Rilke và thơ hài cú


Thái Kim Lan dịch và giới thiệu
15/11/2011 16:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 63425
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LND – Lần đầu tiên khi tiếp cận với thể thơ Hài cú (Haiku) của Nhật bản, nhà thơ Rainer Maria Rilke (1875 – 1926) đã lập thức bị lôi cuốn vì vẻ đẹp dung dị và thuần khiết của thể thơ nhỏ bé, ngắn ngủi, ít lời nhất trong nền thi ca thế giới.


Trong thư gửi cho bà Guidi Noelke ngày 4.9.1920, Rilke viết về khám phá đầy ngạc nhiên và thú vị này:

“Bà có biết loại đoản khúc thơ (ba dòng) nho nhỏ của Nhật Bản, gọi là Hai kai?… Tờ Nouvelle Revue Francaise vừa mới đăng bản dịch của những bài thơ ấy, trong vẻ dung dị mà chín muồi, thuần chất không thể tả…”[1]

Một bài thơ hài cú (Haiku) của Nhật (Hình minh họa)

 

Chạm mặt đầu tiên với những vần Hài cú, trực cảm thi ca của nhà thơ về “khoảng trống”, “sự im lặng”, “cái rỗng không quá thực” như thứ “rỗng của tấm gương hay của một ví đựng tiền” đã từng bàng bạc trong ngôn thi của ông, trở nên tri giác rõ rệt về cách thể nghệ thuật đến từ tĩnh không, khổ hạnh ngôn ngữ, đến từ chiều kích đảo ngược, từ bỏ âm thanh, sắc màu:

… “Đó là một câu hỏi lớn về nghệ thuật, về tất cả mọi nghệ thuật… bao nhiêu quằn quại để cảm nhận được mảnh im lặng chen giữa những âm thanh trong một nhạc phẩm, một thứ im lặng thế tục… Và trong thi ca, biết bao nhiêu khoảng trống thực sự bàng bạc khắp nơi, giữa những chữ, giữa những đoản khúc cấu kết nên bài thơ…; sự thành công hiếm có và diễm tuyệt trong cách đưa một sự vật tưởng tượng vào trong một không gian thích hợp, có nghĩa hội nhập nội tại, như bà đã thực hiện, làm cho tôi nhớ đến những bài thơ Hai kai, những hợp thể nhỏ bé thi vị đã được những người Nhật bản sáng tạo từ thế kỷ thứ 15. Bà hãy tự mình phán xét về nghệ thuật này, mà người ta gọi là ‘một chấn động ngắn ngủi,’ tuy nhiên nó bắt người gặp nó dừng lại lâu hơn (…)”[2]

Dĩ nhiên “Hai kai” đã là một thử nghiệm ngôn thi thú vị cho nhà thơ đang ở trên bước đường sáng tác mang tính hoàn vũ không ngừng nghỉ với bất cứ một ngôn ngữ nào. Ba bài thơ Hai kai ba dòng của R. M. Rilke được xem như là những bài thơ đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật thơ Hài cú tiếng Đức. Với chúng, thơ của Rilke thường đem lại những chấn động bất ngờ làm người đọc dừng lâu.

Một số bài thơ Hài cú của R. M.Rilke gồm những bài bằng tiếng Pháp và tiếng Đức

I. Những bài có tựa đề “Hai-kai”:

Hài cú

Hừm, mang trái nặng hơn hoa
Nhưng đó không phải cái cây nói
Mà một người đang yêu

Hai-kai

C´est pourtant plus lourd de porter des fruits que des fleurs
Mais ce n´est pas un arbre que parle
C´est un amoureux

(R.M.Rilke, SW I I, S. 638)

 

Hài cú

Thiêu thân chập choạng huyên thiên từ bụi cây
Chúng chết chiều hôm nay và sẽ không bao giờ biết
Rằng xuân chưa đến

Hai-kai

Kleine Motten taumeln schauernd quer aus dem Buchs
Sie strerben heute Abend und werden nie wissen,
daß es nicht Frühling war

Hài cú

Giữa hai mươi thứ phấn
Nàng tìm một lọ đầy:
đã hoá đá

Hai-kai

Entre ses vingt fards
Elle cherche un pot plein: devenu pierre

(R.M.Rilke SW I I, S. 745) (viết vài tháng trước khi mất)

 

II. Những bài thơ ba dòng theo thể hài cú

1.

Tôi họa mi, tôi, mà em đang hát
đây. Tận trong tim tôi, giọng đó thành bạo lực
Không sao tránh khỏi

Ich bin Nachtigall, ich, den du singst,
hier. Mir im Herzen, wird diese Stimme Gewalt
nicht länger vermeidlich

(R.M.Rilke, SWI I, S. 61)

 

2.

Chúng đã muốn nở hoa
Và nở hoa là đẹp; nhưng chúng ta muốn chín
Có nghĩa thành tăm tối và khổ công

Sie wollten blühn,
und blühn ist schön; doch wir wollen reifen,
und has heißt dunkel sein und sich bemühen

(R.M.Rilke, SW I, S. 521)

 

3.

Sao, suối, hoa hồng, nhà,
và như luôn biết, càng nhiều tên
càng
không tên nào
nói đủ nghĩa hồng hoa

Stern, Quelle, Rose, Haus,
und wie er immer weiß, je mehr der Namen
kamen
es reicht kein Name je für ihr Bedeuten aus

(R.M.Rilke, SW I I, S. 477)

 

III. Những dòng thơ trên mộ của nhà thơ được xem là những dòng hài cú huyền diệu:

Hồng hoa, ôi mâu thuẫn trong veo, khoái lạc,
Là giấc ngủ của không ai dưới bao nhiêu
Bờ mi

Rose, oh reiner Widerspruch, Lust,
Niemandes Schlaf zu sein unter soviel
Lidern

(R.M.Rilkes Grabspruch)

 


[1] R. M. Rilke, thư gửi bà Gudi Nölke ngày 4. 9. 1920 trong Những bức thư gửi bà Gudi Nölke trong những năm ở Thụy sĩ, Paul Obermüller chủ biên, Insel-verlag, Wiebaden 1953, S. 63
[2] Briefe aus den Jahren 1914-1926, thư gửi bà Sophy Giaque (một nữ hoạ sĩ người Pháp-Thuỵ sĩ) ngày 26. 11. 1925

http://chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5815:rilke-va-tho-hai-cu-&catid=11:vanhoa&Itemid=15

Âm lịch

Ảnh đẹp