Mười điều tâm niệm
Trong cuộc sống, ai cũng có những điều mang canh cánh bên lòng,
không thể quên được. Người ngoài đời có nhiều nỗi lo về sinh kế, về công danh
hoặc về những ơn nghĩa khó đáp đền. Đối với người tu, dù ít bận tâm đến những
vấn đề thuộc đời sống thường nhật, nhưng vẫn có nhiều điều phải ghi khắc vào
tâm khảm. Trong đó, có mười điều tâm niệm.
Mười điều tâm niệm được tìm thấy trong Luận-Bảo-Vương Tam-Muội. Đây
là hành trang của một hành giả mang theo suốt lộ trình tu hành, từ khi phát tâm
đến khi thành chánh giác.
Điều 1. “Nghĩ đến thân thể, đừng
cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ phát sinh.”
Con người sinh ra đời, thường có cái nhìn sai lạc về thân, nên xây
biết bao ảo tưởng trên đó. Họ cho thân là chắc thật, là lâu bền, là chính mình;
từ đó, tạo bao nhiêu nghiệp ác, chịu nhiều phiền não lo toan cũng chỉ vì thân.
Bằng trí tuệ siêu suất, Đức Phật đã nhận rõ bản chất của thân, và
Ngài đã nói lên một sự thật: Thân là duyên sinh giả hợp, là vô thường, không có
tự thể. Thật vậy, xác thân này là do vay mượn từ tứ đại (Đất, nước, gió, lửa)
bên ngoài, trở thành tứ đại bên trong, luôn chịu sự chi phối của luật tương
sinh và tương khắc. Tương sinh là vay mượn nhau, nương vào nhau để trở thành,
để tồn tại rồi hủy diệt. Đây là một chu kỳ sinh diệt của thân. Trong thời gian
tồn tại, các yếu tố lại trải qua nhiều tương khắc, như gió khắc với đất, nước
khắc với lửa. Bệnh tật phát sinh khi yếu tố này trội hơn yếu tố khác; và suốt
đời, con người cứ như một ông chủ nhốt bốn con rắn vào trong giỏ, cả ngày chỉ
mãi lo cho chúng ăn và điều hòa cho chúng, can ngăn chúng khỏi cắn nhau. Nhưng
dù cố gắng cách mấy, cũng có lúc chúng giở trò cắn nhau, đó là bệnh; và tệ hơn,
chúng lại cắn rách giỏ và thoát ra ngoài, đây là lúc chết. Ông chủ lại nuôi bốn
con rắn khác, tiếp tục công việc vô nghĩa ấy, không có ngày cùng, đó là vòng
luân hồi sanh tử, lăn lộn mãi trong ba cõi sáu đường mà không có lối ra.
Biết được bản chất của thân, chúng ta thấy Sanh-Lão-Bệnh-Tử
là bốn điều mà thân không thể tránh khỏi, kể cả thân 32 tướng tốt của Đức Phật.
Bằng chánh niệm, chúng ta nhận diện được rằng, bệnh khổ là một thực tại thuộc
lĩnh vực tự thân, là một điều gần gũi vì nó theo sát với thân trong suốt chu kỳ
sinh diệt. Khi đã nhận diện được bệnh, chúng ta sẽ thực hiện được sự chuyển
hóa. Bệnh gây nên một cảm giác thống khổ trên thân; nhưng vì thân là duyên sinh
giả hợp, không phải là ta, nên dù thân bệnh mà ta không thấy khổ. Một hành giả
tu thiền sẽ thấy điều này khá rõ: Nếu tâm không mơ màng đến tương lai, nhớ
tưởng về quá khứ, mà đứng ngay trên mảnh đất thực tại, sống với cái “đang là”,
chúng ta sẽ trực nhận được tất cả những bất ổn xảy đến trong thân và tâm, rồi
vượt thoát lên rồi tự tại với tất cả.
Thật ra, một người luôn gặp nhiều điều may mắn, thân không tật
bệnh, mọi việc đều thuận theo ý muốn, thì dục vọng sẽ lẫy lừng. Họ có ảo tưởng
mình là vĩ đại, là trên hết mọi người; từ đó sinh kiêu căng đến ngông cuồng,
muốn chinh phục cả thế giới. Nếu một người thỉnh thoảng chịu đau đớn khổ sở do
bệnh, người ấy dễ thấy được thực chất của thân, nên dễ thức tỉnh và phát tâm tu
hành. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên bạc đãi huỷ diệt thân, hoặc
mong cầu có bệnh, vì có mong cầu là có tác ý, không đúng với tinh thần Phật
dạy. Cả hai cực đoan, một bên là quá chăm sóc nuôi dưỡng thân, vì thân mà tạo
bao nghiệp ác; một bên cho thân là thứ nhơ nhớp, đáng chán bỏ, làm mọi cách để
thoát khỏi nó; hai ý niệm đó đều không phù hợp với Trung đạo của người tu Phật.
Điều 2. “Ở đời đừng cầu không hoạn
nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.”
Những ngày đầu năm, mọi người thường chúc nhau “Vạn sự như ý”. Câu
này nói lên mong ước của chúng ta, suốt đời đừng gặp tai nạn họa ương, muôn
việc đều hanh thông tốt đẹp. Mong ước này có thực tế không ?
Gẫm lại, đến các bậc vua chúa đứng đầu muôn dân, nhứt hô bá ứng,
vẫn còn gặp nhiều chuyện phiền lòng. Bởi vì, lúc nào tai họa cũng rình rập sẵn
không ai có thể tránh khỏi. Nói theo lý nhân-quả, những chuyện không hay xảy
đến cho mình, chính do mình đã gieo nhân không tốt vào một thời điểm nào trước
đó. Vì vô minh, từ thân khẩu ý chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp ác, bấy giờ cầu
nguyện cho mình gặp mọi việc may mắn, đó là điều không đúng lẽ thật.
Những người tu chúng ta, đều là những chiến sĩ chống giặt
tham-sân-si-phiền não, lúc nào cũng có thanh gươm trí tuệ phòng sẵn trong tay.
Nhờ có trí tuệ, chúng ta nhận diện được hoạn nạn là một thực tế trong cuộc đời,
để có thể chuyển hóa nó. Khi hoạn nạn đến, nếu chúng ta chưa thật sự tự tại thì
cũng bớt phiền não khổ đau.
Lại nữa, nhiều khi chúng ta không nhận định được đâu là phước, đâu
là họa. Một người suốt đời gặp may mắn, thường cho mình là nhất trong thiên hạ;
ngã tướng vì thế có dịp phát sinh, đó là “kiêu sa”, tức cho mình hơn người
và xem thường người khác. Đến khi có một nghịch cảnh xảy đến, liệu người ấy có
đứng vững trước thử thách hay không? Ngược lại, một người bình thường thỉnh
thoảng có vài chuyện không theo ý muốn, nhờ đó có thể thức tỉnh và phát tâm tu
hành.
Điều 3. “Cứu xét tâm tánh, đừng
cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.”
Đọc tiểu sử các danh nhân thế giới, đặc biệt là các nhà bác học,
chúng ta thấy ai cũng ôm ấp một hay nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn của
mình, miệt mài ngày đêm tìm tòi chiêm nghiệm, đôi lúc quên ăn bỏ ngủ. Khi vấn
đề đã được giải quyết, một niềm vui vô hạn trào dâng khiến họ không tự chủ được
mình. Giai thoại về Archimede (287-212
trước công nguyên) khi phát minh được sức đẩy của nước đã minh họa được
điều này.
Đối với người học đạo, tâm thiết tha chân thành cầu đạo lại càng
quan trọng bội phần. Nếu tu hành mà không muốn khúc mắc, cái gì cũng muốn suôn
sẻ dễ hiểu lại không chịu tìm tòi học hỏi, thì bao giờ sự hiểu biết mới sâu xa,
sở học mới thấu đáo? Làm sao một người không có tinh thần cầu thị, sợ khó sợ
khổ lại tiến bước trên đường tu? Cho nên, đây cũng là con đường nhận diện những
khó khăn. Trong khó khăn, nếu có người tâm thiết tha cầu học thì phải quán
chiếu, tư duy, nhất tâm nhất ý vào vấn đề mình đang khúc mắc. Khi lý lẽ bắt đầu
tỏa sáng, họ sẽ thấy thế nào là niềm vui tinh thần thẩm thấu toàn thể thân và
tâm. Có những vị Thiền sư, sau bao năm quảy gói du phương, mòn bao nhiêu đôi
giày cỏ, hoặc ngồi rách bao nhiêu bồ đoàn vẫn chưa tìm được yếu lý của nhà
Thiền. Chợt một hôm nào đó, ánh giác ngộ bừng lên, đột nhiên thấy mình hòa cùng
vũ trụ vạn hữu, thân-tâm-cảnh nhất như. Thiền sư hoặc cười, hoặc khóc, hoặc
hét… tất cả là những biểu hiện trong muôn một của niềm vui khi khám phá ra thực
tại vĩnh hằng.
Điều 4. “Xây dựng đạo hạnh, đừng
cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.”
Nhà Phật phân biệt 2 loại ma: nội ma và ngoại ma. Nội ma
thuộc thân và tâm của chính mình, ngoại ma là do những người khác hoặc
do hoàn cảnh bên ngoài; tất cả làm trở ngại cho sự tiến tu. Trong cuộc sống tu
hành, không ai không gặp khó khăn trở ngại từ bên ngoài và cả bên trong. Ví dụ:
thân có lúc mắc bệnh hay bị tai nạn; tâm thường loạn tưởng lúc tọa thiền, đó là
nội ma. Một người đang tu yên ổn tự nhiên có kẻ đến quấy rối, vu oan giá họa;
hoặc nơi ta ở gặp phải thiên tai, đó là ngoại ma. Có thể nói, bất cứ lúc nào và
ở đâu, người tu cũng có thể bị ma chướng.
Như vậy, ma chướng cũng là một thực tại không
thể tránh khỏi. Phật dạy chúng ta đừng cầu không bị ma chướng, mà phải nhận
diện rồi chuyển hóa nó. Một hành giả tu thiền, hôm nào đó mắc bệnh viêm dây
thần kinh tọa không thể ngồi thiền; vị đó có tu được không? Nếu chấp vào tư thế
tọa thiền mới cho là tu, người ấy chưa hiểu đạo; bởi vì tọa thiền là một tư thế
tốt, nhưng không phải là tư thế duy nhất để tu thiền.
Khi vua Lý Nhân Tông chuẩn bị thân chinh đi
bình Chiêm, vì biết trong triều có kẻ muốn tạo phản nên vua dặn Nhiếp Chính Ỷ
Lan rằng: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định.” Muôn điều biến hóa
xảy ra có thể như sét đánh làm não loạn thân tâm, cứ nhiếp tâm thiền định thì
sáng suốt giải quyết được mọi vấn đề. Mặc cho nội ngoại ma quấy nhiễu, nếu
chúng ta một bề chánh niệm tỉnh giác thì không có khó khăn nào không vượt qua
đuợc.
Thật ra, chính những chướng duyên là thước đo
định lực và ý chí của người tu; đó cũng là thắng duyên nếu chúng ta biết chuyển
hóa nó. Một người phát nguyện tu hạnh nhẫn nhục, nếu cầu mong đừng có ai đụng
chạm, xúc phạm đến mình, thì làm sao tròn bản nguyện? Cho nên, nếu không có ma
chướng, ý chí của ta sẽ không được trui rèn, nghị lực của ta không được thử
thách, công phu sẽ khó tiến triển.
Một điều cần nhấn mạnh, chính mình là nhân vật
chủ chốt để gây khó khăn cho mình. Vì sao nói như vậy? Người tu đừng bao giờ
đặt người khác làm đối tượng của mình, và xem mình là đối tượng của người khác.
Muốn xây dựng đạo hạnh, chúng ta phải có một không gian thênh thang cho riêng
mình, thì dù người nào hay hoàn cảnh nào bức bách, cũng không ảnh hưởng vào
không gian thênh thang ấy. Chúng ta sẽ thấy tự tại giữa cuộc sống, giữa dòng
đời, không một chướng ngại nào cản trở được bước tiến của ta.
Điều 5. “Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường
kiêu ngạo.”
Mọi công việc trong đời, nhất là việc Phật sự,
nếu chúng ta dễ dàng thành công thì trong tâm tất sanh kiêu ngạo. Chúng ta nghĩ
mình tài giỏi, có trí lực và phước báo hơn người. Chính tâm ngã mạn này cản trở
rất nhiều trong việc tu học của chúng ta, nhất là khi vấp phải một thất bại nào
cũng có thể làm ta thối tâm, lui sụt.
Mặt khác, chúng ta đã biết rằng, việc càng khó
thành tựu thì giá trị càng lớn. Muốn xây dựng một cơ ngơi, nhiều khi phải bỏ
công sức suốt cả đời người. Muốn có danh vọng lớn, phải mất bao nhiêu thời gian
rèn luyện, trải qua bao nhiêu gian truân và đánh đổi bao nhiêu trí lực. Đó chỉ
mới là tài sản địa vị phù phiếm của thế gian, huống nữa là việc lớn thoát ly
sinh tử, thành Phật tác Tổ, mà chỉ muốn bỏ ra chút ít thì giờ, tiền bạc, công
lao, thì liệu có thành công được không? Ngày xưa thiền sinh Thần Quang chặt tay
cầu pháp, sau mới thành Nhị Tổ Huệ Khả; cư sĩ Huệ Năng đeo đá giã gạo suốt tám
tháng dưới nhà trù, hầu hạ chư tăng không một lời than vãn, sau mới được truyền
y bát thành Lục Tổ. Ngày nay nếu chúng ta noi gương các Ngài, có ý chí hùng lực
vị pháp vong thân như vậy, thì mới có phần tương ưng. Còn nếu sống dật dờ cho
qua ngày đoạn tháng, gặp cảnh thuận thì tu, gặp cảnh nghịch lại thối tâm Bồ đề,
thì chỉ luống uổng một đời người mà thôi.
Điều 6. “Giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.”
Trong giao tiếp, những người biết đạo lý đều
biết cách xử thế với nhau, sao cho có chân tình, không vì lợi cho mình mà làm
hại kẻ khác. Đó gọi là sống có đạo nghĩa.
Kinh Ưu-Bà-Tắc Giới, Phật dạy: “Một
đời sống có giá trị, là một đời sống gồm cả lợi mình lợi người. Một đời sống vô
giá trị, là một đời sống không có lợi cho người và cũng không lợi cho chính
mình. Một đời sống ích kỷ, là một đời sống chỉ biết lợi cho mình, dù làm tổn
hại kẻ khác. Một đời sống độc ác, là một đời sống nhầm hại kẻ khác để mình được
lợi.” Trong tinh thần tự
lợi-lợi tha, Đức Phật đưa ra bốn lối sống và dạy chúng ta chỉ nên sống theo lối
thứ nhất, gồm cả lợi mình lợi người. Những bậc tiền nhân ngày xưa, đôi khi vì
đạo nghĩa mà làm lợi cho người, dù điều đó có hại cho bản thân. “Nam vị tri
kỷ giả tử” - Bậc trượng phu có thể vì tri kỷ mà chết, như Kinh Kha vì cảm
tấm tình tri kỷ của Thái tử Đan mà sang Tần làm thích khách, dù phải hy sinh cả
tính mạng. Người xưa trọng nghĩa như thế, chúng ta bây giờ há vì một chút lợi
riêng mà làm mất đạo nghĩa hay sao?
Điều 7. “Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận
theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.”
Mỗi người sinh ra đều có nghiệp riêng do mình
tạo từ đời trước, nên hoàn cảnh chánh báo và y báo không ai giống ai. Cái nhìn,
cái hiểu biết cũng tuỳ nghiệp lực, vì còn tư duy là còn sinh diệt, còn chịu sự
chi phối của nghiệp. Cho nên sự hiểu biết và nhận định là theo ý kiến chủ quan
của mỗi người, nếu đòi hỏi tất cả mọi người đều có cùng quan điểm với mình,
điều ấy không thể nào hoàn toàn tương đồng được.
Trong một tập thể, dù là tập thể tu hành, cũng
có chín người mười ý. Ngay cả những kiến giải trong công phu, đâu phải ai ai
cũng giống mình. Một người lúc nào cũng được người xung quanh đồng tình ủng hộ,
tuyên bố điều gì cũng được mọi người hô hào tán thưởng, người ấy không khỏi
phát sinh ngã mạn, ngày sẽ càng xa rời đạo lý.
Đức Phật dạy: Người biết tôn trọng chân lý thì
không bao giờ nói rằng, sự hiểu biết của tôi là đúng, người nào hiểu khác tôi
là sai. Người biết bảo vệ chân lý sẽ nói, đây là ý kiến của riêng tôi, không
phải ý kiến chung của mỗi người. Trong một cuộc hội thảo, khi bàn một vấn đề
nào đó, ta thường thấy có nhiều ý kiến đưa ra, đôi khi chống trái lẫn nhau. Đó
là do mỗi người thấy một khía cạnh, nhưng đôi khi những sự tranh luận ấy lại
giúp sáng tỏ vấn đề. Cho nên, mỗi người đều có quyền phát biểu quan điểm của
mình, nhưng cần tôn trọng quan điểm của người khác. Có thông cảm mới bỏ được
những dị biệt cố chấp, có hiểu nhau mới thật sự thương nhau.
Điều 8. “Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà có ý mưu đồ.”
Thi ân là ban ơn cho người khác, hoặc vật chất
hoặc tinh thần. Khi thi ân cho người khác, chúng ta đừng mong cầu sự trả ơn.
Động cơ của ban ơn phải là lòng trắc ẩn, thương người như thương mình, thấy
người khổ cũng như mình khổ, nên tìm mọi cách xoa dịu nỗi khổ cho người. Ý
nghĩa của Bố thí Ba-la-mật là không thấy pháp để thí, không thấy có người thí
và không thấy có người được thí - đó là Tam luân không tịch.
Chúng ta hiểu lời Phật dạy, nên dùng vô tâm để
cứu giúp mọi người khốn khổ hơn mình. Nếu làm việc bằng hữu tâm, nghĩa là có
mưu đồ tính toán, nghĩ rằng người khác có bổn phận phải biết ơn và đền ơn cho
mình, thì khi người ấy không đền đáp, chúng ta sẽ phiền não buồn bực, oán người
trách đời. Lòng trắc ẩn lúc ấy đã bị vẩn đục, đã bị lớp sương mù ngã chấp che
lấp.
Điều 9. “Thấy lợi đừng nhúng tay vào, vì nhúng tay vào thì si mê khởi động.”
Mới đọc qua, chúng ta không khỏi thắc mắc:
Thường con người làm việc phải hưởng được một vài lợi lạc cho bản thân và gia
đình, miễn lợi lạc ấy chân chính. Ở đây lại dạy, thấy lợi đừng nhúng tay vào;
vậy thì chúng ta phải làm việc để làm gì?
Trong kinh A - Hàm, Đức Phật chỉ bày cặn kẽ về
những cách ổn định đời sống gia đình, trong đó đời sống kinh tế là quan trọng.
Những người tu hành, nếu thấy việc nào có lợi cho Giáo hội, cho công ích cũng
vẫn phải làm. Trong tự viện vẫn có quỹ riêng, vẫn phải lo kinh tế tự túc cho
chúng Tăng ngoài phần cúng dường của Phật tử. Tất cả đều là lợi. Thật sự, những
điều này không có gì trái với điều tâm niệm ở trên, bởi vì Đức Phật muốn nhắc
chúng ta, đừng để lợi lạc làm si mê, chạy theo lợi trước mắt mà quên cái hại
sau lưng.
Bầy kiến chết chìm trong hủ mật, cá tham mồi
cắn câu, chồn tham ăn mắc bẫy… Con người cũng thế, thường cho là khôn ngoan
nhưng cũng bị ngũ dục lục trần quyến rũ, nên cứ mãi trầm luân trong ba nẻo sáu
đường. Nếu biết ngũ dục chính là mồi ngon nhận chìm biết bao nhiêu kẻ si mê,
nếu biết tất cả thú vui trần tục chỉ là huyễn hóa không thật có, chúng ta sẽ
tránh được biết bao phiền não khổ đau.
Điều 10. “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.”
Điều tâm niệm cuối cùng này càng làm chúng ta
thắc mắc. Thông thường, khi bị nghi oan hay bị vu cho tiếng xấu, chúng ta cần
phải biện bạch, giải thích cho người khác khỏi hiểu lầm mình. Nhất là trong gia
đình hay giữa những người bạn bè thân thiết, đôi khi sự hiểu lầm gây nên những
đổ vỡ đáng tiếc, có thể không xảy ra nếu chúng ta phân giải rõ ràng. Vậy thì,
lẽ thực nằm ở đâu, khi bảo rằng oan ức không cần biện bạch?
Những ân oán giữa người và người đều có nguyên
nhân xa hoặc gần từ bao đời kiếp. Hiện tại chúng ta bị vu oan vu cáo, có thể do
một kiếp nào đó ta đã gieo nhân không lành tương ứng với quả hôm nay. Nếu chúng
ta cố gắng biện minh, đó là do tâm nhân-ngã. Đây là tâm trần lao phiền não, làm
chướng ngại cho sự giải thoát. Ở đây, muốn nói đến cảnh giới của Thánh, đó là ý
chí phi thường của người không còn bị nhân-ngã-bỉ-thử làm phai nhạt sở nguyện
tu hành. Người đã siêu việt thị phi mới rành được việc thị phi; nếu công phu
đạt được mức độ nào đó mà còn bận lòng về phải-quấy, tốt-xấu thì công phu sẽ
ngưng trệ. Do vậy, chúng ta không thể dùng phàm tình để đo lường sự hiểu biết
của bậc Thánh.
KẾT LUẬN
Bởi vậy Đức Phật
dạy: “Lấy bệnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm giải thoát, lấy khúc mắc
làm thú vị, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm thích thú, lấy kẻ tệ bạc
làm người giúp ích, lấy người chống đối làm nơi giao du, coi thi ân như đôi dép
bỏ, lấy sự xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.”
Trong mười tình huống khó khăn nêu trên, Đức
Phật luôn dạy chúng ta nhận diện chúng. Không phải trốn tránh, càng không phải
chống đối, mà là nhận diện. Đây là bước đầu tiến trình Nhận diện - thức tỉnh và
chuyển hóa. Khi trực nhận những trở ngại thử thách đến với mình, chúng ta sẽ
thấy chúng là những thực tại không thể chối bỏ, là những yếu tố đương nhiên
phải có của cuộc sống. Nhờ bệnh tật khổ đau, chúng ta mới thấy thân này là vô
thường, không có chủ tể; nhờ những tệ bạc, chống đối, người vu oan giá họa,
chúng ta mới thấm thía lý nhân quả; từ đó chúng ta thức tỉnh, thấy cuộc đời chỉ
là những trò huyễn mộng, chỉ là hoa đốm giữa hư không. Chúng ta sẽ tăng trưởng
đạo tâm, rèn luyện ý chí, củng cố định lực; thực hiện sự chuyển hóa tự thân và
chuyển hóa hoàn cảnh, biến nghịch duyên thành thắng duyên. Đức Phật sớm thành
đạo quả cũng nhờ Đề-Bà-Đạt-Đa luôn luôn tìm cách chống đối hãm hại Ngài và Ngài
đã gọi Đề-Bà-Đạt-Đa là “Thiện hữu tri thức bậc nhất” -
Chúng ta là Thích tử, có gan dạ như đức Từ Phụ, hoan hỉ khi gặp được một “Thiện
hữu tri thức bậc nhất” như vậy hay không?