thứ gì là không quán xuyến. Một ngày nọ ôm (16b1) sách than rằng: "Khổng Mặc chấp có, Trang Lão chấp không, sách vở của thế tục chẳng phải là phương giải thoát. Chỉ có Phật pháp không kể có, không, có thể dứt sanh tử, nhưng phải siêng năng giữ giới, cầu bậc thiện tri thức ấn chứng cho mới được". Nhân đó bỏ tục, đến chùa Cảm ứng ở Ba sơn thọ Cụ túc với Ðịnh Hương trưởng lão. Ngày cầu đạo, Trưởng lão hỏi: "Thế nào là nghĩa của cứu cánh?".
Sư đáp: "Chưa"
Sơn nói: "Ta với ngươi là nghĩa của cứu cánh rồi !".
Sư ngẫm nghĩ.
Sơn nói: "Qua mất rồi".
Nhờ lời nói đấy, Sư rõ được yếu chỉ. Nhân đó lất tên Cứu Chỉ. Sau Sư vào chùa Quang minh ở núi Tiên du, tu khổ hạnh đầu đà(4) sáu năm không bước chân xuống núi. Tiếng tăm giáo hóa của sư vang đến tai vua. Vua Lý Thái Tôn nhiều lần cho mời, Sư không đến, nên ba lần thân hành đến chùa Sư, lấy lời an ủi thăm hỏi. Thái Sư Lương Văn Nhậm(5) cũng rất kính trọng.
Trong khoảng Long Thụy Thái Bình (1054 - 1058) Tể tướng Dương Ðạo Gia đem chùa mình, mời Sư về trụ trì. Sư quyết từ không được, đành phải làm theo. Ngày Sư xuống núi (17a1) bèn nói với mọi người rằng: "Ta không trở lại đây nữa". Chim muông trong rừng kêu thương ba tuần không dứt.
Ở vừa ba năm,vào một ngày tháng, năm nào đó của niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059 - 1065), khi sắp thị tịch, Sư họp môn đồ dạy rằng:
Tất cả pháp môn
Vốn từ tính ngươi
Tất cả pháp tính
Vốn từ tâm ngươi
Tâm, pháp như một
Vốn chẳng hai pháp
Phiền não trói buộc
Tất cả đều không
Phải quấy, tội phứơc
Tất cả đều huyễn
Không đâu chẳng quả, chẳng nhân
Ở trong nghiệp không phân biệt
Ở trong báo không phân biệt
Nếu có phân biệt đối với nghiệp
Thì không tự tại
Tuy thấy tất cả pháp
Mà không chỗ thấy
Tuy biết tất cả pháp
Mà không chỗ biết
Biết tất cả pháp
Nhân duyên làm gốc
Thấy tất cả pháp
Chính tâm làm tôn
Tuy nhiễm thực tế
Hiểu rõ thế gian
Ðều như biến hóa
Thấu rõ chúng sanh
Chỉ là một pháp
Không có hai pháp
Không bỏ nghiệp cảnh
Phương tiện thiện xảo
Ðối giới hữu vi
Bày pháp hữu vi
Mà không phân biệt
(17b1) Tướng của vô vi
Vì muốn dứt trừ
Vọng niệm so đo
Của ta ấy vậy.
Rồi nói kệ rằng:
"Rõ biết thân tâm vốn lặng yên,
Thần thông biến hóa hiện mọi tướng
Hữu vi vô vi từ đây hiện
Thế giới hà sa không thể lượng
Tuy dù biến khắp cả hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng hình dạng
Ngàn năm muôn năm khó sánh đó
Xứ xứ nơi nơi thường tỏ rạng(6).
Ðúng ngọ hôm ấy, dựng đàn trà tì, đồ chúng thu linh cốt của Sư xây tháp phụng thờ.

11-12 HAI THIỀN SƯ

BẢO TÍNH (?- 1034), MINH TÂM (?- 1034)

Chùa Cảm ứng, Ba sơn, phủ Thiên đức. Ðều là người Châu minh(1), Bảo Tính họ Nhgiêm, Minh Tâm họ Phạm. Thuở nhỏ cùng sớm xuất gia, là bạn đồng chí.
Lúc đầu, cùng với Thiền sư Viên Chiếu, đều thờ Ðịnh Hương thượng nhân, sâu hiểu chỗ cốt tuỷ của Hương. Về sau mỗi người mang tâm ấn, tuỳ phương giáo hóa, nổi tiếng là bậc thượng thủ của tòng lâm. Viên Chiếu thường có ca, thơ gởi tặng Bảo Tính ngợi khen cái chí hướng cao thượng của Sư.* {Có đủ ở tập của Chiếu, ở đây không phiền chép}.
Hai Sư sống chung thường lấy việc trì tụng kinh Pháp hoa làm phận sự. Trải mười lăm năm, chưa từng trễ nãi tí nào. Mỗi lần tụng đến phẩm Dược Vương(1), (18a1) họ đều rơi nước mắt, bảo nhau: "Nhân địa(2) của Bồ tát nhiều kiếp huân tu, mà đối với tâm Ðại thừa, còn phải phát đại dũng mãnh tinh tấn, không tiếc thân mạng. Huống gì bọn chúng ta ở trong đời mạt pháp, là người mới phát tâm. Nếu chẳng chí thành như vậy, thì đối với chân tâm đại bồ đề của Ðại thừa làm sao có thể mong thấy được !".
Ðến tháng tư năm Thiên Thành thứ bảy (1034) hai Sư sắp thiêu thân thì được mời vào triều, bèn mở hội giảng kinh. Họ cùng vào trong tam muội hỏa quang(3). Những hài cốt còn lại đều thành thất bảo. Có chiếu lưu ở chùa Trường thánh để cúng dường. Lý Thái Tôn cho là linh dị, cải nguyên Thông Thụy(4) dựng tháp thờ.

13. THIỀN SƯ QUẢNG TRÍ

Chùa Quán đảnh, núi Không lộ(1). Người Kinh sư, họ Nhan, anh của Hoàng phi Chương Phụng, đạo tháo cao khiết, không thích hoa lệ.
Năm đầu Chương Thánh Gia Khánh (1059), Sư bỏ tục đến tham bái Thiền Lão núi Tiên du. Nhờ một câu nói, Sư ngộ được yếu chỉ. Từ đó ngày tháng miệt mài, dốc chí tu thiền, không đầy một năm mà phong độ tiếng tăm truyền xa. Sau đến núi ấy, (18b1) trác tích, thường mặc áo vá, ăn hạt thông, cùng với sơn tăng Minh Huệ kết bạn phương ngoại. Người ta nói Hàn Sơn, Thập Ðắc(2) tái thế. Công bộ thượng thư Ðoàn Văn Liễm(3) tôn kính, thường tặng thơ rằng:
Chống gậy non cao trút sáu trần
Lặng nương mộng huyễn hỏi phù vân
Ân cần khôn ngỏ tham Trừng Thập(4)
Trói buộc bầy cò lớp áo khăn(5).
Vào ngày tháng, năm nào đó của niên hiệu Quảng Hựu (1085 - 1091), Sư quy tịch. Ông Liễm khóc than thảm thiết, rồi đi viếng bằng bài thơ:
Mán rừng đầu bạc lánh thành đô
Hương ngát non cao áo vẫy mờ
Những muốn khăn sồng hầu chiếu giảng
Bỗng nghe của viện khép dày trơ
Sân chùa chim vẳng trăng suông dõi
Tháp mộ minh ghi ai viết chừ
Bạn đạo thôi đừng buồn vĩnh biệt
Ngoài am non nước đó hình xưa(7).

14. LÝ THÁI TÔN(1)

Lúc bấy giờ vua Lý Thái Tôn thường đến thăm vấn thiền chỉvới Thiền Lão(2) núi Thiên phúc. Kim chùy(3) vừa giáng thì đầu óc đều thông. Những lúc rảnh rỗi việc nước, vua lấy thiền duyệt làm vui, nhân đó, cùng với các bậc kỳ túc(19a1) khắp nơi giảng cứu chỗ dị đồng. Vua bảo trước: "Trẫm nghĩ đến nguồn tâm của Phật tổ, từ xưa Thánh hiền chưa khỏi bị chê bai, huống gì người hậu học !Nay, Trẫm muốn cùng các đại đức, sơ tỏ ý mình, mỗi vị thuật một bài kệ, để xem chỗ dụng tâm ra làm sao". Tất cả đều bái tạ nhận lệnh.
Trong lúc mọi người đang tìm ý, vua đã làm xong bài kệ rằng:
Bát nhã thật không tôn
Nhân không, ngã cũng không
Quá, hiện vị lai Phật
Pháp tính bản lai đồng.(4)
Mọi người đều phục sự nhanh trí của nhà vua.

THẾ HỆ THỨ TÁM (SÁU NGƯỜI, THIẾU BA NGƯỜI)

QUỐC SƯ THÔNG BIỆN (?- 1134)

Chùa Phổ ninh, Từ liêm(1). Người Ðan phụng(2), họ Ngô, con dòng Phật tử. Bẩm tính thông tuệ, rất giỏi tam học. Ban đầu đến tham bái Thiền Sư Viên Chiếu, chùa Cát tường. Khi rõ được yếu chỉ bèn đến ở tại Quốc tư �của Thăng kinh(4), tự gọi hiệu là Trí Không.
Ngày 15 tháng 2, mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1016) Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu(5) có lần (19b1) đến trai tăng ở chùa Sư, cùng với các bậc kỳ túc thăm hỏi ý nghĩa Phật và Tổ, có gì hơn thua ? Phật trú phương nào? Tổ ở nơi đâu? Ðến đất nước này từ lúc nào? Trao truyền đạo đây, ai trước ai sau. Còn niệm tên Phật, đạt tâm Tổ, tuần tự truyền nhau, thì chưa biết cái nào là tôn chỉ?

Mọi người đều không lên tiếng, Sư bèn đáp rằng: "Thường trụ thế gian, không sanh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ Tâm tôn của Phật, hạnh giải đều hiệp nhau, thì gọi là Tổ(6). Phật và Tổ là một. Bởi bọn lạm xưng học giả tự dối nói là có hơn thua vậy. Vả Phật nghĩa là giác ngộ,và sự giác ngộ đó xưa nay vắng lặng thường trú. Hết thảy hàm sinh, đều cùng một nguyên lý đấy. Nhưng bởi bụi lòng che khuất, theo nghiệp nổi trôi, mà chuyển nên các cõi. Ðức Phật vì lòng từ bi,nên thị hiện đản sanh đất Trúc. Bởi vì nó là nơi được gọi trung tâm của trời đất(7). Năm 19 tuổi xuất gia, năm 30 thành đạo. Ở đời thuyết pháp 49 năm, mở bày các phương tiện, khiến người ngộ nhập đạo đó. Ấy gọi là sự hưng khởi của một (20a1) thời đại kinh giáo(8). Khi sắp nhập Niết bàn, sợ người sau mê chấp sinh tệ, nên bảo với Văn Thù rằng: "Suốt 49 năm, ta chưa từng nói một chữ, sao bảo là có điều để nói". Rồi cầm một cành hoa đưa lên, mọi người đều ngơ ngác, chỉ có Tôn Giả Ca Diếp nở mặt mỉm cười(9), Phật biết Ca Diếp đã tỏ ngộ, liền đem Chánh pháp nhãn tạng giao cho, ấy là vị Tổ thứ nhất. Ðó gọi là Tâm tôn, truyền riêng ngoài giáo điển.

Về sau, Ma Ðằng(10) đem kinh pháp truyền vào đất Hán, và Ðạt Ma đem tâm chỉ truyền sang Lương và Nguỵ. Việc truyền kinh pháp đến Thiên thai(11) thì thịnh, gọi là Giáo tôn. Ðược yếu chỉ của Ðạt Ma thì đến Tào khê(12) mới sáng, gọi là Thiền tôn. Hai tôn ấy truyền đến nước Việt ta đã nhiều năm. Giáo thì lấy Mâu Bác, Khương Tăng Hội(14) làm đầu. Thiền thì lấy Tỳ Ni Ða Lưu Chi làm phái trước, Vô Ngôn Thông làm phái sau. Ðó là những vị Tổ của hai phái".
Hậu nói: "Hãy để Giáo tôn đó đã, còn hai phái Thiền có gì bằng chứng?".

Sư đáp: "Xét Ðàm Thiên pháp sư truyện (15) thì vua Tùy Cao (20b1) Tổ gọi Pháp sư nói: "Trẫm nghĩ đến lời dạy từ bi của đức Ðiều Ngự, muốn báo đền công đức, không biết làm sao. Trẫm trộm làm bậc nhân vương, rộng giúp Tam bảo, đã khắp ban di thể xá lợi, đồng thời ở trong nước dựng bảo tháp phàm 49 cái để làm bến cầu giác ngộ cho đời, còn hơn 150 tự tháp ngoài do các xứ kiến lập mong tạo phước nhuận thấm tới đến cả thế giới đại thiên. Song xứ Giao Châu kia tuy đã nội thuộc, nhưng còn ky my, nên phải chọn những sa môn danh đức, đến các xứ của châu ấy để dạy dỗ, hầu khiến cho tất cả đều giác ngộ"(16).

Pháp sư đáp: "Một phương Giao châu, đường thông Thiên trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Ðông chưa có, mà Luy lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu Ðà La(17), Ma La Kỳ Vực(18), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ (21a1) Ni Ða Lưu Chi, truyền tông phái của tam Tổ, là người trong hàng Bồ tát, đang ở chùa Chúng thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng thì chỉ riêng khiến sứ đưa xá lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ(19).

Lại bài tựa Truyền pháp của tướng quốc Quyền Ðức Dư (20) đời Ðường, nói: "Sau khi Tào Khê mất đi, Thiền pháp thịnh hành đều có thừa kế. Chương Kính Uẩn thiền sư (21) dùng tâm ấn của Mã Tổ hành hóa ở Ngô, Việt. Vô Ngôn Thông đại sĩ đem tôn chỉ của Bách Trượng khai ngộ tại Giao châu". Ðó là những chứng cứ vậy".
Thái hậu lại hỏi về thứ tự truyền thọ của hai phái trên.
Sư đáp: "Phái của Tỳ Ni Ða Lưu Chi, tức nay Lâm Huệ Sinh, Vương Chân ấy vậy (22). Kỳ dư chia chẻ ra bao la không thể kể hết".
Thái hậu rất vui, bèn phong Sư làm Tăng lục(24), ban cà sa tía (25) và hiệu (21b1) Thông Biện đại sư, cùng thêm hậu thưởng để tỏ lòng yêu chuộng. Không lâu, Hậu triệu Sư vào cung, phong làm Quốc sư (26), hỏi han yếu chỉ của thiền. Bà sâu hiểu tôn chỉ nó.*{Thái hậu đã từng có bài kệ Ngộ đạo rằng: sắc là không, không tức sắc, không là sắc, sắc tức không, sắc không đều không bận, mới hiểu được chân tông}.
Tuổi già, Sư dời đến ở chùa mình, mở pháp hội lớn, mưa cơn mưa pháp. Sư dạy người sửa mình, thường dùng đến kinh Pháp hoa, cho nên người bấy giờ gọi Sư là Ngộ Pháp Hoa.
Ngày 12 tháng 2 năm Giáp dần Long Chương Bảo Tự thứ hai (1134), Sư cáo bệnh.

16. ÐẠI SƯ MÃN GIÁC
(1052 – 1096)

Chùa Giác Nguyên, Cửu liên (1). Người Lũng chiền, làng An cách (2) họ Nguyễn tên Trường. Cha là Hoài Tổ làm quan đến chức Trung thư viên ngoại lang (3). Vua Lý Nhân Tôn, lúc còn làm thái tử, xuống chiếu mời con em các danh gia vào hầu hai bên. Sư nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, thường chú tâm vào Thiền học.
Ðến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng Sư, ban cho Sư tên Hoài Tín
Trong khoảng Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 – 1084), Sư dâng biểu xin xuất gia. Khi đã được tâm ấn nơi Quảng Trí chùa Quán đảnh, (22a1) bèn cầm gậy vân du, khắp tìm bạn đạo, đến đâu học giả thường vân tập đến đấy. Sư xem Ðại tạng kinh, được Vô sư trí (4), là lãnh tụ Giáo hội của một thời vậy. Vua cùng với Linh Nhân hoàng thái hậu lúc mới lưu tâm đến Thiền học, liền xây chùa bên cạnh cung Cảnh hưng(5), mời Sư đến ở, để tiện hỏi han. Nói chuyện với Sư, vua chẳng gọi tên mà thường gọi là Trưởng lão.
Một hôm vua gọi Sư nói: "Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu đời, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng làm, không phải chỉ có sức định huệ, mà cũng có công phò tá. Vậy xin kinh bổ nhiệm ngài".
Bèn trao Sư chức Giáo nguyên thiền viện Hoài Tín đại sư truyền tổ vô tu vô chứng tâm ấn phụng chiếu nhập nội đạo tràng tứ tử đại sa môn đồng tam ti công sự. Trong lúc nhận chức này, Sư được lấy thuế hộ năm mươi người.
Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (1096), Sư cáo bệnh, có kệ dạy chúng rằng:
"Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Già đến trên đầu rồi !
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai."
(22b1)
Tối đó, Sư ngồi kiết già mà mất, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Vua tặng hậu lễ, công khanh mỗi mỗi đến dâng hương, trà tỳ xong, thu xá lợi xây tháp ở chùa Sùng nghiêm, làng An cách. Vua sắc thụy là Mãn Giác.

17. THIỀN SƯ NGỘ ẤN
(1020 –1088)

Chùa Long ân, Ninh sơn (1), phủ Ứng Thiên, người Từ lý, làng Kim bài (3), họ Ðàm tên Khí. Mẹ là Cù Thị, lúc chưa lấy chồng, nhà ở bên cạnh rừng Mộ, thấy người bẫy chim đêm bà buồn bã nói: "Thà chịu chết làm lành, chứ không chịu sống làm ác".
Một hôm, bà bắt đầu dệt gấm, có một con khỉ lớn từ trong rừng ra, đến ôm lưng bà, trọn ngày mới bỏ đi. Cù Thị biết mình có thai. Ðến khi sinh con, bà ghét lắm, đem bỏ trong rừng. Có người Chiêm thành cùng làng là Cụ Sư (4) họ Ðàm lượm đem về nuôi, nhân đó đặt tên là Khí.
Ðến năm 10 tuổi, theo học nghiệp Nho. Học vấn càng ngày càng tiến, rất giỏi chữ Hán và Phạn. Năm19 tuổi xuất gia, đầy đủ giới định. Ðối với nghĩa của hai kinh Viên Giác, Pháp hoa (23a1) Sư nghiên cứu rất tinh tường. Khi đã được tâm ấn nơi Quảng Trí chùa Quán đảnh, Sư vào thẳng Ninh sơn dựng am tranh tu hành, gọi là Ngộ Ấn.
Có lần vị tăng hỏi: "Thế nào là đại đạo?"
Sư đáp: "Ðường lớn".
Vị tăng thưa: "Kẻ học đạo này hỏi đại đạo, mà thầy đáp là đường lớn, vậy không hiểu ngày nào mới đạt được đại đạo?".
Sư đáp: "Mèo chưa biết bắt chuột?".
Tăng thưa: "Con mèo có Phật tánh không?".
Sư đáp: "Không"(5).
Tăng liền hỏi: "Hết thảy hàm linh đều có Phật tính, sao riêng Hoà thượng lại không?".
Sư đáp: "Không, ta không phải hàm linh".
Tăng thưa: "Ðã không phải hàm linh, vậy có phải Phật không?"
Sư đáp: "Ta không phải Phật, cũng không phải hàm linh"(6).
Có người hỏi: "Phật là gì? Pháp là gì? Thiền là gì?".
Sư đáp: "Ðấng Pháp vương vô thượng, ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ỡ tâm là Thiền. Tuy là ba phần, nhưng điểm kết là một. Ví như nước của ba con sông kia, tuỳ chỗ đặt tên, tên gọi tuy không giống, nhưng tính của nước thì không khác"(7).
Ngày 14 tháng 6 năm Quảng hựu thứ 4 (1088) (23b1)khi sắp thị tịch, Sư nói bài kệ sau:
Diệu tính rỗng không chẳng thể bâu
Rỗng không tâm ngộ có gì đâu
Trên non ngọc đốt màu thường đẹp
Sen nở trên lò ướt chưa khô.
Nói kệ xong, Sư vui vẻ ra đi, thọ 69 tuổi. Môn đồ để tâm tang ba năm.

THẾ HỆ THỨ CHÍN (TÁM NGƯỜI, BA NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

18. THIỀN SƯ ÐẠO HUỆ
(? – 1073)

Chùa Quang Minh, núi Thiên phúc, Tiên du(1). Người Chân hộ(2), Như nguyệt (3), họ Âu. Tướng mạo đoan chánh, tiếng nói rổn rảng. Năm 25 tuổi đến xuất giavới Ngô Pháp Hoa(4), tại chùa Phổ ninh nắm thấu lẽ huyền , hiểu sâu áo chỉ của Hoa. Sau đến chùa Quang minh trác tích, tu luyện giới luật, tập tành thiền định, lưng không dính chiếu, ròng rã sáu năm, bèn đạt được "Tam quán tam ma địa"(5). Môn đồ có hơn nghìn người. Ngày đêm trì kinh, cảm hóa được các loài khỉ vượn trong núi. Chúng tụ họp kéo nhau đến nghe pháp. Do đó tiếng Sư vang tới kinh đô.
Năm Ðại Ðịnh thứ 20(1159), Thụy Minh hoàng cơ đau (6), vua sai sứ triệu Sư đến xem bệnh. Lúc ra đi (24a1) khỉ vượn buồn kêu như biết lưu luyến. Ðến cung, lúc Sư còn đang ở ngoài cửa phòng, thì bệnh của Hoàng cơ liền bớt. Vua Lý Anh Tôn hết sức vui mừng, mời Sư đến ở chùa Báo thiên(7). Trong vòng một tháng, các quan viên và bạn đạo khâm phục phong cách của Sư, kéo đến đông không kể xiết, Sư liền mở trường dạy dỗ, không trở về núi nữa. Cháu con nối dõi, thịnh thành một phái.
Ngày mồng một tháng tám năm Nhâm thìn Chánh Long Bảo Ứng thứ 10 (1172) (8) Sư thị bệnh than rằng:
"Loạn lạc tứ tung
Do đâu mà đến?"
Rồi nói kệ:
Ðất, nước, gió, lửa, thức.
Nguyên lai tất cả không
Như mây tan rồi hợp,
Trời Phật chiếu vô cùng.
Lại nói:
Sắc không cùng diệu thể,
Chẳng hợp chẳng lìa xa,
Nếu ai muốn rõ biết,
Trong lò một cành hoa.
Vào canh ba đêm đó, Sư lặng lẽ đi luôn. Môn đồ là Quách tăng thống, sắm đủ lễ vật, đem về quận mình làm lễ trà tỳ. Khi chịu tâm tang xong, bèn xây tháp tại chùa Bảo khám núi Tiên du, rồi rước xá lợi về tôn trí.

19. THIỀN SƯ BIỆN TÀI

Chùa Vạn tuế (1), kinh đô Thăng long. Người Quảng châu, đến nước ta vào thời vua Lý Thánh (24b1) Tôn (2), là người nối pháp của Quốc sư Thông Biện, vâng lịnh vua biên sửa "Chiếu đối lục".(3)

20. THIỀN SƯ BẢO GIÁM
(? – 1173)

Chùa Bảo phúc, Quân chương, Mỹ lương (1). Người làng Trung thụy (2), họ Kiều tên Phù, là người trung tín, thành thực, điềm đạm, giản dị. Nhỏ theo Nho nghiệp: Thi, Thư, Lễ, Dịch (3) không thứ gì là không khảo cứu, lại viết đẹp, vẽ khéo, làm quan dưới triều Lý Anh Tôn, chức Cung hầu xá nhân. (4)
Năm 30 tuổi Sư từ quan, đến xuất gia với vị chủ chùa Bảo phúc, tại Ða vân. Cả tạng kinh chùa đó đều tự tay Sư chép ra. Ðến khi vị chủ chùa mất, Sư kế chân làm trú trì, tự sống đời đạm bạc, mình thường mặc áo vải, không dùng tấc lụa, nhiều năm như thế, lòng không thối chí. Thường bảo đồ chúng rằng: "Bước lên chiếc xe của Phật là nhờ siêng năng, thành tựu Chánh giác của Phật là do trí tuệ. Giống như mũi tên bắn đi, nó tới được ngoài trăm bước, là nhờ cái lực, nhưng trúng được đích, không phải nhờ vào lực vậy"(5).
Ngày mồng 7 tháng 5 năm Chánh Long Bảo ứng thứ 11 (1173) khi sắp viên tịch, Sư nói kệ:
Ðược thành chánh giác ít nhờ tu
Trí tuệ ưu tiên thoát ngục tù
Nhận lẽ ma ni huyền diệu ấy
Như kìa trời rộng tỏa vừng ô.
Lại nói:
Người trí như trăng chiếu khắp trời
Sáng trùm mọi cõi chẳng vì ai
Nếu người muốn biết nên phân biệt
Man mác chiều non khói toả khơi.
Lại nói:
"Tâm ý của đức Như Lai, đều không thể hiểu được, chỉ nên dùng Vô lượng trí (mới hiểu nổi thôi). Cho nên, biết rằng tâm của Như Lai ví như hư không, là nơi nương tựa của tất cả sự vật, thì trí tuệ của Như Lai cũng như vậy".
Nói xong, Sư mất. Môn đồ thu xá lợi xây tháp.

21. Thiền sư KHÔNG LỘ (
? – 1119)

Chùa Nghiêm quang, Hải thanh (1). Người Nghiêm quang, Hải thanh, họ Dương. Dòng dõi làm nghề chài, sau bỏ nghề chài, hướng lòng theo Phật, thường trì tụng đà la ni môn. Trong khoảng Chương Thánh Gia Khánh (1059 – 1065) cùng bạn đạo là Giác Hải cất bước vân du, tạm đến chùa Hà trạch (2) nương thân, mặc áo cỏ, ăn lá cây, đến nỗi quên chính thân mình. Ngoài dứt ruỗi dong, trong tu thiền định, tâm thần tai mắt ngày một nhẹ nhàng, bèn bay (25b1) lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống, muôn quái nghìn kỳ, người không lường nổi (3).
Sau Sư về quận mình lập chùa. Một hôm, có thị giả thưa rằng: "Từ ngày con đến đây, chưa được thầy dạy bảo chỗ tâm yếu, nhưng con mạn phép xin trình một bài kệ: "Rèn luyện thân tâm mới được trong
Sum suê cây thẳng ngó sân không
Có người đến hỏi không vương pháp, (4)
Ảnh rập hình ngồi cạnh chấn phong".(5)
Sư xem xong bảo: "Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận, ngươi mang nước đến, ta vì ngươi uống, thì có chỗ nào mà ta lại không cho ngươi tâm yếu?"(6). Bèn cất tiếng cười ha hả. Sư thường nói kệ rằng:
"Chọn chỗ đáng nương, đất rắn rồng,
Tình quê suốt buổi mãi vui rong
Có khi lên thẳng đầu non quạnh
Huýt một hơi dài lạnh cõi không"(7).
Ngày mồng 3 tháng 6 năm Kỷ hợi, Hội Tường Ðại Khánh thứ 10 (1119), Sư viên tịch. Môn đồ thu thập xá lợi táng trước cửa chùa.
Sau đó, vua ban chiếu sửa rộng chùa này và đặc cách cho thuế hộ 20 người để trông coi hương khói.*{Vị Sư này không có niên đại có thể truy cứu, nay dựa theo thứ tự truyền pháp trong Nam tôn đồ mà mô tả ra đây} (8).

22. Thiền sư BẢN TỊNH
(1100 – 1176)

Am Bình dương, núi Chí linh, Kiệt đặc(1). Người Phù Diễn, Vĩnh khương (2), họ Kiều. Sư nhỏ hiếu học, rõ lẽ sinh tử nhà Phật, theo dấu nhân nghĩa nhà Nho, nhận được ý chỉ nơi Thiền sư Mãn Giác chùa Giác nguyên. Năm Ðại Ðịnh thứ 2 (1141), Sư thẳng đến núi đó trác tích. Hữu bật Ngụy Quốc Bảo (3) hâm mộ phẩm cách và đức độ của Sư, nên kính Sư như bậc thầy.
Sau Sư nhận lời mời của Thành Dương công chúa(4), đến trụ trì chùa Càn an, thừơng phát đại nguyện rằng:
"Ðời đời kiếp kiếp
Ý Phật không mê
Tự giác, giác tha,
Không chia đó đây,
Ðề huề phương tiện,
Một nẻo cùng về".
Vào một hôm trong tháng Giêng năm Trịnh Phù thứ 1 (1176), Sư không bệnh, gọi chúng đến dạy:
Một nẻo, một nẻo(5)
Mèo đá đuôi vẫy(6)
Xông đến vồ chuột
Hóa ra là quỷ
Nếu tỏ rõ được
Vàng từ lệ thủy(7).
Rồi nói bài kệ sau:
Thân huyễn vốn từ không tịch sinh,
Giống như trong kính hiện ra hình,
Hiểu rành hết thảy đều không huyễn,
Thật tướng phút giây thân huyễn thành(8).
Nói kệ xong, Sư tịch, thọ 77 tuổi.

THẾ HỆ THỨ MƯỜI

( GỒM MƯỜI HAI NGƯỜI , HAI NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

23. THIỀN SƯ MINH TRÍ {
Trước tên Thiền Trí} (? - 1196)

Chùa Phúc thánh, Ðiển lãnh(1). Người làng Phù cầm(2), họ Tô. Sư bẩm tính thông tuệ, đọc khắp các sách. Ðến tuổi 20, gặp Ðạo Huệ thượng sĩ, bèn bỏ tục xuất gia, gõ trúng bảng huyền. Hiểu rõ tôn chỉ các kinh Viên giác, Nhân Vương (3), Pháp hoa và sách Truyền đăng. Sư giảng dạy đồ chúng không biết mệt mỏi, nên được ban hiệu Minh Trí.
Một hôm, Sư cắt cỏ, có một vị Tăng khoanh tay đứng bên trái. Sư ném chiếc liềm đến trước mặt vị Tăng, cắt đứt một gốc cỏ.
Vị tăng thưa: "Cổ nhân dạy Hoà thượng chỉ cắt được một cái đó sao?"
Sư cầm chiếc liềm đưa lên, vị Tăng nhận lấy, bèn đứng thế cắt cỏ.
Sư nói: "Lại nhớ được câu sau đó chăng? Ngươi chỉ cắt được cái đấy, mà không cắt được cái kia sao?"(4)
Vị tăng nghĩ rồi bỏ đi.
Sư nói chuyện một vị Tăng, bên cạnh có một vị Tăng khác nói: "Nói hết sức tức là Văn Thù, im lặng hết sức tức là Duy Ma" (5)
Sư bảo: "Không nói (27a1) không im lặng, chẳng phải là ông sao?".
Vị Tăng gật đầu.
Sư bảo: "Sao chẳng hiện thần thông?"
Vị Tăng thưa: "Chẳng từ chối việc hiện thần thông, chỉ sợ hoà thượng thâu vào giáo".
Sư bảo: "Ngươi chưa phải là con mắt ở ngoài giáo điển (6). Bèn nói kệ:
"Ngoài giáo khá riêng truyền
Cao sâu vực Tổ Phật
Nếu ngươi muốn rõ đích,
Tìm khói giữa diệm dương." (7)
Một ngày tháng nào đó của năm Bính thìn Thiên Tư Gia Thụy thứ 11 (1196), lúc sắp tịch, Sư nói kệ sau:
"Gió tùng trăng nước tỏ,
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân là cái đó,
Không không tiếng vọng tìm".
Nói kệ xong, Sư yên lặng mà mất.

24.Thiền sư TÍN HỌC
(? – 1200)

Chùa Quán đỉnh, núi Không Lộ. Người châu Minh, phủ Thiên đức, họ Tô. Ðời đời chuyên nghề khắc kinh. Nhỏ thờ Thanh giới, không giao du bừa bãi.
Năm 32 tuổi, theo Du thiền sư đến núiTiên du, thế phát với Ðạo Huệ. Ở hầu hạ ba năm. Sư sâu hiểu tôn chỉ, nhân đó một mình chống gậy du phương, đến ở chùa Quán đỉnh.
Có lần ở trước tượng Phật (27b1), Sư đốt ngón tay và phát nguyện rộng lớn rằng: "Trần lao nhiều kiếp, dứt không vướng lại". Sư chuyên tu pháp tam quán trong kinh Viên giác. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, hình dung khô gầy. Nhiều năm như thế, hoàn toàn không có vẻ gì chán nản, nên sau đạt phép Tam quán chính thọ. (1)
Công khanh sĩ thứ, rất ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư, đua nhau theo hầu. Sư thường dạy:
Có lợi tất có nhiễm
Có nhiễm tất có lợi
Có lợi co �nhiễm
Bồ tát không làm
Không lợi không nhiễm
Bồ tát mới làm.
Ngày 9 tháng giêng năm Canh thân (2), Thiên Tư Gia Thụy thứ 15 (1200), Sư cáo bệnh, gọi chúng đến đọc bài kệ.
"Núi rừng cọp beo
Vằn vện lẫn lộn
Nếu muốn phân biệt
Con kêu mẹ mổ" (3).
Nói xong Sư tịch.

25. Thiền sư TỊNH KHÔNG
(1091 – 1170)

Chùa Khai quốc, phủ Thiên đức. Vốn người Phúc xuyên (1), họ Ngô. Ban đầu xuất gia và thọ giới Cụ túc ở viện Sùng phúc tại châu minh.
Năm 30 tuổi, Sư đi hành cước phương Nam, đến chùa Khai quốc. Trải 5, 6 năm, tu hạnh đầu đà, mỗi ngày chỉ dùng một hạt gạo, hạt mè, ngồi hoài không ngủ, Mỗi lần nhập định, thường trải nhiều ngày (28a1) mới dậy. Ðàn tín bốn phương đến cúng, chất cao như núi. Hoặc có kẻ đến rình ăn trộm, Sư tất bảo lấy những vật Sư hiện có.
Bấy giờ Nam Khương công chúa, ý muốn xuất trần, riêng đến xin Sư thụ giới. Sư bằng lòng thế độ. Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư. Khi Sư tới khuyết, thần sắc thản nhiên, vua càng thêm kính, phong làm thạc đức danh tăng. Sư cố từ không được. Một hôm Sư thượng đường, có một vị Tăng cầm gậy đến hỏi: "Thế nào là pháp thân?".
Sư đáp: "Pháp thân vốn vô hình?"
Lại hỏi: "Thế nào là pháp nhãn?".
Sư đáp: "Pháp nhãn vốn không mờ". Rồi tiếp: "Trước mắt không pháp, ý ở trước mắt. Pháp chẳng là chỗ của tai mắt".
Vị tăng bật cười ha hả. Sư hỏi: "Cười điều chi?"
Vị Tăng đáp: "Hoà thượng là bậc xuất thế số một, nhưng chưa có tôn chỉ, phải đến tham vấn Ðạo Huệ mới được!"
Sư hỏi: "Ðến hỏi thầy kia thì được việc gì?"
Vị Tăng bảo: "Trên không ngói lợp; dưới không cắm dùi".
Sư bèn thay áo, thẳng đến Ðạo Huệ ở núi Tiên Du (2).
Huệ nói: "Ờ đây không phải không có tôn chỉ, nhưng thầy quyết chắc bằng cách nào?."Sư ngẫm nghĩ.
(28b1) Huệ hét: "Ngay mặt quá đà rồi !"
Sư lãnh hội yếu chỉ, nhân đó ở lại nâng khăn, xacxh guốc cho Ðạo Huệ 3 năm. Sau Sư trở về chùa cũ, thâu nhận đồ chúng. Một hôm Sư hội họp đồ chúng nói kệ:
"Trên không mảnh ngói lợp
Dưới không chỗ cắm dùi. (3)
Hoặc đổi áo thẳng đến
Hoặc xách trượng ra đi.
Ðộng chuyển chuyển nhằm chỗ
Tợ rồng nhảy đớp mồi".
Vị Tăng hỏi: "Từ trước "trực chỉ" là nói cái gì?"(4)
Sư đáp: "Ngày ngày đi gặt lúa
Giờ giờ kho lẫm không"
Tăng thưa: "Con chẳng hiểu"
Sư dạy: "Trời trăng luôn sáng,
Mây nổi khuất che".
Rồi sư đọc kệ:
Người trí không ngộ đạo
Ngộ đạo tức kẻ đần
Nằm dài chân khách duỗi
Sao biết ngụy cùng chân" (5)
Lại hỏi: "Thế nào là Phật?"
Sư đáp: "Nhật nguyệt sáng ngời muôn vạn cõi
Ai hay mây móc phủ non sông".
Sư đáp: "Mục đồng chỉ giỏi cưỡi lưng trâu
Sĩ có anh hùng vượt được y"
Lại hỏi: "Ý tổ và ý kinh giống hay khác?"
Sư đáp: "Muôn dặm thuyền tàu, đều chầu cửa khuyết".
Lại hỏi: "Hoà (29a1) thượng có việc kỳ đặc, sao không nói cho học nhân biết?"
Sư đáp: "Ông thổi lửa, tôi vo gạo, ông khất thực, tôi cầm bát, ai phụ ông đâu?"
Vị Tăng liền tỏ ngộ.
Vào một ngày tháng nào đó của năm Chính Long Bảo Ứng thứ 8 (1170), khi sắp thị tịch, Sư từ giã chúng, dặn dò: "Các con hãy khéo giữ mình như khi ta còn sống, chớ có đắm trước mà sinh ra quyến luyến buồn rầu". (7)
Nửa đêmhôm ấy, Sư ngồi kiết già mà tịch, thọ trên 80 tuổi.*{Cơ duyên thoại ngữ của truyện này cùng với chuyện của Hoà thượng Giáp Sơn trong Truyền đăng (8) rất hợp, song xét Liệt tổ yếu ngữ (9) của Huệ Nhật thì đều đã chép đủ, không dám cải chính}.

26. Thiền sư ÐẠI XẢ
(1120 – 1180)

Chùa Báo đức, núi Vũ Ninh (1). Người phường Ðông tác (2) họ Hứa. Nhỏ xuất gia theo Ðạo Huệ, núi Tiên du, tập tành Thiền học, biết sơ nét chính của nó.
Sư thường ngồi trì tụng thần chú Diệu môn Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm (3) làm công việc hàng ngày. Có lúc Sư xỏa tóc, bỏ ăn, cư trú không nơi nhất định. Các Vương công đua nhau đến hầu hạ Sư. Kiến Ninh Vương (4) và Thiên Cực công chúa (5) cũng hết lòng tôn kính. Sư thường ở Hổ nham tại Tuyên minh (6), lập chùa giáo hóa (28b1), học trò đến học rất đông. Có vị Sư nước Tống hiệu Nham ông, nghe tiếng cảm mộ, bèn đốt một ngón tay để cúng dường. Người ta nghi Sư có yêu thuật, nên trong khoảng Thiên Cảm Chí Bảo (1174 – 1175), Thái uý Ðỗ Anh Vũ (7) ra lệnh bắt vào trong cấm, hết lời nghiêm trách. Sư vẫn không có vẻ gì là sợ hãi. Thiên Cực tâu xin thả ra, nên Sư được khỏi.
Một hôm, vua Lý Anh Tông cho mời Sư vào hỏi: "Trẫm nhiều phiền hoặc, có phép thuật gì trị chăng?"
Sư tâu: "Phép 12 Nhân duyên(8) là căn bản của sự tiếp nối sinh tử, nếu dùng nó để trị, thì đó là phương thuốc vậy".
Vua lại hỏi về yếu chỉ của nó.
Sư tâu: "Vô minh nhân duyên hành, cho đến lo, buồn, khổ, não. Muốn cầu quả Bích Chi Phật nên nói đến 12 nhân duyên(8), để trị thân này thì không còn nghiệp phiền não nữa". Vua nói: "Thế thì Trẫm phải tĩnh tâm tu tập".
Sư tâu: "Khi giữ được nghiệp thức an tịnh, tức là thanh trừng được phiền não, chớ không còn có phép nào khác đáng tu tập cả. Ngày xưa Lương Vũ Ðế (9) thường đem việc đó hỏi Thiền sư Bảo Chí (10), Bảo Chí cũng đáp như thế. Nay tôi cũng xin trộm trình với (30a1) bệ hạđiều y hệt như vậy (11).
Ðến ngày mồng 5 tháng 2 năm Trinh Phù thứ 5 (1180) Sư dặn dò đệ tử rồi nói kệ:
"Bốn rắn cùng lồng(12) vốn trống trơn,
Núi cao năm uẩn (13) chẳng bà con,
Linh minh chân tính không ngăn ngại
Sinh tử Niết bàn nỡ vấn vương".
Lại nói:
"Trơ trơ răng ngựa đá (14)
Tháng ngày kêu ăn mạ
Trên đường ai cũng qua
Không đi người trên ngựa.
Ðến canh 5, Sư uống thuốc độc rồi mất, thọ 61 tuổi.

27. Thiền sư TỊNH LỰC
(1112 – 1175)

Am Việt vương trì, Tỉnh Cương, Vũ ninh (1) người Cát lăng, Vũ bình (2) họ Ngô, tên Trạm. Thuở nhỏ Sư thông minh, biện tài, sở trướng nghề văn, thể chữ càng giỏi. Trong khi du học, được gặp Ðạo Huệ, núi Tiên du, bèn quyến luyến nhau, như cây kim hạt cải, nên gửi lòng đất Phat�, mặc áo cỏ, ăn cây lá, phước huệ cùng tu, trải mấy tinh sương, lòng càng bền chặt. Ðạo Huệ thường bảo: "Tâm ấn Chư Phật, người đã có sẵn, không cần theo ai mà được."
Sư thưa: "Ðã được thầy chỉ dạy, nhưng nay nên trụ nơi nào?"
Ðạo Huệ bảo: "Chẳng cần đi đâu xa, ở tại Vũ ninh là tốt" (30b1). Sư thẳng lên núi, cất am cỏ, ở tu. Trong 12 thời, Sư lễ Phật sám hối, thâm nhập được pháp môn niệm Phật tam muội (3) nên âm thanh trong trẻo như tiếng Phạm thiên. Thường giảng kinh Viên giác, nghĩa lý nếu có chỗ nào chưa ổn, Sư đích thân cải chính. Người bấy giờ bảo trong miệng Sư hùng hoàng (4).
Vào một tháng nào đó của năm Thiên Cảm thứ 2 (1175)(5), Sư cáo bệnh gọi môn đồ đến dạy: "Các ngươi hết thảy đều là kẻ học đạo. Lòng siêng cúng dường Phật, không ngoài việc chỉ nhằm khiến dứt trừ các ác nghiệp. Tâm và miệng niệm tụng phải tin, hiểu, nghe, biết. Ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần gũi thiện tri thức, mở lời hoà vui, nói năng đúng lúc, trong không sợ khiếp, hiểu rõ nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ bất động, xem hết mọi pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi, ở chỗ lìa phân biệt. Ðó là người học đạo. Ta nay hoá duyên đã xong".
Rồi Sư nói bài kệ sau:
"Trước tuy nói cát sau nói hung
Từ đấy theo xưa huý chẳng tùng (6)
Vì gặp thấy rồng làm con Phật. (7)
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng" (8)
Nói xong Sư ngồi ngay ngắn (31a1) thị tịch, thọ 64 tuổi.

28. Thiền sư TRÍ BẢO
(? – 1190)

Chùa Thanh tước, núi Du hý, làng Cát lợi hy (1), Thường lạc. Người Ô diên (2) Vĩnh Khương, họ Nguyễn, nguyên là cậu của Thái úy Tô Hiến Thành (3), triều vua Anh Tôn nhà Lý. Bỏ tục xuất gia, ở tại chùa núi đó, thường mặc áo rách, ăn gạo lứt, 10 năm chưa thay một chiếc áo, ba ngày không nấu một nồi cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô gầy. Thấy một kẻ nghèo thì vòng tay tránh đường, gặp một sa môn thì quỳ gối lễ bái. Siêng tu thiền định, đến 6 năm thì đạo thành, bèn chống gậy xuống núi, hoặc sửa cầu đường, hoặc dựng chùa tháp, tuỳ duyên khuyến khích mọi người, không màng lợi dưỡng.
Có lần, có vị Tăng hỏi: "Sanh từ đâu lại, chết sẽ về đâu?".
Sư trầm ngâm suy nghĩ, thì vị tăng ấy bảo: "Trong lúc ngẫm nghĩ thì mây trắng đã bay xa ngàn dặm".
Sư không đáp được. Vị Tăng ấy liền quát: "Chùa tốt mà không có Phật".(4)
Nói rồi bèn bỏ đi. Sư tự than rằng: "Ta tuy có tâm xuất (31b1) gia, nhưng chưa đạt được yếu chỉ của người xuất gia. Như kẻ đào giếng, dù đào đến chín nhẫn mà không tới mạch, còn phải bỏ giếng, huống là tu thân mà chẳng ngộ đạo thì phỏng có ích gì?". Từ đó, Sư đi khắp bốn phương, tìm hỏi các hàng tri thức. Nghe Ðạo Huệ đang giáo hoá ở núi Tiên du, bèn đến bái kiến hỏi rằng: "Sinh từ đâu đến, chết rồi lại đi đâu?".
Huệ đáp: "Sinh không từ đâu lại, chết cũng chẳng về đâu".
Sư thưa: "Thế chẳng lẽ rơi vào chỗ hư vô sao?"
Huệ bảo: "Chân tính tròn đầy mầu nhiệm, bản thể vốn không tịch, vận dụng tự tại không đồng với sinh tử. Vì lẽ đó mà sinh không từ đâu đến, chết cũng chẳng về đâu".
Sư nghe lời bèn tỉnh ngộ, rồi nói:
"Chẳng nhân gió cuốn mây bay sạch,
Sao thấy trời xanh muôn dặm thu?" (5)
Ðạo Huệ hỏi: "ông thấy được gì?"
Sư thưa: "Quen nhau khắp thiên hạ,
Tri âm được mấy người !"(6)
Rồi từ tạ trở về núi.
Từ đấy, Sư nói ngang, nói dọc như chọi đá nháng lửa. Một hôm Sư thăng đường, Tăng tục đông nghẹt, có người hỏi: "Thế nào là tri túc?"
Sư đáp: "Người xuất gia(32a1) tại gia đều dừng lại ở tri túc. Nếu tri túc thì ngoài chẳng lấn người, ttrong không tổn mình. Vật nhỏ nhặt như lá rau ngọn cỏ, người không cho, mình chẳng nên lấy. Huống gì những vật khác thuộc của người. Hãy dấy lên cái ý tưởng đó là vật của người thì minh rút cuộc không vì chúng mà sinh lòng trộm cắp. Cho đến thê thiếp của người, hãy dấy lên cái ý tưởng đó là thê thiếp của người, thì mình cũng không vì thế mà sinh lòng dâm.
Các người nghe ta nói kệ:
"Bồ tát của mình biết đủ thôi,
Của người chẳng muốn chỉ thương yêu .
Lá rau không biếu, ta không lấy,
Không tưởng của người, đức ngọc treo,
Bồ tát vợ mình biết đủ thôi.
Sao còn ham muốn vợ con người,
Thiếp thê ai nấy lo gìn giữ,
Sao nỡ lòng mình nghĩ lả lơi".(7)
Ðến ngày 14 tháng 4 năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 (1190), triều vua Lý Cao Tôn (7), Sư cáo bệnh rồi mất. Ðệ tử làm lễ hoả táng, thu linh cốt, xây tháp thờ tại cửa núi.

29. Thiền sư TRƯỜNG NGUYÊN
(1110 – 1165)

Chùa Sóc Thiên vương, núi Vệ linh, chợ Bình lỗ (1) (32b1). Người Trường nguyên, Tiên du, họ Phan, giòng dõi Thích tử.
Lúc đầu xuất gia, được Ðạo Huệ chùa Quang minh ấn khả, bèn đi thẳng vào núi đó ẩn tu. Mặc áo cỏ, ăn hạt dẻ. Sư suốt ngày làm bạn với suối đá, khỉ, vượn. Trong 12 thời, Sư tôi luyện thân tâm, thuần nhất một mảnh, dùng để trì kinh. Trải 5, 6 năm, người ta chưa từng nom được bóng dáng. Vua Lý Anh Tôn nghe danh, ngưỡng mộ đạo hạnh của Sư, muốn gặp mà không thể được. Vua bèn sai bạn cũ của Sư là Phiên thần Lê Hối, đi dụ Sư về kinh đô, khi tới kinh, để Sư ở chùa Hương sát.
Sư tự hối hận, trốn trở về, gọi môn đồ đến dạy rằng: "Hạng người thân khô lòng nguội, không phải để cho thế gian trá ngụy làm vật. Bởi vì chí hạnh của ta chưa được thuần phục, nên suýt nữa bị các thứ bẫy lồng vây khốn. Hãy nghe kệ ta đây:
"Rừng xanh con nhỏ vượn ôm về (3)
Hiền thánh ngàn xưa chẳng thể ghi,
Oanh hót xuân về hoa nở rộ,
Cúc cười thu đến dáng hình chi".
Lại thường bảo mọi người: "Lạ thay ! Lạ thay ! Các chúng sinh đây, sao có đầy đủ trí tuệ của Như Lai mà ngu (33a1) si, mê hoặc chẳng thấy, chẳng biết, ta thường đem đạo lý dạy dỗ khiến cho họ vĩnh viễn xa lìa vọng tưởng chấp trước để trong tự thân, mà thấy được trí tuệ rộng lớn của Như Lai, lợi ích an lạc".
Ðến ngày mồng 7 tháng 6 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 3 (1165), Sư nhuốm bệnh, nói kệ rằng:
"Tại quang tại trần(4),
Thường lìa quang trần,
Lòng dạ trong vắt,
Cùng vật không thân
Thể ở tự nhiên,
Ứng vật vô ngần,
Lưỡng nghi trời đất,
Ðãi bỏ nhân luân
Nuôi nấng vạn vật,(5)
Cùng vật vui xuân,
Làm múa gái sắt,
Khuya trống mộc nhân"(6)
Nói kệ xong, Sư hóa, thọ 56 tuổi.

30. THIỀN SƯ TỊNH GIỚI
(?- 1207)

Chùa Quốc thanh, núi Bí linh(1), phủ Nghệ an {Có chỗ chép chùa Quốc thanh, phủ Trường an}. Người Mão hương, Ngung giang, Lô hải(3), họ Chu, tên Hải Ngung.
Xuất thân hàn vi, nhưng tính tình thuần hậu. Lúc nhỏ theo học chữ Nho. Ðến năm 26 tuổi Sư mang bệnh mộng thấy thiên thần cho thuốc, tỉnh giấc bệnh lành ngay. Sư bèn quyết chí xuất gia, đến ở với (33b1) một vị kỳ túc trong làng, dần thọ được giới Cụ túc, chuyên thực hành giới luật. Nghe nói Lãng sơn(4) thanh vắng, có thể ở được, Sư xách gậy đi về phương Ðông. Trải 7 năm tham học, Sư gặp Bảo Giác chùa Viên minh(5) qua một câu nói, Sư liền khai ngộ. Tháng 10 năm Quý tỵ Chánh Long Bảo Ứng (1173), lúc Bảo Giác sắp tịch, gọi Sư đến dạy: "Sanh, già, bệnh, chết, đời thường là thế, há ta riêng khỏi?"
Sư hỏi: "Hôm nay Tôn đức thế nào?"
Bảo Giác gật đầu mỉm cười, nói bài kệ rằng:
"Muôn pháp về không chẳng chỗ vin
Chân như vắng lặng trước mắt duyên,
Lòng viên ngộ được không cần chỉ
Nước lặng trăng lòng dứt mọi xen".(6)
Nói kệ xong, Bảo Giác truyền Pháp cụ cho Sư. Từ đấy, Sư tùy phương giáo hóa, dần dần đến chùa Quốc thanh, dừng lại ở đó cấm túc 6 năm, tu hạnh đầu đà, nên hàng long phục hổ, cảm hóa như thần. Châu mục Phạm Từ nghe Sư danh đức, càng thêm lễ chuộng, xin Sư cho đúc một quả hồng chung để trấn cửa núi.
Mùa hè năm Trinh Phù thứ 2 (1177), gặp hạn, vua ban chiếu cho danh tăng khắp thiên hạ cầu mưa, nhưng không ứng nghiệm. Vua Lý Cao Tôn, lâu nghe danh Sư, sai sư �đón về (34a1) chùa Báo thiên(7) ở kinh đô. Nửa đêm, Sư đứng giữa sân đốt hương, trời bèn mưa xuống. Vua rất khen sủng, thường gọi là Thầy mưa(8). Nhân đó triệu vào tiện điện, hỏi các pháp yếu, ban thưởng rất hậu.{Tục truyền Sư xuất gia lúc tuổi Ðinh tráng, thiếu thuế nạp quan. Bà chị Chu Thị hàng năm thay Sư nạp thuế. Sư mỗi khi nghĩ tới, vẫn không có cách miễn được.

Lúc nghe triều đình xuống chiếu cầu mưa, bèn lén về nhà chị, bí mật khiến đào một cái ao trong vườn sâu sau nhà. Ðêm đến, đốt hương đứng cầu. Chốc lát, mưa xuống chỉ ở trong vườn đó. Quan sở tại đem chuyện kinh lạ tâu về triều đình. Vua rất vui, sai sứ đón về chùa Báo thiên ở kinh sư. Ðúng trong đêm đó, quả mưa xối xả. Bèn được độ làm Sư, lại được làm hợp lệ sổ thuế cho cả họ} Năm Trinh Phù thứ 4 (1174), chùa Chân giáo, núi Vạn bảo làm thành(9), vua cho mời các bậc kỳ túc, đến làm lễ khánh tán. Sư vâng chiếu vào triều, ngụ tại gác Lâm tiêu. Bây giờ trời bắt đầu mưa ròng rã, đường sá lầy lội, phương hại đến việc lễ hội, Sư khấn, liền tạnh. Hội xong 7 ngày thì trời lại mưa như xưa. Sau Sư trở về làng cũ trùng tu chùa Quảng thánh và quyên tiền đúc chuông. Trong khi đốt lò thì mây kéo đến muốn mưa, Sư đứng giữa sân, dộng gậy trừng mắt giây lát, trời lại quang tạnh. Sau này, trải bao binh lửa, nhưng chuông Sư đúc đến nay vẫn còn. Rồi Sư trở về chùa cũ (34b1) dạy dỗ học trò.
Có vị Tăng hỏi Sư về Phật lý, Sư đáp: "Chính ta và ngươi ".
Lại thường nói: "Tâm là tính nên nói Như Lai tạng, tâm tức tính nên tự tính tâm là thanh tịnh".
Ngày mồng 7 tháng 7 năm Trịnh Bình Long Ứng thứ 3 (1207), lúc sắp thị tịch, Sư nói kệsau:
"Thời nay giảng đạo hiếm tri âm
Chỉ bỏi như kia đạo táng tâm
Sau giống Tử Kỳ đa sầu cảm
Nghe qua thấu rõ Bá Nha cầm".
Lại nói:
"Ngực áo thu về khí lạnh xâm
Tài ngang tám đấu đối trăng ngâm
Cười bấy khách thiền ai dại dột
Sao đem lời lẽ để truyền tâm".(10)
Nói xong, Sư ngồi kiết già mà mất.{Truyện này đại khái cùng Quốc sử và Bia văn không giống, nay xin khảo chính lại}.

31. THIỀN SƯ GIÁC HẢI

Chùa Diên phúc, Hải thanh, người Hải thanh, họ Nguyễn(1). Nhỏ thích đánh cá đi câu, thường dùng một chiếc thuyền con làm nhà, sống lênh đênh khắp sông biển. Năm 25 tuổi , Sư bỏ nghề, xuống tóc làm Tăng.
Ban đầu, Sư và Không Lộ cùng thờ Hà Trạch. Sau Sư lại kế thừa dòng pháp của Không Lộ.
Ðời vua Lý Nhân Tông, Sư thường cùng Thông Huyền chân nhân, bị triệu vào nhà hóng mát Liên (35a1) manh hầu hạ, bỗng có tiếng cắc kè kêu nhau chối tai, đáng ghét. Vua khiến Huyền làm cho nó đừng kêu. Huyền bèn lâm râm niệm chú, làm rơi trước một con. Huyền cười Sư, Sư bảo "Ðang còn một con, để đó cho Sa Môn". Sư chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm lạ, làm một bài thơ khen:
"Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên"(2)
Từ đó, tiếng tăm Sư vang khắp thiên hạ, Tăng tục ngưỡng chuộng. Vua thường đối đãi Sư như bậc thầy. Mỗi lần ra chơi hành cung Hải thanh, vua tất đến chùa Sư trước. Một hôm, vua hỏi Sư: "Phép ứng chân thần túc, có thể được nghe chăng? Sư bèn làm tám phép thần biến rồi vung thân lên hư không, cách đất vài trượng rồi lại hạ xuống. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. Do đó, vua ban cho Sư một kiệu vai, để ra vào của khuyết.
Ðến đời Thần Tôn, nhiều lần triệu vào, nhưng Sư từ chối, viện cớ già bệnh mà không tới.
Có vị Tăng hỏi:
"Phật và chúng sanh ai khách, ai chủ?".
Sư dùng bài kệ đáp:
"Gái tơ chỏm tóc bạc(3)
Báo ngươi tác giả biết
(35b1) Nếu hỏi cảnh giới Phật
Long môn gặp điểm trán".(4)
Lúc sắp tịch, Sư gọi chúng đến dạy kệ.
"Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi
Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn
Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi".
Ðêm ấy có ngôi sao lớn rớt ngay góc Ðông nam phương trượng của Sư. Nói xong, Sư ngồi ngay ngắn mà mất(5). Vua xuống chiếu cho thuế 30 hộ để cúng hương hỏa và cho hai người con của Sư làm quan để tỏ lòng khen thưởng.(6)

32. THIỀN SƯ NGUYỆN HỌC
(1) (?- 1181)

Chùa Quảng báo, làng Chân hộ, Như nguyệt(2). Người Phù cẩm(3), họ Nguyễn. Thuở nhỏ Sư thọ pháp với Viên Trí chùa Mật nghiêm(4).Khi được yếu chỉ, trước tiên Sư đến ẩn ở núi Vệ linh(5) chuyên tu phạm hạnh trải 12 năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến 3 ngày mới dậy. Sư thường trì Hương hải đại bi đà la ni, nên việc cầu mưa, trị bệnh, không việc gì là không hiệu nghiệm tức khắc.
Vua Lý Anh Tôn, thấy các điều thần hiệu của Sư, ban chiếu cho vào ra cung cấm, để dùng chú chữa bệnh.
Sau Sư cáo lão về trụ trì chùa Quảng Báo. Môn đồ không dưới 100 người (36a1). Ðến ngày 11 tháng 6 năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 (1175) (6), lúc sắp thị tịch Sư gọi chúng đến dạy:
Ðạo không hình tượng
Trước mắt chẳng xa,
Xoay lại tìm kiếm,
Chớ cầu người ta
Dẫu cho cầu được (7)
Ðược chẳng thật đâu,
Ví có được thật
Thật đó vật nào?
Vì thế chư Phật ba đời
Lịch đại sư tổ
Ấn thọ tâm truyền
Cũng nói thế cả.
Hãy nghe ta nói kệ:
"Rõ hiểu thân, tâm mắt tuệ khơi
Linh thông biến hoá, hiện thật tướng
Ngồi, nằm, đi, đứng riêng siêu nhiên
Ứng hiện hoá thân chẳng thể lượng.
Hư không đầy dẫy tuy lấp khắp,
Xem qua chẳng thấy như có bóng
Thế gian không vật hay kịp sánh
Mãi hiện ảnh thiêng sáng rạch ròi
Thời thường dạy dỗ bất tư nghị
Không được một câu đáng làm lời"(8)
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất. {Truyện này với truyê�n của Huệ Tư trong Truyền đăng (9) đại khái giống nhau. Nay cứ vào những gì do Liệt tổ yếu nghĩa của Huệ Nhật chép}.

THẾ HỆ THỨ MƯỜI MỘT

(GỒM CHÍN NGƯỜI, TÁM NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

33. Thiền sư QUẢNG NGHIÊM
(1122 – 1190)

Chùa Tịnh quả, Trung thụy, Trương canh (1). Người Ðan phụng, họ Nguyễn (36b1). Sớm mất cha mẹ, Sư theo người cậu là Bảo Nhạc thọ nghiệp, đấy là bước đầu phát tâm.Nghe Trí Thiền (2) giáo hóa ở chùa Phúc thánh tại Ðiển lãnh. Sư liền đến đó tham vấn.
Một hôm, nghe Thiền giảng Tuyết đậu ngữ lục (3) đến chuyện hai vị tôn túc Ðạo Ngô và Tiệm Nguyên, tới nhà người chết hỏi việc sống chết (4), Sư như có điều tỏ ngộ, liền hỏi: "Một câu thoại đầu ấy, cổ nhân nói, nhân trong sống chết còn có lý không?".
Thiền đáp: "Người thể nhận được lý do đó chăng?"
Sư thưa: "Thế nào là lý không sinh tử?"
Thiền đáp: "Chỉ ở trong sinh tử, mới khéo hiểu được nó"
Sư thưa: "Thế là đã vô sinh rồi"
Thiền bảo: "Tức cũng tự mình hiểu lấy"
Nghe xong, Sư hoàn toàn được giải đáp, bèn hỏi: "Làm cách nào để quyết chắc?"
Thiền đáp: "Rõ rồi cũng giống như chưa rõ".
Sư sụp lạy, Từ đấy, tiếng tăm Sư vang khắp Thiền lâm.
Lúc đầu Sư đến chùa Khánh ân tại Siêu loại trác tích. Binh bộ Thượng thư Bằng Giáng Tường nghe danh kính mộ, thỉnh Sư về trụ trì chùa Tịnh quả. Sư nêu cao tôn chỉ, Thiền (37a1) lữ đến học đều không đến suông (5).
Một hôm có đệ tử nhập thất là Thường Chiếu, nêu kinh Kim cang ra hỏi:
"Pháp mà Như Laiđạt được, pháp đó không thật, không hư vậy nó là pháp gì?"
Sư đáp : "Người đừng có chê khéo đức Như Lai"
Chiếu đáp: "Hoà thượng đừng có chê khéo lời kinh".
Sư hỏi: "Kinh đó do ai nói?"
Chiếu đáp: "Hoà thượng đừng có đùa lâu với con, há chẳng phải Phật nói sao?"
Sư đáp: "Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh lại bảo: "Nếu nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là huỷ báng Như Lai"(7)
Chiếu không nói được.
Có vị Tăng đến hỏi: "Pháp thân là gì?"
Sư đáp: "Pháp thân vốn không tướng".
Lại hỏi: "Thế nào là Bát nhã?"
Sư đáp: "Bát nhã không hình"
Hỏi: "Thế nào là cảnh Tịnh quả?".
Sư đáp: "Cây thông, cây thu bên bãi tha ma xưa".
Hỏi: "Thế nào là người trong cảnh?"
Ðáp: "Một mình ngồi bít miệng bình".
Lại thưa: "Chợt gặp tri âm, làm sao tiếp đây?"
Sư đáp: "Tuỳ duyên nhướng đôi mày".
Lại thưa: "Làm sao mới là con cháu Kiến sơ và dòng dõi Âu công?" (8)
Sư đáp: "Người Ngu nước Sở".
Vị Tăng không đáp được.
Ðến ngày rằm tháng 2 năm Canh Tuất Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 (1190), lúc sắp tịch, Sư nói bài kệ sau:
"Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
Ðược vô sinh sau nói vô sinh
Làm trai có chí xông trời ấy
Chở hướng Như Lai hành xứ hành" (9).
Nói kệ xong, Sư chấp tay ngay ngắn mà mất, thọ 69 tuổi. Bằng công làm lễ hỏa táng, dựng tháp thờ.
 
THẾ HỆ THỨ MƯỜI HAI
(CÓ BẢY NGƯỜI, SÁU NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

34. THIỀN SƯ THƯỜNG CHIẾU
(? – 1203)

Chùa Lục tổ, làng Dịch bảng, phủ Thiên đức (1). Người làng Phù ninh (2), họ Phạm. Triều Lý Cao Tôn, Sư làm quan Lệnh đô tào ở cung Quảng từ (3). Sau từ quan, đi học pháp xuất thế với Quảng Nghiêm chùa Tịnh quả, bèn chính thân được tâm ấn. Sư hầu thầy nhiều năm, rồi đến ở ngôi chùa xưa tại làng Ông mạc (4) để giảng diễn giáo chỉ. Sau đó dời sang chùa Lục tổ. Môn đồ Sư càng ngày càng đông. Có vị Tăng hỏi: "Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?"
Sư đáp:
"Ta vật (38a1) đều quên,
Tâm tính vô thường
Dễ sinh dễ diệt
Giây phú không ngừng,
Ai kẻ vin bắt?
Sinh thì vật sinh
Diệt thì vật diệt
Pháp kia có được
Thường không sinh diệt"
Vị Tăng thưa: "Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại". Sư bảo: "Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi".
Lại hỏi: "Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?"
Sư đáp: "Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Ðẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Ðức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp (38b1). Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn (3). Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Ðẳng chánh giác (6).
Bèn nói tiếp bài kệ sau:
"Tại thế làm thân người
Tâm là tạng Như Lai
Chiếu ngời khắp mọi cõi
Vắng bóng lúc tìm tòi".
Ðến ngày 24 tháng 9 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), Sư tỏ ra đau tim, nhóm chúng nói kệ rằng:
" Ðạo vốn không nhan sắc
Ngày ngày mới mới khoe
Ngoài đại thiên sa giới
Nơi đâu chẳng phải nhà".
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất. Ðệ tử Thần Nghi… làm lễ trà tỳ, thu thập xá lợi, dựng tháp phụng thờ. Sư thường soạn Nam tôn tự pháp đồ 1 quyển (7), còn lưu hành ở đời.

(39a1) THẾ HỆ THỨ MƯỜI BA
(CÓ NĂM NGƯỜI, BA NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

35. CƯ SĨ THÔNG SƯ
(1) (? – 1228)

Ốc hương, An la (2). Người Ốc hương, họ Ðặng. Ban đầu Sư cùng Quách Thần Nghi, chùa Thắng quang, thờ Thường Chiếu chùa Lục tổ làm thầy.
Một hôm Sư vào thất, hỏi thỉnh ích (3) rằng: "Làm thế nào để hiểu rõ Phật pháp?"
Thường Chiếu đáp: "Phật pháp không thể hiểu được. Rõ được điều đó thì cần gì hiểu Phật pháp. Chư Phật như vậy tu hành. tất cả các pháp vốn là bất khả đắc".
Sư nhờ câu nói ấy mà lĩnh hội yếu chỉ.
Sau đó Sư trở về làng mình giảng pháp. Học giả theo học rất đông. Phàm có ai hỏi, Sư đều lấy tâm ấn mà ấn truyền.
Hoặc có kẻ hỏi: ‘Thế nào là người xuất thế?"
Sư đáp: "Há không thấy người xưa nói: Chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đi không lại, khi sinh tánh không đến, khi chết tánh không đi, tròn đầy vắng lặng, tâm cảnh như một. Chỉ cần trực nhận tức khắc như thế thì không còn bị ba đời ràng buộc. Ðó là bậc xuất thế, dứt khoát không được có chút gì (39b1) nhắm tới nữa".
Lại hỏi: "Nghĩa vô sinh là gì?"
Sư đáp: "Phân biệt các uẩn đây
Tính nó vốn vắng trơn
Trống không, nên không diệt
Ðấy là nghĩa vô sinh".
Lại hỏi: "Thế nào là lý vô sinh?"
Sư đáp: "Ðiều phục được các uẩn
Mới tỏ được tánh không
Tánh không, không thể diệt
Ðấy là lẽ vô sinh"
Tăng hỏi: "Phật là?"
Sư đáp: "Bản tâm là Phật, cho nên Ðường tam tạng Huyền Trang (4) nói:
"Chỉ rõ tâm địa
Nên gọi Tổng trì
Hiểu pháp vô sinh
Tên gọi Diệu Giác".
Sau đó, vào tháng 7 năm Mậu tý Kiến Trung thứ 4 (1228) của Hoàng triều (5), Sư viên tịch.

36. THIỀN SƯ THẦN NGHI
(? – 1216)

Chùa Thắng quang, làng Thị trung, Kim bài (1). Người Ngoại trại (2), họ Quách, con nhà đời đời phạm hạnh. Lúc mới xuống tóc, Sư thờ Thường Chiếu chùa Lục tổ làm thầy. Ðến khi Chiếu sắp tịch, Sư hỏi: "Người ta tới giờ phút đây, làm sao lại chết theo lối thế tục?".
Chiếu đáp: "Ngươi nhớ được mấy người, mà không chết theo lối thế tục?".
Sư thưa: "Chỉ có Ðạt Ma (40a1), một người."
Chiếu hỏi: "Ngài có cái gì lạ lùng đâu?"
Sư thưa: "Một mình thong dong về Tây".
Chiếu hỏi: "Thế Hùng nhĩ là cái gì?"
Sư thưa: "Là chỗ chôn quan tài của chiếc giày".
Chiếu nói: "Gạt kiếm lời là Thần Nghi"
Sư thưa: "Chớ bảo Tống Vân truyền nhảm, đến khi Trang Ðế quật mồ thì sao?"(4).
Chiếu quát lớn: "Ðó là chuyện chó sủa suông" (5)
Sư thưa: "Hoà thượng cũng theo thế tục sao?"
Chiếu nói: "Theo thế tục".
Sư thưa: "Vì sao như thế?"
Chiếu nói: "Ðể cho giống với mọi người".
Sư hốt nhiên tỉnh ngộ, liền sụp lạy thưa: "Con đã hiểu lầm rồi".
Chiếu liền hét.
Sư lại thưa: "Con hầu Hoà thượng đã nhiều năm, mà không biết người truyền đạo này đầu tiên là ai, cúi xin chỉ dạy thứ lớp truyền pháp, khiến cho người học biết được nguồn gốc".
Chiếu khen Sư có lòng tha thiết thành khẩn, bèn đem Chiếu đối bản (6) của Thông Biện ra và ghi lại những điều về tôn phái, để làm đồ biểu phân Tôn tự pháp, đưa cho Sư xem.
Sư xem xong, liền hỏi: "Sao không thấy nói đến hai phái Nguyễn Ðại Ðiên và Nguyễn Bát Nhã?"
(40b1)Chiếu nói: "Ắt Thông Biện có một ức ý nào đó".
Ngày 18 tháng 2 năm Bính tý Kiến Gia thứ 6 (1216), Sư đem Nam tôn tự pháp đồ Chiếu đối bản do Thường Chiếu trao (8) mà dặn lại đệ tử là Ẩn Không rằng: "Ngày nay tuy loạn lạc, nhưng ngươi khéo giữ gìn chúng, cẩn thận chớ để cho binh hỏa thiêu hủy, thì Tổ phong ta mới không bị suy sụp vậy".
Nói xong Sư vĩnh viễn ra đi, *{Ẩn Không trước ở tại huyện Na ngạn (9) của Lạng châu, nên thời bấy giờ gọi là Na Ngạn Ðại sư}.

THẾ HỆ THỨ MƯỜI BỐN

(GỒM NĂM NGƯỜI, BA NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

37. THIỀN SƯ TỨC LỰ
{Một tên là Tĩnh Lự}

Chùa Thông thánh, làng Chu Minh (1), phủ Thiên đức, người làng Chu minh. Lúc nhỏ thông minh, đọc khắp sách đời. Một hôm Sư bỏ sở học của mình đến thờ cư sĩ Thông Thiền làm thầy, học hỏi chỗ huyền yếu. Thường vào ngày giải hạ, Sư đặt bẫy bắt được con chim Mãi quỷ (3) đem vào dâng thầy.
Thiền kinh ngạc hỏi: "Ngươi đã làm thầy tu, sao lại phạm sát? Quả báo ngày sau thời sao?".
Sư thưa: "Chính khi ấy con chẳng thấy có con vật đó, cũng chẳng thấy có thân con và cũng chẳng biết có quả báo sát sinh, cho nên mới làm như thế".
(41a1) Thiền biết Sư là pháp khí, bèn cho vào hàng nhập thất, mật truyền tâm ấn rằng: "Ông nếu dùng đến chỗ đất ấy, thì dù có tạo tội ngũ nghịch, thất già cũng được thành Phật"(4)
Có vị Tăng bên cạnh trộm nghe lời này, bèn kêu to lên rằng: "Khổ thay ! Dẫu có việc như thế tôi cũng không thể tin được !".
Thiền lên tiếng quát: "Ðồ giặc ! Ðồ giặc ! Ðâu để cho loài phi nhân (5) được sự tiện lợi của nó?"
Sư nghe câu nói ấy liền giác ngộ. Sau Sư trở về chùa mình, nghiên giảng tôn chỉ Thiền để dạy học trò. Cư sĩ Ứng Thuận là kẻ kế thừa Sư vậy.

38. THIỀN SƯ HUYỀN QUANG
(? – 1221)

Núi Yên Tử (1), người Kinh sư, họ Lê, tên Thuần. Là người có tiếng nói dịu dàng, dung mạo đẹp đẽ, mồ côi từ bé trải nhiều gian khổ.
Năm vừa 11 tuổi, Thường Chiếu chùa Lục tổ thấy đem về nuôi, cho làm đệ tử. Sư học vấn thông tuệ, mỗi ngày học hàng vạn chữ, không đầy 10 năm, gồm thông Tam học. Nhưng tôn chỉ môn thiền Sư chưa kịp suy cứu thì Thường Chiếu đã qui tịch. Về sau, cùng người biện luận (41b1) tâm yếu tất bị bắt bẻ. Sư thường tự trách mình rằng: "Ta đây ví như con nhà giàu, lúc cha mẹ còn sống, ăn chơi lêu lổng, đến khi cha mẹ chết thì mờ mịt ngu muội, không biết châu báu trong nhà nằm ở đâu, đến nỗi cuối cùng thành nghèo thiếu".(2)

Từ đó, Sư dạo khắp tòng lâm, tham học các hàng tri thức, gặp Trí Thông chùa Thánh quả dạy cho một câu, Sư chợt rõ tâm địa của mình, bèn ở lại đấy hầu hạ Thông. Sau vì nhân sự cúng dường của công chúa Hoa Dương(3) mà tiếng đời phỉ báng nổi lên như ong. Sư nghe được, nói: "Phàm được người thế tục ngưỡng mộ tất không tránh khỏi bị hủy nhục. Nay ta là như thế sao? Vả, con đường Bồ tát thì rộng lớn, còn pháp Phật thì vô lượng, kẻ sĩ giữ đạo trung dung còn nhiều khi phải buồn tẻ khóc thầm(4). Nếu như không dõng mãnh tự xét, dùng sự nhẫn nhục làm giáp trụ, lấy việc tinh tấn làm khí giới, thì làm sao tránh được ma quân, phá được phiền não, cầu được giác ngộ vô thượng?"
Rồi Sư vào thẳng trong núi Uyên trừng, phủ Nghệ an, theo Thiền sư Pháp Giới thọ giới Cụ túc. Một hôm, Sư thấy thị giả dâng cơm, sẩy tay làm đổ xuống đất. Sợ quá, thị giả lấy tay hốt cơm lộn đất (42a1), Sư tự hối nói: "Ta sống vô ích cho người, chỉ nhọc cho họ cúng cấp để đến nỗi như thế kia".

Từ đấy bèn mặc áo lá, thôi nhận lương, trải hơn 10 năm. Lúc sắp tìm chỗ riêng để an dưỡng tuổi già, Sư bèn vào sâu trong núi ấy, kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi xuống núi kinh hành, Sư tất dùng gậy quảy một đẫy vải (5). Ðến ngồi nằm nơi nào, thú rừng trông thấy không con nào là không thuần phục.

Lý Huệ Tôn khâm phục đời sống cao thượng của Sư, đã nhiều lần lần sắp lễ đi đón. Sư lánh mặt, sai thị giả bảo lại với sứ giả rằng: "Bần đạo sinh trên đất vua, ăn lộc vua, ở trong núi thờ Phật trải đã nhiều năm, mà công đức chưa thành, rất lấy làm thẹn. Nay nếu về thăm vua thì không những không có ích gì cho việc trị an, mà lại bị chúng sinh bài báng. Huống chi bây giờ Phật pháp đang thịnh hành, Sư trưởng trong đạo đã nhóm cấm túc ở gác điện Vũ nghi (6) thì sao phải chiếu cố một ông thầy tu thô hèn gởi mình trong núi đến thế?". Từ đó, Sư quyết không xuống núi nữa.
Có vị Tăng hỏi: "Hoà thượng ở trong núi bấy lâu làm được những việc gì" (42b1)
Sư đáp: "Dùng đức Hứa Do (7) ấy
Sao biết đời mấy xuân
Vô vi sống đồng rộng
Tự tại người thênh thang"
Mùa xuân năm Tân tỵ Kiến Gia thứ 11 (1221), khi sắp thị tịch, Sư ngồi trên một tảng đá nói kệ:
Pháp huyễn đều là huyễn,
Tu huyễn cũng là huyễn,
Chẳng là hai huyễn ấy
Tức trừ được mọi huyễn".
Nói xong, Sư an nhiên mà tịch. Môn đồ Ðại Viên sắm đủ lễ an táng Sư trong hang núi.{Lại Tự ngu tập (9) nói Sư mất, không biết ở đâu}

THẾ HỆ THỨ MƯỜI LĂM (CÓ BẢY NGƯỜI)

(Ở đây chỉ có một người)

9. CƯ SĨ ỨNG VƯƠNG
. (1)

Người phường Hoa thị (2), kinh đô Thăng long, họ Ðỗ, tên Văn, tính tình giản dị, khoáng đạt, không bôn chôn theo việc đời. Ban đầu làm quan dưới triều Chiêu Lăng ta (3), chức đến Trung phẩm phụng ngự. Những khi rảnh việc quan, ông dốc chí học Thiền, tay không rời sách, tìm hết ý tổ, hiểu rõ Tâm tông. Ở cửa trường của Tức Lự chùa Thông thánh, ông thấu hết bí quyết của Lự. Do đó, Sư gió thiền không nghẽn, mắt đạo càng cao.
(43a1) Khi được truyền tâm ấn rồi, ông là người tai mắt của tòng lâm, như những vị quốc sư Nhất Tôn, Thiền sư Tiêu Diêu(4), Giới Minh và Giới Viên ấy vậy.


Âm lịch

Ảnh đẹp