Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Lê Mạnh Thát
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999 - NXB Phương Đông 2006
III .VẤN ÐỀ TÊN GỌI
Ba truyền bản hiện lưu hành, đấy là truyền bản đời Lê I, đời Lê II và truyền bản đời Nguyễn, mang những tên gọi khác nhau về Thiền uyển tập anh.
Truyền bản đời Nguyễn thì gọi Ðại nam thiền uyển truyền đăng tập lục ở
tờ 1a1, hay Ðại nam thiền uyển truyền đăng ở tờ 65a10 và Thiền uyển
truyền đăng lục ở gáy từ tờ 1 đến tờ 65. Ðiều này không có nghĩa người
đứng in truyền bản đời Nguyễn, tức An Thiền không biết đến tên Thiền uyển tập anh đâu. Chính Ðạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5a4, một tác phẩm của Thiền, đã liệt Thiền uyển tập anh lục một (quyển) giữa những bản gỗ tàng trữ tại các chùa chiền miền Bắc nước ta vào thế kỷ 19.
Như
vậy, "bản gỗ cũ chùa Tiêu sơn", mà Thiền dùng để in ra quyển thượng của
bộ Ðại nam thiền uyển truyền đăng tập lục, cứ vào ghi chép vừa dẫn của
Ðạo giáo nguyên lưu, phải có tên là Thiền uyển tập anh lục. Và
chính lời tựa San khắc truyền đăng thủ Trần gia bản tờ 1b4-5, Thiền đã
nói thẳng ra tên sách mình dùng cho việc in ra quyển thượng đấy là Thiền uyển tập anh, bởi vì Thiền viết: "Kịp đến nước ta thì xưa có Thiền uyển làm lục, Tập anh
làm tên, ghi lấy cao tăng thạc đức của ba triều trình sơ nét chính". Do
thế, mặc dù truyền bản đời Nguyễn ngày nay xuất hiện dưới tên Ðại nam
thiền uyển truyền đăng tập lục, hay Ðại nam thiền uyển truyền đăng, hay
Thiền uyển truyền đăng lục, ta biết chắc chắn là tự nguyên ủy nó vẫn có
tên Thiền uyển tập anh.
Về truyền bản đời Lê I và
Lê II, trong bảy lần nó nhắc tới tên sách ở những tờ 1a1, 4a1, 26a1,
44a1, 61a1, 71b1, và 72b11 thì sáu lần là đã có tên Thiền uyển tập anh. Chỉ trừ một lần ở tờ 4a1, nó thêm hai chữ "ngữ lục" ở sau thành Thiền uyển tập anh ngữ lục. Bản chất của Thiền uyển tập anh,
tuy có chứa đựng ngữ lục, nhưng không phải là một tác phẩm thuần tuý
thuộc loại ngữ lục. Thực tế mà nói, nó có những truyện không chứa đựng
một ngữ lục nào hết. Truyện Pháp Thuận, truyện Ma Ha thuộc dòng thiền
Pháp vân là những thí dụ. Có lẽ vì nhận ra sự trạng đó, nên người hiệu
đính và viết tựa cho bản in năm 1715 đã không ngần ngại nêu ngay cái tên
Thiền uyển tập anh, mà giải thích ý nghĩa và đã không một lời đề cập xa gần gì tới ngữ lục cả. Hơn nữa, cứ vào số lần xuất hiện của nó thì Thiền uyển tập anh chắc
chắn là tên của tác phẩm từ nguyên ủy, nhất là khi ta biết chúng là
khởi đầu cho những quyển khác nhau theo truyền bản sáu quyển. Chúng tôi
vì vậy nghĩ rằng chữ "ngữ lục" là một thêm thắt vào thời Lê dưới ảnh
hưởng của quan niệm, theo đó thì mỗi khi nói đến tác phẩm của các vị
Thiền sư, người ta phải đề cập tới ngữ lục. Và tên nguyên ủy của tác
phẩm chúng ta nghiên cứu đây là Thiền uyển tập anh.
Tên đó từ thế kỷ thứ 15 đã
được Nguyễn Văn Chất (1422 - ?) dẫn ra trong phần Tục tập của Việt điện
u linh tập tờ 42, mà sau này một "Nho sĩ họ Ðoàn" thuộc thế kỷ thứ 16
đã sao lại vào trong quyển thứ ba của Lĩnh nam trích quái truyện tờ 115.
Qua thế kỷ thứ 18, ngoài bản in năm 1715, Lê Qúy Ðôn là người sử dụng
nhiều nhất Thiền uyển tập anh và đã gọi nó bằng chính cái tên đó
trong Ðại Việt thông sử cũng như trong Kiến văn tiểu lục 4 tờ 12b8. Ðến
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Văn tịch chí chỉ
ghi lại Thiền uyển tập thôi, trong khi "bản gỗ cũ chùa Tiêu sơn" cũng
như Ðạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 5a4 đều chép tên Thiền uyển tập anh lục. Cái tên Thiền uyển tập anh
có một lai lịch xa xưa và thống nhất như thế. Do đó, chúng tôi đề nghị
chúng ta gọi tên tác phẩm mang những đề danh khác nhau trên bằng cái tên
Thiền uyển tập anh thống nhất vừa nêu.