Vô thường
Khi nói đến vô thường, ta hiểu ngay đó là luật tuần hoàn của vũ trụ.
Nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời thì gọi đó là vô thường. Vì vậy,
vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh. Vì mang
tính phổ biến nên vô thường là một cuộc Đại hóa - sự biến hóa cùng khắp, bất cứ
ở đâu và lúc nào. Dù Đức Phật có xuất hiện hay không, thì ngọn lửa vô thường
vẫn cứ điềm nhiên âm ỉ thiêu đốt cả thế gian, không một phút tạm ngừng. Vì thế,
đứng về mặt Tục đế hữu hình hữu hoại thì hẳn nhiên vô thường là chân lý bất di
bất dịch.
Thân, Tâm và cảnh giới là một dòng chảy (Quá, Hiện, Vị lai). Chánh báo và Y báo của một chúng sanh tạo
thành dòng sông sinh mệnh. Lực đẩy tạo thành dòng sông sinh mệnh ấy chính là sự
khát ái vào những sở thuộc như sự nghiệp, tài sản, danh vọng nhằm củng cố cái
tôi (giả ngã) trong vòng luân hồi vô tận. Khi nào cái tôi còn bén
rễ, khi nào ý thức chấp ngã còn xen vào cuộc sống thì khi ấy vòng luân hồi vẫn
còn xoay chuyển mãi.
Vô thường có ba:
- Nhất kỳ vô thường.
- Tương tục vô thường.
- Sát na sinh diệt vô thường.
Nhất kỳ là thô tướng nhất của vô thường,
chỉ cho sự kết thúc của một tiến trình như sự chết của một người, nhưng chết
không có nghĩa là mất hẳn mà chỉ là tạm vắng ở nơi này, để chuẩn bị biểu hiện
thành sự sống ở nơi khác.
Tương tục là sự sinh diệt, băng hoại thường
xuyên trong lòng sự vật, là sự chuyển biến không ngừng, nên sự tương tục ấy là
tế tướng của vô thường.
Sát na sinh diệt là sự vô thường
ma mãnh nhất, nhỏ nhiệm nhất. Sát na là thuật ngữ nhà Phật sử dụng, chỉ cho đơn
vị ngắn nhất của thời gian. Một niệm thoáng qua trong tâm thức có đến 90 sát
na. Mỗi sát na chỉ có Phật trí mới thấy được.
Ba phạm trù thuộc ba phân loại vô thường ở trên không chỉ có trong
các hiện tượng vật lý, mà thâu gồm luôn trong các hiện tượng sinh lý và tâm lý.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, Đức Phật dạy:
“Chúng sanh bị chìm đắm trong vô số nạn khổ, thế mà không biết, lại
hoan hỷ vui chơi, chẳng kinh chẳng sợ, chẳng hề biết chán, chẳng chịu tầm cầu
giải thoát. Ở trong nhà lửa tam giới cứ dong ruỗi đông tây, tuy gặp đại khổ mà
chẳng biết đó là nguy khốn!”.
Phật nói vô thường (nhà lửa) nhằm phá cái chấp thường
của phàm phu. Vì mê mờ điên đảo, vọng nhận các pháp là thực hữu, bèn đem cái
tâm vô thường, dùng cái thân vô thường, nắm bắt các pháp vô thường, cho đến mãn
kiếp không bao giờ được thõa mãn tâm vọng cầu. Người lớn hay sống về quá khứ,
tuổi trẻ hay mơ mộng về tương lai, người tỉnh thức biết khéo sống nơi giây phút
hiện tại. Mảnh đất lập thân của người phàm là quá khứ và vị lai. Nơi an thân
lập mệnh của người tỉnh thức là hiện tại. Những kỷ niệm vui buồn quá khứ chỉ
còn là những viễn ảnh mờ xa rơi rớt, là những bóng ma của hư tưởng. Một cuộc
vui nào rồi cũng phải qua đi, một nỗi buồn nào cũng nhạt phai theo năm tháng.
Cổ Đức có dạy:
“Thời gian tợ tên bắn, ngày
tháng như thoi đưa, vô thường mau chóng, gắng gỗ chớ dần dà! Ngày tháng cứ thản
nhiên trôi qua, mạng sống cũng theo đó dần dần đoạn giảm, như cá thiếu nước,
nào có vui gì...”([i])
Trong 1 giây có đến 125 triệu tế bào chết đi, nhường chỗ cho 125
triệu tế bào khác sinh ra, trong ấy thật không thể tìm thấy cái tôi.
Đây là lời Phật dạy về nghĩa vô thường của năm uẩn:
“Này các Tỳ Kheo, sắc là vô thường trong quá khứ, trong vị lai, còn
nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỳ Kheo, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, đối
với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỉ, đối với sắc
hiện tại hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt”.
“Thọ là vô thường... tưởng là vô thường... hành là vô thường... thức
là vô thường...”([ii])
Và đây là phân đoạn thứ hai, Phật dạy về nghĩa vô thường của năm
uẩn.
“Sắc, này các Tỳ Kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho sắc sinh khởi, cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm
cho sinh khởi, thì từ đâu có thể thường được”.
“Thọ là vô thường… tưởng là vô thường… hành là vô thường… thức là
vô thường…”([iii])
Luật vô thường bình đẳng đối với tất cả chúng sanh (năm uẩn), dù là kẻ sang người hèn, kẻ
ngu người trí. Quỷ vô thường tuy không thấy hình dạng, nhưng có khả năng làm
mạng căn con người chết dần, chết mòn. Sự nhận diện thường trực nơi tất cả mọi
thay đổi chuyển dời của cuộc sống không phải để đi đến sự bi quan, chán đời, mà
là sự nhận diện cần thiết nhằm thực hiện sự chuyển hóa nơi tâm thức, vốn là sự
mê lầm cố hữu đang đè nặng lên thân phận kiếp người. Bình tâm mà nhận xét, thú
vui thế gian tuy là tạm bợ, mong manh nhưng vẫn có hấp lực phi thường; hấp lực
đó cũng chính là ma lực vô hình dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong sáu nẻo.
Chúng sanh chịu khổ sanh tử không khác nào con tằm mùa xuân kéo tơ làm kén tự
trói buộc mình; cũng như con thiêu thân tự lao vào đèn chịu cái họa chết thiêu.
Nếu như không đủ phước duyên gặp minh sư dẫn dắt thì làm sao tỏ ngộ được chánh
pháp.
Cổ đức dạy:
“Tuy sống một trăm năm như
trong khoảng sát na, như lượn sóng rút về biển Đông, như ánh sáng còn sót lại
của buổi chiều tà, như đánh đá nhà lửa, như bóng câu thoáng qua khe cửa, như
ngọn đèn trước gió, như giọt sương sớm mai trên đầu ngọn cỏ, nếu không gặp được
chánh pháp ắt phải chịu vĩnh kiếp trầm luân!”([iv]).
Một tâm thức mê mờ, quay cuồng trong cảnh sống say chết mộng, thêu
dệt nên hoàn cảnh sống, trong đó mình là tác giả. Thế nên Kinh Hoa Nghiêm cho
rằng tâm chính là một đại danh họa, họa ra thân năm uẩn và thế giới y báo:
“Tâm như người thợ vẽ
Vẽ mỗi mỗi ngũ uẩn
Trong tất cả thế giới
Đều do tâm tạo tác”([v])
Vô thường thuộc yếu tố thời gian, là một diễn trình đi từ nhân đến
quả, diễn trình đó nơi chúng sanh hữu tình thì biểu hiện thành sinh, già, bệnh,
chết; nơi các pháp thì có sinh, trụ, dị, diệt; nơi thế giới thì có thành, trụ,
hoại, không. Sự thay đổi của bốn mùa, sự di chuyển của các hành tinh vệ tinh
cũng không ra ngoài quy luật của diễn trình đó. Thế giới vĩ mô, thế giới vi mô,
thế giới trung bình cũng đều như vậy cả. Hễ có thành ắt có hoại, có hợp ắt có
tan. Người quán thông lý vô thường thì liền dừng, ấy là người tỉnh, người giác.
Cái thực vĩnh cữu vốn vô hình, vô tướng; còn cái hữu hình, hữu tướng chỉ là giả
tạm. Nhưng sự sống vĩnh hằng cũng không thể tìm ngoài cái vô thường ảo mộng.
Hãy bình thường trong mọi hoạt dụng của cuộc sống và tìm giải thoát ngay trong
cảnh bình thường đó.
Xin thay lời kết bằng một đoạn thơ của Thiền sư Thanh Đàm, thuộc
đời thứ 42, Tông Tào Động, khoảng đầu thế kỷ 19:
“Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai”.
[i] “Quang âm tợ tiễn, nhật nguyệt như toa, vô thường tấn
tốc, thiết mạt ta đà. Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư,
tư hữu hà lạc...”
[ii] Tương Ưng 3 - Ba thời vô thường - 23
[iii] Tương Ưng 3 - Cái gì vô thường - 26
[iv] “Tuy niên bách tuế du nhược sát na, như đông thệ chi
trường ba, tợ tây thùy chi tàn chiếu, kích thạch chi tinh hỏa, sậu khích chi
tấn câu, phong lý chi vi đăng, thảo đầu chi triêu lộ. Nhược bất ngộ ư chánh
pháp, tất vĩnh đọa ư du đồ hỉ!”
[v] “Tâm như công họa sư / Họa chủng chủng ngũ uẩn / Nhất
thiết thế giới trung / Giai do duy tâm tác”.