Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng


(Bài giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì tỉnh Bình Dương mùa an cư tại chùa Hội Khánh ngày 1-7-2010)
18/11/2010 12:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 4517
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Trong khóa bồi dưỡng này, quý vị đã học Hiến chương, Nội quy, Nghị quyết của Giáo hội và học một số pháp lệnh về tôn giáo và luật pháp Nhà nước, v.v…

Hôm nay, nhân mùa an cư, tôi nhấn mạnh đến ngôi chùa tâm linh và trụ trì của ngôi chùa này là điều quan trọng khác với chùa vật chất mà chúng ta được Giáo hội bổ nhiệm và giao phó quản lý.

Trụ trì một ngôi chùa trên thế gian, trách nhiệm chính của quý vị là phải tôn trọng Hiến pháp, luật pháp và Hiến chương. Mối quan hệ giữa ta và tín đồ, giữa ta và Giáo hội các cấp, giữa ta và chính quyền, làm sao những mối quan hệ này tốt đẹp thì sinh hoạt của đạo Phật phát triển tốt. Nếu trụ trì không có mối quan hệ này tốt, hoạt động chúng ta sẽ khó khăn, vì không được tín đồ ủng hộ, không được Giáo hội chấp nhận và Nhà nước không bảo trợ. Nhưng thực tế cho thấy có một số vị trụ trì thiên lệch về mặt giáo quyền, về Nhà nước, đôi khi làm mất cảm tình đối với quần chúng, thì cũng không làm được việc. Dựa vào Giáo hội và chính quyền để gây khó khăn cho người và tạo ra các tranh chấp thì người đó không phải là đệ tử chân chính của Phật. Đó là điều tôi muốn trao đổi với quý vị.

Đương nhiên mối quan hệ của trụ trì với xã hội, với Giáo hội và tín đồ cần phải tốt, nhưng làm sao để có được sự quan hệ tốt mới là vấn đề chính. Muốn quan hệ tốt, một số người dùng thủ thuật thế gian, tuy được việc, nhưng không phải là pháp Phật, mà chỉ là quan hệ xã hội. Về mối quan hệ xã hội thì tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật, thì ta cũng như tất cả mọi người. Nhưng nếu ta là tu sĩ, ta còn phải có cái gì trên xã hội, đó là vai trò của tu sĩ. Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là đệ tử Phật, là tu sĩ thay thế Phật trên cuộc đời này, chứ không phải chỉ đơn thuần là con người của xã hội quan hệ với xã hội.

Trụ trì là danh từ của Phật giáo Bắc tông, nói cụ thể là chỉ có Việt Nam mới có danh từ trụ trì. Theo tự điển, trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng ghép lại là trụ trì. Việc quan trọng là trụ Pháp Vương gia, kinh Pháp Hoa gọi là vào nhà Như Lai. Bước ban đầu, chúng ta phải vào được nhà Như Lai và kế tiếp sống trong pháp Như Lai, đó là vai trò chính yếu của chúng ta.

Mặc dù chúng ta mang thân người, nên phải có quan hệ với xã hội, nhưng quan trọng cần có sự gắn kết với Phật pháp và sống trong giáo pháp của Phật. Vì vậy, tất cả trụ trì nếu không vào được nhà Như Lai, không sống với pháp Phật, mà chỉ dùng thủ thuật thế gian, thì không phải là trụ trì.

Vào nhà Như Lai là "Trụ" và có vào được nhà Như Lai, mới sống trong pháp Như Lai và giữ gìn pháp Như Lai là "Trì". Có ba con đường để vào nhà Như Lai gọi là tam thừa giáo, chủ yếu chúng ta phải học giáo lý và thực tập giáo lý Phật. Nếu không vào bằng ba con đường này thì chỉ là con người bình thường của xã hội mặc áo Như Lai, không phải là đệ tử của Như Lai.

Vào nhà Như Lai, Phật nói chỉ có ba con đường là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, không có con đường nào khác để vào nhà Như Lai được. Vì xã hội phức tạp lắm mà kinh ví như là Nhà lửa tam giới. Chúng ta đang sống trong Nhà lửa tam giới, nên việc trước nhất phải thoát ly Nhà lửa tam giới.

Nhà lửa tam giới này ở đâu? Chính tâm thức chúng ta kết thành Nhà lửa tam giới. Lửa đó là lửa tam độc tham sân si luôn bốc cháy và đốt chết giới thân huệ mạng của chúng ta. Giới thân huệ mạng hợp lại mới thành phẩm chất của Tỳ kheo. Tỳ kheo không có giới thân huệ mạng chỉ là Tỳ kheo hình thức và nếu Tỳ kheo còn để lòng tham, bực tức và vô minh nổi dậy đốt chết giới thân huệ mạng thì chỉ còn thân xác con người, không còn là Tỳ kheo.

Người tu có giới thể thanh tịnh khác với người chỉ có hình thức tu sĩ. Mang hình thức tu sĩ, nhưng thiếu giới đức thì không được người chấp nhận. Người chuyên tu có đạo cao đức lớn là không kẹt lửa tham sân si, nên giới thân và đạo đức phát huy. Tu giới nhưng kết thành đức hạnh là trở thành con người được quần chúng kính ngưỡng.

Trong tam thừa giáo vào được nhà Như Lai, đầu tiên, chúng ta chọn con đường Thanh văn để ra khỏi Nhà lửa tam giới, vì chúng ta đang bị phiền não và nghiệp bao vây, quấy rầy. Có nghiệp thì phiền não phát sinh và từ nghiệp cộng với phiền não mới sinh ra tội lỗi.

Vì là chúng sinh nên phải có nghiệp, không nặng thì nhẹ; cho nên chúng ta phải tu pháp Thanh văn để diệt nghiệp chính là tham sân si. Hạnh này là hạnh Thanh văn, hay hạnh viễn ly, cách ly trần thế; nhưng cần hiểu rằng thân cách ly khác với tâm cách ly. Thật vậy, có người thân xuất gia, nhưng tâm chưa vào đạo, nghĩa là thân cách ly mà tâm không cách ly thì càng nguy hiểm hơn là người có thân tâm đều ở thế tục, vì người đời sống trong ngũ dục là bình thường. Còn người xuất gia, thân ở đạo nhưng tâm ở thế tục thì đạo không phát triển được, mà đối với thế tục cũng chẳng được gì.

Theo kinh nghiệm của tôi, lúc mới thọ giới ở sơ hạ, tôi nhận ra rằng trước khi an cư, chúng ta quen sống tự do, nên thọ giới xong, cảm thấy bị giới ràng buộc, khi an cư thì bị luật an cư ràng buộc. Xưa kia, ở Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa trì luật nghiêm túc, nên Ngài quy định trong mùa an cư, chư Tăng không được ra khỏi chùa, trừ trường hợp cha mẹ chết, hay thầy bổn sư qua đời phải về để thọ tang, đó là Ngài mở ra cánh cửa hẹp cho Tăng chúng. Nhưng về thọ tang thì bị mất tuổi hạ, vì thời gian đi thọ tang là đã sống biệt chúng và điều thứ hai vì mình đau buồn khi cha mẹ hay thầy tổ chết là tâm không còn thanh tịnh, tức đã rời nhà Như Lai, ra khỏi giáo pháp Phật rồi. Như vậy, khi có đám tang, không về không được, nhưng về thì mất tuổi hạ, mà dửng dưng cũng không được. Nếu chúng ta tuân thủ giới luật và bị giới luật ràng buộc, tâm mình dễ sanh phiền não.

Tuy nhiên, nếu quyết tâm tu, vào nhà Như Lai thì khác, không đứng giữa ngã ba đường, nhưng dứt khoát tâm chúng ta phải vào đạo. Trước khi xuất gia, chúng ta đã quay mặt về hướng Bắc lễ tạ tứ ơn rồi và thầy giáo thọ cũng dạy từ đây về sau chỉ lạy Phật, lạy Tổ, không lạy ai nữa. Nếu chúng ta về nhà thì coi cha mẹ chúng ta là tín đồ. Cha mẹ chúng ta không gọi ta là con, thấy ta cũng phải chắp tay thưa thầy.

Thân xuất gia và tâm vào đạo mới tiến xa trên con đường tu được. Tâm không vào đạo, phải trở lại thế gian, hay sống nửa đời nửa đạo. Quan sát giới tu hành, tôi nhận thấy người như vậy vẫn ở trong tam giới, trong sinh tử, không đi xa được. Theo tinh thần Đại thừa, chỉ có một niệm tâm hướng về Phật, thì Phật cũng thọ ký cho ta, nhưng phải nhớ rằng chúng ta vẫn chưa ra sinh tử. Vì vậy, trên bước đường tu, điều cầu mong của chúng ta là phải ra khỏi sinh tử; nói cách khác, tâm xuất gia và thân ở trong đạo.

Người cư sĩ thân chưa xuất gia, nhưng tâm vào đạo thì sớm muộn gì họ cũng đi tu. Chúng ta thấy rõ nhiều cư sĩ phải bận rộn với bao nhiêu việc và có trách nhiệm thế gian, nhưng họ vẫn để tâm lo cho đạo, nghĩa là thân ở nhà, nhưng tâm đã vào đạo. Tôi thấy nhiều Phật tử nghèo, họ nhịn ăn để dành tiền và thưa với tôi rằng con có một số tiền mọn nhờ thầy cúng dường các trường hạ; như vậy là tâm họ vào đạo rồi thì vẫn tốt hơn là thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo.

Chúng ta đã xuất gia, tâm phải vào đạo, hết lòng lo cho đạo, phụng sự đạo. Và tâm Tỳ kheo vào đạo thì không còn tam độc tham sân si. Điều này rất quan trọng. Người vào đạo phải tập tâm xả ly trước. Tôi nhớ khi Phật thành đạo, trở về hoàng cung, vua Tịnh Phạn đã cho lựa bảy vị vương tử dòng họ Thích, lựa người khỏe mạnh và thông minh cho xuất gia để đi theo giúp Phật. Trước khi xuất gia, bảy vị này phải nhờ ông Ưu Ba Ly cạo tóc, cởi bỏ đồ trang sức và mặc áo Sa môn vô. Được nhận trang sức quý báu của các vị này cởi bỏ, Ưu Ba Ly vô cùng mừng rỡ vì được điều chưa từng có và được nhiều quá. Ngài vừa vui mừng thì cũng vụt thức tỉnh, nhận ra rằng bảy vị này có của báu thế gian mà còn xả bỏ để xuất gia theo Phật; còn mình được gặp Phật mà không đi tu, còn ôm ba thứ này để làm gì. Ngộ ra như vậy, Ngài vội vàng chạy theo Phật, xin xuất gia.

Tất cả các pháp mà Phật đưa cho chúng ta trong tam thừa giáo đều nhằm đoạn trừ nghiệp chính là tham sân si. Tỳ kheo không đoạn nghiệp này thì không vào nhà Phật được. Nhà tâm linh của Phật tuy không có cửa, nhưng ít người vào được. Muốn vào được phải buông bỏ tất cả, tâm hoàn toàn trống không; vì xuất gia là vào cửa Không, tức xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia, mới vào nhà Phật. Kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới đến bãi đất trống mới được Như Lai đem giáo pháp tối thượng ban cho.

Chúng ta tu hành, suy nghĩ nhận thấy Thanh văn thừa chủ yếu là Đạo đế. Người áp dụng Đạo đế, tu chứng được Bát chánh đạo là ra khỏi Nhà lửa tam giới, nghĩa là tâm chúng ta ra khỏi Nhà lửa, không phải thân xác này ra. Vì vậy, tâm ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến được với Phật, thì thân tuy ở thế gian, nhưng không bị tam độc tham sân si thiêu đốt, cho nên hiện thân tướng giải thoát. Tỳ kheo không hiện tướng giải thoát, phải tự biết mình chưa đoạn được tam độc.

Tỳ kheo phải đứng trên Bát chánh đạo để tu, vì không tu Bát chánh đạo, chắc chắn không ra được Nhà lửa tam giới. Muốn đứng trên Bát chánh đạo, trước nhất Phật dạy phải tu Tứ niệm xứ quán để tách tâm chúng ta thoát ra thế tục, vì tâm dính liền thế tục thì không thể giải thoát, không vào được nhà Phật. Như vậy, tu suốt đời mà không thực tập được pháp này quả là uổng phí công phu.

Trong mùa an cư, nếu ai chưa giải thoát, phải nỗ lực thực tập quán Tứ niệm xứ để tâm xuất ly, ít nhất trong ba tháng an cư, tâm không kẹt các pháp thế tục. Vì thời gian an cư là thời điểm tốt nhất cho chúng ta tu hành, Nhà nước cũng để yên cho chúng ta tu, chúng ta được quyền từ chối tất cả mọi việc để tu. Thân và tâm ở một chỗ là hàng Thanh văn thừa, hay Tăng xuất gia dễ tu nhất, cho nên chúng ta chọn con đường này là thích hợp.

Con đường thứ hai ra khỏi Nhà lửa tam giới theo Phật dạy là Duyên giác thừa. Các thầy phải có trí tuệ mới quán chiếu, phân tích và hiểu được pháp nhân duyên. Nhờ nương vào pháp quán Thập nhị nhân duyên mà ra khỏi sinh tử. Trong mùa an cư, thân tâm lắng yên, chư Tăng có thể áp dụng thiền quán này để ra khỏi Nhà lửa.

Quán 12 nhân duyên, từ Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức. Vô minh, Hành và Thức, ba điều này quan trọng. Vô minh sanh ra do tham sân si và si là gốc của vô minh. Ví dụ ai chạm đến tự ái, chúng ta liền nổi sân, mà giận thì mất khôn. Hòa thượng Thiện Hòa dạy tôi khi thấy lòng bất an, khó chịu, buồn phiền thì đừng nói gì, chỉ nên nhiếp tâm niệm Phật; đó là kinh nghiệm của người trước. Vì giận mà nói thì không tốt, ham muốn khởi cũng không tốt; cho nên tham sân si khởi là phải xóa liền. Được người cho tiền cũng không sáng mắt, mà phải nhiếp tâm niệm Phật, đừng cho vọng tâm khởi. Khi lòng ham muốn còn thì dễ bị ma nhiếp trì, dẫn ta vào đường tà. Thật vậy, vô minh khởi lên vì lòng tham, mới dẫn đến hành động và lời nói sai lầm cho đến bị thưa kiện. Tham giận là nguồn gốc của vô minh. Lòng tham khởi lên trong tâm gọi là Hành, chứ không phải hành động bên ngoài. Tham khởi thì bảo đảm đi vào sinh tử. Ví dụ các thầy nghèo nghe Phật tử nói sẽ cúng dường một mẫu đất, hay cúng tiền xây dựng chùa, thì liền rời trường hạ và bước ra khỏi trường hạ, chắc chắn không còn an toàn, vì hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn. Trong đời tôi đã chứng kiến một số bạn rời khỏi chùa rồi thì không trở lại được, vì ngoài vòng rào chùa có biết bao cạm bẫy giăng sẵn chờ đón người lỡ dại.

Phải nhiếp tâm niệm Phật để không bị ma tham dụ dỗ. Tu hành mà tâm chưa vào đạo, ưa nhiều chuyện, dễ bị kích động, cho nên thì giờ rảnh dụm năm dụm ba bàn chuyện thiên hạ là hỏng cuộc đời tu. Có lỡ nghe người ta nói, phải niệm Phật để xóa tánh ác. Còn nghe mà giữ trong tâm thì lòng sân dễ nổi dậy gọi là vô minh và khi có việc sai lầm gì xảy ra, người ta sẽ nghĩ là do mình nói, nặng hơn nữa là bực tức nói cho đã giận bằng cách viết bài đưa lên mạng. Là Tỳ kheo mà lỡ giận, thì phải cố gắng niệm Phật, đừng nói, vì nói và hành động tiếp theo cơn giận sẽ dễ gây ra tội lỗi. Bạn tôi giỏi, thông minh, nên dễ bực tức và tự ái, ai nói động tới thì rất khó chịu và phản ứng bằng cách nói họ ngu dốt, cho đến coi Thầy Tổ không ra gì. Thực tế cho thấy người thông minh dễ phạm lỗi lầm vì bực tức. Nếu người bực tức không có tài, thì không gây khó khăn cho ai được, vì họ không có quyền lực. Nhưng nếu người có quyền thế mà nổi giận thì rất nguy hiểm. Ví dụ Tổng thống Mỹ giận lên mà bấm nút điện tử là bom nổ. Quyền càng cao, cơn giận càng dễ gây ra tội lỗi.

Hòa thượng Trí Thủ dạy tôi rằng vị trí của mình càng lên cao thì phải sống theo tâm người quân tử. Người quân tử ví như cây trúc, cây trúc càng lên cao ruột càng rỗng, tâm của chúng ta cũng phải rỗng, không cố chấp.

Vị xuất địa thời tiên hữu tiết

Đáo lăng vân xứ cánh hư tâm

Hư tâm trúc hữu khuynh đầu diệp

Ngạo cốt mai vô ngưỡng diện hoa.

Cây trúc khi chưa ra khỏi mặt đất là măng đã có từng mắt, từng lóng. Người quân tử chưa nổi danh phải tập sống cho tiết tháo, tức sống có đạo đức để chuẩn bị tương lai của mình tốt đẹp. Lúc trẻ mà sống không đạo đức thì mai sau không làm được việc, vì mất uy tín, dù có tài, người ta cũng không dám sử dụng. Đối với người quân tử của đạo Nho thì việc gì không chánh trực không làm. Phải giữ chánh trực là tâm ngay thật, lời nói ngay thẳng và hành động cũng ngay thẳng đến mức chiếu trải không thẳng thì không ngồi. Riêng tôi, nhìn lư hương đặt không ngay Phật thì biết đó là Tỳ kheo bất chánh. Trên bước đường tu, nhìn việc làm mà mình đoán biết người này được hay không được.

Đáo lăng vân xứ cánh hư tâm

Nghĩa là cây trúc lên cao thì rỗng ruột, tâm của mình lên cao thì phải khoan dung, không chấp. Trên bước đường tu phải buông lần, tâm phải rộng lượng. Có trụ trì mà Tăng chúng không sống chung được, vì chấp từng lời nói, chấp từng cử chỉ, chấp từng việc làm, chấp từng hột gạo, từng miếng ăn, thì ai ở với họ được. Muốn tiếp Tăng độ chúng, trụ trì phải có cái tâm rộng như Bồ tát Di Lặc, lúc nào cũng cười vui vẻ và luôn nghĩ đến vì người khác, chắc chắn đồ chúng sẽ tìm đến rất đông. Có trụ trì lớn tuổi, nhưng khó tánh nên ở một mình. Vì vậy, vào đạo, tâm chúng ta rỗng lần. Tuổi càng lớn, vị trí càng cao, chúng ta càng đi vào nhà Phật.

Hư tâm trúc hữu khuynh đầu diệp

Lá của cây trúc đầu luôn cúi xuống, tức càng cao càng phải nhìn xuống. Tâm tuy rỗng nhưng tâm người quân tử phải thấy được mọi nguyện vọng của đại chúng ở vị trí thấp hơn mình.

Ngạo cốt mai vô ngưỡng diện hoa

Đối với trúc là mai. Vào mùa đông giá buốt, chỉ có hoa mai nở được, nhưng hoa không ngửa mặt lên trời mà hoa nhìn sang một bên.

Ngoài hai con đường là Thanh văn và Duyên giác ra khỏi Nhà lửa tam giới, con đường thứ ba là Bồ tát rất khó, ít người đi được, chỉ có Bồ tát tái hiện lại cuộc đời mới làm được. Chúng ta khó thực hành việc làm của Bồ tát là sáu pháp ba la mật. Chúng ta chưa có điều kiện để làm Bồ tát, vì phước đức chưa đủ và trí tuệ chưa có.

Do đó, chúng ta chỉ đi được con đường của Thanh văn để vào nhà Như Lai và vào nhà Như Lai rồi, phải lấy pháp Như Lai quét sạch phiền não trần lao, mới là người giữ tạng bí yếu của Như Lai.

Khi Phật tại thế, Mã Thắng giữ tạng Như Lai, nhưng không giữ chức danh nào cả. Tại sao chúng ta biết như vậy? Vì người nào trông thấy Mã Thắng là phát tâm Bồ đề và được giải thoát. Điều này chứng tỏ trong tâm Mã Thắng đã có tạng bí yếu của Như Lai và tất nhiên ngài là trụ trì nhà Như Lai.

Các thầy đã có chùa vật chất, cần hướng tâm lên ngôi chùa tâm linh và giữ được chùa tâm linh mới trở thành đệ tử Phật, là người giải thoát thật sự. Và một khi chúng ta đã giữ được tạng Như Lai trong ngôi chùa tâm linh, chắc chắn cuộc đời phải quý trọng chúng ta. Tôi mong quý vị suy nghĩ và áp dụng những yếu nghĩa nói trên trong mùa An cư, để vào được nhà Như Lai và giữ được tạng Như Lai, làm lợi ích cho mình và cho muôn loài mọi giới trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. 

HT.Thích Trí Quảng


Âm lịch

Ảnh đẹp