KHAI THỊ QUYỂN 2 Hòa thượng Tuyên Hóa


Hòa thượng Tuyên Hóa Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Trường Ðại Học Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành Talmage, California
23/06/2011 15:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 33444
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KHAI THỊ QUYỂN 2
Hòa thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành Talmage, California

Phần 6

51.  ÍT PHIỀN NÃO, ÍT TƯ DỤC

(Vạn Phật Thành ngày 24 tháng 6 năm 1983) 

Người tu Ðạo sợ nhất là có phiền não, cho nên nói rằng: 

"Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn."

Ðoạn phiền não là việc rất khẩn cấp, chuyện gì tới mà mình không sinh phiền não thì đó là có định lực. Không sinh phiền não tức là không có tư dục. Tư dục là gốc sinh phiền não, sinh ra đủ thứ ngu si và do đó sinh ra đủ thứ bịnh tật.

Không phiền não chẳng phải là vì không ai làm phiền nên mình không có phiền não; mà là có người tới nhiễu loạn, phiền hà, trở ngại, đánh mắng, chưởi bới, nhưng mình không sinh phiền não. Ðó mới thật là có định lực vậy!

 

52. NHÂN ÐỊA BẤT CHÂN, QUẢ THỌ KHỔ

(Vạn Phật Thành ngày 8 tháng 7 năm 1983) 

Câu "nhân địa bất chân, quả thọ khổ" này rất có ý nghĩa; bởi vì bất luận chuyện gì mình làm, hãy làm chân thật. Nếu không chân thật, chuyên dùng thủ đoạn mánh khóe lừa bịp kẻ khác, thì cũng như bịt tai mà ăn cắp chuông, tự mình lừa mình thôi!

Vô luận là người xuất gia Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, hay tại gia Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hoặc Lạt Ma, bất luận làm gì nếu có tâm lừa người thì tương lai nhất định sẽ rớt xuống địa ngục. Ở đời mà không chân thật thì sẽ chiêu cảm quả báo quanh co, rắc rối, tương lai sẽ chịu đủ điều khổ.

Ở Vạn Phật Thành, trong mọi thời khắc, mình phải chú ý đến nhân, quả. Ðừng làm điều sai trái với luật nhân quả. Nếu mình biết rõ luật lệ mà còn cố phạm thì nhất định sẽ thọ lãnh quả báo rất nghiêm trọng. Cho nên các vị phải để ý, đừng làm chuyện sai trái với nhân, quả!

 

53. NẾU PHẬT GIÁO ÐỒ KHÔNG TRÌ GIỚI TỨC LÀ MẠT PHÁP

(Vạn Phật Thành ngày 10 tháng 6 năm 1983) 

Câu đối liễn ngày hôm nay là: "Phật Giáo đồ nhược bất trì giới tức Mạt Pháp"; nghĩa là nếu tín đồ Phật Giáo không trì giới thì tức là Mạt Pháp.

"Phật Giáo đồ" có nghĩa là Tăng Sĩ hay người xuất gia. Phật giảng Pháp, Tăng theo Pháp tu hành rồi truyền cho người khác. Tăng nhất định phải trì Giới, không trì Giới thì đó là Mạt Pháp; nên nói: "Nếu Phật Giáo đồ không trì giới tức là Mạt Pháp."

Hễ mình tùy tiện nói láo, sát sinh, làm chuyện tà dâm, trộm cắp, uống rượu tức là phạm vào năm giới căn bản, tức là Mạt Pháp. Dù Phật Pháp trụ thế mà mình không trì Giới, thì ngay chính bản thân mình đây đã tạo nên Mạt Pháp. Pháp nhờ vào Tăng mà truyền đạt, song phải cần lấy Giới làm gốc; Giới là nền tảng để thành Phật. Nền tảng này cũng giống như cái móng khi xây nhà. Bây giờ mình xây móng để dựng nhà Phật Pháp, thì chắc chắn phải lấy trì Giới làm bước khởi đầu.

Các vị phải đặc biệt chú ý! Ðừng nên sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, uống rượu. Không phải là mình không muốn làm mà vì bản tính mình không làm. Chẳng phải là do người ta ép buộc, mình mới không làm; mà vì trong thâm tâm mình luôn luôn thật thà tự ý nghiêm trì năm giới căn bản!

Chú thích: Hàng tuần, Hòa Thượng Tuyên Hóa đều có dạy lớp làm đối liễn cho tứ chúng ở Vạn Phật Thành. Nội dung của lớp là Hòa Thượng viết ra một câu, có khi dài 4 chữ, 7 chữ, hoặc nhiều chữ, hoặc một bài thơ, rồi đại chúng căn cứ vào câu ra đề ấy để làm một câu đối lại. Bài trên trích ra từ một trong những lớp dạy làm đối liễn ấy. Xem bài #77.

 

54. LÀM NGƯỜI CẦN PHẢI HIẾU THẢO VỚI CHA MẸ

(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 9 năm 1983) 

Con người và thú vật khác nhau ở điểm là con người có trí huệ, biết hiếu thảo, biết giữ tục lệ nề nếp, biết quý trọng lễ, nghĩa. Không hiểu quy củ, không biết hiếu thảo với cha mẹ, không hết lòng trung thành với tổ quốc, không biết những điều kiện căn bản làm người, thì mình với ngựa, dê, trâu, bò có khác gì? Nên mình phải chú ý! Nhất là học sinh trong thời đại này càng phải chú ý hơn nữa!

Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo rồi! Không phải như vậy!

Thế nào là trọn vẹn chữ hiếu? Ðầu tiên mình phải biết nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời cha mẹ. Phải hết sức cung kính nghe theo lời cha mẹ dạy; lúc đối đáp với cha mẹ thì phải hết sức "hòa nhan duyệt sắc," nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn. Cha mẹ sai bảo điều gì thì phải làm ngay, không được lười biếng hoặc tỏ thái độ không vui, không thích. Nếu mình có điều gì sai lầm, bị cha mẹ rầy la, thì phải hết sức vui vẻ mà tiếp nhận, không được có thái độ cứng đầu, không chịu lãnh hội lời chỉ bảo.

Trong thiên hạ, ai ai cũng muốn con cái trở nên người tốt nên mới dạy dỗ một cách nghiêm khắc. Trong Tam Tự Kinh có câu:

 

"Tử bất giáo phụ chi quá,

Giáo bất nghiêm sư chi đọa."

Nghiã là:

 

"Không dạy dỗ con cái là lỗi của cha,

Dạy mà không nghiêm khắc là lỗi của thầy."

 

Người xưa cũng dạy rằng: Bổng hạ xuất hiếu tử! (Dưới lằn roi vọt mới đào tạo được người con hiếu thảo!)

Ðó là quan điểm thời xưa, hiện tại có nhiều chỗ không hợp thời; nhất là ở nước Mỹ này, người Tây phương chưa hề nghe qua. Bởi vì ở Mỹ người ta nói giáo dục là phải thân ái, không được đánh đập con cái, phải để cho con cái tự do phát triển! Nói tóm lại, nếu quá nghiêm khắc thì cũng không tốt, mà quá phóng túng, tùy tiện, thì cũng không tốt; mình phải giữ trung dung thì mới hợp lý.

Người Trung Hoa vốn chú trọng về đạo hiếu. Ông Tăng Sâm, một đệ tử của Ðức Khổng Tử, có nói rằng: 

"Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương." 

Nghĩa là: "Khi cha mẹ còn thì mình không nên đi xa nếu đi thì phải có nơi có chỗ." Ðại ý là cha mẹ còn sống thì con cái không nên tìm cách đi chỗ nầy chỗ nọ; nếu có chuyện gì cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, thì phải cho cha mẹ biết địa chỉ chính xác để cha mẹ khỏi lo nghĩ. Làm cho cha mẹ lo nghĩ là không hiếu thảo. Cho nên tục ngữ có câu: Nhi hành thiên lý mẫu đảm ưu. (Con đi ngàn dặm, ở nhà mẹ lo âu.) Ðó là hình dung lòng mẹ rất quan tâm đến con cái vậy.

 

55. TỰ DO QUÁ MỨC SẼ ÐEM LẠI ÐAU KHỔ! 

Ở Trung Hoa vào thời đại Liệt Quốc và hiện tại ở Tây phương, con người không khác nhau gì mấy do vì tình trạng luân lý và đạo đức suy đồi.

Khi Khổng Tử soạn Thi thư, định Lễ nhạc, thì Ngài có quy định mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Bàn về năm mối quan hệ đó, Ngài dạy rằng vua tôi phải có Nghĩa, cha con phải có Thân, vợ chồng phải có Biệt, anh em phải có Bậc, bạn bè phải có Tín. Ngài lại giảng về tám đức: Hiếu, Ðễ, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ, và dùng tám đức này để duy trì quy củ trong xã hội.

Chúng ta đừng nên cho rằng lối sống tự do phóng túng của Tây phương là tốt, vì kỳ thật, nó dẫn dụ con người làm những điều không hợp với đạo đức. Các vị thử nghĩ coi, hành vi của những người "hippy" làm cho thiên hạ đại loạn. Nam, nữ không còn biết giữ gìn nề nếp, tha hồ phóng túng. Khẩu hiệu của họ là: "Hảo tắc tụ, bất hảo tắc tán." (Thích thì hợp, không thích thì tan.)

Tư tưởng như vậy khiến cho hôn nhân dễ bị sụp đổ, vì bị họ coi như đóng kịch mà thôi! Ða số những tuồng kịch đó kết thúc thật là bi đát, mà kẻ chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người con gái.

Từ trước đến nay tôi không có ý phê bình, song ngày hôm nay có những người không giữ nề nếp xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục như vậy, cho nên tôi mới cảm khái nói vài lời bình luận.

Phàm những ai đến đây tu hành thì không được học thói "hippy" phóng túng, tùy tiện, thích gì làm đó. Những hành vi như vậy thật là gieo họa cho quốc gia và tai ương cho dân chúng, nên tôi không thể làm thinh không nói ra. Những hành động như trên chính là những hành vi đưa đến cảnh vong quốc, diệt chủng!

 

56. "HIPPY" TỪ ÐÂU ÐẾN?

(Vạn Phật Thành ngày 17 tháng 9 năm 1983) 

Những hành vi không tốt của những người "hippy" từ đâu mà phát sinh ra? Nói tóm tắt thì từ nơi pháp lịnh của đất nước, của quốc gia mà phát sinh ra! Bởi vì theo phong khí hiện tại, cha mẹ không thể nghiêm mình quản giáo con cái, thầy giáo cũng không thể trừng phạt học sinh vì sợ mang tiếng là ngược đãi con em, do đó đành để con em "tự do phát triển."

Các vị thử quan sát xem, bởi "tự do phát triển" nên tạo ra đầy dẫy kẻ "hippy," kẻ đồng tính luyến ái, và những thiếu niên bất lương, du đãng. Chúng giết người, đốt nhà, cướp đoạt, làm đủ chuyện điên đảo. Tất cả những hiện tượng đó đều do quan niệm "tự do phát triển" tạo thành! Trai, gái hết sức lăng loàn, cùng sống lõa lồ, ca hát, nhảy múa, uống rượu, hút ma túy, tạo thành một thế giới điên cuồng, thương phong bại tục; do đó, địa ngục Trụ đồng, Giường lửa là nơi họ sẽ rơi vào mà thọ khổ sau khi chết!

Nếu ở Vạn Phật Thành mà không chân chính tu hành, lại để cho cảnh giới bên ngoài lay chuyển, thì tôi thật đau lòng đến cực điểm! Nhìn những người đó mà tôi rơi lệ. Tôi dạy các vị phương cách để trở nên bậc hiền nhân quân tử, nhưng nếu các vị cam lòng đọa lạc, chạy theo trào lưu "tự do phát triển," thì quả thật các vị đã bị tư tưởng của bọn "hippy" này thâm nhiễm quá sâu rồi! Mong sao các vị từ nay về sau sẽ hết lòng hoán cải lỗi lầm, trở thành con người mới!

 

57. HỌC ÐƯỜNG LÀ THÁNH ÐỊA

(Vạn Phật Thành ngày 18 tháng 9 năm 1983) 

Học đường là Thánh địa giáo dục nhân tài, giống như một lò luyện kim lớn, trong đó mọi thứ sắt, vàng, đồng được nung nấu, trải qua trăm ngàn lần trui luyện để cuối cùng trở thành thứ kim cang bất hoại. Kẻ thành tài thì tương lai sẽ phục vụ quốc gia, thành bậc lương đống, trụ cột cho đất nước. Cho nên vị giáo sư được dạy kẻ anh tài trong thiên hạ thì thật vô cùng sung sướng. Ðây là công việc mà thánh thần cũng không thể xâm phạm, cho nên mình phải tận tâm nỗ lực đảm trách nhiệm vụ này.

Hiện tại có nhiều trường học đã biến chất rồi. Không những đại học, trung học mà cả tiểu học, học sinh đa số là hút thuốc và dùng ma túy. Con em bây giờ có lòng hiếu kỳ, trước thì học hút thuốc lá, sau thì học ăn cắp đồ vật. Ăn cắp rồi thì đổi lấy tiền để mua ma túy mà hút; lại còn học thói nói láo, thói lừa dối người khác. Các vị là công dân của đất nước, chứng kiến tình huống như vậy mà không xót xa, thống thiết thì thật là không có tâm huyết vậy!

Nếu quan sát các trường học ở ngoài Vạn Phật Thành, các vị có chắc là sẽ tìm ra được một ngôi trường mà học sinh không hút thuốc, không dùng ma túy, không bán độc dược cần sa chăng? Thậm chí chưa từng nghe nói có ngôi trường nào như thế cả! Thầy giáo thì biết mà không quan tâm, còn để mặc học sinh muốn làm gì thì làm. Có những trường học lại là trung tâm buôn bán ma túy nữa, thật là nguy hại thay!

Song le, điều làm cho chúng ta đau lòng nhất chính là trường học biến thành nơi hẹn hò yêu đương giữa trai gái, là nơi chúng làm chuyện dâm loạn. Có nhiều phụ huynh khuyến khích con gái mình uống thuốc ngừa thai, đó là điều xưa nay hiếm có; trường học thì không quan tâm tới chuyện này, chỉ biết làm sao để thu học phí thôi. Rốt cuộc, học sinh học xong ra trường thì cũng chẳng có quan niệm gì về đạo đức cả, cũng không có quan niệm về trinh tiết và tiết tháo nữa.

Người nào cũng nói: "Tự do! Tự do! Tự do!" Ðó là "tự do" xuống địa ngục vậy! Cái phong khí không tốt đẹp như vậy đối với người đời thật trăm phần hại, chẳng một phần lợi. Nếu như các nhà giáo dục không đặt ra phương pháp để cải cách, thì hậu quả khó biết sẽ ra sao.

Vì vậy tại Vạn Phật Thành, bất luận là tiểu học, trung học hay đại học, con trai, con gái học riêng biệt. Ngay từ lúc chúng còn nhỏ phải bắt đầu dạy chúng về nền nếp tách biệt giữa trai và gái. Nhà đương cuộc cần phải thức tỉnh và mau mau nghĩ cách cải thiện phong khí suy đồi của học đường; bởi: Vong dương bổ lao, do vị vi vãn. Nghiã là: Dê tuy mất, nếu kịp sửa chuồng thì vẫn chưa quá trễ.

 

58. KHI PHÁT NGUYỆN CẦN PHẢI THÀNH TÂM 

Kẻ xuất gia tu Ðạo cần phải phát nguyện. Phát nguyện là để tinh tấn tu hành. Phát nguyện là để cảnh giác chính mình, sửa đổi điều ác mà làm điều thiện. Tu Ðạo mà không phát nguyện thì cũng như là hoa nở mà không kết trái vậy, đó là điều không thể được.

Nếu đã phát nguyện rồi tốt nhất cần phải hàng ngày lập lại, nói qua một lần nữa, bởi vì "ôn cố nhi tri tân"! Phải nhớ được nguyện mình từng phát là nguyện gì, mình cần phải làm điều gì, thì lúc đó nguyện mình đã phát mới không phải là lời hứa suông. Mình mới không tự lừa mình mà dối người, đồng thời không phải phát nguyện rồi quên mất đi.

Chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ do chân thật phát nguyện nên các ngài mới chứng được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chư Phật và Bồ Tát tương lai cũng do phát nguyện mà đắc được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phật là bậc Ðại Trí Huệ, chúng ta là kẻ đại ngu si, nên cần phải học đại trí huệ của Phật. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình, lúc nào cũng học bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, và lúc nào cũng tu trì hạnh nhẫn nại những điều khó nhẫn nại, làm những việc người khác khó làm nổi.

Mọi việc mình làm đều phải chân thật thì mới tương ưng với Ðạo được. Vì vậy phát nguyện cần phải thành tâm, thành ý, không thể có hành vi dối trá hoặc tham cầu hư danh được. Ðó là điểm mà tôi hy vọng các vị chú ý. Phật A Di Ðà do phát 48 đại nguyện nên mới thành tựu được Thế giới Cực Lạc và nhiếp thọ được tất cả chúng sinh ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử. Chúng ta cần phải y theo Ngài và chư Phật cùng Bồ Tát trong quá khứ, mà mau mau phát nguyện. Có phát nguyện thì mới có thể thành được Phật quả!

Nếu như mình có lỗi lầm thì phải đau lòng cải hóa đi, đừng nên che đậy hoặc tô điểm thêm những lỗi lầm xấu xa của mình. Phải hết sức thẳng thắn sám hối trước đại chúng, nếu ngược lại thì chỉ thêm tội lỗi. Mình chạy theo tập khí lỗi lầm tức là "bội giác hợp trần." Hễ có thể sửa đổi lỗi lầm, hướng về điều thiện thì đó là "bội trần hợp giác."

Phát nguyện là để ngăn ngừa tội lỗi, sám hối là để tiêu trừ tội lỗi, cho nên nói: "Di thiên đại tội, Nhất sám tiện tiêu." (Tội lỗi đầy trời, Sám hối liền sạch.) Do đó, bắt đầu từ đây về sau, mình làm con người mới!

Cổ đức dạy rằng: 

"Tùng tiền chủng chủng,

tỷ như tạc nhật tử.

Dĩ hậu chủng chủng,

tỷ như kim nhật sinh."

Nghĩa là: 

"Ðủ thứ tội lỗi từ trước,

cũng giống như ngày hôm qua đã chết rồi.

Từ đây về sau,

mọi việc mình làm kể như một cuộc đời mới." 

"Phát nguyện" và "sám hối" tuy hai danh từ khác nhau nhưng đại ý không có gì khác biệt, đại đồng tiểu dị mà thôi. Nếu có thể sửa đổi được những thói quen xấu xa tức là dũng mãnh cải hóa, dũng mãnh chấp nhận sai lầm, dũng mãnh đối đầu với thật tại. Lúc đó mới vượt qua được thử thách, không bị cảnh giới làm cho lay chuyển. Ðừng nên có ngã kiến quá sâu dày, đừng nên có ngã tướng quá nặng nề. Phải hiểu rằng chúng ta đều có giác tánh viên minh hết sức quang minh, lỗi lạc, "tròn đầy, xán lạn"; mọi tập khí, tội lỗi ở trong đó đều chẳng tồn tại được!

 

59. HỌC PHẬT PHÁP CẦN DŨNG MÃNH SỬA ÐỔI LỖI LẦM 

Các vị! Tu Ðạo nếu không sửa đổi lỗi lầm thì cũng như chẳng tu Ðạo. Học Phật Pháp mà không nhận tội lỗi rồi sửa đổi thì cũng như chẳng học. 

Hành niên ngũ thập chi thời,

nhi tri tứ thập cửu chi phi.

(Tu năm mươi năm rồi mới biết sai lầm

trong suốt bốn mươi chín năm qua.) 

Người nhận biết được những điều sai lầm của mình trong quá khứ là người có trí huệ, tương lai tiền đồ sẽ xán lạn. Nếu không biết được điều sai lầm trong quá khứ thì thật là hồ đồ vô cùng. Hễ mưu đồ cái hư danh thì liền bị khách trần làm cho mê muội, những người như vậy thật là đáng thương! Chúng ta không nên gởi nhờ Phật Tánh này nơi thân tứ đại vật chất, rồi chỉ biết truy cầu hưởng thụ mà không biết tu Ðạo.

Vì sao lại bỏ đi cái chân chính để chạy theo cái hư vọng? Vì sao lại bỏ gốc để chạy theo ngọn? Là vì mình không biết phản tỉnh, có lỗi mà không chịu sửa, không nhận thức được tự tánh này là thanh tịnh vô nhiễm, chẳng chút trần cấu. Rồi chỉ vì không thể nắm bắt được tự tánh nên đành xuôi tay theo dòng nước đục, trôi theo trào lưu ô nhiễm, khiến cho tự tánh bị vẩn đục, bổn hữu trí huệ bị vùi lấp; thật càng khó mà minh tâm kiến tánh đặng!

Chúng ta ở Vạn Phật Thành, cần đem lòng dạ hoen ố, vẩn đục này mà rửa sạch đi, để tự tánh quang minh xuất hiện. Rồi dùng tâm chính đại quanh minh để xử lý mọi việc, không thể dùng thủ đoạn để áp bức kẻ khác. Chúng ta cần phải nhớ rằng: Thị Ðạo tắc tiến, Phi Ðạo tắc thối. (Hễ là Ðạo thì tiến tới, Không phải là Ðạo thì thối lui.)

Và phải biết: Trạch thiện nhi tồn, Bất thiện nhi cải. (Chọn điều thiện mà giữ lại, Ðiều xấu thì sửa đổi đi.) Nếu được như vậy thì nhất định sẽ đạt tới địa vị Hiền Thánh!

 

60. NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH TRƯỜNG DỤC LƯƠNGVÀ TRƯỜNG BỒI ÐỨC

(Vạn Phật Thành ngày 23 tháng 9 năm 1983)

Ngày hôm nay các bạn học sinh nhỏ tuổi lên diễn đàn nói điều tâm đắc, tuy các em nói ngắn nhưng rất có ý nghĩa.

Có những em tuổi đời tuy nhỏ nhưng đã biết rằng nói láo là một hành vi gian dối. Hễ mình lừa người khác thì tương lai sẽ bị người khác lừa lại. Ðó là nhân quả tuần hoàn, là đạo lý của quả báo.

Có em còn đọc thuộc lòng được bài Ðại Ðồng của Ðức Khổng Tử làm cho tôi rất hứng thú. Hy vọng các em người Hoa, người Mỹ, người Việt, người Miên, người Lào, tất cả đều có thể đọc thuộc lòng bài Ðại Ðồng; và không những dùng Anh văn đọc được mà có thể dùng tiếng mẹ đẻ mà đọc được nữa.

Hôm nay tôi cho các vị biết tin này, người tị nạn tới đây nếu là các em học sinh, hễ ai muốn ở lại Vạn Phật Thành để học thì tôi rất hoan nghinh! Các em sẽ được học bổng miễn phí. Song các em phải sinh hoạt một cách độc lập; cha mẹ các em có thể ở ngoài làm việc, còn các em thì ở trong Vạn Phật Thành để học hành, đây là cơ hội khó kiếm được vậy!

Thời gian còn đi học là vàng ngọc bởi vì trí nhớ của mình còn tốt. Bởi vậy đọc sách gì cũng nên học thuộc lòng thì mới không quên mất được. Khi còn đi học thì mình phải nên hết sức nỗ lực, không nên ham chơi, không nên lãng phí để cho thời gian trôi qua. Người xưa nói rằng: "Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim, Thốn kim nan mãi thốn quang âm." (Một tấc thời gian là một tấc vàng, Tấc vàng khó mua được tấc thời gian.)

Các em cần phải ghi nhớ điều đó! Nếu các em không dụng công học hành thì tương lai tiền đồ chẳng có hy vọng lắm đâu. Các em học tri thức, học kỷ năng, học làm người, học làm sao trở thành người tốt. Thế nào là học làm người tốt? Tức là học đừng có nổi giận, đừng có tranh cãi với bạn bè, đừng tham cầu, thì đó là người học sinh tốt!

Các em hãy nhìn xem, người đời ai cũng có lòng tham, ai cũng có điều sở cầu, và ai cũng có đủ thứ phiền não. Những thứ đó đều do tâm tham lam mà có. Tuy nhiên, cầu xin cũng phải cho hợp lý, không thể vọng cầu viễn vông được. Không thể tham tiền tài bất nghĩa, không thể cầu cái phước mà mình chẳng có phần, cũng đừng nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi. Phải lấy Sáu Tông Chỉ của Vạn Phật Thành làm mục tiêu thì tương lai ra ngoài phục vụ xã hội chẳng những không nhiễu loạn xã hội mà còn làm cho xã hội an bình nữa.

Tôi hy vọng các em sẽ làm người chính nhân quân tử quang minh lỗi lạc, tương lai sẽ trở nên bậc xuất chúng, anh tài. Các em đừng nên học thói lỗ mãng, tác phong vô lại, ham ăn mà lười học, lúc nào cũng làm chuyện lôi thôi, phá rối xã hội. Tôi cũng hy vọng các em đừng học thói "hippy," đừng nên hút thuốc, uống rượu, xì ke, ma túy. Các em cần phải làm cho mình có kiến thức học vấn sung mãn, thành kẻ có phẩm hạnh ưu tú.

Ở tại Vạn Phật Thành, các em được dạy tiếng Anh, tiếng Hoa, v.v... Học được các ngôn ngữ khác, đó là cơ hội rất hiếm có vậy. Các em đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy nỗ lực học tập.

Từ đây về sau sẽ định rằng mỗi chiều Thứ Sáu các em sẽ tới diễn đàn này để luyện tập diễn giảng. Các em đừng nên sợ hãi, hãy nói cho lớn tiếng, và phải "lý trực khí tráng," nghĩa là luận lý cho vững, tác phong cho hiên ngang. Bởi vì:Thục năng sinh xảo.(Luyện tập thành thục thì trở nên tinh xảo.)

Luyện tập một thời gian lâu thì tự nhiên có thể nói thao thao bất tuyệt. Sau này các em sẽ thuyết giảng được những đạo lý cao thâm, trở thành những diễn thuyết gia mà mọi ngưòi nhất định sẽ phải hoan nghinh. Hiện tại là cơ hội để các em tập luyện. Hàng ngày, nếu các em có thể tuyên dương chân lý, nói như nước chảy, vấn đề nào cũng có thể giảng đặng thì các em rất chóng trở thành những nhân tài để hoằng Pháp. Ðây là thời gian tốt đẹp nhất rất khó gặp vậy, các em đừng cô phụ lòng tôi. Cổ nhân nói rằng: 

"Thư sơn hữu lộ, cần vi kính,

Học hải vô nhai, khổ tác châu."

(Núi sách có nẻo: đường vào là siêng năng.

Biển học không bến: dùng gian khổ làm thuyền.) 

Nếu các em có thể dùng tinh thần này mà dụng công học tập thì tương lai nhất định sẽ có cống hiến lớn cho quốc gia.


Âm lịch

Ảnh đẹp