Trở lại với trà sớm cũng chỉ vì một vầng trăng!
Vầng trăng trên biển….trong "Vọng nguyệt hoài viễn“:
"Hải thượng sinh minh nguyệt,
Thiên nhai cọng thử thì“ (Trương Cửu Linh)
một cuộc trùng phùng bất ngờ, sau bao
năm, hôm nay đọc lại vầng thơ đã có lần tâm đắc, vui niềm vui cũng chẳng
khác chi gặp lại người tri âm.. Vầng trăng trên biển ấy, không rực rỡ
thu hút như "thương hải nguyệt minh châu hữu lệ“ (Lý Thương Ẩn), không
bồi hồi thao thức như "nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường“ (Nguyễn Du),
không làm giật mình giác ngộ như "nguyệt xuất kinh sơn điểu“ (Vương
Duy) mà là một vầng trăng mới, mới sinh ra, mới nhô lên từ biển cả, một
vầng trăng sinh tình, sinh cảm, nối được người bên này với người bên kia
– nói khoa đại thì nó là một vầng trăng có tính siêu hình với ý niệm
nhất thể, có khả năng "thiên nhai cọng thử thì“, chỉ cần nhìn trăng thì
gặp (hay tin là, hay hi vọng gặp) được kẻ đang chia chung trăng ấy với
mình bên chân trời góc biển xa xăm – Noái nghe như là noái "trạng“ nhưng
niềm vui thì có thực. Niềm vui gặp trăng hôm nay với niềm vui nhìn
trăng xuất hiện trên biển để cuối cùng đi vào giấc mơ tìm gặp người
trong mộng, tuy không tương đồng nhưng lại tương đắc, có lẽ ở một điểm:
cuộc tìm và gặp được một người chia chung tâm sự, như một ước ao hay như
một thực chứng.
Ðây là câu hỏi mà Phương Tú đã đặt ra từ
lâu, và tôi đã lỡ hứa sẽ trả lời câu hỏi về tri âm tri kỹ và đã nghĩ
chắc 100% rằng mình đang hứa cuội với một cô em gái dễ tin (may mà tôi
không phải là anh chàng họ Sở hay họ Don Juan, hú hồn Tú ơi). Mãi đến
hôm nay khi gặp lại vầng trăng hoài viễn ấy, niềm vui lẫn quẫn theo chân
như cho biết tôi đang tìm thấy câu trả lời… mà không cần phải ba hoa
như đã ba hoa viết như sau mà chưa gửi vì kẹt:
"Hình như trong đời, ai cũng muốn tìm tri
âm, tri kỷ, ai cũng muốn có người biết đến tiếng nói, biết đến nỗi lòng
của mình. Biết tiếng nói, biết nỗi lòng của ai là chấp nhận sự hiện hữu
của người ấy như một truy nhận bản thể hay tự tính của người ấy, từ đó
nỗi xa lạ giữa ta và người biến mất, ta ở trong tim của người và người
cư ngụ trong tim của ta, ta với người là một nhất thể, từ đó "tha nhân
là một nửa của tôi“, tôi không còn cô đơn, tôi không còn bơ vơ là kẻ lạc
loài, bị ngộ nhận, không còn là kẻ mãi hoài xa lạ trên cõi đời. Xa lạ
trên cõi đời có lẽ là cơn buốt giá mà con người từ khi rời khỏi vùng ấm
áp của lòng mẹ sợ hãi nhất, kinh hoàng nhất, cho nên con người cần hơi
ấm đến từ "người biết mình“, "biết tiếng mình“, "thấu rõ nỗi lòng của
mình“.
Nhìn tuyệt đối, tri âm tri kỷ không phải
là "sự biết kẻ khác“ qua phương tiện ngôn ngữ ước lệ của con người, mặc
dù ngôn ngữ là phương tiện bày tỏ để được hiểu, được biết, nhưng ngôn
ngữ cũng là nguyên nhân của sự ngộ nhận. Tri âm tri kỷ vượt giới hạn
ngôn từ, là một thứ tri thức trực giác "tâm truyền tâm“, nó xảy ra trước
khi ngôn ngữ lên tiếng định danh vị, nó là sự "lắng nghe“ nỗi lòng hay
tâm trạng của người đối diện mà không cần đến danh hiệu. Một sự "lắng
nghe“ bản lai diện mục đàng sau mọi ký hiệu truyền thông.
Bá Nha Tử Kỳ là trường hợp tuyệt hảo của
tri âm tri kỷ: Chung Tử Kỳ nghe tiếng đàn của Bá Nha đã biết được ý của
người diễn tả tiếng đàn. Sự lắng nghe là điều kiện của tri âm, hơi ấm
của trái tim nhiệt tình biết lắng nghe là nền tảng của tri âm. Mất hơi
ấm của sự lắng nghe là cõi chết. Bá Nha đập vỡ đàn khi Tử Kỳ chết, từ đó
sống cũng đồng nghĩa với chết nếu thiếu người tri âm tri kỷ.
Một tương quan bằng hữu cao quí vô song
và đẹp như một huyền thoại, đến nỗi phải hoài nghi về nó. Nói huyền
thoại, vì nó không thực, vì rất lắm khi "tha nhân“ chẳng phải là một
"nửa của tôi“, thường tình tha nhân là kẻ hiểu lầm tôi. Nếu tôi ho một
tiếng, có ai biết là tôi đang ốm vì cảm hay vì tôi đang cần có người đến
an ủi? bạn hay người yêu hay kẻ lạ? Và người ấy có biết tôi nhõng nhẽo
hay đang yêu thiết tha nên cần sự chú ý. Ta thường ước mơ có một người
bạn thấu rõ những ý nghĩ thầm kín nhất mà không cần phải nói ra một
điều, và lắm khi thất vọng vì người bạn đời hay người bạn bên cạnh chẳng
hiểu gì mình. Làm thế nào ta có thể hiểu người và người hiểu ta như hai
là một như một mà hai?
Có trường nào dạy tri âm tri kỷ hay
không? Hay chỉ có tòa án xử kiện, văn phòng cố vấn hòa giải tranh cãi,
kiện tụng, viện tâm lý hay cơ quan tư vấn cách vợ chồng ăn ở với nhau,
còn bằng hữu thì được xem như là một tương quan tùy tiện, tình
cờ?...trong lúc tình bạn có thể bền bỉ và trong sáng hơn tình yêu nhưng
đến chừng mực nào thì tình bạn hóa ra tình yêu???....
Tôi bỏ dở cuộc viết lách về tri âm này
trước thế kẹt không trả lời được những câu hỏi mà triết học gọi là câu
hỏi có tính giới hạn hàm chứa khả thể nghịch lý: tri kỷ tri âm có thể có
hay không, bạn trai bạn gái có thể là tri âm tri kỷ mà không phải là
người yêu hay không. Nếu trả lời có tất, thì sẽ bị bắt đền dài dài, hay
sẽ bị đi kiện dài dài vì tội xúi dại, nếu trả lời không thì cũng sẽ bị
chất vấn dài dài với tích Bá Nha Tử Kỳ, với Lưu Bình Dương Lễ, với người
này người nọ một thưở Thuấn Nghiêu…
Tôi đã treo công án tri âm lơ lửng lên
lên ngọn cây và tìm đường thoát thân bằng cách lờ đi, quên nó, học chước
thứ 37 là toan bỏ trốn…không nhìn lại đàng sau, dù đàng sau ấy là cô Tú
hiền lành chứ không phải là Ðại hồng thủy.
Rồi bỗng hôm nay gặp lại vầng trăng trên
biến "thiên nhai cọng thử thì“. Vui như được uống một chung trà với cố
nhân thân thiết, hoát nhiên thấy mình như kẻ lên đường học đạo… ( tri âm
tri kỷ) mà hành trang là một vầng trăng tròn đang lơ lửng trên đại
dương mông mênh, nơi đó ranh giới giữa ta với người không còn nữa, một
vầng trăng hội ngộ… xa gần có nhau.
T.K.L
* hay TRẠNG, tùy hỉ nóng nguội chén trà!