Theo cuốn
Từ Điển American Heritage, karma được dịch ra là “nghiệp
chướng” hay “định mệnh”, một cách dịch hơi bị bóp méo, không chính xác,
thật là đáng tiếc, nhưng chẳng thể tránh được, là vì trong nguyên bản
văn học Phật giáo, karma là một khái niệm không thể đối chiếu, rất thâm thúy sâu sắc, khó có thể dịch cho sát ý nghĩa.
Chữ karma (=nghiệp) thật sự chỉ có nghĩa là “hành động”, nó được biến thể từ động từ gốc kr tức là “làm” hay “hành”. Karma bao gồm 3 nghĩa riêng biệt nhưng tự chính khái niệm của nghiệp, cả ba nghĩa của karma chỉ có ý nghĩa khi cùng tác động chung với nhau không thể tách rời ra được.
Có
thể hiểu một cách khái quát như khi cụm từ diễn tả “hành động” được
dùng chung một lúc vừa là chủ thể danh từ, vừa là động từ, như trong câu
sankharam abhisankharoti (trong kinh Samyutta Nikaya đoạn
12.51). Câu này có thể được dịch bằng nhiều cách, như “người tạo tác
những tạo vật”, hay “người xây cất những công trình xây cất”, hay “người
biến chế những biến chế”, v.v… Hy vọng bạn đã hiểu ý. Khi “hành động”
được khởi bày, tức là cả quá trình tạo dựng và làm ra một cái gì đó, và
cả vật hay việc được tạo dựng ra, đều chứa trong ý nghĩa của chữ này.
Một ví dụ thường được nhắc đến trong kinh để giải thích rõ hơn là hình
ảnh một người thợ gốm đang ngồi đạp cái máy quay; ông ta đang vận dụng
sức lực khả năng để nắn một cục đất sét thành một cái bình theo ý ông;
và khi cái bình vừa được cắt đứt ra khỏi máy quay để đem vào lò nung,
thì nó đã là chứng tích hiện thật của công việc làm đó của ông ta. Cũng
vậy, theo tư tưởng Phật giáo, chính đặc tính con người, chính nhân
phẩm, chính cái ngã, cái “ta” của chúng ta là một phòng triển lãm chưng
bày những kỷ vật chứng tích luân hồi, tích tập từ chuỗi dài năng lượng
của hành động và ý muốn.
Với
cách suy nghĩ bao quát bề ngoài của người Tây phương, chúng ta quá quen
thuộc với những sự lựa chọn khi con tạo xoay vần thay đổi, và thường
hành động của ta ảnh hưởng theo hoặc là kết quả của những vận chuyển đổi
dời này. Từ khía cạnh này, chúng ta thấy mọi việc ta làm đều được quan
trọng hóa xem nó có đem lại hiệu quả tốt cho những đổi thay bề ngoài này
như ý mình muốn không. Trong khi đó theo Phật giáo, sự đo lường có tính
cách nội tại lại được cho là quan trọng hơn cả. Thí dụ với những câu
hỏi thiết thực sau đây: “quyết định này ảnh hưởng đến thân tâm tôi ra
sao?”, “tôi sẽ thay đổi làm sao khi tôi làm những hành động này?” Cho
nên những việc làm của chúng ta, theo tư tưởng nhà Phật, không quan
trọng bằng cách thức chúng ta làm những công việc đó. Như vậy Karma (= nghiệp) quan hệ rất mạnh mẽ với cách chúng ta tự “uốn nắn” mình qua hành động của chính ta.
Cái
ngã (hay còn gọi là cái “ta”) cũng như một cục đất sét ướt, nó có thể
được uốn nắn đập dập kéo dãn tùy nghi. Những khoa học gia hiện đại khám
phá ra rằng không những tâm con người được tạo tác bởi khối ốc suy nghĩ,
mà chính khối ốc của ta được nhồi nặn bởi cái tâm trí và tư tưởng của
chúng ta. Điều khám phá thú vị này của khoa học đã được Đức Phật mô tả
rõ ràng chi tiết hơn hai ngàn năm trước về sự tương quan giữa ý thức suy
nghĩ của tâm và hành động việc làm của thân. Những việc làm thường nhật trong đời sống của chúng ta chỉ là “môi giới” trong cuộc sống ta đang cố gắng tạo dựng, và cuộc sống này chỉ tạm bợ trong vòng luân hồi sinh tử dài đằng đẳng.
Trong
một phút giận dữ chẳng hạn, cho dù thổ lộ ra ngoài bằng hành động hay
lời nói, hay chỉ bực tức bên trong, bạn cũng đã tự làm cho mình có thể
giận hơn bằng cách “bố trí” nó với cái tánh khí sẳn có của bạn. Một
người có tánh khí giận dữ rất dễ nổi quậu với những việc cho dù rất nhỏ
nhặt. Nhưng đôi lúc anh ta cũng có những phút giây dễ thương hòa nhã,
nếu anh ta biết trưng dụng tánh khí hòa nhã này, tăng trưởng nó lên, thì
anh ta sẽ dần dần bới nóng giận và từ từ sẽ dễ thương hơn. Cách thức
chúng ta phản ứng đối phó với sự việc - gọi là nhân, cho dù với tính khí nhu hòa hay giận dữ, đều ảnh hưởng đến cái quả - tức là cái kết quả của việc làm đó. Chính cái quả này sẽ huân tập dần dần tu chỉnh lại bản chất con người của chúng ta.
Cho
nên cái bí mật của “ta là ai” sẽ đuợc trả lời bằng những hành động ta
làm; nhưng những việc ta làm chỉ là một khoảng thời gian ngắn nhỏ trong
biết bao nhiêu kiếp trải qua sinh tử luân hồi. Chúng ta thừa kế tất cả
nghiệp quả trong đời quá khứ, cũng như trong từng sát-na đổi thay chuyển
vận của đời sống hiện tiền – nói tóm tắt là hằng hà sa số những tính
khí trong chúng ta – chính cái quá khứ nhiều đời đã dẫn dắt chúng ta
thêm hiểu biết và đồng thời tu tập để chuyển đổi cuộc sống hiện tại. Lại
nữa từng phút giây hiện tại trong tầm tay ta sẽ tạo nghiệp cho tương
lai, sẽ mang kết quả mai sau này cho bất kỳ hành động nào chúng ta làm
trong hiện tại. Cho nên những hành sử trong hiện tại sẽ là thừa kế của
những kiếp trong tương lai trong vòng luân hồi vô tận.
Yếu
tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cách thức chúng ta giải quyết bất kỳ
vấn đề nào trong cuộc sống thường được biểu hiện bằng mức độ chánh niệm
ta đang có để đối phó với sự việc. Nếu chúng ta không thật sự hiện hữu
ngay lúc đó, chế độ tự động vô ý thức trong ta sẽ quyết định và hành sử
vấn đề và ta cũng có thể vượt qua được mọi việc nhưng có thể với nhiều
sai lầm bởi vì nó được làm theo thói quen mà thôi. Nhưng nếu ta biết
cách quan sát và tăng trưởng mức độ thiền định và lúc nào cũng có chánh
niệm trong mọi hoàn cảnh, chúng ta sẽ mở rộng tầm nhìn để giải quyết vấn
đề một cách có hiệu quả hơn. Cho dù bạn có tính khí hay giận dữ đi nữa,
nhưng nếu biết cách bạn có thể chọn lựa để sử sự một cách hòa nhã hơn,
bằng chánh niệm. Đây là nền tảng của sự tự do chọn lựa trong một hệ
thống mang quá nhiều điều kiện của xả hội thời nay.
Thế
nên, nghiệp không phải là những gì bên ngoài xẩy đến với chúng ta (như
hầu hết người phương tây chúng ta vẫn thường nghĩ), nhưng nghiệp là cái
gì đó rất thân tình, và dĩ nhiên là rất cá nhân, cho dù tôi thật sự rất
ái ngại khi dùng từ này. Lời Phật dạy minh bạch rõ ràng: “Chúng sanh là
chủ nhân của hành động tạo tác, và là kẻ thừa tự của chính những hành
động đó; chúng sanh khởi nguồn từ nó, bị cột chặt ràng buộc vào nó, và
cũng ẩn náu nương tựa vào nó. Chính hành động sẽ tạo sự phân biệt giữa
kẻ cao quý và người bần cùng.” (kinh Majjhima Nikaya đoạn 135)
Tiến
sĩ Andrew Olendzki là giám đốc hành chánh và là giáo sư trưởng của
Trung tâm Văn Học Phật giáo Barre ở tiểu bang Massachusetts. Ông cũng là
Biên tập viên của báo Insight.
SOURCE: http://www.tricycle.com/essay/karma-action
Viên Minh (The Buddist Translation Group)