MI TIÊN VẤN ĐÁP
(Milinda
Panha)
Dịch Giả: Hòa Thượng
Giới Nghiêm
(Maha Thera Thita Silo)
Tỳ Kheo Giới Ðức Hiệu Đính, Ấn Bản 2003
II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(Gồm 244 Câu Hỏi)
176-176
176. Có ai thấy Phật không?
Qua biết bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu ngày
đã trôi qua, bao nhiêu câu trả lời của bậc trí tuệ; đức vua Mi-lan-đà lần hồi
khám phá ra một kho tàng pháp bảo, mà bề xa bề rộng của nó là không có mé bờ, bề
sâu bề ẩn của nó cũng khó lặn cho tận đáy. Ngoài ra, còn có những cái rất cụ thể
và giản dị như có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, đôi khi tưởng là dễ dàng như
mặc áo, ăn cơm! Mỗi mỗi chi tiết đều mạch lạc, sáng sủa. Mỗi mỗi ví dụ đều trùng
khít với nghĩa ngữ!
"Ôi! Cảm ơn, thâm tạ vị đại đức tuổi trẻ, thông tuệ. Ta đã thấy được một
phần nào, trong muôn một, lộ trình tìm đến chân phúc. Lộ trình ấy chính là tuệ
phá vỡ vô minh, diệt tận ái dục. Con đường ấy phải bước qua những lạch luồng vi
tế, cạm bẫy của ngã chấp và tri kiến. Sự tối thượng của Niết bàn cần phải được
khám phá. Vị cam lồ bất tử của Niết bàn cần phải được nếm thưởng để khỏi uổng
phí một đời! Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi đưa ra, không phải chỉ vì ta và bởi
ta, mà còn cho đại chúng và cho cả những thế hệ mai sau. Vâng, ta phải hỏi, hằng
trăm câu hỏi. Dù câu hỏi đó sơ căn, dù câu hỏi đó dường như phạm thượng, dù câu
hỏi đó như đặt bẫy, dù câu hỏi đó tưởng như nhạt nhẽo, vô duyên, dù câu hỏi đó
ngớ ngẩn, dù câu hỏi đó là khó chịu, dù câu hỏi đó là rối ren, phức tạp, dù câu
hỏi đó tốn công, mất thì giờ, dù câu hỏi ấy kẻ trí không nên đặt ra! Mặc, ta cứ
hỏi, nhờ vậy, giáo pháp sẽ được phong phú thêm lên, giáo pháp sẽ
được khơi dòng và tuôn chảy vào tất cả ngõ ngách, tế bào của đời sống, trên
mọi nẻo tối tăm mà ma vương đang ngự trị!"
Đức vua Mi-lan-đà sau khi suy nghĩ như thế rồi, hân hoan phát sanh; với sắc
mặt tươi vui phơi phới, đặt thêm câu hỏi khác:
- Thưa đại đức! Ngài giải đáp rất hay hằng trăm câu hỏi về giáo pháp của Đức
Tôn Sư; nhưng chẳng hay, ngài đã từng thấy Đức Phật chưa?
- Dạ thưa chưa, tâu đại vương!
- Thế thầy tổ của đại đức có thấy chăng?
- Cũng không thấy.
- Những vị thầy ba đời, bốn đời, là thầy của thầy tổ đại đức, chắc có thấy
chứ?
- Tâu, cũng không luôn!
- Vậy là rõ, như thế
không có Đức Phật
rồi!
Đại đức Na tiên im lặng giây lát, rồi hỏi:
- Nghe nói đại vương gốc người Hy lạp?
- Đúng vậy.
- Vị thủy tổ khai sáng dòng họ đại vương ở Hy lạp tính đến nay chừng bao
nhiêu đời rồi!
- Thưa, đâu cả hằng trăm đời!
- Đại vương đã từng thấy mặt vị thủy tổ của ngài chưa?
- Chưa thấy.
- Thân phụ của đại vương có thấy không?
- Cũng không thấy.
- Thế các vị tằng tổ, cao tằng... năm đời, bảy đời của đại vương có thấy
chăng?
- Cũng không nốt!
- Vậy rõ là
vị thủy tổ của đại vương không có
rồi!
Đại vương Mi-lan-đà cười ha hả:
- Thủy tổ của trẫm có, bằng chứng là còn dòng họ của trẫm và có trẫm đây!
- Cũng như thế, tuy bần tăng không thấy Đức Phật, nhưng Đức Phật có, bằng cớ
là còn giáo hội Tăng già, còn giáo pháp và có bần tăng đây!
Đức vua Mi-lan-đà tự nghĩ: "Đáp thế là hết chỗ để mà hỏi rồi, nhưng ta nên
giả bộ ngớ ngẩn", bèn hỏi tiếp:
- Đại đức có còn ví dụ nào nữa chăng?
- Có chứ! Ở nơi quốc độ mà đại vương đang ngự trị đây, trước đây đã từng có
đức vua nào khai sáng hở đại vương?
- Theo lịch sử thì có chứ!
- Nhưng đại vương có thấy chăng?
- Không thấy.
- Thế các vị lão thần, các vị quân sư đã già cả họ có thấy chăng?
- Cũng không thấy!
- Thôi, nói chi xa, vị vua trước đây cai trị quốc độ này, đại vương có thấy
chăng?
- Không thấy.
- Các vị đại thần, quân sư của đại vương có thấy chăng?
- Cũng không thấy.
- Thế là rõ. Thế là trước đây chẳng hề có một vị vua nào cả!
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Thưa đại đức, các vị vua ấy đều có cả. Trước đây năm đời các vị đều băng
hà, nhưng vị cuối cùng thì nơi cung điện cũ còn để lại nhiều đồ ngự dụng; ví như
cái mão, cái quạt, cái lọng, một bảo kiếm và một long sàng có đính trân châu đắt
giá. Chính bằng cớ ấy chứng minh là đức vua ấy có mặt dầu trẫm không thấy!
Đại đức Na tiên tự nghĩ: "Ý đức vua muốn ta chứng minh rằng có Đức Phật
bằng nhiều ví dụ khác nhau - cũng vì muốn tăng trưởng đức tin cho phần đông."
Bèn nói:
- Tâu đại vương! Bần tăng không thấy Đức Thế Tôn, thầy tổ ba, bốn đời của bần
tăng cũng không thấy Đức Thế Tôn - nhưng quả là Đức Phật có, bằng cớ là những "Phật
dụng" của Đức Phật hiện còn, tâu đại vương!
Những "Phật dụng" ấy được chư thinh văn A-la-hán kế tục gìn giữ từ đời
này sang đời kia, đó là:
Tứ niệm xứ,
Tứ chánh cần,
Tứ thần túc,
Ngũ căn,
Ngũ lực,
Thất giác chi,
Bát chánh đạo.
Chính những "Phật dụng" ấy - là kho tàng pháp bảo mà các thế hệ tăng
lữ đang bảo lưu, tu tập, cho đến hôm nay. Nó cụ thể thiết thực cho đến nỗi là nó
hiện đang có mặt ở đây, giữa bần tăng và đại vương, trong chính những câu hỏi và
đáp này!
Vậy thì đã rõ, Đức Phật có thật rồi, phải không đại vương?
- Đồng ý là vậy, nhưng trẫm vẫn muốn nghe thêm ví dụ.
Đại đức Na tiên thầm nghĩ: "Có lẽ đức vua này muốn ta đưa ra ví dụ để từ
đó, mọi người có thể đi vào từng chi tiết trong kho tàng pháp bảo của Đức Thế
Tôn đây." Bèn hoan hỷ nói:
- Cũng được thôi! Trước khi trả lời, đại vương có thể cho biết ai đã xây
dựng, kiến tạo kinh thành này? Phải là bậc thầy kiến trúc tài ba mới có thể đưa
ra một quy mô hoàn chỉnh vào loại bậc nhất đương thời ở châu Diêm phù đề như
thế!
- Vâng. Đúng là vậy. Trước tiên phải xem xét thắng địa, chỗ núi non giao nhau
như long như hổ, chỗ hợp lưu của các dòng sông, chỗ tựa vững vàng chắc bền cùng
điểm nhìn thông thoáng có những bức tường núi chắn che v..v...Ngoài ra, ở đấy
phải có đất đai phì nhiêu, cây trái thạnh mậu, hoa cỏ tốt tươi, muôn chim muôn
thú sinh trưởng đông vui v.v..
Sau khi phần đất kinh đô đã định rồi, trẫm cho vời một bậc thầy kiến trúc lên
họa đồ, phác thảo đâu là khu vực của hoàng cung, có nơi hội trào, chỗ trẫm ngự,
chỗ hoàng hậu, phi tần, cung nga thể nữ ở. Rồi nơi nào là vườn thượng uyển, các
công viên bao quanh, có hồ bán nguyệt, hồ lớn, hồ nhỏ thả hoa sen, hoa súng
v..v... Rồi nào là hội trường lớn, chỗ đại trường họp quân, chỗ giải trí vui
chơi, các kho tàng gạo, vải vóc, khí giới v.v... Rồi nơi nào là các con đường
lớn, đường nhỏ, những ngã ba, những ngã tư v.v... Rồi nơi nào là bệnh xá, chỗ ở
của bá quan cùng gia đình đương triều. Chỗ nào là nhà học, nhà giảng công cộng.
Những bến nước, nhà xí, nhà tắm. Rồi còn những kho đúc đồng, đúc vàng, đúc
bạc... thật là không kể xiết đâu, đại đức!
- Tâu, vâng. Vậy cũng tạm đủ rồi. Hiện tại, kinh đô của đại vương là kinh đô
hùng cường nhất thiên hạ. Có lẽ chưa có ở đâu có tường thành bao quanh vững chắc
như thế. Có hào sâu và có những chiến đài, chiến lũy vững chắc như thế. Quốc độ
của đại vương, ruộng đồng tốt tươi, gạo cơm dư dả. Đại vương cai trị quốc độ
mình bằng một chính sách vừa cứng vừa mềm, tình lý phân minh, hợp lẽ. Muôn dân
được sống trong cảnh hòa bình, an lạc.
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Đại đức quá khen!
- Đấy là sự thật! Còn nữa, hiện tại, quốc độ của đại vương ít có điều họa
hại, rủi ro; sự phạm pháp của bá tánh thật không đáng kể. Tất cả chủng tộc, giai
cấp đều sống trong không khí hòa thuận, yên bình. Dòng quý tộc, bà-la-môn,
thương gia, thợ thuyền, nông dân... đều chẳng có chỗ hiềm khích, kích bác nhau,
đấu đá nhau. Chẳng có nơi nào mà thủ lĩnh voi, thủ lĩnh ngựa, thủ lĩnh xe, thủ
lĩnh bộ binh, thủ lĩnh cung tên... dưới trướng của đại vương đều tài ba lỗi lạc
như thế. Những hoàng tử con vua, con bá quan, con thường dân... đều có nơi chốn
để học hành rồi sau đó trổ tài phụng sự quốc gia. Rồi tướng lãnh, binh sĩ đều là
những người tình nguyện, đầu quân giết giặc hoặc bảo vệ lãnh thổ nơi này nơi
khác. Tất cả đều uy vũ, có khí thế, được huấn luyện một cách kỹ càng. Tất cả
những gia đình ở trong kinh thành, ví như con những người giàu có, con những
người đô vật, con những người giúp việc...đều có cơ hội thăng quan tiến chức,
phát triển khả năng của mình.
Rồi còn biết bao nhiêu là nghề thợ tài hoa, làm phong phú, giàu có và thêm
sắc màu sinh hoạt đa dạng cho quốc độ. Nào là thợ mạ, thợ tẩy xóa, thợ vẽ đủ
loại, thợ làm mạt hương chiên đàn, thợ vàng, thợ thiếc, thợ đồng đỏ, đồng vàng,
thợ ngọc, thợ mài hột, thợ quay tơ, thợ nồi, thợ dệt, thợ nắn, thợ trang trí,
thợ bảo kiếm, thợ trường kiếm, thợ làm xà mâu, thương giáo, thợ mộc, thợ đoản
kiếm, thợ trang sức, thợ làm đất làm cát, thợ chàm, thợ nhựa, thợ nướng thịt,
thợ làm vật thực... Ôi! Thật là đủ loại, đủ thứ không thiếu gì!
Ngoài ra, sinh hoạt phố phường, chợ búa thật đông vui, tấp nập, quán xá san
sát. Rồi còn nào là chợ hoa, chợ bán vật thơm, chợ bán trái cây, chợ bán thuốc
trừ độc rắn, chợ bán thuốc chữa bệnh, chợ bán nước trường sanh, chợ bán ngọc,
chợ bán đồ đạc, vật dụng tổng hợp v..v...
Một quốc độ như thế, một đời sống nhân dân hạnh phúc, ấm no như thế... trước
tiên là thuộc công đức của đại vương, thứ nữa là phải kể đến vị kiến trúc bậc
thầy nọ, phải thế không đại vương?
- Có thể gọi là như vậy!
- Thế là đại vương đã để lại một kinh đô, một toà kiến trúc hoàn chỉnh cho
nhân dân và cho hậu thế, phải vậy không đại vương!
- Đúng vậy!
- Đức Thế Tôn cũng đã để lại một kinh đô hoàn chỉnh, một tòa kiến trúc quy mô
như thế, đại vương có muốn nghe chăng?
- Rất muốn nghe, thưa đại đức!
- Đức Thế Tôn đã tạo nên một quốc độ chánh pháp, một vương triều thịnh trị,
một kinh đô hoa lệ, một tòa lâu đài nguy nga đồ sộ... cũng tương tự như đại
vương vậy, tâu đại vương!
- Vâng! Xin đại đức hãy kể cho nghe?
- Tâu, vâng! Trước tiên, kinh đô ấy:
Có giới là thành trì,
Có sự hổ thẹn tội lỗi là pháo đài hộ thành,
Có chánh niệm là quân canh giữ của,
Có chánh trí là đại môn,
Có tinh tấn là chiến lũy,
Có đức tin là chóp vàng của toà bảo điện,
Có trí tuệ là bảo điện,
Có tạng kinh là các đường cho bộ hành qua lại,
Có vi diệu pháp là ngã ba, ngã tư đường v.v...,
Có tạng luật là công đường xét xử nghiêm minh,
Có tứ niệm xứ là con đường lớn rộng rãi v.v...
Bần tăng kể sơ như vậy, đại vương có hình dung ra được kinh đô chánh pháp của
Đức Thế Tôn đã để lại chăng?
- Thưa, hình dung được, nhưng không có gì đặc biệt lắm. Ngài hãy kể cho nghe
ở kinh thành ấy có bán hàng hóa gì lạ không? Có thứ gì mà mọi người thích mua,
thích dùng chăng?
- À, vâng! Ở đấy có rải rác các khu chợ trên những con đường, nào chợ bán
hoa, chợ bán vật thơm, chợ bán trái cây, chợ bán thuộc độc trừ rắn, chợ bán
thuốc chữa bệnh, chợ bán nước trường sanh, chợ bán ngọc, chợ bán hàng hóa tổng
hợp... y như là kinh thành này của đại vương không khác!
- Thế thì hay lắm! Hoa của kinh đô trẫm thì có rất nhiều loại, nhiều sắc màu,
thơm và quý hiếm. Còn chẳng hay, hàng bán hoa của Đức Thế Tôn chưng bán những
hoa gì?
Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:
- Hoa của kinh đô đại vương có lắm sắc màu, ai cũng thấy ngay là đẹp; hương
của nó tỏa ra ai cũng cảm nhận ngay là thơm. Nhưng sắc màu ấy chóng tàn, hương
ấy chóng phai, thật chẳng xứng cho các bậc trí giả vào đấy để mua, tâu đại
vương!
- Còn hoa của Đức Thế Tôn ra sao mà đại đức dám chê bai hàng hoa của
trẫm như thế?
- Vâng, hoa của Đức Thế Tôn nom rất xấu xí, chẳng có sắc mà cũng chẳng có
hương; có vài loại lại bất tịnh, đáng nhờm gớm là khác, tâu đại vương!
- Thế mà gọi là hoa à?
- Vâng, chính thật là hoa, là vi diệu hoa, tối thắng hoa. Ai
mua hoa ấy về, ngày đêm nhìn ngắm, chiêm nghiệm... một thời gian sau, tính chất,
tố chất vi diệu của nó sẽ len thấm vào tâm hồn, nó sẽ nở, sẽ phô sắc tỏa hương ở
bên trong, giúp ta tận hưởng niềm an lạc, vui tươi, hoan hỷ... không kể xiết
được, tâu đại vương!
- Đại đức đừng quảng cáo món hàng nữa, cứ bày bán ra thử xem?
- Tâu, vâng! Hoa ấy được Đức Thế Tôn gọi là "tưởng". Có những món hàng
tưởng sau đây:
Tưởng vô thường,
Tưởng khổ não,
Tưởng vô ngã,
Tưởng tử thần,
Tưởng bất tịnh,
Tưởng tội lỗi,
Tưởng dứt bỏ,
Tưởng diệt luyến ái,
Tưởng tịch diệt,
Tưởng không thỏa thích trong thế gian,
Tưởng vô thường trong tất cả các hành,
Tưởng tử thi chỉ còn xương,
Tưởng tử thi có dòi nhung nhúc,
Tưởng tử thi có nhiều màu sắc,
Tưởng tử thi đứt ra nhiều phần,
Tưởng tử thi máu mủ chảy ra,
Tưởng tử thi sình lên,
Tưởng tử thi có thú cắn xé,
Tưởng tử thi rời rạc mỗi nơi mỗi cái,
Tưởng tử thi bị bằm chặt từng miếng nhỏ,
Tưởng tử thi bê bết máu v.v...
Mới nghe đến ngang đây, đức vua Mi-lan-đà nói:
- Quả thật là hoa ấy kỳ lạ lắm, nhưng kinh khiếp quá, đại đức!
- Thế thì thôi, bần tăng sẽ bày thêm hoa khác.
- Vâng.
- Những hoa này mát mắt hơn, đấy là:
Từ tưởng,
Bi tưởng,
Hỷ tưởng,
Xả tưởng v..v...
Tâu, đại vương! Gồm tất cả tưởng ấy Đức Thế Tôn gọi là chợ bán hoa. Các bậc
trí giả lựa chọn hoa nào mình thích, đem về nhìn ngắm, chiêm nghiệm, trầm tư,
quán tưởng... lần hồi sẽ giải thoát khỏi luyến ái, sân hận, si mê, ngã chấp, tà
kiến, sẽ dứt hết hoài nghi và phiền não, để tiến vào quốc độ Niết bàn tối
thượng lạc, quý báu hơn tất cả mọi quốc độ. Khi chấm dứt được tất cả khổ
rồi, người ấy sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết... hằng tươi vui trong cõi
trường xuân... Vậy không là tối thắng hoa, diệu thắng hoa là gì, hở đại vương?
- Đúng vậy. Quả thật là trẫm vừa vinh hạnh, may mắn chiêm quan chợ bán hoa
nơi vương quốc của chánh pháp. Thật là lợi lạc vô cùng. Rồi trẫm cũng
phải lựa chọn cho mình những đóa hoa nào mà mình thích nhất, mang về để chiêm
nghiệm thử xem. Tất cả thính chúng ở đây cũng thế, mỗi người nên mua một đóa,
hai, ba đóa càng tốt, có lẽ Đức Thế Tôn cũng tặng thôi chẳng bán đắt giá đâu!
A còn chợ khác nữa! Trẫm muốn vào xem chợ bán vật thơm, đại đức!
- Ồ bần tăng sẽ giới thiệu sản phẩm, hương liệu vật thơm cho đại vương xem:
Đây là hương thơm của giới,
Đây là hương thơm của định,
Đây là hương thơm của tuệ,
Đây là hương thơm của giải thoát,
Đây là hương thơm của giải thoát tri kiến.
Tất cả chỉ có năm món thôi, đại vương!
- Vâng, vâng! Vậy là đủ ngất ngây rồi, xài trăm triệu kiếp cũng không hết
rồi, vì trẫm biết mùi hương của nó.
- Đại vương biết như thế nào?
- Thưa, chỉ cần nói về giới hương thôi, đã vi diệu, tối thắng hơn tất cả mùi
thơm quý báu trong quốc độ của trẫm cọng lại. Hương thơm của hoa chẳng bay ngược
theo chiều gió, còn hương của giới không những bay ngược chiều gió mà còn có thể
thơm khắp tất cả mọi phương hướng, lan tỏa cả cõi người cõi trời, xông ngát đến
bốn cõi Tứ đại thiên vương, thưa đại đức!
- Đúng vậy! Người thọ trì ngũ giới, bát quan giới, tiểu giới, đại giới, tứ
thanh tịnh giới... sẽ có được hương thơm, như Đức Thế Tôn đã thuyết: "Hương
hoa lài, hương hoa sen thơm tho lắm; và quý báu nhất là hương chiên đàn, hương
trầm. Nhưng các loại hương ấy không thể thơm ngược chiều gió. Chỉ có giới hương
là lan tỏa khắp mười phương, tám hướng. Giới hương còn cao quý hơn cả thiên
hương."
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Kinh đô của chánh pháp rộng lớn quá, đại đức chỉ nên giới thiệu
tượng trưng thôi. Ví dụ như giới hương đã quý báu thế, còn nói gì đến tuệ hương
và giải thoát hương! Bây giờ đại đức cho xem gian hàng khác, ví như gian hàng
bán trái cây chẳng hạn?
- Vâng, đấy là gian hàng bán các thứ quả như sau:
Tu-đà-hoàn quả,
Tư-đà-hàm quả,
A-na-hàm quả,
A-la-hán quả,
Không quả,
Nhập định quả,
Vô tướng quả nhập định,
Xả quả nhập định v.v...
Tâu đại vương! Trái cây thế gian dù ngon ngọt cũng chỉ ăn trong chốc lát, no
trong chốc lát - còn các loại quả bất tử (amata phala), ăn vào thì no
nhiều đời nhiều kiếp, nuôi dưỡng thọ mạng và được an lạc miên trường không gì
sánh nổi.
- Vâng, trẫm mong rằng sẽ mua được quả nho nhỏ cũng hạnh phúc lắm rồi.
- Vậy bây giờ chúng ta đi vào chợ bán thuốc trừ độc rắn nhé?
- Vâng!
- Bây giờ đại vương hãy nhìn những toa thuốc chuyên trị các loại độc rắn:
Thuốc giải tham sân si độc,
Thuốc giải sanh, già, bệnh, chết độc,
Thuốc giải luân hồi độc,
Thuốc giải phiền não độc,
Thuốc giải sầu bi khổ ưu độc,
Thuốc giải trái ý, nghịch lòng độc,
Thuốc giải ganh tỵ, tật đố độc,
Thuốc giải quên ơn, bạc nghĩa độc,
Thuốc giải bỏn xẻn rít róng độc,
Thuốc giải cứng đầu, ương ngạch độc,
Thuốc giải tự cao, tự đại độc v.v...
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Thôi, vậy là đã quá nhiều, trẫm đang đầu váng mắt hoa đây. Chỉ một chút nọc
độc ấy cũng đủ tiêu hủy một đời người, hoặc làm cho con người quằn quại, đau
đớn. May mắn thay, gian hàng chánh pháp đã bán sẵn các loại thuốc giải.
Thật là hữu ích cho chúng sanh. Ai bị loại độc nào thì cứ tự động mua loại thuốc
giải ấy mà trị. Phải thế không, đại đức?
- Vâng! chỉ sợ chúng sanh không dám mua đó thôi!
- Không mua thì đừng có thống khổ, rên la!
- Đức Thế Tôn bố thí đấy, có bán chác gì đâu, đại vương!
- Thế thì tốt quá. Nhưng liều lượng thế nào, uống rồi cử cái gì, sao không
thấy ghi bên dưới.
- Cũng đúng thôi! Cái đó tùy mỗi người biết độc của mình ra sao, uống ra sao,
kiêng cử ra sao. Hãy tự mình chiêm nghiệm và sử dụng.
- Hay vậy thay!
- Thế bây giờ đại vương còn muốn đi xem nữa chăng?
- Còn muốn.
- Giờ chúng ta qua gian hàng bán thuốc trừ bách bệnh, kể cả tứ chứng nan y,
kể cả bệnh mà thần chết không muốn rước. Tất cả sẽ lành tất!
- Hay dữ!
- Đây, hãy xem cái nhãn hiệu cùng cách đối chứng trị liệu:
Tứ niệm xứ: chữa trị bệnh thân, bệnh thọ, bệnh tâm, bệnh pháp.
Tứ chánh cần: chữa trị bệnh dễ duôi, buông xuôi theo ác niệm.
Tứ thần túc: chữa bệnh thiếu ý chí, thiếu quyết tâm, thiếu tập trụng, thiếu
sự quan sát.
Ngũ căn và ngũ lực: chữa bệnh thiếu đức tin, thiếu tinh tấn, thiếu niệm,
thiếu định, thiếu tuệ.
Thất giác chi: uống vào là lành hẳn, là giải thoát tất cả bệnh.
Bát chánh đạo: chữa bệnh tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà
tinh tấn, tà niệm, tà định.
Tâu đại vương! Đấy là nói ngắn gọn. Chứ gian hàng bán thuốc này có thể trị
dứt hẳn tám mươi bốn ngàn căn bệnh của chúng sanh!
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
- Thật là vi diệu thay! Thế còn chợ bán nước trường sanh bất tử ở đâu,
đại đức?
- Tâu, đại vương! Hãy nghe đây! Nhiều người sau khi xem chợ bán hoa, chợ bán
hương, chợ bán trái cây, chợ bán độc rắn, chợ bán thuốc trị bách bệnh; thấy
nhiều thứ nhiều loại quá, không biết chọn thứ nào, mua thứ gì... họ bèn vào chợ
bán nước trường sanh bất tử này. Đây là chợ chỉ bán duy nhất một món, khỏi lựa
chọn gì cả. Chỉ chuyên uống một món này thôi cũng nếm thưởng được vị cam lồ
bất tử là Niết bàn. Nếu chưa được vị ngon ngọt của Niết bàn, họ cũng chấm
dứt được ưu sầu, thống khổ: khỏi tái sanh vào các cảnh thú, địa ngục, ngạ quỷ,
súc sanh, a-tu-la... tâu đại vương!
- Độc vị ấy là gì, đại đức?
- Là pháp niệm thân, đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Ồ! Đúng vậy! Đây là thuốc dành cho mọi người chung chung, uống loại nước
này công hiệu như thần, không lợi bề ngang cũng lợi bề dọc... lần hồi vô sanh
bất tử cả. Bây giờ đại đức cho vào chợ bán ngọc, xem thử có những loại ngọc vi
diệu như thế nào!
- Tâu, vâng!
Đây là giới bảo ngọc;
Đây là định bảo ngọc;
Đây là tuệ bảo ngọc;
Đây là giải thoát bảo ngọc;
Đây là giải thoát tri kiến bảo ngọc;
Đây là tuệ phân tích bảo ngọc v.v...
- Ở gian hàng này ngọc cũng nhiều quá, đại đức giới thiệu cho từng sản phẩm
một, công năng diệu dụng hoặc là tính chất quý báu của nó ở chỗ nào?
- Vâng, vậy thì bần tăng sẽ giới thiệu về "giới bảo ngọc"! Ngay giới
bảo ngọc này cũng có rất nhiều loại khác nhau: ngũ giới, bát giới, thập giới,
thu thúc giới, lục căn thu thúc giới, chánh mạng thanh tịnh giới, quán tưởng tứ
vật dụng thanh tịnh giới, tiểu giới, trung giới, đại giới, đạo giới, quả giới,
tâu đại vương!
- Vâng, ngọc ấy là quý, sáng rỡ, cao đẹp như thế nào?
- Ngọc thế gian dùng để trang điểm có nhiều thứ nhiều loại, nhưng quý nhất là
ngọc mani, chỉ đức Chuyển luân Thánh vương mới có. Nhưng ngọc mani ấy dù quý báu
thế nào cũng là thế gian ngọc, phàm phu ngọc, giá trị không bằng một phần mười
sáu các loại ngọc này. Có ngọc này trang điểm thân tâm, có thể bước vào cửa xuất
thế gian, gặp mặt các hàng thánh nhân; nên ngọc này được chư thiên, nhân loại,
sa môn, bà-la-môn rất tán thán, ca ngợi. Tỳ khưu trang điểm cho mình loại ngọc
này sẽ có ánh sáng huy hoàng chói lọi, tỏa hào quang đi khắp các hướng đông tây
nam bắc thượng hạ trung; xuyên đến các cõi trời dục giới và phạm thiên giới;
đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết: "Dù các hàng đa văn, bác học; học rộng nghe
nhiều cũng không bằng người thọ trì giới, thực hành giới. Giới cao thượng hơn sự
nghe, sự học rất nhiều. Có giới phòng hộ, trang điểm thân tâm, các ngươi có thể
chấm dứt tất cả khổ và bước vào cõi Thánh".
Đấy là tính chất, công năng, diệu dụng của giới bảo ngọc, tâu đại
vương!
- Trẫm rất hài lòng về giới bảo ngọc, bây giờ sang món hàng tiếp theo?
- Đây là định bảo ngọc, cũng có nhiều thứ nhiều loại: tầm tứ định,
vô tầm tứ định, lạc định, xả định, không định v.v... Thứ nào cũng quý báu,
cao sang cả, tâu đại vương!
- Xin cho nghe tính chất, công năng, diệu dụng của nó, đại vương!
- Vâng, các loại định này trước tiên là ngăn ngừa tất cả những tà tư duy: dục
tư duy, sân tư duy, hại tư duy...; đồng thời hủy trừ luôn các tư duy ngã chấp,
tư duy phóng dật, tư duy hoài nghi, tư duy tham luyến! Nhờ vậy tâm được yên
lặng, trong sạch, thuần khiết; đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết: "Ví như lá sen
không bao giờ dính nước, định có công năng làm cho những bợn nhơ phiền não xa
lìa không thể dính vào tâm. Định chính là bảo vật cao quý làm cho những tư duy
xấu ác không xâm hại được, không xen vào được, không lay động được" - tâu
đại vương!
- Quý hiếm thay là định bảo. Đại đức cho nghe thêm về tuệ bảo?
- Tuệ bảo cũng có nhiều thứ nhiều loại: tuệ viễn ly, tuệ phá chấp, tuệ giảm
trừ, tuệ chiếu sáng, tuệ phân tích, tuệ đoạn lìa, tuệ diệt tận, tuệ thấy rõ, tuệ
giải thoát v.v... Vậy đại vương muốn nghe loại tuệ nào?
- Loại tuệ bảo nào mà đại đức thấy là công năng diệu dụng của nó lợi ích cho
nhiều người thì đại đức tùy nghi thuyết giảng.
- Vâng, Vậy thì bần tăng mang ra đây loại ngọc này: Tuệ Thấy Rõ! Tuệ
này dùng để trang điểm cho hai cõi: phàm và thánh. Các vị Thánh nhân hằng trang
điểm cho mình khi đi, đứng, nằm, ngồi... không bao giờ xa rời, luôn với hào
quang lấp lánh. Còn phàm phu có nó mà trang điểm trên đỉnh trán - thì có thể
thấy: cái này là tội, cái kia là phước, cái này nên gần gủi, cái kia nên xa lìa,
cái này là quý, cái kia là tiện, cái này là trắng, cái kia là đen, việc này nên
làm, việc kia không nên làm v.v... Cứ "thấy rõ" mãi như thế, phàm phu
bước lên cái "thấy rõ" cao hơn: cái này là khổ, cái này là nhân sanh khổ,
cái này là diệt khổ, cái này nếu thực hành sẽ đưa đến nơi diệt khổ. Lên cấp độ
này, người ấy không còn là phàm phu nữa mà trở thành tuệ bảo của Thánh nhận; có
thể trang điểm cho mình để rong chơi ngoài ba cõi, tự tại, an vui, rỡ rỡ dung
nghi, cao sang tột bực! Ngọc Mani của Chuyển luân Thánh vương nào có nghĩa lý
gì, phải thế không đại vương?
- Nhất định rồi! Nhưng trẫm còn muốn nghe loại ngọc khác nữa.
- Tâu, vâng! Ta tiếp tục. Đây là "giải thoát bảo châu"! đây là loại
trang sức, trang điểm bình thường của những công dân ở cõi Thánh. Những
vật thoa, vật thơm, những tràng hoa trang điểm ở thế gian như trầm hương, cây có
vỏ thơm, gỗ mục thơm, mạt chiên đàn, hoa tỷ quân, hoa hường, hoa huệ, hoa dâm
bụt, hoa cúc, hoa lay ơn, hoa lài kép, hoa lý, hoa ngâu, hoa ngọc lan, hoa sứ,
hoa phượng hoàng, hoa phong lan... thật không đáng kể. Hoặc hoa sen có mùi thơm
bảy ngày, hoa cây có mùi thơm nửa tháng... cũng không nghĩa lý gì!
Đi vào gian hàng giải thoát bảo châu, ta sẽ gặp:
Giải thoát nhất phần bảo châu,
Giải thoát nhị phần bảo châu,
Giải thoát tam phần bảo châu,
Giải thoát tứ phần bảo châu.
Đây là các loại bảo châu mà các vị Thánh nhân Tu-đà-hườn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm
và A-la-hán thường trang điểm cho mình. Nó có hào quang chiếu diệu, cao quý và
đẹp đẽ phi thường. Thế gian chuộng ngọc thạch, ngọc mã não, ngọc lưu ly, ngọc
mani như thế nào thì chư vị Thánh nhân quý chuộng bốn loại giải thoát bảo
châu cũng y như thế.
- Càng đi vào càng ngất ngây - đức vua Mi-lan-đà nói - nhưng trẫm vẫn chưa
muốn rời chân, thưa đại đức.
- Vậy thì sang đây xem gian hàng: "giải thoát tri kiến bảo châu".
Tâu đại vương! Ở nơi chỗ tuệ thì còn viễn ly, soi chiếu, thấy rõ điều đáng
làm, điều nên làm. Ở nơi chỗ giải thoát thì giải thoát bán phần, giải thoát toàn
phần v.v... Còn giải thoát tri kiến bảo châu
này là giải thoát rốt ráo, giải thoát không còn dư tàn. Do vậy loại bảo châu này
hào quang tỏa rạng bất khả tư nghì. Tính chất và công năng của nó là vô hạn, vô
lượng định vậy. Các bậc Thánh nhân vô lậu, trưởng tử của Như lai thường trang
điểm loại bảo châu này, tự tại vô ngại giữa dòng đời để giáo hóa chúng sanh. Họ
vừa trú nơi chơn tuệ để làm phận sự công việc mình, vừa khởi ý làm thiện sự vì
hạnh phúc cho chư thiên và loài người, mà bao giờ cũng với tâm giải thoát, tuệ
giải thoát, tâu đại vương!
- Ồ quý hiếm vậy thay.
- Ở đây còn thứ quý hiếm nữa, là tuệ phân tích bảo ngọc, đại vương
cũng nên xem tiếp:
Tuệ phân tích ý nghĩa,
Tuệ phân tích pháp ,
Tuệ phân tích văn tự,
Tuệ phân tích biện tài vô ngại (tốc trí biện tài).
Đức vua Mi-lan-đà:
- Đức pháp chủ Xá - lợi - phất có thứ ngọc bảo này.
- Vâng.
- Nhờ đại đức giảng rộng cho nghe.
- Tâu, vâng, Bậc Thinh văn A-la-hán nào trang điểm cho mình loại ngọc bảo
này, thì dù đi vào hội chúng nào, đoàn thể nào, giới cấp nào - ví như vua chúa,
quan lại, sa môn, bà-la-môn, thương gia, nông dân v.v... - bao giờ cũng với thái
độ dũng cảm, uy vũ, bất khuất; ngồi không cúi gục đầu xuống, tâm không hề rung
động, không sợ hãi, không chau mày, không cần nơi nương tựa, không cần niệm,
không cần quán tưởng, không tự trấn an mình; hoàn toàn làm chủ mọi tình thế, tự
biết mình là lãnh chúa của muôn loài như sư tử vương tọa thị điềm nhiên giữa
chốn sơn lâm vậy.
Đức vua tán thán:
- Thật là đáng khâm phục, ngưỡng mộ!
- Dĩ nhiên rồi! Ví như một viên dũng tướng vô địch xông xáo giữa chốn thiên
binh vạn mã; khi đã trang điểm cho mình mười loại khí giới tuyệt hảo rồi - viên
dũng tướng ấy chân đạp một kẻ thù, chân đá một kẻ thù, tay nắm chỏm tóc một kẻ
thù, tay kia một nhát dao rơi một lúc mười kẻ thù khác v.v... Mỗi mỗi động tác
là trúng đích, một mũi tên buông ra xuyên suốt bảy, tám tên giặc. Trường kiếm,
đoản kiếm, cung nỏ, giáo ngắn, giáo dài, trủy thủ, đao to, đao nhỏ, xà mâu, đoản
côn v.v... y đều sử dụng một cách thiện xảo, nhuần nhuyễn... và chính xác từng
ly tấc một... Viên đại dũng tướng ấy chẳng hề sợ ai, chẳng chùn, chẳng run tay,
chẳng cần ngồi nghỉ dưỡng sức, chẳng cần tự trấn an mình v.v... Khi tấn, khi
thoái, lúc lạng người, lúc né người, lúc cúi xuống, lúc đứng lên, lúc nhảy chéo,
lúc nhảy ngang, lúc vút lên cao, lúc hoành thân, lúc đảo bộ... mỗi mỗi động tác
của viên dũng tướng... đều tạo thêm lợi thế, khí thế bừng bừng... làm cho kẻ thù
dựng đứng tóc gáy, tan tác dần dần... và rùng rùng bỏ chạy.
Tâu đại vương! Bậc Thánh nhân vô lậu trang điểm cho mình loại bảo châu bốn
tuệ phân tích, đi vào giữa các hội chúng cũng y như viên đại dũng tướng kia đi
vào trận địa giết giặc vậy!
- Thật là khiếp hãi. Xin đại đức cho nghe ngay ngữ nghĩa đi thôi.
- Vâng. Nếu các hội chúng:
Hỏi về ý nghĩa, sẽ giải thích bằng ý nghĩa;
Hỏi về nhân, sẽ giải thích về nhân;
Hỏi về duyên, sẽ đáp về duyên;
Hỏi về cách thức, phương pháp, sẽ giảng giải về cách thức, phương pháp;
Hỏi pháp phân tích nào, đáp pháp phân tích ấy;
Hỏi pháp, trả lời pháp;
Hỏi bất tử pháp, đáp bằng bất tử pháp;
Hỏi pháp không tạo tác, đáp bằng pháp không tạo tác;
Hỏi Niết bàn pháp, trả lời Niết bàn pháp;
Hỏi không pháp, trả lời bằng không pháp;
Hỏi vô tướng pháp, sẽ trả lời về vô tướng pháp;
Hỏi bằng tầm tứ pháp, sẽ giải thích về tầm tứ pháp;
Hỏi về vô tầm tứ pháp, sẽ đáp vô tầm tứ pháp;
Hỏi về xả pháp, trả lời bằng xả pháp.
Nói tóm lại, hỏi bằng pháp nào sẽ giải thích về pháp ấy một cách có thứ tự,
mạch lạc, thông suốt, bác học, vô ngại về ngữ nghĩa, tâu đại vương!
- Vâng!
- Còn nữa, nếu có những kẻ sắc sảo, thích chữ nghĩa, thích lý luận thì:
Hỏi bằng tuệ phân tích sẽ trả lời bằng tuệ phân tích;
Hỏi về văn tự, đáp bằng văn tự;
Hỏi bằng câu, sẽ đáp bằng câu;
Hỏi bằng câu ngắn,, đáp bằng câu ngắn.;
Hỏi bằng chữ, sẽ đáp bằng chữ;
Hỏi bằng chữ nối ráp, sẽ đáp bằng chữ nối ráp;
Hỏi bằng phụ âm, đáp bằng phụ âm;
Hỏi bằng chiết tự sẽ đáp bằng chiết tự;
Hỏi bằng mẫu tự sẽ đáp bằng mẫu tự;
Hỏi bằng chánh âm, sẽ đáp bằng chánh âm;
Hỏi bằng ngôn thuyết, đáp bằng ngôn thuyết;
Hỏi với biện tài, sẽ đáp bằng biện tài;
Hỏi bằng ví dụ, sẽ đáp bằng ví dụ;
Hỏi bằng vị, sẽ đáp bằng vị;
Hỏi bằng tướng, sẽ đáp bằng tướng v.v...
Tất cả, tất cả đều được vị thánh nhân với bốn tuệ phân tích giải bày
cặn kẽ, khúc chiết, quảng bác... làm cho các hội chúng giải tan được hoài nghi,
có đức tin nơi chánh pháp và trở về với chánh pháp, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà bần thần nói:
- Trẫm không ngờ loại châu báu này "kinh khủng" đến như thế. Uy dũng
của nó đúng là chúa sơn lâm, sẽ không sợ hãi bất kỳ một ai trong tam giới. Sở
học mà được như thế, chắc không mấy người, đại đức nhỉ?
- Vâng, quả vậy!
- À, trẫm có nghe đồn trong lâu đài chánh pháp của Đức Thế Tôn còn có một
loại ngọc nữa, được gọi là "thất giác chi bảo ngọc", sao không nghe đại
đức nhắc tới?
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Vì nhiều quá nên đầu óc lú lẫn của bần tăng quên đi chăng? Vâng, quả thật
có loại ngọc ấy. Nó chính là:
Niệm giác chi bảo ngọc;
Trạch pháp giác chi bảo ngọc;
Tinh tấn giác chi bảo ngọc;
Hỷ giác chi bảo ngọc;
An giác chi bảo ngọc;
Định giác chi bảo ngọc;
Xả giác chi bảo ngọc.
Đấy là bảy loại bảo ngọc bắt buộc ai cũng phải trang điểm nếu muốn bước vào
cõi hào quang của chư Thánh. Chư thiên, nhân loại, phạm thiên ai cũng thèm muốn,
ước vọng, trầm trồ, tán thán, ca ngợi về sắc đẹp, tính chất có một không hai
trên trần đời của nó, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ hỏi tiếp:
- Thế còn cái chợ tổng hợp, đại đức? Nó ra sao mà gọi là chợ tổng
hợp?
- Thế trong kinh đô của đại vương, chợ tổng hợp họ bán những gì?
- Ồ! Thượng vàng hạ cám. Từ ngọc báu, xa cừ, pha lê, mã não... từ voi, cọp,
rắn, thuồng luồng, các loại cá, hải sản và thủy sản, vải vóc, lương thực cho đến
cây kim, sợi chỉ, mắm tôm, mắm tép, giày, ủng, gươm, giáo, nồi, soong chảo, chén
bát, đũa, đồ sứ, đồ sành, trẫm, quế, củi... cho đến ếch, nhái, chim, chuột, chó,
mèo... tất thảy đều có cả, thưa đại đức.
- Có nghĩa là giới quý tộc, thượng lưu, hạng triệu phú, bá quan, các giai cấp
thợ thuyền, nông dân, kẻ hạ tiện... đều có thể vào chợ tổng hợp này để tìm mua
vật vừa lòng, thích ý của mình phải không đại vương?
- Đúng vậy!
- Gian hàng tổng hợp của Đức Thế Tôn cũng y như thế. Nghĩa là để dành cho đủ
mọi căn cơ trong xã hội, từ người căn cơ chậm lụt đến căn cơ thượng trí, đều có
phần của mình trong kho tàng chánh pháp của Đức Thế Tôn. Người tại gia có món
hàng cho người tại gia. Người xuất gia có món hàng cho bậc xuất gia.
Ở đây, người ta có thể làm lành chút ít để cầu trường thọ, cầu sức khỏe, cầu
an vui, cầu sắc đẹp. Người ta cũng có thể mua món hàng ngũ giới, bát giới để thọ
trì, để đổi lấy cõi người và cõi trời hạnh phúc sang cả. Người khôn ngoan hơn tí
nữa, họ mua thêm bố thí, tham thiền, để vừa được hạnh phúc trời, người, vừa gieo
duyên hạnh phúc cao thượng hơn.
Còn nữa, riêng các bậc xuất gia thì những món hàng đắt giá được bày bán trong
những câu lạc bộ thanh lịch và thanh khiết hơn. Vào đây sẽ có đầy đủ tạng kinh,
tạng luật, vi diệu tạng. Ai ưa tạng nào thì mua tạng nấy. Ngoài ra, lác đác chỗ
này chỗ kia, có những ngăn riêng để bán lẻ cho nhiều người. Nào là túc sanh
truyện, kệ ngôn, kệ thơ, tiểu bộ kinh, tạp bộ kinh, tăng chi bộ kinh, trung bộ
kinh, trường bộ kinh, tương ưng bộ kinh v.v... Người thích trì luật thì có giới
thọ trì giới bổn, giới phòng hộ các căn, tiểu giới, trung giới, đại giới. Người
ưa chiêm nghiệm sâu xa về tâm vương, tâm sở, sắc pháp, Niết bàn thì đi vào tạng
vi diệu, thắng nghĩa.
Ngoài ra, có vị thích chỉ tịnh, quán minh; có vị thích đầu đà khổ hạnh, người
thích ở cội cây, rừng, nghĩa địa; kẻ thích thiền định, người ưa giáo hóa, pháp
sư, giảng sư... ai muốn mua, đều có. Có những vị được một thông, hai thông, ba
thông, bốn thông, năm thông, sáu thông. Có vị được một tạng, hai tạng, ba tạng.
Có vị chuyên tu tứ niệm xứ, chuyên tu thất giác chi, người ngũ căn, ngũ lực, kẻ
thích thú bát chánh đạo.
Nhờ vậy, trong câu lạc bộ này, biết bao nhiêu vị Thánh nhân ra đời, từ
Tu-đà-hườn quả đến A-la-hán quả. Có vị được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ
thiền và vô sắc thiền.
Ví như trong một khu rừng, hằng-hà-sa số các loại thảo mộc thì trong câu lạc
bộ chánh pháp cũng hằng-hà-sa số là các vị Thánh nhân cùng phước báu trời,
người... như thế!
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Quả đúng là gian hàng tổng hợp. Nhưng đại đức kể nhiều quá. Trẫm nhớ không
hết, hãy từ từ nhé! Ví như trong quốc độ của trẫm, trẫm là vua, bên cạnh trẫm có
vị quốc sư hằng bàn việc nước với trẫm, các quan đại thần thì chăm lo tất cả
công việc từ kinh tế, quân sự, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thiên văn v.v...
Ngoài ra lại còn bốn giai cấp trong xã hội, và dân chúng thì làm đủ tất cả mọi
ngành nghề v.v... Vậy trong cái gọi là quốc độ chánh pháp của Đức Thế Tôn có tổ
chức tương tự như thế hay chăng?
- Có chứ, tâu đại vương!
- Xin đại đức giảng cho nghe?
- Vâng, trước khi trình bày điều đó, bần tăng sẽ xin kể những thần dân ở
trong quốc độ chánh pháp ấy đã.
Một là, các bậc hết luyến ái, hết sân hận, hết si mê, hết ái dục và không
còn cố chấp; ấy là những bậc đã đắc giải thoát thiền.
Hai là, các vị thọ đầu đà, ở trong rừng, ngăn oai nghi nằm, thọ đi kinh
hành, thọ y bó tử thi, thọ tam y, thọ tròn đủ bốn pháp môn, những bậc hiểu
pháp đệ nhất.
Ba là, các vị thọ đầu đà, tri túc trong lợi lộc.
Bốn là, các vị đắc thiền, vô sắc thiền, có thần thông hoặc không có thần
thông.
Năm là, các vị thực hành để đắc được quả hữu học, có tâm tầm cầu hướng
thượng.
Sáu là, các bậc Tu-đà-hườn, Tư-đà-hàm, bậc A-na-hàm, A-la-hán xa lìa các
bợn nhơ tội lỗi.
Bảy là, các vị thông suốt tứ niệm xứ, hoan hỷ tiến tu thất giác chi, thực
hành tuệ minh sát.
Tám là, các vị thông hiểu thần túc, hoan hỷ nhập định, thực hành tứ chánh
cần.
Chín là, các vị thông tuệ ba la mật, có hỷ mãn, có lạc mãn.
Mười là, những vị đi đâu cũng nhìn xuống, không ngó láo liên, biết thu
thúc khẩu, gìn giữ lời ăn tiếng nói, thu thúc thân tâm.
Mười một là, người đắc pháp cao thượng, đắc tam minh, đắc lục thông, đắc
thần thông ba-la-mật, có trí tuệ ba-la-mật...
Tâu đại vương! Thần dân trong quốc độ chánh pháp ấy rất nhiều, nhưng bần tăng
chỉ tóm tắt vào mười một nhóm công dân ưu hạng như vậy thôi!
- Đúng là công dân thượng đẳng! Nếu ai cũng thượng đẳng cả thì ai là vua, là
quan, là dân hở đại đức?
Đại đức Na tiên mỉm cười, như nói riêng với đức vua.
- Cũng vì chúng sanh mà ra cả, đại vương!
- Ồ! Vâng! Vậy xin đại đức bi mẫn kể cho "chúng sanh" nghe?
- Vâng! Trong quốc độ của đại vương chỉ có một vị vua, nhưng trong quốc độ
của chánh pháp thì có hằng trăm hằng ngàn vị pháp chủ. Đó là những bậc:
Thứ nhất, nâng đỡ trí tuệ cao thượng.
Thứ hai, không dính mắc một chút cấu uế.
Thứ ba, bất động, trạm nhiêm giữa cuộc đời.
Thứ tư, nâng đỡ đạo hạnh, đức độ.
Thứ năm, nâng đỡ phước duyên.
Thứ sáu, vô bố, vô úy.
Thứ bảy, thông tuệ tư duy.
Thứ tám, nâng đỡ thần thông.
Thứ chín, nâng đỡ hào quang.
Thứ mười, nâng đỡ giảng giải kinh nghĩa.
Thứ mười một, nâng đỡ pháp giải thoát.
Thứ mười hai, nâng đỡ pháp luận.
Thứ mười ba, thu thúc trong trí tuệ ba la mật...
Nhóm người cao thượng, siêu việt này đều là những bậc pháp chủ, tâu đại
vương!
- Cảm ơn, trẫm đã lãnh hội rồi. Có vua tất có quốc sư. Vậy trong quốc độ
chánh pháp, có vị quốc sư ấy chăng?
- Tâu, có ạ! Đấy là các vị vừa đắc bốn tuệ phân tích vừa thành tựu những thần
thông tột cùng; có thể đưa tay sờ mặt trời, mặt trăng, đi trên biển, đi trong
đất một cách vô ngại. Họ là những vị quốc sư.
- Thế còn những vị quan nào nữa, đại đức?
- Tâu, đấy là những vị quan tòa. Họ hành pháp đầu đà, sống đời thiểu dục tri
túc, chán ghét tà mạng, chán ghét trì bình khất thực tà mạng; giữ gìn lục căn
thanh tịnh, lánh xa thỏa thích trong sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hằng ngày họ đi
nơi này nơi kia, tùy nghi nhận phẩm vật cúng dường, không làm phiền lụy đến ai;
như con ong hút nhụy mà không phá hoại nụ hoa, lợi lộc không màng tới, không cần
để ý đến sự đòi hỏi của thân và tâm. Họ đích thực là những vị quan tòa, cầm cán
cân quân bình cho thần dân trong quốc độ, tâu đại vương!
- Có phải họ nêu tấm gương thiểu dục tri túc, phải vậy không đại đức?
- Tâu, vâng! Đại vương dùng từ rất chính xác.
- Không dám! Thế còn ai làm phận sự gì nữa, thưa đại đức?
- Tâu, vâng! Đó là vị quan giữ lửa cho quốc độ!
- Ở đấy phải tuyển chọn những bậc như thế nào?
- Tâu, trước tiên vị ấy không còn bợn nhơ phiền não, lại có thiên nhãn thông,
thần túc thông, có thiền định kiên cố. Sau đó vị ấy còn phải đi nơi này nơi kia
một cách mau lẹ, để giáo hóa mọi người.
- Còn chức vụ gì nữa, đại đức?
- Tâu, còn có chức quan giữ gìn pháp bảo. Ơ đây, phải lựa chọn những vị nghe
nhiều, học rộng, nâng đỡ các bộ kinh, nâng đỡ luật; rành rẽ các chủ đề, các loại
văn tự ngôn ngữ, đọc đúng giọng dài, giọng ngắn v.v...
- Vâng, còn có những gì nữa?
- Tâu, còn có luật sư đoàn. Ở đây phải biết tuyển chọn người biết luật, thông
về luật, rành rẽ sự xử phạt. Biết rõ hành động này là phạm, hành động kia không
phạm, điều này phạm nhẹ, điều kia phạm nặng; biết rõ việc này nên châm chước,
việc kia không nên châm chước. Còn biết dạy bảo thêm những giới phụ, biết rành
rẽ lối đọc tụng sám hối này cần thay đổi, nơi kia không nên thay đổi v.v...
- Rất phong phú. Vậy trong ấy có ai coi về việc quán sá, chợ búa không?
- Tâu, có. Ở trong vương quốc này cũng có người bán hoa, bán quả, bán vật
thơm, bán hàng ăn uống...!
- Xin cho nghe!
- Vâng. phải tuyển chọn những người có pháp giải thoát, biến uốn nắn ngọn cây
A-la-hán cho đẹp từ gốc, cành, lá đến ngọn; phải làm cho hoa nở bốn mùa... tâu
đại vương!
Còn nữa, còn tuyển chọn những người bán trái cây, là người đã thực hành và
giác ngộ Tứ diệu đế, thành tựu bốn sa môn quả, diệt tận vô minh phiền não là
phước điền đơm hoa kết trái cho chư thiên và nhân loại.
Còn nữa, những người bán vật thơm là những người thọ trì giới một cách tuyệt
hảo, thanh tịnh bên trong, thanh tịnh bên ngoài, không còn bất kỳ một chút cấu
uế nào. Hoàn toàn vắng lặng và ngát ngào giới hương!
- Trẫm thấy rồi. Còn hàng ăn uống là thế nào hở đại đức?
- Ở đây, phải tuyển chọn những người phục vụ món hàng luôn đem đến no đầy, an
lạc, phỉ lạc cho nhiều người. Là những vị hớn hở vui tươi trong pháp và luật. Là
những vị an lạc, thỏa thích trú trong rừng, dưới cội cây. Người hành đầu đà một
chỗ, đầu đà nơi chỗ trống, nơi thanh vắng. Là những bậc luôn ăn uống no đầy
những pháp đức cao siêu, pháp lớn, pháp nhỏ đều hân thưởng... Đấy cũng là những
vị chỉ nói về thiểu dục, chỉ nói về tri túc, chỉ nói lời nghiêm tịnh, chỉ nói
lời khách quan không lẫn lộn giữa các phe nhóm, chỉ nói lời tinh tấn, chỉ nói
lời phước báu của giới, chỉ tán dương giải thoát tri kiến A-la-hán quả v.v...Nhờ
vậy, mọi người đến đây ăn uống no say, vui thích... quên cả nẻo về trần thế, tâu
đại vương!
- Thế còn chức vụ gì nữa không?
- Tâu, còn quan phòng hộ, giữ gìn, bảo vệ quốc độ nữa, tâu đại vương!
- Vâng, trẫm hiểu.
- Số phòng hộ, bảo vệ này rất đông, không biết là có tất cả bao nhiêu vị. Đây
là những người có oai nghi ngồi, đi và đứng. Họ đi kinh hành canh đầu, canh giữa
và canh cuối; luôn luôn thức tỉnh, luôn luôn cảnh giác những quân giặc phiền não
xuất hiện, hằng giữ gìn phận sự của mình, vì lợi ích cho mình và cho quốc độ
chánh pháp.
Còn nữa, còn tuyển chọn những người dạy pháp, đọc tụng Phật ngôn; nói ý
nghĩa, trình bày cách thức, giảng văn tự, chứng minh về nhân về quả, có thí dụ
lớn, có thí dụ nhỏ... Các ngài chính là những chủ quán bán pháp cao quý
đấy đại vương!
Còn nữa, trong quán ấy còn tuyển dụng thêm những người có vốn liếng tài sản
về pháp bảo, nhất là kinh tạng; rành về cú pháp, văn phạm, nguyên âm, phụ âm...
cho gian phòng thêm phong phú.
Ngoài ra, còn những nhân sĩ, trí thức hằng lui tới, họ có nhiều ba la mật,
biết thuyết pháp, biết sưu tầm pháp, biết chia chẻ pháp; các ngài cũng góp thêm
công sức cho quốc độ chánh pháp thêm huy hoàng, tươi đẹp và thịnh mãn.
- Đúng vậy! Chẳng có vương quốc nào mà thanh bình, an lạc được như thế.
- Vâng, ở đấy do nhờ phòng hộ chặt chẽ, an ninh tuyệt đối nên không hề có kẻ
thù xâm lăng, họa hại; muôn dân sống trong cảnh hạnh phúc của giống dòng thượng
đẳng, cao quý của mình. Chính Đức Chánh Đẳng Giác, sau khi Niết bàn, đã để lại
vương quốc chánh pháp ấy, được xiển dương, quảng bá, đã bất tử với thời gian.
Thầy tổ của bần tăng là những công dân tiền bối, và bây giờ là bần tăng đang nổ
lực tinh cần, hoàn thiện mình để được bước vào vương quốc ấy. Đại vương cũng
thế, những câu hỏi đáp hôm nay giữa chúng ta cũng được rút ra từ di sản của Đức
Tôn Sư. Vậy mà đại vương còn dám hoài nghi là Đức Phật chưa từng có mặt?
- Ừ! À! Đại đức cứ nói tiếp!
- Tâu, vâng. Cũng giống như kinh đô và quốc độ của đại vương đó thôi. Vị kiến
trúc bậc thầy kia ra đi, đại vương còn sống bây giờ đây, tác phẩm kiến tạo này
sẽ còn mãi mãi với thời gian. Lẽ nào chừng một trăm năm sau, di sản, chứng tích
kinh đô cũ vẫn còn, thế mà có người lại bảo không hề có ông vua Mi-lan-đà - thì
đại vương nghĩ sao?
Đức vua Mi-lan-đà có vẻ suy nghĩ đăm chiêu, một hồi mới nói:
- Nói tình thật, thưa đại đức! Lý luận, diễn giảng, chứng minh, ví dụ của đại
đức thật không có kẻ hở cho hoài nghi xen vào. Trẫm có đức tin trong sạch và trí
tuệ sáng suốt để xác định rằng: Đức Phật có thật! Không còn một mảy may nghi.
Tuy nhiên, giả dụ thế, có kẻ ngoại đạo cắc cớ nói: "Vẫn có thể là không có
Đức Phật". Vì sao? Vì qua những kiến thức uyên bác, kiến giải thông tuệ,
trình độ hiểu biết, lý luận... của đại đức bây giờ - nếu như trước đây chừng một
trăm năm, thế gian xuất hiện chừng hai, ba vị như đại đức - thì có thể họ cùng
nhau ngồi lại một chỗ mà sáng tác nên các bộ kinh, luật, vi diệu tạng kia, được
chăng? Nghi không có Đức Phật và nghi là có vài bậc trí tuệ sáng tác - thì cũng
giống nhau thôi, thưa đại đức!
Câu hỏi có trọng lượng ngàn cân - và mối nghi rất có cơ sở của đức vua
Mi-lan-đà, làm cho cả hội trường im phăng phắc, có kẻ toát mồ hôi. Tuy nhiên,
đại đức Na tiên dáng dấp vẫn điềm nhiêm, nhìn quanh một vòng rồi mỉm cười nói:
- Hay lắm! Đáp, hỏi là phải như thế! Học Phật pháp là phải như thế: phải vấn
nạn cho tận cùng, không nên tương nhượng, vị nể nhau. Phong cách thể hiện đạo
đức tri thức của đại vương, bần tăng rất khâm phục vậy.
Rồi đại đức tiếp lời:
- Tâu đại vương! Biển cả tức là đại dương, sâu rộng quá chừng; lượng nước và
lượng cát ở đấy không ai đếm hết được. Trong lòng đại dương quần tụ sinh sống
hằng vạn hằng ức loài thủy tộc. Đi lại trên đại dương có các loài rồng, đại
bàng, dạ xoa nước... hằng đi kiếm ăn. Trong biển, trên biển luôn luôn có sự đấy
động huyên náo; hợp tấu cùng các a-tu-la hăng say đùa giỡn, đoàn lũ rầm rộ làm
chấn động biển trời tạo nên một loại nhạc cụ tổng hợp, âm thanh tạp náo. Lác đác
chỗ này chỗ kia, nhô lên những hòn đảo tốt tươi xinh đẹp, có các thần tiên du
hành, rong chơi đây đó. Sơn thần, thọ thần, thủy thần cũng ngoạn du nhàn lạc
trong lãnh điạ của mình...
Đại đức Na tiên nói đến ngang đây, chợt đức vua Mi-lan-đà ngắt lời:
- Xin lỗi đại đức! Không biết đại đức kể chuyện gì mà lan man trên trời dưới
biển như thế, chuyện các loài thủy tộc và thần tiên kia liên hệ gì với chủ đề
chúng ta đang thảo luận hôm nay?
- Hãy kham nhẫn, đại vương! Đấy là tiền đề, và rồi nó sẽ đi thẳng vào nội
dung cốt lõi của vấn đề mà!
- Ồ! Thế thì xin đại đức cứ tiếp tục!
- Vâng, bần tăng kể tiếp đây. Trong biển, trên biển huyên náo ngày đêm như
thế; nhưng lại còn hằng trăm ngàn ghe thuyền bán buôn từ quốc độ này sang quốc
độ khác dong buồm lui tới nữa... Những ngọn sóng to, những ngọn sóng nhỏ dào
dạt, ầm ào, đập vào bãi biển, các doi đất lồi, vịnh, hải khẩu; thủy triều lên
xuống các đầm nước mặn, các đầm nước ngọt, các vực sâu tiếp giáp biển và núi...
Đâu đâu cũng có chúng sanh nương gá, là nơi quần cư giữa các loài hữu tình,
vô tình, có những vùng sáng chói ngọc thạch, san hô. Biết bao nhiêu là cá xà, cá
mập, voi nước, ngựa nước, nhơn ngư, tôm rùa..., loài thủy tộc có tên và loại
thủy tộc không tên, lấn hiếp nhau, cắn xé nhau để tự vệ và sinh tồn. Tuy nhiên,
nếu như thế thì đại dương vẫn bình lặng trong định luật sinh diệt của các
loài...
Ví như trên trời có điểu vương, trên rừng có tượng vương... thì dưới biển
cũng có ngư vương! Hốt nhiên, hôm kia, như sau một giấc ngủ ngàn năm dưới đáy
đại dương, Ngư vương rùng mình đứng dậy, đội một biển nước trên mình và nhảy vọt
lên cao! Ôi một cơn sóng thần cũng không được như thế! Một trận động đất cũng
không được như thế! Từng quả sóng núi lớn nổi lên cao, điệp trùng sóng núi, rùng
rùng nối đuôi nhau chạy dạt ra bốn phương trời. Muôn loài thủy tộc sợ hãi tưởng
là giờ tận thế. Hằng trăm, ngàn ghe thuyền chạy trốn núp vào các vực nhưng cũng
không tránh khỏi tử nạn thương vong. Cá nhỏ, có to biển động sóng nhồi nằm phơi
xác trắng hếu trên mặt nước...
Ồ! Chuyện gì đã xảy ra mà biển sóng nổi kinh hoàng như thế? Các bậc thức giả,
trí giả, giáo sư hải dương học... đều đưa ra một kết luận giống nhau: "Có một
loài cá rất to, gọi là Ngư vương vừa xuất hiện. Đây là hiện tượng hằng triệu năm
mới có một lần. Trận sóng vừa rồi là sự "ra oai" với muôn loài thủy tộc của Ngư
vương đấy!
Nói đến ngang đây, đại đức Na tiên nghỉ hơi một lát. Đức vua Mi-lan-đà thở
một hơi dài:
- Dường như trẫm vừa nắm bắt được nội dung của tiền đề rồi đây!
- Đại vương đã đoán trúng - đại đức Na tiên tiếp lời - Biển thế gian này cũng
là đại dương mênh mông, vô lượng nước, vô lượng cát như thế đấy, tâu đại vương!
Vô lượng nước ấy tức là ái dục tham luyến, vô lượng cát ấy chính là phiền não.
Ai dục, tham luyên chính là hạng chúng sanh ngu si tăm tối đếm không xiết kể
trên thế gian này. Đáy biển có những luồng lạch, có những hang hóc tối tăm chính
là tà kiến, ngã chấp, cứng đầu, vô ơn, bội nghĩa, si mê, hận thù, gian xảo, độc
ác v.v...
Tâu đại vương! giả dụ như đại vương là bậc trí tuệ - và quả ngài là bậc trí
tuệ rồi - thì nếu khởi lên sự so sánh như thế, đại vương có khiếp hãi biển thế
gian này chăng?
- Đúng là khiếp hãi, khiếp đảm!
- Vậy đại vương có nên giữ gìn mình chăng?
- Tuyệt đối phải giữ gìn, phòng hộ. Người chỉ có một con mắt sẽ bảo vệ con
mắt của mình như thế nào thì trẫm sẽ tự bảo vệ mình như thế đó!
- Đúng vậy! Giữa biển sâu, muôn loại thủy tộc sống lẫn lộn; ngọc, cát đá và
san hô cũng sống lẫn lộn - thì biển thế gian này cũng y như thế:
Người nam người nữ, kẻ thiện, người ác sống lẫn lộn với nhau. Người có chức
quyền, địa vị, người không chức quyền, địa vị. Người có phước và người vô phước.
Bậc có oai đức và kẻ không có oai đức. Người phi thường và kẻ bình thường. Người
tiến hóa và người không tiến hóa. Người có trí tuệ và người không có trí tuệ.
Người hiểu biết và người không hiểu biết...
Ngoài ra, còn có các hàng vương giả, quý tộc, bà-la-môn, thương gia, nông
phu, người nấu ăn và kẻ chăn ngựa, người áo trắng và người tu theo ngoại đạo.
Các sa môn trong giáo hội Đức Tôn Sư và các vị khuất thực du sĩ lang thang,
người ăn xin đủ loại, đủ kiểu; người tu nằm dưới đất, kẻ nằm một bên vai, có
người không tắm, có người bết bùn đầy người, kẻ lõa lồ thân thể, các đạo sĩ thần
chú, thờ thần lửa, thầy bắt rắn... Tất cả họ sống đông đặc, chen chúc trong thế
gian này.
Lại nữa, biển thế gian còn có biết bao nhiêu loài chúng sanh chưa kể hết.
Những loài chúng sanh có bốn chân như lạc đà, lừa, ngựa, sư tử, beo, gấu v.v...
kể sao xiết? Những chúng sanh có hai chân như le le, két, sáo, tu hú, bồ câu...
thật là hàng vạn loại! Rồi còn chúng sanh nhiều chân và không chân... nhung
nhúc, đặc đầy.... còn đông hơn là đại dương kia nữa.
Như trên không có điểu vương, như rừng sâu có tượng vương, như biển cả có ngư
vương, như quả địa cầu có Chuyển luân Thánh vương... thì mười ngàn thế giới của
cõi ta bà... muôn triệu năm mới có một bậc Đại giác ngộ ra đời. Địa cầu chuyển
động, biển thế gian chấn động, ba cõi rung động. Ngọn cờ chánh pháp dương cao;
một trận sấm pháp, sóng pháp long trời lở đất, cuồn cuộn tràn ra sông mê, biển
khổ; len lỏi vào các luồng lạch tối tăm, những hang sâu, những vực thẳm, những
hải đảo, những rừng xanh, những đại quốc, những tiểu quốc, những bộ lạc, những
chủng tộc, những nhóm người, những giai cấp, những quý tộc và cùng đinh, người
nô lệ và bà-la-môn, kẻ giàu người nghèo, kẻ quý người tiện, bậc thức giả và
người ngu si, kẻ tối mắt, người sáng mắt v.v... Ai cũng nghe được thông điệp của
bậc bất tử. Đấng Đại Giác bố thí nước bất tử cho chúng sanh không phân biệt để
diệt trừ, dập tan lửa nóng và ba độc phiền não; làm cho không có bợn nhơ, giải
thoát bợn nhơ, hết bợn nhơ, duyên tận bợn nhơ, làm cho trong sạch, mát mẻ, thanh
khiết; lần hồi giúp cho chúng sanh trú trong pháp giải thoát, đạt phẩm vị
A-la-hán hạnh phúc tối thượng...
Tâu đại vương! Trận sấm pháp, sóng pháp vô tiền khoáng hậu ấy là gì? Làm cho
cõi người, cõi trời rúng động ấy là gì? Làm cho ma vương, bóng tối, si mê, tà
kiến, ngã chấp... bị sóng nhồi, sấm dập... mà chết nằm la liệt, phơi xác trắng
hếu trên biển thế gian, ấy là gì?
Là Tứ diệu đế, tâu đại vương! Ngoài số bỏ xác tại trận tiền, còn vô số
chúng sanh khác, nhờ sấm pháp mà thức tỉnh cơn mộng dài, nhờ sóng pháp mà đẩy
trôi sang bên kia giác ngạn. Bởi vậy, vô lượng chúng sanh có nhóm đến được đảo
an lạc Tu đà hườn, bình nguyên hạnh phúc Tư đà hàm, quốc độ thanh bình A na hàm,
thế giới thanh khiết A-la-hán! Nhóm chúng sanh ít công đức, phước báu hơn, có
thọ trì quy giới, có đức tin..có bố thí, tham thiền, thì hoặc được quả người,
trời sang cả, hoặc được mở con mắt trí tuệ để khỏi rơi vào bốn đường dữ.
Tâu đại vương! Một cơn sấm, một cơn sóng... đều trải qua bốn giai đoạn: sanh,
trụ, dị, diệt. Lúc Đức Thế Tôn thuyết Tứ diệu đế tạo cơn sấm pháp, sóng pháp
cũng trải qua bốn giai đoạn: khổ, tập, diệt, đạo.
Tại cõi trời Đao lợi, khi Đức Thế Tôn thuyết về khổ đế, không biết bao nhiêu
là chư thiên phấn khởi, hoan hỷ; có kẻ sạch trần cấu, có kẻ đắc pháp nhãn. Lúc
Đức Đạo Sư thuyết về tập đế, vô lượng chư thiên thấy rõ nguyên nhân khổ, đắc
được pháp cao thượng, họ rất vui mừng và phát sanh phỉ lạc. Khi Đức Đại Giác
thuyết về diệt đế, tất thảy mọi hoài nghi của một số chư thiên được lắng dứt;
cảm nhận ra được đâu là pháp sanh, pháp diệt, trí tuệ xuất trần ly cấu hiện ra.
Khi Đức Chánh Đẳng Giác thuyết về đạo đế, rất nhiều chư thiên thấy rõ con đường
diệt tận tham sân ái luyến, thấu triệt mọi ngõ ngách đen tối của vô minh, chứng
A-la-hán đạo, A-la-hán quả...
Tâu đại vương! Tiếng sấm pháp ấy còn vang dội, và cơn sóng pháp ấy còn ùn ùn
lan đến cung điện này. Tứ diệu đế vẫn còn đây. Các bậc thầy tổ của bần tăng đắc
quả A-la-hán, kẻ còn sống, người đã tịch diệt trên thạch động Rakkhita; chư tăng
trong hàng ngũ của giáo hội rất nhiều người tinh thông một tạng, hai tạng, ba
tạng; rất nhiều vị đắc một thông, hai thông, ba thông; rất nhiều vị có bốn tuệ
phân tích, vô ngại giải; rất nhiều vị đầu đà, khất thực sống hạnh thiểu dục, tri
túc; rất nhiều vị trì luật nghiêm minh, thanh tịnh; rất nhiều vị đa văn, bác
học, làu thông kinh nghĩa, văn phạm, cú pháp; rất nhiều vì từ vô lượng, bi vô
lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng. Và chính ngay đây, đại vương là bậc đang được
tiếng sấm xưa lay tỉnh, cơn sóng xưa rung động... bởi vậy, mới có buổi tao phùng
kỳ ngộ, hỏi và đáp hôm nay. Thế mà đại vương cứ dám bảo là không có Phật? Dám
bảo ai đó sáng tác kinh luận! Bậc vĩ đại như thế, làm chúa cả ba cõi và ở ngoài
ba cõi, thường chỉ có một người, một đấng, một bậc, một đức duy nhất và tối
thượng: Đức Chánh Đẳng Giác Thế Tôn, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ hồi lâu.
- Rất thuyết phục, thưa đại đức!
- Thế đại vương còn nghi ngờ sự hiện thân của Đức Phật nữa chăng?
- Thưa, đã hết.
- Thế sao đại vương còn trầm mặc như thế?
- Vâng, vì trẫm không còn hoài nghi - nhưng chúng ngoại đạo họ vẫn còn luận
cứ của họ!
- Vậy họ có thể phản bác ra sao?
- Họ có thể nói như thế này: "Quý vị gọi chúng tôi ngoại đạo, tà giáo -
thì chúng tôi cũng gọi qúy vị là ngoại đạo, tà giáo! Sự xuất hiện của ông Cồ Đàm
- nếu ta công nhận ông ấy có xuất hiện - làm cho ba cõi rúng động gì đó, sóng
tràn đến hôm nay gì đó; thì các bậc giáo chủ, chân sư của chúng tôi xuất hiện ở
đời này, còn rúng động hơn thế, còn vĩ đại hơn ông Cù Đàm gấp bội, gấp chục, gấp
trăm là khác. Bằng cứ là chúng tôi đông hơn, am miếu, tu viện, tự viện, trang
viện, cốc liêu... của chúng tôi rải rác khắp hang cùng ngõ hẻm; ba bộ phệ đà của
chúng tôi phổ cập và ảnh hưởng toàn
bộ đời sống của nhân dân châu diêm phù đề, còn nguy nga, hoằng viễn và bất tử
hơn kinh điển của ông Cù Đàm nữa. Sóng động, biển động, sấm chớp long trời lở
đất - là của các vị chân sư, giáo chủ của chúng tôi. Ông Cù Đàm không có phần ở
đây!"
Trước luận cứ ấy thì đại đức phải trả lời làm sao, đại đức?
- Tâu, họ có quyền nói như thế, tâu đại vương! Quả đúng cái gì họ cũng đông
hơn gấp bội, nhưng điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ bao giờ vàng ngọc cũng ít hơn
cát đá; trầm hương bao giờ cũng ít hơn tre gỗ. Những tập tục mê tín dị đoan:
thần mặt trời, thần mặt trăng, thần bình vôi, thần ống nhổ, thần bò cái, thần
gốc đa, thần sông, thần hói, thần rùa, thần sư tử, thần ngã ba, thần bà mụ, thần
bói toán, thần đất đai, thần ngày tốt, thần hộ mạng, thần chó mực, thần mèo đen,
thần gà quạ v.v... Cả hằng triệu vị thần như thế có mặt từ tôn giáo của họ. Rồi
còn hằng trăm hằng ngàn cách tu ăn lông ở lỗ, man di mọi rợ... đã lôi cuốn hàng
triệu người ngu si, dốt nát... tin cuồng, tin bậy, lạy lục, cầu khấn, van xin...
để họ cầu cạnh đủ mọi thứ tham dục trên cuộc đời này. Khác xa là tiếng sấm uy
vũ, cơn sóng dậy vỗ vào giấc mê cuồng tăm tối của chúng sanh, tâu đại vương! Các
bậc Thánh nhân A-la-hán trong giáo hội Đức Thế Tôn, sống thanh khiết giữa chốn
trần gian cấu uế, bất tịnh... như cả hằng trăm ví dụ sống động... hằng ngàn hình
ảnh cụ thể sống động mà đại vương đã từng thấy, từng chiêm nghiệm và từng biết
qua. Lẽ nào đại vương lại không đủ sức bẻ gãy câu hỏi ngang ngược tối tăm, cố
chấp, cuồng vọng... của họ, hả đại vương?
Đức vua Mi-lan-đà thở dài nói:
- Quả có vậy. Và quả trẫm cũng định nói tương tự thế. Chuyện ấy cho qua.
Nhưng giáo pháp chơn chính của họ thì sao? Họ cũng có thể nói rằng, giáo pháp
của Đức Thế Tôn không bằng họ. Và cơn sấm động, sóng giật kia... cũng chính là
của chân sư, giáo chủ của họ đấy thôi.
- Tâu, đại vương! Đỉnh Hy-mã-lạp-sơn cao ngất tầng mây, ngự giữa hư không một
cách uy nghi, đỉnh đạc, không núi nào có thể so sánh được. Nhưng đến gần ta có
thể thấy rõ cả hằng ngàn đỉnh núi to nhỏ nhấp nhô kéo dài, bao bọc xung quanh
như một bức tường thành kiên cố của cõi trời. Ở đấy có những đỉnh núi rất có tên
tuổi, có những đỉnh núi đá phát sáng rất có tên tuổi. Lại có những khu rừng
trầm, rừng chiên đàn, rừng đại thọ; có cả hằng trăm hằng ngàn hồ nhỏ nước trong
mát như suối trời. Hằng trăm ngàn kỳ hoa, dị thảo, thuốc trường sinh, thuốc
dưỡng nhau, thuốc dưỡng lão, thuốc hồi sức, thuốc sinh con... tất thảy đều có
đủ....
Tâu đại vương! Đừng tưởng Hy-mã-lạp-sơn chỉ có một màu xanh của núi, hay màu
trắng của tuyết, hay màu xám của mây trời! Không phải thế. Nhìn ngày, nhìn đêm,
qua các thời khắc khác nhau; đôi khi Hy-mã-lạp-sơn có màu sắc của trời, màu của
đêm hắc nguyệt. Thảng hoặc, nó như màu của hoa mạng sanh, có màu trộn lẫn giữa
lam, tía thâm. Có khi lại giống màu nơi thân của chúa rồng xanh đậm. Lại có khi
sáng trắng như sóng nắng tháng năm. Các đỉnh thấp, núi cháu, núi chắt ở xung
quanh cũng biến hiện sắc màu huyền ảo như thế.
Và nơi đây là chốn dạo chơi của thần tiên, chỗ đàn ca xướng hát của càn thát
bà. Các loại cẩn na la, phù chú gia tới lui rong chơi thoả thích. Ở đây cũng là
quê hương của Kim xí điểu, các loại rồng, a-tu-la và dạ xoa v.v... Và đúng là
một quần cư rất thịnh mãn các chủng loại chúng sanh...
Đỉnh Hy-mã-lạp-sơn, hàng ngàn đỉnh núi to nhỏ khác cùng toàn bộ quần cư ấy
được ví như pháp sơn vương mà Đức Thế Tôn đã kiến tạo. Vua núi pháp ấy sừng
sững, uy nghi, chói lọi giữa mười ngàn thế giới ta bà. Trên chóp núi vua pháp ấy
là Tam tạng thánh điển, đồng thời, hiển lộ ba pháp giải thoát là không, vô tướng
và vô tác. Hằng ngàn ngọn núi to nhỏ tạo nên thế liên hoàn của quần thể ấy, được
ví các đại trưởng lão A-la-hán cùng chư tăng đắc từ đệ nhất quả đến đệ tứ quả;
đồng thời cũng là những bậc làm pháp sư, giảng sư; bậc nâng đỡ tạng kinh, tạng
Vi diệu pháp, tạng luật; các bậc đầu đà khất thực, bậc thiểu dục, tri túc, bậc
đắc tam minh, bậc đắc tuệ phân tích, bậc thành tựu ba-la-mật tuệ, bậc đệ nhất
nhẫn nhục, bậc đệ nhất tinh tấn, bậc đệ nhất độc cư, bậc đệ nhất thiền định, bậc
đệ nhất thiên nhãn, bậc đệ nhất đa văn, bậc đệ nhất thuyết pháp, bậc đệ nhất đầu
đà v.v... Còn nữa, các khu rừng trầm hương, rừng chiên đàn, rừng đại thọ... ấy
là gì? Là vô lượng giới đức, định đức ở đấy, hoặc ngạt ngào hương thơm hoặc vững
chãi kiên cố để cho muôn loại chúng sanh được chở che và được hưởng bóng mát. Vô
lượng nước trường sanh, thuốc dưỡng sức, thuốc dưỡng lão, thuốc dưỡng nhan,
thuốc sinh con... ấy là gì? Là vô lượng pháp môn tùy căn tánh, trình độ của
chúng sanh, đến đấy để thâu hái lợi ích cho chính mình.
Tâu đại vương! Có lẽ ngoại đạo bảo rằng, họ cũng có pháp sơn vương hùng vĩ
cùng quần cư thanh tịnh như thế? Đúng, họ cũng có sáu mươi hai đỉnh núi tà kiến,
phiến diện, một chiều đã được Đức Tôn Sư điểm mặt trong kinh Phạm võng. Đức Thế
Tôn đã bủa bằng một chiếc lưới lớn, vớt tất thảy tà kiến ấy quăng lên bờ và
không một chú cá nào thoát khỏi. Sáu mươi hai luận thuyết kia làm sao đứng vững
trước cái thấy biết toàn diện của Đức Đạo Sư? Đại vương cũng đã từng đi tham vấn
với các tông phái ấy, lẽ ra đại vương hiểu rõ trình độ kiến giải của họ ngang
đâu, đã có thể so sánh với ngọn núi pháp của đại vương chưa, mà dám ví mình là
pháp sơn vương như Đức Phật!
Đức vua Mi-lan-đà nói:
- Cái điều định hỏi, trẫm chưa hỏi mà đại đức đã trả lời rồi. Quả là biển thế
gian và núi pháp kia, các bậc giáo chủ của ngoại giáo cũng đã từng ví về mình.
Nhưng trẫm còn muốn biết đại vương còn ví dụ nào nữa chăng?
- Có thể được, tâu đại vương! Ví như sau những ngày nắng hạn, một trận mưa
lớn rơi xuống. Trước khi mưa, trên trời có những đám mây quần tụ hoặc có những
đám mây lượn quanh như dây chuyền, có những khoảng sáng rực và có những sắc màu
chói chang! Từ hư không, những làn gió mát mẻ quạt tới, phất phới những đóa hoa
trời. Có những âm thanh dội vang như voi rống, ngựa hí, cọp gầm... làm chao đảo
không gian. Từng lằn điện chớp ngang dọc như xé rách bầu trời. Hằng trăm thứ
chim bay liệng tứ tung. Mọi người tụ họp vui tươi hoan hỷ. Mây kéo về thêm nữa,
màu sắc thay đổi nữa, hoặc xanh hoặc vàng, hoặc đỏ hoặc trắng, màu hoa cà lẫn
lộn màu chim phượng hoàng, màu hồng thẫm lẫn lộn màu trái đào tiên. Nhạc trời
trổi khúc ca tấu tưng bừng... Mưa rơi xuống. Mưa rơi khắp thế gian từng trận,
từng hồi, ào ào, tuôn chảy đầy mương rãnh, suối khe, giếng to giếng nhỏ, hồ lớn,
hồ nhỏ... cỏ cây thấm, đất thấm. Dòng sông hào sảng nước, biển mênh mông nước.
Tất cả đều xanh tươi, nảy lộc, đâm chồi. Tất cả đều sanh trưởng no vui, thịnh
mãn...
Tâu đại vương, trận mưa ấy được ví là trận pháp vũ của Đức Thế Tôn, đã
rơi xuống trần gian này sau mấy triệu năm. Cơn pháp vũ ấy đã thấm vào vô lượng
chúng sanh trời người; nẩy lộc đâm chồi đạo quả, no vui hỷ lạc, thịnh mãn phước
báu, sanh trưởng đức tin và trí tuệ; tẩy sạch bụi bặm cấu uế, dập tắt lửa tham
sân, phiền não...
Tâu đại vương! Không cần phải nói hết ra đây diệu dụng của cơn pháp vũ ấy.
Chúng ta không muốn trùng lập văn tự, trùng lập ngữ nghĩa, trùng lập chi pháp.
Nhưng quả thật là rõ ràng, khi nước từ bi ấy chảy tràn qua lịch sử, chảy qua các
quốc độ, chảy qua thời gian; để chánh pháp có mặt ở đâu thì ở đó không có hận
thù, oan trái, kẻ cướp buông đao, hung dữ mỉm cười và tình tương thân tương ái,
thuận hòa làm mát mẻ trái tim, làm phơi phới lòng người!
Vậy do đâu mà nước cam lồ bất tử ấy có mặt hôm nay? Ngoại đạo chăng? Chính
thể vương pháp của đại vương chăng? Ồ! Đại vương bảo rằng trong quốc độ của đại
vương có thứ nước ấy à? Nhưng xin hỏi đại vương lấy thứ nước ấy ở đâu? Ý bần
tăng hỏi là hỏi tận suối nguồn?
- Quả là từ Phật, từ cơn pháp vũ năm xưa ấy!
- Ồ! Té ra Đức Phật có mặt thật rồi!
- Thật ra, trẫm chỉ hỏi cho hết mọi lý do, mọi hoài nghi có thể. Chứ Đức Phật
đang thờ kia, lịch sử kinh sách đang còn đó, chánh pháp đang được giảng nói đến
tận hôm nay - thì làm sao có thể phủ nhận Đức Phật lịch sử của chúng ta được!
- Đại vương nói "chúng ta"? Nghĩa, chúng ta là Phật tử?
Đức vua Mi-lan-đà cười ha hả:
- Thôi! Trẫm đồng ý là có Đức Phật rồi mà!
- Đại vương có muốn nêu ra ví dụ nữa chăng?
- Nếu đại đức còn ví dụ thì trẫm vẫn muốn nghe như thường!
- Vâng. Có một con voi chúa tên là Chaddanta, cao thượng hơn các voi. Nó có
thân hình cao đến bảy hắc tay, dài đến chín hắc tay, có trang sức buộc đeo đến
mười điều. Voi chúa ấy có mắt trắng, đuôi trắng, móng cũng trắng; có lọng trắng,
bành trắng và thân trắng như màu mây trời. Tấm lưng của nó đầy đặn như tấm phản,
các chi thể múp múp, bắp thịt no tròn. Nó to cao xinh đẹp như một quả đồi với
cây cối non tơ óng óng, có ngà trắng bóng trông như ngọc chuốt. Voi chúa ấy có
sức mạnh kinh người, có thần lực tuyệt hảo, vô địch chốn sơn lâm. Nó đi đơn độc
rừng cao rừng thấp, hướng này hướng kia một cách vô bố, vô úy, đỉnh đạc và cao
sang. Nó đi đâu, hướng nào, thì ở đấy cây cối bị dẫm nát, bật gốc. Nó lấy vòi
quấn những cây thân mềm, nhổ ăn. Nó lấy chân đạp oằn xuống những cây thân mộc
làm vướng lối đi. Dấu chân của nó rất to lớn, hằn sâu trên lớp đất cứng, thành
hố ở các lớp đất mềm...
Chỉ nhìn nơi nào cây cối ngã đổ chỏng chiên và dấu chân phi thường còn lưu
lại dấu tích, ai cũng có thể xác định đấy là do tượng vương Chaddanta làm ra,
tượng vương Chaddanta là thủ phạm.
Cũng như thế đó, tâu đại vương! Nhìn lộ trình đi, nhìn dấu chân để lại ai
cũng biết đó là tượng vương Chaddanta - thì nhìn lộ trình trải qua lịch sử, thời
gian và những di tích để lại như chùa chiền, tượng đài, kinh sách... ai cũng có
thể nhận ra dấu chân vĩ đại của Đức Phật Thích Ca. Còn hơn thế nữa, dấu chân phi
thường ấy lại huy hoàng ấn tích ở ba cõi. Nếu tượng vương trang điểm châu báu
được mười điều thì Đức Thế Tôn có đến một trăm lẻ tám điều. Còn nếu so sánh với
sự uy vũ và dũng mãnh như sư tử thì cứ so sánh. Nếu so sánh với bảo vật của
những bảo vật thì cứ so sánh....
Ngoài ra, dấu chân của Đức Thế Tôn để lại còn là một gia tài tinh thần vô
giá:
Một là, trên thế gian, có người làm lành lánh ác, thì ngài là người làm
lành lánh ác đệ nhất.
Hai là, trên thế gian, nếu chưa có ai toàn thiện thì ngài là bậc toàn
thiện.
Ba là, trên thế gian, nếu ai là người có huấn luyện lục căn, thì ngài là
người huấn luyện lục căn đệ nhất.
Bốn là, trên thế gian, nếu ai là người có nguyện lực thì ngài là người có
nguyện lực kiên cố đệ nhất.
Năm là, trên thế gian, nếu có ai là người tinh tấn thì ngài là người tinh
tấn tối thượng.
Sáu là, trên thế gian, nếu ai là người có trí tuệ sáng suốt thì ngài là
người đại trí tuệ.
Bảy là, trên thế gian, nếu ai là người có thần thông thì ngài là người có
thần thông toàn mãn và siêu đẳng.
Tám là, trên thế gian, ai là người có danh vọng xán lạn thì ngài là người
có danh vọng xán lạn và vô nhiễm.
Chín là, trên thế gian, nếu có ai là người oai lực thì ngài là người có
oai lực tối thượng, vô khả tỉ.
Mười là, trên thế gian, nếu có ai là người giải thoát khỏi nỗi sợ hãi thì
ngài là người giải thoát sợ hãi toàn diện và toàn vẹn.
Mười một là, trên thế gian, nếu có Tăng, hoặc nhóm đạo sĩ, hoặc bậc trí
tuệ, hoặc Thầy, hoặc pháp vương, hoặc chư thiên, hoặc Đế thích, hoặc phạm
thiên... thành tựu nhiều đức lành, thành tựu nhiều pháp; rành rẽ mọi điều,
có bi định - khả dĩ làm nơi nương nhờ, nơi nương gá, thành tựu ước nguyện
cho nhiều người - thì Đức Thế Tôn còn vô lượng pháp, vô lượng đức hơn thế.
Tâu đại vương! qua chứng tích vĩ đại như thế thì dấu chân của Đức Tôn Sư có
ai là người so so sánh được nhỉ?
- Thưa, vâng!
- Đức Thế Tôn vốn thuộc giống dòng Thái dương, là Thái tử cành vàng lá ngọc,
là bậc vương giả ở thành Ca tỳ la vệ; ngài đã từ bỏ cung vàng hoa lệ, vợ đẹp,
con xinh, ngai vàng và bảy báu... trốn vào rừng sâu sống đời đạo sĩ nghèo nàn.
Bắt đầu từ dạo ấy, dấu chân của ngài mở ra một lộ trình cho thế gian:
Thứ nhất, xuất ly, dứt bỏ, tầm cầu giải thoát.
Thứ hai, không lưu luyến, không hệ lụy gia đình, trần thế.
Thứ ba, sống đời cô độc, trầm tư, thiền định để diệt bỏ phóng dật, hôn trầm
và hoài nghi.
Thứ tư, dùng minh sát tuệ để tiêu trừ ngã chấp và tà kiến.
Thứ năm, đoạn lìa vô minh, ái dục.
Từ đây lộ trình kia lại khai thông con đường bất tử, tức là Niết bàn, chấm
dứt khổ đau, phiền não, giải thoát sinh tử luân hồi.
Dấu chân này tức Bát chánh đạo, tức là Thất giác chi! Nó rộng rãi, quang đãng
và thanh tú, mỹ lệ:
Ai nhìn xem cũng no mắt, hoan hỷ;
Ai nhìn thấy cũng vui mừng;
Đem lại tâm tư thái bình an lạc;
Làm cho không còn sợ hãi bất cứ điều gì;
Hơi thở cũng trở nên bình lặng, mát mẻ;
Đêm ngủ không còn mộng mị, giật mình;
No đầy, khoan khoái;
Là cảnh giới vững chắc, kiên định;
Là dấu chân của sự tiến hóa;
Đem lại danh vọng cao sang vô dục;
Đem lại sức mạnh, sắc đẹp, tài sản;
Thành tựu như ý nguyện mọi sở cầu.
Còn nữa, dấu chân của Đức Chánh Biến Tri đã phủ trùm lên tất cả dấu chân chủ
thuyết tà kiến của ngoại đạo; ở trên, ở cao và ở xa tất thảy mọi dấu chân trần
thế.
Bây giờ, ta hãy nhìn xem những dấu chân của sư tử, dấu chân của các loài
rồng, dấu chân của bò chúa, dấu chân của dạ xoa, dấu chân của đức vua, dấu chân
của các nhà uyên thâm phệ đà, dấu chân của phạm thiên, dấu chân của người đã
vắng lặng, những dấu chân của đạo sĩ, dấu chân của người trí tuệ, dấu chân của
người chiến thắng, dấu chân của người quý báu, cao thượng, dấu chân của người
tối thượng... có thể nào so sánh những dấu chân ấy với dấu chân Đức Tôn Sư: là
dấu chân của bậc giải thoát hoàn toàn, bậc đại A-la-hán Vô sanh, thông suốt thế
gian và siêu xuất tam giới?
Tâu đại vương! Nói tóm lại, tất cả mọi dấu chân trên trần thế, dù cụ thể như
dấu chân của voi chúa Chaddanta, dù trừu tượng như dấu chân của đức vua... cũng
nằm trong lẽ thịnh suy, còn mất, sinh diệt. Thời gian sẽ phủ mờ, tuế nguyệt sẽ
làm cho tiêu vong, vô thường sẽ làm cho biến hoại. Nhưng dấu chân của Đức Đạo Sư
- dù chỉ có Thất giác chi này thôi - cũng đã là dấu chân miên tồn trên thời gian
và lịch sử, cùng tồn tại với chánh pháp nhiều ngàn năm chẳng thể phai mờ, tâu
đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Thế là đã hết kiểu ví dụ, hết cách ví dụ rồi - phải không đại đức?
- Bần tăng còn muốn nói về con sư tử chúa nữa, không biết đại vương đã mệt
mỏi chưa?
- Thưa, thân đã mệt nhưng tâm thì vẫn còn muốn nghe!
- Vậy thì bần tăng xin được tiếp tục. Chắc đại vương cũng đã có nghe về vóc
dáng uy mãnh và tập tính kỳ lạ của loài sư tử chúa? Nó có thân hình khôi vĩ,
dáng dấp đỉnh đạc, quí phái và cao sang. Nó cao to và đẹp đẽ như vầng mặt trời.
Chùm lông cổ của nó dày mịn như quấn mười vòng khăn len màu nhung sẫm. Lông mọc
xoay quanh thân hình nó như bao phủ những lớp mây xoắn. Nó vững chắc như cây cột
trồng. Nó khí thế hừng hực như miệng núi lửa. Nó chẳng sợ ai và cũng chẳng ai
dám làm hại nó. Nó có sức mạnh của vài chục viên lực sĩ cọng lại. Nó nhanh nhẹn
như mũi tên vọt khỏi cây cung. Hằng trăm loại thú rừng thấy dấu chân nó tim đều
thót lại; và khi gặp mặt nó thì bốn chân sụm xuống, sợ hãi nằm im cho nó thò
móng xé xác ăn chơi. Thịt mềm và thơm nó mới xài. Thịt dai và hôi nó chê! Vồ một
con thú, ăn xong là bỏ, chẳng thèm đụng đến thịt dư! Nước trong mới uống, nước
đục không uống. Thế đó, nó làm như nó là ông hoàng, bà chúa! Nhưng là ông hoàng
bà chúa độc cư trong những khu rừng thanh vắng. Vào lúc trời chiều mát mẻ, gần
hoàng hôn, sau khi lui tới xem xét bốn hướng, nó mới vào ẩn chốn hang sâu.
Rồi, buổi sớm mờ sương, nó vươn vai đứng dậy, cất tiếng rống "sư tử hống"
làm oai với vạn loài. Mặt đất rung động, núi đồi chao đảo, lá rụng ào ào, chim
bay trên không cũng rớt xuống, mọi loài khiếp sợ, run lẩy bẩy...
Tâu đại vương! Đấy là vóc dáng, tập tính và uy lực của loài sư tử chúa vậy.
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Đại đức muốn ví với Đức Thế Tôn chăng?
- Đúng vậy. Đức Đạo Sư cũng thuộc giống giòng qúi phái cao sang. Ngài có thân
hình khôi vĩ, đẹp và sáng ngời như một cái tháp bạc. Ngài như từ cái động vàng
của cõi trời bước ra. Ba mươi hai quí tướng và tám mươi vẻ đẹp còn triệu triệu
lần ba la mật vi diệu hơn chúa sư tử súc sanh kia!
Tất cả từ nơi Đức Thế Tôn đều tỏa ra sự vững chắc, kiên định, trầm tĩnh,
khoan thai, chừng mực, mềm dẻo, nhu hòa... mà sức mạnh thể chất và tinh thần thì
ba giới bốn loài đều phải sợ oai! Khi ngài trú không định, vô tướng định... thì
như ở ẩn vào một hang sâu ngoài trái đất; không ai có khả năng tìm ra dấu vết dù
ma vương, dù người, trời, các bậc A-la-hán có thần thông tối thượng. Khi ngài
trú từ bi định thì làn sóng mát mẻ từ nơi ngài tỏa ra mười phương tám hướng, bao
phủ vô biên khắp các cõi. Ai cũng dịu hòa, thơ thới; ai cũng hoan hỷ, thanh
lương...
Thỉnh thoảng, ngài cũng vươn vai đứng dậy, cất tiếng "sư tử hống" làm
cho sáu mươi hai tà kiến và ma vương run sợ; tâm ba-la-mật, giải thoát ba-la-mật
của ngài bao phủ trên vòm trời như chiếc lưới vĩ đại, không có một "kiến"
nào được thoát ra, không có một ngụy biện nào không bị vây chặt, không có một
cuộc đối đáp nào không bị bặt tiếng! Các bậc thuở đó như:
Purànakassapa,
Makkhalìgosàla,
Ajitakesakambala,
Bakuddhakaccàyana,
Sanjayabelatthaputta,
Niganthanàtaputta,
nếu không thụt cổ, im hơi thì cũng lý luận trườn uốn; không chơi trò nói xấu
sau lưng thì cũng giả vờ xun xoe trước mặt! Khi tiếng sư tử hống của Đức Thế Tôn
vang động giữa các hội chúng bà-la-môn, thì sáu mươi hai loại triết học đương
thời không còn đứng vững; tan tác xiêu ngã như bị một cơn bão lốc; không bậc gốc
thì cũng gãy cành, cụt đọt, lá rụng tơi bời. Trái lại, những người có thiện
duyên, túc duyên thì hớn hở ngưỡng mộ, phát tâm trong sạch, quy y chánh pháp, về
nương tựa nơi cội bồ đề.
Tâu đại vương! Gọi là oai lực của Đức Thế Tôn cũng được, gọi là dấu chân của
Đức Thế Tôn cũng được, mà gọi là sư tử hống cũng được. Tùy. Nhưng rõ ràng, uy
lực ấy là vô thượng, dấu chân ấy là vô thượng, mà sư tử hống ấy cũng là vô
thượng vậy. Ai còn dám không tin sự hiện hữu của Đức Thế Tôn, hả đại vương?
- Thế là hết ý nghĩa, cùng tận ví dụ rồi, đại đức!
- Tâu, còn nữa. Ví như con sông đại Hằng vào mùa nước lũ, từ đỉnh cao tuyết
lãnh ầm ào, cuồng nộ lao qua thác ghềnh, khe, suối; cuốn theo mình nó biết bao
nhiêu là gốc cây, cành nhánh lá, rác rều, tổ kiến, tổ ong, lau sậy, tre nứa...
về nơi biển cả. Và thế là cọp, beo, trăn, gấu, chồn, thỏ, hươu nai... sợ hãi
chạy trốn lên sườn cao. Khi lũ tan, sông lặng; người ta chỉ nhìn dấu rều, dấu cỏ
dính trên ngọn cây, là có thể biết cơn lũ bao lớn và biết nước dâng cao mấy chục
hắc tay...
Cũng tương tự như thế đó, tâu đại vương! Chỉ nhìn bao nhiêu tà kiến, ngu
muội, xấu ác, bợn nhơ, rác rều cấu uế, lau sậy ươn hèn, cành tham, gốc sân, tổ
ngã chấp, tổ si mê... theo dòng mà trôi đi...; chỉ nhìn các tà sư, giáo phái
chủ, giáo phái sư, tổ sư, chân sư, bùa chú gia, tế tự gia, triết học gia... sợ
hãi chạy trốn tan tác chỗ này chỗ kia - là có thể biết cơn lũ chánh pháp vừa đi
qua đời này như một dòng chảy đại hồng và vô úy! Khi mà tất thảy đã trôi về đại
dương, biển cả sẽ tự làm thanh khiết chính mình, bèn quăng lên bãi tất cả những
vật dơ uế, bất tịnh. Còn lại, muôn đời, vẫn là biển pháp trong sạch, thiêng
liêng, dành cho tất cả chúng sanh hữu duyên nhỡn nhơ bơi lội, tha hồ rong
chơi..!
Đại vương! Biển pháp mênh mông ấy là gì, có lẽ, chúng ta cũng không nên giải
thích hoặc ví dụ rườm rà nữa, có phải vậy chăng?
- Vâng, trẫm hiểu rồi! Vốn liếng một lần trẫm tiếp thu từ buổi vấn đáp hôm
nay, đủ sức cho trẫm xài mười năm để luận thắng bọn môi mép tà ma! Ngài không
cần nói thêm gì nữa. Thâm tạ! Thâm tạ!