Các nước phương Tây thuộc Ngũ Ấn Độ[2],
chúng Tăng trú giữ già lam, chùa chiền, lan nhã, tăng viên thêm chút
nghiêm lệ, bằng cách mỗi ngày tắm tượng, đốt hương, hái các danh hoa
chưng rải cúng dường, lễ bái tán Phật, cung kính lòng thành, mỗi ngày
nhiễu quanh. Như vậy tinh cần, đem hết tánh mạng ra làm, không khi nào
gián đoạn. Mỗi buổi sáng sớm, nếu không sửa soạn sự cúng dường này thì
nguyện không thọ thực. Các nước xa gần cùng chung Phật sự, không có trú
xứ nào không làm việc này. Có lẽ việc thường kính cúng là việc tu trì
của chúng Tăng vậy.
Tượng Phật bằng đất, gỗ, họa vẽ thì
không thể tắm được, ngoài ra tượng Phật bằng vàng, bạc, ngọc qúy, đồng,
bạch lạp[3], đồng thau[4], cẩm thạch, các tượng như vậy đều có thể
thường tắm gội. Phàm có ý định vào buổi sáng dùng nước thơm để tắm
tượng, thì đêm trước lấy những hương liệu riêng biệt, đâm nhuyễn, bỏ
vào các túi lụa rồi ngâm trong nước suốt đêm. Những nước thơm này mới
dùng để tắm tượng. Mỗi loại nước thơm chứa trong những bình riêng biệt,
cũng không nên lấy nhiều mùi trộn lẫn với nhau. Bình đựng nước thơm
tốt nhất phải là bình không có thẩm thấu, đó là những loại bình không
dễ hư vỡ, làm bằng vàng, bạc, ngọc báu, thiết, đồng, chì, bạch lạp, gốm
tráng men sạch. Các bình đều được chùi rửa sao cho sáng sạch và trên
bình ghi tên loại nước thơm để sử dụng theo thứ tự. Người nghèo không
thể có được và chưa dùng qua những bình như trên, thì dùng bình mới và
sạch, làm bằng đá, gốm, cây để đựng nước thơm, lại không được dùng lẫn
lộn mà thành dơ bẩn.
Hiểu rõ về nước thơm tắm tượng và đồ
đựng nước thơm rồi, người hành pháp sự đối với việc dùng sạch và dùng
bẩn[5], phải làm giữ uy nghi, đặc biệt phải tác ý tinh tế, phải biết
phép tắc về các khí vật cúng dường. Đến lúc quán dục[6], quét dọn điện
đường, ở chỗ rộng sạch dùng phân bò sạch, trét một đàn lớn, đường kính
một trượng[7], trong đàn đặt một tuyên đài, trên để một khí vật lớn,
trong đó còn chia ra một đài nhỏ nữa, trên thiết một tôn tượng, bên
cạnh kê một cái trường kỷ được phủ bằng một tấm vải lụa[8], các bình
nước thơm sắp xếp thứ lớp trên trường kỷ. Trên đó còn bày bố năm món
vật pháp cúng dường[9], một trăm sợi dây dài, tơ lụa mịm sạch mới, bột
phấn, v.v...
Đại chúng đã vân tập rồi, cùng thỉnh
vị A xà lê hiểu rõ pháp sự hay cử vị thượng tọa tôn cao, vì đại chúng
mà xưng tụng những bài trong kinh Dục tượng và khải bạch, phát nguyện
đại thừa bằng diệu kệ, đại chúng thảy đều tụng theo mỗi câu kệ, rằng:
Nay con rưới tắm chư Như lai
Thân tịnh trí, công đức trang nghiêm[10] Cầu nguyện chúng sanh trong ngũ trược Mau chứng Như lai tịnh pháp thân. Giới, định, tuệ, giải, tri kiến hương Khắp mười phương cõi thường thơm phức Nguyện khói hương này cũng như vậy Vô lượng vô biên làm Phật sự. Cũng nguyện ba nẻo khổ luân dứt Khắp cho hết nóng được mát mẻ Đều phát tâm Vô thượng bồ đề Ra khỏi sông ái lên bờ kia.
Lại có một vị tay cầm lư hương, cung
kính cùng qùy, xưng tụng bằng Phạn âm bài tán Quy y Tam bảo, mỗi câu
đại chúng làm lễ một lạy, tán rằng:
Nẵng mồ mẫu đà, dã ngu ra phệ. (1 lạy)
Nẵng mồ đạt ma, dã đa dĩ ninh. (1 lạy)
Na mạc tăng già, dã ma hạ đế. (1 lạy)
Để lý tỳ dụ bỉ sa đa đan na mạc. (1 lạy)
Lại có hai vị thổi ốc, hai vị tán tụng,
các loại nhã nhạc, sáo trúc, đàn dây, ca từ cùng trỗi một lúc. Vị A xà
lê đích thân cầm bình nước tắm gội tượng Phật, tay nắm một đầu dãi lụa
dài nối kết với miệng bình, đầu kia rũ xuống, đại chúng mỗi người nâng
dãi lụa, chắp tay ngang tim, chuyên chú chí thành xưng niệm danh hiệu
chư Phật. Nếu có vị nào không nắm được dãi lụa thì có thể nắm lấy vạt y
dài của vị đứng trước, với ý nghĩa tượng trưng là mỗi người đích thân
tắm cho tượng Phật. Một khi bình nước thơm đổ hết, lần lượt thay thế
bình khác. Tắm tượng Phật xong thì an vị Phật. Nếu nước thơm chưa rưới
khắp tượng Phật thì lấy thêm nước thơm loại cũ, như trước tắm gội. Việc
thổi ốc, tán tụng, trỗi các thứ âm nhạc chỉ tạm ngừng dứt khi việc
tắm khắp tôn tượng đã xong. Rưới tắm xong rồi liền dùng vải sạch lau
chùi cho khô, đặt trên trường kỷ, theo ngôi vị xếp hàng. Tiếp theo là
lấy hương xoa, mỗi vị dùng đầu ngón tay át út chấm lấy phấn hương rồi
đưa lên ngang tim. Vị A xà lê xưng tụng chân ngôn Hiến cúng hương xoa,
đại chúng đồng thanh tụng theo, đến câu cuối cùng nhất thời hướng Phật,
xa búng tay dâng cúng, làm lễ một lạy.
Chân ngôn Hiến cúng hương xoa:
Án, tát phược đát đà nga đa, nghiễn đà bố nhạ, mê già sa mẫu nại ra, sa phả la nã, tam ma duệ hồng.
Lại lấy khay hoa, hành giả cùng đại
chúng, mỗi vị cầm một bông hoa, như trước cùng tụng chân ngôn Hiến hoa,
hướng Phật ở xa tung rải.
Chân ngôn Hiến cúng bông hoa:
Án, tát phược đát đà nga đa, bổ sáp bả bố nhạ, mê già tam mẫu nại ra, sa phả la nã, tam ma duệ hồng.
Vị A xà lê kế đến cầm lư hương, ra dấu
cho hai vị tả hữu và đại chúng cùng nắm lấy thân y, cùng tụng chân ngôn
Đốt hương, đem Tâm khắp cả[11] mà hiến cúng. Chân ngôn rằng:
Án, tát phược đát đà nga đa, độ ba bố nhạ, mê già tam mẫu nại ra, sa phả la nã, tam ma duệ hồng.
Vị A xà lê lại nâng khay bánh giòn
ngọt, như trước xưng tụng chân ngôn Hiến thực, đem tâm chí thành mà
hiến cúng, chân ngôn rằng:
Án, tát phược đát đà nga đa, mạt lý bố nhạ, mê già tam mẫu nại ra, sa phả la nã, tam ma duệ hồng.
Tiếp theo nâng đài đèn nến tụng chân ngôn Phụng đăng một biến, chân ngôn rằng:
Án, tát phược đát đà nga đa, nễ bỉ dã bố nhạ, mê già tam mẫu nại ra, sa phả la nã, tam ma duệ hồng.
Lại cùng đại chúng tán tụng, tay nâng
lư hương, cao giọng mà tụng bài tán tuyệt diệu về sự tắm tượng. Bài tán
rằng: (bài tán rất dài nên không dẫn ra), cùng tụng Ngũ tán (văn nhiều
nên không dẫn ra), đại chúng cùng qùy, xong một kệ lễ một lạy. Rưới
tắm cúng dường đã hoàn thành chu toàn, vị A xà lê lấy nước thơm tắm
Phật rảy lên đỉnh đầu của mình, rồi rảy lên đầu đại chúng. Đây là nước
cát tường phước báu, là nước tắm gội chư Phật, bậc lấy vạn đức để trang
nghiêm. Nước ấy rảy trên thân hay uống ít nhiều, khiến cho phiền não
trong thân mỏng mất, dần dần thành tựu Vô thượng bồ đề. Đại chúng nhất
thời kính thành làm lễ, sau đó thổi ốc và tụng Hạnh nguyện (Phổ Hiền),
tán Cát tường v.v... Âm thanh sáo trúc đi trước dẫn chúng, theo thứ tự
tôn ti đi nhiễu vòng quanh chiều trái ba vòng hay bảy vòng, sử dụng tùy
nghi các bài diệu kệ trong kinh điển đại thừa để xưng tán chư Phật.
Pháp sự đã xong, lễ bái chào Phật. Đại chúng cung tiễn vị tôn kính về
lại tăng phường.
Đây là phép tắc tắm tượng hằng ngày ở
phương Tây, chúng Tăng thượng đường (tắm Phật) rồi, sau mới thọ thực.
Than ôi, thương thay, phương đây lặng không người biết, mặc cho tượng
Phật trọn đời chưa từng được tắm một lần, khói hong, bụi bám, chuột đen
ô uế. Cả nước dường như không ai có khả năng hiểu biết. Giả như có
người tắm tượng e rằng chỉ là sự tập hợp những ngu tình quá lâu, tự chế
ra cách tắm Phật lõa thể, để tôn tượng đứng bên trong thau nước rồi
chùi rửa qua loa, đem cái tâm coi thường mà làm sự hiến cúng hời hợt,
chẳng có một chút sự kính trọng, chiêu vời cái tội kinh suất. Đau thay,
chẳng biết phước báu của kính điền là lớn lắm. Trời cao soi xét, ai là
bậc quân tử, hiền minh, triết nhân mà không sợ tội, cầu phước, phải
đặc biệt lưu tâm phép tắc này. Tuy không thể mỗi ngày tắm Phật, cũng có
thể mỗi tháng làm việc này để thu hoạch phước lợi thù thắng, như trong
kinh Dục Tượng mà đức Như lai từ kim khẩu nói ra.
23.06.2009
QM. dịch
(Mùng 1 tháng 5 nhuần Kỷ Sửu)
Kính hoan hỷ đến với dịch giả đã gởi bài chia sẻ cùng đọc giả trang nhà Huệ Quang
CHÚ THÍCH:
[1] Tuệ Lâm = Thích Tuệ Lâm (737-820):
Cao tăng nhà Đường, ở chùa Tây Minh, thờ ngài Bất Không làm thầy,
chuyên trì Mật tạng nhưng lại nghiên cứu Nho học, tinh thông Phạn ngữ
và Hán ngữ, âm vận (thanh minh), biết dùng ngôn ngữ nay mà giải thích
văn tự xưa (huấn cổ). Ngài nhận thấy trong khi phiên dịch kinh điển
Phật giáo qua việc giải thích chữ nghĩa, thẩm định âm từ quả là quá
nhiều sai sót, do thiếu kiến thức, văn hóa, luân cứ, điển cố, v.v...
nên ngài đã soan ra bô Nhất thiết kinh âm nghĩa (còn gọi là Tuệ Lâm âm
nghĩa) gồm 100 quyển rất có giá trị kê cứu, đối chiếu văn tự. Ngài thị
tịch tại chùa Tây Minh, thọ 84 tuổi. Tác phẩm: Kiến lập mạn đồ la cập
giản trạch địa pháp (1 quyển, ĐTK 911), Tân tập dục tượng nghi qũy (1
quyển, ĐTK 1322), Nhất thiết kinh âm nghĩa (100 quyển, ĐTK 2128).
[2] Tây phương = Thiên Trúc, tên gọi
xưa nước Ấn Độ. Sách Quát địa chi ghi: Thiên Trúc có năm nước như:
Đông Thiên, Tây Thiên, Nam Thiên, Bắc Thiên và Trung Thiên, tức ngũ Ấn
Độ hiện nay.
[3] Bạch lạp: hợp kim chì và thiếc.
[4] Đồng thau: hợp kim đồng và kẽm.
[5] Tịnh xúc: có hai loại bình, tịnh
bình là bình chứa nước sạch để cúng và uống; xúc bình là bình dùng để
chứa nước rửa. Ký quy truyện nói, quân trì (kundika: tịnh bình) có hai
thứ: một, sứ hay đất là dùng sạch; hai, đồng hay sắt là dùng bẩn.
[6] Quán dục: rưới tắm.
[7] Một trượng = 2 m 31 cm (theo thước đo nhà Hán) hay 3 m 30 cm (theo thước đo ngày nay).
[8] Du đan: chiều ngang tấm vải gọi là một bức, tám bức làm thành một trướng, tấm vải một trướng thường gọi là du đan.
[9] Ngũ cúng: lư hương, nến và chân
đèn, hoa và bình. Năm món cúng dường còn là: hương xoa (trì giới),
vòng hoa (bố thí), hương đốt (tinh tấn), ẩm thực (thiền định), đèn đốt
(trí tuệ). Lục cúng thì thêm nước thơm hay nước sạch.
[10] Ngã kim quán mộc chư Như lai, tịnh
trí trang nghiêm công đức tụ: Nay con rưới tắm (thân của) chư Như
lai, (thân ấy) là khối công đức được trang nghiêm bằng trí tuệ thanh
tịnh.
[11] Phổ tâm: Tâm khắp cả = Tâm duy
nhất: chư Phật, bản thân và nén đàn hương, bản thể là cái Tâm duy nhất,
chính từ Tâm ấy xuất ra cái dụng duyên khởi, hiến cúng phong phú.