Phật Thành Đạo


Thích Thái Hòa
09/12/2010 17:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 4908
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật không có thành đạo, vì sao? Vì Phật là đạo và đạo là Phật.
Ngoài đạo không có Phật để thành và ngoài Phật không có đạo để chứng.
Thế thì tại sao, hàng năm vào ngày mồng tám tháng chạp âm lịch, Tăng
Ni Phật Tử Việt Nam thường long trọng tổ chức kỷ niệm ngày lễ Phật
thành đạo nhỉ?



Với câu hỏi ấy, ta có thể trả lời với những ý nghĩa như sau:

1- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ thành Phật:

Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa sau những
tháng năm dài xuất gia tu tập đã tự mình nỗ lực đoạn trừ hoàn toàn các
lậu hoặc, từ thô đến tế và đã chứng nhập thể tính chân thực của đạo
giải thoát và giác ngộ. Ấy là ngày Bồ tát Tất đạt đa từ địa vị của một
vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, bước lên địa vị của bậc giải thoát và giác
ngộ hoàn toàn.

Vì vậy, ngày mồng tám, tháng chạp, âm lịch là ngày Tăng Ni Phật Tử
Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, chứ không phải kỷ
niệm ngày Phật thành Phật. Vì Phật là viên giác, nên không có gì để
được hay mất, để thành hay bại và vì Phật là thường tại ở trong tịch
diệt, nên không có chủ thể năng chứng và đối tượng để chứng. Chủ thể
và đối tượng thường trực phân ly ở nơi thế giới thường nghiệm của nhận
thức phàm tục, chứ ở nơi thế giới của tuệ giác thường trực và tròn
đầy, thì chủ thể và đối tượng đều sáng trong, rỗng lặng và tịch diệt.

Nên, kỷ niệm ngày Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ tát đạo viên thành
Phật đạo của Bồ tát Tất đạt đa.

2- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát viên thành đại nguyện và đại hạnh:

Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày mà Bồ tát Tất đạt đa viên thành
chất liệu đại nguyện và đại hạnh. Viên thành đại nguyện, vì vô lượng
vô số kiếp về trước, từ nơi Bồ đề tâm, Bồ tát Tất đạt đa đã từng quỳ
trước chư Phật quá khứ, phát khởi đại nguyện với đầy đủ hai chất liệu
đại trí và đại bi.

Với chất liệu đại trí, Bồ tát đã nỗ lực học hỏi không hề biết mỏi mệt
với các bậc thiện hữu tri thức và luôn luôn hết lòng phụng sự các bậc
thiện hữu tri thức để được học hỏi, nhằm trau dồi trí tuệ đến chỗ thấy
biết chân thực hoàn toàn đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu,
đối với các pháp sinh diệt và không sinh diệt.

Với chất liệu đại bi, Bồ tát Tất đạt đa đã thực tập sự thương yêu và
trân quí những gì tốt đẹp vốn có nơi tự thân, vốn có ở nơi mọi người
và muôn loài. Bồ tát đã thực tập sự thương yêu chân thực từ một người
cho tới nhiều người, từ một loài cho đến muôn loài và thương yêu và
bảo vệ ngay cả cỏ cây, hoa lá, núi rừng biển cả và thiên nhiên.

Và viên thành đại hạnh là do từ đại nguyện ấy, Bồ tát Tất đạt đa đã
trải qua vô lượng vô số kiếp, tinh cần ngày đêm không biết mỏi mệt để
biến đại nguyện trở thành hiện thực của đại hạnh. Nghĩa là nguyện bao
nhiêu thì hạnh bấy nhiêu. Đối với Bồ tát, nguyện và hạnh không hề tách
rời nhau, dù chỉ là khoảnh khắc. Vì vậy, đối với Bồ tát, nguyện là
hạnh và hạnh là nguyện. Đối với bản thân, Bồ tát có bao nhiêu phiền
não, thì có bấy nhiêu hạnh và nguyện để đoạn trừ và dứt sạch. Đối với
chúng sanh có bao nhiêu loài đang bị khổ đau, thì bồ tát có bấy nhiêu
hạnh nguyện, phương pháp và hình tướng thích ứng để giúp chúng sanh
nhiếp phục và chuyển hóa những nguyên nhân tập khởi khổ đau ấy, khiến
cho những tập khởi khổ đau của họ không còn, tâm của họ được an trú
vững chãi ở trong sự rỗng lặng của Niết bàn tuyệt đối. Nguyện đưa tất
cả chúng sanh vào ở trong sự rỗng lặng của Niết bàn tuyệt đối gọi là
đại nguyện hay viên thành đại nguyện. Nếu nguyện mà thiếu nội dung ấy,
thì không thể gọi là viên thành đại nguyện. Nguyện cho mình thành Phật
và nguyện cho hết thảy chúng sanh cũng đều thành Phật, nguyện như vậy
gọi là viên thành đại nguyện. Biến đại nguyện ấy trở thành đại hạnh.
Hạnh và nguyện ấy không hề rời nhau trong mỗi tâm niệm và trong mọi
biểu hiện của mọi động tác, gọi là đại hạnh hay viên thành đại hạnh
của bồ tát.

Vậy, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày
Bồ tát Tất đạt đa viên thành đại nguyện và đại hạnh ấy của tâm bồ đề.

3- Kỷ niệm ngày vị Bồ tát chứng nhập viên mãn Phật tam thân:

Phật tam thân gồm: Phật pháp thân, Phật báo thân và Phật ứng hóa thân.

Phật pháp thân, nghĩa là bản thể thanh tịnh, không sinh, không diệt
của vạn pháp là thân của Phật. Thân ấy của Phật siêu việt đối với mọi
không gian và đối với mọi thời gian, nên thân ấy đối với mọi không
gian và đối với mọi thời gian nó vẫn nghiễm nhiên thường tại.

Phật báo thân, nghĩa là thân thể của Phật là do tu tập giới, định, tuệ
và các pháp lục độ, nên đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc thuộc về
dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì vậy, báo thân của Phật là thân viên
mãn của các pháp thuộc về phước đức và trí tuệ vô lậu. Thân ấy cũng là
thân thường tại không sinh diệt. Nó không sinh diệt, vì nó là kết quả
tựu thành từ các pháp vô lậu.

Phật ứng hóa thân, nghĩa là thân thể của Phật sinh khởi từ đại nguyện
và đại hạnh để giáo hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Thân ấy
biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo y báo và chánh báo
của chúng sanh trong từng thế giới mà Phật biểu hiện thân thể thích
ứng theo từng chủng loại để hóa độ. Thân nầy biểu hiện đầy đủ các mặt
gồm: Đản sanh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân và Niết bàn.

Chư Phật trong ba đời và mười phương thế giới, kể từ khi các Ngài phát
tâm bồ đề hành bồ tát đạo, cho đên khi viên thành đại nguyện và đại
hạnh, tức là các Ngài đều chứng nhập Phật pháp thân thanh tịnh, viên
mãn Phật báo thân và có khả năng biểu hiện muôn ngàn ức thân hay vô
lượng thân tướng theo hạnh và nguyện để giáo hóa chúng sanh. Do đó,
bất cứ bồ tát nào khi thành tựu bậc Toàn giác đều có đầy cả ba thân
như vậy.

Nên, Tăng Ni Phật Tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành
Phật, chính là kỷ niệm ngày Bồ tát thành tựu ba thân ấy vậy.

4- Kỷ niệm ngày ánh sáng Trí tuệ, Từ bi và hòa bình xuất hiện và tỏa
chiếu cùng khắp:

Ngày thành Phật của Bồ tát Tất đạt đa không những quan trọng đối với
Tăng Ni Phật tử chúng ta, mà còn quá ư quan trọng đối với tất cả nhân
loại và muôn loài.

Tại sao? Vì đối với Tăng Ni Phật tử, chúng ta có một bậc Thầy giác ngộ
hoàn toàn, một bậc Đạo sư có đầy đủ trí tuệ, Từ bi và hùng lực để dẫn
dắt chúng ta vượt qua biển đời sinh tử để đi đến nơi hạnh phúc tịnh
lạc của Niết bàn tuyệt đối.

Đối với nhân loại, Ngài là một bậc Đạo sư, đầy đủ Trí tuệ và Từ bi đã
công bố giáo pháp đem lại hòa bình an lạc cho nhân loại. Như ông Ban
ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói trong Thông điệp Đại lễ
Vesak 2008 như sau: “Hơn hai ngàn năm trăm năm qua, những lời dạy của
đức Phật vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc
đời của hàng trăm triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại
lễ Vesak là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo pháp của
Ngài, đồng thời nêu cao giáo lý Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Ngài đã
thuyết giảng,…”

Như vậy, đối với nhân loại, ngày Bồ tát Tất đạt đa thành đạo chính là
ngày thành tựu đời sống hòa bình, đời sống của trí tuệ và từ bi, đồng
thời cũng là ngày công bố giáo lý hòa bình và đời sống ấy cho nhân
loại bằng chính con đường mà Bồ tát Tất đạt đa đã chứng nghiệm và giác
ngộ hoàn toàn.

5- Kỷ niệm ngày mở ra cách nhìn mới cho nhân loại:

Ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật ở nơi cõi Ta ba nầy là mở ra cho
nhân loại một cách nhìn mới, một cách tư duy mới, một cách phát ngôn
mới, một cách hành động mới, một cách sống mới, một cách nỗ lực mới,
một cách ghi nhận mới và một cách trầm tĩnh mới.

Cách nhìn mới là cách nhìn không bị rơi vào những cục bộ phiến diện do
sự điều động bởi những nhận thức sai lầm từ một bản ngã phàm tục hay
siêu nhiên. Cách nhìn mới ấy, là cách nhìn thấy rõ mọi sự hiện hữu
trong sự tương quan duyên khởi. Một sự hiện hữu có mặt trong mọi sự
hiện hữu và mọi sự hiện hữu đang dung chứa ở trong một sự hiện hữu.
Chúng hiện hữu với nhau trong sự dung thông toàn thể, sống động mà
không có bất cứ một cá thể nào có thể tồn tại độc lập. Sự tồn tại của
một cá thể độc lập kể cả cá thể siêu nhiên chỉ là những ý niệm điên
đảo vọng tưởng, chúng khởi lên từ tâm thức yếu hèn, hay tâm thức đầy
cao  ngạo và mù quáng.

Tư duy mới là tư duy không thiết lập trên nên tảng hữu ngã mà trên nền
tảng của các pháp duyên khởi vô ngã, để chứng nghiệm tự tánh viên
thành nơi vạn hữu.

Cách phát ngôn mới là cách phát ngôn không quay về cho bản ngã hay cho
bất cứ một cá thể nào mà chỉ nhắm tới hiển thị sự thực làm lợi ích cho
toàn thể.

Cách hành động mới không phải là cách hành động nhắm tới lợi ích cho
cá nhân mình mà cho tất cả mọi người và muôn loài. Cách hành động ấy
có khả năng làm ngưng chỉ những nguyên nhân sinh khởi khổ đau và là
động cơ dẫn sinh mọi đời sống an lạc.

Cách sống mới là cách sống giản dị mà sâu lắng, đơn giản mà thanh cao,
không đặt đời sống của mình trong tháp ngà ảo vọng mà đặt đời sống của
mình liên hệ đến nhân quả tốt đẹp không phải chỉ đời nầy mà cả nhiều
đời về sau; không phải chỉ biết đặt sự liên hệ đời sống của mình trong
một phạm trù mà là toàn thể và không đặt sự tồn tại sinh mệnh của
chính mình ở trong ngũ dục mà ở trong sự tịch tịnh các dục.

Cách nỗ lực mới là nỗ lực nhìn thấy sự thực của khổ đau mà chuyển hóa
những nguyên nhân của nó, chứ không phải nỗ lực tránh né hay khắc phục
hậu quả khổ đau; nỗ lực mới là nỗ lực phát huy những tiềm năng tốt đẹp
vốn có và nỗ phát huy những tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo; nỗ lực mới
là nỗ lực khơi mở và yểm trợ cho những người khác nhận ra được tiềm
năng tốt đẹp vốn có của họ và giúp cho họ phát triển tiềm năng ấy đến
chỗ toàn hảo, để cho tất cả thế giới đều được sống ở trong thế giới
toàn hảo và được bảo chứng bởi những chất liệu toàn hảo mà do chính
hành động tốt đẹp của mỗi người tạo ra cho mọi người và mọi người tạo
ra cho mỗi người.

Cách ghi nhận mới là cách ghi nhận không lầm lẫn giữa cái nầy với cái
kia, giữa tác nhân nầy với tác nhân kia, giữa tác duyên nầy với tác
duyên kia, với bản chất nầy với bản chất kia, với hiện tượng nầy với
hiện tượng kia,…với cách ghi nhận mới như vậy, chúng có tác dụng tạo
ra sự trầm tĩnh sâu lắng cho tâm ta, khiến cho tâm ta càng lúc càng
vững chãi, không bị tác động bởi những hấp dẫn của ngũ dục thế gian.
Sống ở đâu, lúc nào và tiếp xúc với ai cũng có ý thức sáng trong, tự
chủ và tĩnh tại.

Bởi vậy, ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa đã mở ra cho nhân loại
một kỷ nguyên mới về sự hiểu biết, về hành động, cách phát ngôn,… tất
cả đều chuyển tải nội dung của trí tuệ và từ bi toàn hảo, đem lại sự
an lạc và hòa bình cho những ai, cho những cộng đồng nào biết chấp
nhận và sống bằng đời sống có nội dung của chất liệu ấy.

Không có ngày thành đạo của Bồ tát Tất đạt đa, sẽ không có sự kiện
chuyển Pháp luân của Ngài ở vườn nai, và ở trên đời nầy không bao giờ
có Phật, Pháp, Tăng xuất hiện một cách toàn vẹn đầy đủ cả sự và lý làm
chỗ nương tựa an ổn cho chư Thiên và loài người trong biển đời sinh
tử.

Vì vậy, kỷ niệm ngày Bồ tát Tất đạt đa thành Phật, Tăng Ni Phật tử
chúng ta, không phải chỉ kỷ niệm suông trên ngôn ngữ, trên những hiểu
biết tri thức hay trên những biểu hiện lễ nghi trống rỗng mà phải từ
nơi niềm tin chân thực và trái tim bồ đề của chúng ta. Và chúng ta
càng không nên biến ngày ấy trở thành một ngày lễ hội mà phải biết
biến ngày ấy là ngày của chánh kiến, chánh trí và chánh giải thoát.

Hãy giải thoát cho nhau thoát khỏi những ràng buộc của tham sân si, cố
chấp và tà kiến; hãy mở ra cho nhau những buộc ràng vô lối, những qui
ước phàm tục và hãy hiến tặng cho nhau những tự do căn bản và tối
thiểu của tâm hồn, để từ đó cùng nhau tu tập bước tới địa vị giác ngộ
toàn hảo, đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.

Chúng ta nỗ lực thực tập và nguyện sống với những gì cao quí của hạnh
và nguyện như thế là chúng ta đã làm cho ngày thành đạo của đức Thế
Tôn chúng ta hiện hữu một cách sống động và thực tế. Ngày cao quí ấy
đã, đang và sẽ đến với chúng ta và chúng ta cũng đã, đang và sẽ đi đến
với ngày ấy một cách toàn hảo không phải chỉ thuần túy bằng đức tin mà
bằng chính hành động “quên mình giữa tất cả mọi người của chúng ta”.


        Thích Thái Hòa
Từ : http://thuviencophap-net.blogspot.com/
------------------------------

---------------------------------------------------------------------------------------------

Không còn hoan hô chiến tranh và hòa bình

Thích Thái Hòa


Bạn đừng đi vận động và tìm kiếm hòa bình trong thế giới hữu ngã hay
trong thế giới sinh hoạt đầy ắp cả hữu niệm. Vì sao? Vì hòa bình đích
thực không bao giờ có mặt nơi những thế giới sinh hoạt như thế đâu, để
cho bạn vận động và kiếm tìm.

Nơi thế giới sinh hoạt bằng hữu niệm và hữu ngã, thì danh từ hòa bình
là danh từ sáo rỗng, người đứng ra vận động hòa bình, cũng chính là kẻ
đang cổ xúy cho chiến tranh, dưới một hình thức này hay một hình thức
khác của hữu niệm và hữu ngã.

Và những người đang sinh hoạt ở trong thế giới hữu niệm và hữu ngã, mà
chủ trương sống hòa bình, cũng có nghĩa là họ đang chủ trương sống với
chiến tranh, và có khi chính họ là tội phạm của chiến tranh. Vì sao?
Vì còn tính ngã và còn những suy nghĩ lệ thuộc tính ngã, là còn chiến
tranh. Ấy là chủ trương chiến tranh núp dưới nhãn hiệu chủ trương hòa
bình và chủ trương hòa bình núp dưới nhãn hiệu chủ trương chiến tranh
đó bạn ạ!

Người ta sống trong thế giới hữu niệm và hữu ngã, chiến tranh là một
hình thức khác của hòa bình và những khao khát đối với hòa bình; và
sống trong thế giới hòa bình là một hình thức ngầm phát khởi chiến
tranh và người ta đang chuẩn bị và khao khát tìm kiếm chiến tranh. Vì
sao? Vì tự thân của thế giới hữu niệm và hữu ngã là thế giới của kỳ
thị và phân biệt. Hễ nơi nào có kỳ thị và phân biệt là ở nơi đó có
phân hai, phân ba, phân bốn và phân ra từng mảnh vụn.

Kỳ thị là kỳ thị đối với những gì mà họ cho không phải là họ và không
phải là của họ; phân biệt là phân biệt cái này là mình, cái này thuộc
về mình; cái kia không phải là mình và không thuộc về mình. Như vậy,
gốc rễ của mọi cuộc chiến tranh, từ chiến tranh cấp quốc gia, đến
chiến tranh cấp vùng và chiến tranh toàn thể thế giới có phải sinh
khởi từ những ý niệm phân biệt đối xử và kỳ thị của con người ở trong
cõi người ta mà ra không bạn nhỉ?

Muốn có hòa bình để sống thì trước hết ta phải buông bỏ hết thảy mọi ý
niệm phân chia, để sống ở trong vô niệm. Vô niệm là vô ngã. Vô ngã là
hòa bình. Vô ngã, nên toàn thể vũ trụ lúc nào và ở đâu cũng hoạt động
trong sự hòa điệu tuyệt đối, toàn thể và đồng thời. Nên, vô ngã là sự
hòa điệu tuyệt đối của vũ trụ, vì vậy vũ trụ luôn luôn sống trong hòa
bình.

Bạn đừng nghĩ rằng, sống vô niệm và vô ngã thì không có cái gì để làm
lợi ích và hiến tặng cho cuộc đời. Nếu bạn nghĩ như vậy, thì chính
những ý nghĩ đó đưa bạn đi từ những sai lầm này đến những sai lầm
khác.

Ta hãy xem, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban
đêm, nó có suy nghĩ rằng, nó làm lợi ích cho đời gì đâu, mà nó làm lợi
ích rất nhiều cho đời, cho mọi sự sống một cách hữu hiệu, thiết thực
và bình đẳng. Những bông hoa nở ra, nó có nghĩ rằng, nó nở ra để làm
đẹp cho đời đâu, nó nở ra là nở ra từ tự tính vô niệm và vô ngã nơi
nó. Nhưng ở nơi thế giới hữu niệm, hữu ngã, có ai bảo rằng hoa không
đẹp, không thơm và không có lợi ích đâu? Không những vậy, người ta còn
cài hoa trên đầu, đặt hoa vào những chỗ thiêng liêng và trang trọng
nhất nữa chứ! Tại sao con người đã dành cho hoa những vị trí xứng đáng
và cao cả như vậy? Vì hoa sinh ra từ vô niệm và biểu hiện đời sống
bằng bản chất vô ngã nơi nó.

Bát Nhã Tâm Kinh: “Bấy giờ Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành Bát nhã sâu
xa, soi thấy năm uẩn rỗng không, liền vượt qua mọi khổ ách.”

Bạn khổ đau và khổ đau là thế giới của bạn, cả hai đều xảy ra cho bạn,
không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ, mà chúng xảy ra đồng thời và
chính xác cho bạn. Xảy ra đồng thời cho bạn, vì bạn là thế giới và cả
toàn thể thế giới đang có mặt trong bạn. Điều ấy xảy ra chính xác cho
bạn, vì nó chính là tư duy và tác ý của bạn, mà không phải là tư duy
hay tác ý của người khác.

Bạn không thấy đó sao? Hai người cùng ngủ chung một giường, mà mỗi
người có một giấc mơ khác nhau và đều có những cảm nhận khác nhau đối
với những giấc mơ ấy. Tại sao có sự khác biệt này? Ấy là do hữu niệm,
hữu ngã của bạn đã tạo nên sự khác biệt ấy, chứ có nào ai khác!

Do hữu niệm, bạn cho thân năm uẩn này là tôi và là của tôi, vì vậy mà
bạn nhảy mấy cũng không qua khỏi lưới khổ đau. Do hữu niệm, nên mọi
người trong mọi gia đình của bạn, ai cũng cho thân năm uẩn này là họ
và là của họ, nên mọi người trong gia đình của bạn, cùng nhau nhảy cao
mấy, cũng không ra khỏi lưới của khổ đau; và do hữu niệm mà cộng đồng
của thế giới con người cho rằng, thế giới này là của họ, thân năm uẩn
trong thế giới này là thân thể của họ, nên chiến tranh xảy ra cho họ
liên hồi và tranh chấp nhau liên tục, từ hải đảo đến rừng xanh, từ
đồng bằng đến phố thị, họ đã từng đánh giết nhau bằng miệng lưỡi, bằng
gậy gộc, ngói gạch, giáo mác, cung tên, súng đạn cho đến vũ khí nguyên
tử, hạt nhân và họ đang gầm gừ nhau, dọa nhau đối với những loại vũ
khí tối tân này, và vì vậy mà thế giới con người, dù văn minh đến mấy,
tiện nghi đến mấy, họ vẫn cũng không thể vượt ra khỏi khổ đau và họ
cũng không thể nào vượt ra khỏi chiến tranh để sống trong hòa bình.

Khổ đau hay chiến tranh của thế giới con người là do con người có tư
duy hữu ngã. Với tư duy hữu ngã thì con người mở mắt ra là chiến tranh
và khổ đau, nhắm mắt lại là con người lại rơi vào bẫy sập của tâm thức
tính toán, lo lắng, sợ hãi và chuẩn bị cho đời sống của chiến tranh và
đối diện với khổ đau.

Hạnh phúc và hòa bình đích thực nơi con người và xã hội chỉ hiện hữu
khi nào chúng ta biết tư duy vô ngã và cùng nhau biểu hiện những hành
động ấy bất cứ ở đâu, lúc nào và đối với bất cứ ai, trong sự tương tác
hòa điệu tuyệt đối và đồng thời.

Bạn đã từng nghe nhạc, và bản nhạc mà bạn cảm nhận là hay, chỉ khi nào
bản nhạc ấy được phát ra từ sự hòa điệu tuyệt đối và đồng thời giữa
các nhạc công, nhạc sĩ, nhạc khí và nhạc âm,… Chính sự hòa điệu tuyệt
đối của âm nhạc mới phát ra cho ta những âm thanh kỳ diệu. Âm thanh kỳ
diệu của bản nhạc, chính là âm thanh được biểu hiện từ tự tánh tư duy
vô ngã đó bạn ạ!

Tư duy vô ngã là tư duy có khả năng soi thấy sự hòa điệu tuyệt đối và
rỗng lặng của năm uẩn hay của thế giới, không có mọi hoạt khởi và vận
hành của các tư niệm hữu ngã.

Tư duy vô ngã chính là tư duy vô niệm. Vô niệm là giác tính rỗng lặng
và tròn đầy vốn có nơi hết thảy chúng sanh. Nên ta mở mắt trong vô
niệm là ta mở mắt trong hạnh phúc và sống trong hòa bình toàn thể. Ta
nhắm mắt trong vô niệm là ta ở trong thế giới của an lạc và hòa bình
toàn thể ấy.

Vì vậy, chiến tranh của thế giới con người, chỉ có thể chấm dứt, khi
nào con người biết buông bỏ những tư duy hữu niệm mà quay về sống với
tư duy vô niệm.

Vô niệm là tất cả niệm ở nơi tâm đều ở trong trạng thái thuần tịnh,
sáng trong và hoàn toàn rỗng lặng.

Toàn thể vũ trụ lúc nào, ở đâu cũng vận hành trong sự hòa điệu tuyệt
đối và đối xử với ai cũng đều ở trong vô niệm, mà con người thì lúc
nào, ở đâu cũng phân chia ta và người, và đối xử với ai cũng đều là
hữu niệm.

Do đó, thể tính của vũ trụ là hòa bình, mà nghiệp dụng của chúng sanh
thì ở trong hòa bình mà hiện khởi chiến tranh; thể tính của vũ trụ thì
thanh tịnh, mà nhân hạnh của chúng sanh thì ở trong sự thanh tịnh mà
khởi hiện ô nhiễm; thể tính của vũ trụ thì dung thông vô ngại, mà đời
sống chúng sanh thì ở trong sự dung thông vô ngại mà khởi lên ý tưởng
ngăn cách, chia phân, khiến cho đời sống của họ luôn luôn xảy ra tình
trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” hay “cha vỗ tay reo mừng chiến
tranh, mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình”.

Vì vậy, ta đừng làm kẻ “vỗ tay reo mừng chiến tranh” và cũng đừng làm
kẻ “vỗ tay hoan hô hòa bình”, mà chỉ làm người thực tập buông bỏ vọng
niệm. Buông bỏ đến chỗ không còn có bất cứ cái gì nữa để buông bỏ,
ngay cả cái gọi là buông bỏ.

Lúc ấy, thế giới chân thực hiện ra cho ta, ta tha hồ mà vui sống, tự
do. Và nhiều người hỏi thế giới như vậy là thế giới gì, ta không biết
thế giới ấy tên gì để gọi, liền tạm gọi là thế giới không còn có sự
hoan hô chiến tranh và hòa bình.

T.T.H
Từ : http://thuviencophap-net.blogspot.com/


Âm lịch

Ảnh đẹp