10/09/2010 10:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 21517
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vô ngã

­

Có thể nói, Phật giáo là một tôn giáo độc nhất trong lịch sử nhân loại đã phủ nhận sự hiện hữu của một cái Ngã - linh hồn hay cái tôi - Phật thuyết minh vô ngã bằng thực chứng của chính Ngài. Kết quả đã đẩy lùi ý niệm sai lầm về Hữu ngã đang thống trị nơi các luồng tư tưởng, triết học và tôn giáo đương thời.

Khi thuyết này vừa khởi xướng thì các nhà lãnh đạo tư tưởng có sự phản ứng mạnh, vì rằng đã làm chấn động và đi ngược lại với truyền thống cố hữu. Nhưng bất chấp mọi cản trở, ánh sáng của duyên sinh vô ngã đã từng bước đi vào lòng người vì tính trong sáng và như thực bản lai của nó. Nhìn chung, trong toàn bộ lời dạy của Đức Phật đối với hoàn cảnh lịch sử mà Ngài xuất hiện, quả thật Ngài là một nhà cách mạng văn hóa tư tưởng vĩ đại.

Rải rác đó đây trong các Kinh A-hàm cho biết, có tất cả 62 loại kiến chấp thịnh hành và quảng bá, làm cho người đương thời hoang mang không biết chỗ quy hướng. Trong 62 phân loại trên, tựu trung có hai loại kiến chấp cơ bản đó là Đoạn kiến và Thường kiến. Đoạn kiến cho rằng chết là kết thúc và tiêu mất vào hư không, sau khi chết là tuyệt diệt. Thường kiến thì cố tình xây dựng nên một cái Ngã (linh hồn), vĩnh viễn đời đời không có sự thay đổi, trước sau như một, thường tại bất biến. Với Thánh trí tự giác, Đức Phật bác bỏ hai luận điểm trên, và cho rằng đều rơi vào cực đoan thiên kiến. Chấp đoạn, chấp thường đều là biểu hiện của ngã tướng. Cái ý tưởng “tôi hiện hữu” là con đẻ của ngã tướng. Cái ý tưởng “tôi không hiện hữu” là con đẻ của ngã tướng, cho đến ý tưởng “tôi thành, tôi đạt, tôi đắc, tôi không còn, tôi tiêu mất...” cũng vẫn còn là hành vi của ngã tướng. Chấp ngã là nguồn cội của mọi khổ đau, khi nào ý thức chấp ngã còn hoạt động trong đời sống nội tâm, khi ấy sự khổ vẫn còn đeo đuổi chúng ta qua các kiếp sống.

Nếu thật là Ngã phải đủ ba yếu tố: chủ tể, bất biến và đồng nhất. Ai cũng muốn thân thể đừng bệnh hoạn, già nua và chết chóc, ước muốn ấy không thành tức là thân này không có chủ tể. Ai cũng muốn trẻ mãi không già, nhưng trong tự thân cứ thay đổi biến hóa thường xuyên, thế là thân này không được bất biến. Thân này nhờ vay mượn các duyên giả hợp mà thành, thế là thân này không mang tính đồng nhất. Như vậy, thân này không có chủ tể, bất biến và đồng nhất nên không có Ngã, vì nhầm lẫn có một cái Ngã nên gọi là chúng sanh. Cái ảo tưởng về Ngã không còn thì gọi là Thánh, Bồ tát, Phật. Chính cái tư duy hữu ngã mà con người trở thành tạo vật khổ đau và đóng bít con đường đi đến Niết bàn.

Chính vô minh và dục vọng xây dựng nên cái Ngã, và cũng do ý tưởng sai lầm này mà vô minh và dục vọng phát sinh. Cho đến mọi tranh chấp giữa cá nhân và chiến tranh giữa các dân tộc cũng đều có gốc rễ từ ý tưởng sai lầm về Ngã. Cái ngã cá nhân, cái ngã gia đình, cái ngã xã hội thực ra cũng là một sai lầm. Phật nói vô ngã giúp chúng sanh thoát khổ, và vì vậy mà Ngài được tôn xưng là Đấng cứu khổ. Sự chấp ngã đi theo chúng sanh qua các kiếp sống như hình với bóng. Vì muốn chúng sanh hết khổ mà Phật quyền nói vô ngã, cũng vì thế Đạo Phật mang danh Ngài là Đạo vô ngã. Lý thuyết vô ngã là kết quả tất nhiên do khám phá Ngũ uẩn và Mười hai nhơn duyên.

Không có một sự vật nào hiện hữu mà không do duyên sinh, vì duyên sinh nên chỉ tìm thấy sự tương thuộc lẫn nhau, nương tựa nhau mà tồn tại. Tất cả pháp chỉ có thể hiện hữu trong tương đối, giới hạn và phụ thuộc lẫn nhau. Muôn vật đủ duyên thì hiện, không đủ duyên thì ẩn tàng, trong đó không có sự mất hẳn (đoạn diệt), cũng không có yếu tố cố định (thường hằng). Duyên sinh vô ngã là nguyên lý bản chất của Đạo Phật, và cũng là nền tảng đạo đức cá nhân và xã hội. Khi chưa quán thông vô ngã thì mọi việc làm cũng chỉ nhằm để củng cố cái tôi ích kỷ, cũng vì thế mà trở thành hời hợt và không một chút thâm tình nào thể hiện vào cuộc đời.

Duyên sinh là chỉ cho một hợp thể gồm nhiều yếu tố nương tựa nhau, quan hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau mà tồn tại. Không có một sự vật nào hiện hữu một cách độc lập mà không liên hệ đến các sự vật khác, nên vốn “Không”, nhưng không có nghĩa là không ngoa, mà không có tánh đồng nhất, không có tánh cố định.

Trong Trung Luận thuộc phẩm Tứ Đế, Bồ tát Long Thọ nói:

“Chưa từng có một pháp, không từ nhân duyên sanh

Thế nên tất cả pháp, thảy đều là không vậy”([i]).

Các pháp do duyên sanh nên vô tánh, vô tánh vì duyên sinh. Đứng về phương diện duyên sinh thì chỉ là hiện tượng hữu sinh hữu diệt và phụ thuộc tồn tại, nhưng nói về phương diện vô ngã thì chỉ cho kết quả do thắp sáng mọi hiện hữu đều là duyên sinh, có thể nói vô ngã là bản thể của tất cả mọi hiện tượng (vật lý, sinh lý và tâm lý).

Không thể có một bông hoa tồn tại mà không cần đến ánh sáng mặt trời, không khí, đất, nước, phân bón... vậy nên sự hiện hữu của bông hoa là sự hiện hữu của vũ trụ. Thân năm uẩn cấu thành một chúng sanh này, cho đến tất cả pháp cùng một quy luật. Tất cả pháp tuy có thiên hình vạn trạng nhưng đều nằm trong cái luật chung đó, và đó là nghĩa bình đẳng của tất cả pháp. Có pháp nào không là duyên sinh, mà đã là duyên sinh thì toàn thể là vô ngã. Không thể xa rời các hiện tượng duyên sinh mà thấy được cái lý pháp thường hằng. Phật dạy:

“Ai thấy được duyên sinh là thấy được pháp.

Ai thấy được pháp là thấy được duyên sinh”.

Mãi cho đến thời hiện đại này, thuyết duyên sinh vô ngã vẫn không bị xem là lỗi thời; ngược lại, tính thuyết phục của nó đã cuốn hút và gây sức chú ý đối với các nhà vật lý học hiện đại một cách hấp dẫn. Về mặt khoa học, duyên sinh vô ngã soi sáng bản chất như thực của mọi hiện hữu.

“Chư pháp tùng duyên sinh, diệc tùng nhân duyên diệt” là thực tại mang tính phổ biến, nó chi phối tất cả mọi hữu thể tồn tại. Nhờ chuyển động liên tục và giả hợp mà các pháp hiện hữu. Các pháp không thể tồn tại một cách độc lập, mà tồn tại nhờ phụ thuộc lẫn nhau.

Cội gốc đau khổ không phải là năm uẩn, mà là “chấp thủ” vào năm uẩn, “khát ái” với năm uẩn, “vô minh” đối với năm uẩn. Hễ có chấp ngã là còn tạo nghiệp, còn tạo nghiệp là còn thọ khổ, cho nên gốc của khổ là nằm ở chỗ chấp ngã vậy. Đạo Phật được mệnh danh là Đạo phá chấp, là Đạo vô ngã cũng từ ý đó. Đây là lời dạy của bậc Đạo sư về đạo lý này:

“Sắc, này các Tỳ kheo, là vô ngã, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại, vị đa văn Thánh đệ tử đối với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt”.

“Thọ là vô ngã... tưởng là vô ngã... hành là vô ngã... thức là  vô ngã...”([ii])

Và đây là những lời dạy tiếp theo ý này:

“Sắc, này các Tỳ kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên do sắc sanh khởi, cái ấy cũng vô ngã. Sắc đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi thì từ đâu là ngã được...”

“Thọ là vô ngã... tưởng là vô ngã... hành là vô ngã... thức là vô ngã...”([iii])

Cái bi kịch của kiếp người không do một định mệnh khắt khe nào, không do một Đấng sáng thế nào áp đặt mà chính do con người tự đày đọa mình trong vòng vô minh của ngã chấp. Và đây là minh chứng qua lời bậc Đạo sư dạy:

“Ví như, này các Tỳ kheo, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột, hay cột trụ vững chắc, nó chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột, hay cây cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy các bậc Thánh... không thấy các bậc chân nhân... quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức như là tự ngã... nó chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì rằng nó chạy vòng theo, nên nó không giải thoát khỏi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không giải thoát khỏi sanh, già, sầu, bi, khổ, ưu não. Ta tuyên bố: Không giải thoát khổ đau”([iv])

Duyên sinh vô ngã thuộc yếu tố không gian, nói lên sự giả hợp của tất cả pháp. Ấy là cái thấy của Phật ở trong thiền định, chứ không phải cái biết thuộc tư duy hữu ngã của phàm phu, vốn đầy ắp ngã tính. Cái ánh giác phát sinh sau 49 ngày miệt mài thiền định nói lên hùng lực rất cần phải có trên con đường tầm cầu sự giải thoát tối thượng. Không thể đem kiến thức học hiểu hời hợt bằng lối tư duy phân biệt của trí năng mà có thể quán triệt được vô ngã. Trong Kinh A Hàm, Phật quở ngài A Nan, đủ chứng tỏ chỗ thậm thâm của đạo lý này:

“Này A Nan! Đừng nói thế, đừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này là sâu xa và rất sâu xa. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này mà nhân loại trở nên như một cuộn chỉ rối rắm, như một ổ kén, rồi như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ sứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”.

Vì chấp có một cái Ngã (linh hồn) đã ăn sâu vào tiềm thức, nên vào thời đại của Phật, những người nghe đến vô ngã liền đâm ra kinh hoàng khiếp sợ. Phật dạy:

“Hỡi các thầy Tỳ kheo, ý tưởng rằng: Ta có thể không còn tồn tại nữa (vô ngã), không còn gì nữa làm cho những người ngu lo sợ”.

Thế mới biết vào thời Phật, các luồng tư tưởng triết học và tôn giáo đương thời xây dựng nên cái trục “Hữu ngã” đã ăn sâu vào lòng người biết đến ngần nào!

Thực tại là cái gì vừa biểu hiện vừa ẩn tàng. Biểu hiện đó là duyên sinh, ẩn tàng đó là vô ngã; biểu hiện đó là sự hữu, ẩn tàng đó là sự vô; biểu hiện đó là sự sống, ẩn tàng đó là sự chết. Nếu chỉ nhận một mặt này mà quên mất mặt kia của thực tại, đó là thiên kiến. Người dung thông thấy rằng hai mặt đều cùng một thể bình đẳng, bất khả phân ly (như sóng và nước).

Cái sai lầm căn bản của khoa học hiện đại là phân ranh thực tại thành những đối thể: Năng và sở, chủ và khách, trong và ngoài, người biết và đối tượng biết, người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Tách con người ra khỏi những hiện tượng thiên nhiên là một minh chứng. Vì thấy con người khác với thiên nhiên nên mới dùng khoa học chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên chiều theo tánh dục của con người để thỏa mãn lòng tham vọng vô bờ bến. Cái kết quả tất nhiên là thiên nhiên nổi loạn như đã chứng kiến trong những thập niên gần đây. Thực ra thân năm uẩn cũng là hiện tượng thiên nhiên như tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên khác. Con người và thiên nhiên là một, là nhất thể bình đẳng. Hãy trân quý thiên nhiên như trân quý bản thân mình, đó là lời kêu gọi tha thiết của các nhà Đạo học Đông phương. Những lời Phật dạy mang tính tùy duyên nên chỉ là phương tiện nhất thời, vốn không có thật pháp có thể nương tựa. Tự tính vốn rỗng rang như hư không, vượt ngoài mọi đối đãi nhị biên, tùy duyên mà ứng hiện.



[i] “Vị tằng hữu nhất pháp, bất tùng nhân duyên sanh / Thị cố nhất thiết pháp, vô bất thị không dã”.

[ii] Tương Ưng 3 - Ba thời là Vô ngã - 24

[iii] Tương Ưng 3 - Ba thời là Vô ngã - 28

[iv] Tương Ưng 3 - Dây thừng - 178


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp