Sứ mệnh của Đạo Phật
I. Ý NGHĨA
Hiểu theo sự tướng, Đạo Phật là con đường, là phương pháp tu hành
đưa con người đến mục đích giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ đối nghĩa với vô
minh, giải thoát đối nghĩa với trói buộc. Chúng sanh vô minh, chấp thân tâm là
thật, chấp các pháp là thật nên dính mắc với trần cảnh; từ đó bị phiền não trói
buộc, tạo nghiệp và quanh quẩn trong sáu đường sinh tử. Người tu khi giác ngộ
thân tâm cảnh đều duyên hợp hư huyễn, các Ngài vẫn sống vẫn làm nhiều việc lợi
ích cho đời, nhưng hoàn toàn tự do tự tại. Như thế, nhờ giác ngộ nên giải thoát
- giải thoát khỏi phiền não và cuối cùng, khỏi luân hồi. Đạo Phật được ví như
ngọn đuốc soi đường cho những kẻ còn lạc lối trong rừng rậm vô minh, hoặc như
chiếc thuyền đưa người qua biển khổ, đến bến bờ an lạc.
Hiểu theo lý tánh, Đạo Phật là tánh giác sẵn đủ ở mỗi chúng sanh.
Tánh giác là thể chẳng sanh chẳng diệt ở ngay thân ngũ uẩn sanh diệt. Chư Phật
đã nhận ra và hằng sống với tánh giác chân thường, chúng sanh cũng có tánh giác
nhưng bị phiền não tham sân si che lấp, như vàng trong quặng, như sóng chìm nổi
trên mặt biển. Thể tĩnh lặng của biển luôn hiện hữu trong tướng biến động của
sóng. Do có gió nên mặt biển nổi sóng, và khi gió lặng, sóng lại trở về với
biển cả mênh mông. Cũng vậy, chúng sanh đang trong thể tánh tịch chiếu của biển
chân như, do gió nghiệp thổi mà sinh ra thân năm uẩn, theo đó tiếp tục tạo
nghiệp rồi thọ thân mãi mãi không cùng. Hơn thế, chúng sanh lại quên thể tánh
hằng tri mà nhận lầm tâm huyễn hóa là mình, như người nhận sóng mà quên nước.
Muốn trở về nước, phải ngay nơi sóng mà nhận; muốn trở về tánh giác chân
thường, phải ngay từ thân tâm vô thường. Tâm thức mê mờ của phàm phu rất gần
với tâm Bồ-đề của các Bậc Giác Ngộ, chỉ cách nhau ở một niệm quên hay nhớ mà
thôi.
Chúng sanh quên tánh giác vì mãi chạy theo thức tình phân biệt,
theo vọng tưởng điên đảo. Ví như mặt hồ có sóng lớn, ánh trăng không hiện rõ
trong nước; nhưng khi gió lặng, mặt nước yên tĩnh, bóng trăng sẽ hiện sáng
ngời. Chúng ta tu là làm lặng yên gió niệm phân biệt. Niệm Phật đến nhất tâm
bất loạn, thiền tập đến trạng thái tịch lặng và thường rõ biết, người tu nhận
ra Niết bàn tự tánh ở ngay đương xứ - bây
giờ và ở đây.
Như ta thấy, Đạo Phật không hề có những biểu hiện thần quyền hoặc
chủ trương những hình thức mê tín dị đoan. Đức Phật là Bậc Đạo Sư tức vị Thầy
dẫn đường, không phải là thần linh ban phước giáng họa. Chúng sanh có quyền
chọn lựa đường hướng cho mình, hoặc đi theo Đức Phật thì sẽ được an lạc giải
thoát như Ngài, hoặc quay lưng theo hướng khác thì cũng có quyền tạo nghiệp và
tự thọ nhận quả báo tương ứng. Chính Đạo Phật đã trao cho tất cả chúng sanh
quyền tự do và quyền bình đẳng tuyệt đối khi vị Giáo chủ nhiều lần tuyên bố: “Chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, cũng là
chủ thọ nhận nghiệp báo” và “Ta là
Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
II. LÝ THUYẾT
Giáo lý nhà Phật gồm tam tạng kinh điển (Kinh-Luật-Luận), là cả một gia tài đồ sộ. Kinh là những lời dạy
của Đức Phật thuyết giảng hoặc do các đệ tử của Ngài tuyên thuyết và được Ngài
ấn chứng. Luật là những cấm giới do Đức Phật chế ra để ngăn dứt điều ác, phát
triển nghiệp lành. Thời kỳ Đức Phật còn tại thế chưa có chữ viết chỉ truyền
khẩu, nên dần dần không thể không có những điều sai lạc. Đến nay một số giáo
điều do người sau đặt ra nhưng lại ngụy tạo lời Phật dạy; hoặc ngược lại, có
người chủ trương sai lầm cho rằng kinh điển Đại thừa không phải do Đức Phật
thuyết giảng. Điều này làm nhiều Phật tử hoang mang không biết tin vào đâu,
thậm chí rơi vào tà kiến mê tín. Vì thế, nhà Phật có một thước đo để phân định
pháp nào là đúng chánh pháp. Thước đo ấy gọi là Pháp ấn.
“Ấn” nghĩa đen là con dấu, dùng chứng thực uy quyền của vua quan. “Pháp ấn” là con dấu của Đức Phật, dùng
để chứng thực đâu là giáo lý từ kim khẩu Đức Phật thuyết ra. Với trí tuệ vô sư
xuất thế, Đức Phật đã khám phá ra chân lý tuyệt đối chi phối cả vũ trụ vạn hữu
cùng những phương pháp đoạn tận phiền não, thoát ly sinh tử. Trong suốt cuộc
đời hoằng hóa độ sanh, Ngài đều chỉ dạy cho đệ tử theo tinh thần này. Và do
vậy, nếu có một lý thuyết nào không mang được ý nghĩa như thế, thì đó không
phải là lời dạy của Đức Phật.
Pháp ấn gồm ba phân loại:
- Tứ pháp ấn.
- Tam pháp ấn.
- Nhất pháp ấn.
* Tứ pháp ấn
1. Vô thường: Tất cả mọi loài vật, từ hữu tình đến vô tình, từ lớn lao như toàn
thể vũ trụ đến tí hon như những tế bào đều thay đổi trong từng sát-na. Con
người vô thường theo tiến trình sinh lão bệnh tử, các pháp có sinh trụ dị diệt,
vũ trụ có thành trụ hoại không.
2. Khổ: Vì vô thường nên không một chúng sinh nào thoát khỏi đau khổ,
trong đó nỗi khổ luân hồi là đệ nhất. Cụ thể hơn, Đức Phật dạy rõ về tám loại
khổ: Sanh - Già - Bệnh - Chết - Cầu mong không toại nguyện - Thương yêu phải xa
lìa - Oán thù mà gặp gỡ - Thân năm ấm lẫy lừng.
3. Không: Các pháp đều do nhân duyên tập hợp mà hình thành, không có pháp
nào tự nó hiện hữu. Vì do duyên hợp nên sự hiện hữu ấy chỉ là giả tạm, thật sự
bản chất của các pháp là không. “Không”
là thể tánh cả vạn pháp, còn hiện tượng là giả
có.
4. Vô ngã: Vì các pháp do duyên hợp nên không đồng nhất và không có một chủ
thể độc lập. Các pháp cũng vô thường nên không phải cố định. Không có chủ tể,
không đồng nhất và không cố định nên các pháp đều vô ngã.
* Tam pháp ấn
1. Chư
hành vô thường: Đã nói ở trên.
2. Chư
pháp vô ngã: Vô thường và Vô ngã là hai pháp
ấn thuộc Tục đế, là chân lý chi phối mọi sự vật hiện tượng và vạn hữu trong cả
ba cõi.
3. Niết bàn tịch tịnh: Pháp ấn thứ ba thuộc Chân đế, là chân lý xuất thế gian. Hai đặc
tính của Niết bàn là thanh tịnh và thường tri, tức tĩnh lặng mà hằng rõ biết. Niết
bàn không phải là một cõi giới bên ngoài, có thể đạt đến khi nhắm mắt lìa đời,
mà là tự tánh bổn tịch bổn tri của chính mình. Khi nhận ra và thẩm thấu chân lý
vô thường vô ngã của muôn pháp, người tu thoát ly mọi khổ não, xoay lại soi
sáng chính mình, trở về Niết bàn tịch tịnh tự tâm.
* Nhất pháp ấn
Khi nhận thấy trình độ tâm linh của chư đệ tử đã có thể lãnh hội
chân lý tối thượng, Đức Phật mới thuyết giảng về Nhất tâm chân như, thuộc Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế, chỉ rõ con
người chân thật thường hằng ở mọi chúng sanh. Con người chân thật ấy không có
hình dáng nên không hề sanh diệt, không có tên nên được đặt rất nhiều tên: Chân
như, Phật tánh, Pháp thân, Bản lai diện mục… Trở về hằng sống với con người chân
thật là mục đích cuối cùng của người tu, và cũng là bản hoài chư Phật khi thị
hiện nơi đời.
Như ta đã thấy, không có lời dạy nào của Đức Phật đề cập đến việc
giải trừ sao hạn, coi hướng, coi quẻ, cùng những hình thức cúng tế thuộc tín
ngưỡng dân gian. Mặt khác, giáo lý nhà Phật cũng không phải là một nền Triết
học. Triết học nằm trong phạm vi của Hữu sư trí, trí tuệ có được nhờ học hỏi
thu lượm từ bên ngoài, từ người khác. Trái lại, Phật pháp được tuyên thuyết
bằng Vô sư trí của một Bậc Giác ngộ, tức trí tuệ phát sinh trong thiền định,
khi tâm hoàn toàn vắng bặt mọi vọng tưởng phân biệt đảo điên. Đức Phật không
nói những gì Ngài suy đoán, mà chỉ nói những gì Ngài đã thấy rõ bằng Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn. Chính vì thế giáo lý
nhà Phật là sự thật muôn đời không thay đổi, là chân lý siêu việt cả không gian
và thời gian.
III. THỰC HÀNH
Lý thuyết như đôi mắt sáng, thực hành như đôi chân khỏe. Muốn đến
nơi đến chốn, con người phải có mắt sáng để thấy đường đi và chân khỏe để tiến
bước. Mắt và chân là hai điều kiện chủ yếu, tiên quyết và không thể thiếu cho
một kẻ lữ hành.
Người Phật tử là một hành giả tâm linh, muốn trở về quê hương muôn
thuở thì cần áp dụng giáo lý vào thực hành. Thực hành là chuyển hóa ba nghiệp
thân miệng ý, chuyển hóa tự tâm. Tùy căn cơ, trình độ và sở thích, mỗi người tự
chọn cho mình một pháp môn thích hợp. Đức Phật là vị Đại lương y, có đến tám
vạn bốn ngàn pháp môn đối trị tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Chúng ta như
những bệnh nhân, đã được chẩn đoán cho toa, phải uống thuốc đúng theo lời dặn
trong toa mới mong khỏi bệnh phiền não.
Một chai trước chứa thuốc độc, nếu muốn sử dụng nó chứa mật ong,
đầu tiên ta phải đổ hết thuốc độc ra, súc rửa nhiều lần cho thật sạch. Tâm trí
ta cũng thế, ba độc tham sân si đã huân tập bao nhiêu đời kiếp. Nếu muốn chứa
vị cam lồ giải thoát, trước hết phải tẩy sạch phiền não vô minh. Tịnh tu ba
nghiệp, dần dần dừng nghiệp và sạch nghiệp. Không còn nghiệp tức động cơ sinh
tử đã ngừng, vòng xích luân hồi bị chặt đứt.
Phương pháp tu hành theo Đạo Phật được phân chia thành Ngũ thừa,
Tam thừa và Nhất thừa Phật giáo.
* Ngũ thừa Phật giáo
1. Nhân thừa: Người Phật tử quy y tam bảo, giữ gìn năm giới. Đời sau, người ấy
trở lại thân người với mọi điều tốt đẹp.
2. Thiên thừa: Tu mười điều thiện, lánh xa mười nghiệp ác, thác sinh về cõi trời
Dục giới.
3. Thinh văn thừa: Tu Tứ Diệu Đế, chứng quả vị Thinh văn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán)
4. Duyên giác thừa: Tu Thập nhị nhân duyên, quán lý Duyên sinh, giác ngộ bản chất
duyên hợp của vũ trụ vạn hữu. Chứng quả vị Duyên giác.
5. Bồ tát thừa: Tu lục độ vạn hạnh. Hành giả thực hành tự độ độ tha, đạt đến cứu
cánh Nhất thừa Phật đạo.
* Tam thừa Phật giáo
Chỉ kể Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát thừa.
* Nhất thừa Phật giáo
Kinh Pháp Hoa có một ví dụ về “Hội
tam quy nhất”, tức quy Tam thừa về Nhất thừa. Những người con mãi vui chơi
trong nhà lửa, không biết từng giây phút bị lửa đe dọa tính mạng. Người cha
muốn các con mau ra khỏi nhà lửa, nên lập bày phương tiện, hứa cho các con ba
loại xe. Nếu ai ra khỏi nhà, sẽ được sử dụng các loại xe ấy, mặc tình rong chơi
thỏa thích. Khi các con đã an toàn, người cha mới nói thật rằng, không có ba
loại xe mà chỉ có duy nhất là xe trâu
trắng. Ba loại xe ví như Tam thừa (Thinh
văn, Duyên giác, Bồ tát), xe trâu trắng là Phật thừa. Các quả vị của Tam
thừa chỉ là Hóa thành, để chúng đệ tử có cơ sở tiến đạo và không cảm thấy ngao
ngán vì đường tu xa xôi diệu vợi. Thật sự chỉ có quả vị duy nhất là Phật quả,
là Bảo sở, là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng là Niết bàn tự tâm ở ngay tại đây và bây giờ!
IV. SỨ MỆNH TRUYỀN BÁ
Sau khi thành đạo dưới cội Tất-bát-la, Đức Bổn Sư định nhập Niết
bàn, vì những gì Ngài thấy được chứng được đều khó tin khó hiểu; nếu người nghe
sinh tâm nghi ngờ phỉ báng, sẽ vô tình tạo trọng tội. Nhưng do chư Thiên ba
phen khẩn thiết thỉnh chuyển pháp luân, nên Đức Phật đành dùng phương tiện, tùy
duyên giáo hóa. Sứ mệnh truyền bá của Đức Phật lúc còn tại thế được chia làm
năm thời kỳ. Đưa dần trình độ của chư vị đệ tử từ thấp lên cao. Không kể 21
ngày đầu tiên thuyết kinh Hoa Nghiêm cho các hàng Bồ tát, 4 thời kỳ hoằng pháp
của Đức Phật gồm có([i]):
1. Phật thuyết kinh A-Hàm: Trong 12 năm, chỉ dạy mọi phương tiên tự tu tự độ.
2. Kinh Phương Đẳng: Giai đoạn chuyển tiếp từ Tiểu thừa lên Đại thừa, vừa tự độ vừa độ
tha. Phật thuyết trong 8 năm.
3. Kinh Bát-Nhã: Thời kỳ này dài nhất, 22 năm, Đức Phật dạy về Tánh Không của vũ
trụ vạn loại, về Thật Tướng Vô Tướng của tất cả các pháp.
4. Kinh Pháp Hoa, Niết bàn: Trong 8 năm cuối đời, Đức Phật thấy căn cơ của chư đệ tử đã thuần
thục, có thể đảm đương việc lớn là “Thượng
cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” nên tỏ bày lý nghĩa rốt ráo, từ Tam thừa
về Nhất thừa, từ Hóa thành đưa về Bảo sở. Để gieo niềm tin vững chắc cho hội
chúng, Ngài đã thọ ký cho các đệ tử, không kể người trí hay ngu, nam hay nữ,
hiền thiện hay xấu ác, thậm chí đến kẻ tạo tội ngũ nghịch như Đề-Bà-Đạt-Đa hoặc
súc sinh nhỏ tuổi như Long nữ, cũng đều có khả năng thành Phật. Đúng như lời Bồ
tát Thường Bất Khinh: “Tôi không dám
khinh các người, vì các người đều sẽ thành Phật!”.
Chúng ta ngày nay, có nhân duyên lớn gặp được chánh pháp, học hiểu
và tu hành có kết quả, nên tích cực truyền bá giáo lý của Đức Phật để người
khác cũng được lợi lạc, để Phật pháp mãi mãi trường tồn. Tùy khả năng tu học và
hoàn cảnh mình đang sống, chúng ta có thể bằng khẩu giáo hay thân giáo góp phần
làm tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, việc truyền bá cần theo tinh thần khế lý khế cơ
hay bất biến tùy duyên. Khế lý là phù hợp với chân lý bất biến của nhân sinh vũ
trụ, khế cơ là phù hợp với căn cơ và thời đại mà tùy nghi sử dụng phương tiện,
để ai cũng có thể thấm nhuần và tu tiến. Người truyền bá Phật pháp lúc nào cũng
linh động nhưng không bao giờ nói sai chân lý. Nhưng ngược lại, nếu nói đúng
với chân lý mà không thích hợp với thính chúng thì cũng khó thuyết phục, khó
đưa chánh pháp thấm sâu vào lòng người, khó giúp đương sự tu hành có kết quả.
Ví dụ, người Đông phương thường sống với nội tâm, nhịp sống chậm rãi nên thường
ưa thích những pháp môn thâm sâu, có căn bản hoặc tuần tự từ thấp lên cao. Người
Tây phương lại khác, quen với nhịp điệu hối hả, mong có kết quả nhanh chóng nên
thích hợp với các phương pháp làm giảm căng thẳng thần kinh hoặc giúp an lạc
ngay trong hiện đời. Những người sơ cơ chưa hiểu sâu giáo lý thường ưa nghe về
tội phước, nhân quả, nghiệp báo… Người có trình độ nghiên cứu cao hơn lại rất
tâm đắc về những đề tài Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh… Đặc biệt, đối với những
Phật tử vừa uyên thâm giáo lý vừa có công phu tu hành chuyên sâu, đây là mảnh
đất tâm trù phú để gieo chủng tử vô lậu, là những người có thể gánh vác trọng
trách tự lợi lợi tha, tự giác giác tha.
* *
*
Thuyền bè hay ngọn đuốc sáng là cứu tinh cho những người sắp chết
đuối hoặc đang bị lạc vào rừng rậm thâm u. Nhưng nếu lên thuyền mà không chèo,
có đuốc soi đường mà không đi, thì biết bao giờ thoát nạn? Giáo lý nhà Phật
thậm thâm vi diệu, muôn kiếp khó tìm, chúng ta được nghe và hiểu đúng Phật pháp
là điều hy hữu. Đã có duyên sâu dày, chúng ta càng nên nỗ lực tu hành, tùy
duyên theo hoàn cảnh riêng. Bao nhiêu sóng gió trở ngại trong đời, ta kham nhẫn
chịu đựng rồi yên ổn vượt qua, vì ta đã có hướng đi, có mục đích cao cả là
chuyển hóa bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và góp sức cải thiện xã hội.
Bằng những việc cụ thể làm lợi mình lợi người như thế, chung ta đã biết đền ơn chư
Phật một cách thiết thực và đầy đủ ý nghĩa.