Tam giải thoát môn
Đây là một đề tài dành cho những người đang công phu thiền tập. Đó
là ba cánh cửa giải thoát, từ chuyên môn nhà Phật gọi là “Tam giải thoát môn”, tức là ba phương pháp thiền quán đạt đến giải
thoát của Phật giáo phát triển. Nếu so sánh với Tam Pháp Ấn của Phật giáo
nguyên thủy là Vô Thường - Khổ - Vô ngã, hay trong luận tạng là Vô thường - Vô
ngã - Niết bàn thì ba cánh cửa này có ý nghĩa rất sâu xa. Đây cũng là ba vấn đề
hết sức quan trọng và lại rất trừu tượng, nên nếu công phu thiền quán của chúng
ta còn kém cỏi, nói cách khác, nếu chúng ta còn nhiều phiền não khổ đau quá,
chúng ta sẽ khó lòng nắm bắt được.
Tam giải thoát môn gồm: Không môn, Vô tướng môn, Vô tác môn.
1. Không môn
Đó là thấy tất cả các pháp đều không thực thể. Vì sao trong nhà Phật,
cái gì cũng cho là không hết? Tất cả kinh điển Đại thừa trong đó có 600 quyển
Bát Nhã, cho đến những bộ luận tiểu thừa và đại thừa cũng nhầm làm sáng tỏ lý không.
Nhưng tại sao không nói có mà lại nói
không? Trong cuộc đời chúng ta
thấy khổ vì bất cứ cái gì chúng ta cũng cho là thật. Vì cho là thật nên chúng
ta muốn nắm bắt, và ý niệm muốn nắm bắt đó, nếu thỏa mãn thì thêm tham, mà
không thỏa mãn thì lại sân. Như vậy, từ chỗ chấp có các pháp (Si), mà chúng ta hoặc tham hoặc sân. Từ
chỗ chấp có mà chúng ta thêm đau khổ, từ chỗ chấp có mà phải đi vào các cõi để
thọ sanh. Thọ sanh trong mấy mươi năm, tuy chỉ một kiếp phù sinh mà con người
vẫn cảm nhận nhiều sự khổ hơn vui.
Giờ đây, nói đến không là để chúng ta không chấp. Ví dụ như, nếu
chúng ta thấy thân không thật, mà phải thấy một cách thâm nhập, một cách sâu
sắc, thì khi người khác chửi ta, ta không thấy giận, khi người khác khen ta, ta
cũng không tự đắc tự hào. Vì vậy, người có thâm nhập được lý không, thì đối với
tất cả mọi cảnh ngộ, họ đều giữ tâm như đất. Từ đó suy ra cái đạo lực, cái định
lực của mỗi người. Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, chúng ta nên tự nghiệm,
trong suốt ngày qua chúng ta đã làm được gì, chúng ta đã tự tại khi tiếp duyên
xúc cảnh được bao nhiêu phần. Điều này cần đến sức nội quán của chúng ta, nghĩa
là tự kiểm nghiệm lại mình. Nhiều khi chúng ta nói vượt quá chỗ chúng ta làm
được, điều này khiến ta không được an ổn chút nào hết.
Ở đây, cũng cần chú ý một điều: Khi chúng ta nhìn đóa hoa trước mặt
và cho nó là không, vì nó được hợp
thành bởi nhiều cánh hoa, nếu chúng ta tách ra từng cánh thì cuối cùng sẽ không
còn đóa hoa nữa. Như vậy, đóa hoa không
có thực thể, cái ý niệm về đoá hoa chỉ là con đẻ của ý thức, đoá hoa chỉ có
trên giả danh giả tướng vì là do duyên hợp. Cái không vì thế có nghĩa là không
có thực thể, chứ không phải phủ nhận sự hiện hữu của đoá hoa. Mặt khác, khi
thiền quán, chúng ta từng bước quán chiếu thấy các pháp đều không, là do chúng
ta chia chẻ từng chi tiết của sự vật mà nhận ra tính duyên hợp giả có của
chúng, chia chẻ mới thấy các pháp là không, thì lúc đó đã có ý thức xen vào. Đó
chỉ là cái thấy của “Tích không quán”
chứ chưa thấy được “Đương thể tức không”.
Khi nhìn đóa hoa thấy ngay là không,
không cần quán mới thấy, đó là mức độ không
chúng ta cần nói ở đây. Cho nên, không
môn là cái thấy của trực giác chứ không phải của suy luận. Khi mà cái thấy
còn là suy luận, nghĩa là còn có tâm năng quán trên cảnh sở quán thì cái thấy
vẫn còn là phiến diện. Đóa hoa tự nó không nói lên điều gì, nhưng nếu chúng ta
thấy hoa xấu hay hoa đẹp, thực hay giả, đó là do ý thức của chúng ta áp đặt lên
nó. Thật sự, hoa khi chưa nở đã là không,
đang nở cũng là không, mà lúc tàn
rụng cũng là không. Cả ba giai đoạn:
đã, đang và sẽ đều là không. Không này không phải là đối với có, nghĩa là không thuộc nhị biên phân
biệt, mà ngay nơi các pháp vốn là không. Đây là hành vi của Bát Nhã, cái thấy
của trí tuệ chứ không phải cái thấy của suy luận, của ý thức. Ví dụ: Khi suy
luận, ta phân biệt người thân kẻ sơ, nhưng khi phăng đến tận cùng, cái gọi là
thân sơ ấy chẳng qua là sự chấp ngã: Người có ơn nghĩa với ta gọi là thân, kẻ
không dính dáng về tình cảm gọi là sơ. Hành vi ngã chấp này, rốt cuộc là
do chấp có.
Lúc thiền tập chúng ta có thể nhận biết rằng, khi buông bỏ hết vọng
tưởng, tâm hoàn toàn lặng lẽ, với tâm lặng lẽ đó mà vẫn biết, vẫn thấy tất cả
các pháp một cách tự nhiên. Đó là cái thấy không qua niệm khởi, cái thấy của
Bát Nhã, đó là không. Nếu chúng ta
chưa biết thiền định là gì, tâm sẽ suy nghĩ lung tung, không tự chủ được từng
niệm, nên thấy cái gì cũng bằng niệm hết. Nếu cố gắng gán ghép, tưởng tượng ra
một cái “không” ở nơi cái “hoa”, đây là một điều hết sức sai lầm.
Nếu có ý niệm “không” trong cái “hoa” thì ở đây sẽ có hai cái: Cái không và cái hoa. Cũng như khi nghe giảng về Phật tánh, chúng ta lại tưởng
tượng có Phật tánh trong thân năm uẩn. Những trò chơi phân ranh ấy của ý thức,
làm chúng ta không hiểu được lẽ thực của tất cả các pháp.
Có câu chuyện “Vua Sở mất
gươm”: Một hôm vua đi săn, đánh rơi mất gươm báu. Khi về triều vua mới phát
hiện là mất gươm quý, Vua bèn ra lệnh cho quần thần đi tìm. Sau đó mới hay có
một người nước Sở đã nhặt được gươm. Vua bèn phán rằng: “Thôi đừng truy cứu nữa, bởi vì vua nước Sở mất gươm, người nước Sở
được gươm”. Khi việc này lan truyền trong nhân gian, các môn đệ của Đức
Khổng Tử hỏi Ngài : “Nếu ở địa vị
Ngài, Ngài sẽ xử sự ra sao?”, Đức Khổng Tử trả lời : “Khổng Khâu sẽ bảo là, người mất gươm, người được gươm”. Chúng ta
ngẫm xem tầm nhìn của các Ngài như thế nào? Đối với vua Sở, tuy mất gươm nhưng
người được gươm là người cùng nước Sở, nên Vua không truy cứu. Như vậy cái ngã
của vua đã chan hòa khắp cả mọi người trong nước mình, nhưng chỉ giới hạn trong
phạm vi nước Sở thôi. Còn Đức Khổng Tử, tầm nhìn của Ngài xa hơn, thoáng hơn,
nên cái thấy của Ngài bao trùm tất cả loài người.
Đối với những vị đã nhận được lý không, sẽ thấy mọi pháp đều bình đẳng, tầm nhìn của các vị sẽ trùm
khắp pháp giới. Khi nhìn sự hiện hữu của bất cứ pháp nào bằng trực giác bát nhã,
thấy toàn bộ là không, thì cái thấy
đó đã thuộc về pháp giới rồi. Tâm tính lúc đó là Pháp giới tính, cho nên cái
thấy này càng siêu việt hơn. Đó là lý do các vị Bồ tát khi thâm nhập được
cái thấy này, đã lăn xả vào các cõi để độ sanh. Các Ngài có đời sống khác hơn
người thường, sống bằng thần lực, bởi vì khi thấy được cái không, lập tức có sự bình an nội tâm do cái thấy không phân ranh,
không chấp thủ, không đảo điên, không vọng tưởng. Còn chúng ta tu mà không
thấy, nên càng tu lại càng tham sân nhiều. Đó là vì chúng ta lấy cái ngã mà tu,
chưa thấy đường đi đã vội cất bước, nên phiền não cứ còn hoài.
Một điểm cần lưu ý, chúng ta đừng bao giờ nghĩ cái không ở đây là cái không đoạn diệt. Đức Phật không cố tình cho chúng ta thấy cuộc đời
này là không. Không phải khi đã ngộ
đạo, các Ngài không còn thấy cái gì trước mắt, nhưng vì có mà diễn tả không
đến, nên gọi là Diệu Hữu; vì không mà không phải là không ngơ, nên gọi là Chơn
Không. Sắc mà thấy đúng mức thì không phải là cái sắc trên giả danh, giả tướng,
mà là chơn sắc, diệu sắc. Đây là cái thấy rất tự tại, cái thấy không lệ thuộc
nhị biên, cái thấy bằng trực giác mà đôi lúc chúng ta có thể kiểm nghiệm được khi
tâm hoàn toàn an định, lặng lẽ.
2. Vô tướng môn
Đây là cánh cửa giải thoát thứ hai. Vô tướng là gì? - Khi chúng ta nhìn đóa hoa, biết nó là duyên hợp
hư giả, do nhiều yếu tố không phải nó hợp lại mà thành. Hoa không có tự thể
riêng biệt, không có tướng nhất định, không có tính đồng nhất, nên nó vô tướng.
Tất cả các pháp cũng như thế, hoàn toàn lệ thuộc vào các duyên,
không có tướng mạo nhất định. Ví dụ: nước chứa ở trong ly được gọi là ly nước,
chứa ở trong chén thì gọi là chén nước. Hình tướng của ly nước khác hình tướng
của chén nước, nhưng bản chất của nước là một. Như vậy, đồng là nước nhưng tuỳ
duyên mà có hình tướng khác nhau. Nước không có tướng nhất định nên gọi là vô
tướng. Ai thấy được cái vô tướng này, người đó sẽ nhận được sự uyển chuyển sinh
động trong từng giây phút của cuộc sống. “Chư pháp tùng bất lai, thường tự tịch diệt tướng”, nhưng
“Xuân đáo bách hoa khai, Hoàng oanh đề
liễu thượng”. Tuy tướng là tịch diệt, nhưng tuỳ duyên mà có hoa nở và chim
hót trên cành. Chim hót vẫn ở trong chỗ tịch lặng, hoa nở cũng ở trong chỗ tịch
lặng. Vì vậy, khi thấy hoa đào nở, Thiền sư Linh Vân liền tức khắc nhận ra cái
vô tướng đó. Thấy được như thế là trở về với Phật tánh của chính mình. Và lúc
ấy sẽ có một sự uyển chuyển sinh động trong cuộc sống. Các vị Bồ tát lập phương
tiện giáo hoá chúng sanh cũng nhờ cái thấy uyển chuyển sinh động này. Còn người
nào có cái thấy giáo điều, cứng nhắc, khô chết, thì rõ ràng người ấy nhốt chân
lý vào trong một khuôn khổ cố định. Thực ra, chân lý làm gì có khuôn khổ. Nếu chân
lý có khuôn khổ, thì Bồ tát Quán Thế Âm đã không thị hiện rất nhiều thân tướng
để tuỳ duyên hoá độ chúng sanh.
Chúng ta đã biết, Đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Nếu ai
bảo rằng pháp tu của mình là đệ nhất, thì người ấy chưa hiểu gì về phật pháp.
Trong phật pháp, khi còn ở cửa ngõ phương tiện thì còn có sai khác, nhưng đến
cứu cánh thì tất cả chỉ là một. Đức Phật đã từng nói: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, trong giáo pháp của Như Lai
cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Người có trí không bao giờ cố
chấp, đem một khuôn khổ áp đặt mọi người phải theo mình. Chính vì không cố
chấp, không hành xử một chiều nên đối với họ thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là
thắng duyên. Đối với người chưa biết tu, thuận cảnh làm cho họ đam mê, nghịch cảnh
làm cho họ sân hận, nên cả hai đều là chướng ngại. Còn đối với người biết tu,
thuận hay nghịch đều tốt, cho nên đối với Đức Thế Tôn, chính Đề Bà Đạt Đa
là thiện hữu tri thức bậc nhất của Ngài. Ngài đã đối xử với Đề Bà Đạt Đa cũng
như Ngài A Nan là thị giả, hoàn toàn bình đẳng, không hơn không kém.
Từ cái thấy vô tướng này, chúng ta soi rọi được rất nhiều vấn đề
trong cuộc sống. Vô tướng ở đây không có nghĩa là không có tướng, mà là nơi
tướng lìa tướng. Đối với các pháp, không thực sự có hiện hữu, mà chỉ là hiện
hữu một cách giả tạm. Thấy một cách thấu suốt như vậy chúng ta sẽ được bình an.
Cái gọi là chết chỉ là ảo tưởng do ý thức bày đặt ra, chứ không có cái chết
thật. Một đợt sóng trồi lên mặt đại dương ta cho đó là sống, khi nó chìm xuống
thì cho là chết, thật ra đợt sóng ấy chưa từng sống mà cũng chưa từng chết, nếu
sóng nhận ra nó chính là nước. Đợt sóng năm uẩn trên biển chơn như này cũng
vậy, nếu thấy được cái vô tướng của thân, ta sẽ thấy cái sống hay cái chết cũng
chỉ đều trên giả danh giả tướng.
Tóm lại, một pháp không có tự thể riêng biệt, không thể đứng riêng
biệt mà tồn tại nên nó là không. Vì không nên nó vô tướng.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”([i]).
Khi ta thấy được sự thay hình đổi dạng liên tục, trong từng sát na nơi các
pháp, ta mới thấy được chỗ phi tướng. Các pháp này là do duyên hợp giả có nên
phi, các pháp chẳng phải thật là nó nên phi. Chúng ta đừng nghĩ rằng Như Lai là
ông Phật xi măng ngồi trên bệ. Cố nhiên, chúng ta phải quý kính Ngài, xem Ngài
như đang hiện tiền trước mặt để ta đảnh lễ, để tu theo Ngài. Nhưng nếu có một
ai trong chúng ta nghĩ Như Lai với một ý nghĩ không thận trọng như vậy là lầm.
Khi ta nhìn đoá hoa, cái thấy đã đến tác động trên hoa, đó là LAI; nhưng thấy
mà không sanh tâm phân biệt đẹp xấu, ưa ghét thì đó là NHƯ. Nghe tiếng chim
hót, cái nghe tác động đến tiếng chim nên LAI, nhưng không sanh tâm phân
biệt nên NHƯ. Các căn tiếp xúc với các trần khác cũng vậy. Do đó, LAI là dụng
của NHƯ, NHƯ là thể của LAI. Chúng ta từ NHƯ mà đến (Lai), nhưng quên NHƯ, nên cứ mãi lăn lộn, tạo nghiệp mãi trong ba
cõi sáu đường, còn Đức Thế Tôn đã triệt chứng chỗ này nên gọi Ngài là NHƯ LAI.
3. Vô tác môn.
Khi hiểu sâu xa về Không, về Vô tướng, chúng ta sẽ càng dễ hiểu về
Vô tác. Vô tác môn là cửa không tạo tác. Nếu thấy bằng tâm Vô tác, liền tức
khắc được giải thoát. Đây là cửa giải thoát thứ ba.
Vô tác còn gọi là Vô nguyện, nghĩa là không mong cầu, không ham
muốn. Tâm hoàn toàn vắng lặng đối với cuộc đời này, tuỳ duyên mà sống, tuỳ
duyên mà thọ dụng. Không chấp thiện ác, đúng sai, không chấp nhị biên phân
biệt. Sống nhưng không có thức khởi trong đó, nên tuy thấy biết rõ các pháp mà
không tạo tác thêm nghiệp gì nữa. Như vậy, Vô tác là do thấy các pháp là Không,
là Vô tướng nên tâm không dính mắc, không tạo tác, dù cũng làm tất cả mọi việc.
Các vị A la hán, Bồ tát cũng làm lợi ích cho chúng sanh, cũng hoạt động sinh
hoạt như chúng sanh, nhưng không tạo nghiệp, vì tâm các Ngài là Vô tác. Đã
không tạo nghiệp thì không có kiết sử, mà không có kiết sử thì lấy gì dẫn mình
đi luân hồi? Bị dẫn đi luân hồi là khi còn kiết sử, còn nghiệp. Nếu nghiệp
thiện thì sanh nơi cõi lành, nghiệp ác phải đọa ba đường khổ là địa ngục-ngạ
quỷ-súc sanh. Ở đây không vướng các nghiệp dù thiện hay ác, nên giải thoát khỏi
sinh tử luân hồi.
Một khía cạnh khác của Vô tác đối với trường hợp của các vị Bồ tát.
Các Ngài không tác nghiệp nên không còn động cơ tái sanh ở kiếp sau. Nhưng vì
bản nguyện độ sanh, nên các Ngài tùy theo nguyện lực của mình, thị hiện nơi các
cõi để tuỳ duyên hoá độ.
Khi tu nghĩa là phải tập. Khi có cảnh thuận
hay nghịch đến với ta, ta phải để tâm xem thử động tĩnh thế nào. Đó là quán tâm
như tâm, các vận hành của tâm ta phải thấy rõ và làm chủ nó. Ta phải thấy một
cách quán triệt là toàn bộ những vọng niệm chỉ là những đợt sóng trên mặt biển tâm,
cũng như sóng trên mặt đại dương, không cần diệt vọng mà chỉ cần liễu vọng, vì
có tâm diệt vọng cũng như muốn lấy nước để trừ sóng, đó là cái thấy của Nhị
thừa chứ không phải của Phật, Bồ tát.
Một vấn đề khác nữa, khi tâm đã Vô tác thì
không còn động cơ tái sinh. Mà khi không còn động cơ tái sinh thì không còn đặt
một đối tượng sở chứng sở đắc nào. Các pháp hữu vi đã là Không, là Vô tướng,
thì cái gọi Niết bàn cũng không có tướng mạo. Niết bàn không phải là một cảnh
giới để mình bơi lội trong đó. Nói theo nghĩa thông thường, khi ta cầm một vật
gì thì vật ấy không phải là ta. Tương tự như vậy, nếu ta chứng được cảnh Niết
bàn, thì Niết bàn ấy đã ở ngoài ta rồi. Niết bàn ở đây không phải là cái bị
biết, mà là viên dung cả cái hay biết và cái bị biết, không phân ranh được. Khi
ta thấy đoá hoa là đã biết mắt ta sáng, không còn tìm con mắt của ta nữa. Khi
ta biết những đợt sóng đều là nước, thì thân năm uẩn này đã là Niết bàn, không
cần tìm Niết bàn ở đâu nữa. Đó là tinh thần Vô tác.
Chúng ta đã từng nghe bài kệ của Thiền sư
Hương Nghiêm Trí Nhàn trình cho Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch:
“Khứ niên bần vị thị bần,
Kim niên bần thỉ thị bần.
Khứ niên bần du hữu trác chùy chi địa,
Kim niên bần chùy dã vô”([ii]).
Đây là một thông điệp về sự nghèo. Cái nghèo
của Ngài Hương Nghiêm chỉ có ở các vị A la hán trở lên, các vị đã đạt đến Vô
sanh, tức là Vô tác.
Cái nghèo ở đây ám chỉ điều gì? Thế nào là
dùi? Thế nào là đất? - Đất là chỉ cho sáu trần cảnh bên ngoài. Dùi tượng trưng
cho cái tâm phân biệt hay biết. Năm xưa tuy nghèo, nhưng đối duyên xúc cảnh vẫn
còn phân tâm trên cảnh, nên còn có đất cắm dùi. Năm nay, tâm năng biết đã biến
thành trực giác, khi thấy cảnh không còn gá trên cảnh để sanh tâm, nên nghèo
không còn đất cắm dùi. Nói cách khác, năm xưa thấy cảnh vẫn còn có tâm sở hữu,
chấp trước, còn dính mắc, dù là dính mắc với cái thiện hay với trình độ tri
thức của mình về phật pháp, nên dù nghèo nhưng vẫn chưa thật nghèo. Năm nay
nghèo mới thật nghèo, nghĩa là Vô tác, làm tất cả mà không kể công, làm mà
không có cái ngã xen vào. Đây là việc làm của các vị Bồ tát, là hành động không
công đức, tức đạo đức vô hành. Bồ tát luôn luôn làm mọi việc vì người, luôn
quên mình vì lợi ích của người khác. Mà trong khi quên mình để phục vụ, thì lúc
đó các Ngài đã sống viên mãn với cái thật. Còn chúng ta thì thường chỉ có ý
thức về mình, ít nghĩ đến người khác, nên chúng ta là những con người đau khổ.
Cho nên, người nào tập quên mình bao nhiêu thì người đó sẽ có sự bù đắp vô tận
vô biên. Cũng vì thế, tu không phải là sự mất mát như nhiều người lầm tưởng,
bởi vì khi buông tất cả, ta sẽ được tất cả.
Tóm lại, Không-Vô tướng-Vô tác là ba cửa giải
thoát, nhưng không nhất thiết phải đi cả ba cửa, chúng ta chỉ chọn một cửa
thích hợp cũng vào được trong nhà. Thật ra, đây là ba khía cạnh của một vấn đề,
nên nếu thâm nhập được một cửa, thì có thể thâm nhập luôn hai cửa kia.
[i] “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng,
liền thấy được Như Lai”
[ii] Tạm dịch: “Năm xưa nghèo chưa thật nghèo / Năm nay nghèo
mới thật nghèo / Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi / Năm nay nghèo cả cái dùi
cũng không”.