Nói cách khác, người xuất gia (cũng như mọi
người) không thể không dùng đến y áo, chứ không dùng y áo làm thước đo
cho một giá trị nào đó. Điều này hẳn nhiên không hoàn toàn đúng về sau,
nhưng ít nhất nó được phản ánh trong giai đoạn đầu tiên.
Tuy nhiên, vì y áo được xem là một trong bốn vật dụng
thiết yếu nên việc hình thành những giới luật liên quan là điều hẳn
nhiên. Nhưng dù Luật tạng có những quy định về việc khâu, nhuộm và sử
dụng y phục thì màu sắc cụ thể của y như thế nào lại không được nhắc
đến.
Chúng ta không rõ vào thời ấy Đức Phật đắp y màu gì.
Kinh luật không đề cập đến màu y cụ thể của Đức Phật cũng như của Tăng
chúng. Tuy nhiên, trong kinh Đại Bát Niết Bàn chúng ta gặp một
đoạn nói về việc cư sĩ Pukkusa, dòng tộc Mallā, đã cúng dường Đức Phật
và Tôn giả Ananda hai chiếc y màu "kim sắc, vàng chói". Điều này dường
như rằng y phục của Đức Phật thường có màu vàng, hay một màu tương tự
như vậy, mà nó được xem là tương ứng với sắc da của Ngài (?).
Có quan điểm cho rằng, y phục của Tăng sĩ thời ấy có
màu vàng nghệ, hoặc màu nâu vàng (hay vàng cam), là những màu sắc y áo
mà du tăng của các giáo phái khác thường sử dụng, bởi vì những sắc màu
này phù hợp với các du sĩ rày đây mai đó, đầu đội trời chân đạp đất và
đẫm mình với gió bụi. Và thêm một lý do nữa khiến người ta suy luận như
vậy là do sự phổ biến của truyền thống dùng cây mít làm thuốc nhuộm, mà y
áo được nhuộm bằng chất liệu này thường cho ra màu vàng. Truyền thống
nhuộm y theo cách này hiện vẫn được một số Tăng sĩ theo truyền thống
Theravada duy trì. Bên cạnh đó, giả thiết y có màu vàng còn đến từ
truyền thống nhuộm y bằng các loại rễ, lá hay vỏ cây, nhưng có bổ sung
thêm củ nghệ. Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy bằng chứng cho những
điều này trong các kinh luật.
Trong Samantapasadika, một luận giải về Luật
tạng do Phật Âm (Buddhagosha) sưu tập và dịch từ tiếng Sinhala sang Pali
vào thế kỷ thứ V, chúng ta bắt gặp một đoạn thế này: "Đức Phật đưa cánh
tay phải ra khỏi chiếc y màu đỏ, nói với những người muốn xuất gia với
Phạm âm, ‘hãy đến đây, ông sẽ sống đời xuất gia để chấm dứt khổ đau’.
Vừa sau khi kết thúc những lời này, thân tướng cư sĩ biến mất, thân
tướng Tăng sĩ xuất hiện. Một lễ thọ giới hoàn tất. Những người này đầu
sạch tóc, khoác cà-sa (kasava), mặc một y, khoác một y (bên ngoài) và
đắp một y trên vai". Đó là một đoạn chúng ta thấy có nhắc đến màu y của
Đức Phật: màu đỏ.
Tuy nhiên, căn cứ vào những trình bày trong Luật tạng
liên quan đến y phục của Tăng, chúng ta thấy rằng người xuất gia thời
ấy không sử dụng thuần nhất một màu sắc, bởi vì y áo tùy thuộc vào loại
cây làm thuốc nhuộm mà mỗi vị Tăng sử dụng. Nhưng có một điều chúng ta
có thể biết là màu sắc y áo của Tăng sĩ thời ấy thường có màu tối, sẫm,
và là một sắc màu không đẹp. Điều này có thể biết được qua những quy
định về các loại thuốc nhuộm mà Đức Phật cho phép sử dụng. Và nó cũng
được thể hiện ngay nơi việc dùng chữ kasava (S. kasaya) để chỉ cho y áo;
kasava có nghĩa là sự úa màu, bạc màu, hay như thường được gọi là "hoại
sắc".
Tứ Phần Luật (Tập 5) có nêu ra một vài cách thức nhuộm y, mà nếu nhuộm theo cách thức này thì y hẳn phải có màu sẫm và xấu, "Nếu
y bị bay màu thì nên nhuộm lại, hoặc nhúng bùn, hay dùng vỏ cây đà-bà,
vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-ma-lặc, hoặc dùng gốc cây, hay cỏ
thiến để nhuộm". (HT. Đổng Minh dịch). Trong Đại Phẩm (Nam truyền), chúng ta thấy có sáu loại thuốc nhuộm được Đức Phật cho phép sử dụng nhuộm y, "Này
các Tỳ kheo, ta cho phép được sử dụng sáu loại thuốc nhuộm. Đó là thuốc
nhuộm làm từ rễ cây, thuốc nhuộm làm từ thân cây, thuốc nhuộm làm từ vỏ
cây, thuốc nhuộm làm từ lá cây, thuốc nhuộm làm từ bông hoa, thuốc
nhuộm làm từ trái cây". Nhìn chung, dù y được nhuộm bằng loại thuốc
nhuộm làm từ chất liệu gì trong sáu loại này thì màu sắc của y thường
không phải màu sáng.
Y cần phải nhuộm cho sẫm màu trước hết để phân biệt
với y áo mà người tại gia thuở ấy thường mặc là màu trắng, và thứ nữa nó
cần phải làm cho "hoại sắc" để không gây nên sự yêu thích nơi người mặc
và người nhìn, tránh sự tham chấp có thể xảy ra! Và việc Tăng sĩ mặc y
sáng màu cũng là điều bị xã hội thời ấy phê phán. Trong Đại Phẩm có nhắc đến trường hợp các Tỳ kheo mặc y "màu ngà voi" và bị dân chúng phê bình.
Đó là những thông tin về màu sắc của y mà ta tạm có.
Còn về kiểu thức của y, dựa vào những trình bày trong Luật tạng, chúng
ta thấy rằng, y của người xuất gia thời ấy thường là một miếng vải hình
chữ nhật (hoặc gần như vậy), và không được để nguyên mà phải được ghép
thành từ nhiều mảnh rời. Mặc y để nguyên miếng là điều không phù hợp với
các Tăng sĩ của nhiều giáo phái chứ không riêng gì Tăng sĩ Phật giáo.
Trong giai đoạn đầu, việc sử dụng y được khâu ghép
lại từ nhiều mẩu vải chưa được Đức Phật quy định; Tăng chúng mặc bất cứ
loại y áo nào mà họ kiếm được, hoặc nguyên tấm, hoặc do nhiều mảnh ghép
thành. Nhưng về sau, khi dân chúng phê bình việc các Tỳ kheo mặc y
nguyên tấm, Đức Phật nhân đó mới dạy rằng nên mặc y cắt, tức y do nhiều
mảnh vải ghép thành. Và ý tưởng may y từ những mảnh vải vuông cân đối đã
xảy ra sau đó, khi Đức Phật cùng với Tôn giả Ananda từ Dakkhināgiri
quay trở lại Rājagaha và nhìn thấy những ô ruộng vuông vức bên đường
(xem thêm Đại Phẩm, hoặc Tứ Phần Luật quyển V). Điều mà về
sau hình thành một tên gọi khác cho y là "phước điền y". Và với tên gọi
này, y phục của người xuất gia đã có thêm "giá trị" mới: nơi người cư
sĩ có thể gieo trồng những hạt giống phước!
Như vậy, y của các Tỳ kheo thường có hình chữ nhật
với những mảnh vải ghép lại. Việc mặc y do nhiều mảnh vải ghép lại như
vậy, một mặt do vì các vị du sĩ thời ấy thường nhặt những mảnh vải ở các
nghĩa địa và đống rác rồi khâu kết thành (để rồi nó trở thành một quy
ước), và mặt khác để nó "phù hợp với sa môn, và để những kẻ đối nghịch
nhìn thấy không khởi tâm mong muốn" (Đại Phẩm).
Theo truyền thống, một vị Tăng khi khoác y thường để
trần một vai, cách thức biểu lộ lòng tôn kính, đặc biệt khi thưa chuyện
hay học hỏi với một vị trưởng lão. Điều này cũng là một quy ước của xã
hội thời ấy. Việc mặc y để trần vai phải, thực ra, không phải là truyền
thống riêng của Phật giáo, bởi vì khi Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa
Ca-diếp) đến gặp Đức Phật để xin gia nhập Tăng đoàn, ông cũng đắp y để
trần vai phải. Người Ấn Độ cổ đại có truyền thống mặc áo để trần vai
phải khi gặp những bậc trưởng lão, những đạo sư hay đến các thánh địa.
Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, dưới sự tác động
của một nền văn hóa đặc thù ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Khổng giáo,
hình thức đắp y để trần một vai đã không còn phù hợp đối với các Tăng sĩ
khi xuất hiện ở quốc gia này. Ngược lại với văn hóa Ấn, người đắp y để
trần vai không được xem biểu lộ sự lịch thiệp ở Trung Quốc. Người Trung
Quốc xem một người ăn bận kín thân là biểu hiện của sự tôn trọng. Và do
đó y phục của Tăng đã có sự thay đổi. Bên cạnh đó, việc thay đổi kiểu
thức y phục còn chịu sự ảnh hưởng cách ăn mặc của các tu sĩ Lão giáo, và
cả điều kiện khí hậu. Việc sử dụng áo hậu dài có tay rộng là do ảnh
hưởng kiểu áo của tu sĩ Lão giáo. Hẳn nhiên các tu sĩ Phật giáo đã có
sửa đổi, khi khoác thêm bên ngoài chiếc y có những ô (điều), một cách
vừa sáng tạo để phù hợp với bối cảnh văn hóa mới, nhưng cũng giữ lại
nét truyền thống riêng của mình.
Nhưng khi y áo có sự thay đổi để phù hợp với bối cảnh
văn hóa mới, thì cách sử dụng ba y của Tăng sĩ theo Phật giáo Đại thừa
đã không còn giống với truyền thống ban đầu; và những nghi thức liên
quan đến y cũng đã được quy định lại: ba y được sử dụng cho những trường
hợp cụ thể, và chúng còn liên quan đến vấn đề hạ lạp và vị trí của
người sử dụng.
Khi đã trở thành một vật không chỉ dùng "che chở nóng
lạnh" như thời kỳ đầu, y ít nhiều trở thành vật mang tính biểu tượng và
được gắn thêm những giá trị khác. Và khi y đã có những liên hệ với lễ
nghi, được quy định mặc trong những trường hợp nào thì việc hình thành
nên các loại áo nhật bình là điều tất yếu phải có. Nhưng việc sáng tạo
thêm những loại áo nhật bình khác không chỉ vì "tam y" đã ít nhiều gắn
liền với lễ nghi, còn vì các Tăng sĩ không còn thực hành truyền thống
khất thực như ở Ấn Độ mà phải lao động độ nhật. Việc khoác y để lao động
chân tay là điều không mấy phù hợp. Và ở đây màu sắc của từng loại y áo
lại có sự khác nhau, để cho nó tương hợp với từng hoàn cảnh.
Các nước theo Phật giáo Đại thừa phần lớn tiếp nhận
Phật giáo qua cửa ngõ Trung Quốc, và rồi chừng mực nào đó đã chịu ảnh
hưởng một vài nét đặc trưng của Phật giáo nước này. Khi một vị Tăng
Trung Hoa đến một nước khác truyền đạo, người đệ tử xuất gia của vị này
không thể không dùng kiểu pháp phục của thầy mình (ít nhất là vào lúc
đầu). Chính lý do này mà Tăng sĩ các nước theo Phật giáo Đại thừa có
pháp phục phần nào giống với pháp phục Tăng sĩ Trung Quốc, dễ thấy nhất
là cách choàng y ra ngoài áo hậu. Nếu nhìn pháp phục của Tăng sĩ Hàn
Quốc, chúng ta thấy nó không khác mấy pháp phục của Tăng sĩ Trung Quốc.
Dù về sau người Hàn đã có sự thay đổi, chẳng hạn như họ không giữ nguyên
kiểu hậu dài của Tăng sĩ Trung Quốc, và y cũng có một vài "điều chỉnh",
nhưng trên căn bản là thừa kế truyền thống pháp phục Trung Quốc.
Nhật Bản đầu tiên tiếp nhận Phật giáo từ Hàn Quốc, và
sau đó từ Trung Quốc, pháp phục do đó ít nhiều chịu ảnh hưởng pháp phục
Tăng sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, Tăng sĩ Nhật thường rất có tính sáng tạo
nên không dễ tiếp nhận nguyên vẹn kiểu pháp phục đó. Họ tạo ra nhiều
loại y áo khác nhau, cả y áo dùng trong nghi lễ và cả y phục thường
nhật, số tên gọi vượt lên con số chục.
Về màu sắc, y áo của Tăng sĩ theo Phật giáo Đại thừa
không có sự đồng nhất. Ngay ở Trung Quốc, không phải tất cả Tăng sĩ đều
có chung màu sắc y phục: các loại màu thường được sử dụng là vàng, nâu
vàng, nâu, xám, xanh, đen và xám đen. Vào đời nhà Đường, còn xuất hiện
thêm một loại y tía, là y nhà vua ban cho những vị cao Tăng.
Y áo Tăng sĩ Hàn Quốc thường có các màu: xám, nâu
vàng, hoặc xanh (Tăng sĩ Hàn Quốc thường khoác y màu nâu vàng, hậu và y
phục thường nhật có màu xám hoặc lam). Tăng sĩ Nhật thì thường có y màu
vàng, xám hoặc đen, và cũng có thêm y tía, một loại y có nguồn gốc từ
Trung Quốc. Nhưng ở Nhật màu sắc y phục còn liên quan đến vị trí và cấp
bậc của người mang nó. Ví dụ những người tập sự (như các chú tiểu ở Việt
Nam) thường chỉ mặc y phục màu đen, và họ chỉ được mang y vàng sau khi
đã thọ giới. Ở Nhật, màu sắc pháp phục còn tùy thuộc vào vị trí của từng
ngôi chùa. Ví dụ như chỉ những chức sắc tại các ngôi chùa lớn mới được
khoác y màu tía. Màu sắc pháp phục ở Nhật cũng liên quan đến vấn đề bộ
phái; và những tranh luận về màu sắc pháp phục đã từng xảy ra. Vào thế
kỷ XIII, người sáng lập Thiền phái Tào Động, Đạo Nguyên (1200 - 1253),
cho rằng màu hoàng thổ là màu phù hợp nhất đối với y áo, tuy nhiên các
màu khác như xanh, vàng, đỏ, đen, tía và màu kết hợp tất cả những màu
này, cũng được phép sử dụng.
Chúng ta thường nghe nói chư Tăng Nam tông khoác y
theo truyền thống thời Đức Phật. Có thể điều đó đúng qua kiểu đắp y để
trần một vai, nhưng vì màu sắc do không có sự đồng nhất ngay từ buổi đầu
nên y phục Tăng sĩ ở các nước Phật giáo Theravada không hoàn toàn có
màu giống nhau. Ở Srilanka, màu y phổ biến nhất là nâu vàng (hoặc màu
hạt dẻ). Điều này có thể vì ở Srilanka trong quá khứ có nhiều loại cây
cho màu sắc này; và màu này vẫn còn thịnh hành cho đến ngày hôm nay.
Trong khi đó màu y của các sư Miến Điện thường có màu nâu đỏ; khác với
với Thái Lan phần lớn y áo có màu vàng nghệ.
Và ở một vài nước Phật giáo Theravada, các Tăng sĩ
trong cùng một xứ đôi khi vẫn không có một màu y áo đồng nhất. Dù không
có những quy định được đặt ra, nhưng các Tăng sĩ sống trong rừng thường
mặc y màu nâu vàng, trong khi các Tăng sĩ ở thành thị thường mặc y màu
vàng nghệ. Điều này thường bắt gặp ở Thái Lan.
Như vậy chúng ta thấy, dù Nam hay Bắc tông, kiểu thức
và màu sắc của y không có một sự đồng nhất hoàn toàn. Và chính sự không
đồng nhất này, Phật giáo mỗi nước đã tạo nên một nét riêng của mình qua
pháp phục. Và cũng dựa vào nét riêng này, chúng ta có thể nhận ra một
vị Tăng hay Ni đến từ một đất nước nào đó qua kiểu thức và màu sắc y
phục mà vị ấy mặc.
Với Phật giáo Việt Nam, cũng như Phật giáo Nhật và
Hàn Quốc, y hậu của Tăng sĩ ít nhiều ảnh hưởng kiểu y áo của Tăng sĩ
Trung Quốc. Tuy nhiên về màu sắc, Tăng sĩ Việt Nam hầu như đều sử dụng
màu vàng cho y hậu, có số ít sử dụng y đỏ (thường là các bậc trưởng
lão). Và như vậy về cơ bản chúng ta có sự đồng nhất, tuy nhiên do mức độ
đậm nhạt của màu sắc y hậu nên ở nước ta chỉ có một sự đồng nhất tương
đối mà thôi. Bên cạnh y hậu, Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam còn có chiếc áo
nhật bình (hoặc áo tràng xiên) của riêng mình. Chiếc áo nhật bình màu
nâu là một nét khá đặc trưng của tu sĩ Phật giáo Việt Nam về y phục, tạo
cho người tu sĩ Việt Nam có một nét "riêng" nào đó. Và với chiếc áo
nhật bình nâu (sồng) này, Tăng sĩ Việt Nam đã tạo nên được một truyền
thống riêng có trong pháp phục của mình!
Phật giáo đã trải qua hơn 2.500 năm, có mặt ở nhiều
quốc gia và tồn tại dưới nhiều nền văn hóa dị biệt, do đó Phật giáo tại
mỗi xứ tất yếu có những đặc trưng riêng, và y áo là một khía cạnh.
Nhưng dù người tu sĩ khoác lên mình chiếc y màu sắc và kiểu thức gì, thì
y (kasava) như ý nghĩa vốn có của nó vẫn không thay đổi. Chiếc y
của người tu sĩ Phật giáo biểu trưng cho sự thanh bần, giản đơn, và
quan trong hơn cả là nó nối kết người mặc với vị thầy Bổn sư của mình -
Đức Phật; và chiếc y cũng giúp người khoác nó luôn nhớ đến bổn phận và
trách nhiệm của mình.
Sự đồng nhất hay dị biệt trong kiểu cách và sắc màu y áo do đó không
phải là vấn đề cốt yếu. Điều cốt yếu là phải vượt thoát khỏi những dị
biệt về sắc tướng áo y - vấn đề ít nhiều liên quan đến vấn đề bộ phái -
để thấy rằng chúng ta dù không cùng "áo vuông" thì vẫn chung "đầu
tròn"; và sứ mệnh cũng như lý tưởng của người đệ tử Phật, dù đang khoác
lớp áo y gì, vẫn không hề khác nhau.