VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN TẬP I


Nguyễn Lang Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979
15/06/2011 20:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 17770
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG IV 

SÁCH THIỀN UYỂN TẬP ANH 
VÀ CÁC TÀI LIỆU VỀ ÐẠO PHẬT VIỆT NAM ÐỜI ÐƯỜNG

(thế kỷ thứ bảy và thứ tám)

 

SÁCH THIỀN UYỂN TẬP ANH NGỮ LỤC

Sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, là một tập sách nói về các vị thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ mười ba. Ðây là tài liệu lịch sử cổ nhất của đạo Phật Việt Nam mà chúng ta hiện có. Sách này bắt đầu được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba thì hoàn tất. Năm 1134 là năm qua đời của thiền sư Thông Biện, thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông, một người có nhiều sở trường về sử học.

Bản in cũ nhất còn là bản in năm 1715. Sách có 62 tờ, mỗi tờ có 12 dòng. Ðầu sách có một bài tựa viết năm 1715 trong dịp khắc bản. Bài tựa này không mang tên tác giả, nhưng có mang ngày tháng: “khắc lại vào một ngày tháng Tư niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 triều Lê”. Ðó là năm 1715. Sau bài tựa có danh sách 14 người đệ tử của thiền sư Như Trí (Như Trí có lẽ là người đứng ra lo việc trùng khắc): mười bốn người này chắc hẳn đã góp công và của vào việc ấn loát. Tiếp theo bài tựa và bản danh sách, là tiểu sử 38 vị thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông. Tiếp theo nữa là tiểu sử 28 vị thiền sư thuộc phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Và cuối cùng là tiểu sử (đúng hơn là danh sách) của 19 người thuộc thiền phái Thảo Ðường.

Ngoài bản in 1715, chúng ta còn có một bản in khác do hòa thượng Phúc Ðiền thực hiện, mang tên là Trùng Khắc Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục, có lời chua: quyển thượng, thất tập nhân danh, cựu bản Tiêu Sơn Tự (quyển thứ nhất, mất tên tác giả, in theo bản củ của chùa Tiêu Sơn). Bản cũ của chùa Tiêu Sơn có thể là bản in năm 1715 vừa kể trên. trong bản này của Phúc Ðiền hòa thượng, ta không thấy đề ngày tháng; nhưng chỉ thấy đề Liên Tông Tự đạo điệp Lâm Tế Phúc Ðiền hòa thượng đính tử (chùa Liên Tông, phía Lâm Tế, hòa thượng Phúc Ðiền với Giới đao và độ điệp đính tử). Giới đao và độ điệp ngày xưa thay cho chứng thư và thông hành của tăng sĩ, do vua ban. ta không thấy có đề ngày tháng của kỳ in này, nhưng ta biết được đó là năm 1859 nhưng có một bài tựa của Phúc Ðiền hòa thượng viết không thấy ở quyển thượng này mà lại in ở đầu một bản in của “quyển hạ” của Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục[1]. Cả ông Trần Văn Giáp trong sách Le Bouddhisme En Annam Des Origines Au XIIIè Siècle và ông Gaspardone trong Bibliographie Annamite đã không chú ý nhiều tới bài tựa này trong đó Phúc Ðiền hòa thượng nói về lai lịch bản in của ông. Theo Phúc Ðiền hòa thượng, khi ông đọc Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, ông thấy có nhiều chỗ sai lầm bất nhất nên ông đã ra công hiệu đính trước khi ấn hành lại[2].  Nhưng thay vì phải in lại cuốn này, ông lại in luôn cả hai cuốn khác cũng nói về Thiền học Việt Nam và đặt tên chung cho cả ba cuốn là Ðại Nam Thiền UyểnTruyền Ðăng Tập Lục. Hai tập mà ông đã in chung với Thiền Uyển Tập Anh là:

1) Tam tổ thực lục, nói về ba vị tổ Trúc Lâm đời Trần

2) Ngự Chế Thiền Ðiển Thống Yếu Kế Ðăng Lục, tác giả là Như Sơn thiền sư, chùa Hồng Phúc, ấn hành năm 1734.

Hai cuốn sách này, Phúc Ðiền hòa thượng cho in thành “quyển hạ” của Ðại Nam Thiền UyểnTruyền Ðăng Tập Lục. Nhưng trước khi in, ông đã cho viết thêm tiểu sử của năm vị thiền sư gần ông nhất vào tác phẩm của Như Sơn, đồng thời cũng ghi chép thêm những điều ông nghe về truyền thừa chùa Hoa Yên núi Yên Tử.

Bài tựa này cho chúng ta biết lý do tại sao bản in Thiền Uyển Tập Anh của Phúc Ðiền lại mang một cái tên khác là Ðại Nam Thiền UyểnTruyền Ðăng Tập Lục, và tại sao lại có chữ “quyển thượng”. Cuối bài tựa này ta thấy có đề như sau;: Năm Tự Ðức thứ 12, ngày rằm tháng Giêng năm Kỷ mùi (1859), Hòa thượng Phúc Ðiền ở Bồ Sơn với giới đao và độ điệp soạn.
 
 

VỀ TÁC GIẢ THIỀN UYỂN TẬP ANH

Tác giả Thiền Uyển Tập Anh là ai? Lê Quý Ðôn (Ðại Việt Thông Sử) cũng như Phan Huy Chú (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí) nói là do một tác giả đời Trần. Trần Văn Giáp cũng nói là sách do một tác giả đời Trần, sống vào thượng bán thế kỷ thứ mười ba đồng thời với thiền sư Hiện Quang, vị thiền sư cuối cùng của phải Vô Ngôn Thông “cho đến nay, vào năm Ðinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu”, ông kết luận là năm Ðinh Sửu (1337) là năm soạn thảo sách Thiền Uyển Tập Anh.

Xét kỷ nội dung Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy rằng sách này không phải do một người biên tập mà do nhiều người biên tập. Có nhiều dữ liệu cho ta nghĩ rằng chính thiền sư Thông Biện (mất năm 1134) là người bắt đầu việc ghi chép biên tập. Ông thuộc về thiền phái Vô Ngô Thông, và những người nối tiếp theo công việc của ông cũng là những thiền sư thuộc cùng một thiền phái.

Trước hết ta nhận thấy Thiền Uyển Tập Anh, phái Vô Ngôn Thông được đặt lên đầu sách, dù phái này đã được thành lập sau phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi đến hai trăm bốn mươi năm (thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi qua Việt Nam năm 580, trong khi thiền sư Vô Ngôn Thông qua Việt Nam năm 820). Theo thứ tự thời gian, đáng lý phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi phải được đặt lên đầu sách. Nhưng đây thì không phải như vậy. Ðiều này chứng tỏ chính các thiền sư Vô Ngôn Thông đã làm công việc biên tập sách Thiền Uyển Tập Anh. Ngoài lý do trên ta còn có một lý do khác nữa: tài liệu về phái Vô Ngôn Thông so sánh với tài liệu phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi thì phong phú hơn nhiều. Sự ghi chép về sáu bảy thế hệ đầu của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi rất thiếu sót. Thiền phái Vô Ngôn Thông, so với thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, chịu ảnh hưởng Trung Hoa đậm đà hơn, nên có ý thức nhiều hơn về sự ghi chép truyền thừa [3]. Các thiền sư phái Vô Ngôn Thông đã có liên lạc với thiền sư phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, có vị đã cư trú hẳn trong một ngôi chùa tổ đình của Tỳ Ni Ða Lưu Chi (như các thiền sư Thường Chiếu và Thần Nghi của phái Vô Ngôn Thông đã cư trú trong chùa Lục Tổ, một tổ đình rất xưa của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi) và do đó đã thu thập tài liệu lịch sử của phái này để ghi chép trong sách.

Ðọc sự tích thiền sư Thông Biện, ta thấy thiền sư này rất giỏi về sự hcọ và chú tâm nhiều về lịch sử truyền bá Phật giáo ở Việt Nam. Trả lời hoàng hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân, thiền sư đã nói về lai lịch của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi một cách khá rõ rệt.

Nói về thiền sư Thần Nghi, Thiền Uyển Tập Anh có đoạn sau đây khá quan trọng: “Thiền sư Thần Nghi thưa {với thiền sư Thường Chiếu}: “Con theo phụng sự hòa thượng đã lâu nhưng chưa rõ những nhân vật nào đã truyền thừa đạo này đầu tiên, xin hòa thượng chỉ bày cho con những thế hệ đã truyền thừa khiến cho học giả biết được nguyên lưu của mình”. Thường Chiếu thấy thái độ khẩn thiết ấy đưa cho Thần Nghi xem một tài liệu của Thông Biện trong đó có ghi chép về các tông phái và sự truyền thừa của các thế hệ. Thần Nghi đọc xong hỏi: “Tại sao hai hệ phái Nguyễn Ðại Ðiên và hệ phái Nguyễn Bát Nhã  [4] không được chép vào đây?” Thường Chiếu trả lời: “Thông Biện đã suy nghĩ kỹ rồi mới không chép hai hệ phái ấy”. Năm Kiến Giả thứ sáu ngày mười tám tháng Hai năm Bính tý (1216), thiền sư Thần Nghi lấy tập sách mà Thường Chiếu đã truyền lại cho đệ tử là Ẩn Không và nói: “Ðời tao loạn, nhưng người nên giữ sách này đừng để cho binh lữa hủy hoại, như thế lịch sử truyền thừa của tổ phong ta mới không bị tán mất. Nói xong thì tịch”.

Căn cứ vào đoạn văn trên ta có thể quả quyết rằng chính thiền sư Thông Biện là người bắt đầu biên tập Thiền Uyển Tập Anh. Tập tài liệu này truyền đến Thường Chiếu (mật năm 1203) qua sự truyền thừa của Ðạo Huệ (mất năm 1172), Minh Trí (mất 1190), Thường Chiếu (mất 1203) đã truyền lại cho Thần Nghi (mắt 1216) và Thần Nghi truyền lại cho Ẩn Không vào năm đó. Chắc hẳn là mỗi vị khi nhận được sách đã ghi chép về những gì mình nghe thấy về đạo Phật trong thời đại mình. Vậy ta có thể kết luận là tác giả Thiền Uyển Tập Anh gồm nhiều người trong đó những vị sau đây là quan trọng nhất:

1) Thông Biện

2) Thường Chiếu

3) Thần Nghi

4) Ẩn Không 

Ẩn Không có thể là người ghi chép sự tích các thiền sư thuộc những thế hệ chót của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường. Sau phần tiểu sử của thiền sư Thần Nghi, ta thấy một câu chú thích về thiền sư Ẩn Không, in bằng chữ nhỏ, chắc hẳn là đã được thêm vào sau này: “Ẩn Không xưa ở tại Lương Châu huyện Na Ngạn, lúc bấy giờ được người đời gọi là Na Ngạn đại sư”.

Trong bốn tác giả trên, Thường Chiếu và Thần Nghi đã trú trì tại chùa Lục Tổ, ngôi chùa rất xưa của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi; ta có thể nói hai người này đã đóng góp nhiều vào sự ghi chép sự tích các thiền sư phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Riêng Thường Chiếu đã soạn thảo thêm một cuốn sách đặc biệt về sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, tên sách là Nam Thông Tự Tháp Ðồ. Tiếc thay tác phẩm này hiện chưa tìm lại được. Thiền Uyển Tập Anh, trong khi nói về thiền sư Ðịnh Giác phái Thảo Ðường, có nhắc đến tên tác phẩm này.

Thiền Uyển Tập Anh ghi chép tiểu sử các thiền sư tử cuối thế kỷ thứ sáu đến đầu thế kỷ thứ mười ba, nghĩa là trong khoảng trên sáu trăm năm. Nhưng những ghi chép được giới hạn trong các thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường. Các truyền thống Phật giáo khác ngoài các thiền phái ấy không được ghi chép. Tiếp theo, là sự ghi chép về ba thiền phái kể trên cũng rất thiếu sót. Về thiền phái Vô Ngôn Thông, các thế hệ thứ 11, 12, 13, 14 và 15 được ghi chép rất sơ sài. Thế hệ thứ 11 gồm chín vị thiền sư mà chỉ có một vị được ghi chép tiểu sử. Thế hệ thứ 12 gồm bảy vị thiền sư mà cũng chỉ có một vị được ghi chép. Ta không hiểu vì sao các vị Thường Chiếu (thếhệ thứ 12), Thần Nghi (thếhệ thứ 13) và Ẩn Không (thếhệ thứ 14) có bản thảo sách Thiền Uyển trong tay lại không ghi chép về những người thuộc thế hệ của họ. Trái lại tiểu sử những thiền sư thuộc phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi sống cùng thời đại với họ lại được ghi chép trong sách Thiền Uyển. Phải chăng đó là các vị Thường Chiếu và Thần Nghi đã dời về chùa Lục Tổ, một tổ đình xưa có trên 400 năm của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi và do đó họ đã am tường tình trạng phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi hơn là tình trạng bản phái?
 
 

MỘT SỐ CÁC VỊ TĂNG SĨ KHÔNG ÐƯỢC THIỀN UYỂN TẬP ANH NHẮC TỚI

Trước khi xem xét về các thiền phái được ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh, ta hãy nhắc đến một số các vị tăng sĩ Việt Nam đã không được sách này nói tới. Ta biết tên những vị này là nhờ sách Ðại Ðường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Nghĩa Tịnh, các sách Loại Hàm và Anh Hoa mà Lê Quý Ðôn đã kiến dẫn trong Kiến Văn Tiểu Lục, và sách An Nam Chí [Nguyên] của Cao Hùng Trưng. Ðại khái, các vị tăng sĩ này sống trong khoảng các thế kỷ thứ bảy và thứ tám, tương đương với thời đại nhà Ðường.

Trước hết ta hãy nói đến những vị mà Lê Quý Ðôn đã trích dẫn trong các sách Loại Hàm và Anh Hoa: đó là thiền sư Vô Ngại, pháp sư Duy Giám và một vị khác không biết tên mà thi sĩ Trương Tịch nhà Ðường gọi là Nhật Nam Tăng. Hai vị pháp sư Duy Giám và Phụng Ðình là những tăng sĩ rất giỏi về kinh luận và đã được vua Ðường mời sang giảng kinh trong cung điện. Thi sĩ Dương Cự Nguyên cuối thế kỷ thứ bảy có một bài thơ tiễn pháp sư Phụng Ðình về nước như sau;:

Cố hương Nam Việt ấy

Ngàn dặm mây trắng bay

Cửa trời vắng kinh kệ

Biển rộng hương hoa đầy  [5]

Bóng có in sóng bạc

Thành quách lung linh xây

Trường An lòng tưởng nhớ

Giao Châu chuông canh chầy...
 
 

(Cố hương Nam Việt ngoại

Vạn lý bách văn phong

Kinh luận từ thiên khứ

Hương hoa nhập hải phùng

Lộ đào thanh phạm triệt

Thận các hóa thành trùng

Tâm đáo Trường An mạch

Giao Châu hậu dạ chung...)

Khi pháp sư Duy Giám giảng kinh xong sắp về nước, thi sĩ Giả Ðảo cũng làm một bài thơ tiễn ông như sau:

Giảng kinh nơi cung điện

Vườn ngự hoa xuân bay

Xa quê từ mấy độ

Núi cũ về từ nay

Mưa sa dầm áo bạc

Gió táp ấn hương phai  [6]

Biển vắng như thế đó

Tin tức làm sao hay  [7]
 
 

(Giảng kinh xuân điện lý

Hoa nhiễu ngự sàng phi

Nam hải kỷ hồi hóa?

Cựu sơn lâm lão quy!

Xúc phong hương tổn ấn

Lộ vũ khánh sinh y

Không thủy ký như bỉ

Vãng lai tiêu tức hy)

Thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ đầu thế kỷ thứ tám có qua Việt Nam chơi và đến thiền sư Vô Ngại tại chùa Sơn Tĩnh, quận Cữu Chân. Ông tôn xưng Vô Ngại là thượng sĩ, và có làm một bài thơ như sau, khen người làmột hóa thân của Phật, tự xưng là đệ tử của người và tỏ ý tiếc là chưa học Phật thâm sâu để đàm đạo  [8]

Phật xưa sinh Thiên Trúc

Nay hóa thân Nhật Nam

Vòng não phiền ra khỏi

Dưới núi dựng già lam

Khe suối thơm là cảnh

Ðá non là cao am

Chim xanh tập thiền định

Vượn trắng nghe giảng đàn

Vách đá giây mây quấn

Mặt đầm hoa leo thang

Theo suối vào bóng mát

Giặt áo phơi rừng hương

Ðệ tử hận mình dở

Phật pháp chưa am tường  [9]

Qua khe Hổ nhìn lại  [10]

Dưới cây sương khói lam
 
 

(Ðại sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân hóa Nhật Nam 

Nhân trung xuất phiền não

Sơn hạ tức già lam

Tiểu giản hương vị sát

Nguy phong thạch tác am

Hầu thiền thanh cốc nhú

Khuy giảng bạch viên tham

Ðằng ái vân gian bích

Hoa thuê thạch dạ đàm

Tuyền hành u cung bảo

Lâm quải dục y kham

Ðệ tử ai vô thức

Y vương tích vị đàm

Siêu nhiên Hổ Khê tịch

Chích thọ hạ hư am)
 
 

Thi sĩ Trương Tịch cũng có làm một bài thơ tặng một vị sư người quận Nhật Nam đang tu ở trong núi, không biết núi nào:

Ở mãi mấy ngọn núi

Hai cánh cửa thông gài

Viết kinh lên lá chuối

Treo áo rụng hoa mây

Ðục đá khơi giếng mới

Xuyên rừng trồng cây đay

Nếu gặp người Nam Hải

Líu lưỡi hỏi nhà ai?
 
 

(Ðộc hướng song phong lão

Tùng môn bế lưỡng nha

Phiên kinh thượng tiêu diệp

 Quái nạp lạc đằng hoa

Thứu thạch tán khai tỉnh

Xuyên lâm tự chúng ma

Thời phùng Nam Hải khách

Man ngữ vấn thùy gia?)
 
 

Chính nhờ những bài thơ của Trương Tịch, Thẩm Thuyên Kỳ, Giả Ðào và Dương Cự Nguyên mà ta biết được sự có mặt của bốn vị cao tăng Việt Nam đời Ðường để thuyết kinh và giảng pháp. Cũng may là bốn nhà thơ trên đều là những người nổi tiếng nên các bài thơ kia mới còn được truyền lại.

Ông Lê Quý Ðôn đã có lý khi nói: “Các bậc cao tăng nước ta không phải ít; trong khoảng thuộc Tấn thuộc Ðường, tất nhiên có nhiều điều đáng ghi chép, nhưng ghi chép thiếu sót” (Kiến Văn Tiểu Lục).

Sách Ðại Ðường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Nghĩa Tịnh (682 - 727), người đã đi Ấn Ðộ và về bằng đường thủy, cũng có chép tiểu sử của sáu vị tăng sĩ Việt Nam đã từng qua du học Ấn Ðộ vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ tám. Ðó là các vị: pháp sư Vận Kyø, pháp sư Giải Thoát Thiên, pháp sư Khuy Xung, pháp sư Huệ Diệm, pháp sư Trí Hành, thiền sư Ðại Thừa Ðăng.

Pháp sư Vận Kỳ từng đi vân du với thiền sư Ðàm Nhuận người Trung Hoa. Ðàm Nhuận cũng đã lưu lại Giao Châu một thời gian: Vận Kỳ giỏi Phạn ngữ và Hán ngữ. Ông thọ giới cụ túc (tỳ khưu) với Jnanaphadra (Trí Hiền) ở đảo Java. Tại đây thiền sư Hội Ninh người Trung Hoa đang dịch với thầy ông là Jnanaphadra cuốn Ðại Niết Bàn của hệ phái đại thừa. Kinh này dịch xong, hai người nhờ Vận Kỳ đem về dâng cho vua Ðường. Vận Kỳ ghé qua Giao Châu trước khi qua Ðường trao kinh, rồi lại trở lại Giao Châu thuyết pháp cho cả hai giới tăng và tục. Sau đó, Vận Kỳ trở lại Java. Ông gặp thầy là Jnanaphadra, nhưng không gặp Hội Ninh, vì ông này đã đi Ấn Ðộ, Nghĩa tịnh cho biết rằng chính ông đã gặp Vận Kỳ ở Ấn Ðộ lúc ông còn khoảng 30 tuổi.

Pháp sư Giải Thoát Thiên đã từng qua Ấn Ðộ bằng đường thủy, từng tham bái Bồ Ðề Ðạo Tràng (Ðại Giác Tự) và các thánh tich quanh đó. Tên Phạn ngữ của ông là Mộc Xoa Ðề Bà (Moksadeva). Ông mất khoảng 25 tuổi.

Pháp sư Khuy Xung, tên Phạn ngữ là Chất Ðát La Ðề Bà (Citradeva), cùng một vị thiền sư Trung Hoa tên là Minh Viễn đi thuyền qua Tích Lan rồi lên Ấn Ðộ. Minh Viễn chuyên về Thiền học, đã gặp Khuy Xung ở Giao Châu. Họ đi đến đâu thì thu thập kinh điển thêm đến đó. Họ có đến Bồ Ðề Ðạo Tràng và thành Vương Xá. Ðến khi tới được rừng Trúc Lâm thì Khuy Xung ngã bệnh và mất tại đây.

Pháp sư Huệ Diệm là đệ tử của thiền sư Vô Hành người Trung Hoa. Ông họ Hứa, đã cùng du hành đi Tích Lan và ở luôn tu học tại đây.

Pháp sư Trí Hành người Ái Châu (Thanh hóa), tên Phạn ngữ là Bát Nhã Ðề Bà (Prajnadeva). Ông đi Ấn Ðộ bằng thuyền và chiêm bái đủ các Phật tích. Ông đi lên miền bắc vùng sông Hằng và ở tại đó tu chùa Tín Giả. Ông viên tịch ở đây lúc 50 tuổi.

Thiền sư Ðại Thừa Ðăng, tên Phạn ngữ là Ma Ha Dạ Na Bát Ðịa Dĩ Ba (Mahayanapradipa). Ông xuất gia ở Dvararati, Ấn Ðộ; sau đó ông theo sứ thần nhà Ðường là Diệm Tự về Trường An. Tới chùa Từ AÂn ông gặp pháp sư Huyền Trang và xin thọ giới tỳ kheo với ông này. Sau một thời gian tu học, ông trở về Giao Châu rồi lại đi Tích Lan bằng đường biển. Sau đó ông tói Nam Ấn Ðộ, rồi đi thẳng lên miền Ðông. Ông ở lại đây 12 năm, học thông Phạn ngữ. Ông đã chú giải tác phẩm Duyên Sinh Luận (Nidana-sastra) và một số kinh điển khác. Khi Ngiã Tịnh sang tới Ðông Ấn Ðộ thì gặp ông ở đây. Nghĩa Tịnh rủ ông cùng đi về miền Trung, trước là tới học viện Na Lan Ðà, rồi Vajrasana rồi Vaisali, và Kusinara nơi đức Phật nhập diệt. Ông ở lại đay tu học, thỉnh thoảng lại đi vân du, và cuối cùng mất ở đây, tại chùa Prinirvana lúc tuổi chừng quá 60.

Sách Ðại Ðường Câu Pháp Cao Tăng Truyện cũng có ghi chép tiểu sử một số thiền sư Trung Hoa trên đường đi Ấn Ðộ đã từng ghé lại Giao Châu. Ðó là các vị Minh Viễn, Huệ Mạng, Vô Hành, Ðàm Nhuận, và Trí Hoằng. Ngoài ra còn có một vị thiền sư người Khương Cư tên Samghavarma (Tăng Già Bạt Ma) đã từ Trung Hoa sang Giao Châu mục đích để đi hái thuốc cho vua đường. Ông qua Giao Châu vào llúc nạn đói đang hoành hành, người và vật chết như rạ. Ông phân phát thực phẩm và y dược ngay giữa đường cho những người đói và bệnh. Xúc động về cảnh khổ, ông thường vừa lo việc cứu trợ vừa khóc, khiến người bấy giờ thường gọi ông là “vị Bồ Tát hay khóc”. Ông bị nhọt ở chân và chết lúc 60 tuổi.

Sách An Nam Chí {Nguyên} của Cao Hùng Trưng viết vào đời Minh cũng có ghi chép về vài ba vị tăng sĩ không thấy Thiền Uyển Tập Anh nhắc đến:

Thiền sư Tam Mạch, người châu Tam Ðới, triều Lý, xuất gia tại chùa Gián AÂn, tu hành đăc đạo, có thể bay lên trời giữa ban ngày.

Thiền sư Vô Châu, người huyện PHi Lộc, cao lớn, tướng mạo dị kỳ, râu dài, lập am trên núi Sư Tử Phong, tu chúng Vân Hoa Tam Muội (chắc là Pháp Hoa Tam Muội), mỗi khi giảng kinh thì hào quang phóng xạ. Ông mất lúc 83 tuổi.

 Pháp sư Ma Ni, người huyện Lê Bình, tu ở Ðại Tiên Thánh Nhan, bảy năm thành đạo, hàng long phục hổ và cầu mưa cầu tạnh không gì không linh nghiệm.

Tứ Quán Huệ Thông là một vị ni sư, quê huyện Chí Linh, xuất giahồi 12 tuổi, thị tịch lúc 84 tuổi.

Thiền sư Trí Nhan, người huyên An Lương, có thể phục hổ.

Sách An Nam Chí {Nguyên} cũng có ghi chép một vài vị thiền sư có tên trong Thiền Uyển Tập Anh; những ghi chép này cũng khá phù hợp với sách Thiền Uyển. Sau đây là tên hai vị thiền sư đời Trần mà ta thấy có chép trong Sách An Nam Chí {Nguyên}:

Thiền sư Giới Châu, giới hạnh tinh nghiêm cầu mưa rất ứng nghiệm, vua Trần Thái Tông mời vào cho ở trong dinh.

Thiền sư Nghĩa Tồn, người huyện Thanh Uy, ở chùa Tiên Lữ Sơn, đắc đạo, chan than còn giữ lại.

Ðọc những tài liệu trên, ta thấy rằng trong các thế kỷ thứ bảy và thứ tám, trong giới thiền sư Việt Nam có nhiều người học rộng. Nhiều người thông hiểu cả Phạn ngữ lẫn Hán ngữ. Thiền sư Ðại Thừa Ðăng giỏi Phạn ngữ đến trình độ đã chú giải những tác phẩm Phạn ngữ bằng Phạn ngữ. Phụng Ðình và Duy Giám được mời qua cung Ðường giảng kinh. Thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ vào tận trong rúi để bái yết Vô Ngại. Thi sĩ Trương Tịch cũng vào tận trong núi để bái yết Nhật Nam tăng. Nhiều người như Vận Kỳ và Ðại Thừa Ðăng đã vân du cả hai xứ Trung Hoa và Ấn Ðộ để mở rộng kiến thức và hành đạo. Tuy sự cai trị của nhà Ðường đối với Giao Châu khắc nghiệt hưon bất cứ ở triều đại nào khác, và tuy chính quyền đô hộ tìm mọi cách để ngăn chặn sự tiến triển của học thuật và văn hóa Giao Châu, giới thiền sư Việt Nam hồi đó đã có phương tiện để theo đuổi sự tu học và hành đạo của mình. Có lẽ lý do là tại nhà Ðường bề ngoài đã tỏ ra tôn sùng đạo Phật. Vì chính sách ngu dân của chính quyền đô hộ mà trí thức và sĩ phu ngoài đời trở nên hiếm hoi. Cho nên ý thức về độc lập quốc gia đã được nhen nhúm trong thiền môn, và khi cơ hội đến, chính các thiền sư là những người đầu tiên đứng ra ủng hộ cho việc tranh đấu giành chủ quyền và xây dựng một nên văn hóa quốc gia độc lập. Ðiều này ta sẽ thấy rõ ở các thời Ðinh, Tiền Lê và Lý.
 
 

 



[1] Bài tựa này có thể đọc trong ấn bản Thiền Uyển Kế Ðăng Lục do hội Phật Giáo Bắc Kỳ thực hiện năm 1943 tại Hà Nội với sự bảo trợ của trường Viễn Ðông Bác Cổ. Trong sách này, bài tựa có đề là “San khắc Truyền Ðăng Thủ Trần Gia Bản”.

[2] Bài tựa ấn bản 1715 do một ông đồ nho viết (“sau buổi dạy học tại Chiền Ðường, một vị thiền tăng đã đến đàm luận rất lâu với tôi về kinh Phật. Những chuyện. Những chuyện bàn luận các vấn đề Phật giáo như lông rùa, sừng thỏ... Vị tăng liền lấy trong tay áo một quyển Lục tên là Tập Anh nhờ tôi sửa chữa chổ sai để in lại”). Ông đồ này có thể là giỏi về Hán học nhưng lời văn chứng tỏ sức học Phật kém, ưa dùng từ ngữ Phật mà dùng không được chính. IIng ta nói rằn ông đã làm công việc hiệu đính này trong 10 ngày. Ta không biết tình trạng trong bản văn mà vị thiền tăng (có lẽ là Thích Như Trí) đem tới nhờ ông ta sửa chữa ra sao, nhưng ta rất nghi có lẽ vì sức học Phật non yếu mà ông đồ này đã làm hại đến bản văn kia không ít. Bản in 1715 cũng còn đầy dẫy những sai lầm; chỉ những người quen thuộc lắm với loịa ngữ lục Thiền học mới có thể tự hiệu đính được những đoạn đã trở nên vô nghĩa vì tam sao thất bổn. Thích Như Trí có lẽ không đủ tự tin về Hán học nhưng giao bản thảo kia cho một nhà nho ngôn ngữ Phật giáo còn bập bẹ thì qsủa là một chuyện đáng làm cho ta ngạc nhiên vậy. 

[3] Truyền thống Ấn Ðộ thường ít có khuynh hướng ghi chép lịch sử tông môn hơn truyền thống Trung Hoa. 

[4] Hai vị thiền sư triều Lý có khuynh hướng thần bí ma thuật. 

[5] Tại cung điện vua Ðường từ nay sẽ vắng tiếng giảng kinh của Ngài, trong khi đó lênh đênh ngoài biển cả, đạo đức của Ngài làm hương hoa nổi khắp mặt biển. 

[6] Trên con đường vè, mưa làm thấm dập chiếc áo vải thô và gió làm phai lạt bớt mùi hương của chiếc ấn ngài mang theo - áo và ấn đây là tùy thân của thiền sư đắc truyền. 

[7] Biển vắng không thuyền bè đi lại, làm sao tôi nhận được tin tức của ngài sau này. 

[8] Sách Thiền Uyển Tập Anh trong đoạn nói về thiền sư Sùng Phạm có nhắc đến tên Vô Ngại, một vị thiền sư ngụ ở chùa Pháp Vân và dạy Thiền học vào thế kỷ thứ mười. Nhưng đây không phải là Vô Ngại thượng nhân mà Thẩm Thuyên kỳ nói tới. 

[9] Y Vương Tích Vị Ðàm: Phật được gọi là Y vương, vua của các thầy thuốc, chữa được mọi tâm bệnh. Y vương ở đây có nghĩa là Phật pháp. 

[10] Hổ Khê: pháp sư Huệ Viễn ít khi đưa khách qua khỏi con khe chảy ngang trước núi. Pháp sư một lần cùng khách đàm luận về Ðạo Phật vì vui câu chuyên nên đã đi qua khe, có một con hổ rống lên vì lấy làm lạ.


Âm lịch

Ảnh đẹp