KHAI THỊ QUYỂN 2
Hòa thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên
Dịch Việt Ngữ Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật
Thánh Thành Talmage, California
Phần 4
31.
TU ÐẠO KHÔNG ÐƯỢC CẨU THẢ!
Người tu Ðạo cần có
cơ sở, nền móng cho vững chắc. Muốn liễu sanh tử thì phải có công phu.
Công phu tức là gì? Tức là cách vật, chánh tâm, thành ý, tu thân.
Muốn chánh tâm trước
hết phải hiểu cách vật. Thế nào gọi là cách vật? Cách vật là trừ tự kỷ dục
vọng; bỏ đi lòng tư dục, bỏ đi tạp niệm, bỏ đi lòng ham muốn vật chất. Vật
dục thì bao quát tiền tài, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ, những thứ đó mình
phải cần diệt trừ tuyệt, sau đó mới chánh tâm.
Chánh tâm tức là
không ích kỷ; có tâm ích kỷ thì tâm mình không chánh được. Thành ý tức là
mình luôn như vậy; mình tin Phật thì tin hoài, tin vĩnh viễn; đem tâm chân
thật ra tin tưởng, đem tâm hết sức kiên định ra mà tin tưởng, không chút
hồ nghi, sợ sẽ chịu thiệt thòi, thua lỗ: "Chà, không biết có Phật hay có
Bồ Tát chăng? Làm sao mình chẳng gặp các ngài?" Nghĩ như vậy cũng giống
như cái nghĩ của con chồn khi đi trên mặt băng. Trên mặt băng, nó nhón gót
đi hết sức cẩn thận, khi tiếng băng vỡ một chút xíu thì nó lập tức thối
lui. Cho nên tục ngữ nói "như lý bạc băng" (như đi trên băng mỏng) là vậy.
Người tin Phật đừng nên có tâm hồ nghi, rụt rè như rớt vào vực sâu hay là
đi trên băng mỏng. Mình phải có lòng tin kiên cố.
Tu thân nghĩa là
chuyện gì hại đến thân thì mình không làm. Lúc nào cũng phải cẩn thận, giữ
gìn, bởi: Thân thể, phát, phu, thọ chi phụ mẫu, Bất cảm hủy thương, Hiếu
chi thủy dã. (Thân thể, tóc, da là từ cha mẹ mà ra, do vậy không dám hủy
hoại, thương tổn. Ðó chính là khởi đầu của đạo hiếu vậy.)
Tu hành thì phải có
công phu "nội Thánh, ngoại Vương" (trong lòng như bậc thánh, bên ngoài
biểu hiện như bậc vua). Nội Thánh tức là cách vật, chính tâm, thành ý. Tu
thân là công tác của ngoại Vương, tức là phải lập công: Cần lao công khổ
tác, Bất phạ hoạt kế đa. (Cần cù, lao khổ làm đủ chuyện, Không sợ ít hay
nhiều.) Chuyện gì mình cũng làm cả; không thể nói rằng: "Tôi phải ngồi
Thiền hàng ngày mới là tu hành, tôi không muốn làm chuyện khác"; bởi kẻ
biết tu thì trong lúc động cũng tu hành được!
Tu hành nghĩa là tâm
lúc nào cũng bình tịnh, không phiền não, không vô minh, không cống cao ngã
mạn, không ganh tị, chướng ngại. Những lỗi lầm trên không trừ, thì dù mình
ngồi Thiền tám vạn đại kiếp, tánh nóng giận, ganh tị, chướng ngại cũng còn
trơ trơ và mình không thể tu thành công được. Cho nên tu hành cần phải
chân chính trừ bỏ tập khí lỗi lầm, kiểm điểm bản thân; đó mới là thái độ
của người dụng công.
"Quân tử bất khí"
nghiã là người quân tử không phải như đồ vật, giống như ly trà thì chỉ có
thể dùng để uống trà mà thôi, bát ăn cơm thì chỉ đựng đồ ăn mà thôi, không
thể dùng vào việc khác được. Người quân tử thì văn, võ phải song toàn,
chuyện cao chuyện thấp đều làm được, như vậy thì mới có thể trị quốc bình
thiên hạ đặng: Năng nã đao thượng trận, sát thối địch nhân. (Có
thể vung đao xông pha nơi trận mạc, đuổi giặc diệt thù.)
Thế nên người tu Ðạo
hằng ngày phải phấn chấn nỗ lực; tinh tấn tức là tu hành! Căn bịnh lớn
nhất khi tu là tâm nổi lên phiền não. Nếu không có phiền não thì mình sẽ
tự tại, giải thoát, thì mình chính là kẻ đại tu hành. Quan trọng nhất là
bất cứ ở trong tình trạng nào, mình cũng phải hết sức định tĩnh, không
sinh phiền não; đó là chỗ đắc lực của sự tu hành. Không sinh phiền não thì
chân chánh trí huệ mới xuất hiện được.
Người quân tử có thể
biến lớn, có thể thu nhỏ; khi nhỏ thì như hạt bụi, khi lớn thì như núi Tu
Di, như cả Pháp Giới. Bậc đại trượng phu thì cái chí có thể co giãn; kẻ
nào cư xử với mình oan ức thì cũng không sinh phiền não, có thể co giãn
một cách tự nhiên lúc vuông, lúc tròn, lúc thẳng đều được cả. Bởi vậy cho
nên người quân tử không phải như là đồ vật. Quân tử bất trọng tắc bất uy,
học tắc bất cố. (Người quân tử không có trịnh trọng thì chẳng có uy đức,
sở học cũng không kiên cố.)
Nếu không kiểm soát
bản thân thì mình không có oai nghi; sở học đều là giả. Cho nên người quân
tử thì không cẩu thả, cười đùa bỡn cợt, không khinh cử vọng động. Người tu
Ðạo cần phải vượt trên người quân tử. Người học Phật thì ngày nào cũng tu
như vậy, không thể có một chút lười biếng, an phận!
32.
XÃ HỘI HỖN LOẠN(Vạn
Phật Thành ngày 1 tháng 7 năm 1982)
"Ninh vi trị thời
khuyển, Bất tác loạn thế nhân."
Dịch là:
"Thà làm chó thời bình,
Không làm người thời loạn."
Câu này nói rằng làm
một con chó trong thời bình so với làm người trong thời loạn lạc thì làm
chó còn tốt hơn. Thời thái bình thì không có chiến tranh loạn lạc, cũng
không có kẻ trộm cắp, cường đạo; cho nên chó không cần phải chú ý lo giữ
cửa, nó hết sức thanh nhàn ngồi coi nhà. Song, đến thời loạn thì nhà nào
cũng gài then sắt, khóa cửa, rồi phải nuôi nhiều chó; người giàu thì lại
thuê người gác cổng. Tuy phòng thủ nghiêm mật song người ở trong nhà vẫn
vô cùng sợ sệt như phải đi trên mặt băng mỏng, hay như rớt vào hố thẳm
vậy.
Thế giới đầy khủng
bố như vậy thì làm người không có ý nghĩa gì mấy, cho nên cổ nhân nói
rằng: "Ninh vi trị thời khuyển, Bất tác loạn thế nhân!" Lại nữa, con người
ở đời đa số ưa điên đảo, thị phi, cho điều đúng là sai, cho điều sai là
đúng. Hiếu thuận là con đường chính đáng mà con người phải theo, song ít
ai chịu làm; ngược lại, bất hiếu, cãi cha mắng mẹ thì lại cho là có bản
lĩnh cao cường. Các vị coi, thế giới hỗn loạn đến độ như thế nào? Giản dị
mà nói: nhân vị chẳng còn nữa! Hãy xem ông Tổng thống (Ronald Reagan), vài
năm trước đây ông bị người ta hành thích, bắn trúng mấy phát, người bên
cạnh ông cũng bị trúng thương; song hung thủ thì tòa án phán rằng vô tội!
Ám sát Tổng thống mà
vô tội thì chẳng phải là cổ võ cho người khác phạm pháp sao? Chẳng phải là
cổ võ người ta khinh thường pháp luật sao? Tôi thật chẳng hiểu nổi! Song
tóm lại, đó là một chuyện hết sức khác thường. Nếu hung thủ không bị trừng
phạt vì y có bịnh thần kinh, thì cũng không nên phóng thích để y được tiêu
dao, tự do như hiện tại. Nay thì y mặc nhiên được phóng thích và vô tội,
như thế không phải là kỳ quái sao?
Lại nữa, trong thời
gian gần đây ở Cựu Kim Sơn có hơn ba trăm ngàn người đồng tính luyến ái
biểu tình thị uy. Những người đó già, trẻ, lớn, bé đều là thứ yêu ma quỷ
quái xuất hiện phá rối, khiến người ta điên đảo, hồ đồ, lấy đúng làm sai,
lấy sai làm đúng, lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen. Các vị thấy bọn họ
giống như người, nhưng thực ra họ là thứ yêu ma quỷ quái tới thế giới này
để nhiễu loạn trật tự bình thường của xã hội. Ðã vậy, những kẻ không có
tri thức còn cho hành động của họ là hợp pháp nữa. Các vị coi, có thật
đáng thương xót chăng? Thật là loạn đến cực điểm!
Thời đại này thật là
đáng thương cảm vậy! Ðối với những kẻ không có tri thức thì cố nhiên chẳng
hiểu được chuyện này. Nhưng nếu các vị có lòng vì chính nghĩa, thì nhất
định các vị sẽ đau khổ đến phải khóc lên và tuyệt thực ba ngày vậy!
33.
HIỆU LỊNH
NHÂN NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC MỸ
(Vạn Phật Thành trưa
ngày 4 tháng 7 năm 1982)
Hôm nay là Ngày Quốc
Khánh của nước Mỹ, kỷ niệm ngày kiến quốc. Ðất nước có ngày kỷ niệm thì
con người cũng có ngày kỷ niệm.
Thế nào là ngày kỷ
niệm của mỗi người? Tức là khi chân chính làm người Phật tử. Mình nhớ lại
xem đối với Phật Giáo mình đã làm được gì rồi? Mình đã có cống hiến nhiều
ít? Rằng Phật Giáo hộ trì mình hay là mình hộ trì Phật Giáo? Nếu như Phật
Giáo hộ trì mình, thì mình phải làm gì để báo đáp ân Phật? Nếu như mình hộ
trì Phật Giáo, thì mình phải hỏi coi mình đã ra sức ra lực tới đâu rồi?
Trong tâm có còn những thứ cặn bã hay chăng? Rằng đầu óc, tư tưởng mình có
còn vẩn đục hay không? Rằng mình đã làm gì để bảo vệ Phật Giáo? Xét rõ
những vấn đề đó rồi thì hãy coi thử mình có thật là tín đồ chân chính của
Phật Giáo hay không? Rằng mình có chân chính ủng hộ Phật Giáo hay chăng?
Vạn Phật Thành là
đạo tràng căn bản để kiến lập Phật Giáo ở Tây phương, là chỗ bắt nguồn của
Phật Giáo thế giới, và cũng là chỗ trở về của Phật Giáo thế giới. Không
những thế, Vạn Phật Thành còn là nơi trở về của tất cả các tôn giáo khác
nữa. Bất luận tôn giáo nào tới Vạn Phật Thành nghiên cứu Phật Học cũng đều
được hoan nghinh!
Vạn Phật Thành là
của tất cả mọi người, là của tất cả chư vị Bồ Tát, của tất cả chư vị Hiền
Thánh Tăng, A La Hán, Bích Chi Phật. Vạn Phật Thành là của mọi thiện nam
tín nữ. Nếu là một phần tử của Phật Giáo thì nhất định phải ủng hộ và
không để cho ai phá hoại Vạn Phật Thành được!
Trong quá khứ, ngài
Hộ Pháp Vi Ðà với ngài Già Lam chỉ đứng bên ngoài quan sát Vạn Phật Thành,
coi thử tôi là một kẻ chẳng có tài cán gì làm thế nào mà kiến lập đạo
tràng. Các ngài không biết rằng đạo tràng có thể kiến lập được hay chăng.
Nay thì tôi phải nói
với ngài Hộ Pháp Vi Ðà và ngài Bồ Tát Già Lam rằng các ngài không thể
khoanh tay đứng nhìn được nữa; các ngài phải tận lực hộ pháp, tận lực làm
tròn trách nhiệm ủng hộ Vạn Phật Thành!
Có Vạn Phật Thành
thì có Phật Giáo; nếu Vạn Phật Thành bị tiêu diệt thì Phật Giáo cũng chẳng
còn! Phật Giáo Ấ châu đã sinh ra ung thư rồi, khó thể trị lành được. Còn ở
Mỹ, Phật Giáo đang bắt đầu sinh trưởng nên mọi thứ đều cần phải dùng Chánh
Pháp!
Các ngài Hộ Pháp Vi
Ðà và Già Lam! Ở nơi đạo tràng của Chánh Pháp mà các ngài không tận tâm
kiệt lực ủng hộ, thì các ngài không xứng đáng gọi là Hộ Pháp Vi Ðà, cũng
không đủ tư cách làm ngài Già Lam, bởi vì những điều các ngài đã làm và
những nguyện các ngài đã phát khi xưa hoàn toàn mâu thuẫn nhau!
Do đó, bây giờ tôi
nói rõ cho hai ngài biết rằng Vạn Phật Thành đã được kiến lập; các ngài
phải mau mau đảm nhận trách nhiệm hộ trì Chánh Pháp. Phàm là thiên ma,
ngoại đạo, yêu tinh, quỷ quái, các ngài không được để cho chúng tới nhiễu
loạn Vạn Phật Thành! Ma quỷ lại cũng được, song chúng không thể làm sóng
làm gió, không được phá loạn quy củ của Vạn Phật Thành. Trong mười Pháp
Giới thì Phật ở đây trụ trì đạo tràng; còn chín Pháp Giới khác, bao quát
tất cả các loại thiên ma ngoại đạo, đều phải ủng hộ Vạn Phật Thành.
Từ đây về sau, không
ai được phép ở Vạn Phật Thành mà chẳng giữ quy củ. Mọi người ở đây phải
hết sức giữ gìn giới luật. Bọn thiên ma, ngoại đạo mà tới đây tối thiểu
cũng không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không
được nói láo, cũng không được uống rượu, hút thuốc. Bất luận là người xuất
gia, là kẻ tại gia, là người, là quỷ, là tiên, hay là súc sinh, đều phải
nghiêm chỉnh tuân theo quy củ của Vạn Phật Thành, không được giải đãi!
34.
MA VƯƠNG CŨNG PHẢI GIỮ
QUY CỦ
(Vạn Phật Thành tối
ngày 4 tháng 7 năm 1982)
Vạn Phật Thành là
thành phố quang minh của thế giới. Vì quang minh nên ma vương vô cùng sợ
hãi. Lúc bắt đầu kiến lập Vạn Phật Thành, ma vương và quyến thuộc trong
Tam thiên Ðại thiên Thế giới đều sợ hãi, run rẩy. Bọn chúng muốn dùng mọi
phương pháp gây mâu thuẫn để phá hoại Vạn Phật Thành. Phải chăng những
người ở trong Vạn Phật Thành đối nghịch lại với chúng? Không phải đâu!
Chúng ta luôn luôn đề cao cảnh giác mà tu hành!
Tu hành thì cần dùng
định lực "như như bất động" để chế phục, và dùng trí huệ "liễu liễu thường
minh" để giáo hóa ma quân trong Tam thiên Ðại thiên Thế giới. Ðương nhiên
ma quân không nhất định nghe lời giáo hóa, song mình dùng phương tiện
thiện xảo để cảm hóa, làm cho chúng vui vẻ mà quy y Tam Bảo, phát tâm đại
Bồ Ðề. Ðó là trách nhiệm của mỗi người trong Vạn Phật Thành.
Trong quá khứ, ngài
Vi Ðà và Bồ Tát Già Lam thường đứng ngoài mà nhìn Vạn Phật Thành, coi thử
chùa có vươn lên nổi chăng. Song Vạn Phật Thành giờ này đã được kiến lập,
quy củ định đặt rõ ràng; cho nên, Hộ Pháp Vi Ðà và Bồ Tát Già Lam, các
ngài không thể thờ ơ được nữa! Không thể bỏ lơ trách nhiệm của mình để bọn
ma vương thừa cơ phá phách. Bồ Tát Hộ Pháp Vi Ðà xưa kia đã từng phát
nguyện hộ trì đạo tràng của Phật Giáo; Bồ Tát Già Lam cũng có phát nguyện
sâu rộng hộ trì tất cả các đạo tràng. Thế nên, hiện tại các ngài đừng có
thờ ơ, mà cần phải tinh tấn tuần thủ Vạn Phật Thành, đừng để cho ma vương
có cơ hội.
Hôm nay là Ngày Quốc
Khánh của nước Mỹ và cũng là ngày kỷ niệm thành lập Vạn Phật Thành; mọi
người ai ai cũng phải giữ giới luật, ủng hộ Vạn Phật Thành. Những kẻ hộ
Pháp như là các vị trời cũng không được "tọa thủ bàng quan," mà cần đặc
biệt phát tâm đại Bồ Ðề ủng hộ Ðạo tràng Hoa Nghiêm này; bởi vì Vạn Phật
Thành là cảnh giới của Hoa Nghiêm, tuyên dương Ðại Pháp Hoa Nghiêm, giáo
hóa tất cả ma quân ở trong Tam thiên Ðại thiên Thế giới. Trong quá khứ, ma
vương thường tới Vạn Phật Thành để nhiễu loạn và thường hay phá hoại quy
củ của Vạn Phật Thành, song bắt đầu từ ngày hôm nay chúng ta phải đem quy
củ đó mà kiến lập, làm Chánh Pháp càng ngày càng sáng soi rực rỡ!
35.
THIÊN HẠ
BỔN VÔ SỰ, DUNG NHÂN TỰ NHIỄU CHI
(Trên đời vốn chẳng
có chuyện gì, chỉ do người ngu tự đặt chuyện)
Mình nghĩ rằng mình
làm được chuyện tốt, kỳ thật chuyện đó không nhất định là tốt. Bởi vì sao?
Bởi vì chủng tử của mình không trong sạch. Khi mình đem lòng tham ra làm
việc thì chủng tử không trong sạch, đem lòng háo thắng ra làm việc thì cái
hạt giống cũng bất tịnh.
Như vậy thì phải làm
sao? Phải "hành sở vô sự," nghĩa là làm cái chuyện không có gì cả. Làm
chuyện gì thì phải coi chuyện đó như là bổn phận của mình, đừng hướng
ngoại mà truy cầu, đừng vì có sự cầu cạnh mà làm. Hàng ngày điều gì mình
làm phải coi như là "hành sở vô sự"; cho nên nói rằng:
"Bổn lai vô nhất
vật,Hà xứ nhạ trần ai?"
(Xưa nay chẳng có
vật, ở đâu dính bụi bặm?)
Hoặc nói:
"Kiến sự tỉnh sự
xuất thế gian,
Kiến sự mê sự đọa
trầm luân.
Nghĩa rằng:
"Thấy việc, tỉnh
ngộ: vượt trần gian,
Thấy việc, si mê: đọa luân
hồi."
Con người ở trên đời
thì đầy vọng tưởng điên đảo, không dễ mà trừ khử được. Nếu như trừ đặng
thì "viễn ly điên đảo mộng tưởng" rồi, chứng đắc "cứu cánh Niết Bàn" rồi!
"Không" cũng chẳng
phải là không, "sắc" cũng chẳng phải là sắc, thì đó là "bổn địa phong
quang," là nhà mình ở quê xưa. Nhưng vì chúng ta người nào cũng quay lưng
lại với giác ngộ mà hợp với trần lao bụi bặm, không biết được mảnh đất cố
hữu của mình cho nên điên đảo, chạy bên đông dông bên tây, cầu danh tìm
lợi. Chừng khi mình đã được danh được lợi rồi thì ôi thôi! Tiếc thay mình
đã gần xuống lỗ rồi!
Cho nên, nếu chẳng
phải là "thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi" thì còn là gì nữa?
Trên đời vốn chẳng có chuyện gì, chỉ do người ngu tự đặt chuyện mà thôi.
36.
VÌ NỀN GIÁO
DỤC MÀ LÀM CHUYỆN GIÁO DỤC
(Vạn Phật Thành ngày
27 tháng 8 năm 1982)
Tại Vạn Phật Thành,
những điều mà chúng ta làm ở đây cùng với người ngoài đời hoàn toàn khác
biệt. Ví dụ như hiện tại có trường tiểu học, trung học, đại học, nhưng đều
miễn phí.
Vì sao như vậy? Bởi
vì hiện nay có rất nhiều trường học không chú trọng đến giáo dục, chỉ biết
làm sao thu học phí, biến trường học thành nơi buôn bán học thức. Học sinh
tới học thì chúng ta phải dạy sao cho chúng đừng bị tư tưởng tham lợi làm
mờ tâm trí, đừng chú trọng đến tiền. Người xưa đi học là muốn sáng tỏ đạo
lý; hiện tại người đi học chỉ vì ham danh lợi, làm thế nào để được nổi
danh, để có lợi nhiều. Ðó là vì sao? Là bởi phương pháp giáo dục ở trường
học sai lầm, rồi hậu quả là thế giới càng ngày càng suy sụp, đọa lạc.
Thế giới hiện tại có
hai loại yêu quái xuất hiện nuốt chửng con người. Tuy bị nuốt chửng nhưng
ta không hề hay biết. Có kẻ nghĩ rằng: "Ồ! Hai con yêu quái đó tôi đã biết
rồi, tức là đầu đạn nguyên tử với đầu đạn khinh khí hay tia laser, tia X
chớ gì?" Chẳng phải đâu! Những thứ đó chưa cao siêu bằng loại yêu quái mà
tôi nói! Hai loại yêu quái tôi nói đây tức là computer và Tivi.
Computer, tiếng
Trung Hoa gọi là điện não, bởi là "não" cho nên nó đoạt mất trí huệ của
con người. Tivi, tiếng Trung Hoa gọi là điện thị, chữ "thị" nghĩa là thấy,
do đó nó cướp mất khả năng thấy của mình. Có người hỏi rằng: "Hằng ngày
tôi coi Tivi tại sao mắt tôi chưa bị đui?" Ðui tức là mình không còn nhận
thức được chân lý nữa! Mình đã mê, lại chồng chất thêm mê, đã mù lại bị kẻ
mù dẫn đường. Do vậy hiện tại những kẻ giết người, cướp của, phá hoại, làm
đủ chuyện xấu xa đều do học nơi Tivi mà ra cả. Song người ta không biết
điều đó, còn cho rằng Tivi v.v... là sản phẩm tối tân của thời đại tiến
bộ. Kỳ thật, các vị không biết tai hại giết người của nó.
Hiện tại còn có một
loại yêu quái thứ ba xuất hiện nữa. Ðó là gì? Ðó là người máy (robot).
Robot sẽ đoạt mất công việc của con người, khiến con người trong tương lai
không biết còn làm được gì nữa? Nếu con người mà vô ích thì sẽ thành phế
nhân.
Bởi vậy ở Vạn Phật
Thành nếu mình biết được một chút, thì làm một chút, chứ không buôn bán
chữ nghĩa. Chúng ta cần phải chơn chính giáo dục trẻ em, dạy chúng hiểu
làm sao hiếu thuận với cha mẹ, trung thành với quốc gia; biết hạ mình để
tiếp người, có tư tưởng nhân, nghĩa, đạo đức. Phải chăng tư tưởng này thật
là ngây thơ? Song các vị thử nghĩ có phương pháp nào tốt hơn để cải biến
tai ương trên thế giới này?
Muốn cải biến tai
ương trên thế giới thì chỉ có trung, hiếu, nhân, nghĩa, đạo đức mới cứu
được lòng người đã chìm đắm, mới hàng phục được yêu ma. Cho nên ở đây các
trường tiểu học, trung học hay đại học đều miễn phí cả. Do đó, nơi điểm
này thôi, các vị phải đặc biệt thấu hiểu rằng đây không phải chỉ làm việc
lấy lệ hay làm vì lợi lộc như các chỗ khác.
Lại còn một nguyên
nhân nữa: lúc tôi còn trẻ thì tôi học không nhiều. Ðối với nền học vấn phổ
thông thời đại tôi không giỏi cho lắm. Nên tôi chỉ muốn tạo cơ hội và điều
kiện tốt cho những thanh niên trẻ để họ huân đúc nền đạo đức, nhân, nghĩa;
khiến tương lai họ trở thành bậc lương tài hữu dụng cho quốc gia, trụ cột
cho xã hội.
37.
NHÂN ÁC LỚN
NHẤT LÀ SÁT SINH, ĂN THỊT
(Vạn Phật Thành ngày
29 tháng 8 năm 1982)
Mỗi người đều có
nhân quả báo ứng của riêng mình. Hễ tạo nghiệp gì thì chịu quả báo đó.
Không những chỉ có loài người là phải chịu quả báo mà tất cả chúng sanh
cũng vậy; tạo nghiệp từ xưa, ngày nay gặt quả. Ðiều đó không dễ hiểu đâu.
Ví như bị đọa làm súc sinh hoặc ở nơi ác đạo thì rất khó khôi phục lại
thân người; nên nói rằng:
Nhất thất nhân
thân,
Vạn kiếp nan
phục.
Nghiã là:
Thân người mất
rồi,
Vạn kiếp khó tìm.
Trên thế gian, có
hai loại nhân: một là nhân thiện, hai là nhân ác. Khi mình trồng nhân
thiện thì gặt quả thiện, khi trồng nhân ác thì gặt quả ác.
Người trồng nhân
thiện đi đâu cũng biết "khắc kỷ phục lễ" (tự ghép mình theo lễ nghĩa),
"khuất kỷ đãi nhân" (hạ mình mà đối đãi với người); lúc nào cũng không
chiếm đoạt tiện nghi của kẻ khác, luôn luôn sẵn sàng chịu thua thiệt. Hễ
ai gặp điều gì khó khăn thì mình lập tức giúp đỡ. Lúc nào cũng có chí làm
điều thiện, lập công tu đức, chứ không phải như kẻ chỉ biết lợi cho mình
mà không nghĩ tới lợi ích của kẻ khác. Khi công đức thiện của mình đầy đủ
thì tự nhiên mình sẽ thăng tiến, cho nên nói: "Chủng thiện nhân, Kết thiện
quả." Từ nơi loài người mình có thể thăng lên cõi trời, rồi từ cõi trời có
thể thăng lên cõi A La Hán, cõi Bích Chi Phật, cõi Bồ Tát, từng bước từng
bước mà thăng tiến. Ðó là khí thế hết sức hưng thạnh. Hễ tạo công đức gì
thì nhất định có được quả báo nấy, công đức không bao giờ mất đặng.
Thế nào là trồng
nhân ác thì tương lai sẽ gặt quả xấu? Tức là nếu mình tạo ra oan nghiệt,
phạm đủ thứ lỗi lầm, thì tương lai sẽ thọ quả báo của địa ngục, ngạ quỷ,
súc sinh. Ai bảo mình làm nhân ác như vậy? Chẳng có ai bảo cả mà tự mình
tạo lấy. Có câu rằng: Tự tác nghiệt, Bất khả hoạt. (Tự mình tạo ra điều
oan nghiệt, không ai có thể tha thứ cho mình được.) Trồng nhân ác thì sẽ
đọa vào ba ác đạo. Tóm lại, làm điều thiện thì được thăng lên, mà làm điều
ác thì bị đọa xuống. Do đó, mọi thế giới đều do mình tạo ra, tự mình phải
làm chủ, đừng ỷ lại vào kẻ khác.
Song, cái nhân ác
lớn nhất là gì? Tức là sát sinh! Con người nếu phạm Ngũ Giới (sát, đạo,
dâm, vọng, tửu) thì sẽ rất dễ đọa vào ba ác đạo và cũng rất dễ thành kẻ
đầy dẫy tri kiến sai lầm, tà vọng, không tin Phật Pháp, không kính Tam
Bảo. Ðọa vào ba đường ác rồi thì khổ không cách gì nói được.
Tội lỗi lớn nhất mà
mình đã phạm là gì? Tức là sát sinh, ăn thịt. Nếu bạn ăn thịt của người
thì sau đó người sẽ ăn thịt của bạn lại. Hỗ tương ăn thịt lẫn nhau, hỗ
tương chém giết, rồi hỗ tương đọa lạc. Một khi đã đọa lạc thì khó mà tiến
lên được, đó là điều hết sức nguy hiểm, là đi vào "hiểm lộ" vậy. Có câu
rằng:
"Tam Giới vô an,
Do như hỏa
trạch."
Nghĩa là:
"Ba cõi không an,
Giống như nhà lửa."
Ðáng tiếc là tuy nhà
cháy mà người ở trong đó vẫn thản nhiên coi thường!
Ngày hôm nay cử hành
pháp hội Vu Lan, các vị thử nghĩ xem: Chúng ta và Tôn giả Mục Kiền Liên,
ai là người có đạo đức tu hành cao hơn? Tuy công đức của Ngài cao như vậy
mà còn phải thỉnh Phật siêu độ mẹ Ngài; sau đó Phật đặt ra Pháp hội Vu Lan
để siêu độ cho cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời. Ðem mình so sánh với ngài
Mục Kiền Liên thì mình không thể nào bì được. Song phụ mẫu, tổ tiên của
mình thật là đang chờ mình cầu xin siêu độ cho họ đó. Bởi vậy chúng ta
đừng lãng phí thời gian, và đừng quên bổn phận làm người. Một khi mất thân
này thì có hối hận cũng đã quá trễ!
38.
ÐÔN PHẨM LẬP ÐỨC
(Vạn Phật Thành ngày
10 tháng 10 năm 1982)
Người học Phật cần
phải làm cho Phật Giáo ngày một phát triển sáng lạng, đừng để Phật Giáo
ngày một suy thoái. Làm thế nào để càng ngày càng phát triển sáng lạng?
Ðầu tiên phải bồi dưỡng phẩm cách cho ưu tú, lấy đó làm nền tảng tốt. Khi
có nền móng vững vàng thì tòa lâu đài xây lên không thể sụp đổ. Không thể
xây một tòa cao ốc từ một nền móng không kiên cố được. Trên phương diện tu
hành thì cần phải có căn bản vững vàng, trước tiên cần phải "đôn phẩm lập
đức."
Thế nào gọi là "đôn
phẩm"? Tức là làm cho phẩm hạnh được đôn hậu. Thế nào là đôn hậu? Tức là
tính tình đừng có khắc nghiệt, đừng có nhỏ nhen, đừng có hiểm trá quanh
co. Nói một cách khác thì tâm lượng phải rộng lớn như hư không, bao trùm
cả Pháp Giới, không có gì mà không bao phủ hay không dung nạp đặng!
Các vị thử nghĩ coi,
hư không nào phải chỉ dung nạp những thứ tốt đẹp thôi, nó sẵn sàng bao nạp
cả khí ô nhiễm, bẩn nhơ. Chúng ta cũng vậy: Mình phải có tâm lượng rộng
lớn, dung nạp mọi thứ trong hằng hà sa số thế giới, nào là Tam Giáo, nào
là Cửu Lưu, tất cả mọi hình sắc, vạn vật, tốt xấu, thiện ác đều phải dung
nạp hết. Ðó chính là làm cho phẩm hạnh đôn hậu, là bồi đắp cho đức hạnh
của chính mình.
Mình cần phải nhún
nhường mà tiếp đãi người khác, luôn luôn nhận rằng mình có lỗi lầm và tiếp
thọ sự khuyến khích, chỉ bày của kẻ khác. Lúc nào cũng tìm cách sửa đổi
cho tốt hơn, đừng nên chấp ngã, đừng nên có ngã tướng, không nên coi cái
"tôi" này là to lớn, quan trọng. Ðó chính là "đôn phẩm lập đức," làm cho
cái nền tảng của bản thân được vững vàng. Nếu làm được vậy thì nhất định
Phật Giáo sẽ phát triển, sáng lạng!
39. ÐẠO
(Vạn Phật Thành ngày
10 tháng 10 năm 1982)
Cá ở trong nước mà
không biết đang ở trong nước. Con người sống ở trong không khí nhưng không
thấy được không khí. Tuy nhìn mà chẳng thấy, nhưng không thể nói không có
không khí. Không khí tuy không có hình tướng nhưng chẳng phải là không có
không khí.
Cá sinh trong nước,
nó nhìn mà chẳng thấy nước; song một khi cá ra khỏi nước thì nó không thể
sống được. Con người nhờ vào không khí mà sinh tồn; tuy ăn không khí không
làm mình no, song mình cần không khí để sinh tồn. Vạn vật sẽ chết vì thiếu
không khí.
Nhân gian thì có
không khí; ở trên trời cũng có một loại Thần khí, Thần tánh; ở nơi Phật
thì có Phật tánh. Phật tánh và Thần tánh tuy không thể thấy được, song
cảnh giới của Thánh nhân thì không thể không có. Nếu không có Thần khí thì
chư thần sẽ đọa lạc. Nếu không có Phật tánh thì cũng không có Phật. Ðó
thật là cảnh giới vô cùng kỳ diệu.
"Tu hành" tức là tu
Ðại Ðạo vô hình, tu Ðại Ðạo vô tình, tu Ðại Ðạo vô danh. Cho nên Thái
Thượng Lão Quân có nói trong Thanh Tịnh Kinh rằng:
"Ðại Ðạo vô hình,
sinh dục thiên địa.
Ðại Ðạo vô tình,
vận hành nhật nguyệt.
Ðại Ðạo vô danh,
trưởng dưỡng vạn vật.
Ngô bất tri kỳ
danh, cưỡng danh vi Ðạo."
Nghiã là:
"Ðại Ðạo chẳng có
hình dáng, nhưng sinh ra trời đất.
Ðại Ðạo chẳng có
tình cảm, song xoay vần nhật nguyệt
Ðại Ðạo chẳng có
tên tuổi, song nuôi dưỡng vạn vật.
Ta chẳng biết tên
là gì, đành gọi là Ðạo vậy."
Chữ "Ðạo" này, theo
chữ Hán thì trên đầu có hai chấm, tức là điểm âm và điểm dương; lại cũng
từ chữ "nhân", nghiã là người, mà biến hóa ra, hai điểm này là chữ "nhân"
viết lộn ngược. Tu Ðạo có nghĩa là phải lộn ngược trở lại, là đi ngược
dòng nước chứ không phải đi thuận theo dòng nước. Ði thuận theo dòng nước
tức là sinh tử, mà đi ngược dòng nước tức là Niết Bàn! Chữ "nghịch", nghĩa
là ngược, phía trên cũng có hai chấm, đó cũng là do chữ "nhân" mà ra. Cho
nên muốn thuận thì thuận, muốn ngược thì ngược. Ởấ phía dưới hai chấm
trong chữ "Ðạo" thì có một lằn ngang, tức là chữ "nhất". Chữ "nhân" này
phân chia ra thành một âm một dương; "thiên âm, thiên dương" thì gọi là
"Cực" ("thiên" nghĩa là thiên lệch, khi âm thiên lệch hay khi dương thiên
lệch thì đến chỗ cùng cực).
Còn Ðạo người thì ở
chỗ nào? Từ nơi chữ "nhất" này, tức là số một (1) mà tìm. Một (1) là bản
thể của các số. Một này từ đâu mà có? Một này từ nơi số không (0) mà ra.
Ðã "không" thì chẳng có trong cũng chẳng có ngoài, không bắt đầu cũng
không kết thúc, quét sạch tất cả các pháp, lìa bỏ tất cả các tướng; phóng
ra thì bao quát mọi thứ, cuộn lại thì ẩn tàng chẳng thấy. Tất cả vạn vật
bắt đầu từ "số không" này mà ra. Cho tới sông núi, đất đai, phòng ốc nhà
cửa, sâm la vạn tượng đều từ nơi "số không" này mà bắt đầu.
Nói một cách rõ ràng
hơn thì "số không" này chính là bản hữu Phật tánh, là Ðại Quang Minh Tạng
rực rỡ sáng ngời, nếu thâu nhỏ lại thì nhỏ hơn hạt bụi, nếu biến lớn ra
thì lớn trùm Pháp Giới. Cho nên lớn vô cùng mà nhỏ cũng vô cùng; chẳng có
hạn lượng nào cả chính là "số không" vậy. Song, con người không biết giữ
gìn quy củ, đem "số không" này mà phá vỡ đi, cho nên biến thành "số một."
Do đó nếu chỉ có "số không" mà thôi thì không có "số một," cũng chẳng có
các số khác, và cũng chẳng cần thiết phải có các số khác!
Bởi vậy cho nên bản
lai là hào quang sáng ngời rạng rỡ, sau đó thì biến thành Một. Một này:
một bên tức là âm, một bên tức là dương, có nghĩa là từ một âm một dương
mà sinh ra muôn vật. Con người tu Ðạo thì phải từ nơi số Một này mà bắt
đầu.
Trong chữ "Ðạo", ở
dưới nét chữ "nhất" thì có chữ "tự", bây giờ mình phải đi kiếm chữ "tự."
Chữ "tự", nghiã là chính mình, gồm có dấu phết
và chữ "mục" nghiã
là con mắt; tức là phải dùng con mắt mà hồi quang phản chiếu, mà hướng vào
bên trong, không phải chạy ra ngoài mà nhìn. Ðóng con mắt lại là chữ "tự",
tức là chính mình.
Bây giờ, nếu thêm
chữ "sước" ở một bên nữa thì thành ra chữ "Ðạo", ý nói Ðạo là cần phải tu,
bởi vì chữ "sước" có nghĩa là đi, là bước, là thực hành.
Ông Hàn Dũ ở trong
Tập Nguyên Ðạo có nói rằng:
"Do thị nhi chí yên
chi vị Ðạo."
(Từ nơi này mà đi
tới chỗ kia thì gọi là Ðạo.)
"Ðạo" có nghĩa là
đường đi, cho nên tu Ðạo thì cần phải cung hành thực tiễn, thật sự tu
hành, phải nỗ lực và hết sức thành tâm. Nếu mình muốn phản bổn hoàn nguyên
thì cần phải từ nơi "số một" này mà tu về"số không."
"Ðắc nhất vạn sự
tất" (được Một, mọi sự đều xong). Nếu mình khôi phục lại được "số không"
này, tức là mình có thể trở về với bản lai diện mục và có thể chuyển diệu
Pháp Luân.
40. CHÂN,
THÀNH, HẰNG
(Vạn Phật Thành ngày
22 tháng 10 năm 1982)
Kẻ tu hành không
được đi rao bán, quảng cáo hay tuyên truyền sự nghiệp tu hành của bản
thân. Khi rao bán, quảng cáo chuyện tu của mình thì có thể bị ma quỷ phá
rối!
Có người tu thì được
Phật tới hộ trì; có kẻ được Bồ Tát tới hộ trì, có kẻ được các vị A La Hán
đến bảo vệ; có người được Trời ủng hộ; có người được quỷ thần hộ trì; có
người thì được người đến hộ trì; nhưng có kẻ thì được yêu ma quỷ quái tới
hộ trì. Bởi những kẻ đó có tâm tà, cho nên ma quỷ mới lại làm bạn với họ.
Hễ có sự hiểu sai thấy lầm, tà tri tà kiến thì mình sẽ phát sinh ra rất
nhiều thứ ma quỷ; tức là cống cao, ngã mạn, cuồng ngạo. Nếu mình không
biết khiêm nhường, nhẫn nại, không biết tự nhận lỗi lầm, thì mình có thể
gặp rất nhiều chướng ngại.
Vì vậy hôm nay tôi
muốn nói với các vị một phương pháp tu hành chơn thật. Bí quyết của sự tu
hành gồm có ba chữ:
1. Chân: nghĩa là
không hư ngụy, không giả trá; làm chuyện gì cũng hết sức chơn thật.
2. Thành: nghĩa là
thành tâm, hết sức cung kính, hết sức thành khẩn, không lười biếng giải
đãi, không làm qua loa lấy lệ.
3. Hằng: nghĩa là
luôn luôn kiên định, hằng thường bất biến, không thay đổi.
Phàm mỗi hành động,
mỗi lời nói đều phải có tâm chân, thành, hằng. Làm việc gì mình cũng có ba
cái tâm đó thì tương lai nhất định sẽ thành tựu.