Chất Huế


Phạm Minh Hiền phỏng vấn GS Thái Kim Lan
23/12/2011 08:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 97603
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chất Huế là chi? Hỏi chi mà khó rứa? Làm răng mà trả lời? Hai câu hỏi ngược lại trên không phải là “làm bộ” mà cũng là Huế thiệt tình. Huế là hay hỏi lại và chính trong sự “hỏi lại” này chất Huế được bộc lộ. Trước hết tra hỏi, hoài nghi là một thứ duyên có chiều sâu chứ không nông cạn hời hợt. Chất Huế là sự kín đáo,


một chút tư thế phản tĩnh về hiện hữu đời thường, và ý muốn gìn giữ chiều sâu của tâm hồn, sự trang trọng nét đẹp tinh thần, và… cả sự nghịch lý “Huế cười mà rơi nước mắt”, lạc quan và bi quan, quí trọng đức hạnh (thiện) nhưng cũng say mê lý tưởng mỹ, chân. Tưởng câu ấy là đùa, nhưng là thật, thật như trời Huế hay mưa, càng mưa nhan sắc Huế càng thanh cao đậm đà, có cay nghiệt về không gian thì nếp sống thường nhật trở nên “nết na” cẩn trọng.


Do đặc trưng văn hóa của đất Thần Kinh khiến con gái Huế thời của cô “rất Huế” như rứa hay do sự giáo dục của gia đình ạ? Thế hệ của cô, con gái được giáo dục, dạy dỗ như răng (về ăn mặc, nói năng, phong thái, đi đứng, tề gia nội trợ, ngay cả chuyện yêu nữa...)? Con thấy nét Huế, phong thái của các cô Đồng Khánh khác con gái Huế bây chừ, có phải do sự tác động của xã hội và sự giáo dục của gia đình khác chừ không cô?

Hiển nhiên khung cảnh, điều kiện xã hội, văn hoá của cố đô Huế cộng thêm giáo dục gia đình còn giữ nề nếp truyền thống là hai yếu tố chính tạo nên “bản sắc” Huế của các thế hệ thập niên 40, 50, 60, 70. Tính chất văn minh, văn hoá của kinh đô – dùng hai chữ Thần Kinh - trong trường hơp này rất đúng vì nó nhấn mạnh đến một thái độ sống kính cẩn đạo lý và tâm linh, hướng đến sự cao quí của tâm hồn. Chính cái khung cảnh tiểu gia đình và đại gia đình với dây liên hệ rất mật thiết “kẻ đi trước làm gương cho người đi sau”, nhấn mạnh đến đức hạnh của người phụ nữ (dĩ nhiên luôn có những trường hợp cực đoan, giả dối), kiểm soát cách ăn mặc (cho chỉnh tề và đẹp, chứ không phải tinh thần đồng phục), nói năng giữ gìn (nhiều khi có tác dụng phản là bề ngoài), đi đứng thanh nhã, khéo léo nội trợ. Và giáo dục yêu thương nghiêm khắc, cũng có những chuyện oan trái nhưng đều có sự giám sát của gia đình. Tuy nhiên, giáo dục luôn đi kèm với tự nguyện (cá nhân) và sức hút của trào lưu xã hội. Nếu xã hội không có một khung qui luật truyền thống thì giáo dục sẽ không thành công. Thế hệ của cô đã nằm trong làn ranh của tranh chấp mới cũ, nhưng theo cô nhận định thì sự dung hoà vẫn được thực hiện. Về ăn mặc, cái áo dài là bản sắc, chứ không phải là thời trang như bây giờ. Ai nói áo dài bất tiện? Các cô nữ sinh thời ấy vẫn chạy nhảy và tung tăng với nó. Chính tư tưởng cho nó là bất tiện đã làm trở ngại chứ không phải là cái áo dài. Vấn đề thời trang nếu có dịp cô sẽ đề cập một lần khác.

Theo cô, vì răng ngày xưa các nữ sinh Đồng Khánh lại hội tụ tất cả những đặc trưng rất Huế như rứa?


(Cười) Thì tại rứa chớ răng! Thì tại Huế là xưa mà, không xưa thì không Huế, đó hầu như là… định mệnh, tại Huế rứa thì mấy cô rứa. Đùa thêm một câu nữa: thì tại mấy cô thủ cưụ đó mà!!! Nói đùa thế mà nói thiệt. Thủ cựu không phải là dở, tỉ như say mê đồ cổ, tại sao? Tại vì nó đẹp, nó có giá trị, nó hàm chứa dấu vết của cả một lịch sử văn hiến dài lâu. Và người phụ nữ Huế nhạy cảm nhất là về “cái đẹp”, tinh thần lẫn vật chất. Vì thế mà Huế “chay” còn hơn Huế lai căng. Người Huế ít thích bắt chước vì tự hào về gia sản truyền thống văn hoá của gia đình cũng như của đất Thần Kinh là nơi sinh thành của chính mình.

Thái Kim Lan và bạn học thời Đệ nhất, Đồng Khánh


Những đặc trưng, tính cách Huế mà các cô vẫn lưu giữ đến nay?

Là rứa rứa! Vẫn mê sông Hương núi Ngự, chùa Linh Mụ, biển Thuận An, vẫn thương trời mưa, vẫn háo hức vì hoa cau buổi sáng và dạ lan buổi chiều,vẫn lòng từ bi với chùa chiền quê xưa, có nghĩa sự nhạy cảm dành cho mảnh đất Thần Kinh vẫn không cạn, vẫn muốn hát một bài hát với tất cả tâm hồn, vẫn giữ những tà áo đẹp, vẫn làm thơ, họa  để di dưỡng tâm hồn và trang trọng nhân cách của mình và nhất là vẫn thích nấu ăn thật ngon cho cả gia đình. Và có lẽ một cố tật: vẫn cười mà rơi nước mắt với trời mưa!

Tất cả những điều ấy cần phải có dấu trừ - bởi vì nguy cơ cực đoan, gây giả tạo là có chứ không phải cái chi cũng tốt hết!

Các cô giữ gìn nề nếp gia phong, dạy con cái (nhất là giữ chất Huế cho con gái mình), giữ nét Huế trong gia đình mình như thế nào ạ?

Làm răng mà giữ “chất Huế” cho con cái được, hỏi hơi… tào lao đó nghe, làm như chất Huế là một thứ “gene” không bằng!!!

Đề tài giáo dục con cái là một đề tài lớn, không thể nói hết ở đây được. Tuy nhiên một trong những yêu tố quan trọng trong giáo dục như trên đã nói là khung cảnh gia đình và truyền thống gia đình, trước hết những phần tử trong đó là những mẫu mực hay là tấm gương (không lời) cho người trẻ noi theo, trong một gia đình có nề nếp thì con cái đưọc may mắn tiếp cận để bắt chước. Ngoài ra cần truyền đạt và hướng dẫn bằng lời nói để con cái biết rõ hướng đi, sẵn sàng nói chuyện và khuyến khích bày tỏ. Chúng ta không muốn con cái theo “Huế” như cái máy mà phải để chúng khám phá ra đặc trưng (dĩ nhiên qua hình ảnh và nếp sống của chúng ta). Việc này cô có đề cập đến trong cuốn sách sắp xuất bản “Thư Gửi Con”. Theo kinh nghiệm của cô, thì việc kể cho con nghe những điều hay đẹp tốt của truyền thống gia đình và của quê hương giòng họ là cách gợi ý cho người trẻ chú ý và có ý thức về cuộc sống chung quanh và qua đó gầy dựng nhân cách của mình.



Làm răng cô giữ được chất Huế trong mình như vậy khi sống xa Huế những 40 năm trong môi trường văn hóa phương Tây?

(Cười) Câu ni ai cũng hỏi. Có thể nói tất cả những điều trên đều có thể dùng để trả lời cho câu hỏi này. Nhưng có lẽ có hai điều nên nói rõ: Trong bản chất cô là một người hay đặt câu hỏi chứ không đơn giản là một người chấp nhận thụ động. Ngay cả khi sống trong môi trường Huế, cô cũng đặt câu hỏi để tìm cho mình một thái độ do chính mình chọn lựa và thành tâm thực hiện, mà không đạo đức nửa vời. Trong quá trình nghi vấn, mặc nhiên những vấn đề mà mình nghi hoặc cần được hiểu nhiều hơn. Có thể nói bề mặt nhất thời cô nghi ngờ nhưng sự bị thuyết phục vì Huế đã hình thành trong tâm… một khi đã “huế” thì Huế rặc là vì rứa chăng?


Điểm thứ hai khi có khoảng cách với quê hương, sự nhận diện mình càng rõ hơn, và sự khám phá kho tàng quí báu cuả truyền thống gia đình cũng như của nơi chốn sinh thành càng có chiều sâu, hoài niệm quá khứ là một tâm trạng không thể thiếu của người đi xa. Và từng chút từng chút của quê nhà được nâng niu. Đó là điểm tại sao cô nói, cái áo dài Việt Nam đối với cô là bản sắc, và cô đã đi tìm từng chiếc áo dài xưa của bà của mạ của họ hàng để ngắm nhìn từng màu sắc, đường kim mũi chỉ, càng ngắm càng thấy chúng đẹp và càng thấy như đang nói chuyện với cả lịch sử những con người thời trước. Từ đó hình như cô trở nên xưa hơn cả Huế. Và mâu thuẫn Huế vẫn còn trong cái con người đang sống hội nhập thành công ở xứ người: Huế thiệt Huế mà không Huế chút mô hết! Một mâu thuẫn đáng được kể là thứ 11 trong danh sách Huế thương (đã có bài ca Huế mười thương) phải không?

Bây chừ các cô Đồng Khánh đã lớn tuổi, có người lên chức bà nhưng các cô vẫn giữ được nét dịu dàng, duyên dáng, đôi khi con thấy cả hồn nhiên, tinh nghịch... Vì răng các cô lại giữ được sự dễ thương đó như thuở học trò ngay khi đã về già? Sự gắn kết nào khiến các cô vẫn duy trì gặp nhau để cùng nấu nướng, trò chuyện, hát cho nhau nghe... thường xuyên như vậy? Y như một CLB Đồng Khánh?

Câu trả lời đã nằm trong câu hỏi của em rồi!

Chỉ một chút về điều này: Huế không khác với những nơi khác, ôn lại hoài niệm là một nét của đời sống hiện tại. Người ta nói Huế sống với quá khứ hơn hiện tại, nhưng chính quá khứ đó cũng là Huế ngày nay. Giữ gìn Huế mà vẫn trẻ, hình như đó cũng là nét tự tin của Huế về quá khứ của mình. Các cô chỉ muốn Huế xưa của mình vẫn trẻ và không mai một.

Cô thấy chất Huế trong con người Huế, đặc biệt là phụ nữ Huế hiện nay như thế nào ạ?

Nhìn học trò đi học trong áo dài trắng, cô vẫn nghĩ là các em đang sống quãng đời đẹp nhất của đời người, nghi vấn vẫn là sự ảnh hưởng của môi trường chung quanh, đang trên đà tân tiến hóa không chọn lọc, tệ nạn nhũng nhiễu xã hội và suy thoái đạo đức, khuynh hướng quá thực dụng của những bậc đi trước có thể tiêu cực lên ý thức thanh thiếu niên. Hiện trạng rõ rệt trên đường phố: thời trang hỗn độn (ngay cả những người lớn tuổi cũng đơn giản hóa cách ăn mặc, nhiều khi không đủ kín đáo một cách vô thức), đi đứng vô trật tự, cách hành xử trong giao thông quá ấu trĩ.

Huế muốn là một thành phố văn minh tiên tiến thì con người Huế cần được hướng dẫn có kỹ cương dù xưa hay nay. Ý thức về nữ giới cần được đặt ra trên một nhãn quan khác, chứ không phải chỉ chú trọng đến sắc đẹp (cẩu thả) bề ngoài, theo tiêu chuẩn thi hoa hậu mọi cỡ, mà chú ý đến đời sống tinh thần, sức mạnh tự tin của người phụ nữ. Chính cái đẹp tinh thần phản ảnh nhân cách phụ nữ. Nhất là phụ nữ Huế đã một thời tiêu biểu.  

 nguon: http://chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5861:chat-hue&catid=11:vanhoa&Itemid=15

Âm lịch

Ảnh đẹp