18/08/2010 14:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 10610
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi người trở về...

Thiền là gì ?

- Nơi ấy,

Cô đơn

biến thành

Dược đơn!*

Hình như người Huế nào cũng có một chút chi cô đơn trong hồn, nếu không nói người Huế thích cô đơn.

Cô đơn như một góc nhỏ hẩm hiu trong cái căn nhà xưa cổ ba gian hai chái có rất nhiều bóng tối, ở đó được dấu kín những gì rất nhỏ nhoi nhưng lại rất quí báu cho thân phận của một đời người Huế, có thể là một buồng chuối tiêu sắp chín, một chùm nhãn lồng vừa trẩy hay một trái thơm đầu mùa vừa hái trong vườn, hay một lá thư tình đầu tiên của tuổi mười sáu, hay một cái lược chải tóc, một cái bát cổ, một cái kẹp tóc hình con bướm, một thỏi son môi chưa bao giờ thử ở trong đời... Nói tóm, tất cả những gì không phải chỉ thuần là vật chất mà là những gì dính líu đến 'chữ tình' theo nghĩa rộng và hẹp đều được người Huế 'cất' nơi cái góc buồng tranh tối tranh sáng cho riêng mình, nơi nỗi cô đơn.

Đối với người Âu Mỹ, hai chữ 'cô đơn' nghe như một bản án tử hình của một đời người. Người Âu Mỹ sợ cô đơn như sợ thần chết nên họ rất cần sự náo nhiệt đông đúc. Cô đơn đối với người Huế  lắm khi cũng nguy cơ như một cơn nước lũ của sông Hương ồ ạt tràn bờ, có thể cuốn hết sạch mọi của cải, để còn tay 'không', nhưng tuồng như người Huế có một sức chịu đựng lạ kỳ để có thể ngồi trên cái không trơ trọi, tay không ôm tay không như một cách đối diện với cô đơn chính mình để tìm ra lẽ sống cho ngày mai...

Nhiều năm tha phương ở xứ người, có lẽ cái làm cho người Huế nhớ Huế không phải là quá khứ huy hoàng hay những gì hùng tráng của một kẻ khoa danh đỗ trạng, võng lọng xênh xang, mà là bóng tối mơ hồ đầy bí ẩn của căn nhà âm thầm trong ánh nắng chói chang, nơi góc tâm hồn lắng xuống để 'ta trở về với ta' ấy.

Đừng tưởng rằng chỉ có người tha hương mới 'cô đơn lữ thứ', ai có Huế là quê hương mới thấy ngày trở về lắm khi là một chuyến hành thâm cô đơn...

Tang thương ngẫu lục, kẻ mất nguời còn, bao nhiêu đau thương nơi chốn 'nước non ngàn dặm' vơi đầy làm cho lời thề một đi không trở lại đối với người xa Huế lắm khi càng thêm cay độc, làm cho ngày về nhiều khi trở thành mối hận nghiến răng chau mày, nếu không có những giây phút hành thâm cô đơn ấy, nơi mà tôi bất gặp lại tôi trong một vài giây tĩnh lặng ngẫu nhiên như khi bắt gặp một giọt nắng trên vai áo, một thoáng gió đến từ bờ sông, một thoáng hương hoa cau, hay một vị chát của trái vả, những giây phút ngắn ngủi ấy đã đưa tay dẫn tôi trở lại nẻo đường xưa, đã làm giảm đi tâm trạng của kẻ trở về, gần đến quê nhà sau bao năm xa cách bỗng lo sợ vẩn vơ, gặp người làng mà không dám hỏi:

Cận hương tình cánh khiếp,

Bất cảm vấn lai nhân. (Tạp Thi).

 

Nắng!

Dù cho có ngồi đó, trong chiếc ghế kiêu sa của khách sạn, hai mắt nhắm nghiền, cũng vẫn thấy ánh nắng chấp chới ngoài kia. Một ngày nắng mới reo vui trước ngõ sau nhiều ngày mưa ở Huế. Có lạ chi những ngày như thế trong thành phố này từ thuở sơ sinh, không cần nhìn cũng thấy! Những ngày khí trời bỗng nhẹ như tơ làm cho con người sau những ngày mưa túng quẫn chỉ chực vụt bay lên không lượn quanh khắp cả phố phường. Đồi núi cỏ cây sông ngòi hồ ao bỗng trở nên trong suốt trong thứ ánh sáng thủy tinh kỳ lạ, trong đến nỗi không thể cắt nghĩa được vì sao, vì màu mắt trong hay ánh sáng trong veo không một chút bụi trần mà mưa Huế ngày này qua ngày khác đã dùi mài thanh lọc? Có ai muốn bay với nắng hôm nay như tôi ngày trước?

 

Gió

Bỗng dưng phải ngồi nơi nhà hàng nổi như một người khách xa lạ với những người khách xa lạ để nhìn sông. Gió sông Hương vẫn đùa với sông Hương trò chơi sóng nước bấp bênh từ thuở giòng sông biết uốn khúc. Nắng chiều u minh nhạt nhoà làm cho sông dài trở nên nỗi nhớ của trời xa. Gió lộng miên man dồn sóng vỗ không ngừng đến nỗi không biết bờ để đến. Sông là ánh nắng chảy dài vội vàng vô tận. Người nhìn bỗng thấy khát khao được ở một mình, được không nói một lời gì, được không là chủ nhân mà cũng chẳng là thượng khách, chỉ muốn lắng nghe sóng lao xao, mãi mê theo tiếng kim ngân màu nắng vàng nắng bạc lanh tanh lấp lánh trên sóng dạt dào, chỉ muốn nghe gió vi vu thao túng bốn bề mây nước và chỉ còn một thèm muốn duy nhất: được sà mình trên sóng để được sóng đong đưa như một thời nghe tiếng ru của mẹ, để được trở về lặng lẽ nơi góc nhà một mình tôi ngồi với tôi.

 

Trăng Khuyết

http://hoangphu06.vnweblogs.com/gallery/9750/c%C3%A0u%20Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20ti%E1%BB%81n.jpg

Ai đã qua cầu Trường Tiền thuở ấy mà không một lần ngả nón bồi hồi nhìn chiều xuống trên sông? Xưa có bao nhiêu người chết đuối dưới cầu mà cầu là chứng nhân của những cuộc tuẫn tiết vì tình vì hiếu vì trung? Nay phải chăng chiếc cầu một thời cho người 'ngả nón' cũng đã trầm mình vì tuyệt vọng? và chiếc cầu giờ đây hiện ra như một cái xác không hồn?

Hôm nay qua cầu, làm sao dừng lại trên cầu để không bị xe tông hay bị xô đẩy? Có một phút nào có thể tìm lại tà áo bay và tiếng cười khúc khích trên cầu? Từ một nơi nào trên bờ sông đứng nhìn vọng về có thể ngưỡng mộ như đã bao lần màu nhũ bạc kiêu sa của chiếc cầu tâm ảnh? nghe nhiều tiếng thở dài thất vọng, nhiều lời diễu cợt, nhiều câu mỉa mai tội nghiệp cho chiếc cầu. Nhưng có ai biết rằng cầu Trường Tiền dù có chết đi vẫn dành cho Huế một chữ 'Tâm' trong những đêm tối trời mù mịt sơn hà? Có người nào có thể làm kẻ hành khất nhịn những buổi nhìn trăng 14, 15, 16  ở Huế đã từng được ngợi ca như một kho vô tận của đất trời, để khổ hạnh nhìn một vừng trăng khuyết lơ lửng trên bầu trời đen thẳm như một con thuyền nhỏ bé trên đại dương mênh mông?

Trăng non vẽ một nét sáng thanh tao trên nền trời mực tàu như một hơi thở mong manh của ánh sáng đang dành sức sống cho mình. Có phải vầng trăng khuyết ấy là mảnh hồn của một vòm cầu thoát xác bay trở lại trời? Trong bóng đêm sâu hun hút trăng non xanh xao yếu đuối như một cô gái liêu trai vừa mới được thổi vào một chút sinh khí của người mê trăng, chao đảo giữa 'vừa yêu vừa chết', ẻo lả như một ngọn lá trong gió, xanh xao vô tận đến độ mâu thuẫn phi lý với chính hiện hữu của mình. Không có gì cô đơn hơn mảnh trăng non trong đêm dài trên sông Hương, trăng rằm trăng mười sáu tràn đầy sức lực, oai phong ngự trị cõi đêm, lộng lẫy huy hoàng. Trăng non nhỏ bé yếu ớt tội nghiệp đến nao lòng 'Một vừng trăng khuyết ba sao giữa trời.' Nhưng kỳ diệu làm sao! Bầu trời càng đen hơn mực thì ánh sáng mong manh của trăng lại càng ngời ngợi. Trăng non huyền diệu đầy ma lực thu hút của một điểm sáng duy nhất trong bóng tối bao la, nó trở thành lời cầu nguyện của nàng Kiều trong những phút cô đơn nhớ người yêu, là giọt mắt long lanh của đất trời Huế, nó là sự đối nghịch đầy thách đố tuyệt vời của tất cả những ý niệm hư vô tuyệt vọng. Nó là nhịp cầu nối bờ cô đơn với niềm cứu rỗi, là hóa thân của chiếc cầu nhũ bạc đa tình đa đoan đã một thời bắt qua sông nối những mối tình non nước.

 

Đường Cũ

http://www.nhohue.org/thienu205.jpg

Làm một kẻ lạ mặt đi theo phái đoàn trên con đường Kim Long - Linh Mụ sao mà khó thế! Đất ấy đá ấy đã chứng kiến bao cuộc vui buồn. Cỏ cây bên đường còn tỉ tê kể lại chuyện cô gái Kim Long xinh đẹp trốn vua Thành Thái, sợ bị bắt đem về nhốt vào cung. Cô gái nào mà lại ngược đời đến thế? Có phải cô đã yêu một chàng trai Xuân Hòa? Những mối tình, những cuộc vui, những đọa đày, tang tóc, giết chóc, yêu thương, nghèo đói, ngựa xe đã hằn dấu trên đoạn đường gian khổ, gập ghềnh ấy. Hôm nay con đường xơ xác phơi trần sự nghèo khổ gay gắt đến phải 'kêu trời' không còn sức để chịu đựng. Con đường sẽ biến thành con đường đau thương đày đọa nếu không có con sông Hương đang hiền hòa chảy theo mãi miết một lòng, đi đến đâu sông thoa dịu vết thương đến đó làm cho cuộc đời không còn cay đắng như đã cay đắng một thời. Có lẽ sự vĩnh viễn đáng ngợi ca của sông Hương là tấm lòng mát dịu của sông đối với đôi bờ bốn mùa vẫn cứ xanh tươi những luống rau, vườn bắp, giàn mướp, hoa dại ngũ sắc, hoa mâm xôi... mặc cho những trầm luân não nề của thế sự.

Có một màu xanh của núi đã an ủi người về. Vườn cũ tiêu điều, người xưa không còn nữa, chỉ có hoang tàn và những kẻ xa lạ trên đất xưa, có người chạy trốn nỗi đau thương hải, thề sẽ không bao giờ đặt chân lên mảnh đất cố viên, hình như người ấy đã quên đàng sau lưng mình có một kẻ trung kiên đang đứng đó. Xưa và nay đã có những buổi chiều núi đợi người trở lại nơi khúc sông quanh đồi Linh Mụ.

Đắm chìm nhìn núi có lẽ là một trong những giây phút hành thâm cô đơn sâu thẳm nhất.

'Chỉ một mình ta với núi Kính Đình' và một đám mây cô đơn như Lý Bạch đã tả. Lý Bạch còn chưa thâm sâu có lẽ vì chưa thấy màu xanh của núi Kim Phụng đứng bên bờ sông Hương. Màu xanh chảy từ một nguồn suối nào đó trong rừng thẳm, giao hợp với con sông vừa xuôi về, tạo nên một không khí huyền hoặc ảo mộng, một màu xanh thủy mặc khó tả giữa những màu khói chiều, lục thủy, xanh cây pha lẫn với màu ráng đỏ và một ít hơi sương của miền nhiệt đới. Một màu xanh u thẳm không thể tả bằng lời, chỉ có thể nắm tay người mời người chiêm ngưỡng, mời người chìm đắm hoàn toàn trong một vũ trụ giữa mộng và thực, từ đó một lòng theo về quy phục màu xanh bạt ngàn của núi và giác ngộ được ý nghĩa của thân phận con người Huế.

 

Qua bao đau đớn ê chề luân hồi muôn kiếp, hình như con người ở đây thường được cứu rỗi bằng những giây phút đắm chìm trong tâm cảnh. Có một nguồn suối thiên nhiên ở chốn nghìn năm mây nước là Huế cứ chảy mãi, như giòng sông mà Hương giang là mảnh minh kính của bóng dáng ngũ uẩn, núi Kim Phụng là tâm thức kỳ diệu thâm sâu, ở đó trong giây phút thực sự tĩnh lặng cô đơn con người gặp lại bổn lai diện mục của chính mình.

Huế, tiết Đạp Thanh 2002.

(Viết lại từ bản tiếng Đức 1995).

 

2

HUẾ vào THU

 

http://www.thpt-haibatrung-tthue.edu.vn/shareupload/goctraodoi/autumn.jpg

Huế đang vào thu! Những bước đi vào mùa của Huế thật là lạ lùng, bất chợt, làm cho mỗi giác quan của con người cứ bối rối ngẩn ngơ, không biết đón nhận buổi giao mùa bằng một thứ tình chi cho vừa lòng kẻ đến.

Buổi sáng mai trời mù trong sương, sông núi cỏ cây nhoè đi trong hơi nước huyền hoặc lãng đãng đến từ dãy núi Kim Phụng, tưởng như từ đây màu nắng sẽ vĩnh viễn phai dần, báo hiệu mùa thu đã về, nhưng xế trưa trời bỗng hửng lên một vài sợi nắng le lói trên từng không, chói chang đến nỗi làm cho trái bưởi nám hồng cả đôi má tròn.

Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc 'đổi trời', tưởng như từ đây mưa thu sẽ ray rức không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt, như một nỗi nhung nhớ mùa hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc mai.

Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu thu của Huế, như một nỗi bấp bênh! Đang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím! Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt 'lòng rộng không che'! Huế đang say đắm rực rỡ với chiều vàng trên sông Hương, bỗng nhiên não nùng rũ rượi trong màu xanh thủy mặc trên những con đường cây lá giao nhau trong Đại Nội. Huế suốt một ngày mây xám vần vũ xao xuyến cả bầu trời tháng tám, tưởng 'trăng lạnh đầu non' không bao giờ 'trở lại', bỗng đâu nửa khuya trên gối đầy ắp ánh trăng liêu trai, vằng vặc, quyến rũ và mê hoặc như một tình nhân bí mật không hẹn mà về.

Hãy đừng tin chi vào chút nắng trên hàng cau nơi thôn Vỹ! Một buổi sáng trời trong như ngọc, trái tim chưa kịp reo vui với nỗi mong đợi một ngày đầy nắng ở nơi đây - nhất là cho những kẻ đã quen sống theo 'thời khoá biểu' thường hằng ở phương Tây - chưa chi đã nghe đâu đó trong thoáng gió bay về hơi nước của cơn mưa đang ào ạt nơi cầu Bến Ngự. Cũng đừng vui hay buồn chi với cơn mưa buổi sáng nơi đường Ngự Viên, tưởng như cầm chân được ai đang dứt áo ra đi thành người ở lại nơi đây vĩnh viễn. Chỉ chưa đầy một chút quay lưng ra áo, nắng đã lên, lấp lánh ngoài sân, quí giá như vàng ngọc, mời gọi ra ngõ, rủ nhau đem áo ra phơi ngoài dậu, thúc dục kẻ hành nhân rảo bước...

Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng dục giã của thời gian đang nhuộm lần sắc nhớ...

Tôi đã về Huế hơn một lần mang theo ý niệm trung thành tuyệt đối với những bóng hình ngày cũ, với Huế ngày xưa, với nỗi nhớ nhung mùa thu cũ và với TÔI hôm nay như những gì 'xưa và nay' không thể lay chuyển, đổi thay.

Tôi đã muốn đi tìm một vầng trăng Trung Thu thật tròn thật sáng thật trong nơi đồi Vọng Cảnh, như  một 'vầng trăng từ độ'... mãi hoài là một vầng trăng 'đêm đêm bến cũ', nhưng thường được những cơn mưa tháng Tám bất chợt làm ướt áo đợi chờ. Trăng thường không lên như  nắng gió trong ngày đã hẹn, cứ để cho người háo hức những mong ước thần tiên của thời thơ ấu, để rồi đùng đùng sấm chớp mưa sầm sập đến rửa sạch mọi ảo ảnh chờ mong, dồn nén nỗi thất vọng vào trong giấc ngủ. Thế nhưng có những khoảnh khắc không chờ không đợi trăng lại về... trong ngần và sâu thẳm như đôi mắt người xưa!

Tôi đã muốn tìm lại 'Thu Vàng' khi trở về nơi đây để 'nhặt lá vàng rơi' như một thời đã hát, nhưng ngỡ ngàng nhận ra mùa thu nơi đây không vàng mà xanh mướt lá cây như màu ngọc thạch nằm trong giếng nước sâu của Trọng Thủy. Để nhận chân hơn một lần 'tiếng thu xào xạc' với 'nai vàng', với 'lá vàng khô' thời trước chỉ là âm vang 'màu thời gian' điểm xuyết cho 'mùa thu xanh' của Huế thêm một chút bâng quơ huyền thoại, thêm một lần vu vơ cho những tâm hồn nhạy cảm thuộc lứa tuổi hai mươi. Ai có về Huế trong buổi giao mùa mới thấy được màu thu xanh của Huế nơi những cây bàng, cây khế, cây me, cây phượng, cây chuối, cây muối, cây sầu đông, lá cứ xanh mãi một màu hồ thủy, 'lá không vàng lá không rụng, lá lại thêm xanh'... ấy là mùa thu mới về...

Tôi đã muốn tìm về giòng sông Hương với 'Chiều Tím' thẳm sâu, ghi khắc mối tình sông núi thủy chung, khi đứng từ cầu Trường Tiền nhìn lên nẻo sông xa vắng in bóng núi im lìm. Con sông mênh mang lưu luyến ánh mặt trời đang chìm dần sau bóng núi bỗng trở thành một gái làng chơi đưa khách với những lời ca vụn vặt, với son phấn vội vàng, với om thòm trống phách nửa vời. Màu tím của sông, chút lòng trung kiên vĩnh viễn của Huế, phôi pha như một giấc mộng cố nhân, mỏng manh như một thoáng hơi sương thu, chỉ còn lãng đãng trong hoài niệm và đợi chờ...

Những khi nắng lên, những khi mưa về bất chợt, Huế vào thu đã không dành cho tôi một ý niệm, một hình ảnh cố định nào để con tim chiều theo một nhịp. Buổi giao mùa của Huế cứ giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhận chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó, mất hút nẻo đi về, và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của trăng, của sương, của mây, bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng giọt mưa rơi, nơi từng rung động của lá, nơi từng câm nín của ánh  trăng... nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của Huế đầu thu.

Ai muốn biết vô thường của cuộc đời là chi, hãy đến Huế khi gió mùa đang chuyển...

Huế, Trung Thu 2001.

Thái Kim Lan

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp