Lục độ Ba-la-mật
Lục độ Ba-la-mật là pháp tu của hàng Bồ tát, được hiểu một cách
khái quát là sáu phương tiện đưa người qua bờ bên kia, tức từ bờ mê qua bờ
giác. Tuy nhiên, ý nghĩa “qua bờ kia”
chưa diễn đạt hết tinh tuý của từ Ba-la-mật, vì Bồ tát không chỉ an vị tại bờ
giác, mà mục đích tu hành của Bồ tát là một mặt tự hoàn thiện mình, một mặt cứu
độ chúng sanh. Các Ngài làm tất cả các Phật sự nhưng không có tâm mong cầu kết
quả, không chấp trước vào người làm, vào phương tiện làm và vào chúng sinh là
đối tượng của việc làm. Đây là đạo đức vô hành, là tam luân không tịch, là vô
sở cầu vô sở đắc.
Ba-la-mật cũng là mật hạnh, đại hạnh của Bồ tát. Nếu dùng bố thí độ
xan tham, trì giới độ phá giới.... thì còn hạn chế trong việc đối trị; ở đây,
lục độ với tinh thần Ba-la-mật có sự hài hòa giữa trí tuệ, từ bi và hùng lực.
Bằng trí tuệ, Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng do mê muội
không nhận ra, nên mãi tạo nghiệp và trầm luân trong sanh tử. Vì thế, Bồ tát
phát khởi lòng từ bi, nguyện độ tận chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Có từ
bi, các Ngài có đủ hùng lực, thi thiết mọi phương tiện quyền xảo tùy căn cơ
giáo hóa chúng sinh, dù bao nghịch cảnh vẫn không thối chí.
Ba-la-mật còn có nghĩa là cứu cánh, rốt ráo. Mục đích cuối cùng của
đời tu, cũng như bản hoài của chư Phật đối với tất cả chúng sanh, là nhận ra và
hằng sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên của chính mình. Đó là Phật tánh,
chân tâm, bản lai diện mục... Nhận ra bản tâm là chánh nhân thành Phật, hằng
sống trọn vẹn với bản tâm là viên mãn Phật quả.
Lục độ Ba-la-mật gồm sáu phương tiện:
- Bố thí Ba-la-mật
- Trì giới Ba-la-mật
- Nhẫn nhục Ba-la-mật
- Tinh tấn Ba-la-mật
- Thiền định Ba-la-mật
- Trí huệ Ba-la-mật
1.
Bố thí Ba-la-mật
Hiểu theo sự, bố thí là chia sẻ, ban cho, cung
cấp; gồm 3 loại: tài thí, pháp thí và vô
úy thí. Tài thí là bố thí tài sản vật chất (ngoại tài) hoặc công lao, thân mạng của chính mình (nội tài). Pháp thí là dùng lời khuyên răn về đạo đức làm người, khiến ngưới
bỏ ác hướng thiện, hoặc dùng chánh pháp hướng dẫn người tu hành để được giác
ngộ giải thoát. Tài thí giúp người đỡ
phần khốn khó về thân trong một thời gian nhất định; trong khi tóm lược một
pháp yếu, con người có thể áp dụng suốt đời tu, nên pháp thí có thể mang đến sự
bình ổn nội tâm trong thời gian lâu dài. Người bố thí tài chỉ có một khả năng
nào đó để đáp ứng một phần nhu cầu của người nhận; còn người giảng được một
đoạn kinh hay, thì dù số người nghe đông bao nhiêu cũng đều có phần lợi lạc.
Lại nữa, tài thí chỉ có giá trị nhất thời, trong lúc pháp thí giúp vĩnh thoát
sinh tử nên giá trị vô hạn. Như vậy, so với tài thí thì pháp thí thù thắng hơn
rất nhiều, nhưng người bố thí phải có trình độ về đạo học và biết cách thu phục
nhân tâm.
Vô úy thí là giúp
người bớt sợ hãi bằng lời nói hay việc làm. Từ những điều sợ hãi nhỏ nhặt như
sợ côn trùng, sợ bóng đen... Đến những nỗi khiếp đảm đối với thiên tai, chiến
tranh, bịnh tật, chết chóc... những lời an ủi động viên hoặc hành động bảo bọc
vỗ về sẽ làm con người cảm thấy bình an hơn. Thậm chí lúc sắp lâm chung, nếu
được nghe kinh kệ, nghe niệm hồng danh chư Phật hoặc được hướng dẫn về những
điều cần làm khi bước qua bên kia cửa tử, người sắp mất có thể yên tâm ra đi
với một cận tử nghiệp thiện lành.
Hiểu theo lý, bố thí nghĩa là buông xả. Kinh
Kim-Cang, Đức Phật dạy: “Bồ tát đối với
pháp không nên có chỗ trụ mà làm việc bố thí... Nếu Bồ tát bố thí chẳng trụ
tướng thì phước đức không thể nghĩ bàn”. Khi tiếp xúc với mọi cảnh mọi
duyên mà tâm không dính mắc, không khởi niệm phân biệt phê phán, làm tất cả
việc vì người khác mà không trụ tướng, đó là hoàn toàn buông xả phù hợp với ý
nghĩa sâu xa của bố thí Ba-la-mật.
Như thế, bố thí Ba-la-mật vừa làm lợi cho mình
vừa có ích cho người. Đối với người, đây là một nghệ thuật sống, giúp người bớt
khốn khổ, bớt sợ hãi lo âu, đem đến niềm an ủi, sự ấm áp của tình người. Không
chỉ có tài sản mới bố thí được, mà một lời nói hay, một việc làm nhỏ, một nụ
cười vui… phát xuất từ tâm chân thành thiết tha đều mang nhiều lợi lạc. Mọi
công đức đều xuất phát từ tâm ý, tâm càng thanh tịnh, càng bớt ngã chấp thì kết
quả của việc làm càng lớn lao. Đối với mình, càng bố thí ta càng giảm được lòng
tham, càng có niềm vui khi việc làm có ích cho cộng đồng. Tiến thêm một bước,
thực hiện hạnh buông xả, ta có thể tự tại an nhiên trước mọi thăng trầm vinh
nhục của cuộc sống. Hình ảnh các thiền sư “đói
đến thì ăn, mệt ngủ khò” và khi hết duyên, ngồi kiết già thị tịch trước các
môn đệ, là những hình ảnh sáng ngời của sự tự tại đối với sinh và tử.
2.
Trì giới Ba-la-mật
Theo tinh thần Bồ tát Đại thừa, trì giới có ba
trình độ: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình
giới.
Nhiếp luật nghi giới là nghiêm trì giới luật, gìn giữ oai nghi, thu nhiếp thân tâm thì người
khác dễ sinh lòng quí kính, từ đó dễ cảm hoá thu phục họ. Đây là các Bồ
tát thuận hạnh, dùng thân giáo làm lợi ích cho người; nhưng nhờ giữ
oai nghi tịnh hạnh mà chính mình cũng dễ thăng tiến trên đường tu.
Nhiếp thiện pháp giới là vận dụng nhiều phương tiện giúp đỡ người khốn khó nhằm chinh phục tâm lý
người, sau đó giáo hoá người biết hướng tu hành.Việc làm này chủ yếu là lợi tha,
đòi hỏi Bồ tát phải có nhiều khả năng và kiến thức trên nhiều phương diện. Ngũ
minh là một đòi hỏi đúng đắn để Bồ tát có nhiều cơ hội giúp đời giúp người, nhất
là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay: Nội minh là giáo điển nhà Phật;
Ngoại minh là kiến thức thế gian; Y Phương minh là hiểu biết về y khoa để bảo
vệ sức khoẻ cho người; Công xảo minh là hiểu biết về các nghề nghiệp từ thủ
công đến khoa hoc kỹ thuật; và Thanh minh là ngoại ngữ để dễ giao tiếp với
người nước ngoài.
Đỉnh cao của hạnh Trì giới là Nhiêu ích hữu tình giới, Bồ tát nguyện
dùng chánh pháp hoá độ tất cả chúng sinh cùng khắp pháp giới. Bằng trí tuệ, Bồ
tát biết rõ mọi hàm linh đều có chủng tử giác ngộ. Đây là hạt giống có sẵn; nếu
gặp điều kiện thuận lợi, hạt giống sẽ nảy mầm thành cây, đơm hoa kết quả. Nếu
chưa đủ điều kiện, hạt giống ở dạng tiềm ẩn, nhưng chưa bao giờ mất. Đại nguyện
của Bồ tát là khơi dậy những hạt giống đang ngủ ngầm và tạo điều kiện để chúng
đâm chồi nảy lộc. Kinh thường diễn tả cảnh các vị Bồ tát đến nơi pháp hội của
Đức Phật, vị nào cũng có quyến thuộc đi theo. Quyến thuộc ấy là những chúng
sinh hữu duyên được Bồ tát giáo hoá từ nhiều kiếp. Bồ tát hành hạnh nhiêu ích
càng nhiều, quyến thuộc của Ngài càng đông đảo.
Để mang đầy đủ ý nghĩa Ba-la-mật, ba hình thức
trì giới nói trên phải phù hợp tinh thần tam
luân không tịch; Bồ tát làm lợi ích cho người nhưng không chấp ngã và chấp
các pháp là thật có, nên không thấy thật có mình là người làm, thật có việc
đang làm và thật có chúng sinh là đối tượng của việc làm ấy.
3.
Nhẫn nhục Ba-la-mật
Theo nghĩa hẹp, nhẫn nhục là nhịn chịu mọi
nhục nhã và mọi khó khăn trở ngại, và vượt qua chúng một cách bình ổn. Nhà Phật
gọi những chướng duyên làm ngăn trở sự tiến tu là ma chướng, gồm ngoại ma (trở ngại do người khác hoặc hoàn cảnh bên
ngoài gây ra) và nội ma (trở ngại từ
chính thân tâm mình).
Theo nghĩa rộng, nhẫn nhục là không sanh tâm
khởi niệm khi tiếp duyên xúc cảnh, mà đỉnh cao là Vô sanh nhẫn hay Vô sanh pháp
nhẫn. Trước tất cả pháp, dù thấy nghe hiểu biết mọi sự nhưng tâm Bồ tát
không xao động, không chấp trước. Do tâm không, nên các pháp đều không, dù là
pháp thế gian hay pháp xuất thế. Đây là ý nghĩa của Vô tâm trong nhà Thiền,
nhẫn nhục xứng theo tự tánh nên phù hợp với Ba-la-mật.
Ngày xưa, các vị Tổ Sư thường tạo những nghịch
duyên để thử thách một số môn đệ có khả năng đảm đương việc lớn. Ngài Linh Hựu
lúc được thầy giao trọng trách về núi Qui để phát huy tông phong, không được
Thầy cho một thứ tài sản vật chất gì, chỉ một thân một mình trên núi hoang đầy
thú dữ. Hàng ngày Ngài chỉ uống nước suối ăn quả rừng, ròng rã suốt bảy năm,
khi cơ duyên đến mới hoằng truyền chánh pháp, để sau này dưới pháp hội của ngài
là cả ngàn môn đệ. Đây là ý nghĩa thâm trầm cùa sự tu hành không ngại khó khổ,
nhẫn nhục trước mọi sóng gió gian lao. Cho nên, trong nhà Thiền thường có chủ
trương hơi kỳ lạ: không sợ thất bại mà lại sợ thành công. Cây mọc nơi đất khô
cằn, nếu lớn lên được thì có lõi rất cứng chắc. Cây mọc nơi đất đai phì nhiêu
được vun bón tưới tẩm thường xuyên lại dễ ngã khi có giông bão. Cũng vậy, một
người trải qua nhiều gian khổ thử thách mà vươn lên là người đáng tin cậy, có
thể giao trọng trách; còn người nào muốn nương nhờ thầy thường ỷ lại, đến khi
gặp một trở ngại nhỏ cũng có thể thối tâm bồ đề. Vả lại, khi có nhiều thuận
duyên, người tu dễ có ảo tưởng là đường tu rất suông sẻ, tu là để thụ hưởng,
cuộc đời tu luôn luôn an vui đầy đủ, điều này có hại hơn có lợi cho công phu hành
trì.
4.
Tinh tấn Ba la mật
Tinh là chuyên
ròng, không xen tạp; tấn là siêng
năng tiến tới. Việc học và hành đạo của Bồ tát phải tinh chuyên và cần mẫn, đó
là tinh tấn. Nhưng tinh tấn thế nào mới đúng với tinh thần Ba-la-mật?
Thiền sư Huyền Giác trong Chứnng Đạo Ca
có câu: “Sá gì tinh tấn hướng ngoài khoe”
như là lời nhắc nhở. Chúng ta tu trước tiên là cho bản thân, nhưng có tính cách
âm thầm chứ không phải khoe khoang cho người khác thấy. Nếu nơi chỗ đông đảo ta
làm vẻ tinh tấn tu hành, oai nghi phép tắc; khi không có ai lại chểnh mảng
trong công phu, đó là chấp tướng, giả trang và đầy bản ngã, như thế chưa phải
thật sự là tinh tấn.
Các bậc Thanh Văn, Duyên Giác cũng tinh tấn
công phu, nhưng đến quả vị ấy là xem như đạt mục đích. Thật sự, các vị chỉ
mới ở Hóa thành chứ chưa phải là Bảo sở. Có thể nói, tinh tấn Ba-la-mật là ý
nghĩa tu hành của một Bồ tát đang đi trên đường thành tựu Chánh đẳng Chánh giác.
Tinh tấn được ví như nhiên liệu của xe. Thân
năm uẩn là chiếc xe, người tu dùng nó để đi đến đích. Nếu xe tốt, người lái
giỏi mà không có nhiên liệu thì xe cũng không chạy được. Tinh tấn là điều kiện
cần thiết hỗ trợ cho việc tu hành. Trong suốt cuộc đời, chúng ta gặp biết bao
nhiêu lần thất bại cũng như biết mấy lúc thành công? Nhưng nếu thành công ta
không sanh tâm kiêu mạn, lúc thất bại ta không thối chí ngã lòng, thì dù nhanh
hay chậm, ta đã có tiến bộ. Đọc lịch sử Đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy rõ rằng,
nhờ tinh tấn tu hành mà Ngài thành Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm măm;
trong khi Đức Di Lặc tu đồng thời với Ngài, không tinh cần bằng Ngài nên bây
giờ vẫn là Bồ tát ở cung trời Đâu Suất.
Mặt khác, tinh tấn phải thường xuyên. Nước mềm
đá cứng, nhưng nước chảy thường xuyên sẽ làm đá mòn; giọt nước tinh tấn thường
xuyên nhỏ trên tảng đá vô minh sẽ soi thủng được đá. Muốn có lửa phải cọ sát
hai khúc cây liên tục, cây nóng dần mới phát tia lửa. Một Thiền sư có bài kệ:
Trong cây vốn có lửa
Tia lửa lại sáng lòa
Nếu bảo cây không lửa
Cọ sát sao lại ra?
Trong chúng ta vốn có lửa trí tuệ, phải tinh
tấn cọ sát liên tục, lửa trí tuệ ấy mới phát sinh. Nếu có lúc quá ư siêng năng,
nhưng có khi lại bê trễ, thì sự tu hành khó đạt kết quả mong muốn. Chúng ta
không cần phải có hình thức sinh hoạt gì đặc biệt hoặc tỏ vẻ khác đời, chỉ cần
sống và tu một cách bình thường, không biếng nhác lười mỏi trong công phu, đều
đặn ngày này qua ngày khác, như thế là hợp lẽ đạo.
Tinh tấn còn có nghĩa là năng lực của nội tâm
và dùng năng lực ấy để phục vụ cho người khác. Thế nào là năng lực của nội tâm?
- Khác với người thế gian cần cù làm ăn học hành nhưng có xu hướng theo ngoại
dục và chú trọng đến nhu cầu vật chất; người tu, một mặt phải giữ gìn sức khỏe
thể chất, nhưng quan trọng hơn là phải giữ sức khoẻ tinh thần, nghĩa là làm sao
để tâm không bị quay cuồng theo ngũ dục, ngày càng có sự an lạc và tăng trưởng
trí tuệ. Được như thế, người tu mới có thể giúp đỡ mọi người một cách tích cực
và có hiệu quả. Ý nghĩa của việc tu hành Bồ tát đạo là vừa làm lợi ích cho
người, đồng thời cũng được lợi ích cho mình. Giữa Bồ tát và chúng sanh có
sự liên hệ chặt chẽ và hai chiều: Nhờ Bồ tát mà chúng sanh bớt khổ, biết
đường hướng tu hành; nhờ chúng sanh mà Bồ tát tự hoàn thiện mình khi làm
việc phụng sự và giáo hóa.
Tinh tấn thường xuyên liên tục cần có sự hỗ
trợ của ý chí và nghị lực mạnh mẽ. Trên đường tu, không phải lúc nào mọi
người cũng cư xử tốt đẹp, mọi việc cũng êm xuôi như ý. “Phật cao một thước, ma cao một trượng”. Khi mới sơ phát tâm, nội
lực còn kém thì ít bị ma chướng. Chúng ta tu càng tiến thì ngũ dục lục trần
càng công phá mãnh liệt, nghịch duyên càng kéo đến liên miên. Nếu không có ý
chí kim cương và nghị lực vững mạnh, người tu khó có thể vượt qua những chướng
ngại trùng điệp ấy. Đối với Bồ tát, chướng duyên là thắng duyên, vì chúng củng
cố và phát triển nghị lực, hùng lực cho các Ngài, giúp các Ngài tiến nhanh hơn
trên đường đạo. Đề-Bà-Đạt-Đa được Đức Phật gọi là Thiện hữu tri thức bậc nhất
của Ngài, cũng chính vì lý do này.
5.
Thiền định Ba-la-mật
Trong 49 ngày đêm ngồi dưới cội cây Tất-bát-la
bên dòng sông Ni-liên-thuyền, Đức Phật nhờ thiền định mà dứt sạch mối manh sinh
tử, chứng quả Vô thượng Bồ Đề. Những vị đệ tử của Ngài cũng nhờ thiền định
thành A-la-hán, không còn luân hồi trong ba cõi. Bồ tát thệ nguyện vĩnh kiếp ở
trong trần lao giáo hóa chúng sanh, cũng phải nhờ thiền định để không bị nhiễm
nhơ trần tục. Điều này cho thấy, thiền định là cốt lõi, là sức sống của Đạo
Phật, là căn bản của công phu hành trì trong mọi tông phái.
Nội dung của thiền định là sự bình ổn nội tâm,
không quay cuồng theo trần cảnh. Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn định
nghĩa về thiền định như sau: “Ngoại ly
tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”. Thiền là bên ngoài không dính mắc
vào các pháp, định là nội tâm không còn vọng tưởng lăng xăng. Thiền định không
chỉ ở trong tư thế ngồi, mà ở bất cứ mọi nơi mọi lúc, nên là một thực tại bất
ly thế gian. Trong thời đại văn minh khoa học mà tiện nghi vật chất được xem
như nhu cầu thiết yếu, cuộc sống hối hả tranh đua làm con người ngày càng bị
căng thẳng thần kinh, càng mất đi sự bình an cần thiết cho sức khỏe tinh thần.
Bệnh tật của tinh thần kéo theo bệnh tật về thể chất, và thiền định chính là
phương thuốc hữu hiệu có thể điều trị những bệnh về thân và tâm ấy.
Thiền định giữ tâm người tu bình thản an nhiên
trước phong ba bão táp của cuộc đời. Đặc biệt đối với bát phong([i])
được xem như là thước đo định lực của người tu, nếu có thể bất động như gió
thổi qua màn lưới thì mới là người đạt đạo. Cũng nhờ thiền định mà Bồ tát hững
hờ với mọi cám dỗ lạc thú thế gian, nên làm tất cả phật sự mà không vướng vào
danh lợi tài sắc. Từ đó, Bồ tát hít thở được không khí tự do đích thực phát
xuất từ tâm thanh tịnh của chính mình.
Tiến thêm một bước, thiền định là phương tiện
cho trí tuệ vô thượng phát sinh. Có những lúc toạ thiền, tâm hoàn toàn rỗng
rang vắng lặng, người tu nhận ra từ trong cõi miền sâu xa của tâm thức, có một
năng lực vận hành. Đây là cái BIẾT một cách trực tiếp và thấu thể về tất cả các
pháp, biết không qua ý thức phân biệt nhị nguyên, khởi nguồn của TRÍ VÔ SƯ,
đỉnh cao của cuộc đời tu hành. Tất cả giáo pháp của Đức Phật đều lưu xuất từ
trí tuệ này, nên khi Bồ tát có một trình độ tâm linh khả dĩ, thì sự giáo hóa
của các Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho quần sanh. Nhưng thiền định như thế
nào mới khế hợp với tinh thần Ba-la-mật?
Thiền định Ba-la-mật là Bồ tát không
chấp vào cảnh giới chứng ngộ. Nhà Thiền có câu “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma” để nhắc nhở người tu không
được chấp trước, trú trước và nhiễm trước vào những cảnh giới sở chứng, vì đó
chỉ là do tâm biến hiện. Bồ tát luôn học và tu theo tinh thần vô sở cầu vô sở
đắc, nên không có niệm ưa thích niết bàn hay chán ghét địa ngục, nhờ vậy mới
hoàn thành hạnh nguyện độ sanh.
6.
Trí huệ Ba-la-mật
Đạo Phật là đạo giác ngộ, Đức Phật là bậc giác
ngộ vô thượng, nên tất cả những người con Phật đều xem giác ngộ là sự nghiệp
chung thân. Dù đang công phu theo pháp môn nào, người tu cũng đặt trí tuệ lên
hàng đầu. Bồ tát tu theo Lục độ thì chi phần thứ sáu tức Trí huệ Ba-la-mật cũng
là chỗ y cứ của năm chi phần trên.
Trí huệ Ba-la-mật, còn gọi là Bát nhã
Ba-la-mật, là trí huệ của một bậc Bồ tát đã quán triệt chân tướng của vạn pháp.
Nhờ trí huệ cứu cánh cùng tột này, Bồ tát thiết lập nhiều phương tiện, tuỳ căn
cơ trình độ và sở thích của chúng sanh để giáo hóa họ một cách hiệu quả.
Có ba cấp độ Bát nhã:
1. Văn tự Bát nhã: Đây là giai đoạn đầu dành cho người sơ cơ, nhưng rất cần thiết và
được xem là bước căn bản. Chúng ta học trên kinh sách, hiểu lời Phật dạy, sau
đó suy gẫm và đối chiếu từ bản thân ta đến các pháp bên ngoài. Trí huệ phát
sinh từ đọc và nghe giảng (văn huệ) sau đó phân tích suy luận để hiểu thấu vấn
đề (tư huệ) là vốn liếng đầu tiên của một Bồ tát trên bước đường hoằng hóa lợi
sanh sau này. Do vậy, trong Tứ hoằng thệ nguyện có câu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là ý nghĩa thu gom kiến thức, để
tự hoàn thiện mình và để tự có khả năng giúp đỡ giáo dục cho người.
2. Quán chiếu Bát nhã: Bồ tát Quán Tự Tại khi hành sâu Bát nhã Ba-la-mật, Ngài soi thấy năm uẩn
đều không, liền qua hết thảy khổ nạn.
Chúng ta tu theo Ngài, gia công quán chiếu để thấy rõ thân tâm này do các duyên
hợp lại. Đủ duyên thì thành, hết duyên lại trả về không, nên nó không có thực thể. Như vậy, tự tánh của thân tâm ta
là không, nhờ duyên hợp nên tạm có. Thân ta như vậy, thân người khác cũng như vậy;
cho đến tất cả cáp pháp thế gian và xuất thế, tự tánh đều là KHÔNG. Vào giai
đoạn này, vẫn còn phân biệt tâm năng quán và cảnh sở quán, nên chưa phải là rốt
ráo.
3. Thực tướng Bát nhã: Bồ tát quán triệt tự tánh Không của tất cả pháp không phải bằng ý thức tư
duy suy luận, mà do trí huệ bát nhã thấu rõ đương thể tức không. Ở đây không
còn phân biệt Ta-Người năng sở, mà cả hai đều hòa nhập, viên dung trong trạng
thái nhất như. Bồ tát thâm nhập chân lý tuyệt đối, không phải ở một thế giới
nào đó xa xôi, ở một thời khắc nào đó của tương lai không với tới, mà ngay thế
giới trần tục. Ngay mảnh đất thực tại nhận chân được thực tướng của vũ trụ vạn
pháp. Đây chính là trí huệ Ba-la-mật.
Kinh Pháp Hoa có bài kệ:
Chư Pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Phật tử hành đạo dĩ
Lai thế đắc tác Phật.([ii])
Bằng trí huệ thực chứng Pháp thân, Bồ tát thấy rõ tất cả các pháp
xưa nay, tướng của chúng thường tự vắng lặng. Tướng ở đây là thực tướng vô
tướng, vì khi tiếp duyên xúc cảnh, Bồ tát không khởi niệm phân biệt chia chẻ,
chủ thể và đối tượng nhận thức không hai. Mọi cảnh vẫn sống động vẫn lưu
chuyển, nhưng tâm hoàn toàn thanh tịnh nên tất cả pháp đều là Phật pháp. Bằng
trí giác, Bồ tát nhận ra thực tại nhiệm mầu nghìn đời cũng chỉ trong một sát
na, tại đây và bây giờ. Lìa sóng
không thể có nước, lìa bỏ trần tục không thể thấy được niết bàn. Tư tưởng vút
cao của Bồ tát Đại thừa là tinh thần bất nhị, đem đến sinh khí cho cuộc đời, vì
Bồ tát không hề xa lánh cõi trần để tìm cầu giải thoát. Bồ tát nguyện vĩnh kiếp
hòa quang đồng trần để tự thanh lọc mình và để cứu độ chúng sanh. Vẫn biết có
lúc Bồ tát phải ở yên một nơi vắng vẻ, nhưng đó là thời gian củng cố và phát
triển đạo lực, trang bị những khả năng cần thiết cho công việc giáo hóa sau
này. Khi đã đủ nhân duyên, Bồ tát vận dụng trí huệ Ba-la-mật làm mọi Phật sự,
trí huệ Ba-la-mật soi rọi bản thân để hoàn thành sự nghiệp tự lợi- lợi tha,
cuối cùng viên mãn Phật quả.
* *
*
Lục độ Ba-la-mật vừa là pháp tu, vừa làm nên tinh thể của một vị Bồ
tát. Trên đường tu Bồ tát hạnh-hành Bồ tát đạo, vị ấy phải có đủ đại trí, đại từ,
đại bi, đại nguyện: Trên cầu Phật đạo, đạt giác ngộ tối thượng; dưới hóa độ tất
cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Nhờ trì
giới, tinh tấn và thiền định, mà phát
khởi trí huệ, thấu triệt bình đẳng tánh
nơi muôn sự muôn vật, thấy mình và mọi loài chúng sanh không hai không khác.
Bằng trí huệ, Bồ tát có khả năng xuất chúng về mọi phương diện, đồng thời phát
khởi lòng từ bi, do vậy có thể nhẫn nhục để hành hạnh bố thí. Do làm tất cả
hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không có
tâm mong cầu sở hữu. Vì nhân vô vi nên đạt quả cứu cánh, phương pháp tu của các
Ngài vừa làm lợi ích cho mình, vừa giúp được cho người một cách trọn vẹn. Kính
ngưỡng nhân cách vĩ đại của Bồ tát, chúng ta cũng nguyện noi gương các Ngài,
vượt qua mọi khó khăn gian khổ để tiếp bước trên con đường Đức Phật đã đi và đã
đến đích.
[i] Tám tình huống thường xảy ra trong cuộc
sống, ví như tám ngọn gió: lợi (thu
được tài sản), suy (hao tài tốn
của), hủy (bị phỉ báng), dự (được vinh dự), xưng (được khen tặng), cơ
(bị chê bai), khổ và lạc (khổ và vui)
[ii] Tạm dịch: “Các Pháp xưa đến nay / Tướng
thường tự vắng lặng / Phật tử hành đạo rồi / Đời sau được làm Phật.”