Phóng Sinh Với Tâm Bồ Đề


Tác giả: Tâm Hòa
19/11/2010 10:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 4740
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phóng sinh, một trong số rất nhiều phương tiện để hoàn thiện hành trang trên con đường thành tựu Phật quả. Trên tinh thần đó, ngày càng có nhiều người phát tâm phóng sinh, nhiều buổi lễ phóng sinh quy mô lớn mà giá trị vật chất lên đến hàng trăm triệu đồng.

 Hiện trạng này đã và đang phát triển rất nhanh trong cộng đồng Phật giáo Phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.

 Trên bình diện tổng quát phóng sinh là việc làm tích tụ nhiều việc lợi ích, tuy nhiên nếu phóng sinh không đúng cách, phóng sinh tràn làn, người phóng sinh vì tham cầu lợi ích riêng tư không phát khởi Bồ Đề Tâm trong việc phóng sinh sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nhận thức điều này, người viết mạo muội chia sẽ vài thiển ý với mong muốn người đọc, nhất là những ai đã, đang và sẽ phát nguyện phóng sinh có thêm hiểu biết đúng đắn để việc thiện lành mang đến lợi lạc toàn hảo.

1. Nguồn gốc của việc phóng sinh

a. Nguồn gốc

Phóng sinh là việc làm thể hiện lòng từ bi mong muốn đem an lạc hạnh phúc đến cho tất cả chúng sinh. Việc làm này lần đầu tiên được biết đến qua lịch sử của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi Ngài còn là một vị thái tử Tất Đạt Đa. Chuyện kể rằng Đề Bà Đạt Đa - anh em chú bác với Đức Phật đã giương cung bắn trúng một con chim thiên nga đang tự do bay trên bầu trời cao rộng. Thiên nga ấy rơi vào trong khu vườn của thái tử. Nhìn thấy thiên nga đang quằn quại trong cơn đau dữ dội, với lòng từ bi của một vị thái tử mới 9 tuổi, Ngài đã nâng thiên nga ôm vào lòng, chăm sóc vết thương, cẩn trọng tìm chổ trú an toàn. Bằng tình thương vô bờ ấy không bao lâu vết thương của thiên nga bình phục hoàn toàn, vỗ cánh bay cao trong không gian bao la và không quên cất tiếng vui mừng tỏ lòng tri ân đối với người đã cứu mình.

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, suốt gần 50 năm thuyết pháp độ sinh Ngài vẫn luôn đề cao tinh thần từ bi, bất sát. Trong kinh Phạm Võng Phật dạy: “ Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người sát sinh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ.”Kinh Kim Quang Minh cũng có nêu ra những câu chuyện về lòng bi mẫn cứu giúp chúng sinh khỏi nạn khổ đau.

Dựa trên tinh thần căn bản đó việc phóng sinh đã phát triển rộng khắp Trung Hoa truyền sang Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên và Việt Nam.

b. Thế nào là phóng sinh?

Phóng sinh có nghĩa là cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ đau, sợ hãi khi bị giam nhốt trong chậu, lồng, nhà giam, hoặc đang bị tra tấn hành hạ, sắp bị giết… bằng Tâm Bồ Đề dùng mọi phương tiện mang lại sự sống, sự bình an cho tất cả chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng. Như vậy, hành động cứu giúp chúng sinh với Tâm Bồ Đề thể hiện qua tình thương vô điều kiện, không phân biệt giàu nghèo, oán thù, người hay vật… là việc làm hết sức thanh cao, là nét đặc trưng trong truyền thống Phật giáo. Việc làm này có lợi ích ra sao? Cần phải phóng sinh như thế nào cho đúng? Đó là việc cần nên tìm hiểu.

2. Lợi ích của việc phóng sinh

Phóng sinh có rất nhiều lợi ích không thể nghĩ bàn. Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức nói rằng: “ Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tại nạn.” Kinh Chánh Pháp Niệm cũng dạy: “ Tạo một ngôi chùa không bằng cứu một sinh mạng.” Vì cứu một sinh mạng tức là cứu một vị Phật, cứu một vị Phật tức là cứu thoát tất cả chúng sinh. Cho nên nói lợi ích của việc phóng sinh không thể nghĩ bàn là vậy. Nay tạm nói tóm lược lợi ích của người làm việc phóng sinh như sau:

Một, luôn được chư Phật hoan hỷ, chư thiện thần gia hộ

Hai, ít bệnh tật hiểm nghèo

Ba, tránh được đao binh, chiến tranh, tai nạn hiểm nguy

Bốn, mạng sống lâu dài, khỏe mạnh

Năm, gia đình bình an hạnh phúc

Sáu, mong cầu chân chính đều được toại ý

Bảy, oan gia được giải, tinh thần luôn thoải mái vui tươi

Tám, con cháu ngoan hiền, hiếu thảo kính nhường

Chín, tăng trường lòng từ bi, không ham thích sự giết hại

Mười, tăng trưởng đức tin chân chính đối với Tam Bảo

Mười một, sau khi chết xa lìa ác đạo, được sinh lên cõi trời hoặc sinh làm người tôn quý

Mười hai, nếu có tu niệm Phật sẽ được vãng sinh Cực Lạc thành tựu Phật quả.

Người phóng sinh sẽ có được tất những công đức như trên và hơn thế nữa nếu biết phóng sinh đúng cách nghĩa là động lực của việc phóng sinh phải phát xuất từ Tâm Bồ Đề thể hiện qua tình thương vô điều kiện, và tuệ giác không phân biệt.

3. Phóng sinh với Tâm Bồ Đề

a. Đức tính cao quý của Tâm Bồ Đề

Kinh Đại Nhật có chép rằng: “ Phật pháp lấy Tâm Bồ Đề làm chánh nhân, lấy lòng đại bi làm căn bản.” Thế rõ biết giá trị của Tâm Bồ Đề thật to lớn. Trong kinh Hoa Nghiêm Bồ Tát Di Lặc đã nói với Thiện Tài như sau: “ Thiện nam tử, Tâm Bồ Đề này như hạt giống của tất cả giáo lý Phật. Nó như ruộng vì làm tăng trưởng tất cả thiện hạnh của hữu tình. Như đất, vì toàn thể vũ trụ nương vào đó. Như thần tài (Vaisravana), vì nó phá hủy sự bần cùng. Như cha mẹ, vì che chở cho các Bồ Tát. Như viên ngọc ước, vì ban bố mọi sự tốt lành. Như một bình chứa tốt, sung mãn mọi ước nguyện. Như một cây lao nhọn, vì hàng phục tất cả những kẻ thù là hư hỏng thối nát. Như áo giáp, vì nó tránh được mọi ý hành bất cẩn. Như gươm bén vì nó chặt đứt sự đồi trụy. Như khí giới, vì nó bảo vệ người ta khỏi tái sinh. Như móc câu, vì nó móc người ta ra khỏi dòng sông sinh tử. Như cơn gió lốc, vì thổi tan những tấm màn ngăn che. Như phương châm, vì tóm thâu tất cả nguyện và hạnh của Bồ Tát. Như điện thờ đối với tất cả thế gian gồm trời, người và atula. Thiện nam tử đấy là những đức tính của Tâm Bồ Đề, và nó còn vô lượng đức tính khác nữa.

Người con Phật dù làm bất cứ việc gì cũng không nên xa rời Tâm Bồ Đề, bởi lẽ rời tâm này mà làm Phật sự thì không khác nào Ma sự. Ngài Tịch Thiên cũng dạy trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh như sau:

“ Hạnh lành khác chỉ như cây chuối

Cho quả xong tàn lụi héo hon

Cây Bồ Đề vẫn luôn xanh

Không ngưng kết trái đơm hoa cõi đời.”

Bởi vậy, Tâm Bồ Đề bất diệt nên tất cả công đức của tâm này hoàn toàn không mất đi mà vẫn luôn luôn tăng trưởng khắp cùng không gian và thời gian.

b. Phóng sinh với Tâm Bồ Đề là thế nào?

Như đã trình bày, đức tính của Tâm Bồ Đề không thể nghĩ bàn và không có cùng tận. Vậy phát khởi Tâm Bồ Đề như thế nào để việc thiện lành luôn được kết quả tốt, nhất là trong việc phóng sinh? Điều này đã được Ngài Tsongkhapa dạy trong tác phẩm Ba Điểm Trọng Yếu Của Đường Tu Căn Bản Đến Giác Ngộ như sau:

“Bồ đề tâm tôn quý

Sẽ được phát sinh bởi

Tất cả chúng hữu tình

Mà những hữu tình ấy

Là những bậc Đại trí.

Chúng sinh bị cuốn trôi

Bởi bốn dòng nước xiết

Bị trói buộc chặt chẽ

Bởi sức mạnh nghiệp lực

Thúc đẩy mãi không dừng.

Bọ tóm gọn vào trong

Lưới sắt của chấp Ngã

Lại bị bao phủ bởi

Bóng tối tăm dày đặc

Của ngu ám Vô minh.

Hữu tình mãi trôi lăn

Sinh rồi lại tái sinh

Trong thế gian vô hạn

Chịu hành hạ tra tấn

Liên tục bởi Ba khổ.

Tình trạng này cũng như

Cảm giác đang sợ hãi

Của những bà Mẹ ta

Hãy nhớ nghĩ như vậy

Để phát tâm Bồ đề.

Điều này có nghĩa chúng ta hãy phát khởi lòng từ nghĩ tưởng đến tất cả những chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ sinh tử kia, cụ thể những chúng sinh mà ta phóng sinh chính là những người mẹ trong vô lượng kiếp về trước của mình. Chúng ta có thể nào làm ngơ trước đau khổ của mẹ mình không? Không! Chúng ta nhất định phải tìm cách để cứu giúp những người mẹ đáng thương ấy thoát khỏi ngục tù sinh tử, đưa họ đến bến bờ giải thoát thật sự. Và, khi nghĩ nghư vậy chúng ta đã phát được Bồ Đề Tâm Nguyện, nhưng nếu nguyện thôi chưa đủ, chúng ta cần phải dõng mãnh thực thi hạnh nguyện đó có nghĩa là phải hoàn thành Bồ Đề Tâm Hạnh. Cả hai “Nguyện” và “Hạnh” này chính là gốc của Tâm Bồ Đề. Như Ngài Tịch Thiên dạy:

“ Như ngọn lửa ở thời kiếp hoại

Trong phút giây đốt cháy tội khiên

Công đức tâm ấy vô biên (Tâm Bồ Đề)

Được ngài Di Lặc dạy khuyên Thiện Tài.

Tóm thâu hai loại sau đây

Cũng từ một họ Bồ Đề mà ra

Một là Tâm Nguyện tỉnh ra

Hai là Tâm Hạnh gắng mà làm theo.

Bậc Hiền trí hiểu sâu hai thứ

Chổ khác nhau giữa muốn và làm

Như du hành mới phát tâm

Khác xa với việc dấng thân trên đường.

Trong vòng sinh tử nhiễu nhương

Bồ Đề Nguyện đủ đem đường yên vui

Nhưng kho công đức bời bời

Là Bồ Đề Hạnh nơi người phát tâm.”

Vậy, động cơ làm việc thiện, nhất là phóng sinh cần phải phát xuất từ Tâm Bồ Đề tôn quý được thể hiện qua lòng từ bi chân thành vô điều kiện muốn cứu giúp chúng sinh thoát khổ nạn song song với trí tuệ không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, người vật…

b.1. Phóng sinh với Lòng từ bi không điều kiện

Kinh Đại Bát Niết Bàn có chép rằng: “ Lòng đại từ, đại bi gọi là tánh Phật.” Lại cũng chép rằng: “ Lòng từ bi chính là Như Lai, Như Lai chính là lòng từ bi.” Người con Phật chân chính luôn luôn thấu hiểu được lòng từ bi mà Đức Phật đã khéo léo truyền trao trong suốt hơn 40 năm thuyết pháp. Có thể dể dàng nhận thấy điều này qua hành trang Năm giới cấm, hay trong Lục độ ba la mật.

Việc cấm sát sinh là giới đầu tiên Phật muốn người đệ tử mình phải tuân giữ. Vì sao vậy? Vì thể hiện lòng từ bi trân trọng mạng sống của tất cả muôn loài. Bởi lẽ, ai ai cũng sợ chết, ai ai cũng sợ gươm đao, suy lòng mình ra người, đừng giết và đừng bảo người giết. Cấm sát sinh của đạo Phật không dừng ở việc cấm giết người và còn mở rộng ra khắp cả muôn loài vạn vật, hữu hình lẫn vô hình. Thể hiện điều này Phật dạy nên ăn chay và phóng sinh. Nhưng việc phóng sinh cần phải tiến hành trên tinh thần từ bi không điều kiện. Tại sao như vậy? Vì với lòng từ, người phóng sinh ý thức được giá trị cao quý mạng sống chúng sinh giống như mạng sống của mình, thấy chúng sinh đang bị giam cầm, khổ đau, sắp bị giết cũng giống như mình đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ làm mọi phương tiện để cứu lấy mạng sống và đưa chúng sinh thoát khỏi hiểm nguy mà không cần sự báo đền hay bất cứ điều kiện nào.

Tuy nhiên ngày nay việc phóng sinh đã ít nhiều mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Người ta phóng sinh vì cầu may mắn, cầu hết bệnh tật, cầu mong sống lâu, cầu mong danh vọng bạc tiền mà nào có ai phóng sinh bằng lòng từ bi chân thật. Phóng sinh càng nhiều để cầu xin càng nhiều, vô hình chung tạo tội càng nhiều. Tại sao nói như vậy? Vì người không có lòng từ hoặc lòng từ kèm điều kiện mà phóng sinh chẳng khác nào đem chúng sinh làm vật thế mạng, đem chúng sinh làm cuộc đổi chát bán mua mà phần lợi nhuận chắc chắn muốn được về mình. Có nhiều buổi lễ tiến hành phóng sinh lên đến hàng trăm triệu, các loại chúng sinh trước khi được phóng thích phải trải qua một thời gian nằm trong chậu, lồng, hay thùng để chờ kết thúc buổi lễ mới được phóng sinh. Trong số đó có không ít những chúng sinh đã chết vì mỏi mệt, vì kiệt sức, vì chen chúc nhau để được sinh tồn trong không gian hạn hẹp của những chiếu chậu, chiếc thùng… như vậy có tàn nhẫn lắm không? Như vậy có thể gọi là từ bi không?

Lại có người nói rằng, số lượng những chúng sinh bị chết trước khi thả so với số lượng chúng sinh còn sống thì không đáng kể. Ôi, có thể nào thốt được lời ấy? Nếu đã là sinh mạng thì dù một mạng cũng là quý giá, vậy tại sao đem giá trị sự sống của chúng sinh mà so sánh với số lượng chúng sinh được thả. Lại nữa có người còn “đặt hàng” để phóng sinh, hay phóng sinh chạy theo số lượng. Họ nào biết đâu một cú phone đặt hàng đã làm cho vô số chúng sinh phải chịu cảnh giam cầm đau khổ. Hơn thế nữa còn gián tiếp tạo ra tội sát sinh mà không hề hay biết, cứ tưởng mình làm như thế sẽ được phúc nhưng ai ngờ đó là hành động nhẫn tâm đến vô cùng.

 Chúng ta phóng sinh khi tình cờ thấy chúng sinh đang bị đau khổ, bị giam nhốt, nguy hại đến tính mạng, với lòng từ bi ta muốn chúng được an lành, thoát khổ nên tìm cách cứu bằng phương tiện mà ta có thể. Ví dụ, hôm nay đi chợ ngang hàng cá, thấy một con cá đang chuẩn bị giết, mặc dù muốn thả hết số cá đang có nhưng điều kiện ta có thể mua được một đến hai con. Trước tiên ta sẽ mua con cá đang nguy hại đến tính mạng và thầm cầu nguyện cho những con cá còn lại sớm được giải thoát. Hoặc đi trên đường thấy một con sâu, con ốc sên hay con giun đang bò, ta tìm cách mang chúng vào lề đường nơi thoáng mát để tránh cho chúng khỏi thiệt mạng.

Hiện nay ngoài việc nhấc điện thoại gọi đặt hàng phóng sinh còn có thêm hình thức phóng sinh “giao hàng tận nơi”. Chùa nào muốn phóng sinh, nhà nào muốn phóng sinh, người nào muốn phóng sinh chỉ cần cho biết trước ngày giờ là “hàng” phóng sinh sẽ được mang đến tận nơi. Phóng sinh như thế bằng mười sát sinh!. Luận Đại Trí Độ dạy rằng: “ Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. trong tất cả các công đức không giết hại là công đức lớn nhất.” Như vậy, việc phóng sinh theo kiểu này chính là tiếp tay cho hành động sát sinh, tội thật nặng vô cùng.

Lại có người nói rằng: “ Người phóng sinh có công đức của việc phóng sinh, kẻ sát sinh có tội lỗi của việc sát sinh. Chúng ta là người tạo công đức của chính mình, người khác bắt giết gây ra tội lỗi của chính họ. Mọi việc trong thế gian đều tương đối tồn tại: có thiện tất có ác, có ngay thẳng tất có gian tà. Lẽ nào vì hành động tội lỗi của kẻ khác bắt giết mà chúng ta lại không làm thiện hạnh phóng sinh hay sao?” Lời nói này đứng trên phương diện khơi dậy lòng từ bi bất sát và khuyến hóa con người phóng sinh thì không có gì để nói. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay khi việc phóng sinh đã có đấu hiệu thương mại hóa, nguy hại đến môi trường, nghiêm trọng hơn là tiếp tay cho bọn người chuyên làm nghề môi giới cung cấp sinh mạng để phóng sinh thì lời nói trên cần phải được xem xét lại. Nên hiểu rằng phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giải thoát được chúng sinh trong hoàn cảnh hoàn toàn ngẫu nhiên, không tính toán, thả chúng về môi trường thuận lợi, thích nghi với điều kiện sống để chúng sống được dài lâu hơn. Không nhất thiết là phải mang chúng đến chùa, hay chờ đợi cầu cúng xong mới thả. Chổ nào thích hợp thì thả, chỉ cần dụng tâm từ bi cho hành động của mình là được.

Hành động phóng sinh là hành động của một vị Bồ Tát, nhưng nếu Bồ Tát vì việc làm lợi ích cho bản thân mình mà mặc nhiên để cho kẻ khác tạo thêm tội lỗi, chịu khổ về sau trong địa ngục thì việc thiện lành đó liệu có ý nghĩa gì không? Đành rằng thế gian là tương đối, nhưng cũng không nên vì lợi ích cho riêng mình làm ngơ trước khổ đau (của vật bị bắt phóng sinh) và tội lỗi của người bán vật phóng sinh. Đó không phải là người có lòng từ, càng không phải là việc làm của người con Phật.

Biết rằng có kẻ mua người bán nhưng chưa chắc có kẻ bán là bắt buộc phải có người mua. Ví dụ, khi chị A bán cá không nhất thiết là tất cả mọi người đều ăn cá. Nhưng nếu có người ăn cá thì chắc sẽ có người bán cá. Bồ Đề Đạo Tràng_Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo trước đây không có hiện tượng bắt chim nhốt vào lòng bán cho người phóng sinh. Vì ở Ấn Độ muôn thú sống cùng con người, hoàn toàn không có sự tách biệt. Nhưng ngày nay vì ảnh hưởng của văn hóa phóng sinh được du nhập từ khách hành hương nên chim chóc cũng bị bắt nhốt để phục vụ nhu cầu này. Điều đó đi ngược lại truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của Ấn giáo, nhưng vì đồng tiền, vì vô minh nên người ta bất chấp kể cả tội lỗi.

 Cũng vậy, nếu chúng ta cứ tiếp tục phóng sinh theo kiểu nhấc phone đặt hàng hay đặt lịch giao hàng tận nơi, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm thì nghiễm nhiên người phóng sinh lẫn người bán hàng phóng sinh đều sa địa ngục.

Ngoài ra việc phóng sinh cũng phải làm với lòng tự nguyện, không kèm theo điều kiện. Đừng vì danh dự, lợi dưỡng mà phóng sinh, đừng vì tham lam bạc tiền, quyền uy mà phóng sinh, càng không nên vì sự ích kỷ của mình mà phóng sinh. Phóng sinh như thế chẳng khác nào cuộc buôn bán ngoài chợ. Hãy tin vào nhân quả, Hãy phóng sinh vì lòng từ bi chân chính vô điều kiện.

b.2. Phóng sinh với Tuệ giác không phân biệt

Có người Phật tử nói rằng: “ Tôi không phóng sinh cá mà chỉ phóng sinh lươn, ốc vì những loài này có thể lặn sâu dưới nước mà không bị bắt lại.” Suy nghĩ này cũng có phần hợp lý. Tuy nhiên trên bình diện phóng sinh với tuệ giác không phân biệt, người này vẫn còn bị vướng mắc vào việc lựa chọn đối tượng để phóng sinh. Chúng ta nên nhớ, phóng sinh là giải thoát, cứu sống sinh mạng cho tất cả những chúng sinh đang cận kề đầu búa lưỡi dao. Ví dụ, người này chỉ muốn thả lươn, không muốn thả cá, nhưng một hôm ra chợ mua lươn phóng sinh tình cờ thấy một con cá đang nằm thoi thóp trên thớt chuẩn bị giết, nếu vì sự phân biệt mà bỏ mặc con cá ấy thì dù có thả hàng triệu con lươn cũng không có chút lợi ích nào.

Lại có người thích thả cá màu vàng hơn màu đen vì cho rằng màu đen là xui, không hợp với mình. Rồi có người cho là thả chim sẻ tốt hơn bồ câu, vì chim sẻ vừa rẻ vừa có thể thả được nhiều nên cứ tìm chim sẻ mà mua, thậm chí còn được đặt cho cái tên ông hay bà chim sẻ và từ đó hễ bắt được chim sẻ là họ đem đến tận nhà.

Thật phi lý khi chim, cá đang vui chơi tự do sinh sống mà vì nhu cầu phóng sinh lại bị con người bắt, rồi con người lại nhân danh triết lý cao cả ban ơn thả nó. Đạo Phật có câu khế lý khế cơ, chúng ta làm việc phóng sinh là điều tốt nhưng cũng cần phải phù hợp với từng địa phương, phong tục, môi trường sinh sống của các loài chúng sinh. Ví dụ như ở quốc gia Ấn không có việc phóng sinh vì tất cả các loài động vật đều sống rất an lành bên con người, nhưng vì nghĩ rằng phóng sinh ở đất Phật sẽ có nhiều công đức hơn nên tìm cách hỏi mua và cố nhiên có cầu tức có cung. Hoặc mua cá nước ngọt lại đem ra vùng nước mặn thả, và ngược lại… không những thế khi phóng sinh với số lượng lớn cùng một lúc, trong cùng một khu vực sẽ tạo ra sự mất cân bằng sinh thái gây nguy hại đến môi trường sống. Hoặc phóng sinh ở những ao tù, nước đọng thiếu không khí, không có sự trao đổi dòng chảy với các sông lớn sẽ gây nguy hại đến tính mạng của các loài chúng sinh.

Chúng ta đã phát tâm phóng sinh thì khi gặp bất cứ con vật nào trong bất kỳ lúc nào thấy cần thiết phải phóng sinh thì không nên chần chừ. Chúng ta cũng không nên nghĩ phóng sinh phải đem đến chùa hay phải vào những ngày rằm, mùng 1 hay 30 hoặc vào những mùa đại lễ như Vu Lan, Phật Đản…mới làm việc này. Vì nếu những dịp như trên trở thành thông lệ để phóng sinh, người có nhu cầu phóng sinh quá đông trong cùng một thời điểm sẽ là ngày tận diệt của các loài chúng sinh nhỏ bé yếu đuối. Có lẽ nào vì cầu chút phước lành, vì niềm vui cho chính mình mà làm cho hàng vạn sinh linh chịu cảnh khổ đau, hoảng sợ. Hơn nữa vào những ngày ấy việc ăn mặn còn không nên huống hồ gì gián tiếp bắt nhốt để làm cái việc phóng sinh giả dối ấy. Hành động săn bắt thú hoang như chim, thỏ,… không những phạm tội sát sinh mà còn vi phạm Luật Bảo Vệ Môi Trường ở điều 7, khoản 2,3 được công bố năm 2005.

 Giám đốc Hội Bảo Vệ Môi Trường của bán đảo Đài Loan cho biết: “những con chim rừng bị bắt và bán cho nhóm người sùng đạo để phóng sinh và kết quả là phần lớn những con chim ấy bị thương hoặc bị chết.” Tại Việt Nam hiện trạng phóng sinh như trên đang có phần gia tăng và phổ cập từ thành thị đến nông thôn. Có nhiều buổi phóng sinh quy mô lớn họ thuê cả tàu chở hàng vạn, hàng triệu loài thủy cầm để phóng sinh với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng họ đâu biết mới ngày hôm qua những chúng sinh này còn vui tươi tung tăng bơi lội bên mẹ, bên cha, quần tụ trong bầy đàn của nó thế mà chỉ một đêm thôi, gia đình, bầy đàn của chúng đã tan tác, lòng oán hận có lẽ nhiều hơn công đức có được từ việc làm thiếu trí tuệ này.

Hình thức phóng sinh đâu cần phải quy mô và rập khuôn như thế, chúng ta có nhiều cách để làm mà qua đó cũng mang đến lợi ích cho chúng sinh không kém như: giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp, bảo vệ rừng, bờ biển và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên để các loài sinh vật có nơi ở thích hợp thoải mái, tự giác không đánh bắt cá và săn bắn chim thú bừa bãi… hoặc dùng số tiền lớn này làm việc từ thiện như: giúp đỡ các gia đình nghèo khó có con em hiếu học được đến trường, tận tình giúp khi thấy người gặp khó khăn, an ủi động viên khi người rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, kịp thời can ngăn khi thấy kẻ cô thế yếu đuối bị hành hạ đánh đập, nuôi dưỡng và cung cấp kinh phí cho chư Tăng, Ni có đủ điều kiện tu học…rất nhiều và rất nhiều cách để thể hiện việc làm thiện lành.

Cũng cần nói thêm, mỗi người nên tự giác làm công việc phóng sinh cho chính mình. Nghĩa là ngoài việc mua các loài chúng sinh để thả chúng ta cần nên giải thoát, phóng sinh cho chính chúng ta. Người nào tâm tham nhiều thì nên “phóng” (buông bỏ) tâm tham bằng cách sinh khởi sự bố thí, cúng dường. Tâm sân nhiều thì nên buông bỏ bằng cách sinh khởi lòng từ bi nhẫn nhục. Tâm si mê, tà kiến nhiều thì nên buông bỏ bằng cách tu quán Duyên khởi hay niệm Phật… được như thế công đức phóng sinh mới thù thắng viên mãn.

c. Tác hại của việc phóng sinh không kèm theo Tâm Bồ Đề

Thật nguy hiểm vô cùng khi động cơ làm việc thiện hay cụ thể là phóng sinh mà không kèm Tâm Bồ Đề thông qua tình thương không điều kiện và tuệ giác không phân biệt. Hậu quả của việc phóng sinh ấy đi ngược lại hành động mà họ đang làm, nghĩa là thay vì phóng sinh họ lại trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc sát sinh. Quả báo của việc sát sinh đau khổ vô cùng, mạng đền mạng là điều không tránh khỏi, nhưng nếu biết mà vẫn không thay đổi thì thật đáng trách. Lịch sử Đức Phật cũng có nhắc đến quả báo của việc sát sinh qua câu chuyện vua Tỳ Lưu Ly tiêu diệt dòng họ Thích Ca (họ của Đức Phật). Chuyện kể như sau: Tiền thân Đức Phật trước kia là một chú bé trong một ngôi làng nọ. Trong làng có một cái hồ, nơi đó có rất nhiều cá. Một hôm dân làng cùng nhau kéo lưới bắt toàn bộ cá dưới hồ lên để ăn, trong số đó có một cón cá rất to. Chú bé kia không ăn cá nhưng thấy cá to nên muốn đùa bằng cách lấy cây gõ vào đầu cá 3 cái. Sau này đến thời Phật Thích Ca, vua Ba Tư Nặc là người mộ Phật, cưới một cô gái nô tỳ trong dòng họ Thích làm vợ sinh ra được Tỳ Lưu Ly. Lúc nhỏ, Tỳ Lưu Ly thường hay qua bên nhà ngoại tức kinh thành Ca Tỳ La Vệ chơi, nhân đùa giỡn nơi tòa ngồi của Phật nên bị mắng và bị nhục mạ là con của đứa nô tỳ thấp kém. Vì uất hận trong lòng nên sau khi lớn lên, làm vau ông quyết tâm kéo quân tàn sát dòng họ Thích để trả mối thù bị lăng nhục. Phật ba lần dùng địa vị là Đấng Cha lành của chúng sinh để khuyên Tỳ Lưu Ly nên ngưng bình chinh phạt dòng họ Thích đồng thời muốn tránh nghiệp sát và hóa giải hận thù, nhưng cuối cùng Tỳ Lưu Ly cũng đem quân tàn sát và truy sát dòng họ Thích đến cùng. Mục Kiền Liên_ vị đệ tử thần thông số một của Phật thấy vậy dùng thần thông đem 500 người họ Thích bỏ vào bình bát để tránh họa sát thương nhưng khi trút ra chỉ còn là bát máu. Nhân việc này, chúng Tăng hỏi Phật nguyên nhân, Phật ôn tồn nói ra câu chuyện này và cho biết, con cá lớn kia là Tỳ Lưu Ly còn quân lính là những con cá nhỏ trong hồ. Người ăn cá trong làng chính là người dòng họ Thích. Phật không ăn nhưng vì gõ lên đầu cá 3 cái nên ngày nay chịu quả báo đau đầu 3 lần.

Nghe câu chuyện này người có trí không khỏi bàng hoàng khiếp sợ. ngay cả Phật là bậc Đại giác mà cũng không tránh khỏi định nghiệp của việc sát sinh. Vì thế nếu phóng sinh mà không kèm Tâm Bồ Đề thì hậu quả cũng không thể nào tránh khỏi.

Lại nữa, có câu chuyện Phật tử Minh Thiện, người tỉnh Bến Tre. Nguyên trước đây làm nghề buôn cá từ Biển Hồ (Campuchia) về bán cho các vựa cá ở miền Nam. Khoảng năm 1967, lúc 11h sáng khi đang làm việc tại văn phòng, Minh Thiện cảm thấy buồn ngủ. Vừa thiếp đi, ông thấy một đoàn hơn 20 người già trẻ, nữ nam mặc áo xanh lấm chấm vàng, trên đầu đội mũ đỏ, mặt mày thiểu não, yếu ớt, dìu nhau bước vào văn phòng cầu xin ông tha mạng. Minh Thiện ngạc nhiên tỉnh giấc, bước ra cửa hướng đoàn người lạ vừa đi ra. Đến chỗ nhân công đang đổ cá xuống thuyền, ông thấy trên 20 con cá màu xanh lấm chấm vàng, con lớn to bằng em bé hai tuổi, con nhỏ bằng bắp chân, trên miệng mỗi con có một vệt màu đỏ to bằng bàn tay trong giống cái mũ nhọn, mắt như đang nhìn mình cầu cứu. Minh Thiện thấy lạnh xương sống, mình nổi da gà, toát mồ hôi, ông chợt nghĩ rằng đây chính là những người mới đến xin mình cứu mạng, liền cho người đem thả xuống sông. Từ đó ông bỏ nghề buôn cá, chuyển nhà lên Đà Lạt làm nghề buôn rau trái sinh sống.

Trên đây là hai trong số rất nhiều câu chuyện rất thật, rất sống động về  quả báo của việc sát sinh. Người đời vì chút lợi lộc phù phiếm trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả mai sau. Chút miếng ăn mà sát hại sinh linh nào ngờ miếng ăn đó chính là thịt của cha mẹ, thân bằng quyến thuộc hay của chính mình. Hoặc vì si mê cố chấp tà kiến không phân rõ đâu là nẻo thiện đường tà, làm việc thiện lành hóa ra việc ác, cứ cho việc mình là đúng không chịu lắng nghe hiểu thấu suy lường, tự hại chính mình và hại cả những người chung quanh. Vì lẽ đó khi làm việc gì cũng nên khởi lên động lực từ Bồ Đề Tâm. Luận Đại Trí Độ dạy rằng: “ Tâm đại từ là tâm ban vui cho tất cả chúng sinh, tâm đại bi là tâm cứu vớt cho tất cả chúng sinh.” Thật đáng suy nghĩ lắm thay!

d. Những trường hợp không sát sinh và Nghi thức phóng sinh căn bản

d.1 Những trường hợp không nên sát sinh

Phàm người thế gian, nhất là người tại gia luôn có nhiều chướng ngại trong việc khởi sự tu tập các việc lành nhất là việc phóng sinh. Ngày nay nhìn quanh thế giới thật khó tìm đâu ra niềm an vui thật sự. Chiến tranh vẫn còn, niềm hy vọng một thế giới hòa bình thật mong manh như làn khỏi mỏng. Mạng sống con người ngày càng ngắn ngủi, lại bị đe dọa bởi nhiều căn bệnh quái ác như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, và những trận đại dịch vô cùng hiểm nguy. Nguyên nhân cũng vì lòng ham thích giết chóc mà ra. Giết vì thù hận, giết vì ghen tức, giết vì tranh nhau quyền lợi, danh vọng, giết gì miếng ăn… máu và tiếng kêu than của muôn loài chúng sinh chưa hề dứt vì lẽ đó mà thế giới này vẫn luôn hỗn loạn, đau thương. Nay muốn thế giới hòa bình mỗi người nên tự giác tránh xa nghiệp ác, tạo nhiều việc lành như bố thí, phóng sinh, học Phật, niệm Phật. Kinh Phạm Võng, Phật có dạy: “ Người con Phật lấy lòng từ mà phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là tự giết thân cũ của mình….Cho nên thường hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại sinh vật, nên tìm phương tiện để giải cứu khiến cho chúng thoát khỏi khổ nạn.” Thế nên, người có tâm thiện lương, hơn hết là người con Phật cần có phương tiện khéo léo chuyển hóa gia đình, khuyến hóa mọi người tập ăn chay, không nên sát sinh, thực hành phóng sinh theo tinh thần Tâm Bồ Đề. Nhân đây xin trích dẫn những trường hợp cần tránh sát sinh và nên thực hành phóng sinh để người đọc tham khảo, suy tư và áp dụng thực hành

Thứ nhất, ngày sinh nhật, mừng thọ không nên sát sinh

Thế gian có tục lệ mừng ngày sinh nhật cho người dưới 60 tuổi và mừng thọ cho người trên 60 tuổi. Đây được xem là ngày vui của cá nhân và gia đình. Trong ngày vui này không nên sát sinh để làm tiệc đãi bạn bè, người thân vì ý thức rằng mạng sống mình được lâu dài khỏe mạnh đâu phải do sát hại sinh vật mà được. Mình và vật giống nhau ở chỗ tham sống sợ chết, đừng làm vui trên sự đau khổ của chúng sinh khác. Trong ngày đó hãy phóng sinh, làm việc thiện để có thêm công đức, tăng sức khỏe và được trường thọ.

Thứ hai, ngày sinh con không nên sát sinh

Nước bốn biển có thể gọi là nhiều nhưng không sao đong đầy tình mẹ. Mang thai 9 tháng 10 ngày đã là việc khó, nhưng càng khó hơn khi phải vượt cạn để đưa con đến được thế giới loài người một cách an toàn. Trong lúc ấy sinh mạng của mẹ và con như chỉ mành treo chuông, Quỷ Dạ Xoa ăn máu tanh của sản phụ và thịt thai nhi đang bu quanh để chờ cơ hội cướp lấy sinh mạng của cả hai mẹ con. Vì lẽ đó, người thân trong gia đình nếu muốn giúp phần phúc đức cho mẹ tròn con vuông thì không nên sát sinh và phải phóng sinh, niệm Phật, làm việc phúc thiện để mẹ con được mạnh lành. Hơn nữa đứa con ra đời tuy được an toàn nhưng trong ba năm đầu sinh mạng vẫn còn nhiều hiểm nguy chầu chực vì thế nên tránh việc sát hại sinh vật, làm nhiều việc thiện để tạo công đức lành cho con trẻ bình an. Lại nữa, cha mẹ phải tránh việc giết hại chúng sinh trực tiếp trước mặt con trẻ như lấy tay đập ruồi, đập muỗi, giết kiến, giết chuột… vì con trẻ trong giai đoạn đang lớn tâm thức rất nhanh nhạy, tiếp thu được tất cả những hình ảnh từ hành động của cha mẹ chúng, nhất là những đứa hiếu động nhiều nghiệp sát thì khi thấy việc làm ấy chúng rất thích thú. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sự giết hại đã ăn sâu trong tiềm thức của con trẻ, sau này khi gặp chuyện bực tức, nếu không kiềm chế chúng rất dể đánh và giết người.

Thứ ba, Cúng giỗ không nên sát sinh

Ngày giỗ chạp, tiết thanh minh là dịp để cháu con ôn lại ân tình của Tổ tiên đối với dòng tộc, gia đình. Anh em quần tụ, dâng lên Tổ tiên ông bà mâm xôi, lá trầu trái cau, hoa, quả, trà, hương tinh khiết thể hiện lòng tri ân và báo ân của con cháu đối với bậc tiền nhân. Đồng thời làm việc phóng sinh, tạo công đức lành, tụng kinh cầu siêu góp phần công đức để Tổ tiên sớm được sinh về cảnh giới an lành. Không nên sát sinh, uống rượu, bày tiệc uống ăn, chén tạc chén thù dẫn đến tranh đấu bất hòa nhau. Con cháu hiếu thảo là biết sống lương thiện, hoàn thuận kính nhường, món quà quý giá nhất con cháu dâng lên ông bà chính là sự sống trong sạch, và tâm hồn thanh khiết. Của cải lương thiện tạo ra đem dâng Tổ tiên còn không nhận được huống chi là của bất chính. Hãy thận trọng!

Thứ 4, Hôn lễ không nên sát sinh

Ngày Hôn lễ là ngày quan trọng nhất của đời người vì kể từ ngày đó hai tâm hồn là một, biết cảm thông và chia sẽ cho nhau nhiều hơn và đó cũng là ngày đánh dấu bước trưởng thành tiếp theo trong đời người. Có gia đình rồi ai cũng muốn được hạnh phúc, muốn sinh con hiền cháu thảo. Đồng thời trước ngày cưới đã đi xem ngày, chọn giờ tốt nhưng vào ngày đó lại giết hại sinh linh, cười vui trên sự đau khổ, tiếng rên xiết của biết bao sinh mạng, điều này thật đáng không nên. Không có đạo lý nào cho phép vui cười trên sự khốn cùng của kẻ khác nhất là vào ngày linh thiêng trọng đại của đời người. Hãy tránh việc sát sinh, nên làm việc phóng sinh và nhiều điều phúc thiện trước và sau khi cưới. Điều tốt đẹp chỉ có thể xảy đến khi ta biết hiến dâng sự tốt đẹp cho người khác.

Thứ năm, Đãi khách không nên sát sinh

Thói thường “phú quý sinh lễ nghĩa” nên kẻ giàu sang mà thiếu ý thức mang tội nhiều hơn kẻ nghèo. Người con Phật đã giác ngộ nên hạn chế việc giết hại, tổ chức ăn thịt uống rượu. Hãy tập ăn chay vì sức khỏe và sự sống lâu dài, đồng thời tránh được nghiệp sát thân do đao binh, tai nạn. Ngày nay ăn uống vui say trên sinh mạng chúng sinh mà đâu biết đó chính là thịt của cha mẹ hay người thân chính mình.

Thứ sáu, Lễ tang không nên sát sinh

Người thân mình mất, tâm thức lìa khỏi xác thân còn chưa biết về đâu, đường trước mịt mờ, ngõ sau mất lối. Nếu người khi sống làm nhiều phúc thiện, khi chết hiện tướng an lành thì sẽ được sinh về cõi lành. Người sống làm nhiền điều ác, khi chết hôn mê bất tỉnh sẽ bị đọa vào ba cõi khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn kẻ thiện ác chưa phân, khi chết tỉnh mê lẫn lộn, hạng người này cần phải trải qua 49 ngày phân định nghiệp nặng nhẹ để theo nghiệp mà đầu thai. Người thân không nên khóc than, gào thét, nếu thương người mất, không nên sát sinh mà phải phóng sinh, bố thí, cúng dường, tụng kinh cầu siêu và hồi hướng công đức ấy giúp cho người mất có thêm thiện nghiệp để sinh về cõi lành. Ví như người lữ hành đang lúc không còn thức ăn, bổng nhiên được tiếp tế lương thực để đi tiếp chặng đường dài phía trước. Còn nếu sát sinh cúng tế, làm cho người chết càng thêm nặng tội. Ví như người cõng đá to đi trong bùn, đang bị lún dần trong vũng lầy dơ bẩn, bổng nhiên có người gửi thêm vài tảng đá nữa khiến cho người cõng đá kia phải chìm sâu trong vũng bùn nhơ nhớp đó.

Đây là sáu trong số muôn vàn trường hợp cần tránh, vì nhận thấy sáu trường hợp này người thế gian dễ tạo tội sát sinh nhất. Nhưng cũng chính sáu trường hợp này mà biết ăn năn sám hối, từ bỏ sát sinh thực hành phóng sinh, làm điều phúc thiện, lợi lạc thật lớn vô cùng.

d.2 Nghi thức phóng sinh căn bản

Nhiều người mong muốn làm việc phóng sinh nhưng không biết phải chọn nghi thức nào nhanh gọn và mang lại hiệu quả đúng. Nay xin góp nhặt từng trong lời dạy của chư Tổ sư soạn thành nghi thức ngắn gọn có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, trong mọi trường hợp, nghi thức này có thể học thuộc để cá nhân tiện bề thực hành.

Trước hết người phóng sinh nên chấp tay trang nghiêm, mắt nhìn vào những chúng sinh đang bị đau khổ đó mà quán tưởng như là người mẹ thân yêu hay người thân nhất của mình đang gặp nạn, mình đang hết sức giải cứu cho họ. Bằng động lực ấy, dùng 3 nghiệp thân, miệng và ý trì Chú Đại Bi (nếu thuộc và có thời gian) hoặc niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT (3 lần) sau đó đọc bài kệ Sám hối:

Chúng con đã tạo bao ác nghiệp

Đều vị ba độc tham, sân, si

Từ thân, miệng, ý phát sinh ra

Tất cả nay cầu xin sám hối

Sau khi niệm như vậy ba lần, rồi lại vì chúng sinh mà niệm 3 lần bài Quy y Tam Bảo:

Con xin quay về nương tựa Phật

Con xin quay về nương tựa Pháp

Con xin quay về nương tựa Tăng

Quay về nương tựa Phật, con không đọa vào Địa ngục

Quay về nương tựa Pháp, con không đọa vào Ngạ quỷ

Quay về nương tựa Tăng, con không đọa vào Súc sinh

Chúng con đã về nương tựa Phật

Chúng con đã về nương tựa Pháp

Chúng con đã về nương tựa Tăng

 

Sau đó niệm Chú Vãng Sinh (3 lần, nếu thuộc) hoặc niệm danh hiệu Phật A DI ĐÀ cho đến khi thả hết.

Sau khi thả xong, người phóng sinh chấp tay đọc bài Kinh Bát nhã (nếu thuộc) rồi Hồi hướng như sau:

Vì mục tiêu thành tựu Phật quả, lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Con xin đem công đức lành này hồi hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nguyện con và tất cả chúng sinh đều vãng sinh Cực Lạc, sớm thành Phật đạo vì lợi ích cho tất cả hữu tình.

Sau đó, đọc tiếp bài:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Trong trường hợp các loại chúng sinh không thể sống lâu, hãy nhẹ nhàng thả chúng rồi thành tâm đọc nghi thức như trên.

4. Kết luận

Phóng sinh là việc thiện lành để tích tụ công đức hoàn thiện tư lương trên con đường giác ngộ giải thoát. Phóng sinh có nhiều cách, không nên câu nệ quá nhiều vào hình thức, ngày giờ, số lượng nhiều hay ít… điều cốt yếu là ở tại tâm. Người làm việc phóng sinh với động lực được thúc đẩy bởi Tâm Bồ Đề thể hiện qua Lòng từ bi không điều kiện và Tuệ giác không phân biệt, khi ấy công đức phóng sinh hay bất cứ việc thiện nào cũng điều mang lại kết quả viên mãn. Cần nhất là áp dụng lời Phật dạy, từ bi luôn đồng hành cùng trí tuệ, phải khế lý khế cơ, không nên mù quáng hay vì ích kỷ cá nhân, tham cầu phúc báu thế tục mà uổng phí công việc thiện lành. Lại nữa, người phóng sinh nên trau dồi thiện nghiệp, phóng sinh cho chúng sinh cũng chính là giải phóng những cấu bẩn, khổ đau của chính mình. Hãy nổ lực tiến tu và áp dụng giá trị đích thực của việc phóng sinh vào trong cuộc sống hằng ngày, khéo léo sử dụng phương tiện để khuyến hóa và chuyển tải thông điệp của tình thương và sự hiểu biết chân chính đến với mọi người.

Tâm Hòa

Tài liệu tham khảo:

Nhập Bồ Tát Hạnh. Trước tác Đại luận sư Tịch Thiên (Santideva). Việt dịch cố Ni sư Trí Hải

Đèn Soi Nẻo Giác. Nguyên tác đại sư Atisha. Việt dịch cố Ni sư Trí Hải.

Ba Điểm Trọng Yếu Của Đường Tu Căn Bản Đến Giác Ngộ. Nguyên tác đại sư Tsongkhapa. Việt dịch Tâm Hòa.

Và, một số tài liệu có liên quan được Thầy Nguyên Lộc tổng hợp.

Nguon: http://www.huongtubi.org


Âm lịch

Ảnh đẹp