Chương XXXX: Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ
SINH VIÊN VÀ HỌC SINH ĐỨNG DẬY
Sáng
ngày 21.8.1963,sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, tổng thống Ngô
Đình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được thiết lập
trên toàn lãnh thổ vì Cộng quân đã xâm nhập vào các châu thành thủ đô
Sài Gòn. Ông cũng cho các vị bộ trưởng hay về việc đánh chiếm các chùa
và bắt giữ “bọn tăng ni làm loạn”.
Bộ
trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã
man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường
mình và gửi thư từ chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao. Rồi ông bôn ba tìm các
vị khoa trưởng và các vị giáo sư đại học đồng nghiệp cũ của ông, vận
động thành lập Phong trào Trí Thức Chống Độc Tài. Hành động quả cảm của
ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho sinh viên và học sinh bùng cháy trong
toàn quốc. Sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ bãi khóa ngay trong buổi
chiều 21.8.1963. Giáo sư Lê Sĩ Ngạc của Trung Tâm đứng lên tán đồng lập
trường của sinh viên và lên án chính sách tàn bạo của chính quyền.
Chiều
ngày 22.8.1963 khoa trưởng Y Khoa Sài Gòn là bác sĩ Phạm Biểu Tâm gửi
đơn từ chức. Ông bị bắt giam và ngày hôm sau 23.8.1963, nghe tin ông bị
bắt, tất cả sinh viên Y Khoa kéo nhau đến trường. Họ bàn tính kế hoạch
chia nhau từng nhóm nhỏ đi thuyết phục các vị khoa trưởng và giáo sư các
khoa từ chức. Đồng thời họ bàn luận kế hoạch vận động thành lập một Ủy
Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa. Chiều hôm ấy Ủy ban này được thành lập,
do sinh viên Tô Lai Chánh đứng đầu làm chủ tịch. Ủy ban gồm có mười tám
sinh viên. Đại diện cho Dược Khoa có cô Lê Thị Hạnh; Y Khoa: Đường
Thiệu Đồng; Văn Khoa: Lâm Tường Vũ; Kiến Trúc: Nguyễn Hữu Đồng; Công
Chánh: Nguyễn Thanh; Sư Phạm: Nguyễn Văn Vinh; Luật Khoa: Tô Lai Chánh.:
Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa phát động phong trào bãi khóa: sinh
viên các trường Y Khoa, Luật Khoa, Dược Khoa, Mỹ Thuật v.v… theo gót
sinh viên Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ lần lượt bãi khóa. Trong thời gian
vài tuần lễ, phong trào bãi khóa lan tới tất cả các cấp trung học toàn
quốc.
Sáng
ngày 24.8.1963 trên ba ngàn sinh viên và học sinh tụ tập tại trường
Luật Khoa Sài Gòn để tiếp giáo sư Vũ Văn Mẫu. Họ vây quanh ông Mẫu, hoan
hô ông vang dội. Đồng thời Ủy Ban Chỉ Đạo tung ra một bản tuyên ngôn mà
họ đã biểu quyết ngày hôm qua, 23.8.1963, yêu cầu chính quyền:
1- Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
2- Trả tự do cho tăng ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện giam giữ.
3- Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo.
4- Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Bản
tuyên ngôn kết thúc bằng những câu sau đây: “Sinh viên và học sinh Việt
Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho bốn nguyện vọng
khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh
cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ Quốc”.
Dưới bản tuyên ngôn, danh từ Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Liên Khoa được đổi thành Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Và Học Sinh.
Chỉ trong vòng ba hôm sau ngày đánh úp các chùa, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động thủ đô Sài Gòn.
Ngày
25.8.1963 ba trăm sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường
Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cuộc biểu tình này được tổ chức một
cách tài tình bởi vì trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi trong thủ đô
đều có các đơn vị võ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn.
Từng nhóm nhỏ sinh viên và học sinh đã do nhiều ngã đường đi tới: vào
khoảng mươi giờ sáng đột nhiên biểu ngữ được tung ra trước chợ Bến Thành
và cuộc biểu tình thành hình. Các trung đội Cảnh Sát Chiến Đấu gần đó
được tin liền kéo tới đàn áp. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Một em
nữ sinh tên Quách Thị Trang bị trúng đạn tử thương(195). Một số sinh
viên trốn thoát được. Một số bị thương. Khoảng 200 người bị bắt giữ. Tử
thi Quách Thị Trang bị mang đi mất. Ngay chiều hôm đó chính quyền đô
thành ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào
bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.
Sau
cuộc biểu tình ngày 24.8.1963, sinh viên và học sinh đã trở thành đối
tượng khủng bố và đàn áp của chính quyền. Các phân khoa đại học và các
trường trung học lớn tại Sài Gòn đều được giây thép gai và những hàng
rào cảnh sát để gác. Để đáp lại biện pháp này, sinh viên và học sinh tổ
chức bãi khóa. Họ còn vận động với các giáo sư của họ gửi thư từ chức.
Ngày
7.9.1963, học sinh các trường trung học công lập Gia Long, Trưng Vương
và Võ Trường Toản tổ chức mít tinh bãi khóa ngay tại sân trường của họ.
Họ không vào lớp mà kê bàn tại ngoài sân để đứng lên diễn thuyết, tố cáo
tội ác của chế độ. Biểu ngữ được họ viết lên trên các bức tường hoặc
trên những tấm bia lớn mà họ giăng lên khắp nơi.
Học
sinh các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản định tổ chức biểu tình
diễn hành, nhưng vừa ra khỏi cổng trường họ liền bị cảnh sát đàn áp.
Cuộc xung đột tại cổng trường trung học Chu Văn An là một trường nam
sinh, nổi tiếng là tranh đấu ác liệt nhất với cảnh sát(196). Ta cũng nên
nhớ là ba trường đi tiên phong cho phong trào bãi khóa và tranh đấu của
học sinh có tới hai trường nữ trung học: đó là Trưng Vương và Gia Long.
Số
học sinh các trường trung học tại Sài Gòn bị bắt giữ lên tới hai ngàn.
Tại các tỉnh, học sinh các trường công lập và tư thục cũng đứng lên
tranh đấu tương tự.
Trong
lúc đó, trên đài phát thanh Sài Gòn, chính quyền kêu gọi phụ huynh học
sinh kiểm soát con cái mình đừng cho chúng “mắc mưu Cộng sản”. Ông Phan
Văn Tạo, tổng giám đốc Thông Tin mở cuộc họp báo đưa hai thiếu nhi 15 và
16 tuổi để hai em này tự nhận là Cộng Sản xúi dục đồng bạn đi biểu
tình. Cuộc họp báo này không chinh phục được ai bởi vì trong thâm tâm
các bậc phụ huynh đều biết vì lý do gì mà con cái mình tham dự vào cuộc
tranh đấu. Dưới sự đàn áp của bạo quyền, đất nước mang một bộ mặt rách
nát, tả tơi. Vấn đề không còn là vấn đề thành bại của cuộc tranh đấu
Phật giáo. Vấn đề là vấn đề sinh mệnh và thể diện của cả một dân tộc.
Một bầu không khí u uất nặng trĩu đè nặng lên cả trên một đất nước.
Không những dân chúng mà đến quân đội và nhiều thành phần trong lực
lượng chính quyền và cảnh sát cũng cảm thấy áp lực nặng nề và u uất đó.
PHẬT GIÁO THUẦN TÚY
Liền
ngay sau khi tấn công các chùa trong toàn quốc, chính quyền đưa ra một
tổ chức là Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy. Người chủ chốt này là
thiền sư Nhật Minh ngày trước đã từng là học viên của một khóa tu nghiệp
cho các vị trú trì được Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tổ chức tại chùa
Tuyền Lâm ở Chợ Lớn. Mục đích của Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy
là tạo ra một hình ảnh Phật giáo không chống đối chính quyền và được
sống an lành trong sự che chở của chính quyền. Vì thiền sư Nhật Minh
không có một khuôn mặt có kích thước lớn nên chính quyền, qua trung gian
của một vài người phật tử thân chính quyền như bà Võ Văn Vinh và ông
Đoàn Trung Còn, đã tìm cách thuyết phục được thiền sư Thiện Hòa đứng tên
vào Ủy Ban. Hứa hẹn rằng Ủy Ban sẽ có uy lực can thiệp để chính quyền
thả tự do cho toàn thể tăng ni và cư sĩ đang bị bắt giam. Nóng lòng về
việc “giải cứu chư tăng” thiền sư Thiện Hòa nhận lời và sau đó chính
quyền đã phóng thích một số tăng ni và phật tử mà họ cho là vô hại và
không có tính cách chủ chốt trong cuộc tranh đấu. Việc chấp thuận để tên
mình trong Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Thuần Túy có lẽ là vết tì duy
nhất trong cuộc đời hành đạo của thiền sư Thiện Hòa. Ta cũng nên biết là
trong thời gian này tất cả những đạo lữ và cố vấn của thiền sư Thiện
Hòa đều đang bị chính quyền giam giữ. Tuy chính quyền đã để cho đại lão
thiền sư Tịnh Khiết về chùa Ấn Quang, nhưng tất cả các thiền sư phụ tá
cho người đều còn bị giam cầm.
NGỌN LỬA QUẢNG HƯƠNG
Trong
khi ấy, cuộc tranh đấu của các giới vẫn được tiếp tục. Các cuộc biểu
tình của thanh niên và phụ nữ tổ chức vào ngày cuối của tháng Chín tại
Sài Gòn chứng tỏ rằng cuộc tranh đấu vẫn còn được tiếp tục.
Vào
giữa trưa ngày 5.10.1963, thiền sư Quảng Hương châm lửa tự thiêu trước
tại chợ Bến Thành, để lại một huyết thư cảnh giác tổng thống Ngô Đình
Diệm.
Ngọn
lửa Quảng Hương chứng tỏ cho thế giới thấy rằng vấn đề Việt Nam vẫn còn
đó nguyên vẹn, và đồng thời vô hiệu hóa tất cả những hình thái giả
trang của chính quyền. Những giả trang nhằm đánh lừa dư luận quốc tế,
gây cảm tưởng là cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ tại Việt Nam đã kết
liễu.
Thiền
sư Quảng Hương năm ấy ba mươi bảy tuổi, tên đời là Nguyễn Ngọc Kỳ; ông
sinh năm 1926 tại Phú Yên. Ông xuất gia năm 1943, thọ đại giới năm 1949
rồi trú trì chùa Liễu Sơn. Năm 1950 ông vào thụ huấn Phật viện Nha Trang
và đến năm 1959 được cử làm giảng sư tại tỉnh hội Phật Giáo Ban Mê
Thuột. Ông hành đạo tại đây cho tới ngày ông vào châm lửa tự thiêu tại
chợ Bến Thành ở Sài Gòn.
PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC TỚI SÀI GÒN
Sáng
ngày 7.1.1963 tại Nữu Ước, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp
về tình hình Việt Nam. Cũng vào sáng hôm đó, tại Trung Tâm Tôn Giáo
(Church Center for the United Nations) trong Carnegie Hall, gần bên
phòng của đại hội, thiền sư Nhất Hạnh họp báo nhân danh Ủy Ban Liên Phái
Bảo Vệ Phật Giáo để nói rõ về nhu cầu gửi một phái đoàn sang điều tra
về tình trạng nhân quyền bị vị phạm tại Việt Nam. Sau cuộc họp báo, ông
bắt đầu một cuộc nhịn ăn. Cuộc nhịn ăn này được kéo dài tới ngày
12.10.1963.
Một
phái đoàn 7 người được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cử do ông Abdul
Rahman Pazhawak đại diện A Phú Hãn cầm đầu, có nhiệm vụ qua Việt Nam
điều tra tình trạng chính quyền và Phật giáo. Trước khi lên đường, phái
đoàn đã được thiền sư Nhất Hạnh chỉ dẫn sơ lược về những phương pháp để
có thể thu nhập được những sự kiện chính xác về tình trạng Việt Nam và
qua mắt được những giả trang của chính quyền Sài Gòn(197). Phái đoàn rời
Nữu Ước vào ngày 21.10.1963 và tới phi cảng Tân Sơn Nhất vào nửa đêm
rạng ngày 24.10.1963.
Tại
Sài Gòn, tổ chức bí mật của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tìm mọi
cách để liên lạc với Phái Đoàn. Ủy Ban đã tìm cách đưa được vào cho ông
trưởng đoàn một lá thư của đại lão thiền sư Tịnh Khiết ngay hôm đầu tiên
phái đoàn tới cư trú tại khách sạn Hoàn Mỹ, dù khách sạn đã được công
an và mật vụ canh gác một cách nghiêm mật. Ngày 27.10.1963, phái đoàn
tuyên bố đi điều tra tại Thủ Đức nhưng đã bất ngờ tới chùa Ấn Quang để
tiếp xúc với thiền sư Tịnh Khiết. Trong cuộc tiếp xúc này, phái đoàn đã
yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi phòng họp và chỉ để thiền sư một mình
tiếp xúc với phái đoàn.
NGỌN LỬA THIỆN MỸ
Đúng
vào mười giờ sáng hôm ấy, thiền sư Thiện Mỹ châm lửa tự thiêu trước nhà
thờ Đức Bà tại Sài Gòn. Thiền sư Thiện Mỹ tên đời là Hoàng Miều sinh
năm 1940 tại Bình Định. Ông xuất gia từ hồi bé thơ, thọ giới sa di năm
mười sáu tuổi và thọ đại giới năm hai mươi tuổi. Ông từ Đà Lạt vào Sài
Gòn vào giữa tháng mười năm 1963 và cư trú tại chùa Vạn Thọ. Ông đã định
tự thiêu tại chùa Ấn Quang trước đó nhưng sau vì cảnh sát và mật vụ
biết trước nên ông lại thôi.
Ông
châm lửa tự đốt mình vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày chủ nhật 7.10.1963
ngay tại trước nhà thờ Đức Bà nên lúc phát giác ngọn lửa, nhiều đồng bào
Công giáo đã từ trong nhà thờ chạy ra chứng kiến. Những phật tử đi
ngang cũng đã bao quanh lại. Hoảng hốt họ không biết làm gì nên dùng nón
để quạt lửa, nhưng càng quạt thì ngọn lửa càng lớn. Một số ký giả ngoại
quốc có lẽ vì được thông báo trước đã tìm tới để chứng kiến cảnh tượng.
Phim và máy hình của họ đã bị cảnh sát giật đi. Cảnh sát chạy tìm được
một cái mền đem phủ lên người thiền sư Thiện Mỹ. Cái mền bốc cháy. Thấy
thế cảnh sát liên giật mền và kéo ngã vị thiền sư đang tự thiêu. Thiền
sư Thiện Mỹ gượng ngồi trở lại trong tư thế kiết già. Thoáng thấy những
người chung quanh đang dập đầu đảnh lễ, ông chắp hai tay vái họ và cố
ngồi vững chãi giữa ngọn lửa hồng. Mười phút sau, ông ngã ra. Lúc ấy xe
cứu hỏa mới ào tới xịt nước. Lúc bốn người trong Phái Đoàn Điều Tra của
Liên Hiệp Quốc tới được thì xe cứu hỏa vẫn còn xịt nước để xóa bỏ những
dấu tích của vụ tự thiêu; trong khi đó đồng bào đang tụ họp lại thành
một cuộc biểu tình.
Thiền
sư Thiện Mỹ có để lại bốn bức thư: một cho tổng thống Ngô Đình Diệm,
một cho thiền sư Tịnh Khiết, một cho ông U Thant và một cho Phật giáo
đồ.
Ngọn lửa tự thiêu và Thích Thiện Mỹ là ngọn lửa cuối cùng làm sụp đổ bạo quyền.
CUỘC ĐẢO CHÍNH NGÀY 1.11.1963
Phái
đoàn Liên Hiệp Quốc chưa hoàn tất được việc điều tra thì ngày 1.11.1963
một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Sài Gòn: Quân đội Việt Nam Công Hòa đã
đứng dậy lật độ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cuộc
đảo chính này được chuẩn bị từ cuối tháng Bảy nhưng mãi đến đầu tháng
Mười một mới thực hiện được bởi các tướng lãnh trong quân đội đã gặp
nhiều khó khăn.
Chính quyền Ngô Đình Diệm biết rằng lòng dân căm phẫn cho nên đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng để ngăn ngừa những âm mưu đảo chính.
Trước
hết, chính quyền ra lệnh thuyên chuyển các tướng lãnh tư lệnh các Vùng
Chiến Thuật. Tướng Tôn Thất Đính từ Vùng Hai được đem về Vùng Ba. Tướng
Huỳnh Văn Cao về Vùng Bốn. Tướng Nguyễn Khánh về Vùng Hai. Tướng Đỗ Cao
Trí về Vùng Một. Những tướng bị nghi ngờ thì được triệu về Sài Gòn giữ
những chức vụ không có quân trong tay. Tướng Trần Văn Đôn làm cố vấn
quân sự cho Phủ Tổng Thống. Tướng Dương Văn Minh cũng vậy. Hai lực lượng
hùng hậu nhất mà chính quyền tin cậy là Lực Lượng Đặc Biệt do trung tá
Lê Quang Tung làm tư lệnh và Lữ Đoàn Liên Minh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ
mà chủ lực đóng tại thành Cộng Hòa, Dinh Gia Long, nơi cư ngụ của tổng
thống và cố vấn, cũng được bố phòng rất chặt chẽ và có đủ sức chống lại
chiến xa của quân đảo chính ít nhất là trong mười hai giờ.
VAI TRÒ CỦA NHỮNG CẤP CHỈ HUY TRẺ TRONG QUÂN ĐỘI
Những
vị tướng lãnh đầu tiên nghĩ đến chuyện đảo chính là Trần Văn Đôn, Lê
Văn Kim và Dương Văn Minh. Nhóm tướng lãnh này chuẩn bị cuộc đảo chính
rất kỹ lưỡng, có thể nói là chậm chạp nữa. Áp lực trong quần chúng và
trong quân đội rất lớn, những các tướng vì sợ thất bại như những lần đảo
chính trước nên đã chần chừ rất nhiều. Một mặt họ muốn Hoa Kỳ cam kết
là không xen vào phá hoại chương trình của họ, một mặt họ lại không tin
lời cam kết của Hoa Kỳ, sợ Hoa Kỳ phản bội vào giờ chót.
Nên
biết rằng lúc này dư luận thế giới và dư luận dân chúng Hoa Kỳ đã nổi
lên chống chế độ Ngô Đình Diệm kịch liệt và Hoa Thịnh Đốn đã hết hy vọng
làm áp lực được cho chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bản Thông Cáo
Chung hoặc trục xuất hai vợ chồng ông cố vấn Ngô Đình Nhu ra khỏi chính
quyền. Theo tài liệu mật Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ có ý muốn ủng hộ một cuộc
đảo chính tại Sài Gòn để diệt trừ ông Ngô Đình Nhu. Cũng theo tài liệu
này, tình báo C.I.A. báo cáo có ít ra là mười nhóm âm mưu đảo chính.
Chính những nhóm tướng tá trẻ trong quân đội đã làm áp lực cho các tướng
lãnh cấp cao ngồi lại với nhau để nói chuyện lật đổ chính quyền. Các
nhóm tướng trẻ này thấy các tướng lãnh cấp cao chần chờ lâu quá nên đã
tự động sắp xếp kế hoạch cấp tốc và liều lĩnh để mau đạt được mục đích.
Tướng Dương Văn Minh cầm đầu cuộc đảo chính đã chần chừ khá lâu trong
thời gian từ giữa tháng Chín đến đầu tháng Mười, một phần vi nghi kỵ Hoa
Kỳ, một phần vị sợ cuộc chính biến sẽ làm đổ máu nhiều quá. Sự hình
thành của những nhóm đảo chính trẻ đã thúc đẩy các tướng lãnh rất
mạnh(198).
CÁC TƯỚNG LÃNH NGỜ VỰC HOA KỲ
Từ
sau ngày chính quyền càn quét các chùa, đại sứ Henri Cobot Lodge can
thiệp để đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (V.O.A.) cải chính tin đã loan báo rằng
quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tham dự vào việc càn quét chùa chiền
20.8.1963 như chính quyền ông Diệm đã phao vu.
Tướng
Dương Văn Minh lại còn yêu cầu Hoa Kỳ tuyên bố ngưng viện trợ chính
quyền Ngô Đình Diệm để tỏ thiện chí sẽ không phá hoại âm mưu đảo chính.
Cũng vì vậy từ hồi tháng Tám. Hoa Thịnh Đốn đã bí mật cho phép đại sứ
Lodge tuyên bố cắt viện trợ cho chính phủ Diệm bất cứ lúc nào mà ông đại
sứ thấy cần thiết. Lực Lượng Đặc Biệt mà ông Diệm đã sử dụng để càn
quét chùa chiền đêm 20.8.1963 cũng được cắt viện trợ từ cuối tháng này.
Lực lượng này được Hoa Kỳ trang bị rất tối tân. Sự cắt đứt viện trợ cho
chính quyền Ngô Đình Diệm được thực hiện dần dần bắt đầu từ tháng Mười.
Như
vậy đài V.O.A. đã cải chính tin quân đội có tham dự vào việc càn quét
chùa chiền và chính quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố ngưng viện trợ cho chính
phủ Diệm. Tuy vậy các tướng lãnh vẫn còn nghi ngờ là tướng Paul Harkins
của Hoa Kỳ và ông Jonh Richardso, giám đốc tình báo C.I.A. sẽ tìm cách
phá hoại cuộc đảo chính. Tướng Harkins, ông Richardson và ông đại sứ
Nolting đều được coi như là những người có cảm tình với ông Ngô Đình
Diệm.
Các tướng lãnh chủ mưu trong cuộc cách mạng vì sự nghi ngờ ấy đã không tiết lộ cho Hoa Kỳ biết chiến lược của họ.
TIẾN TRÌNH CỦA ĐẢO CHÍNH
Tướng
Trần Văn Đôn đã có công thuyết phục các tướng Tôn Thất Đính tham dự vào
công cuộc lật đổ chính quyền. Tướng Đính lúc này thực sự có binh quyền
trong tay: ông vừa làm tư lệnh Vùng Ba vừa chỉ huy quân sự thủ đô. Ông
được ông Ngô Đình Nhu tin cẩn.
Theo
tài liệu của Ngũ Giác Đài, ông Ngô Đình Nhu đã nghe phong phanh về cuộc
đảo chính và có với tướng Đính vào để nhờ giăng một cái bẫy đảo chính
giả với mục đích tiêu diệt những tướng tá muốn đảo chính. Tướng Đính đã
về thuật lại với các đồng chí của mình. Các tướng vẫn lo ngại một số đơn
vị quân đội còn trung thành với ông Diệm nên đã đưa những đơn vị này đi
hành quân ở những vùng khá xa Sài Gòn để các đơn vị này không kịp về
cứu ứng trong ngày có cách mạng.
Họ
còn tổ chức hai chiến dịch Phi Hỏa và Hắc Dịch tại miền Tây và cho
tướng Đính vào thuyết phục tổng thống Diệm cho bớt một số binh sĩ thuộc
Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ và thuộc Lực Lượng Đặc Biệt tham
gia(199). Ông lại còn thuyết phục để sư đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho được sát
nhập vào quân đoàn Vùng Ba Chiến Thuật do ông làm tư lệnh.
Nữa
đêm rạng ngày 31.10.1963, tướng Đính hạ lệnh cấm trại toàn thể quân
đoàn Vùng Ba Chiến Thuật. Rồi ông ủy đại tá Nguyễn Hữu Có xuống Mỹ Tho
đoạt quyền tư lệnh Sư Đoàn 7. Sau đó đại tá Nguyễn Hữu Có đem một đơn vị
tới bắc Mỹ Thuận tịch thu hết tất cả tàu bè để cản đường về thủ đô của
bất cứ đơn vị nào của quân đoàn Vùng Bốn Chiến Thuật. Như vậy là Sư Đoàn
7, một sư đoàn đã từng góp phần lớn trong việc đàn áp cuộc đảo chính
ngày 11.11. 1960 đã được trấn ngự.
Các
tướng lãnh đã chặn ba nẻo chính có thể tiến quân về thủ đô: con đường
từ Lục Tỉnh về thì do đại tá Nguyễn Hữu Có án ngữ tại Phú Lâm. Con đường
miền Tây có thiếu tướng Mai Hữu Xuân với quân lực Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung. Con đường từ miền Bắc có đại tá Vĩnh Lộc với chiến đoàn Vạn
Kiếp. Các tướng này vừa có nhiệm vụ cản đường những đạo quân từ xa kéo
về “cứu giá” vừa có nhiệm vụ bao vây và tiến đánh các lực lượng phòng
thủ của chính quyền.
Sáng
1.11.1963, trung tướng Trần Văn Đôn triệu tập cấp chỉ huy của một số
đơn vị quân đội đồn trú tại Sài Gòn và các vùng phụ cận, những vị từ cấp
Úy đến cấp Tá mà ông nghi có thể còn trung thành với chế độ. Về tới
Tổng Tham Mưu, các vị nầy bị tướng Đôn cầm chân để cho quân lính của họ
trở thành “rắn không đầu”. Cũng vào sáng hôm ấy, nhiều đơn vị trong đó
có chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã được âm thầm di chuyển về tới tận
thủ đô.
Đại
sứ Henri Cabot Lodge giờ này vẫn chưa hay biết gì về cuộc đảo chính.
Vào hồi mười giờ sáng, ông đưa đô đốc Harry Felt vào dinh Gia Long để
ông này từ biệt tổng thống Diệm về nước.
Trưa
hôm ấy, tướng Đôn cũng mời tất cả các tướng lãnh đến dùng cơm tại trụ
sở Tổng Tham Mưu. Trong bữa cơm, ông Dương Văn Minh đứng dậy đề nghị tất
cả tướng lãnh tham dự vào cuộc lật đổ bạo quyền. Hầu hết đều vỗ tay
hưởng ứng nồng nhiệt. Đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt
đứng dậy phản đối bỏ về. Ông bị bắt ngay sau khi ra khỏi nơi đó.
Vào
lúc 1 giờ 30 chiều hôm đó, tiếng súng Cách Mạng đầu tiên nổ. Thiếu
tướng Mai Hữu Xuân chế ngự ngay được đơn vị của Lực Lượng Đặc Biệt đóng
tại Tân Sơn Nhất. Theo xa lộ Biên Hòa, các đơn vị của chiến đoàn Vạn
Kiếp và Thủy Quân Lục Chiến rầm rộ tiến về thủ đô, chiếm Đài Phát Thanh,
Tổng Nha Cảnh Sát, Ty Cảnh Sát Đô Thành và Nha Viễn Thông của Bộ Nội
Vụ. Thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Lữ Đoàn Liên Minh Phòng Vệ Tổng
Thống Phủ, cũng tức thời bị vây hãm.
Đài
Phát Thanh được quân Cách Mạng chiếm vào lúc 1 giờ 45’ đài bắt đầu phát
thanh tiếng nói của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Hội Đồng Cách Mạng
kêu gọi tổng thống Ngô Đình Diệm từ chức. Các tướng lãnh ra điều kiện là
nếu ra hàng, hai ông Diệm và Nhu sẽ được bảo đảm tính mạng và đưa ra
ngoại quốc. Cố vấn Ngô Đình Nhu cho mời các tướng vào dinh thương
thuyết, nhưng lời mời bị các tướng bác bỏ.
Từ
trong thành Cộng Hòa, Lữ Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ dùng đại bác và
đại liên chống trả. Họ có tới bốn mươi xe thiết giáp. Cuộc tấn công
thành Cộng Hòa khởi sự từ 5 giờ 55 chiều, đến 7 giờ, lực lượng này đầu
hàng.
CHIẾC HẦM BÍ MẬT DƯỚI DINH GIA LONG
Tại
dinh Gia Long, tổng thống Diệm được tin báo về cuộc đảo chính vào lúc
12 giờ 10’. Lập tức tổng thống và ông cố vấn xuống ngồi dưới chiếc hầm
bí mật đào dưới dinh Gia Long. Hầm này được hoàn thành ngày 28.10.1963,
có phòng ngủ, phòng tắm và phòng khách cho tổng thống và ông cố vấn, và
có địa đạo dẫn ra ngoài dinh. Tổng thống Diệm ra lệnh cho các sĩ quan
cận vệ liên lạc với các tướng Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính đến cứu
ứng. Ông lại cho liên lạc với tòa đại biểu chính phủ ở Huế bằng đường vô
tuyến đặc biệt của phủ Tổng Thống. Các sĩ quan cận vệ không liên lạc
được với các tướng Khiêm và Đính, song tổng thống vẫn hy vọng vào những
tướng lãnh trung thành của mình. Mãi đến lúc 4 giờ chiều, khi đài phát
thanh Sài Gòn đọc tên các vị tướng lãnh trong Hội Đồng Tướng Lãnh với
giọng nói của từng vị ông mới biết là không còn hy vọng được ở những
người này.
Nhưng
từ dưới hầm dinh Gia Long, ông cố vấn Ngô Đình Nhu liên lạc được với
đại tá Hồ Tấn Quyền tư lệnh Hải Quân. Ông đã ra lệnh cho đại tá Quyền đi
liên lạc với một đại tá có lực lượng đồn trú tại Thủ Đức. Một lực lượng
chống đảo chính mới được thành lập xong ngày 28.10.1963. Đại tá Quyền
còn được lệnh cho tàu ra khơi để bắn những chiếc phi cơ đang bay liệng
trên không phận Sài Gòn lúc ấy, và sắp đặt để bí mật chở tổng thống Diệm
và ông cố vấn Nhu về Phước Tuy bằng đường biển. Ra lệnh cho hai chiến
hạm ở Sài Gòn nhổ neo và cho một đơn vị hải quân ở khơi Vũng Tàu kéo về
bến Sài Gòn, đại tá Quyền cải trang dùng một chiếc traction lái ra khỏi
bộ Tư Lệnh Hải Quân, theo xa lộ Biên Hòa để đi về Thủ Đức.
Vào
lúc tám giờ tối, sau khi biết tin sứ mạng của đại tá Quyền bất thành,
tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu theo đường hầm ra khỏi dinh Gia Long
và trốn về nhà một người Hoa Kiều ở Chợ Lớn tên là Mã Tuyên. Rồi từ nhà
MãTuyên, họ sang ở ẩn một ngôi nhà thờ gọi là nhà thờ Cha Tam, nơi có
một linh mục lai Pháp tên là Jean chủ trì.
Vào
lúc hai giờ sáng ngày 2.11. 1963, khi biết rằng tổng thống Diệm và ông
cố vấn Nhu đã thoát ra khỏi dinh Gia Long, đại úy Lê Công Hoàn, một
trong những sĩ quan trong đạo quân phòng vệ Tổng Thống Phủ liền điện
thoại cho bộ Tổng Tham Mưu và yêu cầu ngưng tấn công dinh Gia Long. Vì
vậy, quân Cách Mạng đã tiếp thu dinh này mà không gây thiệt hại cho nhân
mạng. Trong lúc đầu vây dinh, một sĩ quan chỉ huy thiết giáp là đại úy
Bùi Ngương Ngãi đã bị quân trong dinh bắn chết. Chiến xa của ông bị đạn
bốc cháy giữa ngã tư Công Lý và Gia Long.
SỐ PHẬN KHÔNG MAY CỦA ÔNG TỔNG THỐNG VÀ ÔNG CỐ VẤN
Tại
nhà thờ cha Tam ở Chợ Lớn, biết kế hoạch trốn đi Phước Tuy bị hỏng,
tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Nhu liền liên lạc với bộ Tổng
Tham Mưu, yêu cầu các tướng cho người tới rước và đưa ra ngoại quốc như
đã hứa.
Vào
khoảng 7 giờ sáng, một chiếc thiết vận xa M.113 tới nhà thờ cha Tam để
đón hai người. Giữa đường về bộ Tổng Tham Mưu, tổng thống và ông cố vấn
bị hạ sát.
Tài
liệu bí mật của Ngũ Giác Đài nói rằng đến đón tổng thống và ông cố vấn
là hai sĩ quan đã thù ghét ông Diệm sẵn. Theo Đỗ Thọ, tùy viên của tổng
thống Diệm(200), thì đó là hai vị thiếu tá tên Nhung và Nghĩa. Không
biết có phải là hai vị này đã hạ sát tổng thống Diệm và cố vấn Nhu hay
không, và nếu có thì đó là tự ý hay là đã vâng theo lệnh vị tướng lãnh
nào. Đây còn là một nghi vấn lớn. Cả hai vị thiếu tá đều bị những người
thân ông Diệm tra khảo và hạ sát trong cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn
Khánh ngày 30.1.1964.
Sự
hạ sát tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu là một điều đáng tiếc trong
cách mạng 1.11.1963. Dù có ra lệnh hay không ra lệnh, các tướng lãnh
trong Hội Đồng Quân Lực cũng chịu trách nhiệm về việc không thực hành
lời hứa bảo đảm được cho tính mệnh hai người. Cái chết của họ đã kéo
theo cái chết của hai vị thiếu tá Nhung và Nghĩa. Nhưng đã hết đâu. Oan
oan tương báo, biết bao giờ cho sợi giây oan được cắt đứt.
NIỀM VUI CỦA QUẦN CHÚNG SAU NGÀY ĐẢO CHÍNH
Tin
Cách Mạng thành công vào sáng 2.11.1963 được loan trên đài Phát Thanh
Sài Gòn làm cho quốc dân mừng rỡ kéo nhau ra đường bày tỏ niềm vui. Tại
Sài Gòn, các con đường như Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Gia Long, Công Lý và
Pasteur người đổ ra tràn ngập. Họ đổ xô về phía dinh Gia Long. Họ leo
tường vào dinh. Họ leo lên xe thiết giáp, ôm chầm lấy các quân nhân. Họ
nô nức reo hò. Dân chúng thủ đô biểu lộ sự vui mừng trong suốt ngày hôm
ấy và trong hai ngày kế tiếp.
Tại
chùa Xá Lợi, trú sở Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, ngày nào cũng có
cả chục ngàn phật tử tới tụ tập. Các vị lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái và
chư tăng ni cùng phật tử bị bắt đã được thả tự do từ chiều ngày
1.11.1963. Các chính trị phạm từ Côn Đảo trong đó có thiếu tá Phan Trọng
Chính cũng được thả tự do về tới. Nhóm sĩ quan xướng xuất cuộc đảo
chánh không thành công ngày 11.11.1960 trong đó có đại úy Huỳnh Minh
Đường lưu đày tại Nam Vang cũng về tới hôm 16.11.1963. Đại úy Đường đã
không thi hành lệnh của tổng thống Diệm đánh đắm chiếc tàu chở chính trị
phạm ra Côn Đảo ngày 5.10.1963.
Thiền
sư Trí Quang tỵ nạn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ từ ngày thoát được cuộc càn
quét chùa Xá Lợi cũng đã về tại chùa Ấn Quang sáng ngày 2.11.1963.
Hội
Đồng Quân Cách Mạng do tướng Dương Văn Minh cầm đầu tuyên bố Cách Mạng
Thành Công. Ngày 4.11.1963 một bản Hiến Ước tạm thời được ban hành,
tướng Dương Văn Minh lên làm quyền quốc trưởng Việt Nam Công Hòa và ông
Nguyễn Ngọc Thơ được mời làm thủ tướng để tổ chức một nội các mới.
Nguồn
cảm hứng gây nên do một cuộc vận động của phật tử Việt Nam đã vô cùng
rạt rào trong sáng tác của văn nghệ sĩ trong nước. Thơ và nhạc được sáng
tác rất nhiều. Ở đây chỉ xin ghi một bài thơ của Trụ Vũ, bài Tình Sông
Nghĩa Biển(201)
Việt Nam và Phật giáo
Phật giáo và Việt Nam
Ngàn năm xương thịt kết liền
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng
Cây đa bến cũ
Hình bóng con đò
Thiết tha còn nhớ câu hò
Cây đa bến cũ con đò năm xưa
Trang sử Việt Nam yêu dấu
Thơm ướp hương trầm
Nghe trong tim Lý Lê Trần
Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga
Suối xanh ra biển
Ngát ngát hoa vàng
Suối thơm lòng đất Việt Nam
Chim xanh nhả ngọc, lúa vàng trĩu bông
Nắng reo trên lúa
Gió bay trên cờ
Lũy tre vững hiện mái chùa
Ấm tay đại thụ mát bờ quê hương
Tóc cài hoa bưởi trắng
Hồn ướp nhị sen vàng
Đời đời cô gái Việt Nam
Trăng lên ngôi vị nữ hoàng tình yêu
Phượng hoàng châu Á
Bay vượt nghìn trùng
Thái Sơn, Hy Mã hào hùng
Kết tình châu ngọc trong lòng trường sơn
Mẹ ơi nhớ nước nhớ nguồn
Thương quê thương đạo con còn làm thơ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT ĐƯỢC THÀNH LẬP
Ngày
31.12.1963 các đoàn thể Phật giáo trong đó có Tổng Hội Phật Giáo Việt
Nam khai mạc Đại Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Xá Lợi. Đại
hội này đi đến quyết nghị thống nhất Phật giáo trong một giáo hội duy
nhất gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, suy tôn thiền sư
Tịnh Khiết làm tăng thống lãnh đạo một viện Tăng Thống và bầu thiền sư
Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo. Một bản Hiến Chương của Giáo Hội
mới được công bố ngày 4.1.1964 đại hội bầu xong Viện Tăng Thống và Viện
Hóa Đạo của giáo hội.
Ước
vọng thống nhất Phật giáo từng được giới Phật giáo đồ ôm ấp từ gần 50
năm nay đã được thực hiện. Những tập đoàn trong Tổng Hội Phật Giáo Việt
Nam kể từ đây được thực sự xóa bỏ. Trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất được đặt tại chùa Ấn Quang cùng với văn phòng của hai
viện Tăng Thống và Hóa Đạo. Phần lớn các văn phòng của các Tổng Vụ cũng
được đặt tại chùa Ấn Quang.
--------------------------------------------------------------------------------
(195) Sau ngày cách mạng thành công, người ta tìm ra được ngôi mộ của Quách Thị Trang tại nghĩa địa Gò Vấp.
(196)
Cảnh Sát Chiến Đấu đã phá cổng và leo tường, thâm nhập vào trường Chu
Văn An để đàn áp học sinh. Học sinh bắt loa kêu gọi cảnh sát và quân đội
ủng hộ cuộc đấu tranh của họ. Sau khi cảnh sát thâm nhập vào trường,
học sinh bắt đầu kháng cự lại. Họ liệng bàn ghế từ trên lầu xuống làm
hàng chục cảnh sát viên bị thương. Họ cầm cự được trong nhiều giờ trước
khi bị chế ngự. Chỉ có độ 100 học sinh leo tường sau trốn sang được khu
cư xá đại học, còn tất cả đều bị bắt.
(197)
Tại Liên Hiệp Quốc lúc này người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm
alf nhà bác học Bửu Hội từ Phi Châu được lệnh bay sang Nữu Ước vào đầu
tháng Chín để lãnh đạo Phái Đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Tại Sài
Gòn thân mẫu của ông là ni sư Diệu Huệ, nghe tin con mình đang vận động
che dấu sự thực về cuộc đàn áp Phật giáo tại Việt Nam, đã tìm mọi cách
liên lạc với ông để khuyên ông từ bỏ công việc đó. Tại Nữu Ước, thiền sư
Nhất Hạnh đã gặp ông Bửu Hội tới hai lần để khuyên ông từ chức, nhưng
không được ông nghe lời. Ngày 20.10.1963, thân mẫu của ông họp báo tại
Sài Gòn tuyên bố bà không còn nhận ông Bửu Hội là con nữa.
(198)
Tài liệu bí mật Ngũ Giác Đài cũng khẳng định rằng các tướng lãnh cao
cấp trên bị thúc đẩy bởi những cuộc âm mưu đảo chính của các tướng tá
trẻ tuổi. Điện văn của đại sứ Lodge gửi về Hoa Thịnh Đốn ngày 5.10.1963
cho biết là sáng hôm ấy tướng Minh đã nói rằng một trong những nguyên n
do khiến ông phải hành động mau chóng là vì có nhiều cấp chỉ huy đơn vị
sư đoàn, đại đội v.v… đang âm thầm chuẩn bị đảo chính của riêng họ, và
nếu ông không hành động mau thì “những cuộc đảo chính ấy có thể thất
bại” và có thể làm hư hết công chuyện. Tướng Minh cũng nhấn mạnh rằng
cuộc đảo chính là việc của ông và các tướng lãnh khác trong quân đội, và
ông không muốn Hoa Kỳ xen vào. Ông chỉ cần Hoa Kỳ cam kết là không tìm
cách “thọc gậy bánh xe” mà thôi.
(199)
(200)
(201)