Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Lê Mạnh Thát
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999 - NXB Phương Đông 2006
49.THIỀN SƯ VẠN HẠNH
(1) Ba học là giới, định,
tuệ của giáo dục Phật giáo. Trăm luận chỉ các tác phẩm của Bách gia chư
tử trong nền giáo dục truyền thống của nước ta.
(2) Tổng trì tam ta địa,
cũng gọi đà la ni tam muội, Phạn: Dhàrani-samàdhi, một lối thiền định
thực hiện bằng cách đọc các khẩu quyết Phạn ngữ. Kinh Ðại phẩm bát nhã
viết: "Sao gọi là đà la ni tam muội? Vì trụ trong tam muội đó thì có thể
giữ hết những tam muội, nên gọi đà la ni tam muội". Luận Ðại trí độ
viết: "Ðà la ni tam muội vì được sức của tam muội đó thì các đà la ni
văn và trì đều tự nhiên mà được". Xem Ðại trí độ luận 40 tờ 398b24 và
401c27-28.
(3) Ðại Việt sử lược
1 tờ 19a8-9: Thiên phúc năm thứ nhất, mùa xuân tháng ba, quân Hầu Nhân
Bảo đến Lãng sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây kết, Lưu Trừng đến Bạch đằng
giang". Toàn thư B1 tờ 14a1-3: "Thiên Phúc năm thứ 2 mùa xuân
tháng 3, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây
kết, Lưu Trừng đến Bạch Ðằng Giang".
(4) Ðại Việt sử lược
1 tờ 19b1-3: "Thiên phúc năm thứ 2, vua sai Từ Mục v.v…đi sứ Chiêm
thành, bị Chiêm thành bắt. Vua nổi giận, tự làm tướng đem quân đi đánh,
chém đầu vua Chiêm là Bề Mi Thuế tại trận, xẻo tai không thể kể xiết,
bắt kỹ nữ trong cung Chiêm vài trăm người, dời trọng khí của Chiêm, thu
lấy vàng bạc và đồ quý tới số muôn, phá tan thành trì Chiêm". Toàn thư B1
tờ 16a2-6: "Thiên Phúc năm thứ 3, vua thân chinh Chiêm thành, thắng.
Trước đó, vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ Chiêm thành, bị Chiêm
thành bắt, vua nổi giận, đóng chiến thuyền, đúc khí giới, tự làm tướng
đem quân đi đánh, chém đầu Bề Mi Thuế tại trận, Chiêm thành đại bại, bắt
giết sĩ tốt không thể kể xiết, bắt kỹ nữ trong cung Chiêm tranm người
và thầy tu Ấn độ một người, dời trọng khí của Chiêm, thu lấy vàng bạc và
đồ quý tới số muôn, phá tan thành trì Chiêm".
(5) Nguyên văn: Thổ mộc
tương sinh ngân bạn kim. Ðọc theo lối chiết tự thì Thổ mộc là chữ Ðỗ.
Nguyên câu này chỉ Ðỗ Ngân. Ðỗ Ngân này là ai, không thấy sách sử nào
nói tới cả.
(6) Nguyên văn: Ðương thời
ngụ khẩu thu tâm tuyệt. Ðọc theo lối chiết tự, ngũ với khẩu là chữ ngô
là "ta", thu với tâm là chữ sầu. Bồ Ðề Ðạt Ma tiên đoán cho Thái thú
Dương Huyền về sự mình bị đầu độc sau này với những câu:
Giang tra phần ngọc lãng
Quản cự khai kim toả
Ngũ khẩu tương cọng thành
Cửu thập vô bỉ ngã.
Xem Truyền đăng lục 6 tờ 220a.
(7) Ðại Việt sử lược
2 tờ 2b5-7: "Nguyên trước đó chùa Ứng thiên làng Cổ pháp sinh một con
chó trắng, trên lưng mọc lông đen thành chữ "Thiên tử", đến lúc ấy vua
sinh nhằm năm Giáp tuất". Toàn thư B2 tờ 1b 6-2a1: "Nguyên trước
đó viện Cảm tuyển chùa Ứng thiên tâm, châu Cổ pháp sinh một con chó
trắng có lông đen viền thành hai chữ "Thiên tử". Người biết việc nói
rằng bởi đó là cái điềm của người sinh nhằm năm Tuất. Ðến lúc ấy Vua
sinh nhằm năm Giáp tuất mà làm Thiên tử, nên điều ấy quả đúng". Việt sử tiêu án 1 tờ 77a9-b1 nói chuyện này xảy ra tại chùa Thiên tâm.
(8) Ðại Việt sử lược 2 tờ 1a9-b3: "Trong làng vua ở có một cây bông gạo bị sét đánh, dấu để lại thành văn rằng:
Gốc cây nhiều công
Cơn lá xanh xanh
Hòa đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Trong sáu bảy ngày
Thiên hạ thái bình
Vạn Hạnh bèn gọi vua bảo:
"Tôi gần đây thấy sự lạ của sấm, biết nhà Lê đương mất, nha �Nguyễn
đương lên. Họ Nguyễn không ai là có sự nhân từ, khoan thứ rất được lòng
người như ông. Tôi tuổi 70 hơn rồi, chỉ sợ không kịp thay sự thịnh trị
mà lấy làm hận".
Toàn thư , tờ 31a7-32a5: "Trước đó, cây bông gạo làng Diên uẩn, châu Cổ pháp bị sét đánh. Người trong làng thấy rõ dấu sét có văn rằng:
Gốc cây thăm thẳm
Cơn lá xanh xanh
Hoà đao mộc rụng
Thập bát tử thành
Ðông a vào đất
Cây khác tái sanh
Cung chấn trời hiện
Cung đoài sao chênh
Khoảng sáu bảy năm
Thiên hạ thái bình.
Thầy Vạn Hạnh riêng tự
mình bình rằng: "Gốc cây thăm thẳm, gốc là cái cội thì giống như vua
vậy. Diểu là âm đồng với chữ yểu, nên viết chữ yểu. Một biểu thanh
thanh, biểu là ngọn mà ngọn thì giống như bề tôi, còn thanh và thiên, âm
chúng gần nhau, nên viết chữ thiên có nghĩa là thịnh vượng. Hòa đao mộc
là chữ Lê, Thập bát tử là chữ Lý. Ðông a là họ Trần. Vào đất là người
phương bắc vào ăn cướp. Cây khác tái sinh là họ Lê lại sinh ra. Cung
chấn trời hiện, chấn chỉ phương đông, hiện là ra, trời tức là thiên tử
vậy. Cung đoài sao chênh, đoài chỉ phương tây, chênh cũng như mất đi,
sao thì giống như dân thường. Cả bài trên muốn nói vua yểu, tôi thịnh,
Lê rụng, Lý thành, phương đông Thiên tử ra đời, phương tây thứ dân chìm
mất đi, trải khoảng sáu bảy năm thiên hạ thái bình vậy". Bèn gọi Lý Công
Uẩn nói rằng: "Gần đây, tôi thấy sự lạ của phù sấm, biết họ Lý tráng
thịnh thì việc dấy nghiệp là một chắc chắn vậy. Nay xem thiên hạ họ Lý
rất nhiều nhưng không có ai khoan từ nhân thứ, rất được lòng người mà
tay nắm binh quyền như Thân vệ. Làm tôn chủ muôn dân, mà bỏ Thân vệ thì
ai sẽ cáng đáng cho. Tôi nay tuổi hơn 70, mong sao cho đừng mau chết, để
thấy được sự đức hóa ra sao thì thật là sự may ngàn năm một lần vậy".
Việt sử tiêu án 1 tờ 75a-76b cũng chép sự việc và bài thơ như Toàn thư nhưng
rút ngắn lời bàn của Vạn Hạnh lại thành: "Gần đây, tôi xét phù sấm, thì
họ Lý đang lên, mà không có ai như Thân vệ cả". Song lại thêm một lời
bàn khá dài nói: "Xét một cơn sét đánh thành văn chỉ bốn chục chữ, mà
trong khoảng 1100 năm, sự phế hưng của các đời, tên họ đều bao gồm gần
hết. Trời có nói gì đâu. Ðó là bởi Vạn Hạnh giỏi việc xét bói, nhân sét
đánh cây bông gạo, thác văn vào đó để tỏ ra thần dị, Lý Nhân Tôn tặng
thơ nói:
Thật hiệp sấm trời xưa
Quê hương tên Cổ pháp
Chống gậy trấn kinh vua
Xem mấy câu bình văn trên
cây ở trước, biện bạch rõ ràng không sai việc. Hạnh bình luận cả bài cho
tới câu"Dị mộc tái sinh" thì sự biện luận đó rõ ràng không sai. Từ câu
"Chấn cung…" trở xuống, lời văn hàm hồ, riêng có ý sâu huyền diệu, không
chịu tỏ hết. Gần đây, có kẻ hiếu sự, riêng đem ý mình suy diễn, mê hoặc
trí người, đến nỗi thứ gian phu dối toan làm việc phi phận, binh loạn
không thôi. Cái hại của sấm cũng thật mãnh liệt thay".
(9) Mộ Hiển Khánh đại vương tức mộ của cha Lý Công Uẩn. Khi lên ngôi, Uẩn truy phong cho cha mình là Hiển Khánh Vương. Xem Ðại Việt sử lược 2 tờ 2a1 và Toàn thư B1 tờ 34a6. Về những tiếng đọc tụng xung quanh mộ này, xem nguyên chú ở cuối truyện đây.
(10) Chùa Song lâm đây tức là chùa Song lâm, làng Phù ninh phủ Thiên đức, nơi ở chính thức của Thiền ông, thầy của Vạn Hạnh.
(11) Ðại Việt sử lược 2 tờ 2b3 nói: "Tháng 11 nguyên niên (1009) vua lên ngôi…lấy anh vua Mỗ làm Vũ Uy Vương, em vua là Dực Thánh Vương". Toàn thư B1
tờ 34b5-6 viết: "…lấy Hoàng huynh làm Vũ Uy Vương, Hoàng thúc làm Vũ
Ðạo Vương, con của Vũ Uy Vương là Trưng Hiển làm Thái úy, con của Dực
Thánh Vương là Phó làm Tổng quản". Cương mục chính biên 2 tờ 8a4-7 chép lại Toàn thư thấy
rõ Dực Thánh Vương không biết là ai, mà con cũng được phong làm Tổng
quản, nên đã chua thêm là: "Thiên nam trung nghĩa lục của Phạm Phi Hiển
nói Dực Thánh Vương là con thứ của Thái Tổ". Nhưng rõ ràng theo Ðại Việt sử lược thì Dực Thánh Vương là em của Lý Công Uẩn.
Cứ vào truyện Vạn Hạnh đây thì Lý Công Uẩn còn có chú và bác, và đều được phong vương. Bằng vào những dẫn chứng trên, thì chỉ Toàn thư và
những sử chép theo nó mới ghi phong hiệu của người chú của Uẩn, đây là
Vũ Ðạo Vương, còn trong đây thì không thấy nói. Ðoạn sử khoảng này của
nhà Lý có nhiều ám muội chưa rõ.
(12) Tật Lê và hạt Lý là ý muốn chỉ họ Lê và họ Lý.
(13) Cả hai bản đời Lê lẫn
bản đời Nguyễn đều ghi Vạn Hạnh mất vào ngày 15 tháng 5 năm Thiên Ứng
thứ 9, tức năm 1002. Nhưng đây dĩ nhiên là một khắc sai, bởi vì với một
cuộc đời như vừa đọc, Vạn Hạnh tất không thể chết, trước khi Lý Công Uẩn
lên ngôi vào năm 1010 được. Do thế, một số tác giả như Trần Văn Giáp
(Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII (1932) 239 và Lược truyện các tác
giả Việt Nam, nhà xuất bản Sử học, Hà nội, 1962, tr. 183) đã sửa Ứng
Thiên thứ 9 thành năm Thuận Thiên thứ 9 và nói Vạn Hạnh mất vào năm
1018. Song sửa như thế là chưa chính xác cho lắm, bởi vì năm mất của Vạn
Hạnh các bộ sử khác ghi rất kỹ và nó nhất định không phải năm Thuận
Thiên thứ 9. Trái lại, cứ Ðại Việt sử lược 2 tờ 4a7 và Toàn thư B2
tờ 10a3-4 thì "năm Thuận Thiên thứ 16 thầy Vạn Hạnh hóa thân". Như vậy,
Vạn Hạnh mất năm 1025, chứ không phải năm 1018, như từ trước tới nay
thường chép. Từ đó, Ứng Thiên cửu niên là một chép sai của Thuận Thiên
thập lục niên. Chữ thuận bị đoán lộn thành chữ ứng, còn chữ thập lục bị
đọc rút thành cửu.
(14) Việt sử tiêu án
1 tờ 83a7-b1, nhân ghi "thầy Vạn Hạnh chết", viết: "Vạn Hạnh không bệnh
mà chết. Người bây giờ gọi đó là hóa thân. Vạn Hạnh thường có thơ.
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Tùy vận thạnh suy hưu bố ủy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Vua thân hành đến điếu viếng, lập đàn siêu độ". (Những chữ in đậm là khác với bản ở đây).
(15) Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13a4-5 và Việt sử tiêu án 1 tờ 76b2-3 chép nguyên bài thơ. Tam tế, mà đây dịch là "ba cõi", tức chỉ cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Xem Kiến văn tiểu lục
9 tờ 12a6-7 về chữ Tam tế. Vạn Hạnh dung tam tế, có nghĩa Vạn Hạnh thấu
suốt tất cả sự việc của quá khứ, thời hiện tại và thời vị lai.
(16) Nguyên văn:
"Khánh vạn tường nham dự Quế Phong
Dương trường long thế dực tương tùng
Ðông liệt triều tôn thế tam bách
Lục tuất (thiếu hai chữ) đối thiên bồng".
Khánh vạn, Tường nham và Quế phong, chúng tôi nghi là ba tên đất. Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục
2 có ghi một làng tên Khánh duệ thuộc huyện Tiên du, quê hương của
Nguyễn Ðán, tiến sĩ khoa 1580. Khánh vạn từ đó rất có thể là Khánh duệ
đấy, nhưng chúng tôi chưa có bằng chứng gì đích xác. Còn Tường nham và
Quế phong thì chưa thể khảo được. Ðông liệt và Triều tôn, chúng tôi cũng
nghĩ là những tên đất, song chưa tìm thấy tài liệu chứng thực. Trong
một cuộc nói chuyện riêng, cụ Nguyễn Ðăng Thục, quê Bắc ninh, bảo tỉnh
Bắc ninh hiện có làng tên Ðông liệt. Với những tên đất như thế, thì rõ
ràng đây là một bài thơ nói về mạch đất của các nhà địa lý thời xưa với
những từ địa lý rõ rệt như dương trường (chúng tôi nghi chữ dương, đúng
ra phải đọc là ngưu) long thể. Thực thể, nếu câu thứ hai đọc "Ngưu
trường long thể dực tương tùng", thì ý nghĩa địa lý của bài thơ trên khá
phù hợp với quẻ tả huyệt thứ 6 trong Tả Ao chân truyền địa lý tờ 7b:
Ðiều điều phát tổ khỉ căn nguyên
Uyển chuyển hồi hoàn mạch khúc huyền.
Hữu kiên đáo tả nhi chuyển hữu
Bàn vu cục thế tợ ngưu niên
Ðương khai nội ngoại giai kỳ huyệt
Sơn chiếu quần tinh phúc vĩnh miên
Xa xa phát tổ nỗi căn nguyên
Uyển chuyển quanh co mạch khúc huyền
Hữu kiên đến trái mà rẽ phải
Nằm vào thế cục trâu lim dim
Trong ngoài nên mở đều huyệt thiệt
Núi soi sao lắm phước liên miên.
Qua bài thơ này, ta có thể thấy bài thơ trên là một thứ bói quẻ đất. Việt sử tiêu án
1 tờ 128b1, trong khi bình luận về việc nhà Lý mất ngôi,có dẫn viết:
"Lại Cổ pháp địa quyết chép: Ngôi truyền tám lá, lá rụng âm sinh. Thì sự
hưng vong cũng có do đất". Như thế, cái gọi là Cổ pháp địa quyết đấy
phải chăng gồm những bài thơ loại thơ mộ Hiển Khánh đại vương ở truyện
Vạn Hạnh đây? Phải chăng Cổ pháp địa quyết là một tác phẩm của Vạn Hạnh?
Và bốn bài thơ ở mộ Hiển Khánh đại vương đây là rút ra từ nó? Chúng tôi
nghĩ đấy là những có thể. Ðiều chắc chắn là bài thơ trên cùng với ba
bài thơ tiếp theo là những bài địa quyết do Vạn Hạnh sáng tác.
(17) Nguyên văn:
Chính nam phù ninh hộ trạch thần
Vinh thế nam nữ đa xuất nhân
Thiên đức phú quý mãn ốc thành
Bát vạn hội nữ thường xuất quân.
Phù ninh như đã thấy là
một tên làng. Truyện Thường Chiếu tờ 37b7 nói Chiếu "người làng Phù
ninh". Rồi đến truyện của La Quý tờ 48a7 và truyện Thiền Ông tờ 51a8 thì
chúng xác định rõ ràng là làng Phù ninh đấy là "làng Phù ninh, phủ
Thiên đức". Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục cũng ghi một làng
tên Phù ninh thuộc hạt Ðông ngạn là quê hương hay trú quán của một số
người đậu trạng tiến sĩ dưới thời Lê như Phạm Ngữ khoa 1463, Nguyễn Khắc
Trung khoa 1523, Lê Diêu khoa 1557, Ðào Quốc Hiển khoa 1691 v.v…Ngày
nay, tỉnh Bắc ninh hiện đang có một làng mang tên Phù ninh và ở đúng
chính phía nam của làng Ðình bảng, tức đất Cổ pháp xưa. Vĩnh thế, chúng
tôi nghi cũng là một tên làng. Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục
có ghi một làng tên Vĩnh thế thuộc hạt Siêu loại, quê hương của Nguyễn
văn Hiển tiến sĩ khoa 1502, Nguyễn Bỉnh Khuê tiến sĩ khoa 1526, Nguyễn
Ðịch Khanh khoa 1532, Nguyễn Thừa Hựu khoa 1535, Nguyễn Ðình khoa1580
v.v…Vĩnh thế, nghi là Vinh thế đổi ra, nhưng chúng tôi hiện chưa có bằng
chứng gì rõ rệt. Làng này rất có thể là quê hương của Ðào Cam Mộc hay
một trong những khai quốc công thần của triều Lý Thế Tổ.
Thiên
đức trong câu thứ ba và Bát vạn trong câu thứ 4 thì cả bản in đời Lê lẫn
bản đời Nguyễn đều viết là Ðại đức và Bát phương. Chúng tôi sửa Ðại đức
thành Thiên đức, không những bởi vì hai bài thơ tiếp theo đến câu thứ 3
thì bắt đầu bằng chữ Thiên đức, mà còn vì sau đó vài dòng thì có câu
"đổi Cổ pháp là Ðại đức", nhưng ai cũng biết rằng Lý Công Uẩn đổi Cổ
pháp làm Thiên đức, chứ không phải Ðại đức. Ðại đức trong câu ấy và Ðại
đức trong bài thơ trên do thế là những chép sai của Thiên đức như vậy rõ
ràng là một tên đất, và nó cũng rõ ràng "phú quý mãn ốc thành", như bài
thơ nói, với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.
Và chữ bát vạn, mà
những bản in đời Lê và đời Nguyễn đều viết là Bát phương, chúng tôi sửa
chữ phương thành chữ vạn, không những vì chữ vạn viết tắt rất dễ biến
thành chữ phương, nếu người ta bất cẩn thêm trên đầu nó một chấm, mà còn
vì tại huyện Siêu loại trước đây, tức huyện Thuận thành ngày nay, có
núi tên Bát vạn. Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, mục Sơn
xuyên nói: "Núi Bát vạn ở phía Ðông nam huyện Tiên du hai dặm, tương
truyền Cao Biền đời Ðường dựng tháp Bát vạn, để yểm nó nên có tên đó".
Chúng tôi hiện chưa biết có phải Lê Thánh Tôn đi cầu tự tại núi Bát vạn
này, mà gặp Ỷ Lan trên đường đi không" Nhưng với văn ý của câu thứ 4 thì
đó là một có thể. Dẫ�u sao chăng nữa, chúng tôi nghĩ chữ bát vạn hợp
nghĩa hơn chữ bát phương.
(18) Nguyên văn:
Tây vọng viễn vọng khán Thiên Trụ
Dao thế nam nữ thượng tướng thủ
Thiên đức phú quý dự viễn thế
Quân vương thọ mạng cửu thập cửu.
Thiên trụ là một từ của
khoa địa lý bói huyệt đất. Sự liên hệ của Thiên trụ với việc sống lâu,
mà bài thơ đây nói đến, Thiên địa tạo sơn thủy phú trong Tả Ao chân
truyện địa lý tờ 27a10-b1 nói:
"Càn sơn cao như Thiên trụ, thọ tỷ Thương nham
Tốn thủy tụ tợ uyên minh, lộc hữu đỉnh nãi.
(Núi càn cao như Thiên Trụ, sống lâu như núi Thương
Sông Tốn họp tợ uyên minh, lộc vua có đỉnh chung)
Trong một cuộc nói chuyện
riêng, cụ Nguyễn Ðăng Thục nói núi Tiên du có một tên Thiên trụ. Như
thế, một mặt Thiên trụ chỉ cho sự sống lâu, và mặt khác nó lại chỉ một
ngọn núi của Tiên du. Chỉ có vấn đề là, nếu Thiên trụ quả ở núi Tiên du,
mà trên thực tế núi Tiên du ở về phía đông của làng Ðình bảng hiện nay,
thì làm sao đứng ở Ðình bảng ngó về phía tây, ta lại thấy được núi Tiên
du? Phải chăng Thiên trụ muốn chỉ một ngọn khác ở phía tây làng Ðình
bảng, nơi chúng tôi giả thiết có mộ của Hiển Khánh đại vương? Chúng tôi
nghĩ, Thiên trụ có thể chỉ là một gò đất hay ngọn núi ở phía tây, nhưng
hiện chưa có những bằng chứng rõ rệt. Cao thế và Viễn thế trong hai câu 2
và 3 chắc chỉ những tên đất, những làng xóm, song chúng tôi chưa truy
cứu được. Thượng tướng là tên ngôi sao thứ nhất trong cung Văn xương
thuộc Trung cung thiên văn học cổ đại Trung Quốc. Xem chẳng hạn Sử ky� 27 tờ 3a13. Nó nhằm chỉ uy vũ.
(19) Nguyên văn:
Chính bắc Phù cầm đương bạch hổ
An lạc nam nữ thường vô khổ
Ðại đại Thiên đức trường thọ lạc
Thế thế quân vương kỳ Lục tổ.
Phù cầm là một tên làng, mà chính Thiền uyển tập anh xác nhận trong truyện Minh Trí và truyện Nguyện Học, khi nó bảo cả hai người này đều quê quán làng Phù cầm. Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Bắc ninh, mục Tân lương, cũng có ghi một bến đò tên Phù cầm trong
17 bến đò của sông Nguyệt Ðức, nằm giữa hai bến đò Phù yên và Ðấu hàn.
Ðấu hàn là quê quán của Ðỗ An Vĩnh tiến sĩ 1499 và Phù yên là quê quán
của Lê Doãn Chấp tiến sĩ 1505, như Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục
đã ghi lại. Và cả hai làng đó đều thuộc hạt Yên phong" nghĩa là thuộc
huyện Yên phong, tỉnh Bắc ninh ngày nay. Làng Phù cầm do thế cũng phải
thuộc huyện đấy.
Còn chữ Bạch hổ nó có thể
là tên riêng chỉ một cây cầu hay bến đò hay ngọn núi nào đấy. Nhưng nó
cũng có thể là một từ thuần túy địa lý bói huyệt. Về trường hợp trước,
chúng tôi hiện chưa tìm thấy một địa danh Bạch hổ nào xung quanh Phù
cầm, nên không thể trả lời được. Về trường hợp sau, thì trong cách bói
huyệt thứ 13, Tả Ao chân truyền địa lý tờ 14b2-4 có viết:
Tổ phát tả kiên nhập hữu kiên
Sơn cao huyền vũ thủy chi huyền
Nhật minh nguyệt chiếu đường triều nội
Thử địa vinh hoa phú quý tuyền.
Rồi nó chú tiếp thế này
"Mạch bắt đầu từ cung Rồng, rồi chuyển đến cung phải lại đến cung trái
mới vào huyệt. Cung rồng là án chầu phía trước. Cát bạch hổ trùng điệp,
núi Huyền Vũ dốc cao, sông Minh đường nước đọng, nếu soi sáng vào trong
huyệt thì con gái sinh nhiều phú quý. Ðây là một quý cách". Nếu hiểu từ
"bạch hổ" theo lối đây, thì dĩ nhiên mặt đất của Phù cầm có những ngôi
mộ làm sinh ra những người con gái có nhiều phú quí. Nếu vậy, phải chăng
mẹ của Lý Công Uẩn là người Phù cầm? Sử không ghi rõ nên ta không biết
được.
Cuối cùng, về chữ Lục tổ,
đấy là đọc theo bản đời Lê, còn bản đời Nguyễn viết thành Ðại tổ. Nó
hiển nhiên nhằm chỉ chùa Lục tổ, nơi Vạn Hạnh sống và dạy dỗ Lý Công
Uẩn, và là nơi Uẩn trưởng thành.
(20) Bốn câu thơ này để
xác định ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương. Nhưng vị trí nó ngày nay ta
chưa thể khảo được, bởi vì những tên đất đến tên ao như: Vũ long, Hạc
lâm, và Trấ�n hải, ta hiện chưa phát ra vị trí của chúng. Riêng về Hạc
lâm, nó có thể là chùa Hạc lâm của Pháp Thông, người đã cùng Huệ Sinh
thờ Ðịnh Huệ làm thầy, như truyện Huệ Sinh tờ 57b11 đã ghi.
(21) Nguyên văn: Thập khẩu
thủy thổ khứ. Ðây là nhắc lại việc Ðịnh Không làm chùa Quỳnh lâm tại
làng Ðình bảng, đào gặp 10 cái khánh, mà khi đem đi rửa chìm mất một cái
xuống sông. Từ đó Không đề nghị đổi làng mình thành làng Cổ pháp. Chữ
cổ là do chữ thập và khẩu ghép lại, mà hai chữ đó có nghĩa "mười cái".
Chữ Pháp là do chữ thủy và chữ khứ ghép lại, và chúng có nghĩa "chìm
xuống nước". Xem truyện Ðịnh Không ở trên.
(22) Ðại Việt sử lược 2 tờ 2b10 và Toàn thư B3 tờ 3a3 viết: "Năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) cải Cổ pháp làm phủ Thiên đức". Việt sử tiêu án 1 tờ 79b8 và Cương mục chính biên 2 tờ 11a1 cũng chép vậy.
(23) Quốc sử chắc chỉ Ðại Việt sử ký của Trần Chu Phổ và Lê Văn Hưu. Ðại Việt sử lược và Toàn thư hiện tại chỉ ghi lại trong hai ba việc, mà tác giả Thiền uyển tập anh giả thuyết Quốc sử
phải ghi đủ, đấy là chuyện chó chùa Thiên ứng tâm có lông thành chữ
"Thiên tử" và chuyện sét đánh thành văn thôi. Còn chuyện sâu ăn cây đa
chùa Song lâm thì bây giờ không thấy cuốn sử nào ghi tới. Nó chắc đã bị
các tác giả sau Lê Văn Hưu tước bỏ.
50. Thiền sư ÐỊNH HUỆ
(1) Làng An trinh, phủ
Thiên đức này chúng tôi hiện chưa khảo được đích xác là làng nào thuộc
huyện nào của tỉnh Bắc ninh ngày nay. Bắc thành địa dư chí lục 2
có ghi một làng tên An trinh thuộc tổng Văn thai, huyện Cẩm giàng, trấn
Hải dương. Chúng tôi chắc làng An trinh này không phải là làng An trinh
của Ðịnh Huệ ở đây, nhưng cứ ghi ra, bởi vì huyện Cẩm giàng theo Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hải dương, mục Kiến trí diên cách thì huyện Cẩm giàng "đời thuộc Minh thuộc vào châu Thượng hồng, phủ Lạng giang".
(2) Tức thuộc phần đất
tỉnh Vĩnh phú ngày nay. Xem chú thích (6) truyện Pháp Hiền. Về Cẩm điền,
bảng danh sách các tổng xã của hai tỉnh Sơn tây và Vĩnh yên trong Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Tục khảo, không có tổng xã nào tên Cẩm điền cả. Nhưng
một số làng hai huyện Tam dương và Yên lạc có những tên bắt đầu bằng
chữ "cẩm" hay chữ "điền", hay kết thúc bằng chữ "điền". Ðấy là xã Ðiền
trù của tổng Bình hòa, xã Cẩm trạch của tổng Ðạo tú và xã Ðại điền của
tổng Quan ngoại thuộc huyện Tam dương, và những xã Cẩm la, Cẩm trạch và
Cẩm viên của tổng Nhật chiếu thuộc huyện Yên lạc. Chúng tôi nghĩ Cẩm
điền có lẽ gồm phần đất của hai tổng Ðạo tú và Quan ngoại vừa thấy.
51.Thiền sư ÐẠO HẠNH
(1)Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Tự quan, viết: "Chùa Thiên phúc tại xã Sài tây, huyện
Yên sơn, xưa gọi là am Hương giang (nên đọc hải, Lê Mạnh Thát chú) lại
gọi là viện Phổ đà. Chùa bên trái thờ Từ thiền sư bên phải thờ tượng Lý
Thần Tôn, ở giữa thờ tượng Phật. Thiền sư họ Từ tên Lộ, tự Ðạo Hạnh,
người An lãng huyện Vĩnh thuận, tỉnh Hà nội, là bậc cao tăng của thời đó
đến trác tích ở đây. Lý Nhân Tôn tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Em
vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con, cùng với Ðạo Hạnh nói việc cầu
tự. Ðạo Hạnh hẹn ngày kia khi phu nhân sắp sanh thì nên báo trước cho
biết. Sau đó, khi phu nhân sắp sinh, bèn đi báo. Ðạo Hạnh tức khắc thay
quần áo tắm rửa, vào trong động mà thi giải. Phu nhân liền sinh một
người con trai ấy là Thần Tôn.
Người làng cho đó là điều lạ, đem
thây bỏ vào trong khám mà thờ. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3, tục truyền
đó là ngày kỵ của Sư, sĩ nữ tụ họp đông đảo, làm thành một chỗ du ngoạn
đẹp đẽ của địa phương. Văn nhân danh sĩ phần nhiều có làm thơ vịnh.
Thâycủa Sư đến khoảng Minh Vĩnh Lạc thì bị người Minh đốt cháy. Người
làng lại đúc tượng Sư mà thờ. Trong khoảng Lê Quang Thuận, cha của Hoàng
hậu Trường Lạc là Nguyễn Ðức Trung đi cầu tự cho hậu ở trong động chùa
đó thì có một mảnh đá bay tới. Bèn cầm về tạc thành một tượng Phật mà
thờ. Khi đã làm vậy, thì sau đó hậu mộng thấy rồng vàng vào sườn bên
trái, bèn sinh ra Hiến Tôn. Trong khoảng Cảnh Thống, bàn lập bia am Hiển
thụy khắc vào đá nay còn. Triều ta phong thần Từ Ðạo Hạnh đại thiền sư
".
(2) Lịch triều hiến chương loại chí
3 tờ 8a6b1 viết: "Núi (Nguyên văn viết chùa, Lê Mạnh Thát sửa) Phật
tích ở xã Thủy khê, huyện Yên sơn, một tên là Sài sơn, lại gọi là Cổ
sài. Cảnh núi đẹp đẽ trông ngang xuống mặt hồ trên núi có hang sâu là
chỗ Từ Ðạo Hạnh thi giải. Vách hang đang còn có dấu đầu và dấu chân.
Trên đó có am Hương hải và viện Phổ đà đều do Từ Công dựng nên, nay là
chùa Thiên phúc".
Kiến văn tiểu lục 6
tờ 2a7-3a1 viết: "Sài sơn của huyện Yên sơn, đời Lý gọi là núi Phổ đà
lạc, đời Trần gọi là núi Phật tích. Trên núi có chùa và tiên động các
nơi. Trong động có tám chỗ lõm, như dấu đầu người va vào, lại có dấu
chân như của người khổng lồ. Dưới núi có chùa Thiên phúc, trước có hồ
lớn, sau có lầu chuông, có chuông do Thiền sư Vạn Hạnh đúc thành, vào
năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 9 (1109) triều Lý, đệ tử Huệ Hưng soạn ký,
trước tác lang Nghiêm Thường khắc chữ. Trên chuông có khắc hình cây bồ
lao, dùng dây sắt mà treo. Ðấy là vật xưa 700 năm đến nay. Dưới lời ký
có khắc sắc chỉ của Vua Trần Anh Tôn cấp ruộng thờ cúngvào năm Hưng Long
thứ 12 (1304).
Bên cạnh có Hiển thụy dựng trong khoảng Cảnh Thống, có bia ký do Thượng thư Nguyễn Bảo soạn. Xét An nam chí có
nói rằng: Núi Phật tích có một tảng đá, trên có dấu chân người khổng
lồ. Dưới chân núi có hồ, chu vi hơn ba dặm. Hai bên hồ và núi có dựng
nhà thủy tạ. Tháng 5 tháng 6 hoa sen nở đầy hồ, mùi thơm sặc cả người.
Trên núi có chùa Thiên phúc, sơn phết rực rỡ, thực là danh thắng một
phương, chỉ nói trên núi Phật tích có chùa Tư phúc, có am Biện tài và am
Cực lạc. Người của châu và những con em của phường du lịch thường mỗi
năm vào tháng 3 đến dạo chơi xem lễ, đèn nhang chất đống, xe ngựa dập
dìu, văn nhân danh sĩ phần nhiều đều có đề thơ vịnh cảnh. Tức là núi
đó".
Xem thêm Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Sơn xuyên và mục phụ khảo về núi.
(3) Làng Yên lãng đây tức là làng Yên lãng thuộc huyện Vĩnh thuận của Bắc thành địa dư chí lục 1 và Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Từ miếu và Tự quán, tức làng Láng ở gần phía tây Thủ
đô Hà nội ngày nay. Làng này hiện có chùa thờ Ðạo Hạnh, tục gọi là chùa
Láng. Bắc thành địa dư chí lục 1 chép chuyện đấy vào thế kỷ 19
như sau: "Chùa Yên lãng tại trại Yên lãng, huyện Vĩnh thuận, thế truyền
là chỗ tu hành của Thiền sư Từ Ðạo Hạnh triều Lý. Thiền sư là kẻ có thù
với Thiền sư Ðại Ðiên xã Dịch vọng. Ðạo Hạnh sau đó đi Tây vức học đạo,
trở về giết Ðại Ðiên, nên lệ chùa Yên lãng mỗi năm vào tháng 3 phải rước
thần qua chùa hai xã Yên quyết và Dịch vọng, đốt pháo múa gậy, giống
như có việc đánh nhau, để diễn lại chuyện đó. Nay chùa Yên lãng có một
hòm gỗ trong đựng một miếng đồng có chữ phạn viết bằng son. Ðó là di
tích của Sư. Sau Ðạo Hạnh đến tu đạo tại Sài sơn, tỉnh Sơn tây, rồi đầu
thai làm Lý Thần Tôn".
Ðây như vậy chỉ nói tên cha và trú quán, nhưng không nói tên mẹ và nguyên quán của Từ Ðạo Hạnh. Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục từ miếu, nhân viết về đến Từ Ðạo Hạnh Thiền sư ở chân
núi Sài sơn huyện Yên sơn, nói: Xét trong đền thì bên trái thờ tượng Từ
Ðạo Hạnh, bên phải thờ tượng Lý Thần Tôn, ở giữa thờ tượng Phật. Một
thuyết nói rằng Ðạo Hạnh là người thôn Ðồng bụt, huyện Yên sơn, cha là
Từ Vinh mẹ là Tăng thị Loan. Nay tương truyền ở Ðồng bụt có nền cũ nhà
họ Từ, trước chùa có 70 mẫu ruộng là ruộng họ Từ, nay đem làm tự điền
cho thôn ấy".
Cứ đây thì nguyên quán của
Ðạo Hạnh là thôn Ðồng bụt, huyện Yên sơn tỉnh Sơn tây. Truyện Ðạo Hạnh ở
đây nói rõ Yên lãng là trú quán của Hạnh, nên ta khỏi phải đặt nghi vấn
về chuyện đâu là quê quán của Hạnh, như Ðại nam nhất thống chí đã làm.
(5) Ðại Việt sử lược 2 tờ 16a10 viết: "Năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) kiến quan Lê Toàn Nghĩa dâng rùa năm sắc". Toàn thư B3 tờ 12a9 cũng ghi chuyện này, nhưng không ghi chức quan của Nghĩa.
(6) Truyện Từ Ðạo Hạnh trong Lĩnh nam trích quái
truyện tờ 28-31 chép hoàn toàn giống truyện Từ Ðạo Hạnh ở đây, nhưng
sau câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng", nó lại thêm 7 chữ "Bạch liên
khoa, vị cơ phụ Vinh", trước khi viết tiếp "dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành
Hầu". Truyện Ðạo Hạnh ở đây, sau câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng",
lại bỏ trống một đoạn đúng chỗ cho 7 chữ, rồi viết tiếp "dĩ tà thuật ngỗ
Diên Thành Hầu". Chúng tôi nghĩ rằng khoảng trống 7 chữ đây đúng là chỗ
của 7 chữ hiện còn chép trong Lĩnh nam trích quái mà để bản của bản in Thiền uyển tập anh
năm 1715 đã bị rách hay mọt ăn mất, nên người hiệu đính cho bản in đây
đã để trống đúng 7 chỗ cho những chữ mất đó. Ðây là một ưu điểm lớn của
bản in năm 1715 giữa những ưu điểm khác của nó.
Bản in đời Nguyễn không để một khoảng trống nào cả, nên dù có bản của Lĩnh nam trích quái
chăng nữa, ta cũng không thể nào nhận ra khoảng đấy thiếu mấy chữ.
Chúng tôi do thế đề nghị thêm 7 chữ trên vào chỗ trống ở tờ 53b10 của Thiền uyển tập anh,
để cho ý nghĩa của câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng…" và câu "dĩ tà
thuật ngỗ Diên Thành Hầu" ở trước và sau khoảng trống đấy được rõ hơn.
Nếu chấp nhận, hai câu ấy bây giờ đọc: "Hậu ứng tăng quan thí trúng Bạch
liên khoa. Vị cơ phụ Vinh dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành Hầu", mà ta có thể
dịch thành: "Sau đó Sư ứng thi điện thí tăng quan, trúng khoa Bạch
liên. Chẳng bao lâu, cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mích lòng Diên
Thành Hầu…"
Khoa Bạch liên là khoa gì vào thời Lý, chúng tôi hiện chưa thể khảo được.
(7) Diên thành hầu (? – 1117) là con của Lý Thánh Tôn và em của Nhân Tôn. Tính tình của vị hầu này chắc nóng nảy lắm. Ðại Việt sử lược
2 tờ 20a3 ghi lại một chứng sau: "Năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 4 (1104),
mùa thu tháng 9 ngày mồng một. Diên Thành Hầu lấy hốt đánh Trung Nghĩa
Hầu ở điện Thiên an". Trung Nghĩa Hầu (? – 1117) cũng là con của Thánh
Tôn và chắc là em của Diên Thành, và điện Thiên an là nơi thị triều của
vua. Thế mà, giữa mặt bá quan văn võ, Diên Thành đã lấy hốt đánh Trung
Nghĩa.
(8) Tức Nguyễn Ðại Ðiên,
mà truyện Thần Nghi tờ 40a11 nói tới như đại biểu cho một Thiền phái thứ
4 của thời Lý. Cứ vào truyện Ðạo Hạnh ở đây, ta có thể đoán Ðại Ðiên bị
Ðạo Hạnh đánh chết vào khoảng năm 1110 bởi vì cuối truyện có chua câu:
"Giác Hoàng, hoặc có người nói là Ðại Ðiên ấy vậy". Mà Giác Hoàng theo Ðại Việt sử lược
2 tờ 21a4, thì vào năm Hội Tường Ðại Khánh thứ 3 (1112) là đã 3 tuổi
rồi. Vậy Hoàng phải sinh năm 1110. Bấy giờ, nếu bảo Giác Hoàng là Ðại
Ðiên thì đương nhiên Ðiên phải chết vào năm Hoàng sinh, tức năm 1110 ấy,
mới đầu thai thành Hoàng được, tối thiểu là bằng vào sự tin tưởng huyền
thuật đương thời. Cho nên, việc liên hệ Ðại Ðiên với sự sinh của Giác
Hoàng phải giả thiết rằng Ðiên chết vào năm Hoàng sinh.
Về nguyên quán của Ðiên, Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Tăng thích, có ghi một vị sư tên Nguyễn Ðạo Hạnh và
nói: "Sư người huyện Tiên phong là miêu duệ của Thiền sư Thái Ðiên, bình
sanh cùng sư Nguyễn Minh Không và Từ Ðạo Hạnh làm bạn, học thuật tu
luyện, sau hóa thân ở xã Chiêu nhân thổ nhân bèn lập đền thờ". Thái Ðiên
đây, chúng tôi nghi cũng là Ðại Ðiên, bởi vì Việt sử tiêu án 1
tờ 108b9 dẫn Ngoại truyện nói: "Cha Ðạo Hạnh là Từ Vinh vì pháp thuật bị
sư Thái Ðiên đánh giết". Như vậy quê hương của Ðại Ðiên là vùng đất
huyện Tiên phong, tức huyện Quảng oai, tỉnh Sơn tây bây giờ. Kiến văn tiểu lục
9 tờ 16a1 17a2 viết rất là dài về cuộc đời nhà sư Nguyễn Ðạo Hạnh đây
và nói: "Ông người xã Vịnh phệ, huyện Tiên phong". Nếu vậy Ðiên là người
xã Vịnh phệ.
Cuối cùng, về ngôi chùa trú trì của Ðiên, Bắc thành địa dư chí lục
1 nhân viết về chùa Yên lãng dẫn trước nói "Ðạo Hạnh có thù với Thiền
sư Ðại Ðiên xã Dịch vọng". Như thế, vào thế kỷ thứ 19 người ta coi Ðiên
sống ở xã Dịch vọng. Làng Dịch vọng này, Toàn thư B3 tờ 3a3-8 nói
là nơi có chùa Thánh chúa. Ở đây đã có vị sư dạy Nguyễn Bông cái thuật
đầu thai thành Lý Nhân Tôn. Dã sử về thần tích của Ỷ Lan nói rõ ra vị sư
chùa Thánh chúa, đấy không ai khác hơn là Ðại Ðiên. Từ đó, ngôi chùa
Ðại Ðiên ở chắc không chùa nào khác hơn là Thánh chúa, làng Dịch vọng,
huyện Từ liêm ngày trước, tức huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông ngày nay. Sự
việc Nguyễn Bông xảy ra vào năm 1063. Thế thì, Ðiên sống tại chùa đấy
vào khoảng từ năm đó.
(9) Bắc thành địa dư chí lục
1 viết: "Sông Tô lịch ở phía đông của thành (Hà nội) phân lưu từ sông
Nhị, theo thành từ phía Bắc mà chảy qua phía tây gặp sông Hà liễu và
sông Nhuệ, hai sông cùng chảy đổ vào. Sông này, mùa đông và xuân thì khô
cạn, mùa thu và hạ thì thuyền đi được…Quốc sử của Ngô Sĩ Liên
nói: "Sông này hễ khi có mưa lớn thì nước đầy ứ mà chảy ngược. Họ Ngô
nói: "Sông Tô lịch chảy đi ra từ sông Nhị bắt đầu từ phường Hà khẩu chảy
qua Tây hồ, Thụy Chương, Yên hoa và Yên quyết thì cạn thuyền đi không
được, vì dân ở hai bên sông cứ để ngói đá lấp đầy, khi mưa to nước ứ lại
không chảy được, nên phải chảy ngược lại thì không có gì là lạ".
(10) An nam chí lược
1 tờ 24 viết: "Sông Tô lịch chảy quanh La thành. Sông có năm cầu đều
rất đẹp". Nhưng nó không cho biết năm cầu đó. Ta ngày nay có thể truy
nhận tối thiểu tên của ba cầu, đấy là cầu Tây dương, cầu Yên quyết và
cầu Nhân mục. Toàn thư B10 tờ 21b 2-5 trong khi mô tả diễn tiến
của chiến dịch Tốt động, Chúc động, đã viết về những hướng xuất quân của
Vương Thông từ thành Ðông quan như sau: "Ngày mồng 6, Vương Thông
v.v.…của nhà Minh đem lính cũ lính mới 10 vạn người phân làm ba đạo quân
đánh ta. Vương Thông do ngã Khâu ôn qua cầu tây dương đến đóng ở bến Cổ
sở, dựng cầu nổi cho quân đi. Phương Chính xuất quân từ cầu Yên Quyết,
đóng ở cầu Sa đôi. Sơn Thọ và Mã Kỳ đi ra từ cầu Nhân mục, đóng ở cầu
Thanh oai. Chúng dựng doanh trại vài chục dặm, cờ xí rợp đồng, giáp
trượng sáng trời, tự bảo rằng chúng chỉ một lần đánh là bắt hết nghĩa
quân".
Cầu Nhân mục, tên nôm gọi
là cống Mọc, ngày nay thuộc làng Nhân chính, huyện Hoài đức, tỉnh Hà
đông, và vết tích của nó hiện còn là chiếc cầu bắc ngang sông Tô lịch
tại làng đấy.
Còn cầu Yên Quyết, tên nôm
nó gọi là cống Cót, ngày nay là chiếc cầu bắc ngang sông Tô lịch tại
địa phận làng Yên quyết huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông. Vì cầu Yên quyết
có tên nôm là cống Cót, cho nên chữ Quyết kiều ở đây đúng ra phải dịch
là cống Cót, nhưng vì không chắc chữ Cót phát âm như thế nào vào thời
Lý, nên chúng tôi vẫn để nguyên và dịch là: "cầu Quyết". Hoàng Xuân Hãn
trong Lý Thường Kiệt tr.499 vì chấm câu lộn, nên đã đọc thành cầu Vu
quyết. Về cầu Tây dương thì cứ trên đường hành quân của Vương Thông, nó
phải là cầu Giấy, bởi vì để đi từ Ðông quan tới Cổ sở, người ta phải đi
qua cầu Giấy ở sông Tô lịch, rồi qua cầu Diễn hay Phù diễn ở sông Nhuệ
thì tới bến Cổ sở trên sông Ðáy thuộc làng Yên sở ngày nay. Như vậy, cầu
Tây dương không gì khác hơn là cầu Thượng yên quyết, mà Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hànội, mục Tân lương, nói là "tục gọi cầu Giấy, cầu dài ba trượng, có lợp ngói ở về huyện Từ liêm".
(11) Mọi răng vàng hay Kim
xỉ man là tên một dân tộc ít người, vào thời Ðường thì đang còn ở phần
đất thuộc Vương quốc Pyu, nhưng đến đời Nguyễn và cho tới nay thì phần
đất ấy thuộc tỉnh Vân nam của Trung Quốc. Xem Nguyên sử 16 tờ 8a4.
Gọi là mọi răng vàng dân
tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, "khi ăn thì lấy ra". Họ có
nhiều giống, mà Tân đường thư 222 hạ tờ 15b-16a liệt ra như giống Tú
cước, giống Tú diện, giống Ðiêu đề, giống Xuyên tỷ. An nam chí lược
1 tờ 19 nói: "Ðà Giang Lộ tiếp giáp với Kim xỉ". Kim xỉ đây đương nhiên
là Kim xỉ man. Và nếu như vậy, thì Ðạo Hạnh vừa mới vượt khỏi biên giới
nước ta thôi.
(12) Tức Tứ Thiên Vương,
đấy là Trì Quốc ở phía đông, Tăng Trưởng ở phía nam, Quảng mục ở phía
tây, và Tỳ Sa Môn ở phía bắc của tầng thứ tư núi Tu di, quản thủ bọn Dạ
xoa và La sát. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ thế giới, theo vũ trụ quan thần
thoại của một số trường phái Phật giáo. Xem chú thích (7) truyện Khuông
Việt, và Khỉ thế nhân bản kinh 6 tờ 394c.
(13) Chú thích (10) trên cứ vào đường hành quân của Vương Thông do Toàn thư ghi lại, đã đồng nhất cầu Tây dương với cầu Giấy. Mà cầu Giấy theo Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Hà nội, mục Tân lương là tên nôm của cầu Thượng yên quyết. Làng
Yên quyết thực ra có hai, đấy là làng Thượng yên quyết và Hạ yên quyết. Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục
có ghi một số tiến sĩ xuất thân từ hai làng đó như Ðặng Công Toản khoa
1520, Nguyễn Sằn khoa 1554, Nguyễn Dụng Ngãi khoa 1574, của làng Thượng
yên quyết, Hoàng Quản Chí khoa 1393, Nguyễn Như Uyên khoa 1409, Nguyễn
Khiêm Quang khoa 1523, Nguyễn Nhật Tráng khoa 1595, Nguyễn Dụng Triêm
khoa 1602 v.v… của làng Hạ yên quyết. Vậy thì, cầu Quyết hay cầu Yên
quyết của truyện đây là cầu Hạ yên quyết, còn cầu Tây dương hay cầu Giấy
là cầu Thượng yên quyết. Bến Quyết cũng ở làng Hạ yên quyết. Xác định
như thế, bây giờ nó trở thành rõ ràng là Ðại Ðiên trụ trì chùa Thánh
chúa làng Dịch vọng ở sát làng Thượng yên quyết, thì khi đánh chết Từ
Vinh, xác Vinh tất ném xuống sông Tô lịch từ khoảng cầu Tây dương, trôi
xuôi cho đến cống Cót, nơi có nhà Diên Thành Hầu rồi dừng lại. Tới khi
Ðạo Hạnh ném gậy mình từ bến Cót, nếu trôi ngược nó tất nhiên phải lên
đến cầu tây dương hay cầu Thượng yên quyết, chứ không thể cầu nào khác.
Cầu Tây dương gọi là cầu
Giấy tối thiểu bắt đầu từ thời Lý, bởi vì gần cầu đó có xóm chuyên chế
tạo giấy, tên là xóm Chỉ tác hay xóm làm Giấy. Xem Ðại Việt sử lược 3 tờ 29a11.
(14) Thái bình đây chắc là
phủ Thái bình, nơi có chùa Khai thiên do Nguyễn Quang Lỵ dựng, và Ma Ha
trụ trì. Xem chú thích (10) truyện Ma Ha. Tuy nhiên, trong vùng Hưng
yên, đất của phủ Thái Bình cũ, không thấy có làng nào thờ Ðạo Hạnh cả.
Trái lại, theo Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Nam định mới có một
số làng thờ Ðạo Hạnh thuộc huyện Nam chân như làng Chân nguyên, làng Vân
chàng, làng Kinh lủng…rồi nó viết tiếp: "Hạnh thuở nhỏ ưa đi chơi đến
xã Chân nguyên, dựng chùa Ðại bi, ở đấy trú trì, sau dân làng tôn làm Tổ
sư. Thế thì, vùng Thái bình do Kiều Trí Huyền giáo hóa phải chăng nằm
tại đất tỉnh Nam định? Ðây là một có thể. Về Kiều Trí Huyền, nay ta
không biết gì hết về tông tích tôn phái của ông.
(15) Cơ xan khát ẩm, cách
ngữ của Thiền gia chỉ đạo lý thiền không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính
những công tác thường nhật nhất. Sư Nguyên Tân đến hỏi Thiền sư Ðại
Châu Huệ Hải: "Hòa thượng tu đạo có dụng công không?". Hải đáp: "Dụng
công". Hỏi "Dụng công ra sao?". Ðáp: "đói đến thì ăn cơm mệt lại thì đi
ngủ". Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247c 1-3.
(16) An nam chí nguyên
tờ 209 dẫn ý chính của đoạn này về Ðạo Hạnh: "Thiền sư Ðạo Hạnh là vị
sư huyện Thạch thất, thường đi khắp tòng lâm tìm tòi bậc trí thức, khi
duyên đạo đã chín, pháp lực có thêm, Sư có thể sai sử chim rừng thú nội
họp nhau đến chịu phục. Sư cầu mưa trị bệnh, không gì là không ứng
nghiệm, nay xác thịt đang còn".
Việc sử dụng những ngữ cú và văn ý đồng nhất với Thiền uyển tập anh như đây chứng tỏ tác giả An nam chí nguyên hay tác giả một cuốn sách khác mà ông vẫn phải sử dụng Thiền uyển tập anh. Do vậy, trước bản in năm 1715, Thiền uyển tập anh phải có in một lần nào đó. Chính qua bản in hay tối thiểu bản chép trước năm 1715 mà An nam chí nguyên hay một cuốn sách trước nó đã rút những dẫn trên về Ðạo Hạnh.
(17)Ðại Việt sử lược
2 tờ 21 a4-b5: "Hội Tường Ðại Khánh năm thứ 3 tháng 2 người Thanh hóa
nói rằng: "ở Hải tân có một đứa bé lạ lùng, tuổi mới lên ba, mà hiểu
được tiếng nói, tự xưng là đích tử của Hoàng đế, gọi mình là Giác Hoàng,
hễ vua cử động thì không gì là nó không biết trước. Vua sai Trung sứ
đến hỏi xem thì những gì người ta nói đều đúng cả, bèn rước về ở tại
chùa Báo thiên. Vì sự linh dị của nó, vua thương yêu nó càng nhiều. Bấy
giờ, vua không có người nối dõi, muốn lập nó làm Thái tử, quần thần
không chịu, mới thôi. Bèn liền lập trai hội ở trong cung cấm, muốn khiến
Giác Hoàng đầu thai vào làm con mình.
Có nhà sư núi Phật tích là
Từ Lộ Ðạo Hạnh nghe việc ấy mà không vui bèn sai người chị mình là Từ
Thị đến phó hội, lén lấy vài hạt châu có kết ấn rồi trao cho, bảo: "Ðến
chỗ hội thì hãy nhét vào đầu mái diềm, đừng để cho ai thấy biết". Từ Thị
làm theo lời dặn của sư. Giác Hoàng bỗng chốc mắc bệnh sốt trẻ con, bèn
nói với người ta rằng: "Tôi thấy khắp cả nước đều có lưới sắt bao phủ,
không có ngõ nào mà thác sinh vào cung được". Vua ra lệnh mở một cuộc
lùng soát lớn thì bắt được những hạt châu do Từ Thị giấu, bèn bắt Lộ
trói ở làng Hưng thánh, muốn đặt vào tội xử tử. Gặp khi Sùng Hiền Hầu
vào chầu, Lộ gào khóc thảm thiết nói rằng: "Xin Hầu ra tay cứu vớt bần
tăng nếu may mà được thoát chết thì sẽ vào làm con của Hầu để đáp lại ân
đức". Hầu bằng lòng, nên khi vào gặp vua, Hầu mưu cứu bằng trăm lối,
nói rằng: "Giác Hoàng nếu thật có thần lực mà lại bị Lộ thư giải thì rõ
ràng Lộ hơn Giác Hoàng vậy. Thần nghĩ không gì hơn là cho Lộ thác sanh
vậy". Vua bèn xá tội Lộ Toàn thư không ghi chuyện này.
(18) Toàn thư B3 tờ
16a2-6: "(Hội Tường Ðại Khánh) năm thứ ba, bây giờ tuổi vua đã cao, mà
không có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tôn thất vào làm nối dõi. Em
vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con nối dõi. Gặp lúc nhà sư núi Thạch
thất là Từ Ðạo Hạnh đến nhà Hầu để cùng nói chuyện cầu tự, Ðạo Hạnh nói:
"Ngày kia khi phu nhân lâm bồn thì nên trước báo cho biết, bởi vì tôi
đã vì Ngài đến cầu xin ở thần núi rồi". Ba năm sau, phu nhân nhân thế mà
có thai, sinh ra con trai Dương Hoán".
(19) Toàn thư B3
tờ16b6-17a4: "(Hội Tường Ðại Khánh) năm thứ bảy, mùa hạ tháng sáu, thầy
Từ Ðạo Hạnh thi giải ở chùa núi Thạch thất…Trước đó, phu nhân của Sùng
Hiền Hầu là Ðỗ thị có thai. Ðến lúc đó, khó sanh, Hầu nhớ lại lời nói
ngày trứơc của Ðạo Hạnh, sai người chạy đến báo. Ðạo Hạnh tức khắc tắm
rửa thay áo, vào trong hang thi giải mà mất. Phu nhân liền sanh được
người con trai, tức là Dương Hoán vậy. Người làng cho là truyện lạ, đem
thi bỏ vào trong khám mà thờ. Núi Phật tích ngày nay tức là chỗ của nó
vậy. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 mùa xuân, sĩ nữ tụ hội lại ở chùa, làm
nó trở nên một nơi du ngoạn nổi tiếng. Người sau ngoa truyền đó là ngày
kỵ của Thầy". Ðại Việt sử lược 2 tờ 22a5: ("Hội Tường Ðại Khánh thứ 7) mùa hạ tháng 6 thầy Ðạo Hạnh hóa thân – Thần Tôn sinh ra".
(20) Tam thập tam thiên
(Phạn: Trayastrimsà), một tên gọi khác của cõi trời Ðao lợi hay Ðâu suất
đà (Phạn: Tusita), nơi ngự trị của Ðế Thích theo huyền thoại Phật giáo.
Xem Trường a hàm 20 và Câu xá luận 11 .
(21) Toàn thư B3 tờ
17a4-5: "Xác của Sư đến khoảng năm Vĩnh Lạc đời Minh mới bị người Minh
đốt. Người làng đúc lại tượng của Sư mà thờ như xưa, nay còn". Thì rõ
ràng, xác của Ðạo Hạnh đang còn vào thời Trần, khi tác giả Thiền uyển tập anh viết tác phẩm của mình. An nam chí lược 15 tờ 147-148 cũng nói: "Sư nhục thân kim thượng tồn". An nam chí nguyên 3 tờ 209 viết: "Kim chân hình thượng tồn".
(22) Nguyên văn: "Án Quốc sử,
Hội Tường Ðại Khánh bát niên, (nhân) Sùng hiền, Thành Khánh, Thành
Quảng, Thành Chiêu, Thành Kỳ, Hầu tử, nghênh nhập trung cung giáo dưỡng.
Sùng Hiền (Khánh thọ bát niên đông thập nhị nguyệt đế băng) Hầu tử,
niên phương nhị tuế, đế thâm ái chi, toại lập vi Hoàng thái tử, chi
Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên đông thập nhị nguyệt đế băng, Thái tử
tức vị, xuân thu nhị thập nhất niên, tại vị phàn thập nhất niên, thuỵ
viết Thần tôn, tức Sư thị giả, Giác Hoàng hoặc Ðại Ðiên thị giả".
Những chữ để trong vòng
ngoặc là những chữ chúng tôi coi như diễn tự và loại bỏ không dịch, cứ
vào lời chiếu tìm con tôn thất tìm con vào nuôi dưỡng trong cung của Lý
Nhân Tôn trong Toàn thư B3 tờ 18a8-b3: "Hội Tường Ðại Khánh thứ 8
mùa đông tháng 10…xuống chiếu nói rằng: "Trẫm trị muôn dân, đã lâu
không có con nối dõi, ngôi thứ của thiên hạ, thì có thể truyền lại cho
ai. Vậy phải nên nuôi dưỡng con của Sùng Hiền, Khánh Thành, Thành Quảng,
Thành Chiêu và Thành Hưng Hầu, rồi chọn đứa tốt nhất trong chúng mà lập
lên". Bấy giờ con của Sùng Hiền Hầu là Dương Hoán, tuổi mới lên hai mà
đã thông minh lanh lợi, vua rất thương yêu, bèn lập làm hoàng thái tử".
(23) Lĩnh nam trích quái
tờ 28-31 chép truyện của Từ Ðạo Hạnh hoàn toàn đồng nhất với truyện
đây, trừ một sai khác đáng chú ý là việc Ðạo Hạnh thi trúng khoa Bạch
liên, mà Thiền uyển tập anh không nói rõ. Còn Từ Ðạo Hạnh đại thành sự tích thật lục do "Ðạo nhân tam quán Tam Thanh" chép phụ vào Việt điện u linh tập tờ 221-225, tuy cốt truyện vẫn giống, nhưng có một số chi tiết khá lôi cuốn đáng ghi, nên đề nghị dịch lại sau:
"Xưa Từ Ðạo Hạnh, họ Từ
tên Lộ cha là Vinh, dùng đạo Thích làm giáo tôn, làm quan triều Lý đến
chức Tăng quan đô sát, trước thường (qua chơi) làng An lăng, cưới con
gái họ Tăng tên Loan, làm nhà ở xóm Láng nam, làng An lãng, gặp được
chốn đất làm nhà là quí địa, nên bẩm sinh Ðạo Hạnh có tiên phong đạo
cốt.
Hạnh lúc nhỏ ham chơi,
tính tình hào hiệp, có chí lớn, hành động cử chỉ, người ta không thể
lường. Thường cùng nhà nho Phí Sinh, Ðạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người hề
Phan Ất cùng nhau làm bạn. Ban đêm, Hạnh siêng năng chịu khó đọc sách,
nhưng ban ngày thì đánh cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui. Cha Hạnh thường
quở trách Hạnh hoang chơi biếng nhác. Một hôm, ông lén nhìn vào phòng
Hạnh, thấy ngọn đèn leo lét như hạt đậu, sách vở chất đống, Ðạo Hạnh tựa
vào bàn ngủ, mà tay vẫn chưa buông sách. Ông do thế không còn lo lắng
nữa. Sau Hạnh ứng thí khoa Bạch liên, đỗ đầu, nhưng không thích ra làm
quan, ngày đêm chỉ nghĩ tới việc báo thù cho cha.
Cha Hạnh nguyênngày trứơc
dùng diệu thuật xúc phạm đến Diên Thành Hầu. Nhà Hầu có Pháp sư Ðại Ðiên
dùng phù yếm giết chết, quăng thây xuống sông Tô lịch. Trôi đến cầu Tây
dương, chỗ nhà Diên Thành Hầu, cái thây dừng lại đó, suốt ngày không
chịu trôi đi. Hầu sợ, chạy báo cho Ðiên. Ðiên đến nói kệ rằng: "Tăng
giận không đầy đêm sao? Vả sống là trường du hý, chết mới thành đạo Bồ
đề". Thây đáp lại lời nói mà trôi đi, đến chỗ Hàm rồng làng Nhân mục cựu
thì dừng lại. Người ta thấy nó có linh dị, xã đó xây lăng miếu, đúc
tượng phụng thờ, mỗi năm kỵ vào ngày 10 tháng giêng. Bấy giờ mẹ Hạnh
táng tại chùa Ba lăng, xã Thượng an. Nay chùa Hoa lăng phụng thờ cả hai
vị Thánh cha và Thánh mẹ.
Ðạo Hạnh chỉ nhằm phục
thù, mà không tìm ra kế. Một hôm rình lúc Ðại Ðiên đi ra sắp làm pháp
thuật, bèn lấy gậy sắp đánh Ðại Ðiên, bỗng nghe trên không có tiếng mắng
bảo thôi. Ðạo Hạnh bèn quăng gậy, trở về nhà, buồn rầu tức giận, muốn
đi Tây thiên Ấn độ, tìm học phép lạ, để chống Ðại Ðiên. Bèn liền cùng
Minh Không, Giác Hải ra đi, đến nước Răng vàng đường đi hiểm trở, muốn
trở về thì thấy một ông già cỡi một thuyền con, thảnh thơi đi trên sông.
Họ cùng đến hỏi: "Tới Tây thiên còn bao xa". Ông già trả lời: "Ðường
núi hiểm cao, đi bộ không được. Lão có chiếc thuyền nhỏ, xin giúp chở
đi, lại có cây gậy nhỏ đây, nhắm thẳng Tây quốc mà tới thì chẳng xa, lão
xin bằng lòng ngay". Lại nói bài kệ:
Cùng đi đường đạo lẽ đương nhiên
Nhiều ông xa học quyết nên danh
Mênh mông muốn ngả sao nhọc trải
Chỉ nhắm Hoàng giang thấy thánh sanh.
Nói kệ xong, trong khoảng
nháy mắt, bỗng chốc đã đến bờ sông Tây thiên có nhiều thần thông phép
thiêng. Ðạo Hạnh giữ thuyền. Giác Hải và Minh Không lên bờ, học được
phép thiêng, liền tự trở về trước. Ðạo Hạnh giữ thuyền ba ngày, không
thấy tin tức hai người bạn , tự nhiên gặp một bà lão đến bên bờ sông,
bèn chèo đến hỏi: "Lão bà có từng thấy hai người đến cầu đạo không?" bà
lão trả lời: "Hai đứa đó đã nhận phép thiêng do ta dạy, đắc đạo trở về
rồi". Ðạo Hạnh liền vái, vừa kể lại chuyện ba người cùng đi, bây giờ bỏ
nhau, rất lấy làm buồn. Bà lão nghe nói, tức sai Ðạo Hạnh gánh hai thùng
nước về nhà, ta sẽ dạy cho ngươi vài phép thiêng cùng phép cho rút đất
chân truyền và đà la ni.
Ðạo Hạnh tự hiềm hai người
bạn đã thất ước, bèn tụng chú. Giác Hải và Minh Không đi đến nửa đường
thì bị chú làm đau tim, khó di động được. Hai người bạn nhìn nhau kinh
hãi. Bên ngoài tuy họ bị quấy rầy, nhưng bên trong nhờ đã học được linh
thuật, nên đang hoàn toàn tỉnh táo, biện biệt được hư thật, biết rằng nó
quả do Ðạo Hạnh tạo ra. Họ nhìn nhau nói: "Ngươi muốn biết hậu thân của
thân này, thì hãy nhắm ta mà nói". Ðạo Hạnh nhân thế đáp: "Chúng ta
cùng học đạo Thế Tôn, đạo quả đã thành hậu thân sẽ sinh lại thế gian làm
bậc nhân chủ, lại sinh mắc bệnh, quyết không thể tránh, các ngươi có
duyên với ta, xin đến cứu nhau".
Từ đó, hận xưa hết sạch,
cùng nhau truyền bá Phật pháp. Ði mặt nước, bay trên không, hàng rồng
phục cọp, lên trời rút đất, muôn quái nghìn kỳ, xuất quỷ nhập thần,
chẳng lường được mầu nhiệm. Họ bèn nhượng Ðạo Hạnh làm anh cả, Minh
Không làm anh thứ và Giác Hải làm em. Chỗ đó nay gọi là cầu Beo ấy vậy.
Minh Không và Giác Hải giã từ trở về chùa Giao thủy. Ðạo Hạnh ở lại tu
luyện tại chùa Thiên phúc núi Thạch thất. Trước chùa có đôi cây tùng
già, người ta gọi là long thụ. Ðạo Hạnh thường ngày chuyên trì chú Ðại
bi tâm đà la ni đủ ức vạn ngàn biến thì một nhánh cây rơi xuống. Khi đọc
chú xong thì cả đôi cây đều trụi. Hạnh tưởng được đức Quan Thế Âm đã
đến ứng giúp, sức chú gia trì đã thấu tới thiên đường.
Một hôm,
thấy thần nhân hiện đến trước mặt, chân không đạp đất, Hạnh hỏi: "Thần
nào đó?" Vị thần trả lời: "Ðệ tử là Tứ trấn thiên vương, cảm động đức
trì kinh của Sư, nên đến hầu hạ, để tiện việc sai sử". Ðạo Hạnh biết lục
trí của mình đã viên thành, thù cha có thể trả. Bèn trở về ở tại An
lãng làng xưa, thân hành đến cầu An quyết sông Tô lịch, quăng một cây
gậy xuống sông. Cây bỗng trên mặt nước, trôi ngược lên như bay, đến cầu
Tây dương mới dừng lại. Ðạo Hạnh vui mừng nói: "Phép ta thắng Ðại Ðiên
rồi vậy". Bèn đi thẳng đến chỗ Ðiên. Ðiên thấy, nói: "Mày không nhớ
chuyện ngày trước sao?". Ðạo Hạnh ngửa mặt ngó lên trời, vắng vẻ không
thấy gì cả, nhân thế đánh mạnh. Ðiên chết, lại quăng xác vào sông Tô
lịch để trả thù xưa.
Thù xưa rửa sạch, niềm tục
lắng trong, Hạnh lại đi khắp tòng lâm, cầu xin ấn quyết. Nghe Cao Trí
Huyền hóa đạo ở Thái bình, Hạnh lễ phép đến tham yết, tỏ hết chân tâm,
có bài kệ rằng:
Lâu mắc bụi đời chưa biết vàng
Chẳng hay đâu chỗ, ấy lòng chân
Nguyện xin chỉ dạy bày phương tiện
Nương thấy Bồ đề khỏi nhọc tìm.
Trí Huyền đáp lại lời kệ:
Bí quyết chân truyền giả vạn kim
Rõ ràng cái đó ấy thiền tâm
Hà sa thế giới nên thôi nói
Chẳng phải Bồ đề cách vạn tầm.
Từ Ðạo Hạnh mang nhiên
không hiểu, bèn đến pháp hội của Sùng Phạm tại chùa Pháp vân, thong dong
hỏi rằng: "Thế nào mới là chơn tâm?" Phạm đáp: "Chỗ nào lại không là
chân tâm". Ðạo Hạnh bỗng nhiên tự ngộ, bèn lại trở về chùa Thiên phúc
núi Thạch thất tu đạo luyện pháp xưa. Từ đó, pháp lực càng thêm, lòng
thiền càng thục, có thể sai sử chim rừng thú nội đều bay đến nép phục
xung quanh. Hễ dân các phương có ai bị tật dịch , bùa bay giấy chạy,
phép Hạnh lập tức có nghiệm. Ðem cứu người, người đều thấm ơn.
Bấy giờ vua Lý Nhân Tôn
không có con nối dõi, cầu đảo không nghiệm. Em vua là Sùng Hiền Hầu mời
Ðạo Hạnh về nhà cùng nói chuyện cầu tự. Từ Công nguyện thác thai để tạ
ân đức của Hầu. Lúc đó, phu nhân đang tắm ở nhà sau bỗng thấy Ðạo Hạnh
hiện ở trong thau nước. Phu nhân sợ, đem nói với Hầ�u. Hầu rõ biết ý
Hạnh, lén gọi phu nhân nói: "Bóng hiện trong thau nước, ấy là chân nhân
đã nhập vào trong tử cung rồi, cẩn thận chớ sợ hãi nghi ngờ. Phu nhân
trong lòng cảm thấy mình có thai. Từ Công bèn từ tạ mà về, dặn rằng :
"Lúc lâm bồn thì nên đi báo cho ta". Ðến khi thai đủ tháng, phu nhân cảm
thấy chuyển bụng muốn đẻ, nhưng rất khó. Hầu bảo: "Nên mau đi báo cao
tăng". Từ Công thấy người đi báo đến, bèn gọi đồ đệ đến nói: "Nhân xưa
chưa hết, ta tạm phải ra đời làm con cõi người để làm vua, thọ hết lại
làm (chúa) cõi trời Tam thập tam. Nếu thấy chân thân ta hoại diệt thì ta
mới vào Niết bàn, không còn ở trong sinh diệt nữa. Môn nhân nghe nói,
không ai là không cảm động đến rơi nước mắt. Bèn lải rải nói kệ rằng:
Thu qua không báo nhạn về đây
Dễ khiến người đời thương xót thay
Tỏ dấu người đời không ý tiếc
Thầy xưa bao thuở vẫn thầy nay.
Nói xong, đi lên Ðộng
tiên, va đầu vào vách đá, dẫm chân lên bàn đá nghiễm nhiên thi giải mà
mất. Ấy là năm Bính thân Hội Tường Ðại Khánh thứ 3 mùa xuân tháng 3 ngày
mồng 7. Ðạo Hạnh Niết bàn, ra đời làm con của Sùng Hiền Hầu, không
phiền nuôi nấng mà mau lớn, không nhọc dạy dỗ mà thông minh, nhan sắc
đẹp đẽ, tài năng hết sánh. Vua xuống chiếu đem vào nuôi dưỡng ở trong
cung, sau phong làm Hoàng thái tử. Nhân Tôn băng vua lên ngôi, ấy là
Thần Tôn…".
Từ Ðạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục này, Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Tục biên chép với một vài sai khác không đáng kể cho
lắm. Trừ việc nó thiếu bài thơ thị tịch của Hạnh và thêm bài thơ báo
mộng cho Lý Nhân Tôn cùng chuyện nhờ Minh Không sau này chữa bệnh hộ
mình.
An nam chí lược 15
tờ 147-148 viết: "Từ Ðạo Hạnh là Nho sinh, ưa thồi sáo ngày cùng bạn leo
núi du ngoạn, đêm đọc sách đến sáng. Một hôm, Hạnh vào núi Phật tích
thấy trên đá có dấu bàn chân bên phải, bèn lấy bàn chân mình án lên trên
thì giống như một. Bèn trở về nhà, giã từ mẹ mình, vào núi dựng am tu
hành. Vua Lý vô tự, sai danh tăng cầu đảo. Có một vị tăng không dự, dùng
thuật yểm đi. Vua nghe được sai bắt các vị tăng trong nước. Sư cũng bị
hạ ngục. Vị Hoàng tử đem sức ra cứu, nên Sư khỏi được. Vị hoàng tử nói:
"Tôi cũng không có con nối dòng, xin Sư cầu đảo dùm tôi". Sư bèn nói với
vị Hoàng tử nên sai phu nhân vào trong nhà tắm. Sư đi qua ngoài nhà.
Phu nhân cảm được mà có thai. Ðến khi sinh, vị Hoàng tử cho mời Sư,
nhưng Sư đã ngồi mà hóa. Phu nhân bèn sanh một người con trai kỳ vĩ. Vua
Lý lấy làm người nối dõi. Nhục thân Sư nay vẫn còn".
Việt sử tiêu án 1
tờ 101a1-16 chép: "Xét phu nhân Sùng Hiền Hầu có thai gặp Sư núi Thạch
thất là Từ Ðạo Hạnh đến nhà cùng bàn việc cầu tự. Sư hẹn khi sắp đẻ, nên
trước báo cho Sư biết. Ðến lúc ấy phu nhân đẻ khó, Hầu nhớ lời Sư, sai
người đi báo. Sư liền thay áo tắm rửa, vào trong hang thi giải mà chết.
Phu nhân liền sanh một người con trai, tức Dương Hoán. Núi Thạch thất ở
tại làng Lật Sài, huyện Yên sơn, cao vút xanh đẹp, mọc lên giữa một đám
đất bằng. Ðộng đá có in dấu đầu và dấu chân, hình như rồng lân, tục
truyền là nơi thi giải. Người làng cho đó là điềm lạ, bỏ thây vào trong
khám mà thờ. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 là thắg hội của một địa phương.
Sau trong khoảng Vĩnh lạc, người Minh đốt thây đó. Dân làng mới đắp
tượng cùng thờ với Thần Tôn, Trong khoảng Lê Quang Thuận, sai Nguyễn Ðức
Trinh đến cầu tự ở trong động thì điềm lạ là có một mảnh đá bay tới.
Bèn cung kính rước về dâng lên. Khi đã vậy, Thái hậu Trường Lạc mộng
thấy rồng vàng vào hông bên phải mình, bèn sinh ra Hiến Tôn. Từ đó dấu
thiêng càng hiện rõ".
Rồi nó nhận xét thế này:
"Xét Dã sử thì Ðạo Hạnh là con của Từ Vinh, dòng dõi nổi tiếng về pháp
thuật, chẳng phải là một cao tăng. Việc thi giải đầu thai của ông quái
đản không thường. Cao tăng minh tâm kiến tánh, tất không dùng pháp thuật
mê hoặc mọi người. Sách sử nên bỏ chuyện lạ lùng, chỉ ghi lại việc
thường, mà không nên đem chuyện thần quái mà mê hoặc đời". Dẫu vậy, với
dẫn chứng vừa đọc, ta cũng thấy Việt sử tiêu án đã không quên bước chân theo Toàn thư và Ðại Việt sử lược để ghi lại những việc làm có vẻ quái đản của Ðạo Hạnh. Chỉ Cương mục chính biên là đã làm theo lời giáo huấn của Ngô Thời Sĩ, và từ đó đã tự làm giảm giá trị của chính mình thôi.
52.Thiền sư TRÌ BÁT
(1) Việt sử tiêu án
1 tờ 101b2 nói Từ Ðạo Hạnh là "nhà Sư núi Thạch thất" nhưng cứ truyện
Ðạo Hạnh tờ 53b2 ở trên thì Hạnh sống ở Phật tích. Vậy Phật tích đời Lý
phải chăng là núi Thạch thất thời Ngô Thời Sĩ, tác giả Việt sử tiêu án. Ðây là một có thể vì dù Ðại nam nhất thống chí,
mục Sơn xuyên có ghi núi Phật tích ở huyện Yên sơn đi chăng nữa thì ở
mục Kiến trí diên cách nó lại dẫn Ðại thanh nhất thống chí nói rằng núi
Câu lậu ở huyện Thạch thất, núi Phật tích cũng ở huyện Thạch thất". Rồi
nó bình luận: "Nay núi Phật tích ở huyện Yên sơn là một huyện đời nào
mới phân ra chưa rõ". Nhưthế ta có chứng cứ mà nghĩ rằng núi Phật tích
và núi Thạch thất là một.
Tuy nhiên, theo Ðại Việt sử lược
3 tờ 31 b4 thì núi Phật tích ở Ngoại trại, trong khi cứ truyện Trì Bát
đây thì núi Thạch thất lại ở Tân trại. Tân trại đương nhiên không phải
là Ngoại trại được. Từ đó núi Thạch thất không thể là núi Phật tích, vấn
đề này Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Sơn xuyên, đã
cung cấp sẵn một giải đáp. Nó dẫn Lê chí đời Minh nói rằng: "Núi Phật
tích là một danh sơn trong 21 núi ở An nam, năm Hồng Vũ thứ 3 (1371) sai
sứ sang tế, lại vẽ hình nó mang về. Phía đông bắc núi độ một dặm có
sông Hát chạy vòng quanh. Phía tây nam độ hai dặm có một khe nước nhỏ
chảy khuất khúc hơn 10 dặm đổ vào sông Tích. Núi chuyển hướng đông thuộc
thôn Thiên phúc làm núi Long đẩu, thuộc xã Sài khê thì làm núi Hoa
phát, làm núi Lộc, làm núi Long, đến xã Khánh tân thì làm núi Hương, núi
Mộng, núi Phụng Hoàng và thôn Ô cách, xã Cù Sơn thì làm núi Lân, núi
Tượng, lại chuyển hướng nam làm núi Ma yên, thuộc thôn Trung, xã Cù Sơn
làm núi Dương. Xã Quảng động có núi Âm. Hai núi ấy đối ngọn nhau. Núi
Dương không có cỏ cây. Núi ÂM có cây rất tốt, nên có tên đó".
Cứ vào những mẫu tin vừa
dẫn của Lê chí thì núi Phật tích "chuyển hương đông đến thôn Ô cách, xã
Cù sơn thì làm núi Lân, núi Tượng, lại chuyển nam thuộc thôn Trung, xã
Cù Sơn là núi Dương". Xã Cù Sơn nói đây chúng tôi nghĩ nó là phần đất
làng Ðại cù, mà truyện Trì Bát nói tới. Từ đó, núi Thạch thất nơi có
ngôi chùa Tổ phong của Trì Bát phải là núi Lân, núi Tượng ở thôn Ô cách,
xã Cù sơn. Chúng tôi không kể đến ngọn Dương sơn của xã này, bởi vì nó
là một ngọn núi: "không cây cỏ" thì khó lòng là nơi làm cảnh dựng chùa
được. Về núi Lân và núi Tượng, Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn
tây, mục Sơn xuyên, có nói về núi Phục tượng như sau: "Núi Phục tượng
tại huyện Yên sơn, nó từ Sài sơn mà đến, một chi phía nách trái có núi
Phụng hoàng và núi Qui tích". Nó không nói gì đến núi Lân hết, thế cũng
có nghĩa núi Lân chắc không có gì đặc sắc cho lắm. Núi Tượng như vậy
cũng là núi Phục tượng. Và giống Phục tượng là đến từ Sài sơn, thì núi
Thạch thất, tức núi Phục tượng, cùng là núi Phật tích, hay đúng hơn từ
Phật tích "mà tới".
Ðất Tân trại do đó phần lớn gồm trong huyện Quốc oai, tỉnh Sơn tây ngày nay.
(2) Tức phần đất làng Khương Tự và Ðại Tự huyện Thuận thành, tỉnh Hà bắc ngày nay. Toàn thư B4
tờ 19b1-20a1 viết: "Năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 3 (1188) mùa hạ tháng 5
hạn. Vua thân hành đến chùa Pháp vân của Luy lâu (Nguyên văn có Luy bà,
Nhưng bà chắc chắn là một viết sai của lâu, Lê Mạnh Thát chú) cầu mưa,
nhân đó rước tượng Phật Pháp vân về chùa Báo thiên". Cương mục chính biên
5 tờ 23b3 cũng chép việc đấy, Nhưng không ghi tên đất nơi có chùa Pháp
vân. Mà chùa Pháp vân, ta đã biết là ở hai xã Khương tự và Ðại tự ngày
nay. Thì Luy lâu tất cũng phải vậy.
(3) Tức Lý Thường Kiệt (1019-1105). Kiệt được phong chức Thái úy năm 1075.
(4) Thiền sư Viên Quang,
có người hỏi: "Nếu không dính dáng đến chuyện đàn tràng nữa thì Sư có
tiếp chăng?" Sư trả lời: "Tô rô tô rô". Tô rô tô rô hay nói cho đủ, tô
rô tô rô tất rị là một phiên câu chú chữ Phạn: surà-suràsrì nghĩa là: Sự
vinh quang của người anh hùng và không anh hùng.
53.Thiền sư THUẦN CHÂN
(1) Tây kết là một địa
danh lịch sử nổi tiếng. Bọn xâm lược đời Tống thời Lê Hoàn đã đến đóng
quân ở đó. Bọn xâm lược Nguyên Mông dưới quyền chỉ huy của tên tướng
khét tiếng tàn ác Ô Mã Nhi cũng đến đóng quân ở đó. Tuy thế, Cương mục chính biên 1 tờ 18a1 đã phải chú là "Tây kết thất tường". Dẫu vậy, bây giờ cứ vào mô tả của Toàn thư 5
tờ 48a2-49b8 về những chiến thắng Hàm tử, Chương dương và Tây kết, ta
thấy đầu tháng 3 năm 1285 Toa Ðô đem 50 vạn quân đến đóng ở Tây kết.
Tháng 4 "vua sai Chiêu Thành Vương, Hoài văn hầu Quốc Toản và tướng quân
Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở đầu bến Tây kết. Quan quân
cùng với người Nguyên đánh nhau ở cửa Hàm tử, các quân đều ở đó.
Chỉ
quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật là có người Tống mặc áo người Tống
cầm cung nỏ chiến đấu…Người Nguyên thấy vậy, đều thất kinh nói: "Có
người Tống đến giúp", nhân đó thua chạy về Bắc. Ngày 10 có tiệp báo
"Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn
Khả Lạp cùng em Nguyễn Phó đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở các nơi
Kinh thành và Chương dương". Ngày 17 Toa Ðô cùng với Ô Mã Nhi từ biển
mơi vào đến đánh sông Thiên mạc. Ngày 22 vua tiến lên đóng ở bến Ðại
mang, Tổng quản Trương Hiển của quân Nguyên đến hàng. Ngày đó, đánh bại
giặc ở Tây kết, giết chết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu tên
Nguyên soái Toa Ðô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh hóa. Hai
vua đuổi theo không kịp, bắt dư đảng của y hơn 5 vạn mà trở về".
Cứ vào những diễn tiến của chiến dịch Tây kết đây và cứ vào những chú thích của Cương mục chính biên
7 tờ 39b6 và 41b4 và vị trí của cửa Hàm tử va �bến Chương dương cùng
việc thoát thân của Ô Mã Nhi, thì Tây kết phải là một tên làng nằm trên
bờ sông Hồng tại huyện Ðông anh, tỉnh Hưng yên, tức huyện Khoái châu,
tỉnh Hải hưng ngày nay. Bắc thành địa dư chí lục 3 có ghi một
tổng và xã tên Ðông kết thuộc huyện Ðông yên của trấn Sơn nam hạ. Tây
kết chắc nằm phía tây của tổng xã đó, nhưng nó không ghi một tổng xã nào
tên Tây kết hết.
Chúng tôi nghi Tây kết có
thể nằm về hữu ngạn sông Hồng trên địa phận của huyện Thượng phúc, tỉnh
Hà đông trước đây, bởi vì cứ truyện Thuần Chân ở đây thì làng Tây kết
thuộc về Thượng nghi. Thượng nghi này, chúng tôi nghi là tên thời Lý của
châu Thượng phúc thời Trần, tức huyện Thượng phúc đời Lê cho tới ngày
nay. Huyện này ở đúng về tây huyện Ðông yên. Mà huyện Ðông yên, theo Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Hưng yên, mục Kiến trí diên cách, là huyện Ðông kết đời Trần và
thuộc Minh. Ðến đời Lê Quang Thuận mới đổi ra Ðông yên. Khảo những tên
tổng xã của huyện Thượng phúc trong Bắc thành địa dư chí lục 3
không thấy có một tên nào có thể điểm chỉ cho biết có một làng tên Tây
kết ở huyện đó. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, đặc biệt bằng
nghiên cứu hiện địa.
(2) Tức huyện Văn Giang, tỉnh Hưng yên ngày nay. Huyện Văn giang thời Nguyễn là thuộc tỉnh Bắc ninh. Viết về lai lịch nó, Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, mục Kiến trí diên cách nói: "Huyện Văn giang đời Trần về trước gọi là Tế giang. Sử ky�
chép Lữ Ðường chiếm cứ Tế giang, tức huyện đây đời thuộc Minh do châu
Gia lâm thống lĩnh thuộc phủ Bắc giang. Ðời Lê Quang Thuận đổi thuộc phủ
Thuận an. Sau đổi tên Văn Giang. Năm Minh Mạng 13 (1832) triều ta đặt
riêng phân phủ kiêm lý huyện".
Ðại Việt sử lược 3
tờ 29a1 nói: "Tự Khánh dẫn quân đồn Cứu liên, chia tướng sĩ đồn Cửu cao
và Cửu ông để ngăn Nộn". Cửu ông ở đây tức Cửu ông, quê của Thuần Chân.
(3) Pháp Bảo chùa Tịnh
quang này có thể là Pháp Bảo chùa Phúc diên tư thánh có hiệu là Hải
Chiếu đại sư, tác giả bài bia chùa Linh xứng viết năm 1126 nổi tiếng
hiện đã phát hiện được, và cũng là tác giả một bài bia khác cho chùa
Sùng nghiêm diên thánh viết năm 1118, mà Lê Quí Ðôn đã phát hiện và ghi
lại trong Kiến văn tiểu lục 4 tờ 2a8, nhưng đã không chép lại toàn văn bản bia.
(4) Nguyên văn: Long Phù nguyên niên Ất dậu. Nhưng cứ Ðại Việt sử lược 2 tờ 19b1 và 20a5 và Toàn thư B3
tờ 13b6-14b5 thì không có năm nào Long Phù nguyên niên mà lại Ất dậu
hết. Long Phù ngũ niên thì phải là Tân tỵ, còn Ất dậu thì phải là Long
Phù nguyên niên. Chúng tôi nghĩ, chữ nguyên trong Long Phù nguyên niên ở
đây là một chép sai của chữ ngũ, bởi chữ ngũ và chữ nguyên dễ viết lộn
nhau lắm, và bởi Long Phù ngũ niên thì quả đúng năm Ất dậu. Như vậy,
nămmất của Thuần Chân chính là năm Long Phù thứ năm Ất dậu.
54. TĂNG THỐNG HUỆ SINH
(1) Bắc thành địa dư chí lục
3 có ghi một xã của tổng Nam phù liệt, huyện Thanh trì, trấn Sơn nam
thượng tên Ðông phù liệt. Làng Ðông phù liệt như vậy ở vào huyện Thanh
trì, tỉnh Hà đông ngày nay.
(2) Vũ an là tên một châu
huyện thời Ðường. Tân đường thư 43 thượng tờ 11a11 nói châu Vũ an có hai
huyện là Vũ an và Lâm giang. Ðến thời Ngô Quyền, tên ấy vẫn dùng, bởi
vì truyện của Phạm Cự Lượng trong Việt điện u linh tập tờ 20 nói
ông nội của Lượng là Phạm Chiêm từng giữ chức Châu mục châu Vũ an. Ðến
thời Lý, tên Vũ an đang lưu hành. Nhưng Vũ an nằm ở địa phận nào thì đấy
là cả một vấn đề. Cứ truyện Huệ Sinh đây thì tại Vũ an có Trà sơn. Trà
sơn nay chắc chắn là tên làng, chứ không phải là tên ngọn núi, như sẽ
nhìn thấy dưới chú thích (4) sau đây. Khảo Bắc thành địa dư chí lục
2 có ghi một xã thuộc tổng Dưỡng Chân, huyện Thủy đường, trấn Hải Dương
tên Trà sơn. Chúng tôi nghi Trà sơn quê của Huệ sinh tức làng Trà sơn
này. Nếu vậy, đất châu Vũ an đời Lý tất phải bao gồm đất huyện Thủy
đường đời Nguyễn, tức huyện Thủy nguyên, tỉnh Kiến An ngày nay.
(3) Chùa Hạc lâm này nghi
là đền Hạc lâm truyện Vạn Hạnh tờ 53a7 nói tới trong bài thơ ghi giới
hạn ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương:
Ðông hữu Vũ long hạng
Nam hữu Vũ long pha
Tây hữu Hạc lân quán
Bắc hữu Trấn hải trì.
Nếu vậy chùa này ở phía tây ngôi mộ tại làng Ðình bảng?.
(4) Tức núi Nguyệt thường hay núi Bạch sắc ở huyện Tiên du tỉnh Bắc ninh. Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Bắc ninh, mục Sơn xuyên nói: "Núi Nguyệt thường, tại phía tây nam
huyện Tiên du ba dặm, một tên là núi Bạch sắc, cũng gọi là núi Trà.
Tương truyền Lý Thánh Tôn đến chơi núi đó và cho tên Nguyệt thường. Núi
hơi cao, đá đất lẫn lộn. Trên núi có liễu, dưới núi có đền Cao sơn. Năm
Tự Ðức thứ 3 (1850) triều ta liệt vào hạng danh sơn, chép vào sách
cúng".
Núi này hiện có đỉnh Bồ Ðề không, chưa thể biết được.
(5) Ðại sĩ là một tên gọi
khác các vị Bồ tát. Xem Ðại trí độ luận. Nó đôi khi cũng để gọi Phật,
như trong Kim quang minh kinh Tứ nghi tập giải quyển thượng nói: "Ðại
sĩ, đại là không phải nhỏ, sĩ là việc, vì vận dụng được lòng rộng lớn
làm nên việc Phật nên gọi Ðạisĩ, cũng gọi Thượng sĩ". Du già sư địa luận
xác định rõ hơn nội dung của từ Thượng sĩ thế này: "Người làm không lợi
mình mà lợi người, ấy là hạ sĩ, làm lợi mình không lợi người, gọi là
trung sĩ, làm lợi cả mình lẫn lợi người gọi là thượng sĩ". Nội dung của
từ Ðại sĩ cũng thế.
Ðại sĩ nhục thân như vậy, có nghĩa vị Bồ Tát hay Phật bằng xương thịt.
(6) Trang tử, "Liệt ngự
khấu": "Hoặc sinh ư Trang tử, Trang Tử ứng kỳ sử viết: "Tử kiến phù hy
ngưu hồ? Y dĩ văn tú, thực dĩ sồ thúc, cập kỳ khiên nhi nhập thái miếu,
tuy dục vi cô độc, kỳ khả đắc hồ". Xem Trang tử 10 tờ 12a12b1.
(7) Ðại tống tăng sử lược
quyển hạ tờ 250a 4-10: "Nội cung phụng là chức quan trao cho thầy tu. Từ
khi Ðường Túc Tôn nhóm binh ở Linh Vũ vào năm Chí đức thứ nhất (756),
rồi trở về Phú phong, sư Nguyên Hạo nhận được khẩu sắc, đặt đạo tràng
Dược sư, vua sai những người đi theo xa giá đến để cầu công nghiệm. Tới
chùa Khai nguyên, phủ Phụng dương, đạo tràng Dược sư có ba nhóm, mỗi
nhóm bảy người, sáu thời hành đạo. Bấy giờ trong đạo tràng bỗng mọc lên
một cây mận. Sư phụng mệnh kiểm xem hư thực thời cây mận có 49 cành.
Nguyên Hạo dâng biểu mừng. Vua phê đáp: "Cây mận lành sum xuê, đó là
điềm nước thịnh, mà nó lại mọc trong già lam thì biết mặt trời Phật pháp
đang nổi lên trở lại. Cảm được cái điềm lành đặc biệt này, trẫm xin
chia vui với Sư". Lý Nhượng Quốc lại đọc sắc nói: "Sắc sư Nguyên hạo là
nội cung phụng". Ðặt ra chức Nội cung phụng đây, như vậy là bắt đầu với
Nguyên Hạo. Sau Hạo có Tử Lân là người tuyền châu kế tiếp. Ðến thời Hiến
Tôn thì Ðoan Phổ, Hạo Nguyên và Hoàn Bạch nối nhau giữ chức. Qua tới
thời Chu, Lương, Hậu Ðường, Tấn, Hán, Chu và Ðại Tống ta thì chức đấy
không còn nghe tới nữa".
Ðấy là lai lịch chức Nội
cung phụng tăng ở Trung Quốc. Ở nước ta, chức này được phong cho một
pháp sư tên Ðịnh sống vào những năm 800, mà Dương Cự Nguyên đã làm bài
thơ tặng nhan đề: "Cung phụng định pháp sư quy An nam". Xem Toàn đường
thi 333 tờ 3722. Ðến đời Lê Ðại Hành có Nguyễn Kha làm Nội cung phụng đô
úy.
(8) Tức Phụng Càn vương, tước do Lý Thái Tôn phong cho con mình là Lý Nhật Trưng vào năm 1035. Xem Ðại Việt sử lược 2 tờ 6a8 và Toàn thư B2 tờ 23a5.
(9) Có lẽ là Vũ Uy. Năm 1009, khi mới lên ngôi, Lý Công Uẩn phong cho anh mình là Vũ Uy Vương. Xem Ðại Việt sử lược 2 tờ 2b3 và Toàn thư B1 tờ 34b5.Nhưng Vũ Uy đây không phải là Vũ Uy Vương,mà là Vũ Uy Hầu, con của Lý Thái Tôn và em của Phụng Càn Vương. Ðại Việt sử lược
2 tờ 8a4 có ghi một Vũ Uy Hầu đã cùng với Quách Thịnh Dật đi đánh Nùng
Trí Cao vào năm 1048, mà những sử khác không ghi. Vũ Uy Hầu này là Vũ Uy
của chúng ta ở đây.
Về tước Thái tử, thì các
sử ta đều nói trừ con trưởng ra, các con khác của các vua đời Lý đều
phong Hầu. Nhưng cứ Lĩnh ngoại đại đáp, thì các con vua đời Lý đều được
phong thái tử hết. Những Thái Tử Vũ Uy, Hỷ Từ v.v…chắc đều là con của Lý
Thái Tôn.
(10) Có lẽ là Vương Hành, người giữ chức hữu thanh đạo, do Lý Thánh Tôn phong lúc mới lên ngôi vào năm 1054, mà Ðại Việt sử lược 2 tờ 10a5 nói tới, còn các sử khác không thấy có. Chữ Hành rất dễ viết lên thành chữ Cường.
(11) Lúc mới lên ngôi vào
năm 1028, Lý Thái Tôn "lấy Lương Nhiệm Văn làm Thái sư (…) Ðào Xử Trung
làm Thái bảo…Kiều Bỗng làm Hữu tham tri chính sự. Xem Ðại Việt sử lược 2 tờ 5a3-5 và Toàn thư B2 tờ 16a7-9.
(12) Về sự liên hệ giữa Huệ Sinh và Lý Thánh Tôn, Báo Cực truyện do Việt điện u linh tập tờ 30-31 dẫn lại trong truyện Ứng thiên hóa dục nguyên trung hậu thổ địa kỳ nguyên quân có viết rằng:
"Xưa Lý Thánh Tôn nam
chinh Chiêm thành, đến cửa Hoàn bỗng bị gió lớn mưa to, sóng nước cuộn
lên, thuyền vua tròng trành muốn lật, nguy cấp xảy ra không thể lường
được. Vua rất lo sơ. Trong lúc bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con
gái, tuổi ước trên dưới hai mươi, mặt tựa hoa đào, mày đượm dương liễu,
mắt sáng như sao, cười như hoa nở, mình mặc áo trắng quần lục, nai nịt
gọn gàng, đi thẳng đến trước Vua, nói rằng: "Thiếp là tinh của đại địa
Nam quốc, sống nhờ ở làng Thủy vân đã lâu, xem thời mà ra, may gặp dịp
tốt, hân hạnh được thấy long nhan, thì sở nguyện bình sinh của thiếp
thật đã thỏa. Chỉ mong bệ hạ chuyến đi này thông suốt, hoàn toàn thu
hoạch thắng lợi. Thiếp tuy bồ liễu mong manh, cũng xin đem sức mọn, lặng
lẽ phò tá. Ðến ngày khải hoàn, thiếp xin đợi ở đây để bái yết". Nói
xong thì không thấy nữa.
Vua tỉnh dậy kinh hãi
nhưng vui, cho mời tả hữu, kể hết những gì đã thấy trong mộng. Tăng
thống Lâm Huệ Sinh nói : "Thần nói thác sinh vào một cây ở tại làng Thủy
vân. Nay nên tìm thần cây đó, có thể có linh nghiệm". Vua đồng ý, sai
tùy tùng đi tìm ở bãi và bờ sông thì được một cây gỗ, đầu rất giống hình
người qua dạng người đã thấy trong mộng. Vua bèn đặt hiệu là Hậu Thổ
phu nhân. Sai đặt hương án ở trong ngự thuyền. Giây lát, sóng gió lặng
im, cây cối hết động. Tới khi qua đến Chiêm thành xáp trận thì giống như
có sức thần giúp. Trận đó quả đại thắng.
Ðến ngày khải hoàn, thuyền
vua đến đậu lại chỗ cũ, ra lệnh xây miếu, thì mưa gió lại nổi lên lại
như xưa. Lâm Huệ (Sinh) tâu rằng: "Ðể xin một keo có phải muốn về kinh
sư chăng". Thì quả được. Mưa gió lại im lặng. Ðến khi về tới kinh sư,
vua chọn đất dựng miếu tại làng An lãng, rất nổi tiếng linh dị. Có kẻ
bài báng chú trở thì liền bị tai họa…
Ðấy là chuyện Lâm Huệ Sinh
tùng chinh Chiêm thành với Lý Thánh Tôn nguyên bản chép tay viết Huệ
Lâm Sinh hay Huệ Lâm, nhưng đó rõ ràng là chép ngược và thiếu cái tên
của Huệ Sinh họ Lâm. Suốt đời mình Lý Thánh Tôn chỉ đi đánh Chiêm thành
có một lần, ấy là vào năm 1069, nhưng như sẽ thấy, Huệ Sinh theo Thiền uyển tập anh thì mất vào năm 1063 hay 1064. Vậy làm sao lại có thể tùng chinh? Xem chú thích tiếp theo.
(13) Nguyên văn: Gia Khánh ngũ niên Giáp thìn. Nhưng cứ Ðại Việt sử lược 2 và Toàn thư B3
thì Chương Thánh Gia Khánh ngũ niên phải là Quý mão, chứ không phải
Giáp thìn. Nếu Giáp thìn thì phải là Chương Thánh Gia Khánh lục niên
(1064). Chữ ngũ và chữ lục cũng rất dễ lẫn. Vậy Huệ Sinh mất năm 1064?
Nhưng như thế làm sao Huệ Sinh có thể tùng chinh Chiêm thành với Lý
Thánh Tôn trong cuộc chinh phạt xảy ra vào năm 1069. Phải chăng Huệ Sinh
đã tùng chinh với Lý Thái Tôn trong cuộc chinh phạt năm 1044, mà Việt điện u linh tập viết lộn thành Lý Thánh Tôn? Chúng tôi nghĩ đấy là một có thể, nhất là khi vấn đề truyền bản của Việt điện u linh tập
đưa nhiều điểm khá nghi ngờ, mà những cái tên Huệ Lâm Sinh và Huệ Lâm
là những thí dụ. Tuy nhiên không nhất thiết loại bỏ những sai lầm niên
đại có thể do sự truyền bản của Thiền uyển tập anh tạo ra, mà trường hợp Khánh Hỷ và Pháp Dung là những thí dụ.
(14) Công án thiền. Thiền
sư Vô Trước nói chuyện với Văn Thù trên Ngũ Ðài Sơn. Vô trước hỏi về
sinh hoạt của các nhà sư ở đấy và con số của nó. Văn Thù trả lời: "Trước
ba ba, sau ba ba" (Tiền tam tam, hậu tam tam). Xem Bích nham lục 4 tờ 173b29-174a7.
(15) Ðiển Thiện tài đi học
đạo, được Văn Thù chỉ đi hướng nam tham học với 53 vị thiện tri thức,
mà từ Phật học Trung Quốc thường gọi "Thiện Tài đồng tử ngũ thập tam
tham", trong kinh Hoa nghiêm. Xem Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 62.
(16) Ðại Việt sử lược 2 tờ 11a1 và Toàn thư B3
tờ 2a3-4 nói: "Năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) mùa đông tháng 12
dựng chùa Thiên phúc và chùa Thiên thọ, dùng vàng ròng đúc tượng Phạm
Vương, Ðế Thích hai pho để thờ". Toàn thư còn chua thêm: "Ðó là nơi đời Trần làm lễ yết chùa".
(17) Ðại Việt sử lược
2 tờ 11a8 nói: "Năm Long Thụy Thái Bình thứ sáu (1059) dựng chùa Sùng
nghiêm báo đức ở châu Vũ ninh". Vậy thì, chùa Diệu nghiêm báo đức ở
truyện Huệ Sinh đây tức chùa Sùng nghiêm báo đức. Chữ Diệu có thể là
viết sai của chữ Sùng, hay ngược lại. Chúng ta ngày nay chưa có nghiên
cứu hiện địa để xác định đâu là đúng. Chùa Sùng nghiêm báo đức này cũng
gọi tắt là chùa Báo đức và là nơi tu hành của Ðại Xả. Xem truyện Ðại Xả ở
trước.
(18) Nghệ văn chí và Văn
tịch chí đều ghi: "Pháp sự trai nghi một quyển, Sư Huệ Sinh soạn, người
Ðông phù liệt, huyện Thanh trì". Còn Chư đạo tràng khánh tán văn không
thấy sách nào ghi tới cả. Ta không hiểu Lê Quý Ðôn đã dựa vào tiêu chuẩn
gì để ghi hay không ghi một cuốn sách.
55. THIỀN SƯ THIỀN NHAM
(1)
Chùa Trí quả hiện nay ở làng Phương quan trên hữu ngạn sông Dâu đối
diện với làng Văn quan. Chùa đấy là nơi thờ Pháp Ðiện, một trong Tứ
pháp. Nếu cứ vào địa điểm làng này, thì vị trí làng Cổ châu thời Lý
không phải chỉ gồm có làng Khương tự và Ðại tự mà thôi. Trái lại, nó
phải bao gồm phần lớn những làng xung quanh hai làng đấy, mà chính yếu
là những làng Lũng khê, Thanh tương, Văn quan, Phương quan và Công hà.
Vì chùa Trí quả là chùa
làng mình, nên Thiền Nham đúng ra là người Phương quan, tức người làng
Dâu ngày nay. Ta không biết làng này hiện còn ai họ Khương không?
(2) Phạn bối, tức một thứ
ca hát tán tụng dùng một số nốt giới hạn nào đó của âm nhạc Ấn độ, sau
này trở thành lễ nhạc của Phật giáo tại các xứ phương Ðông. Về ý nghĩa
và nguồn gốc chữ bối, xem chú thích (2) truyện Ma Ha.
(3) Trong khoảng Hội Phong
(1092-1099) không thấy sử ghi một cuộc điện thí nào. Nhưng truyện Viên
Thông tờ 68b9-10 ghi một cuộc thi Tam giáo xảy ra vào năm Hội Phong thứ 6
(1097), mà Viên Thông đỗ hạng đầu. Như thế, Thiền Nham và Viên Thông
rất có thể là hai người đồng khoa.
(4) Chùa Thành đạo nghi là
chùa Thành đạo hiện ở tại làng Ðông cốc, huyện Thuận thành, tỉnh Bắc
ninh ngày nay, nơi có thờ Pháp Vũ, một trong Tứ pháp, bởi vì chùa Trí
quả, nơi trú trì của Thiền Nham là nơi thờ Pháp Ðiện, thì tất Nham phải
có một liên hệ nào đó với các chùa có thờ Tứ Pháp khác. Tuy nhiên, tại
làng Văn giáp, huyện Thượng phúc, tỉnh Hà đông cũng có chùa Thành đạo và
chùa đấy cũng thờ Pháp Vũ. Dẫu thế, chúng tôi vẫn nghĩ, chùa Thành đạo
của Pháp Y tức chùa Thành đạo tại làng Ðông cốc.
(5) Trong khoảng Ðại Thuận, Ðại Việt sử lược 3 tờ 1b7-8 chỉ viết: "Ðại Thuận năm thứ 3 (1130) tháng 6 hạn, cầu thì mưa. Nhưng theo Toàn thư B3 thì trong khoảng Thiên Thuận từ năm 1128 đến 1132 không năm nào là không có hạn nên Việt sử tiêu án
1 tờ 110a6, khi nhận xét về biện pháp chống hạn của triều Lý Thần Tôn,
đã phải nói: "Xét trong khoảng 10 năm (trị vì của Thần Tôn) thì không
năm nào là không có hạn".
(6) An nam chí nguyên
3 tờ 210 viết: "Thiền sư Thiền Nham là vị sư huyện Siêu loại, giới hạnh
tinh nghiêm, ăn lá cây, uống nước suối, xác chết rồi vẫn còn tươi như
khi sống. Người bấy giờ gọi là Phật sống".
56. QUỐC SƯ MINH KHÔNG
(1)Tức đất huyện Yên
khánh, tỉnh Ninh bình ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Tịnh Giới, chùa
Quốc thanh hiện chưa truy cứu được.
(2) Tức xã Ðàm xá, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh bình ngày nay. Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Ninh bình, mục Từ miếu, viết: "Ðền Nguyễn Minh Không ở tại huyện
Gia viễn, xưa hai xã Ðàm Xá và Ðiềm giang cùng thờ. Thần người Ðàm xá,
họ Nguyễn, tự Chí Thành. Xét Sử ngoại truyện thì thầy đi du học và được
tâm ấn từ Ðạo Hạnh, hiệu là Thiền sư Minh Không, ở chùa Quốc Thanh.
Trong khoảng Hội Tường Ðại Khánh đời Lý Nhân Tôn, Ðạo Hạnh khi sắp tạ
thế, dặn Minh Không rằng: "Ta sẽ ở ngôi nhân chủ, mắc bệnh khó tránh,
ông nên cứu ta". Sau Thần Tôn bị bịnh hóa thành hình cọp. Trẻ nít ca
nói: "Muốn chữa Lý cửu trùng, phải tìm Nguyễn Minh Không". Mời đến,
Không nói tiền duyên cho vua nghe. Vua giác ngộ, Minh Không nấu dầu một
trăm cân, lấy tay khuấy rửa cho vua. Bệnh lành, phong làm Quốc sư, cho
thuế vài trăm hộ. Ðến năm Ðại Ðịnh thứ 2 (1141) đời Anh Tôn, Sư mất, thọ
76 tuổi. Người trong ấp lập đền thờ. Trước đền có một cây đèn đá cao độ
một thước, tương truyền là đèn tụng kinh của Sư. Ðền nổi tiếng là linh
ứng. Nay các chùa ở Giao thủy và Phổ lại đều đắp tượng Sư mà thờ".
(3) Những tình tiết diễn
tiến cho tới lúc này, nghi là một phụ hội, bởi vì năm năm trứơc khi Minh
Không đến chữa bệnh cho Thần tôn, tức năm Ðại Thuận thứ 4 (1131), Toàn thư 3
tờ 36a9 đã ghi việc vua "dựng nhà cho Ðại sư Minh Không". Như vậy, chắc
chắn không có chuyện Minh Không "về quê cày cấy 20 năm hay chuyện trẻ
nít phải hát và phải sai sứ đi khắp dân gian mới gặp Sư".
(4) Toàn thư B3 tờ
39a7-9: "(Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136) vua bệnh nặng, thuốc men
không bớt, thấy Minh Không chữa lành, phong làm Quốc sư, cho thuế hộ
vài trăm". Rồi chua tiếp: "Ðời truyền rằng thầy Từ Ðạo Hạnh khi sắp thi
giải, trong lúc bị bệnh, đenm thuốc và chú giao cho đệ tử Nguyễn Chí
Thành tức Minh Không, nói rằng: "Hai mươi năm sau thấy Quốc Vương gặp
bệnh lạ thì đến chữa". Bởi nó bắt nguồn từ việc này vậy".
(5) Nguyên văn có Ðại Ðịnh nhị niên Tân sửu. Nhưng cứ Toàn thư 4 tờ 1b8 và 2b8-9 thì Ðại Ðịnh nhị niên phải là năm Tân dậu, và tháng 8 mùa thu năm đấy Minh Không mất.
(6) Lĩnh nam trích quái
tờ 31-33 chép một tiểu sử của Minh Không hoàn toàn đồng nhất với bản
đây. Nhưng sau đó, nó lại ghi thêm một tiểu sử hoàn toàn khác và nói là
lấy từ Minh Không biệt truyện. Truyện như sau: "Làng Giao thủy có chùa
Không lộ, xưa có nhà sư tên…trong khoảng Trị Bình (1064-1067) xuất gia
trụ trì chùa đó, nổi tiếng là đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi
vào, nhà sư cùng phòng, tức Ðạo Hạnh núp trong cửa nhảy ra, giả tiếng
cọp để nhát Minh Không. Minh Không cười nói: "Người tu hành mà muốn làm
cọp sao? Ta sẽ cứu ngươi".
Sau nhiều năm, nhà Sư ấy
bỗng chốc chết, hóa làm Quốc vương, chẳng bao lâu bỗng hoá ra mọc lông,
vùng vẫy gào thét, mặt giống như cọp, khắp tìm thầy thuốc, thầy bói, nhà
sư, đạo sĩ, nhưng đều bó tay. Nghe Minh Không có pháp thuật, sai người
chèo thuyền đến mời. Minh Không lấy một chiếc om nhỏ, nấu cơm cho thủy
thủ ăn. Vị sứ giả cười nói: "Sợ khó đủ hết". Minh Không trả lời: "Không
phải, để cho họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta". Rồi thủy
thủ bốn năm chục người, ăn mãi mà không hết. Mọi người đều làm lạ. Ðến
chiều, họ sắp ra thuyền thì Sư lại bảo thủy thủ hãy ngủ ngon một đêm,
đợi sáng mai rạng đông, bần tăng gọi dậy thì mới có thể bắt đầu ra
thuyền. Nếu không thì ta sẽ không đi. Sứ giả nài nỉ không được, bèn nằm
yên giả ngủ, thì chỉ nghe dưới thuyền tiếng gió thổi veo veo. Lúc lâu
mặt trời mọc, Sư gọi dây thì thuyền đã cập bến ở kinh đô.
Minh Không bay lên trời mà
vào cung, đun nước tắm cho vua, lập tức lông rụng, thân thể bình phục.
Vua hỏi lý do. Sư đáp: "Người tu hành, nếu một niệm mê thì sám hối là
xong, không khó khăn gì hết". Lại hỏi: "Sư làm sao có thần thông mà làm
được như vậy?" Minh Không trả lời: "Ðấy chẳng phải phép thuật gì hết.
Thần xưa có bệnh phong, phát ra thì không thấy, nên nhiều ít không biết
thì cái gì cũng trống, mình cứ tin mà bước đi, chẳng phải thần thông gì
thảy". Bèn lại đi bằng đường không mà trở về, cho thưởng gì cũng không
nhận, vua bèn ban hiệu là Thần tăng để khen ngợi".
Tiểu truyện này của Minh Không, tuy Lĩnh nam trích quái
bảo là rút từ Minh Không biệt truyệ�n, nhưng chắc chắn là xuất phát từ
truyện Minh Không thần Dị trong Nam ông mộng lục, và nhất là bởi vì nó
hoàn toàn giống với truyện kể trong đó.
Việt sử tiêu án 1
tờ 108b7-109b9 cũng chép lại gần giống truyện trên và bảo là từ Ngoại
truyện. Nó viết: "Thế truyền Ðạo Hạnh khi sắp thi giải, đem thuốc có làm
phù chú, giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành, tức Minh Không nói rằng: "Sau
20 năm quốc vương có bệnh thì đem mà trị". Thuyết này xuất phát từ Lĩnh nam trích quái. Lại xét Ngoại truyện
thì cha Ðạo Hạnh là Từ Vinh dùng pháp thuật nên bị sư Thái Ðiên giết.
Ðạo Hạnh nghĩ cách báo thù cha, đến tu đạo tại tịnh xá Hương tích. Trên
đường gặp Khổng Minh Không, bèn kết làm bạn cùng đi đến chùa Vân mộng.
Vị thầy dạy cho thần thông quyết. Sau 3 năm, hai người giã từ trở về.
Ðạo
Hạnh muốn thử thuật mình chơi, nấp vào một nơi hiểm, giả làm con cọp để
dọa Minh Không. Minh Không biết, trách Hạnh dùng tà hạnh lại gồm có chú
ngữ. Ðạo Hạnh hổ thẹn và hối hận, đến tạ lỗi, vừa nói: "Nghiệp đời sau
chưa trừ hết, xin phiền giải thoát cho". Ðạo Hạnh về am, Minh Không về
Giao thủy. Sau đó nghe Ðạo Hạnh thi giải, MK cười, nói rằng: "ông Hoà
thượng ấy còn mê phú quý trần gian sao?". Ðến lúc ấy, Thần Tôn bị bệnh
kêu gầm, muốn biến thành cọp. Thuốc chữa không chịu. Trẻ con hát rằng:
"Muốn chữa Lý cửu trùng, phải được Khổng Minh Không". Thái hậu nghe được
cho mời đến. Khi đã đến, bèn giảng chuyện nhân quả đời trước cho vua.
Vu abèn giác ngộ. Bệnh liền bớt. Minh Không có nói kệ:
Kỳ lân đồ hậu mạc
Nguyệt vọng đáo trung thiên.
Người bấy giờ không
hiểu. Sau vua ở ngôi và tuổi thọ, quả hiệp với lời kệ. Minh Không người
Ðàm xá, huyện Gia viễn. Nay chùa Phổ lại và Giao thủy có đắp tượng thờ.
Năm Ðại Ðịnh thứ 2 (1141) Sư mất, thọ 76 tuổi".
Rồi Ngô Thời Sĩ đưa ra lời
bình luận sau: "Triều Lý tôn sùng đạo Phật, từ khi Vạn Hạnh nổi tiếng,
người ta mộ theo và bắt chước. Tiếp đó có Dương Không Lộ, Nguyễn Giác
Hải đều là người Hải thanh, thờ Sa môn Hà Trạch làm thầy. Lại có Thông
Huyền chân nhân cũng có đạo pháp cao tương tự, nên Nhân Tôn có câu:
"Giác Hải tâm như hải, Thông Huyền đạo hựu huyền". Nhưng gọi rồng xuống,
làm hổ phục không phải là tài bình loạn cứu nguy. Ði chỗ trống, bay lên
không, không phải là sách lược trị dân giữ nước. Chỉ cũng là loại La
Thập, Ðồ Trừng đó thôi, có giúp gì cho thế đạo ư? Thế mà các triều đại
đã thần dị hóa giáo lý nó, để đến nỗi có việc tha thuế hộ để làm tự
đinh, sự mê hoặc thật đã quá lắm".
Từ Ðạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục trong Việt điện u linh tập tờ 51 và Ðại nam nhất thống chí
tỉnh Sơn tây, mục Sơn xuyên, cũng có chép chuyện Minh Không chữa bệnh
cho Từ Ðạo Hạnh, nhưng không có chi tiết gì đặc sắc cho lắm trừ sự cộng
tác với Giác Hải trong việc chữa bệnh đấy.
Về nơi Minh Không thường sinh sống, Bắc thành địa dư chí 4,
nhân viết về các đền thiêng của trấn Sơn nam hạ, có ghi đền của Thiền
sư Ðạo Pháp Minh Không nói: "Ðền ở xã Cổ đam huyện Ý yên. Thế truyền
Ngài bình sinh thường ở xã Cổ đam huyện Ý yên. Thế truyền Ngài bình sinh
thường ở xã đó. Sau khi mất người trong thôn lập đền thờ". Còn về nơi
mất của Không, Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hải dương, mục Từ
miếu nói: "Ðền thiền sư Minh Không ở xã Hán lý huyện Vĩnh lại. Sư họ
Nguyễn, tự Chí Thành, người xã Ðàm xá, huyện Gia viễn, nhỏ kết bạn với
Từ Ðạo Hạnh đến chùa Vân mộng thọ giới, sau làm cao tăng đời Lý. Vua
Thần Tôn mắc bệnh, Sư chữa liền lành, phong làm Quốc sư. Thế truyền, Sư
mất ở núi Tam viên, xã Hán lý, di tích nay còn". Xã Hán lý này theo nó
cũng là quê mẹ Minh Không, nên có dựng chùa Hưng long ở đó. Xem mục Tự
quan.
Cuối cùng cũng cần nhắc lại là, bản in
đời Nguyễn không có tiểu sử của Minh Không, ở đây không liệt Minh Không
vào dòng thiền Pháp vân. Ðương nhiên truyện của Không đã bị bản in đời
ấy hay "Tiêu sơn tự cựu bản" góp vào trong truyện của Không lộ. Xem chú
thích (6) truyện Không lộ. Nhưng có thể tờ có truyện Minh Không đã bị
mất trong "Cựu bản Tiêu sơn tự". Xem thêm phần nghiên cứu.
57.THIỀN SƯ BẢN TỊCH
(1) Tức phần đất thuộc huyện Văn giang
và Mỹ hảo,tỉnh Hưng yên ngày nay, bởi vì hai huyện đấy hiện đang có con
kinh mang tên Nghĩa trụ chảy qua. Tên Bình lạc xuất hiện từ năm 621, khi
Lý Uyên đặt ra Long châu gồm ba huyện Long biên, Vũ ninh và Bình lạc.
Xem Tân đường thư 43 thượng tờ 9b13. Ðến thời Lý, nó là tên một đạo, như
Ðại Việt sử lược 3 tờ 25b7-8 ghi lại.
Làng Nghĩa trú, chúng tôi cho là làng Nghĩa trang, tổng Sài trang, huyện Ðường hào, trấn Hải dương của Bắc thành địa dư chí lục 2, tức huyện Mỹ hào, tỉnh Hưng yên ngày nay. Những tài liệu Lý, Trần đều có nói ngôi làng này. Ðại Việt sử lược
3 tờ 29a4 gọi nó là một cái ấp, viết: "Năm Kiến Gia thứ 5 (1215) người
Nghĩa trú là Chu Ðình đem ấp mình phụ theo Nguyễn Nộn". Tam tổ thực tục
tờ 26a4 nói Nghĩa trú còn cómột ngôi chùa tên Phổ quang.
(2) Hữu vô và đốn tiệm là những phạm
trù lớn của tư tưởng Phật giáo Trung quốc cũng như Viễn đông. Hữu vô hay
có không, nguyên là cặp phạm trù lớn của học thuyết Lão Trang, đấy là
thuyết "Hữu vô tương sinh". Xem Ðạo đức kinh tờ 1-2a: "Vô danh
thiên địa chi thỉ, hữu danh vạn vật chi mẫu… Cố hữu vô tương sinh, nan
dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh…" Cặp phạm
trù hữu vô đó, tới khi Phật giáo truyền nhập Trung quốc, lại trở thành
một trong những cặp phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo, bởi vì, như Ðạo
An (312-385) đã viết: "Người xứ đây(tức Trung Quốc) giáo thuyết Lão
Trang đang thịnh hành… nên nhân theo phong trào mà phát triển".
Còn đốn tiệm, hay mau chậm, là một cặp
phạm trù lớn khác do kinh Lăng già giới thiệu vào Trung Quốc vào thế kỷ
thứ 5, liên quan đến vấn đề người tu đạo có thể tức khắc giác ngộ sự
thực toàn diện toàn phần hay chầm chậm giác ngộ từng bước từng phần.
Xem Phật thuyết nhập lăng già kinh tờ
596a23-29. Sự phân biệt đó sau này trở thành tiêu chuẩn duy nhất để phân
biệt để xác định thế giá của hai trường phái thiền lớn của Trung Quốc
sau Hoằng Nhẫn, đấy là trường phái thiền của Huệ Năng, thường gọi là Nam
đốn, và trường phái thiền của Thần Tú, thường gọi là Bắc tiệm.
(3) Theo Ðại Việt sử lược 3 tờ 3a2 mới có năm Kỷ mùi Thiệu Minh thứ 3. Theo Toàn thư B4 tờ 1a7 thì năm Kỷ mùi nhằm năm Thiệu Minh thứ 2. Cương mục chính biên 4 tờ 34b4 cũng chép như Toàn thư.
58.TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ
(1) Tức làng Từ liêm, huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Vân Phong.
(2) Ðại Châu Huệ Hải: "Sư vân: Ðạt tức biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ". Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a24.
(3) Phù Dung Linh Huấn: "Sư viết: Như hà bảo nhiệm. Tôn viết: Nhất ế tại nhãn, không hoa loạn trụy". Xem Truyền đăng lục 10, tờ 280c26.
(4) Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Ðạo Nhất: "Nước
không có gân cốt mà có thể thắng thuyền muôn hộc, lẽ ấy thế nào?". Ðạo
Nhất đáp: Trong đó không có nước cũng không có thuyền thì gân cốt là cái
gì?".
Xem Truyền đăng lục 6 tờ 246a26-28.
(5) Bài kệ của Thiền sư Cảnh Sầm:
"Bách trượng can đầu bất động nhân
Tuy nhiên đắp nhập vị vi chân
Bách trượng can đầu tu tiến bộ
Thập phương thế giới hiện toàn thân."
(Trăm trượng đầu sào kẻ đứng im
Dẫu cho vào được chửa là chân
Trăm trượng đầu sào thêm bước nữa
Mười phương thế giới hiện toàn thân.)
Xem Truyền đăng lục 10 tờ 274b 6-8
(6) Duy Ma Cật sở thuyết quyển trung tờ 546b25-c18:
"Nhược Bồ tát trú thị giải thoát giả,
dĩ Tu di chi cao quảng, nạp giới tử trung, vô sở tăng giảm…Hựu thập
phương quốc độ sở hữu nhật nguyệt tinh tú, ư nhất mao khổng phổ sử hiện
chi". Xem Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 80 tờ 440c21-22 "Nhất mao khổng, tất hữu tam thiên đại thiên thế giới".
(7) Thứ sử Giang châu Lý Bột hỏi Qui
Tôn: "Trong kinh, nếu nói núi Tu di chứa hột cải thì Bột tôi không nghi,
nhưng hạt cải chứa núi Tu di, phải chăng là nói bậy?" Tôn đáp: "Người
ta đồn Sứ quân đọc sách vạn quyển, chuyện đó có không ?". Bột nói:
"Phải". Tôn hỏi: "Sờ từ đầu đến chân, ông chỉ lớn bằng cây dừa, thì sách
vạn quyển treo đâu cho hết?". Bột chỉ gật đầu mà thôi. Ngày khác, Bột
hỏi: "Ðại tạng kinh dạy rõ được việc gì?" Tôn đưa nắm tay lên cho Bột
coi, rồi hỏi: "Hiểu không?". Bột nói: "Không hiểu". Tôn bảo: "Cái đầu
nắm tay to thế mà cũng không biết ?". Bột thưa: "Xin thầy chỉ bày". Tôn
nói: "Gặp người tức giữa đường trao cho. Không gặp thì thế đế bố khắp".
Xem Truyền đăng lục 7 tờ 256b 9-18.
(8) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt(Viện Ðại học Vạn Hạnh, Sài gòn, 1966, tr. 474) viết: "Thiền uyển tập anh
chép rằng: "Khánh Hỷ mất ngày 27 tháng giêng năm Ðại Ðịnh thứ ba, Nhâm
tuất 1142, thọ 76 tuổi. Theo đó mà tính, thì ông sinh năm 1067 và ông có
10 tuổi, lúc Ðạo Dung tới Thăng long. Làm sao ông làm thầy Ðạo Dung
được? Sách Toàn thư có chép lại vào năm 1135, việc Hầu Khánh Hỷ mất. Chắc rằng nguyên là chữ Tăng mà Toàn thư chép lầm ra chữ Hầu. Người chú thích sách Thiền uyển tập anh, in đời Vĩnh Thịnh, cũng nói rằng: Theo Sử ky� thì Tăng Khánh Hỷ mất năm 1135. Nếu theo thoại sau thì lúc bấy giờ Khánh Hỷ cũng chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tôi nghĩ rằng Thiền uyển tập anh
chép lầm năm mất và tuổi thọ. Có lẽ thọ 96 tuổi, vì chữ cửu và chữ thất
rất dễ lẫn. Với chữ cửu thì lúc Sư Ðạo Dung ra học với Khánh Hỷ, vị này
đã 37 tuổi. Như thế mới hợp lý".
Thật ra Toàn thư không chép việc Hầu Khánh Hỷ, mà là Hầu Khánh Thiện mất vào năm 1135.
(9) Nghệ văn chí của Lê Quý Ðôn và Văn
tịch chí của Phan Huy Chú đều ghi: "Ngộ đạo thi tập, một quyển, thầy
Khánh Hỷ soạn, người Cổ giao, Long biên.
59.THIỀN SƯ GIỚI KHÔNG
(1) Cứ An nam chí nguyên 3 tờ
210 thì "Thiền sư Giới Không là vị sư huyện Gia lâm tu hạnh đầu đà, có
thể sai khiến quỷ thần theo lệnh, thú dữ đến chầu. Sau ngồi thẳng mà
mất".
Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, mục Tăng thích dẫn lại đoạn trích vừa dịch của An nam chí nguyên
và sửa lại một đôi chữ thành "Giới Không người huyện Gia lâm, chân tu
đắc đạo, sau ông ngồi ngay thẳng mà tịch". Nhưng truyện Giới Không ở đây
nói Không "người quận Mãn đẩu". Mãn đẩu chưa bao giờ là tên của quận
hay huyện Gia lâm cả. Chúng tôi nghĩ, có lẽ Giới Không được mời về ở
chùa Gia lâm vào khoảng những năm 1128-1132, nên Ðại nam nhất thống chí đã ghi lầm là người Gia lâm. Thế thì, quận Mãn đẩu ở đâu?
Các sách sử khác không thấy có quyển
nào nói tới một quận tên Mãn đẩu cả. Về làng Tháp bát thuộc quận này,
chúng tôi cũng chưa gặp ở một nơi nào khác. Dẫu vậy, Kiến văn tiểu lục
6 tờ 14b 4-6 có viết: "Các núi của Tuyên quang và Hưng hóa, nơi nơi đều
có cây mạn để, lá nó như cây cổ độ tục gọi đát cây to tới hai hay ba
thước, rất độc. Cây và lá nó trôi vào sông khe thì cá chạch đều chết".
Chúng tôi nghi, quận Mãn đẩu là nơi có cây mạn để đấy. Mãn đẩu chắc là
một ghi âm khác mạn để, hay ngược lại, như Cứu lan của Ðại Việt sử lược đã biến thành Cứu liên của Toàn thư và Thiền uyển tập anh.
Xem chú thích (1) truyện Mãn Giác. Nếu vậy, quận Mãn đẩu nằm tại tỉnh
Tuyên quang ngày nay giữa hai lưu vực sông Chảy và sông Lô.
Xác định quê hương của Giới Không như
thế, ta sẽ hiểu tại sao Không đã từng Tu hành tại núi Lịch và có môn
nhân là Châu mục Phong châu là Lê Kiếm. Kiến văn tiểu lục 4 tờ
3a3 có ghi một bài bia có Hàn lâm quyền học sĩ Ðỗ Nguyên Chương viết năm
Long Khánh thứ 5 (1377) cho chùa Phúc minh ỡ làng Mạn để. Làng Mạn để
chắc là quận Mãn đẩu còn sót lại.
(2) Núi Chân ma hiện không thấy các sách sử khác ghi. Nhưng cứ Kiến văn tiểu lục
6 tờ 6a3 có ghi một ngọn núi tên Ðán ma thuộc sơn hệ Tam đảo. Chúng tôi
nghi Chân ma đó là Ðán ma đó, bởi vì từ Ðán ma đến Lịch sơn không xa
lắm. Lịch sơn là núi sau này Giới Không dựng am tu.
(3) Kiến văn tiểu lục 6 tờ
6a4-b1: "Núi Lịch tại xã Yên lịch, huyện Sơn dương, khởi từ núi Sư
khổng, huyện Ðương đạo mà xuống đến xã đó thì đất bằng bổng nổi lên núi
đất năm sáu ngọn, rẽ ngang phân một chi xuống lập thành thành Lãng sơn,
chi xuống huyện Tam dương thành núi Hoàng chỉ. Trong đó núi Lịch cao
nhất. Trên đỉnh có đất bằng như điện đài năm sáu chỗ, có động vua Thuấn
rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái mà ăn, nhưng không được
mang về. Nếu có ai mang về, họ liền lạc đường, không thể ra được nữa.
Bên trên vua Thuấn có đền vua Nghiêu, đều phải cúng chay. Ở đấy xưa có
tự điền , để cung cấp cho người giữ đền. Xã Yên lịch ở dưới núi lại có
miếu vua Thuấn…"Xem thêm Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Sơn xuyên.
(4) Hang Thánh chúa này là hang núi
Kính chúa tại làng Kính chúa huyện Giáp sơn, tỉnh Hải dương thời Nguyễn,
tức hang núi Thạch môn, làng Dương nham, huyện Kính môn, tỉnh Hải dương
ngày nay, ở đấy có hang và hang núi hiện vẫn còn là hang Kính chủ. Bởi
vì truyện đây nói Giới Không đi đến Nam sách, mới vào ở hang Thánh chúa.
Và Nam sách là tên một lộ đời Trần. An nam chí lược 1 tờ 19 ghi là lộ Nam sách giang. Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Hải dương, mục Kiến trí diên cách nói: "Năm Lê Quang Thuận thứ 7
(1466) đặt Nam sách thừa tuyên. Năm thứ 10 (1469) định bản đồ thiên hạ,
gọi đó là Hải dương, Thừa tuyên gồm bốn phủ, tức Thượng hồng, Hạhồng,
Nam sách và Kinh môn, lĩnh 18 huyện…" Và Nam sách thừa tuyên hay lộ Nam
sách giang theo Dư địa chí đã nổi tiếng với núi Kính chủ, nơi sản xuất
đá hoa.
Viết về núi này Bắc thành địa dư chí lục
2 viết: "Núi Kính chủ tại xã Kính chủ, huyện Giáp sơn, một tên là núi
Thắng hóa nham, cao 160 trượng, hang dài 60 trượng, rộng 20 trượng. Lại
có chùa ở núi Lương nham tử, hướng nam, không biết dựng từ đời nào. Vua
Trần Nhân Tôn đánh giặc Nguyên có đóng quân trên núi đó…Hang bên phải
dài 40 thước, rộng 50 thước thờ Thiền sư Minh Không. Hang bên trái dài 7
thước rộng 20 thước thờ Lý Thần Tôn. Thổ nhân tương truyền xưa có một
người đánh cá bên sông Kính chủ thấy một tượng gỗ mắc vào lưới mình, vứt
ra mà tượng không ra, bèn khấn rằng nếu tượng có linh, xin giúp cho tôi
có nhiều cá thì tôi sẽ thờ làm thần. Từ đó người ấy đánh được rất nhiều
cá được lời, bèn rước tượng lên bờ. Người trong thôn đến xem thì thấy
nó nói: "Ta là Lý Thần Tôn, nhân đi chơi mà đến đây. Nhân thế, họ lập
miếu ở động núi để thờ. Họ lấy tháng giêng và tháng 10 làm tháng kỵ".
Sự tích vừa dẫn, dù đầy đủ tính chất
hoang đường quái đản, giải thích cho ta không ít tại sao ngọn núi Kính
chủ hay Thánh chủ đã có tên như vậy. Thêm vào đó, Toàn thư B7 tờ 18b3 ghi: "Năm Thiệu Phong 15 (1355) mùa xuân tháng hai núi ở Trà hương băng". Cương mục chính biên
tờ 10a5-7 cũng ghi việc đó, nhưng sửa lại là núi Kính chủ, rồi chua
như: Kính chủ là Thánh chủ ở tại xã Kính chủ, huyện Giáp sơn, tỉnh Hải
dương.
(5) Niên hiệu Ðại Thuận, chỉ Ðại Việt sử lược ghi lại, còn Toàn thư và
tất cả các sử khác của ta gọi là Thiên Thuận, là của Lý Thần Tôn kéo
dài từ năm 1128-1132. Như vậy, tất không thể nào có chuyện "năm Ðại
Thuận thứ 8" được. Chúng tôi nghi năm Ðại Thuận "thứ 8" chắc là một viết
sai của năm Ðại Thuận thứ hai hoặc thứ ba. Nhưng trong khoảng Ðại
Thuận, cả Ðại Việt sử lược lẫn Toàn thư không ghi một nạn
dịch lớn nào xảy ra cả, nên không thể quyết đoán được. Do thế, chúng tôi
vẫn để nguyên như nguyên văn đã có. Có thể năm Ðại Thuận thứ 8 là một
chép lộn của năm Ðại Ðịnh thứ 8, nhưng trong khoảng Ðại Ðịnh, các sử vẫn
không thấy ghi một nạn dịch nào lớn cả.
(6) Tức cháu nội của châu mục Phong
châu Lê Thuận Tôn và công chúa Kim Thành và là anh của Thiền sư Trí Nhàn
ở dưới đây. Cứ truyện Trí Nhàn, thì Kiếm giữ chức Châu mục của Phong
châu, chứ không phải một nơi nào khác.
60. Thiền sư PHÁP DUNG
(1) Theo bia chùa Hương nghiêm do Hoàng
Xuân Hãn phát hiện và dẫn trong Lý Thường Kiệt tr.453-461 thì Dung đúng
ra phải có tên Ðạo Dung "nhưng những bản nay còn đều chép hiệu sư là
Pháp Dung. Ấy vì đời Trần, kiêng húy Trần Hưng Ðạo". Thiền uyển tập anh, như một tác phẩm đời Trần, như vậy chắc đổi chữ Ðạo thành chữ Pháp.
(2) Chùa Hương nghiêm nay vẫn còn ở xã
Phủ lý, huyện Ðông sơn, tỉnh Thanh hóa. Chính tại nơi đây, mà ta tìm tấm
bia dựng vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 Giáp thìn (1124) kể lại sự tích
chùa và sự tích sư Ðạo Dung. "Chùa này hoàn toàn mới, các vật trong
chùa đều mới, trừ quả chuông đúc đời Gia Long. Trong vườn không thấy có
tháp cổ. Còn có hồ". Tấm bia chùa này còn đọc rõ được là nhờ một nhà Sư
tên Lê văn Nghị trú trì chùa đó đã thuê thợ đúc lại theo nét chữ xưa vào
năm Lê Bảo Thái thứ 7 (1726).
"Ngày nay làng Phủ lý không có núi cao.
Núi Càn ni chép ở bia, có lẽ chỉ là mô đất cao hơn cánh đồng chung
quanh". Ðấy là ý kiến của Hoàng Xuân Hãn. Núi Càn ni ở bên chùa Hương
nghiêm, tức núi Ma ni ở đây, vì chữ Càn là húy đời Trần. Toàn thư B6 tờ 30a2-3 nói: "Cửa Cần trước đổi là Càn vì tránh húy nên gọi làm Cần. Càn ni, do thế bị tác giả Thiền uyển tập anh đổi thành Ma ni.
(3) Tức xã Phủ lý, huyện Ðông sơn, tỉnh
Thanh hóa ngày nay, bởi vì không những ngày nay xã đó đang có chùa
Hương nghiêm, trái lại còn về phía tây xã hiện có hai làng Viên quang và
Hồ đàm, đất của giáp Viên đàm, mà bia chùa Hương nghiêm nói tới là đã
có sự tranh chấp đất đai với Giáp bối lý. Ðất Giáp bối lý có lẽ phải bao
gồm cả những đất của làng Nhân lý và Mỹ lý nữa.
(4) Theo bia chùa Hương nghiêm thì Lê
Lương là người đầu tiên dựng chùa Hương nghiêm ở Giáp bối lý vào thời
Hậu Ðường (923-937). "Ông thuộc một cự tộc ở quận Cửu chân, châu Ái. Ông
làm đến chức Trấn quốc bộc xạ. Nhà ông giàu rất có thế lực trong xứ.
Thóc ông trữ đến 110 lẫm. Trong nhà ông nuôi 3000 người khách. Ông dốc
một lòng thiện, rất sùng đạo Phật". Ðến khi Ðinh Tiên Hoàng lên ngôi vào
năm 968, ông được phong Ái châu Cửu chân đô oai quốc dịch sứ, hàm Kim
tử quang lộc đại phu, phong ấp. Ngoài chùa Hương nghiêm ra, bia còn nói
ông có dựng chùa Trinh nghiêm và Minh nghiêm nữa, nhưng nay ta chưa tìm
thấy chúng. Chúng có thể ở hai làng Nhân lý hay Mỹ lý.
(5) Theo bia chùa Hương nghiêm thì đến
đời Lý, vua Lý Thái Tôn đi chơi về phương nam tới Ái châu có qua chùa
ấy. Hoàng Xuân Hãn Sđd., tr. 456, dựa vào Ðại Việt sử lược và Toàn thư giả
thiết Lý Thái Tôn đến chùa Hương nghiêm khoảng năm 1031. Nhưng chùa,
trải mấy đời thờ cúng, rường cột đã đổ nát. Vua bèn sai sửa chữa lại.
Vua lại ban cho cháu ông Bộc xạ, là Ðạo Quang trưởng lão làm thiền chủ,
cấp cho 5 tên giúp việc, và sai trụ trì ở đó". Cha của Ðạo Dung theo bia
như vậy là Ðạo Quang trưởng lão, có lẽ đây là một tên phong khác, ngoài
Huyền Ngung và Tăng Phán.
(6) Bia chùa Hương nghiêm: "Năm Bính
thìn (1076), Sư bỏ gia hương đi tìm bạn. Cỡi thuyền ra bể, rồi tới Thăng
long. Ở đó Thiền sư gặp một vị tăng hiệu là Cao Tăng. Sư cảm phục, bèn
theo học". Xem Lý Thường Kiệt tr. 457.
(7) Bia chùa Hương nghiêm: "Ðạo Dung
hỏi: "Ðiều gì cốt yếu trong pháp?" Cao tăng trả lời: "Pháp vốn không
phép, ta lấy gì mà bảo ngươi". Bỗng nghe Sư thấy trong lòng mở mang, bèn
giác ngộ". Xem sđd., tr. 457.
(8) Bia chùa Hương nghiêm: "Sư bèn
ngược dòng sông Lô (Nhị Hà) trèo núi Thứu đài. Ngắm xem cảnh đẹp ấy, Sư
dừng chân lại, cho là rất vừa ý. Sư sai thợ chọn hướng, ghép đá làm nền,
mà dựng nên chùa. Ðặt tên là chùa Khai giác". Xem sđd., tr. 458.
(9) Hoàng Xuân Hãn, sđd, tr. 460, nhận xét: "Thiền uyển tập anh
chép rằng: "Rồi Sư trở về nhà, dựng chùa để ở đến lúc già. Sư mất ngày
mồng 5 tháng 2 năm Giáp ngọ 1174 đời Thiên Cảm Chí Báu". Chép như vậy
chắc lầm, vì rằng năm 1076 Sư đã ra Thăng long. Nếu sống đến năm 1174,
thì Sư phải ít nhất cũng một trăm hai mươi tuổi".
Cứ theo báo cáo của Hãn về cái bia chùa
Hương nghiêm này, thì quả thực nó đưa ra khá nhiều vấn đề cho chúng ta
về niên đại của Ðạo Dung, bởi vì theo nó thì năm 1076 Dung ra Thăng long
gặp Khánh Hỷ, năm 1087 (Hãn sửa lại là năm1077) Dung trở về quê và yêu
cầu tùng huynh Lưu Khánh Ðàm sửa lại chùa Hương nghiêm, cùng năm này
Dung được vua Lý Nhân Tôn mời ra Thăng long lập đạo tràng trong cung,
rồi năm 1122 Dung trở về quê, lại sửa chùa Hương nghiêm để ở. Sửa xong,
viết bia đó vào năm 1124. Ðến lúc này, thế nào Dung cũng trên dưới 70
tuổi rồi. Không lẽ nào Dung còn sống thêm 50 năm nữa cho tới năm 1174
mới mất sao? Chúng tôi hiện chưa có nguyên văn cái bia chùa Hương nghiêm
này, nên không thể bàn cãi gì thêm. Nhưng cũng cần lưu ý rằng năm Bính
thìn 1076 cũng có thể là năm Ðinh mão 1147, và năm Nhâm dần 1122 có thể
là năm Canh dần 1170.
61. THIỀN SƯ TRÍ NHÀN
(1) Cả hai bản in đời Lê lẫn bản in đời Nguyễn đều có "Trí thiền sư". Nhưng Ðạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 16a7-8 và Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Sơn tây, mục Tăng thích, có ghi tên một vị Thiền sư tên Trí Nhàn,
mà chúng mô tả như: "Người huyện Yên lãng, siêng tu hạnh lành, thấy một
con cọp đuổi một con hươu bèn bảo: "Tất cả chúng sinh đều tiếc thân
mình, mầy chớ hại nhau". Con cọp cúi đầu xuống đất mà đi. Bọn mọi Lào
gần núi họp nhau ăn trộm. Sư dẫn dắt khuyên dỗ, phần lớn cảm hóa theo
lời sư dạy mà làm lành".
Cứ vào mô tả đó, thì Thiền sư Trí Nhàn của Ðạo giáo lưu nguyên, Ðại nam nhất thống chí, tức "Trí Thiền sư" của Thiền uyển tập anh
ở đây, chứ không ai khác, bởi vì không những hợp về quê quán, mà còn
hợp về những tình tiết sống khác như chuyện nói chuyện với cọp và chuyện
dạy "mọi Lào" đừng ăn trộm. Chúng tôi do thế nghi rằng: "Trí thiền sư"
của ba bản in Lê, Nguyễn đã thiếu mất một chữ, đấy là chữ Nhàn, và tên
đầy đủ của Trí thiền sư từ đó phải là Trí Nhàn thiền sư. Chỉ có vấn đề
là Ðạo giáo nguyên lưu và Ðại nam nhất thống chí đã lấy tài liệu ở đâu đó có thể viết về Thiền sư Trí Nhàn như vậy.
Chúng tôi nghi nó lấy từ An nam chí nguyên và đúng là nó lấy ra từ sách đó. An nam chí nguyên 3 tờ 210 chép việc Trí Nhàn giống như Ðại nam nhất thống chí dẫn trên. Từ đó, dĩ nhiên cuốn sách ấy tất phải sử dụng nếu không phải bản in Thiền uyển tập anh xưa nhất thì một tài liệu đã dùng bản in Thiền uyển tập anh
trước bản năm 1715 xưa nhất của chúng ta hiện còn. Vì vậy, bản in trước
năm 1715 chắc chắn phải có đầy đủ tên Thiền sư Trí Nhàn, chứ không phải
cái tên thiếu là Thiền sư Trí, mà bản in năm 1715 do in sót tạo ra, rồi
di lụy đến bản in đời Nguyễn.
Chúng tôi do vậy đề nghị bổ sung tên
Thiền sư Trí thành Thiền sư Trí (Nhàn), để cho tên các vị Thiền sư ở đây
được nhất quán. Thiền sư nào cũng có hiệu do hai chữ ghép lại cả, dĩ
nhiên trừ Thiền sư Ấn độ.
(2) Yên lãng ở đây dĩ nhiên không phải
là trại Yên lãng, huyện Thọ xương, tỉnh Hà nội đời Nguyễn, mà là huyện
Yên lãng, tỉnh Sơn tây đời Nguyễn, bởi vì huyện Trí nhàn ở đây nói "hai
triều đại Anh và Cao Tôn nhiều lần triệu thỉnh mà Nhàn không đáp", đến
nỗi Tô Hiến thành và Ngô Hòa Nghĩa phải "đem lễ thầy trò đi tìm", thì đủ
rõ am của Nhàn tất không thể ở ngoại ô thành phố Hà nội được. Theo Ðại nam nhất thống chí tỉnh Sơn tây, mục Kiến trí diên cách, thì Yên lãng là tên huyện từ thời Ðinh và Lý. Nay là huyện Yên lãng, tỉnh Vĩnh phúc.
Chúng tôi hiện chưa truy ra một ngọn núi mang tên Cao đã thuộc huyện đấy.
(3) Tức gồm đất huyện Yên lãng, tỉnh Vĩnh phúc ngày nay. Xem chú thích (6) truyện Pháp Hiền. Ðại nam nhất thống chí nói Nhàn người huyện Yên lãng. Xem chú thích (1) trên.
(4) Tức Lê Long Ðĩnh, con thứ tư của Lê Ðại Hành, được phong làm Ngự Man Vương ở Phong châu vào năm 991. Xem Toàn thư B1 tờ 20a3 và Cương mục chính biên 1 tờ 26b1.
(5) Toàn thư B2 tờ 24b3-4 viết: "Thông Thụy năm thứ 3 (1036) tháng 3, đem công chúa Kim Thành gả cho Châu mục Phong châu Lê Thuận Tôn". Ðại Việt sử lược
2 tờ 6b2 gọi công chúa Kim Thành là công chúa Khánh Thành. Lê Thuận Tôn
như vậy là con của Lê Long Ðĩnh và là cháu nội của Lê Hoàn.
(6) Châu mục đây phải là Châu mục Phong
châu, bởi vì tính tập ấm của chức ấy dưới thời Lý. Nếu ông nội của Kiếm
đã giữ chức Châu mục Phong châu và Kiếm lại là chắt ngoại của Lý Công
Uẩn, thì một sự tập ấm như vậy càng dễ dàng, như trường hợp giòng họ
Thân ở Lạng giang.
(7) Toàn thư B7 tờ 40b8 viết:
"Năm Long Khánh thứ 2 đình thí tiến sĩ". Cương mục chính biên 10 tờ 35a2
ghi: "Năm Long Khánh thứ 2 mùa xuân tháng 2 bắt đầu đặt khoa tiến sĩ".
Nhưng cứ truyện Trí Nhàn ở đây thì từ tiến sĩ đã xuất hiện dưới thời Lý
Anh Tôn, nếu không nói khoa tiến sĩ ra đời vào lúc ấy. An nam chí lược 14 tờ 133 có ghi chức cung hầu thư gia thuộc loại quan văn.
(8) Dẫn kinh Kim cang tờ 752b:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
(9) Theo kinh Kim cang lời nói do Ðức Phật
phát biểu ra có năm tính chất đây là tính chân, tính thật, tính đúng,
tính không dối, tính không thần dị. Xem kinh Kim cang tờ 750b27: "Như
Lai ngữ giả thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ
giả, bất dị ngữ giả".
(10) Ðấy là thuyết chính danh của Nho
giáo. Thuyết đấy cho rằng để lập lại trật tự xã hội và phục vụ lợi ích
xã hội, thì người làm vua phải ra làm vua, người làm cha phải ra người
làm cha, người làm tôi phải ra người làm tôi, người làm chồng phải ra
người làm chồng, người làm vợ phải ra người làm vợ v.v… nếu không được
chính danh như vậy, xã hội sẽ loạn lạc, trật tự bị đảo điên.
(11) Tức thuyết tự lợi, lợi tha của
Phật giáo. Trong Phật giáo thường chia làm hai phái, đấy là phái Thanh
văn, và phái Bồ tát. Phái Thanh văn có nghĩa là phái nghe lấy những lời
của Phật Thích Ca Mâu Ni để tu hành nhằm giải phóng những khổ não do
chính bản thân mình và chỉ nhằm sự giải phóng đó thôi. Do thế, có một
phái khác chủ trương phải giải phóng những khổ não của những kẻ khác
nữa, chứ không phải của chính mình. Phái này gọi là phái Bồ tát, tức
phái của những người nhằm sự giác ngộ hoàn toàn.
(12) Hy Di chi lý, tức đạo lý cao siêu. Ðạo đức kinh chương 14 định nghĩa chữ Hy Di thế này: "Xem mà không thấy, gọi là Di; lắng mà không nghe gọi là Hi" Xem Ðạo đức kinh thượng thiên tờ 7b2-3.
62. THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG
(1) Lịch triều hiến chương loại chí
3 tờ 2a7-b1 viết: "Núi Phổ lại tại xã Phổ lại, huyện Quế dương, núi đá
rất cao, ngó xuống dòng sông Lục đầu, cảnh trí khoáng đãng. Trên núi có
chùa Chúc thánh, đó là nơi tu hành luyện tinh của Thiền sư Không lộ.
Thời Trần, vua quan thường hay đến đó ngâm vịnh….". Xem thêm Ðại nam nhất thống chí tỉnh Bắc ninh, mục Sơn xuyên. Nay là núi Phả lại tại xã Phả lại, huyện Quế dương, tỉnh Hà bắc.
Một khi đã xác định vị trí của núi Phả lại như thế thì vị trí của chùa Phù lan tất không thể giới hạn theo Cương mục chính biên
1 tờ 27a4 được, bởi vì theo nó thì "Phù lan là tên một trại, nay là xã
Phù vệ thuộc huyện Ðường hào, tỉnh Hải dương". Ðất của trại Phù lan đời
Lê và Lý, ngoài huyện Ðường hào ra, còn phải ăn thâm lên một phần nào
đất huyện Quế dương và có thể là huyện Chí linh nữa.
(2) Ðại Việt sử lược 2 tờ 10b3-4 viết: "Năm Long Thụy Thái Bình thứ hai (1055) dựng chùa Tĩnh lự ở núi Ðông cứu". Lịch triều hiến chương loại chí
3 tờ 6a1 viết: "Núi Ðông cứu tại huyện Gia định gồm nhiều ngọn núi đứng
thẳng, ngó xuống dòng sông. Trên núi có chùa Thiên thai, cảnh trí cũng
đẹp. Trịnh Dụ Tổ thường đến chơi nơi ấy…". Huyện Gia định năm Minh mạng
thứ 1 (1820) đổi làm huyện Gia bình, nên Ðại nam nhất thống chí,
tỉnh Bắc ninh, mục Sơn xuyên nói: "Núi Thiên thai tại tây bắc huyện Gia
bình 5 dặm, một ngọn đứng cao chót vót, đá đất lẫn lộn, bên cạnh có
những ngọn khác ngó xuống dòng sông. Trên núi có chùa, có thể gọi là đẹp
đẽ. Nó một tên là núi Ðông cứu một tên là núi Ðông cao".
Vị sư Thảo Nhất của chùa này, mà truyện Chân Không đây nói tới, ta hiện không biết một tí gì.
(3) Qui mộc tương giao. Ðiển rút từ
kinh Tạp a hàm: "Trong biển lớn có một con rùa đui, sống lâu vô lượng
kiếp, cứ trăm năm thì ló đầu lên một lần. Lại có một khúc gỗ nổi chỉ có
một lỗ hổng, trôi dạt theo sóng biển, tùy gió mà trôi đông hay trôi tây.
Con rùa mù một trăm năm ló đầu một lần mà gặp lỗ hổng của khúc gỗ đó,
thật là khó thay". Xem Tạp a hàm kinh 16. Xem thêm kinh Niết bàn: "Sinh
ra đời làm người là một chuyện khó. Gặp được thời cũng khó. Giống như
con rùa mù trong biển lớn gặp được một lỗ hổng trên khúc cây". Xem Ðại
bát niết bàn kinh 2.
(4) Tức phải chỉ Thân Ðạo Nguyên, con
của Thân Thiện Thái và công chúa Bình Dương, bởi vì không những Nguyên
đồng thời với Lý Thường Kiệt, mà còn vì vợ của Nguyên là công chúa Thiên
Thành dưới đây cũng đến cúng dường Chân Không. Theo Ðại Việt sử lược
2 tờ 11a7-8 và 15a2 thì Nguyên cũng có tên là Thân Cảnh Nguyên, được Lý
Thánh Tôn chọn làm phò mã năm 1059 và 1066 thì chính thức cưới công
chúa Thiên Thành. Tục tư trị thông giám trường biên 279 tờ 11a gọi
Nguyên là Thân Cảnh Phúc, còn Mộng khê bút đàm 2 thì gọi là Thân Cảnh
Long. Ta chưa hiểu rõ tại sao lại có nhiều sai chạy như vậy. Dẫu sao ,
Nguyên là một trong những vị tướng lãnh có công đầu trong trận chống
quân xâm lược Tống năm 1075.
(5) Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới, khi bước qua dòng nước thấy cái bóng mình mà ngộ đạo, bèn làm bài thơ:
"Thiết kỵ tùng tha mích
Thiều thiều dữ ngã cư
Ngã kim độc tự vãng
Xứ xứ phùng đắc cừ".
(Rất kỵ tìm nơi khác
Cùng ta nó luôn đi
Ta nay riêng tự đến
Nơi nơi đều gặp y)
Xem Truyền đăng lục 15 tờ 321c19. Khái niệm "nơi nơi đều gặp y" là rút từ bài thơ vừa dẫn.
(6) Kiếp hỏa. Thế mạt luận Phật giáo
nói vào lúc hủy diệt, thế giới sẽ bị thiêu rụi bởi một ngọn lửa có sức
nóng bằng bảy mặt trời. Ngọn lửa đấy gọi là kiếp hỏa hay lửa kiếp. Xem A
tỳ đạt ma câu xá luận 12. Quan niệm thế mạt đó sau này Thiền tôn mượn
để đặt thành công án. Công án thứ 29 của Bích nham lục đặt vấn đề thế
này: "Khi lửa kiếp lẫy lừng, vũ trụ thiêu hoại, thì cái gì hoại, cái gì
không hoại?". Xem Bích nham lục 3 tờ 169a 17-18.
(7) Tuổi hạ mà từ Phật học Trung Quốc
gọi là hạ lạp, là một thứ tuổi tính theo tiêu chuẩn tổ chức Phật giáo.
Tuổi ấy bắt đầu tính từ khi một người được chính thức nhận vào tổ chức
Phật giáo của những người xuất gia, thể hiện qua việc người đó chấp nhận
những kỷ luật đầy đủ của một người sống hoàn toàn theo Phật giáo, tức
kỷ luật Tỳ kheo. Chỉ khi nào chấp nhận kỷ luật đó, tức thường gọi là "Cụ
túc giới", tuổi hạ bắt đầu tính.
Mỗi tuổi hạ là tương đương với một tuổi
đời, bởi vì nhận giới Tỳ kheo mỗi năm phải sống cấm túc ba tháng mùa
mưa, còn những tháng khác họ phải đi lang thang hoạt động truyền giáo,
nên nếu ai sống mỗi năm được ba tháng cấm túc đó thì được một tuổi hạ.
(8) Hoàng thái hậu đây tức Linh nhân
Hoàng thái hậu (?- 1117), mẹ của Lý Nhân Tôn. Xem chú thích (3) truyện
Thông Biện. Còn Thiên Thành công chúa (? – 1149) là con của Lý Thánh Tôn
và là vợ của Thân Ðạo Nguyên. Xem chú thích (3) ở trên.
(9) Cả hai bản in đời Lê lẫn bản in đời
Nguyễn đều viết: "Ðệ tử Mậu Nhân ni sư". Nhưng truyện của ni sư ở tờ
67a8 thì nói ni sư tên Diệu Nhân. Chúng tôi nghi chữ Mậu là một sai khác
của chữ Diệu, tỵ húy tên mẹ Trần Thái Tôn là Lê thị Diệu, nên Diệu đổi
làm Mậu.
(10) Kiến văn tiểu lục 4 tờ
13b3-6 chép y nguyên bài thơ, trừ câu thứ 5 mà nó chép thành: "Vân oanh
bích thảo thiêm tân tháp". Về những bàn cãi liên quan tới tác giả bài
thơ này cùng bài thơ ở truyện Quảng Trí xem chú thích (3).
63. THIỀN SƯ ÐẠO LÂM
(1) Cái tên Long Phúc được nhắc tới hai lần trong Thiền uyển tập anh
một ở đây và một ở truyện Y Sơn tờ 70b1. Cứ vào thành phần cấu tạo nên
nó, tức làng Siêu loại và Ðại thông trường, ta có thể xác định phần đất
đó thuộc gồm hai huyện Siêu loại và Gia bình đời Nguyễn, tức huyện Thuận
thành và phần bắc huyện Gia lương, tỉnh Hà bắc hiện nay. Về vị trí là
làng Siêu loại, xem chú thích (1) truyện Thiện Hội về Ðại thông trường.
Xem chú thích (1) truyện Y sơn.
(2) Cương mục tiền biên 2 tờ
10b1-2 nói: ‘Huyện Chu diên đời Hán đặt thuộc quận Giao chỉ, đời Ðường
đổi làm Diên châu, đời Lê là phủ Tam đái, nay tức là đất phủ Vĩnh tường,
tỉnh Sơn tây". Nhưng cả Tùy thơ 21 tờ 7b8 lẫn Cựu Ðường thơ 41 tờ 42b11
đều nói Chu diên là đất quận Vũ bình thời trước. Mà ta đã khảo ra đất
quận Vũ bình rơi vào khoảng tỉnh Hưng yên ngày nay. Xem chú thích (2)
truyện Tịnh Lực. Ngoài ra Nguyên hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 13a1 và
Thái bình hoàn vũ ký 170 tờ 10a5 lại ghi Chu diên ở về phía đông nam,
trị phủ Giao châu, nghĩa là đóng phía nam thành phố Hà nội ngày nay. Chi
tiết này Ðộc sử phương dư kỷ yếu cũng chép y lại. Như vậy Chu diên chắc
phải nằm phía đông nam thành phố Hà nội, nhưng nó gồm phần đất những
huyện nào?
Truyện Ðạo lâm đây nói Lâm "người Cửu cao, Chu diên". Mà cứ Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục
2 có ghi ba người đỗ tiến sĩ xuất thân từ làng Cửu cao "hạt Gia lâm".
Ðây là Trần Văn Bính khoa năm 1505, Vũ Hữu Nghiêm khoa năm 1514 và
Nguyễn Di khoa năm1532. Làng Cửu cao này đến khoảng năm 1685 thì đổi
thành làng Thượng tốn bởi vì khoa năm đó có Ðỗ Công Bật "người hạt
Thượng tốn", đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân đến con của Bật là Ðỗ
Công Ðỉnh cũng là đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa 1706 và Ðỉnh lại ghi
là người làng Thượng tốn hạt Gia lâm. Mà ta biết làng Thượng tốn là
làng Cửu cao đổi ra, vì Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục khi nói Trần Văn Bính là người làng Cửu cao, thì có chua thêm tức làng Thượng tốn.
Như vậy, làng Cửu cao, Chu diên nay là
làng Thượng tốn, huyện Gia lâm tỉnh Bắc ninh. Ðịa phận của Chu diên do
thế phải ăn thâm vào phần đất của huyện Gia lâm tỉnh Bắc ninh. Vùng Chu
diên xưa từ đó có thể gồm phần đất của những huyện Gia lâm, tỉnh Bắc
ninh và huyện Ðông yên, tỉnh Hưng yên ngày nay.
(3) Tức chỉ Phật giáo, bởi vì toàn bộ
tư tưởng Phật giáo được xếp thành hữu tôn, Không tôn và Tánh tôn mà Tánh
tôn lại bao hàm cả hữu lẫn không tôn. Nhưng Tánh tôn và Không tôn lại
bị "các Thiền gia lộn cho là cùng một tôn, một giáo", nên Phật giáo gọi
là không tôn. Xem Tôn cảnh lục 34 tờ 616a6-617a4.
(4) Truyện Tịnh Thiền tờ 68a7 nói: "Ðến
khi Lâm mất rồi, Thiền bèn đi khắp chốn thiền tìm bạn học thêm". Mà
Thiền mất vào năm 1139. Như vậy Lâm tối thiểu cũng phải mất trước năm
đấy chừng mười năm, chứ đâu lại có chuyện mất vào năm 1203, nghĩa là sau
khi Thiền chết những mười năm. Lại thêm vấn đề, niên hiệu Thiên Gia Bảo
Hựu chỉ thấy ở Toàn thư B4 tờ 22b8 và 23a5, trong khi Ðại Việt sử lược
3 tờ 14a1 v.v… viết là Thiên Tư Bảo Hựu. Chúng tôi do thế nghi rằng có
thể người hiệu đính bản in năm 1715 đã sửa thêm niên hiệu Thiên Gia Bảo
Hựu đấy vào, mà là tự nguyên ủy có thể là Thiên Cảm Chí Bảo hay Chính
Long Bảo Ứng. Vấn đề niên đại các vị sư ở đây thật là nan giải. Trừ khi
tìm thêm những bia văn mới, ta mới có thể giải quyết một phần nào.
Chúng tôi hiện biết tính chất ngược
ngạo phi lý của niên đại 1203 đấy, nhưng không thể đề nghị một cách có
căn cứ một niên đại giả thiết nào mới, vì niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu
năm thứ 2 đã nhằm đúng năm can chi của nó, tức năm Quý hợi, như Toàn thư đã có. Dẫu sao, ta phải giả thiết Lâm phải mất trước Thiền khoảng mười năm, tức có thể khoảng năm 1175.
64.NI SƯ DIỆU NHÂN
(1) Tức Phụng Càn Vương, tước của Lý
Nhật Trung do cha là Lý Thái Tôn phong vào năm 1035. Chữ Càn vì húy đời
Trần, nên đổi ra chữ Yết. Toàn thư B6 tờ 30a2-3: "Cửa Cần, trước gọi là
Càn, vì tránh húy nên làm Cần".
(2) Duy ma cật sở thuyết kinh quyển trung tờ 544b21: "Dĩ nhất thiết chúng sanh bệnh, thị cố ngã bệnh".
(3) Kim cang kinh tờ 752a17:
"Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai".
(4) Yến tọa, ngồi tĩnh lặng tư duy. Ở đây
ám chỉ thiền thoại Tu Bồ Ðề yến tọa mà các thiền gia thường nhắc tới như
sau: "Tu Bồ Ðề yến tọa trong một đống đá. Chư thiên mưa hoa tán thán.
Tôn giả hỏi: "Trong hư không làm mưa hoa tán thán là ai đó?" Thiên trả
lời: "Tôi là Phạm Thiên. Tôi tôn trọng Tôn giả khéo nói bát nhã ba la
mật đa". "Ta đối với Bát nhã chưa từng nói một chữ, làm sao ngươi tán
thán?" Thiên nói: "Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nghe,
không nói ấy là một chân thật về Bát nhã". Xem Giáo ngữ lục tờ 680a5.
(5) Toàn thư B3 tờ 16a7-9: "(Hội
Tường Ðại Khánh) năm thứ 4 (1113) mùa hạ tháng 6, phu nhân Châu mục
châu Chân đăng công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên Ngọc Kiều là con gái
lớn của Phụng Càn Vương. Thánh Tôn nuôi trong cung đến lớn, gả cho châu
mục họ Lê Châu chân đăng. Họ Lê chết, cô tự thề ở góa, rồi xuất gia làm
Ni. Ðến đó mất, thọ 72 tuổi. Thần Tôn tôn hiệu là Ni sư".
(6) Bài kệ này Thái tôn hoàng đế ngự chế khóa hư quyển hạ tờ 33b 1-4 có chép và nói là bài kệ khuyên chúng của Trần Thái Tôn:
Sinh lão bệnh tử
Lý chi thường nhiên
Dục cầu giải thoát
Giải phược thiêm triền
Mê nhi cầu Phật
Hoặc nhi cầu thiền
Thiền giả bất cầu
Ðổ khẩu vong ngôn.
Những chữ in nghiêng là khác với chữ trong bản Thiền uyển tập anh
ở đây. Với những chữ khác ấy, chúng tôi nghĩ rằng Trần Thái Tôn đã lấy
lại bài kệ thị tịch của Ni sư Diệu Nhân, rồi đổi một vài chữ, để làm của
mình, nhất là khi quan niệm "nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân" (mỗi hồi
nêu ra, mỗi hồi mới) của các Thiền gia đời Trần đối với các công án cũ
rất là phổ biến. Trần Nhân Tôn, khi có người hỏi sao mình cứ lập lại các
công án cũ của người xưa như thế, đã trả lời: "Nhất hồi niêm xuất, nhất
hồi tân". Xem Thánh đăng lục tờ 4b1-2.
65. THIỀN SƯ VIÊN HỌC
(1) Tức huyện Văn Giang, tỉnh Hưng yên ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Thuần Chân.
(2) Tức làng Như nguyệt, huyện Yên phong, tỉnh Bắc ninh ngày nay. Nó không phải là lộ Như nguyệt giang, Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 ghi làng Như nguyệt như là quê của Hứa Tam Tỉnh tiến sĩ khoa 1558.
(3) Chỉ kinh điển Phật giáo. Nhị giáo
luận của Ðạo An trong Quảng hoằng minh tập 8 tờ 136c11-16 viết: "Cổ cứu
hình chi giáo, giáo xưng vi ngoại, tế thần chi điển, điển hiệu vi nội…
Thích giáo vi nội, Nho giáo vi ngoại".
(4) Tức làng Phù cầm, huyện Yên phong, tỉnh Bắc ninh ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Minh Trí.
(5) Sáu thức tức sáu thứ nhận thức do
sáu giác quan đem lại, đây là nhận thức của mắt, của tai, của mũi, của
lưỡi, của thân và của ý.
(6) Ngô Thông Thiền đây không phải là Cư sĩ Thông Thiền, thầy của Tức Lự, thuộc phái Kiến sơ.
66. THIỀN SƯ TỊNH THIỀN
(1) Tức sáu cái giúp ngừơi ta vượt bến
khổ đau, cũng gọi là ba la mật, đấy là bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh
tấn, thiền định và trí tuệ.
(2) Tức tứ hoằng thệ nguyện, "Bốn thệ
nguyện lớn", đấy là chúng sanh vô số lường thệ nguyện đều độ khắp, phiền
não vô cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch, pháp môn không kể xiết thệ
nguyện đều tu học, Phật đạo không gì hơn thệ nguyện đạt viên thành. Ðấy
là bốn lời nguyện tổng quát của Ðại thừa. Xem Tâm địa quán kinh 7 và
Vãng sanh yếu tập quyển thượng.
(3) Hương bôi, tức chén nước thơm dùng để cúng Phật, cũng gọi là a già bôi, hay ư già bôi, chỉ cho chùa chiền.
(4) Tứ bộ hay tứ chúng, tức bốn thành phần người Phật giáo, đấy là Tỳ kheo, Kỳ kheo ni, Ưu bàtắc và Ưu bà di.
67. THIỀN SƯ VIÊN THÔNG
(1) Cứ Cựu Ðường thư 41 tờ 42b5-8 và
Tân Ðường thư 43 thượng tờ 9b10 thì Nam định là tên một huyện đặt lần
đầu tiên vào năm 621 thuộc Tống châu, mà ngoài nó ra còn gồm hai huyện
khác, đó là Tống bình và Hoằng giáo. Ðến năm sau thì chia huyện Tống
bình thành hai huyện Giao chỉ và Hoài đức. Ðến năm 627 hiệp ba huyện
Giao chỉ, Hoài đức và Hoằng giáo lại thành huyện Tống bình cùng với
huyện Nam định thuộc Giao châu. Thông điển 184 tờ 50a9-13 của Ðỗ Hựu
(735 – 812) nói: "An nam đô hộ phủ nay đóng tại Tống bình". Như vậy, địa
phận Tống bình tức tương đương với phần đất thủ đô hà nội ngày nay với
một phần những huyện ngoại vi của nó thuộc tỉnh Hà đông. Từ đó, phần đất
của huyện Nam định tất cũng phải rơi vào khoảng tỉnh đấy.
Cứ Bắc thành địa dư chí lục 3
thì huyện Thượng phúc, phủ Thường tín, thuộc trấn Sơn nam thượng có một
số tổng xã mang tên Cổ hiền. Làng Cổ hiền của Viên Thông chắc chủ yếu là
rơi vào địa phận tổng Cổ hiền đấy. Tổng có 9 xã thôn sau: Cổ hiền (Thái
công), Cổ hiền (Bảo hiền), Dưỡng hiền, Hưng hiền, Nhụy khê (Thượng đình
nam thôn), Nhụy khê (Hạ thôn), Thụy ứng, Nhân hiền và Nhuệ giang. Với
những tên xã thôn như vậy vào thời Nguyễn thì ta không còn nghi ngờ gì
nữa về vị trí của làng Cổ hiền thời Lý nữa. Trần Văn Giáp trong Lược
truyện các tác gia Việt nam I tr. 190 nói: "hiện có hai làng Cổ hiền,
một thuộc phủ Thường tín, một thuộc huyện Phú xuyên, cùng ở tỉnh Hà
đông". Nhưng nếu tra lại Bắc thành địa dư chí lục 3 thì những
tổng xã thôn của huyện Phú xuyên thời Nguyễn không có tổng xã thôn nào
tên Cổ hiền hết. Do thế, ta có thể dứt khoát xác định là làng Cổ hiền
của Viên Thông là tương đương với tổng Cổ hiền, huyện Thượng phúc, phủ
Thường tín, trấn Sơn nam thượng, tức nay thuộc huyện Thường tín, tỉnh Hà
đông. Chúng tôi nói là tương đương bởi vì tổng Ðông cứu, thuộc huyện
Thượng phúc cũng có thôn tên Cổ hiền.
Ðất Nam định đời Lý như vậy là tương
đương với địa phận huyện Thường tín, tỉnh Hà đông ngày nay. Và làng Cổ
hiền của Viên Thông là thuộc huyện đó.
(2) Phường Thái Bạch của kinh đô Thăng long hiện chưa thể khảo được. Cứ Ðịa dư chí cũng như Bắc thành địa dư chí lục 1
và Phương đình dư địa chí 2 ta không tìm thấy tên Thái bạch giữa những
tên phố trại thuộc thủ đô Thăng long. Phải chăng Thái bạch đời Lý đã bị
đổi thành phường Thái cực, quê hương của Lê Kim Quế tiến sĩ khoa 1580,
mà Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 và Bắc thành địa dư chí lục 1 ghi lại.
(3) Thiền sư Bảo Giác, cha của Viên
Thông đây chắc không phải Bảo Giác chùa Viên minh, vị thầy của Tịnh
Giới, mà truyện Tịnh Giới tờ 33b3 nói tới. Xem chú thích (4) truyện Tịnh
Giới. Bảo Giác cũng không phải là tác giả những tác phẩm Chư Phật tích
duyên sự, Tăng gia tạp lục và Viên Thông tập, như Văn nghệ chí của Lê
Quí Ðôn đã ghi. Văn tịch chí của Phan Huy Chú chỉ ghi Viên Thông tập là
của Bảo Giác thôi.
(4) Những kỳ thi tuyển đấy không thấy các sử sách khác ghi. Xem chú thích (3) truyện Thiền Nham.
(5) Nguyên văn: "Ðại Khánh tam niên.
Những chữ "Ðại Khánh tam" chắc là một sửa sai của người viết tựa cho bản
in năm 1715, bởi vì cứ Toàn thư B3 tờ 25a7 thì năm Thiên Phù
Khánh Thọ thứ 1 (1127) mùa thu tháng 7 ngày Ðinh tỵ khánh thành chùa
Trùng hưng diên thọ". Chùa Trùng hưng diên thọ như vậy khánh thành năm
Thiên Phù Khánh Thọ thứ 1, chứ không phải là vào năm Ðại Khánh thứ 3.
Chữ Ðại Khánh tam niên" chắc là do chữ "Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên"
mà ra. Có lẽ để bản của bản in năm 1715 có những chữ đó bị mờ hay bị
mối mọt ăn, nên nhà nho giữ chức vụ "Chính kỳ khuyết thất, trợ kỳ di
lậu" cho bản in đó đã lầm tưởng những chữ "Thiên Phù Khánh Thọ nguyên
niên" ấy thành "Ðại Khánh tam niên", nhất là khi tự dạng 6 chữ trước rất
giống với 4 chữ sau, một khi chữ phù và chữ thọ đã bị mờ hẳn hay bị mọt
ăn đứt hoàn toàn. Còn lại chữ thiên thì rất dễ đọc thành chữ đại, và
chữ nguyên rất dễ đọc thành chữ tam. Chúng tôi do thế bằng vào Toàn thư và coi năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ 1 là năm khánh thành chùa Trùng hưng diên thọ.
(6) Dẫn Chu dịch: "Quẻ khôn" "Thần thí
kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ do lai tiệm
hỷ". (Tôi giết vua, con giết cha, không phải chuyện một sớm một chiều mà
nguồn gốc nó đã có từ lâu lắm). Xem Chu Dịch 1 tờ 7a1.
(7) Ðền Tây dương này nghi là đền Hai Bà Trưng mà sau này Lý Anh Tôn sai dựng "ở ngoài Tây dương" như Ðại Việt sử lược
3 tờ 7b9 ghi lại. Việc cầu thần linh giữ gìn thai vua này, chúng tôi
nghi là xảy ra vào hạ bán niên năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3, bởi vì đến
tháng 3 năm sau Lý Thiên Tộ sinh, tức Lý Anh Tôn, có lẽ vì có tham dự
vào việc đó nên dưới đây ta thấy nói tới chuyện mời Viên Thông vào thọ
cố mạng. Và việc thọ cố mạng như Lý Thần Tôn giao thì như Toàn thư B3
tờ 41 b2 42a3 đã bị tham tri chính sự Từ Văn Thông cải mạng vì nhận hối
lộ của "ba phu nhân". Thực ra qua việc đi cầu giữ thai trên "ba phu
nhân" đã biết cách tạo dựng phe đảng cho mình và sự lên ngôi của Lý
Thiên Tộ bằng cách kéo Viên Thông đi với mình. Cho nên không phải Từ Văn
Thông trách nhiệm trong việc cải mệnh đó thôi. Nó còn có Viên Thông dù
một phần rất nhỏ đi nữa.
(8) Nguyên văn: Cung xa yến giá. Hợp từ dùng trong truyện Phạm Huy của Sử ky�,
mà Bùi Ân dẫn Ứng Thiệu và Vỹ Chiêu viết: "Ứng Thiệu nói: "Thiên tử
phải ban sáng dậy làm việc sớm, như vừa băng hà, nên gọi nghỉ xe". Vỹ
Chiếu nói: "Hễ vừa mới băng hà thì là muộn giá, vì lòng thần tử còn muốn
nghỉ xe vua đang buộc ngựa nên ra muộn". Xem Sử ky� 79 tờ 9b 13 – 10a1.
(9) Nguyên văn: Cập phụng di chiếu
vương mạc hiến phhó thác đẳng sự. Câu đấy có 3 chữ Vương mạc hiến thật
là khó hiểu. Chúng tôi thấy có một số cách hiểu chúng. Thứ nhất, chúng
tôi coi chữ Vương có khả năng là một khắc thiếu nét của chữ chủ. Coi chữ
hiến có thể là một khắc sai của chữ du. Thứ hai, vì chữ mạc và du đều
có nghĩa tính toán, xắp xếp, mưu tính. Nên cả câu Vương mạc hiến phó
thác đẳng sự có thể đọc dịch thành "Chủ mạc du phó thác đẳng sự" với
nghĩa "chủ trì mọi việc sắp xếp phó thác". Ý nói Viên Thông nhận di
chiếu của Thần Tôn về nên sắp xếp việc gửi gắm Hoàng tử lên kế vị cho
Viên Thông chủ trì.
(10) Thái hậu đây tức Cảm Thánh phu
nhân đời Lê, mẹ của Lý Anh Tôn. Việc Lê phu nhân khen thưởng Viên Thông
tất cũng không có gì là lạ hết, như ta đã thấy ở chú thích (7) trên.
Nhưng điều đáng lạ là không thấy sử sách nào khác ghi lại cả. Ngay cả
việc "nhận cố mạng và phụng di chiếu" cũng không thấy ghi.
(11) Nguyên văn: Thái hậu xưng chế,
Thái hậu đây tức Cảm Thánh phu nhân họ Lê, mẹ Lý Anh Tôn. Còn xưng chế
là một từ dùng chỉ cho việc nhiếp chính thay vua, Bản kỷ của Lữ Cao Hậu
trong Tiền Hán thư nói: "Thái hậu lâm triều xưng chế". Nhan Sư Cổ giải
thích: "Lời nói của Thiên tử, một gọi là chế thư, hai gọi là chiếu thư.
Chế thư tức là những mệnh lệnh về chế độ, chẳng phải chỗ Hoàng hậu có
thể có được. Nay Lữ thái hậu lâm triều làm việc Thiên tử quyết đoán mọi
sự, nên xưng chế chiếu". Xem Tiền Hán thư 3 tờ 1a9-11. Việc nhiếp chính
của Lê Thái hậu, tuy cả Ðại Việt sử lược lẫn Toàn thư không ghi rõ, nhưng khi viết về vụ triều biến năm 1148, Ðại Việt sử lược
3 tờ 4a3-5 đã nói: "Nguyên trước, khi vua còn nhỏ dại, việc triều
chính, không kể lớn nhỏ, đều giao cho (Ðỗ) Anh Vũ, mà Anh Vũ lại tư
thông với Thái hậu, nên càng trở nên kiêu ngạo phóng túng. Ở triều thì
vung tay lớn tiếng sai quan lại thì nhếch mép truyền hơi, mọi người đều
nghé mắt, không dám nói". Ta cũng đủ rõ Lê thái hậu nhiếp chính như thế
nào. Cũng cần thêm là, Lý Anh Tôn lúc lên ngôi mới có 3 tuổi.
(12) Nguyên văn: tam thôn chi phí.
Chúng tôi nghĩ chữ thôn là một chép sai của chữ tài, nên trong hiệu bản
chúng tôi đã sửa tam thôn chi phí thành tam tài chi phí và dịch thành
phí tổn ăn uống". Lý do việc sửa và dịch ấy là như thế này. Thiên Bản vị
của Lã thị xuân thu có chữ "ngũ vị tam tài". Cao Dụ chua rằng: "Năm mùi là mặn, đắng, chua, cay và ngọt, tam tài là nước, củi và lửa". Xem Lã thị xuân thu
14 tờ 4b11-12 Tam tài chi phí do thế có nghĩa là "phí tổn về nước, củi
và lửa" tức là phí tổn về việc ăn uống tiêu dùng hàng ngày tức tổn phí
xây dựng.
(13) Nguyên văn: Thần du, chữ du ở đây
nghi là một nét sai của chữ hàn vì dạng chữ chúng khá giống nhau. Thần
hàn như vậy có nghĩa là (chữ do bút vua viết). Ðiều này có nghĩa chùa
của Viên Thông có được ngự bút của Anh Tôn, để thêm sang quí.
(14) Nghệ văn chí của Lê Quí Ðôn nói:
"Chư Phật tích duyên sự, 30 quyển, thầy Bảo Giác soạn theo lịnh của Lý
Nhân Tôn". Ðương nhiên, Chư phật tích duyên sự không phải của Bảo Giác,
mà là của Viên Thông. Bảo Giác là cha của Viên Thông. Ta không hiểu tại
sao Lê Quí Ðôn lại có thể chép sai như thế. Phải chăng Ðôn đã dùng một
bản thư tịch thiết lập từ trước? Ðây là một có thể, bởi Ðôn có ghi thêm
là Chư Phật tích duyên sự là soạn theo lịnh của Lý Nhân Tôn, một việc Thiền uyển tập anh không nói tới. Văn tịch chí của Phan Huy Chú không thấy ghi tác phẩm này.
(15) Nghệ văn chí ghi: "Tăng gia tạp
lục 50 quyển, thầy Bảo Giác soạn" Văn tịch chí có ghi tác phẩm này,
nhưng không nói tác giả là ai.
(16) Nghệ văn chí và Văn tịch chí đều
ghi: "Viên Thông tập, 2 quyển thầy Bảo Giác soạn. Bảo Giác người Cổ
hiền". Viên Thông tập tức không phải của Bảo Giác mà là của Viên Thông.
Xem chú thích (9) trên.
68. THIỀN SƯ YÊN SƠN
(1) Ðại thông được nhiều sách sử ghi lại. Ðại Việt sử lược 3 tờ 20a4-5 ghi nó như một tên châu và một bến đò. Toàn thư B4
tờ 6b1 nói nó là tên một trấn. Lĩnh ngoại đại đáp 2 tờ 16 bảo nó là tên
một phủ. Nhưng không thấy nơi nào ghi Ðại thông trường cả. Với chữ
trường đi sau nó, Ðại thông đây chắc phải liên hệ với một cửa sông hay
một của bể bởi vì ta thấy những địa danh thời Lý có chữ trường theo sau
thường chỉ liên hệ đó. Chẳng hạn Toàn thư B3 tờ 291 nói: "Năm
Thiên Thuận thứ nhất (1128) mùa xuân tháng giêng ngày Mậu thân Quang
lang trường dâng chín chiếc thuyền của thương gia người Tống dạt tới".
Quang lang trường đây dĩ nhiên không phải ở Lạng sơn mà là ở cạnh cửa bể
Liêm hộ, huyện Thụy anh, tỉnh Thái bình. Bắc thành địa dư chí lục 4 có ghi một làng Quang lang thuộc huyện Thụy anh, trấn Sơn nam hạ.
Từ đó, Ðại thông trường chắc phải liên hệ với bến đò Ðại thông và châu Ðại thông do Ðại Việt sử lược nói tới. Bến đò Ðại thông hay Ðại thông bộ được Ðại Việt sử lược
3 nhắc nhiều lần như ở tờ 21a1, 22a2, 25a2 v.v…Nhưng đặc biệt có hai
lần, mà ta cần chú ý. Một ở tờ 25a3 nói: "Năm Kiến Gia thứ 3 (1213) mùa
xuân tháng giêng ngày Tân dậu (Trần) Tự Khánh, dẫn quân vào trong cấm
thành, đốt cầu Ngoạn thiền, rồi dẫn quân về bến Ðại thông". Và một ở tờ
28a4 viết: "Năm Kiến Gia thứ 4 (1213) mùa hạ tháng 4 Tự Khánh đóng quân ở
bến Ðại thông, xây lũy ở Nghĩa trú". Như vậy một mặt bến Ðại thông phải
cách thủ đô Hà nội không xa lắm. Mặt khác nó phải ở gần địa điểm Nghĩa
trú, để Tự Khánh có thể chỉ huy việc xây lũy. Mà Nghĩa trú hiện nằm tại
huyện Mỹ hà, tỉnh Hưng yên hiện nay. Như vậy bến Ðại thông chắc nằm
khoảng ranh giới huyện Gia lâm với huyện Văn giang, có thể chính tại xã
Xuân lâm, huyện Văn giang, nơi những thượng lưu của sông Nghĩa trú tập
họp lại để chảy xuống sông Kinh cầu. Từ đó, Ðại thông trường tất phải
bao gồm xã Xuân lâm cũng như một vài xã khác quanh vùng tại huyện Văn
giang.
Một khi đã xác định Ðại thông trường như thế, thì châu Ðại thông chắc phải là một bãi đất lồi tại Ðại thông trường. Ðại Việt sử lược
3 tờ 28a5 nói: "Tháng tư năm Kiến Gia thứ 4 (1213) Trần Tự Khánh giết
Phan Lân ở châu Ðại thông trong khi đang ở bến Ðại Thông xây lũy Nghĩa
trú, vì Lân muốn liên kết với Nguyễn Nộn. Nhưng trước đó, vào tháng
giêng năm đó, Khánh giao cho Lân giữ Siêu loại. Do vậy, châu Ðại thông
hẳn phải ở vùng bến Ðại thông và không xa Siêu loại bao nhiêu.
Kết luận đấy hoàn toàn tỏ ra đúng đắn,
khi truyện Y Sơn đây nói Ðại thông trường thuộc Long phúc, mà truyện Ðạo
lâm tờ 66b3 lại nói Long phúc có làng Siêu loại. Từ đó, Long phúc chắc
là tên một quận đời Lý và địa phận nó gồm một phần huyện Siêu loại và
một phần huyện Văn giang, tỉnh Bắc ninh đời Nguyễn, tức một phần huyện
Thuận thành, tỉnh Bắc ninh và phần đất phía bắc huyện Văn giang, tỉnh
Hưng yên ngày nay.
(2) Ðại nam nhất thống chí, tỉnh
Bắc ninh, mục Tăng Thích nói: "Thiền sư Y Sơn, người huyện Gia lâm, nhỏ
thông kinh sử, lại càng giỏi cả sách Phật, có chí lớn, làm lợi người,
đến khi thị tịch, hoa cỏ chim muông đều bi cảm". Rồi chua thêm là: "Nói
rõ trong An nam chí, về thế đại của Thiền sư chưa thể khảo được".
An nam chí mà lời chua nói đến, là tác phẩm của Cao Hùng Trưng, mà bản in ngày nay gọi là An nam chí nguyên do một lầm lẫn. Khảo An nam chí nguyên 3 tờ 210 thì những ghi chú trên của Ðại nam nhất thống chí về Y Sơn quả đã rút ra từ đấy. Ðến lượt mình, An nam chí nguyên
3 tờ 208 nói là mình đã rút tài liệu từ "Cựu chí" và quan báo các nơi
cùng tương truyền của các phụ lão mà những bản hiện còn như An nam chí lược
và Việt kiều thư không thấy sách nào nói đến Y Sơn cả. Phải chăng nó đã
lấy từ những bản đã mất như Giao châu thông chí hay Các châu huyện chí
v.v…? Dẫu rút từ đâu đi nữa, thì những ghi chú trên về Y Sơn cuối cùng
cũng phải rút ra từ Thiền uyển tập anh, bởi vì văn cú giữa chúng
và những chi tiết đều giống nhau. Nếu vậy, tại sao những ghi chú ấy lại
có thể bảo Y Sơn là "người huyện Gia lâm?" đây là vì Sơn hoạt động chính
ở Gia lâm.
(3) Làng Yên lãng này nghi là làng Yên
lãng quê mẹ của Từ Ðạo Hạnh, tức nay là làng Láng ở phía tây ngoại thành
thủ đô Hà nội. Xem chú thích (3) truyện Ðạo Hạnh. Làng này hiện có chùa
Chiêu thiền, nơi thờ Ðạo Hạnh và Lý Thần Tôn, mà Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hà nội, mục Tự quán, nói tới chùa đấy, Bắc thành địa dư chí lục
1 gọi là chùa Yên lãng. Nhưng chưa thấy tài liệu nào, ghi hay nói làng
Yên lãng đấy có chùa Nam mô. Phải chăng làng Yên lãng đây là Yên lãng
thuộc huyện Yên lãng, tỉnh Vĩnh phúc ngày nay? Chúng tôi hiện chưa biết
làng đấy có một ngôi chùa nào tên Nam mô?
(4) Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh
52 tờ 274c29-275a17: "Phật tử bồ tát ma ha tát ưng tri Như Lai thành
chánh giác ư nhất thiết nghĩa, vô sở quán sát, ư pháp bình đẳng, vô sở
nghi hoặc, vô nhị vô tướng, vô hành vô chỉ, vô lượng vô tế, viễn ly nhị
biên, trú ư trung đạo, xuất quá nhất thiết văn tự ngôn thuyết (…), đắc
nhất thiết chúng sanh lượng đẳng thân, đắc nhất thiết tam thế lượng đẳng
thân, đắc nhất thiết Phật lượng đẳng thân, đắc nhất thiết ngữ ngôn
lượng đẳng thân, đắc chân như lượng đẳng thân, đắc pháp giới lượng đẳng
thân, đắc hư không giới lượng đẳng thân, đắc vô ngại giới lượng đẳng
thân, đắc nhất thiết nguyện lượng đẳng thân, đắc nhất thiết hành lượng
đẳng thân, đắc tịch diệt Niết bàn giới lượng đẳng thân".
(5) Hồi hộ bất hồi hộ. Xem Thạch đầu tam đồng khế trong Nhân thiên nhãn mục 5 tờ 327a19.
(6) Nguyên văn: Kiến Gia tam niên Bính tý. Nhưng cứ Ðại Việt sử lược 3 tờ 24b9 và Toàn thư B4 tờ 30b6 thì Kiến Gia tam niên là năm Quí dậu, chứ không phải năm Bính tý. Bính tý thì phải là Kiến Gia lục niên, như Ðại Việt sử lược và Toàn thư đã
có. Chúng tôi nghĩ, chữ tam là một viết lộn của chữ lục, một việc rất
dễ xảy ra, và đề nghị sửa lại thành Kiến gia lục niên, như bản dịch đã
có.
69. THIỀN SƯ THẢO ÐƯỜNG
(1) An nam chí lược 15 tờ 147
viết: "Thảo Ðường theo Sư phụ đến sống khách ở Chiêm thành. Xưa Lý Thánh
Vương đi đánh Chiêm thành, bắt được, đem cho vị Tăng lục làm đứa ở. Vị
Tăng lục viết Ngữ lục, để trên bàn mà đi, Sư lén sửa lại. Vị Tăng lục
lấy làm lạ về đứa ở, đem tâu vua. Vua bèn phong làm Quốc sư".
An nam chí nguyên 3 tờ 209 viết:
"Thiền sư Thảo Ðường, rất có đạo hạnh, biết rành sách Phật, vua Lý tôn
làm thầy, sau ngồi thẳng mà mất". Vua Lý đây tức Lý Thánh Vương của An nam chí lược mà Lý Thánh Vương đấy tức Lý Thánh Tôn. Cứ Ðại Việt sử lược 2 tờ 13b3-14a8 và Toàn thư B3
tờ 4b7-5a2 thì suốt đời mình Lý Thánh Tôn chỉ đi chinh phạt Chiêm thành
một lần vào năm Thần Vũ thứ nhất (1069). Việc bắt được Thảo Ðường chắc
chắn xảy ra vào năm đó. Còn Thảo Ðường được phong làm Quốc sư có lẽ vào
năm 1070, hay cùng lắm là năm 1071, bởi vì đầu năm 1072, tức tháng giêng
năm Thần Vũ thứ 4, Lý Thánh Tôn bị bệnh nặng rồi mất luôn. Vị Tăng lục,
ngày nay ta chưa biết đích xác là ai. Rất có thể là Huệ Sinh, lúc bấy
giờ đã làm Tăng Thống và theo Việt điện u linh tập, đã có tham dự vào cuộc viễn chinh Chiêm thành ấy.
Ðạo giáo nguyên lưu quyển thượng
tờ 15b10 viết Thiền sư Thảo Ðường rất có đạo hạnh, tinh thông kinh
điển, Vua Lý tôn làm thầy, sau ngồi kiết già mà mất". Tây hồ chí,
tập Tự am, dưới mục chùa Khai quốc và chùa Vạn niên, nói Thảo Ðường họ
Lý, và nơi cư trú của Ðường không phải chỉ có chùa khai quốc, mà có cả
chùa Vạn tuế, tức Vạn niên nữa.
(2) Về chùa Khai quốc, xem chú thích (1) truyện Vân Phong.
(3) Tức Thiền sư Trùng Hiển (980 –
1052) núi Tuyết đậu tại châu Ninh, Trung Quốc, đệ tử của Trí Môn Quang
Tộ thuộc phái Vân môn. Xem Tục Truyền đăng lục 2 tờ 475a9-476a25 và Tuyết đậu minh giác ngữ lục.
70. HOÀNG ÐẾ LÝ THÁNH TÔN
71. THIỀN SƯ BÁT NHÃ
(1) Tức Nguyễn Bát Nhã, đại diện cho thiền phái Thảo Ðường, mà Quách Thần Nghi khi xem xong Chiếu đối bản của Thông Biện và Nam tôn tự pháp đồ của
Thường Chiếu đã hỏi Chiếu: "Sao không thấy nói tới hai phái Nguyễn Ðại
Ðiên và Nguyễn Bát Nhã?" Chiếu trả lời: "Ắt Thông Biện có một ức ý nào
đó".
(2) Chùa Từ quang, Phúc thánh này rất có thể là chùa Phúc thánh mà Toàn thư B4 tờ 5b4 nói là dựng vào năm Ðại Ðịnh thứ 5, tức năm 1154, cùng với chùa Vĩnh long.
(3) Tức huyện Ðan phụng, tỉnh Hà đông hiện nay. Làng Dịch vương, sau này gọi là Dịch vọng của Hà nội ngày nay.
72. CƯ SĨ NGỘ XÁ
(1) Làng Bảo tài cũng như Long chương, hiện chưa có thể khảo được.
73. THAM CHÁNH NGÔ ÍCH
74. THIỀN SƯ HOẰNG MINH
(1) Làng Yên lãng đây nghi làng Yên
lãng hay làng Láng tại ngoại thành Hà nội, quê của mẹ Từ Ðạo Hạnh. Xem
chú thích (3) truyện Ðạo Hạnh. Nhưng Toàn thư B2 tờ 20b1-2 viết:
"Năm Thiên Thành thứ 3 (1030) mùa đông tháng mười được mùa lớn, vua đi
xem gặt ở ruộng Ô lộ, đổi tên ruộng là Vĩnh hưng. Ngày đó vua về cung". Cương mục chính biên 2 tờ 35b6 chú rằng: "Ô lộ, Vĩnh hưng, chưa rõ đích xác chỗ nào. Xét huyện Ðông yên, tỉnh Hưng yên, nghi là đó". Khảo Bắc thành địa dư chí lục
3 về những tên xã của tổng Vĩnh hưng cũng như của huyện Ðông yên, ta
không thấy có xã thôn nào tên Yên lãng cả, tuy có những tổng xã mang tên
Yên cảnh, Yên lịch, Yên vĩ, Yên viên. Do thế không phải là không có thể
làng Yên lãng của Vĩnh hưng ở tại vùng huyện Ðông yên, tỉnh Hưng yên
đấy. Thêm vào, truyện Cửu Chỉ nói núi Long đội ở Yên lãng. Như vậy, làng
Yên lãng đời Lý có thể gồm cả phần đất phía đông của huyện Duy tiên, Hà
nam nữa.
75. THIỀN SƯ KHÔNG LỘ
(1) Tức chùa Thần quang hay chùa Keo tại xã Dũng nghĩa, huyện Giao chỉ, tỉnh Thái bình. Xem chú thích (1) truyện Không Lộ.
76. THIỀN SƯ ÐỊNH GIÁC
77. THÁI PHÓ ÐỖ VŨ
(1) Có thể là Ðỗ Anh Vũ (? – 1158), Nhưng cứ Ðại Việt sử lược 3 tờ 3a4 thì năm Thiệu Minh thứ 3 (1139) Ðỗ Anh Vũ đã giữ chức Thái uý. Theo Toàn thư B4
tờ 1b1 thì năm sau, tức năm Ðại Ðịnh thứ nhất (1140) "lấy Ðỗ Anh Vũ làm
Cung điện lịnh trị nội ngoại sự", nhưng không bao giờ thấy nó ghi thêm
một tước gì cho Ðỗ Anh Vũ cả. Dẫu thế, việc Ðỗ Anh Vũ giữ chức Thái uý
khoảng từ năm 1139 trở đi là một chắc chắn. Và cứ An nam chí lược 14 tờ 133 thì Thái úy phải là chức trên Thái phó. Do thế, chưa chắc Thái phó Ðỗ Vũ là Thái uý Ðỗ Anh Vũ.
78. THIỀN SƯ PHẠM ÂM
(1) Tức địa phận tỉnh Thanh oai, tỉnh
Hà đông hiện nay. Làng Thanh oai này, chúng tôi nghi là tương đương với
làng Trung thanh oai do Bắc thành địa dư chí lục 3 liệt ra, bởi
vì, làng đấy lúc bấy giờ có ba thôn, trong đó hai thôn mang tên Xa la và
An xá. An xá và Xa la đây chắc là một phân xã của tên An la. Có thể An
xá và Xa la thời Lý là phủ trị của An la, và chúng là một chứng tích cho
sự có mặt đó.
(2) Thiệu Minh đây nghi là Hoằng Minh chép sai.
79. HOÀNG ÐẾ LÝ ANH TÔN
80. THIỀN SƯ ÐỖ ÐÔ
81. THIỀN SƯ TRƯƠNG TAM TẠNG
82. THIỀN SƯ CHÂN HUYỀN
83. thái phó đỗ thường
(1) Ðại Việt sử lược 3 tờ 24a6
nói trong lần lánh nạn năm 1112, Lý Huệ Tôn "đã đến nhà của Ðại liêu ban
Ðỗ Thường ở Ðông ngạn". Ðại liêu ban dĩ nhiên là một tên gọi khác của
Thái phó. Do sắc lịnh năm Ðại định thứ 20 (1159) của Lý Anh Tôn thiết
định, mà Ðại Việt sử lược 3 tờ 6b3 đã ghi lại. Do đó Ðại liêu ban
Ðỗ Thường cũng là Thái phó Ðỗ Thường. Chỉ có vấn đề là chữ thường của
Ðại liêu ban Ðỗ Thường, thông thường thì vẫn có thể đọc như chữ thường,
nhưng cũng có thể đọc thành chữ thưởng. Vì vậy, Ðại liêu ban Ðỗ Thường
rất có thể là Ðại liêu ban Ðỗ Thưởng chứ không phải Thái phó Ðỗ Thường.
Dầu sao đi nữa, chúng tôi vẫn nghĩ Ðại liêu ban Ðỗ Thường hay Thưởng là
Thái phó Ðỗ Thường ở đây. Thế hệ này, nguyên bản ghi có bốn người, nhưng
chỉ liệt kê tên của ba người
(2) Nguyên văn: Tự Kiến sơ Tịnh …thiền
sư. Như vậy ta chỉ biết "nối dõi Thiền sư Tịnh… của phái Kiến sơ". Chúng
tôi ghi thêm là Tịnh Giới, bởi nghĩ rằng thế hệ của Ðỗ Thường còn có
những người như Trương Tam Tạng được coi là đệ tử của Ðịnh Giác, tức
Giác Hải của phái Kiến sơ. Cho nên nếu bảo Thường là một đệ tử của một
Tịnh gì đấy của phái Kiến sơ thì có lẽ không sai mấy khi ta đi tìm trong
thế hệ của Giác Hải có một người nào tên Tịnh gì đấy không. Nhưng thế
hệ Giác Hải có đến ba người có tên bắt đầu bằng chữ Tịnh, đấy là Tịnh
Không(1091-1170), Tịnh Lực (1112 – 1175) và Tịnh Giới (1140?- 1207).
Chúng tôi chọn Tịnh Giới, không những vì Giới có một đời sống phù phép
không kém gì Không Lộ và Giác Hải, mà còn vì truyện Tịnh Giới nói "Có
nơi nói Giới ở chùa Quốc thanh, Hải thanh", nghĩa là Giới đến từ một
chùa và một vùng với Không Lộ và Giác Hải.
84. THIỀN SƯ HẢI TỊNH
(1) Ðạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ
15b5-6 dưới mục Tuyết đậu truyền pháp, viết: "Kinh đô Thăng long, chùa
Khai quốc Ðại sư Thảo Ðường, từ đó truyền tôn phái Tuyết đậu làm đời thứ
nhất. Ðời thứ hai truyền cho Bát Nhã. Ðời thứ ba truyền cho Hoằng Minh.
Ðời thứ tư truyền cho cho bốn vị tổ, danh hiệu chưa rõ. Ðời thứ năm
truyền cho Chân Huyền. Ðời thứ sáu truyền cho Hải Tịnh".
Nói như thế, chứng tỏ rằng khi An Thiền
viết và in xong Ðạo giáo nguyên lưu khoảng năm 1845, ông chưa có "Cựu
bản chùa Tiêu sơn" của Thiền uyển tập anh, mà sau này vào năm 1859 ông đã in thành quyển thượng của bộ Ðại nam Thiền uyển truyền đăng của ông. Thế thứ lưu truyền của phái Thảo Ðường do ông liệt, do thế có thể rút từ những tài liệu khác với Thiền uyển tập anh ở đây và vì vậy có một giá trị kiểm chứng nào đó.
85. HOÀNG ÐẾ LÝ CAO TÔN
86. XƯỚNG NHI QUẢN GIÁP NGUYỄN THỨC
87. PHỤNG NGỰ PHẠM ÐẲNG