Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Lê Mạnh Thát
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999 - NXB Phương Đông 2006
PHẦN I.
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
Trong công tác nghiên cứu
lịch sử dân tộc ta, vấn đề khai thác những tư liệu phản ảnh quan điểm và
lập trường đấu tranh của dân tộc ta là cần thiết. Và việc đó càng trở
nên cần thiết và quan trọng hơn nữa, khi ta đi vào lĩnh vực nghiên cứu
cổ sử và trung sử. Bởi vì về giai đoạn đó, các chính sử ta thường chép
rất sơ sài, thậm chí chép lại những gì do những ngòi bút thù địch với
dân tộc và chống lại nước ta viết ra, đưa đến tình trạng một bộ chính sử
ta đã công nhiên ngợi ca sự nghiệp của một tên xâm lược đầu sỏ đầy tội
ác đối với nước ta như Cao Biền.
Trong số những tư liệu hiện còn loại đấy, ta chỉ có vỏn vẹn ba tác phẩm đó là Việt điện u linh tập, Lĩnh nam trích quái truyện và Thiền uyển tập anh.
Về hai tác phẩm đầu, trước đây chúng đã được phiên dịch và in lại
nguyên văn, dẫu rằng những công tác ấy chưa đạt được tiêu chuẩn khoa học
đáng muốn. Còn lại Thiền uyển tập anh thì kể từ ngày Trần văn Giáp phát
hiện và giới thiệu nó với học giới trong bài Phật giáo ở Việt nam từ khởi nguyên đến thế kỷ thứ 13
(Trần văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam dès origines aux XIIIè siècle,
BEFEO XXXII (1932) 191-268), tính chất quan trọng của tác phẩm này không
những đối với môn cổ sử và lịch sử giải phóng dân tộc, mà còn đối với
các môn học khác từ văn học nghệ thuật cho đến khoa học kỹ thuật đã được
nhiều người chú ý tới.
Như một bộ sử chuyên môn
không thuộc loại chính sử về lịch sử Phật giáo Thiền tôn Việt nam, nó có
thể ở vào địa vị phản ảnh phần nào quan điểm và lập trường đấu tranh
của dân tộc cùng tình tự và ý chí của họ trong liên hệ với lịch sử vận
động giải phóng và chống ngoại xâm mà điển hình nhất là những truyện
Ðịnh Không và La Quí cùng các truyện Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn
Hạnh. Những truyện Ðịnh Không và La Quí kể lại những mẩu tin rất ly kỳ,
nhưng cũng rất thực tế trong công tác tuyên truyền vận động độc lập của
những người yêu nước sống rải rác trong các mạng lưới của làng mạc Việt
nam dưới những hình thức sấm vĩ, tín ngưỡng chùa chiền. Chúng vạch cho
thấy họ đã vận động cho cuộc chiến đấu ấy như thế nào, đã lãnh đạo cuộc
vận động đó với một lý thuyết gì. Các truyện Khuông Việt, Pháp Thuận và
Vạn Hạnh đã diễn tả một cách khá rõ rệt tính chất dân tộc của những cuộc
chiến tranh chống ngoại xâm do dân ta thực hiện trong những ngày đầu
của thuở mới lập quốc qua sự tham dự tích cực và trực tiếp của hầu hết
mọi tầng lớp người.
Nhưng Thiền uyển tập anh
không chỉ là một tác phẩm phản ảnh quan điểm và thái độ quần chúng
trong một cách thể nào đó. Nó còn là một cuốn sử giúp ta nhiều tài liệu
nghiên cứu về cổ sử Việt nam từ thế kỷ thứ 6 cho đến thế kỷ thứ 13. Thực
vậy, ngày nay nó chứa đựng nhiều chi tiết, nhiều tên người, tên đất,
nhiều sự việc mà các chính sử có quyển ghi, có quyển không ghi, thậm
chí, đôi khi không có quyển nào ghi cả. Chẳng hạn, cái tên Khúc Lãm xuất
hiện trong truyện La Quí. Lãm chắc chắn là một trong những người lãnh
đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ manh nha của nó với các
vị khác như Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Mỹ v.v…nhưng ngày nay
không thấy sử sách nào khác chép tới.
Hay Cương giáp, nơi đóng
quân của tên tướng Hầu Nhân Bảo trong trận đọ sức đầu tiên giữa dân tộc
ta với quân xâm lược Tống, mà các chính sử không thấy đâu ghi cả. Trong
liên hệ này, ta có thể nói rằng đối với môn địa lý học lịch sử, Thiền uyển tập anh
có một cống hiến thật đặc sắc, bởi vì nó là một tác phẩm đời Trần duy
nhất còn lại chứa đựng nhiều tên ấp, tên làng, tên quận, tên phủ và tên
châu đời Lý cũng như đời Trần hơn bất cứ tác phẩm nào khác, kể cả bộ
chính sử Ðại Việt sử lược. Khai thác kho tàng những tên đất đấy và xác
định lại vị trí của chúng, nếu hoàn thành, có thể nói ta đã vẽ lại được
một phần bản đồ địa lý chi tiết của nước ta vào thời Lý một cách cụ thể,
nhờ vào tên của các ngôi chùa gắn liền với các tên đất ấy.
Không những thế, do chính
sách văn hóa nô dịch thô bạo và thâm độc của bọn xâm lược Minh hồi đầu
thế kỷ thứ 15, tất cả những sách vở nứơc ta trước thế kỷ đó hầu hết đều
bị chúng hủy hoại, dẫn cuối cùng đến tình trạng là, một nền văn học rực
rỡ và phong phú như nền văn học đời Lý đã không còn để lại vết tích nào,
nếu ta không nói đến Thiền uyển tập anh và một số bi ký ở các
chùa hiện đã phát hiện được. Thực vậy, ngay từ những năm 1433, sau khi
đã thu hồi lại độc lập và ổn định được đời sống của nhân dân, những nỗ
lực thu thập thi văn các đời Lý, Trần của những học giả đời Lê chỉ chủ
yếu ghi l5I được các tác giả đời Trần mà thôi, còn tuyệt đại bộ phận các
tác giả đời Lý thì hoàn toàn vắng bóng.
Sự trạng ấy, ta chỉ cần dở Việt âm thi tập của Phan Phù Tiên, Quần hiền phủ tập của Hoàng Tuỵ Phu cùng Tinh tuyển chư gia luật thi của Dương Ðức Nhan thì cũng đủ thấy. Việt âm thi tập hoàn thành sau khi thu hồi độc lập khoảng 6 năm, tức vào năm 1433, đã tuyệt nhiên không ghi lại một tác gia đời Lý nào hết. Quần hiền phủ tập viết xong khoảng năm 1457 cũng vậy. Ðến Tinh tuyển chư gia luật thi
của Dương Ðức Nhan đỗ tiến sĩ khoa 1463 với một nhan đề quyển sách như
thế, ta không cần phải nói là, không có một tác giả đời Lý nào được kể
tới. Cả mấy trăm năm văn học của một dân tộc đã bị bỏ quên. Sự trạng ấy
ta phải đợi đến Lê Quí Ðôn mới được chấn chỉnh lại trong bộ Toàn Việt thi lục và Kiến văn tiểu lục của ông. Nhưng Lê Quí Ðôn làm được như vậy chủ yếu là nhờ vào Thiền uyển tập anh,
mà ông đã biết khai thác một cách có phương pháp và hệ thống. Rõ ràng,
đối với lịch sử văn học dân tộc ta, Thiền uyển tập anh đóng một vai trò
hết sức quan trọng và thiết yếu. Thiếu nó, thì cả mấy trăm năm lịch sử
văn học dân tộc phai mờ tiêu tán đi không phải ít.
Từ lĩnh vực văn học bước
sang lĩnh vực tư tưởng triết lý không xa. Cho nên nếu Thiền uyển tập anh
đóng một vai trò quan trọng như thế nào đối với lịch sử văn học dân
tộc, thì nó cũng đóng một vai trò tương tự trong lịch sử tư tưởng triết
lý. Và vai trò đấy, thực tế, có một tầm quan trọng hơn nhiều, khi ta nhớ
rằng nó tự bản chất là một bộ sử chuyên môn về lịch sử Phật giáo Thiền
tôn Việt nam. Mà Phật giáo Thiền tôn Việt nam vào những mấy trăm năm
đấy, nếu không nói là hệ tư tưởng chỉ đạo thì nó cũng ở vào địa vị của
một hệ tư tửơng chiếm ưu thế trong giai đoạn lịch sử đó. Trong giai đoạn
ấy, dân tộc ta đã làm nên những chiến công hiển hách, đưa cả dân tộc
lên đỉnh cao của thời đại, đứng vào hàng những đội quân tiên phong của
loài người chống xâm lược và áp bức, dân tộc ta đã xây dựng được một nhà
nước vì dân, một nền kinh tế vững mạnh và một nền khoa học kỹ thuật
tiến bộ nhất định.
Làm nên được những kỳ tích như thế trong một
tình huống như tình huống của nứơc ta sau khi Ngô Quyền đánh bại quân
xâm lược Nam hán và Ðinh Tiên Hoàng thống nhất tổ quốc về một mối thì
phải kể là những kỳ tích vô tiền khoáng hậu, hiếm có trong lịch sử loài
người. Hệ tư tưởng chủ đạo nào đã hướng dẫn họ trên bước đường đưa cả
dân tộc đi tới vinh quang đó? Ðiều này rõ rệt đòi hỏi ta phải giải quyết
vấn đề lý luận dân tộc nào đã giúp nhân dân ta đoàn kết một lòng một dạ
với nhau, cùng nhau chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Nó đòi
hỏi ta phải đặt thành vấn đề hệ tư tưởng chủ đạo của dân tộc ta vào thời
Ðinh, Lê, Lý, Trần và bắt buộc ta phải nghiên cứu nghiêm túc, nhằm rút
tỉa những tinh hoa của truyền thống, đóng góp vào việc xây dựng con
người mới Việt nam hôm nay. Ðể giải quyết những vấn đề đấy, công tác
nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt nam tất không thể nào không tìm đến
Thiền uyển tập anh. Có thể nói, nó là nơi tập đại thành những luồng tư
tưởng chủ yếu của dân tộc từ thời nhà Trần trở về trước.
Ðây là mấu chốt của vấn đề
nghiên cứu hệ tư tưởng chủ đạo thời Ðinh, Lê, Lý, Trần, và trước đó.
Phân tích và nắm được những điểm chủ yếu của vấn đề ấy, ta có thể nói là
đã giải quyết được nó về mặt cơ bản. Trong chiều hướng cung cấp tư liệu
và mẫ hình cho công tác phân tích đấy, Thiền uyển tập anh với tiểu sử
của 68 Thiền sư hầu hết đều có ghi thành phần gia đình, giai cấp và sống
trải dài trên một khoảng thời gian gần 700 năm, rõ ràng có thể giúp xác
định tư tưởng Phật giáo Thiền tôn Việt nam, mà họ là những đại diện
chân chính và được thừa nhận. Trong viễn tượng đấy, vai trò của Thiền
uyển tập anh trở nên hết sức trọng yếu cho những ai muốn nghiên cứu lịch
sử tư tưởng dân tộc và hệ tư tưởng chủ đạo của Việt nam từ thời Trần
trở về trước. Ðương nhiên, với số lượng 68 người có tiểu sử, nó chưa
cung cấp cho ta một mẫu xác suất tốt nhất đáng muốn. Nhưng trong tình
trạng sử liệu ngày nay, ta không mong gì hơn. Qua họ, hệ tư tưởng họ đại
biểu, có thể xác định một cách khá đúng đắn và cụ thể. Từ đó, vấn đề
bản chất củaPhật giáo Thiền tôn Việt nam tất nhiên phải bộc lộ.
Ngoài ra, Thiền uyển tập
anh còn cần thiết cho những khoa học khác từ kinh tế học, dân tộc học,
xã hội học v.v…cho đến mỹ nghệ và kỹ thuật. Chẳng hạn, nghiên cứu về tập
tục và đời sống của dân ta ở những vùng biên giới, ta có những truyện
Ma Ha, Giới Không v.v…ghi lại lối sống, lối tín ngưỡng của họ. Hay tìm
hiểu về lai nguyên của nghề in tại Việt nam, ta có truyện Tín Học xác
định thành phần gia đình Học là "đời đời làm nghề in kinh". Hay khảo sát
về thành phần xã hội thời Lý và hệ thống cấu trúc của nó, ta có truyện
nhiều Thiền sư ghi lại thành phần gia đình của họ v.v…
Thiền uyển tập anh như vậy
chứa đựng nhiều tài liệu phong phú và đặc sắc cho công tác nghiên cứu
lịch sử cũng như nhiều khoa học kỹ thuật và mỹ thuật khác. Dẫu thế, cho
đến nay chưa có một bản dịch nghiêm chỉnh và đầy đủ nào về nó xuất hiện,
nên những người nghiên cứu, dù nhắc tới nó nhiều, ít ai có dịp đọc toàn
bộ bản văn đó. Bản dịch hiện nay của chúng tôi là nhằm cung ứng cho
những người nghiên cứu ấy một bản dịch như thế. Trước đây, một số người
cũng có ý muốn dịch nó và họ quả đã dịch, hay đúng hơn phỏng dịch một
phần nào hay toàn bộ nó và xuất bản dưới những tên khác nhau {Thanh Từ,
Thiền sư Việt nam, Tu viện Chân không xuất bản, Saigon, 1973, tr11-195
phỏng dịch đủ Thiền sư cả hai phái Pháp vân và Kiến sơ; Khánh Vân Nguyễn
Thuỵ Hòa, Tiểu truyện các Thiền sư VN (phái Vô Ngôn Thông), Saigon
1974, chỉ dịch lướt phần đầu của phái Võ Ngôn Thông.
Ông Nguyễn
Ðổng Chi có cho tôi hay vào khoảng 1938 Nguyễn Trọng Thuật có dịch Thiền
uyển tập anh đăng trong báo Ðuốc Tuệ, nhưng cũng chỉ dịch lướt. Tôi
chưa có dịp thấy bản dịch ấy}. Nhưng tất cả đều chưa đạt yêu cầu. Tình
trạng này xuất phát từ hai nguyên cớ chính, đấy là : 1, Họ chưa nắm vững
lịch sử truyền bản của bản văn, nên đã không chọn được một truyền bản
chính xác để làm đề bản cho công tác hiệu thù và phiên dịch, và 2, Họ
chưa phân tích kỹ nội dung bản văn, nên tới những đoạn khó, họ hoặc đa
số lướt qua không dịch, hoặc nếu bắt buộc quá mà phải dịch, họ thường
phạm phải những sai lầm.
Ðể khắc phục tình trạng sai trái vừa
nêu, bản dịch hiện nay bao gồm có phần nghiên cứu về tự thân bản văn và
phần chú thích bản văn đó. Phần nghiên cứu về tự thân văn bản nhằm giải
quyết những vấn đề truyền bản của bản văn, tên gọi nó, soạn niên và tác
giả nó cùng vấn đề sử liệu nó dùng và vấn đề hiệu bản cho bản dịch của
chúng tôi. Phần chú thích, vì nhằm cung ứng tài liệu cho những người
nghiên cứu ở nhiều bộ môn khác nhau, chúng tôi đã cố gắng chú thích rất
kỹ và nói rõ nguyên lai những chú thích cho tiện việc tra cứu.