06/10/2010 10:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 5847
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Làm lại cuộc đời         Muốn hiểu thấu triệt nguồn gốc khổ đau để chuyển hóa thành an vui và hạnh phúc, ta phải dùng ngọn đuốc duyên khởi. Ta phải thấy các pháp đều do nhân duyên hội tụ một cách đầy đủ mới có thể biểu hiện ra thành sự sống.    

   “Sa nôm Gotama thấy chiếc lá pippala in trên nền trời xanh, đuôi lá hướng về phía đất và phe phẩy như đang gọi ông. Chiếc lá này là một thực tại mầu nhiệm. Nhìn chiếc lá ông thấy mặt trời và trăng sao. Nếu không có mặt trời, nếu không có ánh sáng và sức nóng, chiếc lá không thể nào có mặt. Ông lại thấy một đám mây bay lửng lơ trong lòng chiếc lá. Nếu không có đám mây thì không có mưa và nếu không có mưa thì không làm gì có chiếc lá. Ông thấy đại địa, thời gian, không gian, tâm thức. Tất cả đều đang có mặt trong chiếc lá. Vũ trụ có mặt trong chiếc lá và với chiếc lá.”[1] “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.”

    Em gái nghèo khó trở thành kẻ ăn sương, phải bán tấm thân cho kẻ ăn chơi, vì có những người giàu sang muốn mua sắc dục. Bởi thế, em gái ơi! Em không nên có mặc cảm thấp hèn hay ô uế. Ô uế là ô uế chung. Thấp hèn là thấp hèn chung. Nếu xã hội và con người biết chăm lo cho em, có lòng xót thương đối với em, có trách nhiệm bảo vệ tuổi trẻ, lo cho người nghèo khổ thì em đâu cần phải làm nghề khó nhọc và thấp hèn ấy. Có thể tấm thân em không sạch sẽ nhưng tâm hồn em vẫn còn sạch sẽ và trinh nguyên. Bởi vì em biết thương cha mẹ và hy sinh tấm thân để cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Người kia giàu sang nhưng chỉ biết chơi bời, trụy lạc và không có một chút xót thương trong trái tim, thì kẻ ấy thật là thấp hèn và dơ bẩn. Em có thấy như vậy không? 

          Em ơi! Cuộc đời này có nhiều bất công và lắm khổ đau. Cho nên em hãy vươn lên mà đừng tủi nhục làm gì? Dù sao đi nữa mẹ vẫn còn đó, gia đình mãi thương em. Bụt dạy: “tất cả đều do tâm tạo.” Nếu tâm hồn trong sáng thì em vẫn mãi là cô gái trinh nguyên. Một ngày nào đó, em sẽ thoát khỏi chốn đọa đầy. Em sẽ làm lại cuộc đời. Cuộc đời vẫn còn đẹp và dễ thương lắm, bởi vì em có trái tim thương yêu. Cha mẹ, gia đình luôn có mặt để chấp nhận và thương yêu em. Em hãy phải nhớ bầu trời vẫn mãi còn trong xanh, nắng chiều vẫn còn vàng tươi, hoa lá vẫn còn thắm và đôi mắt em vẫn còn sáng để nhìn thấy người thương. Em hãy vui lên!

        “Hồi đó Bụt còn tại thế, có một cô gái nọ, nhan sắc mặn mà, khuôn mặt tươi mát như một bông sen xanh tên là Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả giàu sang bậc nhất. 

        Nàng lấy chồng lúc mười sáu tuổi và sinh được một bé gái. Sau ngày cha chồng chết, mẹ chồng xinh đẹp ăn nằm với chồng của nàng, lại còn đối xử tệ bạc với nàng. Chứng kiến cảnh loạn luân ấy, nàng trốn nhà ra đi, bỏ lại đứa con thơ. 

        Mấy năm sau, nàng gặp một một thương gia và được ông này cưới về làm vợ. Vì công việc buôn bán, người chồng ít có ở nhà. Một thời gian sau, nàng nghe nói chồng có mua về một nàng hầu trẻ đẹp, đem giấu giếm ở một biệt thự ngoài thành. Nhiều đêm, người chồng lấy lý do giao tế, thăm viếng bạn bè để đến nhà riêng ăn ở với nàng hầu. Liên Hoa Sắc cảm thấy buồn chán quá nên tìm đến đánh ghen. Than ôi! Nàng hầu chính là con gái của nàng năm xưa. 

      Đau xót vô cùng, nàng đem lòng thù hận cuộc đời và không còn tin tưởng nơi con người. Liên Hoa Sắc quyết làm gái điếm để phá hoại gia đình người khác, mặt khác để mua vui và quên đi quá khứ thương đau! Nàng chỉ cần tiền bạc, đồ trang sức và nếp sống vật chất. Nàng không phải chỉ chọc phá người đời mà muốn trêu chọc luôn các nhà tu hành. 

       Một hôm, Liên Hoa Sắc chờ trong vườn hoa trên con đường mà sa môn Mục Kiền Liên thường khất thực để chọc ghẹo. Nàng chận Tôn Giả lại và bày tỏ dáng điệu một cách lộ liễu. Tôn giả Mục Kiền Liên nhìn thẳng thản nhiên rồi nói với nàng: 

       - Cô có hình dáng xinh đẹp, nét mặt tươi mát, trang sức lộng lẫy, nhưng tôi biết bên trong cô là một người đầy khổ đau, lắm hận thù và có nhiều mặc cảm. Nghiệp chướng cô nặng nề lắm. Cô đang lún sâu vào con đường tội lỗi nên hãy thức tỉnh đi.

      Liên Hoa Sắc kinh hoảng khi thấy vị sa môn này nhìn thấy tận đáy lòng mình. Nhưng nàng vẫn cố giữ vẻ bình thản. Nàng nói:

- Có thể sa môn nói đúng. Nhưng tôi không có con đường nào khác hơn. 

        - Tôn giả Mục Kiền Liên liền an ủi: 

         - Ở đời có hai hạng người có lương tâm: Một là người không tạo ra tội lỗi. Hai là người có tội mà biết ăn năn và hối cãi.

        Con người khi bị ngã xuống thì ta phải biết chống đất mà đứng lên. Áo quần dơ bẩn thì ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn thì ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục và chán nản thì ta lấy nước giải thoát mà thanh lọc. Bụt dạy: “ai cũng có khả năng tỉnh thức và chuyển hóa khổ đau.” Nghe tới đây, bỗng nhiên nàng xúc động rơi nước mắt và quỳ xuống xin làm đệ tử của Bụt. Tôn giả đưa nàng về tịnh xá, kể lại đầu đuôi câu chuyện với đức Thế Tôn.

         Bụt an ủi và cho phép nàng xuất gia trở thành tỳ kheo ni. Nàng trở thành người nữ tu gương mẫu. Về sau, Liên Hoa Sắc chứng qủa A La Hán.” 

          Em ơi! Cuộc đời tuy lắm khổ đau nhưng nỗi khổ kia đâu có lớn lao gì để quật ngã đời em? Em thương mến! Cái khổ lớn nhất trong cuộc đời là không biết ta là ai? Ta từ đâu tới? Và ta sẽ đi về đâu? Bây giờ, ta hãy tiếp tục dùng con mắt của Bụt để tìm lại chân nguyên. 

 

Công án đời người - Ta về đâu? 

       

       Câu hỏi quan trọng nhất trên đời mà ta thường tư lự: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Đây không phải là câu hỏi tầm thường mà niềm thao thức thầm lặng, nỗi băn khoăn sâu xa về nguồn gốc bản thể của con người. Vì thế, câu hỏi này cứ đeo đuổi theo ta mãi trong suốt kiếp người. Mỗi khi ta đối diện với sự mất mát, bệnh tật, tai nạn, tan thương thì nỗi thao thức này lại càng thổn thức, càng rên xiết hơn. Nó bám riết lấy tâm hồn ta, ghim sâu vào tâm can ta một cách đau nhức cho nên ta mất ăn bỏ ngủ. Có lúc, ta cảm thấy bơ vơ lạc loài, có khi ta thẩn thờ tuyệt vọng, nhất là đối với những người lớn tuổi.

      Trong quá khứ, nhiều người đã từng đi tìm câu trả lời cho công án này suốt quảng đời mà vẫn không tìm ra. Cuối cùng, họ nằm chết quạnh hiu trên cánh sa mạc già nóng bức.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa?

Hai lẽ ‘có, không’ mầu nhiệm

Đêm đêm ta hỏi người xưa…

...Mà sáu ngả hôn mê còn chửa định

Ta về đâu? Kìa Ngươi đến làm chi?[2]

Hay là:

“Lòng hỡi lòng! biết đâu là âm giới?

Biết nơi đâu cõi sống của muôn người?

Trong u minh hồn ta đương lạc lối

Trông tháng ngày yên để lệ sầu rơi!”[3]

       Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có làm một bài thơ tứ tuyệt tên: “Thôi Hết Băn Khoăn”, nói lên tâm trạng thao thức và nhức nhối này.

     “Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

             Sên bò nát óc lệ thầm rơi

   Chiều nay một dấu than buông xuống!

     Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.’’

         ‘Dấu hỏi’ chính là câu: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Đây đích thực là nỗi sợ hãi âm thầm rỉ máu quanh quẩn trong ta suốt cả kiếp người. Thi sĩ thật tài tình đã dùng những hình ảnh tuyệt diệu để diễn tả ý nghĩa sâu sắc trong bài thơ. ‘Dấu hỏi’ có hình dáng cong cong với cái đuôi ngoắc lên trông giống con sên. Và cố nhiên, sên là phải bò. Nó bò lui bò tới trong tâm ý, làm nát hết trí óc. Nghĩa là ta suy tư nhiều về thân phận con người, về nguồn gốc uyên nguyên của ta bằng những câu hỏi hóc búa: Ta đến đây làm gì? Tại sao ta bị đầy xuống cõi trần gian đầy bi lụy này? Tại sao quê hương của ta đầy khói lửa? Tại sao có con người? Vì sao con người lại độc ác với nhau? Tại sao và tại sao??? Suy tư nhiều nên ta băn khoăn nhiều, tuyệt vọng nhiều. Nước mắt ta âm thầm rơi không biết bao nhiêu lần.

“Ta về đâu? Kìa Ngươi đến làm chi?

Từ hư không tới, lại về không hư?

Lẽ nào mộng cả thôi ư?

Người ơi! Giọt bể chứa dư tan điền..”

Mẹ mất ta khóc, bố chết ta khóc, chị khổ ta khóc, chia ly ta khóc, thấy cảnh tan thương ta cũng khóc… Những giọt nước mắt biểu lộ niềm thương đau, nỗi tuyệt vọng, bởi ta chưa thật sự hiểu được bản chất của cái chết. Do đó, ta cảm thấy mất mát, lưu luyến và tiếc thương. Ta lo sợ nhiều thứ nhưng nỗi sợ lớn nhất vẫn là sợ chết. Không biết lúc nào mới tới lượt ta chết? Chết có đau hay không? Tâm hồn ta sẽ ra sao? Ta sẽ đi về đâu? Đó là những con sên đang bò trong tâm tưởng và trí óc của ta.

        “Chiều nay một dấu than buông xuống” là hình ảnh tuyệt xảo về sự buông bỏ. Ta nằm chết vào một buổi chiều tà. ‘Dấu than buông xuống’ tức là nỗi băn khoăn, niềm tuyệt vọng, lời thở than đều được buông thả. Ta không còn vương vấn gì nữa. Ta trả được nợ đời. Những câu hỏi hóc búa kia không còn bám riết, làm cho ta bất an và điên đảo nữa. ‘Đinh đóng vào săng tiếng trả lời’ nghĩa là tới khi nằm chết lặng câm trong chiếc hòm và những cái đinh đóng chặt lại thì ta mới nghe được tiếng trả lời. Chàng thi sĩ ơi! Có thật là anh đã có câu trả lời hay không? Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có thể đang mỉm cười bởi vì đời sống của anh, thơ của anh, linh hồn của anh đủ trả lời câu hỏi ấy.

“Khoảnh khắc tơi bời thế sự

Ta nghe tiềm thức trăng sao.

Trời vô tận hiển linh về nét chữ

Thuyền chiếc phiêu du hề đôi cánh tiêu dao.

Hương quen màu nhớ xôn xao

Lòng thoát ra ngoài sống chết...

…Lửa nào đây soi rạng đuốc nào kia

Phấp phới tinh kỳ đế khuyết

Hồn ta giác ngộ quay về

Khôi phục ngai vàng bất diệt.”[4]

         Đó là trường hợp đặc biệt của chàng thi sĩ sống chết vì đạo pháp, quê hương và đất nước. Nhưng đối với tất cả chúng ta liệu có sống được như thi sĩ hay không? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời! Nó không phải như một cộng một là hai. Cũng không thể trả lời bằng cách suy tư, nghiên cứu hoặc đàm luận, cho dù ta đề cập đến vấn đề bản tính cao siêu, huyền diệu. Nó là công án tối quan trọng của một đời người. Thay vì, trả lời liền câu hỏi, ta hãy bình tâm hỏi lại: Hiện bây giờ ta đang đi về đâu? Tâm ý của ta như thế nào? Ta đang suy nghĩ về chuyện gì?       

         Chờ tới khi gần chết mới hỏi câu này thì có thể muộn lắm. Vì câu hỏi này là sự sống, là linh hồn, là bản thể uyên nguyên. Nó là hơi thở đầu tiên khi mới được sinh ra và hơi thở cuối cùng lúc nằm chết. Đặt câu hỏi này trong giây phút hiện tại thì có lẽ thực tế hơn. Ta hãy sống bừng dậy từng giây từng phút, thở cho an, bước cho vững, mỉm cười với bông hoa, ngồi yên để nhìn sâu vào tâm ý. Đầu tư thì giờ, năng lượng và tâm huyết quán chiếu thường xuyên về nó trong đời sống hàng ngày. May mắn lắm, ta mới có cơ hội nghe được tiếng trả lời không phải chỉ bằng tiếng ‘đinh đóng vào săng’ mà bằng nhiều tiếng khác. Như trường hợp của thiền sư Hương Nghiêm nghe tiếng hòn sỏi va vào bụi tre mà Ngài bừng tỉnh và ngộ được mặt mũi chân thật của ông trước khi mẹ sinh ra. Ta phải làm một cuộc trở về với cõi tâm linh chứ chỉ sống trên bình diện tri năng và tình cảm thì không bao giờ ta có thể chọc thủng được bức màn sống chết.

        Ngoài ra, ta có thể học hỏi, nghiên cứu với thầy bạn và người xưa.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa?

Hai lẽ có, không mầu nhiệm

Đêm đêm ta hỏi người xưa”

        Người phật tử phải có tâm huyết học hỏi, nghiên cứu kinh điển làm hành trang như một tấm bản đồ đi vào nội tâm. Người mù muốn đi đây đi đó thật khó khăn, dễ bị té ngã té nghiêng vì họ không thấy đường đi nẻo về. Thật đáng thương! Tu tập không thể nào mù mờ. Không có tăng thân, không có phương pháp hành trì, không có thầy dẫn đường thì ta dễ bị rơi vào trong vòng lầm lạc. Kiến đạo là thấy rõ con đường thì ta mới vững tâm đi tới. Cũng giống như, người ở Huế muốn đi Hà Nội mà cứ ngắm hướng Nam, hướng Tây, hướng Đông để đi. Người ấy sẽ không bao giờ tới nơi được. Càng đi càng lạc lối, mệt mỏi và phí sức, bởi vì Hà Nội nằm về hướng Bắc của Huế.

      Tóm lại, muốn biết “Sau khi chết ta đi về đâu?” thì ta hãy nhìn thấy rõ ràng bây giờ ta đang đi về đâu.

“Về đâu cuối ngõ

 Về đâu cuối trời,

 Xa xăm tôi ngồi

 Tôi tìm giấc mơ,

 Xa xăm tôi ngồi

 Tôi tìm lại tôi.”

      Ta hãy lắng nghe lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Tìm lại ta” chính là chìa khóa để mở cánh cửa bí mật ngàn đời của vũ trụ.

 

Sự sống mầu nhiệm - Mở lòng ra đi em!

 

        Hơi thở ý thức đưa tâm rong ruổi trở về với thân thể. Ta hồi phục được con người toàn vẹn. Thông thường, tâm ta bận về quá khứ hay lo nghĩ tới tương lai hoặc đi lang thang về một chân trời xa xôi nào đó. Ta suy nghĩ vẫn vơ đủ thứ trên đời. Ta hối tiếc những gì đã qua và lo lắng những gì chưa tới. Sống mà thật sự không biết ta đang sống, không có sự tiếp xúc, cho nên sự sống ẩn hiện một cách mờ mờ, ảo ảo như một giấc mộng. Ta không có khả năng thưởng thức nắng chiều ấm áp, không thở được không khí trong lành của miền núi cao, không nếm được hương vị thơm ngon của bữa cơm. Thân ở đây mà tâm đã đi mất rồi. Do đó, ta không biết ta là ai?       

        Bởi vậy, ta hãy nhớ thắp lên ánh sáng chánh niệm bằng công phu tu tập hàng ngày như: lạy Bụt, tọa thiền, thiền hành, hơi thở, bước chân. Trở về với ta, an trú trong hiện tại, tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm là mục tiêu quan trọng nhất. Nghệ thuật tâm linh tột đỉnh là sống bình thường với tất cả sự chú tâm và tỉnh táo để có thể trở thành một với những gì đang xảy ra. Khi ăn biết đang ăn. Lúc uống biết đang uống. Khi đi biết đang đi. Lúc buồn biết đang buồn…

       Ta biết thưởng thức hương vị thơm ngon của ly trà nóng. Cũng ly trà ấy, đối với người khác là vô nghĩa, là chuyện tầm thường. Nhưng đối với ta, nó hết sức quí giá. Không những ta nếm được hương vị thơm ngon của nó mà biết rõ ràng ta đang còn sống, đang được uống ly trà với tất cả sự thương yêu và cẩn trọng. Ta thấy được vườn trà xanh mát ở Thái Nguyên, Bảo Lộc hoặc Buôn Mê Thuộc và công phu lao tác của những người nông dân cần cù cực khổ. Thấy như thế, lòng ta tràn ngập sự biết ơn đối với mọi người.

       “Biết” chính là tỉnh thức, là cõi hiện tại, là con người toàn vẹn. Cái biết này sẽ lớn lên một cách nhạy bén theo năm tháng. Nhờ vậy, ta có thể thấy được đường đi nẻo về của tâm ý, có cơ hội hiểu được con người thật trong ta. Nếu chưa biết sống, chưa có cơ hội tỉnh dậy để tiếp xúc với sự sống thì ta cũng không thể nào biết được chết là gì? Ta thử thực tập như thế này nhé.

Thở vào, ta biết ta đang còn sống

Thở ra, ta mỉm cười với ta.

 

Gần đèn thì sáng - Kết quả của môi trường

 

          Sự sống chỉ xảy ra trong giây phút hiện tại, bởi vì quá khứ đã qua rồi mà tương lai thì chưa tới. Sống trong vô tâm, quên lãng thì ta đánh mất sự sống mầu nhiệm và không nếm được niềm vui, an lạc và thảnh thơi. Do đó đời ta là một chuỗi dài của lo âu, phiền muộn và tuyệt vọng. Sống mà như thế thì chết sẽ đi về đâu? Nhân nào quả nấy. Phẩm chất đời sống hiện tại chính là kết quả trong tương lai.

         Một người lang bạt ở nơi sòng bài thì sẽ có một ngày bị phá sản, mất tiền, tốn của. Một người la cà với bạn bè nhậu nhẹt, xì ke, ma túy thì trước sau gì cũng trở nên nghiện ngập. Một sinh viên chăm học, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, thân cận với các vị học giả thì chắc chắn sẽ trở thành một học giả uy tín. Một người kề cận với minh sư. Sớm chiều, thực tập thiền hành, thiền toạ, tụng kinh, niệm Bụt, giữ gìn giới luật, nương tựa tăng thân thì người ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc thầy giỏi. Đó là những kết quả hiển nhiên. Cho nên, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” 

      Sơn là người con trai hiền lành nhất trong gia đình. Gia đình Sơn định cư ở tiểu bang Vermont thuộc niềm Đông Bắc nước Mỹ vào đầu năm 1980. Berlington là thành phố lớn của tiểu bang Vermont. Vậy mà, nó chỉ có vài gia đình người Việt. Đa số bạn học của Sơn là người Mỹ. Mỗi khi về nhà, Sơn chỉ biết quanh quẩn trong nhà hoặc vui đùa với các anh chị. Chẳng biết làm gì hơn, Sơn học siêng năng. Năm nào, Sơn cũng là học sinh giỏi nhất trường. Bố mẹ thương yêu và cưng chiều Sơn nhất nhà. Bố cứ thao thức và thường tâm sự với mọi người trong gia đình: “Bố muốn có một vài bác sĩ trong gia đình này để nở mặt nở mày với thiên hạ và làm đẹp lòng ông bà, tổ tiên.” Vừa nói, bố vừa nhìn thẳng vào đôi mắt của Sơn. Tuy là con út trong gia đình, Sơn cũng đủ khôn ngoan hiểu được ước mơ của bố. Vì thế, mấy anh chị em cố gắng học giỏi để làm vui lòng bố mẹ. Mẹ không nói năng gì nhưng qua ánh mắt, Sơn biết mẹ bằng lòng với anh chị em Sơn trong hiện tại. Mẹ thật tế hơn bố nhiều. Vì mơ ước nhiều lỡ giấc mơ không trở thành sự thật thì sẽ càng thất vọng não nùng thêm.

        Năm năm sau, gia đình Sơn dọn về tiểu bang California. Ở đây có đông đúc người tỵ nạn. Bác hai của Sơn đang ở thành phố Santa Ana, nơi có phố Little Sài Gòn dành cho người tỵ nạn. Mới về Ca li, Sơn không cảm thấy thoải mái và ưa thích gì cho lắm. Xứ gì mà nắng gắt quá, xe cộ đông như kiến và không khí thật ồn ào, náo nhiệt. Cho nên mỗi đêm, Sơn thường nằm mơ về đồi núi xanh tươi và không khí trong lành của Vermont. Vậy mà trong vòng một tháng, Sơn bắt đầu thích môi trường ồn ào, nóng bức ở nơi đây. Sơn trở thành chàng trai mười sáu tuổi với nhiều bạn bè. Sơn bắt đầu chán học, thích lang thang ở các siêu thị, quán xá và vũ trường. Sơn bắt đầu hút thuốc và nhậu nhẹt với các bạn. Sơn nghĩ ở đây mà không chơi đẹp thì chẳng ai thèm làm bạn với mình. Năm năm sau, Sơn rơi vào vòng sa đọa của xì ke, ma túy, băng đảng. Cuối cùng, tù tội. Ngồi ở trong tù, Sơn cảm thấy tê tái cả nỗi lòng. Bao nhiêu mơ ước của bố mẹ đều tan thành mây khói. Cái thời đầm ấm trong gia đình hạnh phúc không còn nữa. Cái thời ham học, vui chơi với các anh chị đã qua rồi. Giấc mơ trở thành bác sĩ giỏi cũng tan tành. Tòa án kết tội Sơn là chủ chốt của nhóm ‘ma phi a’ lớn nhất thành phố này và phải ở tù trong hai mươi năm. Sơn muốn làm lại cuộc đời nhưng đã muộn!

       Đó là kết quả của một đứa con trai hiền lành sống trong môi trường thiếu lành mạnh. Do vậy, ta phải chọn môi trường lành mạnh, có thiên nhiên, có trường học, bạn bè tốt cho con cái sống để được nuôi dưỡng bởi năng lượng lành mạnh.

 

 


[1] Đường Xưa Mây Trắng trang 104  -- Thích Nhất Hạnh

[2] Vũ Hoàng Chương

[3] Điêu Tàn của Chế Lan Viên

[4] Vũ Hoàng Chương

Pháp Đăng
http://www.daophatngaynay.com


Âm lịch

Ảnh đẹp