Đức Đạo Sư đã thuyết lưỡng nghĩa, hai lời, nếu chỗ trên đúng thì chỗ dưới sai
hoặc trái lại! Vậy biết đâu là lời giáo giới đúng đắn, chân chính của Đức Đạo
Sư?
- Đức Thế Tôn chẳng bao giờ thuyết hai lời, lưỡng nghĩa, mâu thuẫn nhau đâu,
tâu đại vương! Trong giáo hội của Đức Tôn Sư, Ngài cho phép Chư Tăng tùy duyên,
tùy sở thích mà chọn chỗ ngụ cư cho mình; không nhất thiết là rừng, nghĩa địa,
chùa hay thất liêu. Ngài chưa hề cấm Chư Tăng sống ở chùa, thất liêu hoặc khuyến
khích nên sống ở rừng hay nghĩa địa. Vấn đề quan trọng là sống sao để khỏi
dính mắc, lưu luyến chỗ ở của mình; phải thường xuyên thay đổi từ chỗ này
sang chỗ khác. Chính đời sống không dính mắc, không lưu luyến mới là phải lẽ cho
Sa-môn, nghiêm trang cho Sa-môn, thích hợp với Sa-môn, là cảnh giới của Sa-môn,
nên dành cho Sa-môn, là nơi mong mỏi của Sa-môn.
Tâu đại vương! Ví như loài hươu nai sống ở trong rừng, chúng tự do, thảnh
thơi đi từ chỗ này sang chỗ khác, không nhất định ở một nơi nào cả, hoàn toàn
theo ý muốn, sở thích của mình, chư tỳ kheo cũng nên sống đời vô trú như hươu
nai vậy.
Tâu đại vương! Còn vấn đề xây dựng chỗ ở, tạo chùa chiền, am thất cho Chư
Tăng mà Đức Phật thường tán thán là vì lợi ích cho giáo pháp, lợi ích cho hàng
cư sĩ tại gia. Công đức, phước báu xây dựng cảnh già lam cho Chư Tăng có chỗ ngụ
cư dễ dàng để tu học thật là vô biên vô lượng, là nhân sanh cảnh trời, cảnh
người phú túc và sang cả. Ngoài ra, đó còn là nhân để thoát khỏi sanh, già,
bệnh, chết, chứng quả Niết bàn Vô sanh.
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu mà chư tỳ khưu đều sống ở rừng, nghĩa địa, nơi
hoang sơn cùng cốc; ai cũng lìa xa nơi phố thị, làng mạc cả thì cận sự nam nữ
hai hàng lấy đâu để nghe giáo pháp, để thọ trì quy giới, để cúng dường, bố thí,
để tạo phước báu, để tăng trưởng
tín, giới, văn, thí, tuệ
cho mình?
Lại nữa, tâu đại vương! Nếu không có chùa chiền, am thất thì vua chúa, các vị
đại thần, thương gia, các giáo chủ bà-la-môn, những người có tâm cầu mong thấu
hiểu giáo pháp sẽ biết tìm đến đâu để học hỏi, trao đổi, thảo luận? Những người
muốn tu sẽ tìm đến nơi nào để tu? Và Chư Tăng làm sao để học hỏi giáo pháp, phổ
biến giáo pháp, kế tục giáo pháp để lưu hậu, truyền thừa?
- Vâng, trẫm không dám nữa đâu! Sở dĩ mà trẫm còn nghe được giáo pháp hôm nay
là cũng nhờ có cảnh già lam mà cận sự nam nữ đã dày công kiến tạo!
- Trẫm không ngờ một câu hỏi bắt bí bình thường - mà lối giải đáp của đại đức
lại sâu xa, vi diệu như thế! Ôi! Một câu hỏi tưởng như khó khăn, mà đại đức đã
tháo gỡ rất dễ dàng! Ôi! Đại đức đã làm cho phân minh, sáng sủa những điều tối
tăm, đã bẻ gãy vỡ vụn những luận điệu mà chúng ngoại đạo có thể xuyên tạc trong
nay mai! Quả thật, đại đức đã đem đến ở đây một con mắt của chư Phật để soi tỏ,
nhìn ngắm mọi vấn đề, vì lợi ích cho vô lượng nhân thiên trong thời mạt pháp
vậy!
- Tâu, đúng vậy. Câu Phật ngôn ấy là lời dạy phổ thông không những cho các
hàng tỳ khưu hữu học mà còn cho các bậc Thinh văn, Độc giác và cả đấng Tòan Giác
nữa, tâu đại vương!
- Bởi vì với cái trí thấy rõ thế gian, Đức Thế Tôn thấy rằng, do nguyên nhân
cái bụng mà chúng sanh giết hại mạng sống của nhau. Vì nguyên nhân vị ngon,
ngọt, béo, bùi của khẩu dục và no đầy cái bụng mà con người cướp đoạt tài sản
của nhau. Cũng từ cái bụng mà sinh ra không biết bao nhiêu tội lỗi, khổ đau; bao
nhiêu giới phạm như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu, v.v... Thậm
chí, có chúng sanh vì cái bụng mà giết cha mẹ mình, giết hại A-la-hán, chia rẽ
Tăng, chích máu Phật... Gương Đề-bà-đạt-đa cũng vì lợi dưỡng, không thu thúc cái
bụng mà hại Phật, phá hoại sự hòa hợp của Tăng-già, đến nỗi bị quả đất rút, bị
lửa địa ngục a-tỳ thiêu đốt đến một kappa!
Tâu đại vương! Các hàng xuất gia nhờ thu thúc cái bụng nên ngăn ngừa được tất
cả các tội lỗi, khổ đau nêu trên. Ngoài ra, nhờ sống đời biết tri túc cái bụng
nên họ dễ dàng thấy rõ Khổ Đế, thấy rõ Tập Đế, thực hành Đạo Đế để thành tựu
Diệt Đế là cứu cánh của Sa-môn hạnh. Lại nữa, không những họ viên thành các
Sa-môn quả mà còn dễ dàng chứng đắc
bốn tuệ phân tích, tám định và sáu thần thông...
Tâu đại vương! Đức Thế Tôn vì thấy rõ nhân quả, ai không thu thúc cái bụng
thì sẽ bị đau khổ; ai thu thúc cái bụng thì được an vui, nên Ngài giáo giới điều
ấy là vì xuất phát từ tâm bi mẫn với hằng muôn sanh loại!
- Quả thật là chí lý khi biết thu thúc cái bụng...! Cái lợi ích của nó thật
không ai dám bàn cãi nữa. Thế nhưng tại sao, một lần nọ, Đức Thế Tôn có nói với
tỳ kheo Udàyi rằng: "Này Udàyi, có khi Như Lai độ vật thực chừng bằng miệng
bát, có lúc lại đầy hơn".
Đừng nói rằng cái bát khất thực thời Phật tại tiền nhỏ hơn cái bát bây giờ! Cái
bát vào thời nào cũng có thể làm no hai hoặc ba vị tỳ khưu cả!
- Tâu Đại vương! Trước khi đả thông vấn đề, bần tăng xin được hỏi đại vương
vài điều?
- Thưa, để ngăn ngừa tội lỗi, khổ đau; để tiêu diệt phiền não; để thành tựu
dễ dàng Sa-môn quả cùng những năng lực thù thắng khác!
- Đúng vậy - đại đức Na-tiên nói - Thế Đức Thế Tôn đã tiêu diệt khổ đau phiền
não ấy chưa? Ngài đã thành tựu Sa-môn quả, tuệ phân tích và các thần thông thắng
trí chưa, thưa đại vương?
- Dĩ nhiên, Đấng Toàn Giác đã thành tựu trọn vẹn và viên mãn tất cả những
điều trên.
- Nói cách khác, Đức Thế Tôn là người đã tiêu diệt tất cả mọi nguyên nhân gây
bệnh, là người không còn bệnh, trái lại là người có sức khỏe rất kiện
toàn, phải không đại vương?
- Đúng vậy.
- Người bệnh thì phải uống thuốc, người vô bệnh, sức khỏe hoàn hảo thì có cần
uống thuốc không, hở đại vương?
- Trẫm hiểu.
- Vâng - đức vua Mi-lan-đà gật đầu - Trẫm rất bằng lòng và hoan hỷ về lời
giải đáp của đại đức. Đối với bậc đã giải thóat, vô nhiễm rồi thì họ không còn
bị ràng buộc bởi sự thu thúc hoặc không thu thúc ấy nữa. Tuyệt diệu lắm!
Vậy xin đại đức bi mẫn giải thích khúc mắt ấy cho trẫm được tỏ tường.
- Chẳng phải là che dấu Pháp và Luật đâu, tâu đại vương. Đức Thế Tôn bao giờ
cũng thuyết pháp với bàn tay mở ra chứ không phải với bàn tay nắm lại. Bao giờ
Ngài cũng muốn cho giáo pháp được mở rộng, phát triển, hưng thịnh; được quảng bá
sâu rộng giữa nhân gian để cứu độ cho nhiều người.
Vì ba lý do như vậy nên phải đọc tụng giới bổn nơi kín đáo, có Sìma ngăn -
tâu đại vương rõ.
-- Ví như đại vương là dòng dõi vua chúa, thái tử của đức vua tương lai cũng
sẽ được làm vua. Nếu có trường hợp là đại vương phải giáo giới, la rầy thái tử
về một vài tư cách, hạnh kiểm không tốt của thái tử thì đại vương sẽ dạy bảo
thái tử nơi kín đáo, hay là đại vương sẽ giáo giới thái tử giữa chỗ tai mắt bá
quan cùng dự bàn hay cho bá tánh cùng nghe?
- Dòng vua thì phải biết bảo vệ dòng vua chứ! Làm sao chuyện giáo giới thái
tử lại mang ra chỗ tai mắt đông người!
- Tâu, phép của Phật từ ngàn xưa cũng như thế ấy. Khi chư tỳ khưu Tăng tụng
đọc giới bổn Pàtimokkha với nhau, đó chính là lúc họ sửa sai, sám hối, kiện toàn
những học giới cho nhau. Chuyện ấy làm sao lại đem ra chỗ tai mắt đông người mà
phẩm bình, phê bình được? Dòng dõi, tông chủng tỳ khưu thì phải biết bảo vệ
giống dòng, tông chủng của tỳ khưu chứ?
- Ví như những tay đô vật nhà nghề, họ thường giữ riêng những ngón nghề không
truyền cho kẻ khác; những người thợ vàng, thợ bạc, thợ ngọc, thợ làm dây chuyền
giữ riêng bí quyết cho gia đình mình, dòng họ mình; những người có tài nghệ đặc
biệt thường dấu tài nghệ không bao giờ phổ biến ra giữa đám đông - thủ tục ngàn
xưa của Chư Phật để tỳ khưu chỉ đọc tụng giới bổn với tỳ khưu cũng như thế ấy,
tâu đại vương!
- Vâng, trẫm hiểu rồi. Còn lý do thứ hai:
tôn trọng luật, cung kính giới bổn, chẳng nên để cho những người khác xem
thường, xem nhẹ
là sao ạ?
Do vậy, vì tôn trọng, cung kính giới bổn cũng như tôn trọng, cung kính cái gì
thiêng liêng, cao đẹp nên việc
không để cho sa di, cư sĩ dự thính khi đọc tụng
là điều hoàn toàn cần thiết.
- Giới bổn Pàtimokkha cũng như thế ấy, chẳng thể để cho những người ít học
giới, ngoài chư tỳ khưu Tăng xen vào, dự phần được. Đức Thế Tôn điều chế giới
bổn để cho chư tỳ khưu đọc tụng với nhau ở trong Sìma ngăn, không cho sa di và
cư sĩ dự thính là còn để cho thế gian biết tôn trọng, cung kính tỳ khưu; vì tỳ
khưu Tăng là ruộng phước vô giá, là nơi cho chư thiên và nhân loại cung kính, lễ
bái, cúng dường... Sự tôn trọng phẩm mạo và địa vị của chư tỳ khưu Tăng còn là
sự bảo lưu Chánh Pháp, lưu hậu Chánh Pháp tồn tại nhiều ngàn năm về sau nữa, tâu
đại vương!
- Quả thật là thích đáng. Cảm ơn đại đức đã mở sáng con mắt cho trẫm nhìn xa
trông rộng hơn.
Đức vua Mi-lan-đà bất giác cười xòa.
- Bạch đại đức! Trẫm có đọc sơ về tạng Luật, không thông suốt lắm, nếu Trẫm
nhớ không lầm thì Đức Thế Tôn có thuyết rằng:
Thầy tỳ khưu nói dối, nói dối do cố ý, có hiểu, có biết (sampajàna) thì phạm tội
bất cọng trụ (pàràjika)! Ở một chỗ khác, ngài lại chế định rằng: Điều nói
dối dầu cố ý, có hiểu, có biết (sampajàna) chỉ phạm tội nhẹ, không phạm
tội nặng; là tội có thể trị được, tha thứ được, có thể cứu chữa được
(satekicchà), có thể sám hối được (desanapatti)!
Tại sao hai điều chế định ấy lại mâu thuẫn nhau, nghịch nghĩa nhau hở đại đức?
- Tâu đại vương! Về chuyện đúng hay sai, chính xác hay chưa chính xác của
điều mà đại vương vừa dẫn chứng, bần tăng sẽ bàn sau. Bây giờ chúng ta chỉ nói
đến tội nói dối. Quả thật, có tội nói dối mà thầy tỳ khưu nào đã phạm rồi
thì bị "bất cọng trụ" (pàràjika); nhưng cũng có tội nói dối dẫu đã phạm
rồi, nghĩa là nói dối do cố ý, do có hiểu, có biết - vẫn chỉ phạm tội nhẹ, là
tội có thể trị được, tha thứ được, cứu chữa được, sám hối được!
- Bần tăng có thể nói điều ấy bằng ví dụ. Ví như có người phạm tội giết vua,
một người khác phạm tội giết dân thường. Hai tội giết người ấy đều phạm án giống
nhau phải không đại vương?
- Chẳng thể giống nhau được, thưa đại đức! Người giết hại dân thường tùy theo
mức độ, có thể định án là ở tù chung thân, bị phạt hoặc bị tử hình. Còn người
giết vua thì bị đại tội. Kinh khiếp lắm! Luật nhà vua về tội giết vua thật là
nghiêm trọng: người ấy sẽ bị chặt bỏ cả tay cả chân, tịch thu gia sản, của cải
nhập công khố; sẽ bị giết chết dần dần rất thê thảm; giết luôn cả thân quyến của
người ấy, phía họ cha giết đến bảy đời và phía họ mẹ cũng giết đến bảy đời...!
- Tâu đại vương! Tại sao cũng là tội giết người, tự tay giết, cố ý, cố tình
giết mà một bên nặng, một bên nhẹ khác nhau một trời, một vực như thế?
- Tội giết người có khinh trọng thì tội nói dối cũng có khinh trọng như thế,
tâu đại vương! Bần tăng sẽ kể sơ lược ra đây một số tội nói dối tùy theo mức độ
nặng, nhẹ của nó:
Thầy tỳ khưu nói dối vô cớ, cáo gian tỳ khưu khác phạm "bất cọng trụ"
thì phạm "Tăng tàn". Nói dối vô cớ,
cáo gian tỳ khưu khác phạm "Tăng tàn"
thì phạm "ưng đối trị". Nói dối, cáo gian kẻ khác làm quấy thì
phạm "tác ác"... v.v...
Nói tóm lại là các tội nói dối thuộc bất cọng trụ là tội rất nặng,
phải xả giới hoàn tục. Tội nói dối thuộc
Tăng tàn
phải trình Tăng để xử theo luật định. Các tội nói dối khác thuộc
ưng đối trị, trọng tội hoặc tác ác
là những tội nhẹ, có thể trị được, tha thức được, có thể cứu chữa được (satekicchà),
có thể sám hối được (desanapatti).
Tâu đại vương! Các tội nói dối có khinh, có trọng như thế, nhưng vì đại vương
đã không nắm rõ, biết chắc nên sinh ra ngộ nhận đấy thôi!
- Rất cám ơn đại đức!
129. Phước báu của Đức Thế Tôn không ưu thắng, tối thượng bằng
đệ tử của mình?
- Thưa đại đức! Rất nhiều lần Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này các thầy tỳ
khưu! Như Lai là bà-la-môn cao quý, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại đảnh
lễ, xứng đáng để cho kẻ khác xin rửa tay dâng phẩm vật cúng dường; là bậc tối
thượng trong tam giới, là bậc chỉ còn kiếp sống cuối cùng, không còn quẩn quanh
trở lại trong tam giới nữa; là bậc tôn quý, vô thượng... không ai sánh bằng.".
Câu Phật ngôn ấy có chính xác không?
- Tâu, khá chính xác!
- Thế sao ở một chỗ khác, khi khen ngợi tỳ khưu Bàkula, Đức Thế Tôn có tuyên
bố như sau: "Trong hàng thinh văn đệ tử của Như Lai, tỳ khưu Bàkula là người
thiểu bệnh, có phước báu tuyệt đỉnh, là đệ nhất ưu hạng, là người cao quý không
ai sánh bằng...". Câu thuyết ngôn này có chính xác không, thưa đại đức?
- Tâu, cũng rất đúng.
- Và chính xác nữa! Vì Đức Thế Tôn bị bệnh đến bốn lần, còn tỳ khưu Bàkula
suốt cả cuộc đời dường như vô bệnh. Như thế có nghĩa là, phước báu của tỳ khưu
Bàkula là tối thượng, ưu hạng, là tuyệt đỉnh không ai sánh bằng, kể cả Đức Tôn
Sư!
- Sao có thể lý luận như vậy được, đại vương!
- Vậy thì đại đức có thể minh giải điều ấy được chăng?
- Vâng, dễ dàng thôi. Chẳng cần phải giải minh, bần tăng chỉ nói lên sự thật
thì đại vương có thể hiểu rõ cách khen ngợi của Đức Thế Tôn. Khi một vị tỳ khưu
giỏi, thông suốt một lĩnh vực nào thì Đức Thế Tôn thường khen ngợi vị ấy là
tối thượng, là đệ nhất ưu hạng về lĩnh vực ấy. Chẳng hạn, Đức Thế Tôn khen
ngợi đại đức Upàlì là ưu hạng đệ nhất về tạng Luật, đại đức Mahà Kassapa đặc
biệt ưư hạng về Vi-diệu tạng, đại đức Ànanda thì tối thắng, ưu hạng đệ nhất về
tạng Kinh, v.v... Từ đó, ta có thể hiểu rõ, tại sao có vị Đức Thế Tôn khen ngơi
là đệ nhất về thuyết pháp, có vị được khen là đệ nhất về thiền định, đệ nhất về
tinh tấn, đệ nhất về khổ hạnh, đệ nhất về hạnh độc cư, thanh tịnh v.v... Nói tóm
lại, Đức Thế Tôn khen ngợi, tán dương các đệ tử của Ngài là cao quý, cao thượng,
là ưu hạng, là đệ nhất... không có nghĩa là họ cao quý, cao thượng, tối thắng
hơn cả Đức Tôn Sư!
- Như thế có nghĩa là, Đức Thế Tôn chỉ ca ngợi phước báu của tỳ khưu Bàkula
về phương diện "vô bệnh" mà thôi?
- Vâng, chỉ riêng có lĩnh vực ấy, bởi chẳng ai có thể so sánh với Đức Tôn Sư
ở nhiều phương diện khác. Họ chỉ là đệ nhất ở trong hàng thinh văn đệ tử của
Ngài! Làm thế nào mà trong hàng ngũ của chư thiên, loài người, phạm thiên,
sa-môn, bà-la-môn... lại có kẻ cao quý, ưu hạng, tối thượng bằng một vị Chánh
Đẳng Giác? Ai mà có thể so sánh về
giới, định, tuệ, giải thóat và giải thóat tri kiến
với Đức Tôn Sư? Liệu ai có thể có mười sức mạnh tuệ giác, mười tám tuệ dũng
mãnh vượt qua sinh tử ái hà như Bậc Vô Thượng? Quả thật, chẳng ai có thể so
sánh được với Đức Đại Giác.
- Đại đức cho nghe ví dụ được chăng?
- Vâng. Ví như trong quốc độ của đại vương, vốn có nhiều giai cấp, nghề
nghiệp, dòng họ, thiên tư, hiểu biết, trí tài, khả năng khác nhau... Có người là
đệ nhất về vàng bạc châu báu, tài sản. Có người là đệ nhất về đất đai, ruộng
vườn. Có người là đệ nhất về kiến thức, hiểu biết... Đệ nhất về các học nghệ...
Đệ nhất về tinh thông văn học, cú pháp, văn phạm... Đệ nhất về bùa chú, ngải
nghệ... Đệ nhất về chế tạo cung tên, khí giới v.v... Ở mỗi lĩnh vực, trí tài nào
đó, họ là đệ nhất; tuy thế, họ đều là thần dân của đại vương, phục vụ cho đại
vương, phải tôn trọng, cúi đầu, thuần phục đại vương; chẳng ai có thể so sánh
bằng đại vương, bởi đại vương mới chính là người ở trên hết, tối thượng tôn, cao
quý nhất ở trong quốc độ của đại vương. Đức Thế Tôn so với hội chúng của Ngài,
với các hàng thinh văn đệ tử cũng y như thế. Đừng nói chỉ một phước báu của
Bàkula, mà hàng trăm phước báu của Bàkula... cho chí hai vị thượng thủ, đại đệ
tử của Ngài, dẫu là những bậc cao quý vô song... cũng chẳng thể đem ra so sánh
với Đức Thế Tôn được!
Đức vua Mi-lan-đà im lặng giây lâu rồi hỏi:
- Trẫm đã hiểu rồi. Nhưng về phương diện vô bệnh thì phước báu của tỳ
khưu Bàkula vẫn là đệ nhất chứ? Không rõ do nhân duyên quá khứ như thế nào mà tỳ
khưu Bàkula được hưởng quả thù thắng như thế?
- Tâu đại vương, quả là
có nhân duyên thù thắng nên mới hưởng được quả thù thắng. Số là vào
thời
xưa, tỳ khưu Bàkula đã từng làm thầy thuốc, đã cúng dường y dược đến cho
Đức Phật Anomadassì, Đức Phật Vippassì và luôn cả tỳ khưu Tăng sáu ngàn
tám ức vị.
Do duyên lành ấy nên đã rất nhiều đời, tỳ khưu Bàkula chẳng hề có bệnh
tật hay
đau ốm gì cả. Bởi vậy, Đức Thế Tôn mới khen ngợi, tán dương tỳ khưu
Bàkula là
cao quý, là ưu hạng không ai sánh bằng! Đại vương đã hiểu tự sự, đầu đuôi
gốc ngọn rồi chứ?
- Vâng, vâng! Trẫm rất hoan hỷ, hoan hỷ đệ nhất!
130. Thần thông của đức Mục-kiền-liên không đương cự nổi thần
lực của kẻ giết ngài?
- Bạch đại đức! Trẫm có nghe rằng, Đức Thế Tôn thường tán dương thần thông
của đức Mục-kiền-liên là tối thượng, là vô thượng, là bất khả tư nghì, chẳng ai
trong hàng Thinh văn đệ tử có thể so sánh được, điều ấy đúng chăng?
- Tâu, rất đúng ạ!
- Vậy thì thần lực của bọn cướp giết ngài chắc phải tối thượng hơn thế? Nếu
không, sao ngài lại để cho bọn cướp giết, băm vằm xác thân ngài hằng trăm mảnh
như thế? Lúc ấy, thần thông bất khả tư nghì của ngài đâu mà không mang ra để
đương cự với bọn ấy? Trẫm hoài nghi là đức Mục-kiền-liên chẳng có thần thông gì
ráo? Hoặc nếu có cũng thua gươm, đao, đùi, gậy của bọn cướp? Xin đại đức bi mẫn
giảng cho trẫm thông điều ấy.
- Đại vương! Thần thông có năng lực bất khả tư nghì mà nghiệp quả cũng có
năng lực bất khả tư nghì!
- Đại đức có lạc đề không đấy?
- Không lạc đề đâu, đại vương hãy nhẫn nại.
- Vậy thì xin đại đức giảng rộng cho nghe.
- Vâng, đại vương hãy nghe đây. Có hai loại bất khả tư nghì (dve-acinteyya),
đó là thần thông xuất thế gian (lokuttara iddhi), và năng lực của nghiệp
quả (kamma vipàka iddhi). Thần thông xuất thế gian là thần thông của Phật
Toàn Giác, của Phật Độc Giác và của Phật Thinh Văn Giác. Chỉ riêng thần thông
của Phật Toàn Giác là không một năng lực nào có thể xâm phạm được dù là năng lực
bất khả tư nghì của nghiệp quả. Thần thông của Phật Độc Giác và Phật Thinh Văn
Giác còn non yếu, chưa toàn hảo nên khi nghiệp quả đến, sức mạnh bất khả tư nghì
của nó có thể phá vỡ xâm phạm được. Đấy là trường hợp của Đại Mục-kiền-liên.
Ngài dù có thần thông đệ nhất trong hàng Thinh Văn, thần thông ấy vẫn còn non
yếu, chưa toàn hảo nên đã bị năng lực của quả nghiệp xâm phạm, phá vỡ. Chẳng hay
đại vương đã thấy rõ điều ấy chưa?
- Ngài Mục-kiền-liên tạo tội gì mà quả nghiệp lại kinh khiếp, cường liệt như
thế?
- Một kiếp quá khứ, ngài nuôi một bà mẹ mù lòa. Người vợ của ngài thấy bà mẹ
chồng là một gánh nặng nên tìm cách hãm hại. Ngày này sang ngày khác, bà tìm
cách ly gián, đâm thọc, vu cáo, xúc xiểm... rất là cay chua và độc ác. Bà đã
biến mẹ của chồng từ một người hiền lành trở thành một bà già khó tính, ác đức
trong mắt của chồng. Đến một lúc, vì tin vợ, ngài đã không còn chịu nỗi mẹ nữa,
theo lời vợ, bỏ mẹ lên xe đem thả giữa rừng. Cũng theo kế của vợ, cả hai vợ
chồng bèn giả kẻ cướp đón đường la hét, đánh đập rất là hung dữ. Người mẹ mù lòa
trong cơn sợ hãi, không nghĩ đến bản thân mình, chỉ nghĩ đến đứa con, thương con
bị đánh giết, nên đã la lớn lên rằng: "Tàta con ơi! Hãy chạy thoát thân đi,
mẹ già rồi, hãy bỏ mặc mẹ, để mẹ đi theo nghiệp của mình. Con hãy chạy đi!".
Xúc động trước tấm lòng của mẹ, ngài hối hận, đem mẹ về nuôi dưỡng như trước để
đáp đền ân đức.
Vì nguyên nhân của ác nghiệp ấy mà Đại Mục-kiền-liên phải trả quả báo bị kẻ
cướp đánh chết liên tục bốn trăm chín chín kiếp. Đến kiếp cuối cùng này, mặc dù
đã đắc quả Thánh và có thần thông đệ nhất, vẫn không ngăn chặn nổi sức mạnh của
nghiệp ác thuở trước còn dư sót.
Đức vua Mi-lan-đà bất giác thốt lên:
- Thật là khiếp!
- Vâng, thật là kinh khiếp. Ví như đức vua chí tôn trong một nước, oai lực
bao trùm khắp quốc độ, bao trùm cả văn võ triều thần, quan quân, muôn dân bá
tánh. Chẳng ai trong nước có oai lực bằng đức vua như thế nào thì thần thông
xuất thế gian cũng có oai lực như thế ấy, chẳng có sức mạnh thế gian nào so sánh
được. Tuy nhiên, khi đức vua ấy hết phước, nghiệp đến, thì oai lực của đức vua
chẳng thể nào đương cự được với tử thần. Sức mạnh của tử thần phá vỡ, xâm phạm
oai lực của đức vua như thế nào, thì sức mạnh của quả nghiệp cũng phá vỡ, xâm
phạm năng lực thần thông y như thế đó, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu.
- Ví như có một tên cướp hung dữ, đã mất hết thiện tâm, nó giết người, cướp
của, phá xóm, phá làng, chẳng ai có khả năng làm cho nó sợ hãi. Bà con, quyến
thuộc, cha mẹ, anh chị, cô bác, xóm giềng không ai có thể khuyên răn, giáo dục
cho nó cải ác tùng thiện được. Tuy nhiên, quan quân và pháp luật của đức vua có
một oai lực lớn hơn, chẳng ai có thể ngăn cản đức vua bắt giữ và trị tội tên
cướp ấy. Năng lực thần thông của Đại Mục-kiền-liên so với năng lực quả nghiệp
hung dữ mà ngài đã tạo cũng y như thế đó, tâu đại vương!
- Năng lực của quả nghiệp hay là thần lực của bọn cướp, tâu đại vương?
- Khi nghiệp trổ quả, bọn cướp mới ra tay được, khi nghiệp chưa trổ quả thì
một vạn lần như bọn cướp ấy có thể làm gì trước thần thông bất khả tư nghì của
ngài?
- Vâng, trẫm rõ rồi!
131. Kiếp áp chót, tại cung trời Đẩu suất, Đức Bồ-tát quán xét
thế gian để làm gì?
- Bạch Đại đức! Một bậc Toàn Giác sau khi công hạnh ba la mật sắp viên mãn,
kiếp áp chót tại cung trời Đẩu-suất-đà sanh xuống thế gian, có lẽ ngài đã biết
rõ: Phật phụ và Phật mẫu do nhân duyên nhiều đời đã chờ đợi sẵn?
- Tâu, vâng!
- Các bậc tối thượng Thinh Văn cũng y như thế?
- Tâu, vâng!
- Các vị đại thí chủ trong hàng vua chúa, triệu phú... cũng đã được nhân
duyên sắp đặt?
- Tâu, vâng!
- Thế là các vị đại bồ-tát cái gì cũng biết trước do công hạnh ba la mật và
nhân duyên nhiều đời. Nhưng sao trong kinh có nói rằng: Đức đại bồ-tát kiếp
áp chót tại cung trời Đẩu-suất-đà trước khi giáng thế, ngài phải quán xét
thế gian xem thử có hội đủ tám điều kiện như sau không:
Một là, Kàlamviloketi: xem xét thời kỳ thích hợp.
Hai là, Dìpam viloketi: xem xét trong bốn châu xem thử châu nào thích hợp
(Nam Thiện bộ châu).
Ba là, Desam viloketi: xem xét quốc độ thích hợp (Trung Ấn độ).
Thứ tư, Kulam viloketi: xem xét giòng họ, gia tộc thích hợp.
Thứ năm, Janettim viloketi: xem xét Phật mẫu thích hợp (có phải là người
mẹ nhiều đời đã có lời nguyện thành Phật mẫu hay không).
Thứ sáu, Ayum viloketi: tuổi thọ của chúng sanh thích hợp (khoảng một
trăm tuổi thọ).
Thứ bảy, Màsam viloketi: ngày tháng giáng sinh thích hợp.
Và thứ tám, Nekkhamma viloketi: rừng núi nào sẽ xuất gia, tu tập thích
hợp.
Đức đại bồ-tát đã biết trước rồi, thế thì tại sao lại còn quán xét tám điều
kiện như đã nêu trên? Việc làm ấy có thừa không? Có vô ích không?
Đại đức Na-tiên đáp:
- Mặc dầu đại bồ-tát biết trước nhưng vẫn quán xét, tâu đại vương! Sự quán
xét ấy là việc làm bình thường. Ví như một người bán hàng, vốn biết rõ trong
gian hàng của mình còn những thứ gì, nhưng khi bán cũng phải xem xét, cẩn thận
coi lại một lượt nữa. Ví như loài voi, biết và thấy rõ đường đi của nó, nhưng
khi đi phải đưa cái vòi xem xét, rà soát lại. Ví như viên thuyền trưởng dong
thuyền ra khơi, mặc dù dạn dày kinh nghiệm nhưng khi đi cũng phải xem xét phương
hướng, luồng lạch cẩn thận. Ví như một người lái buôn vận chuyển hằng chục xe bò
đường xa, qua sông nào, bến xuống, bến lên như thế nào, y nắm rất vững nhưng
không phải vì thế mà không xem xét lại. Ví như vị lương y tài giỏi kia, sau khi
hỏi về bệnh trạng, quan sát người bệnh; đã nắm chắc được bệnh tình, nhưng khi
bốc thuốc cũng phải xem mạch lại mới quyết định. Ví như một con rắn độc từ hang
bò đi, nó biết rõ miệng hang, nhưng khi đi, vẫn quay lại nhìn miệng hang một lần
nữa. Ví như một vị tỳ khưu khi sử dụng tứ sự là vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc
ngừa bệnh, vốn biết rõ chúng chỉ là vật tạm dùng, chỉ là phương tiện để tu tập,
nhưng cũng phải tụng kinh quán tưởng v.v...
Tâu đại vương! Qua những ví dụ như trên để biết rằng, sự quán xét tám điều
của đức bồ-tát là việc làm bình thường, cần thiết, chẳng phải vô ích, vô bổ như
đại vương nghĩ đâu!
- Thưa vâng, cảm ơn trí tuệ quảng bác của đại đức!
132. Rơi đi bằng phi pháp? Rơi đi bằng pháp? Cắt đứt sự rơi?
-Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này các thầy tỳ khưu! Các thầy
đừng nên để cho thân các thầy rơi đi bằng phi pháp, nếu có rơi thì cũng nên để
cho rơi bằng pháp". Lời tuyên bố ấy có đúng chăng? Và nghĩa của nó là thế
nào?
- Tâu đại vương! Lời tuyên bố ấy chính là của Đức Tôn Sư. Và nghĩa của nó là
như sau: rơi đi, té xuống, rơi xuống (pàtana) là câu nói thuộc về pháp
ngữ; hàm chỉ cái thân của chúng sanh phải sanh lại, phải tái sanh! Nghĩa là nếu
có sanh trở lại thì nên sanh bởi pháp chứ không nên sanh trở lại bằng phi pháp!
- Thế nào là không nên sanh lại bằng phi pháp, và nên sanh lại bằng pháp?
- Tâu, có pháp, bằng pháp nghĩa là có giới; phi pháp, không có pháp nghĩa là
không có giới. Nói cách khác, Đức Thế Tôn muốn giáo giới chư tỳ khưu hãy tinh
tấn hộ trì giới bổn, thu thúc lục căn, làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh -
thì các đời sống trong tương lai sẽ được an vui, hạnh phúc; ấy là cách nói: "nên
rơi đi bằng pháp". Nếu trái lại, sống mà không hộ trì giới bổn, không thu
thúc lục căn; thân, khẩu, ý buông lung, phóng dật thì các kiếp hậu lai sẽ gặt
lấy kết quả đau khổ, phiền não. Ấy là cách nói: "đừng rơi đi bằng phi pháp"!
- Giới quan trọng như vậy sao?
- Tâu, quả đúng như vậy! Giới có công năng diệt trừ tất cả mọi đau khổ phiền
não của chúng sanh. Rải rác trong kinh, chỗ này chỗ kia, Đức Phật thường ví giới
như một loại thuốc có thể diệt trừ tất cả mọi loại độc, nhất là độc phiền não.
Giới như một loại thuốc trị bệnh, có công năng đối chứng trị liệu tất cả tâm
bệnh phiền não của chúng sanh. Giới ví như một loại nước trong mát, có thể rửa
sạch mồ hôi, bụi đất, đồ dơ bẩn dính ở nơi thân, tức là bụi bặm dơ uế của phiền
não. Giới ví như ngọc ma-ni có tên gọi là ngọc như ý, có thể làm cho thành tựu
tất cả mọi nguyện vọng, mong mỏi của chúng sanh. Giới ví như chiếc thuyền lớn,
có thể vượt qua khỏi bốn dòng nước cuồng lũ - tức là sanh, già, đau, chết. Giới
ví như chiếc xe lớn có khả năng đi qua được bốn con đường hiểm trở cam go - tức
là sanh, già, đau, chết. Giới ví như một trận gió lớn có thể thổi tắt tức khắc
ba loại lửa là lửa tham, lửa sân và lửa si. Giới ví như một đám mưa lớn có thể
thỏa mãn được cho dân chúng trong mùa hạn hán. Giới ví như một bậc thầy sáng
suốt, hiền đức luôn dạy học trò những việc thiện, những điều lành, tốt. Giới ví
như một người chỉ đường có đầy đủ lương năng và tâm từ ái, luôn luôn vui vẻ đối
với kẻ lạc đường; chỉ cho họ bỏ đường mê về với nẻo sáng, đường tà trở lại với
đường chánh.
Tâu đại vương! Công năng của giới là vô lượng, vô hạn, bất khả tư nghì. Không
những giới sẽ thành tựu những đức tính cao quý tốt đẹp cho con người, tạo nên y
báo, chánh báo mỹ toàn và sang cả; mà còn giúp cho chúng sanh vượt thoát bốn nỗi
sợ hãi to lớn của đời người tức là sanh, già, bệnh, chết nữa!
Đấy là những lợi ích của giới, tức là lợi ích của những người "hãy nên rơi
đi bằng pháp" đấy, tâu đại vương!
- Thưa đại đức! Đức Đại Bi cấm chế giới luật vì những lợi ích thiết thực và
thù thắng như thế, trẫm đã hiểu rồi. Có rơi đi, có chết đi, có sanh lại cũng
bằng pháp chứ không phải bằng phi pháp. Cũng có nghĩa là các thầy tỳ khưu hãy hộ
trì giới, nâng đỡ giới, đừng để cho giới hư hỏng, tiêu hoại; đúng như lời của
Đức Ca-diếp đồng tử (Kumàra Kassapa) đã thuyết: "Các bậc sa-môn,
bà-la-môn thực hành giới, có pháp, có hạnh kiểm tốt đẹp hằng sống trong thế gian
vì lợi ích cho mình và cho người khác".
- Đại vương đã hiểu rất đúng đắn.
- Nếu như có giới, có pháp, có hạnh kiểm tốt đẹp, lợi ích cho mình và tha
nhân như thế; tại sao Đức Thế Tôn lại còn thuyết về "cắt đứt sự rơi đi",
nghĩa là cắt đứt sự sanh, già, đau, chết; nghĩa là chấm dứt sự tái sanh, sự trở
lại thế gian dù sự trở lại ấy là tốt đẹp, là lợi ích cho mình và người?
- Đức Thế Tôn đã thuyết với pháp tuần tự, thứ lớp. Đầu tiên, ngài dạy chư tỳ
khưu đừng cho rơi đi bằng phi pháp, sau đó là nên rơi đi bằng pháp. Rơi đi bằng
pháp có lợi ích cho mình và tha nhân như đại vương đã hiểu. Tuy nhiên, cứu cánh
của sa môn hạnh không phải dừng lại ở đó, vì "rơi đi bằng pháp" vẫn còn
đau khổ, phiền não. Muốn được an vui tuyệt đối thì cần phải "cắt đứt luôn sự
rơi đi"; nghĩa là không còn cả sự sanh kia nữa, tâu đại vương!
- Xin đại đức hãy giảng rộng điều ấy.
- Vâng. Còn rơi đi, còn sanh lại, là còn biết bao nhiêu cái khổ mà chúng sanh
phải gánh chịu như là một cái gì tất yếu, lắm nghiệt ngả. Đại vương hãy nghe một
số khổ kéo theo "Khổ sanh" (Jàtipi dukkhà):
Sự khổ do thân thể suy nhược, già yếu.
Sự khổ do bệnh hoạn, ốm đau.
Sự khổ do thân thể tan rã, hủy diệt, tử vong.
Sự khổ do sầu khổ, thương nhớ.
Sự khổ do khóc than, uất ức, yêu thương, chia lìa v.v...
Sự khổ do trái ý, nghịch lòng v.v...
Ở một chỗ khác, Đức Thế Tôn lại nói đến những cái khổ khác, theo cách khác:
Sự khổ do phải gần gũi, thân cận người mà mình không thích, tức là kẻ mà
mình oán thù, kẻ nghịch hoặc người mình ghét (oán tăng hội khổ).
Sự khổ do xa cách, biệt ly người mình yêu thương ví như cha mẹ, vợ chồng,
con cái, quyến thuộc (ái biệt ly khổ). Hoặc có sự não hại, hư hại,
tai ương, hoạn nạn đến cho những người mình yêu thương cũng phát sanh sự
khổ.
Vật sở hữu, của cải, tài sản, vật thực bị hư hao, mất mát... cũng phát
sanh khổ.
Ngoài ra, còn rất nhiều sự khổ phát sanh do sợ hãi:
Sợ hãi do giới đã thọ trì bị hư hoại, sợ sẽ tái sanh trong khổ cảnh.
Sợ hãi vi phạm luật vua, phép nước mà bị trọng tội, tù ngục, tử hình.
Sợ hãi kẻ trộm cắp, cướp của, giết người.
Sợ hãi nạn lửa.
Sợ hãi nạn nước lũ phá nát ghe thuyền, nhà cửa ngập lụt, ruộng vườn tiêu
hoại hoa màu ...
Sợ hãi sóng to, thuyền đắm chìm mất của cải, hàng hóa.
Sợ hãi cá sấu dữ.
Sợ hãi chỗ nước xoáy.
Sợ hãi cá đao, cá mập có răng dài.
Sợ hãi vì lỡ nói lời sái quấy, xằng bậy, không chính đáng, phi pháp.
Sợ hãi chấm dứt mạng sống.
Sợ hãi bốn đường dữ.
Rồi còn những sợ hãi do bị cắt tay chân, bị nhục hình, tật nguyền... thật là
vô số kể ở các kiếp sống trả vay, nhân quả trong sáu đường.
Tâu đại vương! Nói tóm lại, không biết bao nhiêu là thống khổ khi còn phải
tái sanh trong thế gian này. Ví như dòng chảy từ Hy-mã-lạp sơn của con sông đại
Hằng đã cuốn theo mình nó không biết bao nhiêu đất đá, cát sỏi, cành cây, rễ
cây, gốc cây, rác rều, gỗ mục, xác chết sinh vật ... Cũng vậy, dòng sinh tử
ái hà cuồng lưu chảy xiết ấy nó cũng đầy rẫy những nỗi thống khổ không thể
đếm được. Chính những thứ sợ hãi lớn và vô lượng quả báo nghiệp mà chúng sanh
phải gánh chịu khi còn phải quẩn quanh trong vòng luân hồi, nó tạo ra các sự
thống khổ kia!
Tâu đại vương! Còn sanh, già, đau, chết là còn đau khổ, phiền não. Muốn chấm
dứt đau khổ, phiền não, để đạt được hạnh phúc siêu thế là đạo quả Niết bàn thì
phải cắt đứt sự sanh, diệt tắt sự tái sanh. Đức Thế Tôn dạy cho chư tỳ khưu
Tăng, các hàng Thinh Văn vượt qua sanh, già, đau, chết là vì lẽ ấy.
Đại vương đã hiểu rõ tại sao lại "cắt đứt sự rơi" chưa?
- Thưa, rất rõ ạ! Như thế, Đức Thế Tôn đã thuyết về lý "vô sanh" theo
cách khác, phải chăng?
- Tâu, vâng!
- Cảm ơn đại đức!
133. Tâm từ vô lượng không tiêu trừ được các sự họa hại?
- Thưa đại đức! Có phải từ vô lượng tâm
có một oai lực rất to lớn?
- Tâu, vâng!
- Có phải Đức Thế Tôn có thuyết rằng:
Thầy tỳ khưu thực hành tâm từ, làm cho sung mãn tâm từ ... sẽ có được mười một
quả báo sau đây:
Thứ nhất, ngủ được an vui.
Thứ hai, thức được an vui.
Thứ ba, không nằm thấy ác mộng.
Thứ tư, được mọi người thương yêu.
Thứ năm, phi nhân quí mến.
Thứ sáu, thường được chư thiên hộ trì.
Thứ bảy, lửa, thuốc độc, khí giới không làm hại được.
Thứ tám, tâm nhập thiền một cách mau lẹ.
Thứ chín, sắc mặt trong sáng, tươi tỉnh.
Thứ mười, được bình tĩnh lúc lâm chung.
Và thứ mười một, nếu chưa đắc đạo quả, lúc chết được sanh về cõi trời
Phạm thiên.
Điều ấy có chắc thật không, thưa đại đức?
- Tâu, đúng thật là vậy.
- Thế sao có một lần, bồ-tát Suvanna Sàma ở trong Hy-mã-lạp sơn, tu tập từ
vô lượng rất tinh tấn. Một hôm, đức bồ-tát đi múc nước dưới suối về nuôi cha
mẹ, bị mũi tên độc của đức vua Kapila bắn trúng, đau đớn gần như chết rồi ngã ra
bất tỉnh.
Thưa đại đức! Người niệm tâm từ vô lượng, lý ra có thể ngăn ngừa được mọi
điều họa hại, nhưng ở đây, rõ ràng là tâm từ không có tác dụng, vô hiệu quả,
không thể bảo vệ được sự an toàn sanh mạng. Vậy tu tập
từ vô lượng xem ra không lợi ích gì cả.
- Xin đại vương hãy kham nhẫn, bần tăng sẽ giải thích. Trước đây đại vương là
một vị danh tướng đã nhiều lần xông pha trận mạc, chắc đại vương thường hay mặc
áo giáp chứ?
- Vâng, trước mũi tên hòn đạn, không có áo giáp làm sao bảo vệ mình được?
- Thế đại vương có thường xuyên măc áo giáp không?
- Chỉ khi ra trước trận mà thôi, còn khi ngủ nghỉ, ăn cơm... nghĩa là trong
doanh trại của mình thì không cần thiết.
- Khi ấy nếu có kẻ địch bắn lén đại vương, chắc đại vương sẽ gặp nguy hiểm
tánh mạng chứ?
- Vâng, chắc chắn là sẽ nguy.
Đại đức Na-tiên chậm rãi nói tiếp:
- Tâm từ cũng như mặc áo giáp vậy, tâu đại vương. Khi mặc áo giáp thì có thể
bảo vệ được sự an toàn, nhưng khi không mặc áo giáp thì có thể bị hiểm nguy.
Bồ-tát Suvanna Sàma tu tập từ vô lượng, có thể tâm từ ấy rất sung mãn; nhưng
khi ngài xuống suối múc nước, lối đi cheo leo hiểm trở, hũ nước lại nặng nên
thân thể sẽ bị mệt mỏi, đau nhức. Và khi mà mệt mỏi, đau nhức khởi sanh thì
tránh sao khỏi sự lơ là, thất niệm không còn an trú ở tâm từ vô lượng nữa? Như
vậy, mũi tên độc của đại vương Kapila bắn ra khi bồ-tát Suvanna Sàma đã cởi "áo
giáp tâm từ" nên bị họa hại là điều dĩ nhiên, tâu đại vương!
- Có thể là vậy lắm!
- Lại nữa, ví như tương truyền rằng ở cõi trời có một loại rễ cây kỳ lạ. Ai
có rễ cây ấy thì biết tàng hình, đi giữa đám đông người không ai phát giác. Nó
có công năng che mắt mọi người. Nếu khi không có rễ cây thì không thể tàng hình
được.
Lại nữa, ví như một cái hang, một cái động có thể che mưa, đỡ nắng cho các
hàng tu sĩ, đạo sĩ; nhưng nếu lìa khỏi hang động, ngồi giữa trời thì làm sao lại
có thể tránh nắng, tránh mưa?
Tâm từ phải thường xuyên được tu tập, làm cho sung mãn, thường được an trú
bất luận ngày hay đêm thì chắc chắn mười một quả báo thù thắng như đại vương nêu
trên, nhất định sẽ trổ quả cho hành giả. Và những họa hại do lửa, thuốc độc, khí
giới ... sẽ được bảo vệ, ngăn chặn. Công năng của tâm từ vô lượng ví như áo giáp
ngăn tên, như rễ cây tàng hình, hang động che nắng mưa, chắc đại vương không còn
hoài nghi nữa?
- Thưa vâng!
134. Quả của thiện và ác nghiệp rất lạ lùng
- Thưa đại đức! Một nhóm người tạo thiện nghiệp, một nhóm người tạo ác
nghiệp, khi lâm chung, quả báo của họ như thế nào? Bằng nhau, khác nhau, nhiều
ít ra sao, đi chung đường hay khác đường? Xin đại đức bi mẫn chỉ giáo cho trẫm!
- Tâu! Người tạo thiện nghiệp, khi lâm chung thì hướng mặt đi đến cõi trời.
Người tạo ác nghiệp, khi lâm chung thì rớt xuống bốn con đường đau khổ, nhất là
địa ngục. Quả báo khác nhau rất rõ ràng, kẻ đi lên, người đi xuống, làm sao lại
có thể chung đường được hở đại vương?
- Có thật vậy không, đại đức? Đọc kinh truyện, trẫm thấy quả của thiện, ác
nghiệp ấy rất lạ lùng, không giản đơn như đại đức nghĩ đâu!
- Xin đại vương hãy dẫn chứng.
- Vâng! Chỉ nói riêng về Đức Phật và Đề-bà-đạt-đa thôi, cũng đã không thể
hiểu rồi. Đức Phật và Đề-bà-đạt-đa là đại biểu cho hai thái cực: một bên đại
thiện, một bên đại ác; một bên trong sáng cao đẹp, thanh khiết, một bên bụi bặm,
xấu xa, dơ uế ... Theo lý nhân quả thì ai xuống, ai đi lên đã rõ ràng; ai được
an vui, ai bị khổ thật không cần thiết phải đem ra minh chứng nữa. Nhưng ...
- Xin đại vương cứ tiếp tục!
- Vâng! Trong rất nhiều kiếp, Đề-bà-đạt-đa lại có chức phận lớn hơn Đức Phật;
y báo, chánh báo đều tốt đẹp và sang cả hơn Đức Phật, có quyền hành, địa vị,
sanh thú cao hơn Đức Phật ... là nghĩa làm sao? Có lạ lùng không chứ? Chẳng lẽ
nhân quả thiện ác có chỗ bất minh?
- Xin đại vương cho ví dụ!
- Ví dụ như có kiếp Đề-bà-đạt-đa làm quân sư cho đức vua xứ Bàrànasì, bồ-tát
của chúng ta sanh ở trong giai cấp hạ tiện Candàla, làm nghề trồng cây, có tài
làm cho xoài có trái sái mùa. Vậy thì thiện nghiệp của bồ-tát ở đâu mà sanh thú
lại thấp thỏi hơn Đề-bà-đạt-đa tạo ác nghiệp?
- Vâng, quả thật là có kiếp ấy.
- Vậy mà kiếp sau, Đề-bà-đạt-đa làm vua xứ Bàràn-asì, bồ-tát của chúng ta
sanh làm con voi trắng có tên là "Hạnh phúc" để cho Đề-bà-đạt-đa cỡi trên
lưng! Như thế đó!
- Tâu, quả có như vậy.
- Lại nữa, kiếp sau nữa, Đề-bà-đạt-đa sanh làm người, bồ-tát sanh làm con khỉ
chúa!
- Vâng!
- Kiếp khác nữa, Đề-bà-đạt-đa vẫn làm người, còn bồ-tát sanh làm con voi
chúa, có sáu ngà, tên là Chaddanta. Đề-bà-đạt-đa lại săn đuổi, bắn giết con voi
chúa ấy để lấy ngà!
- Quả đúng vậy.
- Chưa hết đâu! Kiếp sau đó nữa, Đề-bà-đạt-đa vẫn làm người, bồ-tát sanh làm
con chim đa-đa, bị Đề-bà-đạt-đa giết chết!
- Tâu, vâng!
- Kiếp nữa, Đề-bà-đạt-đa làm vua xứ Kàsì tên là Kalàbu, bồ-tát là một đạo sĩ
tu hạnh nhẫn nhục, sau bị đức vua ấy giết!
- Đại vương nhớ túc sanh truyện vậy thay!
- Vâng, còn nữa. Đề-bà-đạt-đa tuy giết bồ-tát mãi như thế, nhưng sanh lại vẫn
làm người, tu đạo lõa thể có tên là Korambhira. Còn bồ-tát thiện nghiệp tốt đẹp
đâu không thấy, lại sanh làm long vương có tên là Candaraka!
- Xin đại vương cứ cho nghe tiếp.
- Vâng! Sau đó, Đề-bà-đạt-đa vẫn làm đạo sĩ, có tên là Jalita, bồ-tát làm con
heo lớn có tên là Dacchaka!
- Tâu, vâng!
- Một kiếp nữa, Đề-bà-đạt-đa làm vua, có tên là Uparipa, bồ-tát của chúng ta
may mắn được làm người, dòng dõi bà-la-môn, có tên là Kapila.
- Tâu, vâng.
- Đề-bà-đạt-đa vẫn được làm người, có tên là Sàma, bồ-tát làm chúa loài thú
có tên là Uru!
- Quả đúng vậy.
- Đề-bà-đạt-đa vẫn làm người, là thợ săn tên là Surà-ma. Bồ-tát sanh làm
tượng vương? Tên thợ săn kia đã theo cưa sừng bồ-tát tới bảy lần!
- Thật là độc ác!
- Độc ác vậy nhưng kiếp sau Đề-bà-đạt-đa vẫn được làm vua, có tên là Lingàla.
Bồ-tát may mắn được làm người trí thức trong quốc độ ấy, có tên là Vidhura!
- Bần tăng biết!
- Còn nữa. Sau đó, không biết tại sao Đề-bà-đạt-đa sanh làm voi, dẫm chết
bồ-tát là con chim cút (đẻ trứng dưới đất).
- Tâu, vâng!
- Kiếp nọ, Đề-bà-đạt-đa lại làm vua xứ Brahmadatta, bồ-tát là hoàng tử, con
của đức vua ấy, có tên là Paduma. Đức vua Brahmadatta đã quăng hoàng tử Paduma
xuống hố sâu cho chết.
- Vâng!
- Đề-bà-đạt-đa ác độc thế nhưng tiếp tục làm vua có tên là Mahàpatàpa. Đức
vua ấy lại tìm cách giết con mình, là đông cung thái tử, có tên là Dhammapàla,
tức là bồ-tát của chúng ta.
- Vâng!
Đến đây, đức vua Mi-lan-đà chậm rãi nói:
- Người làm thiện được vui, người làm ác bị khổ - là hoàn toàn sai lầm. Qua
mười sáu ví dụ trên, rõ là bồ-tát luôn luôn bị quả báo đau khổ hơn dù ngài làm
việc đại thiện; còn Đề-bà-đạt-đa tuy làm ác nhưng vẫn nhởn nhơ sung sướng, vẫn ở
trên bồ-tát, nắm quyền sinh sát bồ-tát! Đại đức nghĩ thế nào?
- Chắc vẫn có kiếp hai người sanh thú bằng nhau, địa vị ngang nhau chứ?
- Vâng. Một kiếp Đề-bà-đạt-đa làm dạ xoa có tên là Adhamma. Bồ-tát cũng làm
dạ xoa, có tên là Sudhamma! Cái tên dẫu khác nhau, một bên là phi pháp (Adhamma),
một bên là thiện pháp (Sudhamma) nhưng cũng chỉ là thân dạ xoa thôi!
- Tâu, vâng!
- Có kiếp Đề-bà-đạt-đa làm người chủ thuyền có năm trăm tùy tùng, bồ-tát của
chúng ta cũng y như thế.
- Tâu, vâng.
- Kiếp kia Đề-bà-đạt-đa làm chúa đàn nai có tên là Sàkha, bồ-tát của chúng ta
cũng là chúa đàn nai có tên là Nigrodha!
- Tâu, vâng!
- Kiếp nọ, Đề-bà-đạt-đa là chủ buôn xe bò có năm trăm tùy tùng; Bồ-tát cũng y
như thế.
- Tâu, vâng!
- Thưa đại đức! Trẫm nghiên cứu tiền thân Phật không nhiều, nhưng chỉ đếm
được bốn kiếp ấy là quả báo bằng nhau mà thôi. Quả báo bằng nhau trong lúc thiện
và ác nghiệp khác nhau, không là điều đáng nghi vấn sao?
- Vâng, thế có kiếp nào đức Bồ-tát hơn Đề-bà-đạt-đa chăng?
- Không kể kiếp chót thành Phật - thì chỉ có hai kiếp.
- Cho xin nghe, tâu đại vương!
- Đó là một kiếp Đề-bà-đạt-đa làm tay thủ lãnh tên là Alàta, còn đức Bồ-tát
làm vị Phạm thiên tên là Nàrada!
- Tâu, vâng!
- Và kiếp áp cuối khi Bồ-tát đại thí bổ túc ba-la-mật làm thái tử Vessantara
thì Đề-bà-đạt-đa làm lão bà-la-môn ăn xin đến xin hai trẻ!
- Tâu, vâng!
- Còn kiếp cuối thì tương tự nhau thôi. Bồ-tát làm thái tử Siddhattha con vua
Suddhodana, Đề-bà-đạt-đa làm hoàng tử con vua Suppabuddha. Đề-bà-đạt-đa xuất gia
trong giáo hội của Đức Tôn Sư, đắc thế gian thiền, được ngũ thông, lại còn tìm
cách giết Đức Phật, chia rẽ tăng già nữa.
Như vậy, rõ ràng Bồ-tát sinh ở đâu, Đề-bà-đạt-đa cũng sinh ra ở đó. Và chức
phận, địa vị, sanh thú, tiền bạc, của cải, quyền lực của Đề-bà-đạt-đa luôn luôn
là ở trên Bồ-tát, luôn tìm cách giết hại Bồ-tát, làm khổ Bồ-tát! Còn các kiếp
Đề-bà-đạt-đa phước báu ít hơn hoặc ngang bằng thật không đáng kể. Nhưng các kiếp
ấy bồ-tát cũng có ở yên với Đề-bà-đạt-đa đâu, vẫn bị Đề-bà-đạt-đa làm hại, làm
khổ, bằng cách này hay cách khác!
Xin thưa, đại đức hãy giải nghi cho trẫm?
- Tâu, vâng! Đại vương, nếu đại vương có ở trên tay vài chục hạt cát, thì vài
chục hạt cát ấy so với cát ở sông Hằng thì thế nào?
- Không thể so sánh được, vì cát của sông Hằng là vô lượng, vô biên không thể
đếm được.
- Cũng thế là vài chục kiếp sống mà đại vương đưa ra so với vô lượng vô biên
kiếp sống mà bồ-tát và Đề-bà-đạt-đa trải qua. Đề-bà-đạt-đa không phải chỉ có làm
ác ở trong các kiếp mà đại vương nêu ra, ông cũng làm thiện rất nhiều. Có nhiều
kiếp ông làm kẻ thiện tâm, hằng giúp đỡ đến cho những người đói khổ. Vài kiếp,
ông làm chức xã trưởng đạo đức, hiền thiện... đã giúp cho địa phương ấy phồn
thịnh và hạnh phúc an vui. Đôi kiếp, ông cũng làm cầu, làm đường, làm nhà nghỉ
tạm cho thập phương, lập bệnh xá từ thiện, đào hồ nước và làm giếng nước ở nơi
công cộng. Lại còn biết cúng dường đến sa môn, bà-la-môn và bố thí cơm nước, vật
thực đến người hoạn nạn, cơ bần ... nữa.
Như vậy, các kiếp mà đại vương nêu ra, không phải là những kiếp nối liền,
nhân của kiếp này làm quả cho kiếp kia; ấy chỉ là một số kiếp hy hữu mà bồ-tát
và Đề-bà-đạt-đa gặp nhau, tạo oan trái với nhau. Như một con rùa mù ở giữa biển
khơi, lâu lâu, trăm năm, ngàn năm mới gặp được một phiến gỗ nổi, một bọng cây
nổi... Sự gặp gỡ giữa bồ-tát và Đề-bà-đạt-đa cũng hy hữu như thế. Bồ-tát gặp
Đề-bà-đạt-đa chỉ có vài chục kiếp, trong lúc bồ-tát gặp đức Xá-lợi-phất đến hằng
ngàn hằng vạn kiếp; khi thì làm cha con, anh em, ông cháu, bạn bè, thân quyến
... thật không thể đếm hết được. Như thế, bồ-tát trong các kiếp sinh tử quẩn
quanh, không những chỉ gặp Đề-bà-đạt-đa mà còn gặp Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên,
các vị trưởng lão ... nói chung, là cả hội chúng của ngài nữa. Ở đây gồm người
tốt, người xấu, kẻ thương yêu vừa lòng, người ngỗ nghịch ghét bỏ, hạng độc ác
khó dung, bậc thiện hiền đáng kính. Đủ cả. Ví như dòng nước từ non cao chảy
xuống biển khơi, đâu phải dòng nước ấy chỉ gặp những xác chết sinh vật hôi thối,
mà còn gặp đá sạn, củi rều, trầm hương, gỗ mục, cành lá, trái cây, chùm hoa,
rong rêu ... đủ thứ, đủ loại.
Làm thiện được quả báo tốt lành, làm ác bị quả báo hung dữ, ấy là định luật
nhân quả tất yếu không sai trật. Vì ta không thấy hết, không biết hết nên sinh
ra hoài nghi. Ví như kiếp Đề-bà-đạt-đa làm dạ-xoa tên là Adhamma mà đại vương đã
nêu ở trên. Dạ-xoa Adhamma là kẻ không trú trong pháp, là phi pháp (Adhamma),
hành trược hạnh và ác đức; tuyên truyền, hướng dẫn kẻ khác thực hành trược hạnh
và ác đức sái quấy như mình; hết kiếp ấy, dạ-xoa đọa địa ngục a-tỳ đến năm bảy
koti và sáu vạn năm. Cùng kiếp ấy, bồ-tát làm dạ-xoa có tên là Sudhamma, là
người trú trong pháp, khéo thực hành pháp (Sudhamma), làm việc thanh hạnh
và thiện đức; rồi khuyên răn, hướng dẫn kẻ khác thực hành thanh hạnh và thiện
đức như mình; hết kiếp ấy, dạ-xoa Sudhamma hưởng quả thiện báo ở cõi trời lâu
chừng năm bảy koti và sáu vạn năm.
Đại vương! Đơn cử một ví dụ như thế để đại vương thấy rằng: đã vô lượng kiếp
sau khi làm ác, Đề-bà-đạt-đa phải bị trả quả hung dữ, đau khổ như thường, nhưng
Đức Phật không thể kể hết đó thôi. Đừng vì không thấy hết, không biết hết mà đại
vương nghi ngờ định luật nhân quả rất công bằng và rất phân minh kia vậy!
Đức vua Mi-lan-đà im lặng giây lâu:
- Thế đức bồ-tát chuyên hành thiện mà sao vẫn bị quả dữ, thưa đại đức?
- Không, không phải vậy đâu. Bồ-tát tất là còn vô minh, phiền não. Còn vô
minh, phiền não thì tránh sao được những hành động sai lầm? Do vậy, ngài phải bị
trả quả đau khổ tương ứng với hành động sai lầm của mình. Đấy cũng là điều tất
yếu.
- Đã rõ, thưa đại đức!
135. Sự tà hạnh của người nữ?
- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý rằng: "Những người nữ trên
thế gian này dễ làm điều đê hèn, thấp thỏi, tà hạnh nếu như họ có đủ điều kiện
là thời gian, nơi kín đáo, có người đàn ông dụ dỗ, chọc ghẹo họ. Đừng nói là
người trai có sắc đẹp, khỏe mạnh mà người trai xấu xí, tầm thường, người nữ vẫn
bị quyến dụ như thường!". Có phải có điều ấy không ạ?
- Tâu, vâng!
- Nhưng khi thuyết về bổn sanh, nói về người vợ của bồ-tát Mahosatha là bà
Amaràdevi, lại không phải thế. Bà Amaràdevi dầu không có mặt chồng ở trong phòng
kín với người đàn ông dụ dỗ mình - theo kế thử lòng của bồ-tát Mahosatha - bà
vẫn không tà hạnh. Xem thế, lời tuyên bố ở trên của Đức Thế Tôn có quá đáng
chăng? Có hạ giá phẩm hạnh của người nữ chăng? Có đưa tay ra mà nắm cả bó đũa
hay chăng? Có nghiêng lệch về một phía bởi định kiến của mình hay chăng? Mong
đại đức giải nghi cho trẫm điều này?
- Tâu đại vương! Quả là Đức Thế Tôn có dạy rằng người nữ hành động xấu xa,
thấp thỏi khi hội đủ ba điều kiện: thời gian, nơi kín đáo và có người đàn ông dụ
dỗ, chọc ghẹo. Nhưng các điều kiện đưa đến phạm tội ấy cũng phải được hiểu cho
chính xác, nếu không đại vương sẽ hiểu lầm lời tuyên bố của Đức Đạo Sư!
- Xin đại đức giảng cho nghe?
- Tâu, vâng! Ví như điều kiện thứ nhất là "thời gian"! Đại vương hiểu
như thế nào về chữ "thời gian"?
- Có thể hiểu ngay! ví dụ như lúc rảnh việc, lúc không có ai thấy, lúc người
khác không nghi ngờ, lúc người chồng đi vắng, lúc ban đêm hoặc lúc có thể dễ
dàng nêu lý do vắng mặt v.v... nghĩa là vào lúc mà thời gian thuận tiện nhất. Có
phải "thời gian" là vậy không đại vương?
- Rất chính xác. Nhưng nếu có người nữ không cung kính chồng, không tốt với
chồng, không hề sợ chê bai, không sợ địa ngục, không biết thế nào là đúng pháp,
thế nào là phi pháp, không có tàm quý thì họ có cần điều kiện "thời gian"
như đại vương nêu ở trên không?
- Đối với hạng nữ nhân ấy thì lúc nào, thời gian nào họ cũng có thể tà hạnh!
- Vâng! vậy thì đối với hạng nữ nhân đầu, thời gian nghĩa là có lúc, có khi
thuận tiện; đối với hạng nữ nhân sau, thì thời gian dường như lúc nào cũng được.
Tất cả đều là nghĩa về "thời gian", tâu đại vương!
- Nó rộng nghĩa như vậy sao đại đức! Nếu thế thì có yếu tố "tâm" xen
dự vào đấy rồi!
- "Thời gian" đầu, ám chỉ cho hạng nữ nhân có tâm xấu ít. "Thời
gian" sau, ám chỉ cho hạng nữ nhân có tâm xấu nhiều, tâu đại vương!
- Thế còn "nơi kín đáo" là chỗ khuất mắt, khuất tai, không ai thấy
biết, phải thế không đại đức?
- Cũng không đơn giản như đại vương hiểu đâu. Chỗ mọi người không thấy, không
biết thì đúng rồi; nhưng nếu phi nhơn, chư thiên, quỷ thần hay biết thì sao?
- A! Té ra còn điều này nữa!
- Rồi lại còn các bậc đắc thắng trí thần thông, họ có tha tâm thông nên thấy,
biết thì sao?
- Vâng, vâng!
- Trở lại vấn đề. Bà Amàradevi, vợ của bồ-tát Mahosatha dẫu bị người đàn ông
dụ dỗ, có thời gian, trong phòng kín - kín với mọi người, nhưng không kín đối
với bà - nên bà không thể tà hạnh được, tâu đại vương!
- Bà còn là người tốt chứ không phải là người xấu như hai hạng nữ nhân ở
trên, thưa đại đức.
- Lại nữa, bà Amàradevi lại còn có người chồng tốt, trên thế gian không ai
bằng được, cũng là lý do chính đáng để bà không tà hạnh, tâu đại vương!
- Xin đại đức kể rõ cho nghe?
- Vâng, đức bồ-tát Mahosatha có đầy đủ hai mươi tám pháp ưu thắng sau đây:
Một là, dũng cảm, nhiệt thành.
Thứ hai, có sự hổ thẹn tội lỗi.
Thứ ba, có sự ghê sợ tội lỗi.
Thứ tư, có nhóm thiện hữu của mình.
Thứ năm, có sự thương yêu của bạn bè.
Thứ sáu, đức nhẫn nhục.
Thứ bảy, có giới hạnh.
Thứ tám, nói lời chân thật.
Thứ chín, có năng lực tâm lành bảo hộ.
Thứ mười là, không sân hận.
Mười một, không biết khinh bỉ người khác.
Mười hai, không ganh gỗ với người.
Mười ba là tinh tấn.
Mười bốn, vun bồi ba-la-mật.
Mười lăm, là người tế độ đại chúng.
Mười sáu, biết chia phần của cải cho mọi người.
Mười bảy, nói lời tử tế, hòa hợp.
Mười tám, thân hành dịu dàng.
Mười chín, nói lời nhỏ nhẹ, dịu ngọt.
Hai mươi, không kiêu căng, không khoe khoang.
Hai mươi mốt, không lường gạt, giả dối, không làm bộ làm tịch.
Hai mươi hai, hiểu biết các định luật tiến hóa.
Hai mươi ba, thông hiểu nhiều lĩnh vực (nghề nghiệp, làm ra của cải, biết
ngăn ngừa tai họa v.v...)
Hai mươi bốn, có thanh danh.
Hai mươi lăm, biết ban phúc cho người - nhất là biết săn sóc, chăm lo cho
những người đang nương tựa mình.
Hai mươi sáu, là người mà đại chúng mong mỏi, tin cậy.
Hai mươi bảy, có nhiều tài sản.
Hai mươi tám, nhiều chức phận cao quý trong xã hội.
Tâu đại vương! Với hai mươi tám phẩm chất cao quý ấy, bậc trí thức, hiền đức
là bồ tát Mahosatha là người tuyệt hảo của một ông chồng trong gia đình; là
người tuyệt hảo trong thôn lân, xã hội, quốc độ, không một người nữ nào không
coi là bậc lang quân lý tưởng; lại nữa, yếu tố "thời gian" và yếu tố "chỗ kín
đáo" không hội đủ, thì làm sao bà Amàradevi có thể bị dụ dỗ tà hạnh đươc, hở đại
vương?
- Đúng vậy, dẫu đàn bà xấu tâm, xấu nết cũng không thể phạm tội, huống hồ bà
Amàradevi là người đàn bà tốt, lại có được một người chồng như thế!
- Tâu, vâng!