Trí tuệ trong Đạo Phật
Sau năm năm học đạo
cùng các vị tiên nhân và sáu năm khổ hạnh, Sa-môn Cồ-Đàm vẫn chưa tìm ra phương
pháp thoát ly sinh tử. Ngài biết đạo không thể cầu bên ngoài, nên quyết định tự
mình phăng tìm tận nguồn tâm của chính mình. Bốn mươi chín ngày đêm thiền định
dưới cội cây Tất-bát-la là thời gian Ngài quay về cội nguồn, soi sáng tận những
ngõ ngách sâu kín của tự tâm. Và khi mọi vọng niệm bặt dứt, mọi lậu hoặc vi tế
đoạn trừ, Ngài hoát nhiên đại ngộ vào đêm cuối cùng, khi sao Mai vừa mọc.
Một nhà bác học đã thừa nhận: “Điểm
tận cùng của khoa học chỉ là mức khởi đầu của Phật giáo”. Đạo Phật
là đạo trí tuệ, vì vị Giáo chủ đã tỏ ngộ chân lý tuyệt đối và giảng dạy cho đồ
chúng những gì Ngài biết bằng trí tuệ siêu xuất của mình. Nền khoa học cách đây
25 thế kỷ vẫn còn sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay viễn vọng, cũng
chưa có phi thuyền không gian, thế mà Đức Phật đã biết trong ly nước có vô số
vi trùng, trong vũ trụ có hằng sa thế giới. Những lời dạy của Ngài về vũ trụ
nhân sinh, cho đến nay vẫn là chân lý; và khoa học càng tiến bộ, càng chứng
minh sự đúng đắn của mọi điều Ngài tuyên thuyết. Trí tuệ ấy do đâu mà có? - Chỉ
do sức thiền định sâu xa, tự nơi mình mà khám phá. Trí tuệ ấy cũng sẵn có trong
tất cả chúng sanh, chỉ vì vô minh che lấp nên mãi chịu kiếp đọa đày trong trần
lao sinh tử, như mặt trăng luôn hiện hữu trên trời không, vì mây phủ che nên dưới
đất bị bao trùm trong bóng tối.
Nhưng làm thế nào mà mây tan trăng hiện?
Nhà Phật phân biệt hai loại trí tuệ, như là kết quả của hai giai
đoạn hành trì: Một là Trí
hữu sư, kiến thức tích lũy qua quá trình nghe, suy tư và tu theo
lời dạy của Thiện hữu tri thức (Văn-Tư-Tu
huệ). Hai là Trí vô sư, tức trí tuệ sẵn có nơi nguồn tâm, hoặc trí tuệ tự mình phát
khởi do nghiêm trì giới luật và tâm an định (Giới-Định-Huệ).
Văn-Tư-Tu được gọi là Tam huệ học, Giới-Định-Huệ gọi là Tam vô lậu học.
1. Tam huệ học
Khi nghe thuyết pháp hay đọc kinh sách, có lúc ta chợt hiểu ra
nhiều vấn đề mà xưa nay ta chưa hề hiểu, hoặc có lưu tâm nhưng mờ mịt không rõ
căn nguyên. Như nhìn hoa nở rồi tàn, cảnh hợp rồi tan, người sinh rồi tử; cho
đến thân ta nay mạnh mai đau, tâm ta cũng buồn vui thương ghét không chừng.
Liên hệ đến lời Phật dạy về vô thường nơi thân-tâm-cảnh, ta thấy quả Đức Phật
nói không sai chút nào. Đây là nhờ nghe mà tỉnh sáng (Văn huệ).
Suy gẫm về lý vô thường, càng ngày ta càng thấm thía. Vô thường chi
phối mọi sự vật hiện tượng, mọi giống loài ở cả ba thời, nên là chân lý vượt
thời gian và không gian. Giở lại những tấm ảnh ngày xưa còn bé, so với gương
mặt ta hiện giờ thật khác xa nhau lắm. Nhớ lại tâm trạng ta ngày mới ra trường,
bằng cấp trong tay và tương lai rạng ngời trước mắt, ngỡ mình có thể ôm trọn cả
thế giới, bây giờ chỉ còn những lo toan trong cuộc sống thường nhật, những vết
nhăn trên trán và hố thẳm trong tâm hồn. Có dịp dạo quanh một Tháp Chàm cổ
kính, ta tự hỏi một vương triều hùng mạnh giờ đang ở đâu, lầu các nguy nga sao
nay chỉ là bạt ngàn cỏ xanh ngăn ngắt? Càng có thời gian chiêm nghiệm, ta càng
có khả năng giải thích nhiều thắc mắc về cuộc sống và con người. Nhà Phật gọi
đó là Tư huệ,
trí huệ do tư duy mà có.
Nghe và suy nghĩ mà hiểu biết, chúng ta tiến đến Tu huệ. Quán chiếu
thân-tâm-cảnh vốn vô thường, ta không tham cầu địa vị, tài sản cung phụng cho
thân vì biết nó nay còn mai mất. Ta không buồn đau vì sự tráo trở của tình
người, vì biết vọng tâm luôn biến đổi. Ta không bận lòng trước hoàn cảnh thuận
nghịch, vì biết chúng chuyển biến theo tiến trình sanh-trụ-dị-diệt,
thành-trụ-hoại-không. Nhờ tu tập, ta phân biệt được chánh-tà, thiện-ác. Thân
tâm chuyển hóa, dần dần ta trở thành người hiền thiện, góp phần Phật hóa gia
đình và thanh tịnh hóa xã hội. Ta cảm nhận sự an lạc trong chánh pháp, phiền
não tham-sân-si dần dần giảm thiểu. Nói chung, do công huân tu tập mà trí huệ
khai phát, gọi là Tu huệ.
Tam huệ học thuộc trí huệ do Thầy truyền dạy, nhờ Thầy mà phát
triển. Nhà Phật gọi là giác ngộ bậc hạ giúp người tu giảm thiểu phiền não,
nhưng vẫn chưa ra khỏi sinh tử, nên được xem là hữu lậu (còn rơi rớt). Dù vậy, đây là những bước cơ bản, như nền móng của
tòa nhà, như chân đế của tượng đài, như cội rễ của cây cối. Nếu nền cội không
vững chắc, tòa nhà càng cao càng dễ sụp đổ, cây càng lớn càng dễ tróc gốc khi
giông bão ập đến. Cho nên, Tam huệ học là nền tảng tối cần thiết cho mọi người
con Phật trong những bước đầu tìm đến hương vị giải thoát.
2. Tam vô lậu học
Mục tiêu tối hậu của người tu là giác ngộ đưa đến giải thoát khỏi
vòng kềm tỏa sinh tử luân hồi. Tam vô lậu học là con đường duy nhất giúp đạt
được mục tiêu ấy. Giới-Định-Huệ không phải là ba giai đoạn công phu theo thứ tự
trước sau (từ Giới sinh Định, từ Định
phát Huệ) mà có sự liên hệ hỗ tương, đan xen vào nhau và nhân quả cho nhau.
Giới: là những điều luật do Đức Phật chế ra nhằm
ngăn ngừa tội lỗi trong hiện tại và tương lai. Giới được xem như hàng rào bảo
vệ người tu khỏi sa vào hố sâu, là bức tường ngăn chặn sự tán tâm phóng dật, là
bờ đê ngăn dòng nước lũ của ngũ dục, lục trần. Nhà Phật chia giới làm hai loại:
- Biệt giới:
là những giới dành riêng cho từng đối tượng, tùy trình độ giới tính, xuất gia
hay tại gia, như Ngũ giới, Thập thiện, Bát quan trai giới dành cho cư sĩ; Mười
giới của Sa-di và Sa-di-ni, 250 giới của Tỳ-kheo và 348 giới của Tỳ-kheo-ni.
- Thông giới:
là giới Bồ tát, thông dùng cho mọi người có tâm nguyện trên cầu Phật đạo dưới hóa
độ chúng sanh. Bồ tát giới còn có tên là Vô
tận tạng giới, vì khi thọ giới nầy, người tu phải phát tâm rộng lớn
dũng mãnh, kiên cố và trường viễn, không chỉ trong một đời mà từ nay cho đến
khi thành tựu Phật quả. Còn gọi là Tâm địa giới, vì nhờ giữ
giới nầy, người tu phát minh tâm địa là chơn tâm sẵn đủ của chính mình. Cũng
gọi là Đại thừa giới
vì chú trọng đến sự nghịêp hoằng hóa lợi sanh.
Với nghĩa tích cực, giới không chỉ ngăn ngừa việc ác mà còn phát
triển hạnh lành, tạo sự an lạc, hạnh phúc ngay hiện đời và về sau cho bản thân
và xã hội. Đặc biệt hơn, giới là điều kiện tối cần cho người tu trau dồi đạo
đức, thăng hoa tâm linh. Mục đích của giới không phải tạo một khuôn mẫu lý
tưởng cứng nhắc, càng không phải là tiêu chuẩn so sánh mức độ tu hành, mà là
phương tiện tối thắng đưa hành giả tiến theo lộ trình Giác ngộ - Giải thoát.
Giới luật nhà Phật lập cước trên trí tuệ và từ bi. Có trí tuệ nên phân biệt
rành rẽ thiện ác chánh tà, biết tránh làm những việc mình không muốn người khác
làm cho mình, nên giới được tuân giữ bằng ý thức tự nguyện tự chủ. Có từ bi vì
biết chúng sanh bình đẳng ở tánh giác, nên có sự cảm thông, có tình thương rộng
lớn với muôn loài muôn vật, không nỡ làm điều gì tổn hại đến người và vật. Nhờ
nghiêm cẩn giữ giới, tâm hồn ta trở nên thanh cao, mọi đức hạnh và thiện pháp
được trưởng dưỡng. Giới được xem là sinh mạng của Đạo Phật, ngày nào giới luật
không ai tuân thủ thì ngày ấy Phật pháp không còn tồn tại trên thế gian này.
Người tu chúng ta đều biết bài kệ sau:
Không làm mọi điều ác
Vâng làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.
Hai câu đầu là nội dung của giới. Câu thứ ba “Giữ tâm ý trong sạch” có hai ý nghĩa: Một là không nghĩ tưởng
những điều xấu ác. Vì nghiệp phát sinh từ thân miệng ý, trong đó ý dẫn đầu, nên
hành giả phải ngăn chặn ngay từ thời điểm mà tội lỗi chỉ mới tượng hình trong ý
nghĩ. Thứ hai, thanh tịnh tâm ý là không để tâm tán loạn. Thường chúng ta mãi
duyên theo trần cảnh bên ngoài, phân biệt phải quấy tốt xấu, lại cứ suy nghĩ
lăng xăng việc mình việc người, hết nhớ về quá khứ đến tưởng tượng tương lai.
Vì tán tâm nên ta không đủ sáng suốt, gặp việc hay mất bình tĩnh, nói năng hành
động không hợp lý. Như cây đèn dầu không bóng đặt trước gió, ngọn lửa cứ chao
qua lại, không soi tỏ vật gì. Nếu đèn có bóng, đặt ở nơi yên gió, ánh sáng sẽ
chiếu soi mọi vật. Những pháp môn Phật dạy đều giúp tâm hành giả bớt tán loạn,
dần dần trở nên thanh tịnh: Người tu Tịnh độ niệm Lục tự Di-Đà, Mật tông trì
chú, Thiền Nguyên thủy giữ chánh niệm trên bốn lĩnh vực thân-thọ-tâm-pháp…, đều
có mục đích đưa tâm từ đa niệm trở về nhất niệm. Tâm dừng hết mọi suy nghĩ vẩn
vơ, ấy là Định - trạng thái tĩnh lặng mà Thiền sư Suzuki ví như: “mặt biển im phắc trong bóng đêm,
không gợn sóng và phản chiếu sao trời”.
Khi tâm an định, Huệ phát sinh, như mặt hồ yên tĩnh, ánh trăng soi
bóng sáng ngời. Trí huệ nầy không từ bên ngoài mà được. Phát khởi khi vắng bặt
mọi vọng tưởng đảo điên, tâm trở về trạng thái rỗng rang thanh tịnh. Trí huệ có
sẵn nơi mỗi chúng sanh, ở Phật không thêm nơi phàm phu chẳng bớt, nên gọi là Trí vô sư, như lời Đức Bổn
Sư tuyên bố: “Ta học đạo
không thầy”.
Hành giả Tịnh độ niệm Phật đến giai đoạn “nhất tâm bất loạn” tức vô niệm, sẽ thấy Đức Phật A-Di-Đà, tức nhận
ra tự tánh Vô lượng quang - Vô lượng thọ của chính mình. Hành giả Mật tông công
phu đến “Tam mật tương ưng” sẽ được
Đức Phật Đại Nhật thọ ký, tức mặt trời trí huệ của tự tâm. Thiền tông thì không
duy trì trạng thái tịch lặng gọi là Si
định, cũng không chủ trương từ Định mới có Huệ như một tiến trình
nhân quả tiếp nối nhau. Từ thời Lục Tổ Huệ-Năng, tinh thần “Định-Huệ đồng thời” được
xiển dương, tức Định tức Huệ. Huệ không phải là phát sinh nhờ Định, mà nằm ngay
trong cái Biết từ những công việc thường ngày. Biết nhưng không khởi niệm là
Định, Định mà vẫn thấy nghe hay biết là Huệ, Định Huệ không hai.
Thật ra, chỉ công phu miên mật đã bao gồm Tam vô lậu học. Hành giả
tu Thiền Tứ niệm xứ, thân ngồi kiết già bắt ấn tam muội là Giới; tâm chuyên chú vào hơi thở là Định; hơi thở ra vào dài ngắn đều tuệ tri là Huệ. Như người leo núi, tùy sức khỏe, khả năng, sở thích mà chọn
cho mình một con đường thích hợp, nhưng đích đến cuối cùng chỉ có một đỉnh duy
nhất. Hành giả tu Phật cũng thế, tùy căn cơ trình độ và duyên lành đối với vị
Thầy Bổn Sư mà hành trì theo pháp môn tương ứng, nhưng cứu cánh vẫn là Giác ngộ Phật tánh thường
tịch thường tri và Giải
thoát khỏi trầm luân sinh tử.
Một điều chúng ta cần lưu ý: Hành giả bước đầu giữ giới tức tránh
ác làm thiện, nhờ giới giúp tịnh hóa thân tâm. Tiến thêm một bước, hướng về
chân trời bao la của cảnh giới siêu
vượt nhị biên, không nghĩ thiện không nghĩ ác. Nếu người giữ giới
còn thấy mình là người giữ, có giới luật để giữ, thì đã sa vào ngã chấp hay
chấp vào tứ tướng (ngã, nhân, chúng sanh,
thọ giả - tinh thần của kinh Kim Cang), chướng ngại lớn trên đường tu. Ngài
Huệ Năng chủ trương “Chỉ
luận kiến tánh, không luận thiền định giải thoát”, vì
Thiền tông xem giác ngộ là cứu cánh. Nếu không giác ngộ, hành giả dễ vướng mắc
vào những giới mình đã giữ và những tầng thiền định mình đã chứng. Khi tâm dừng
hết mọi vọng niệm, mọi nghĩ tưởng phân biệt, trải rộng và vắng lặng như hư
không mà thường biết rõ ràng, hành giả thể nhập Tánh giác sẵn có nơi chính
mình. Cái biết ấy không có hình tướng nên không đến đi trong sinh diệt, trải
rộng thì khắp châu sa giới và thu gọn thì trên đầu hạt cải, như Luận Tối Thượng
Thừa viết: “Ấy là Pháp thân
thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên
thường trụ. Tướng của chân không là thật-tướng vô-tướng, trong lặng như thái
hư; rộng thì pháp giới chẳng thể chứa, hẹp thì mảy lông không chỗ lập”.
Thiền sư Huyền Giác trong Chứng đạo ca có hai câu kệ:
“Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
Mích tức tri quân bất khả kiến.”([i])
Tánh giác sẵn đủ hay Trí huệ Bát nhã là cội nguồn chân thật của mọi
chúng sanh, lặng lẽ mà thường biết ngay đương xứ (bây giờ - ở đây), không thể dùng ngôn ngữ diễn tả, không thể dùng
ý thức biện biệt, càng không thể tìm cầu bên ngoài. Bằng trí huệ vượt thường
nầy, Đức Phật biết tường tận bản thể của mọi sự vật, từ vô thủy đến vô chung,
nên những lời Ngài nói ra đều là chân lý tuyệt đối.
Khoa học ngày càng phát triển, nên người tu Phật cũng cần có kiến
thức thế học mới phù hợp với xã hội hiện đại. Nhân minh là một trong năm khả năng mà người
hành Bồ tát hạnh phải trau dồi. Bên cạnh đó, kiến thức Phật học phải vững vàng
để không đi lạc vào đường mê lối rẽ. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng bằng cấp, xem
đó là mục đích tu hành, thì ta đã sa vào mớ bòng bong chữ nghĩa mà nhà Thiền
gọi là “sắn bìm”. Tám
vạn bốn ngàn pháp môn, ba tạng kinh điển đồ sộ là ngón tay chỉ mặt trăng chân
lý, là thuyền bè đưa người qua bể khổ sinh tử. Nếu cứ chăm chú vào ngón tay thì
bao giờ thấy mặt trăng, cứ ngồi trên thuyền mà không chèo thì bao giờ đến bờ?
Chấp phương tiện làm cứu cánh là sự lầm lẫn đáng tiếc của người tu chúng ta
trong đời hiện đại, có khi vì bằng cấp mà sinh phiền não, tị hiềm, thậm chí oán
trách Bổn Sư, gây trở ngại trong tâm mình và ảnh hưởng không hay đến đại chúng;
đường tu từ đó đi xuống mà không biết. Cho nên, người tu có khi không là học
giả nhưng cần là - và phải là hành giả.
Nói tóm lại, chúng ta tu theo Đức Phật cần phát huy trí huệ, cả Trí
hữu sư và Trí vô sư. Giai đoạn đầu, ta học tập giáo lý, nghiên cứu kinh điển để
biết rõ đường hướng tu hành, không lạc vào tà đạo; đồng thời, cần có kiến thức
thế gian để chuẩn bị hành trang cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh sau nầy.
Nhưng Trí hữu sư là kiến thức vay mượn từ bên ngoài, không phải của báu nhà
mình, lại có tính hữu hạn tương đối, nên chỉ được xem là phương tiện hỗ trợ
trong công phu. Chúng ta cần tiến theo lộ trình Tam vô lậu học, trực nhận tánh
giác bản lai, thể nhập chân tánh, phát khởi Trí vô sư. Đó mới là viên ngọc như
ý của chính mình, không vay mượn ai cũng không ai vay mượn được, mới là sự
nghiệp chung thân. Trí huệ vô sư bừng sáng như mặt trời ra khỏi đám mây, xua
tan bóng đêm vô minh từ bao đời kiếp, hành giả giác ngộ toàn triệt như Sa-môn
Cồ-Đàm trong Đêm thành đạo. Giác ngộ trọn vẹn, hành giả thật sự giải thoát khỏi
tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, khỏi ba cõi sáu đường của sinh tử luân hồi.
Đức Phật là Bậc Giác ngộ viên mãn, chư Tổ nối tiếp theo Ngài là
những vị đã giác ngộ, chư Tăng Ni - trưởng tử Như Lai là những người kế thừa sự
nghiệp hoằng truyền chánh pháp, thì Phật tử tại gia cũng không thể là những kẻ
si mê. Dù chỉ như đốm lửa nhỏ hay ánh sáng đom đóm, chúng ta cũng phải làm
phương tiện soi đường cho chính mình và cho người xung quanh đi theo dấu chân
Đức Phật. Có phước duyên sâu dày được sống trong vòng giáo huấn của Ngài, chúng
ta nên lựa chọn cho mình một pháp môn thích hợp và tinh tấn hành trì không gián
đoạn. Khi nhận ra Phật tâm hằng hữu, phát khởi Trí vô sư, sống trọn vẹn bằng
gia tài đồ sộ, ta mới thoát kiếp cùng tử lang thang trong luân hồi vô tận. Có
như thế, ta mới không cô phụ bản hoài của chư Phật và không cô phụ tánh linh
của chính mình.
[i] “Chẳng lìa đương xứ thường lặng yên / Vừa khởi tâm tìm anh chẳng thấy.”