11/11/2010 15:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 77372
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGHI LỄ MỘT BỘ PHẬN CẤU THÀNH

VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thượng tọa Thích Chơn Minh

Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự

Truởng ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Đồng Tháp

Chư Tổ có dạy rằng: Nghi lễ dù là quan trọng nhưng vẫn chỉ là phương tiện dắt dẫn chúng sanh vào đạo, chứ không phải là con đường thật sự đạt đến giác ngộ.

Thật vậy, vì Nghi nghĩa là dáng, mẫu, nghi thức, khuôn phép …; Lễ, nghĩa là lễ giáo, lẽ bái, cúng tế, tôn thờ và cung kính… Vì vậy, Nghi lễ bao hàm ý nghĩa vô cùng rộng, bao trùm cả hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách của con người. Với ý nghĩa đó, nghi lễ Phật giáo không đơn thuần chỉ là nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng.

Từ xa xưa, Nghi lễ Phật giáo thường đi đôi với nhạc. Lễ và nhạc, tùy theo truyền thống văn hóa nghệ thuật của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền mà phần lễ nhạc của Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện cho phù hợp với truyền thống ấy. Nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc đặc thù của dân tộc, vô hình trung nghi lễ Phật giáo ở mỗi quốc gia là một mãng cấu thành nền văn hóa truyền thống của dân tộc, nên cần được đánh giá đúng và được bảo tồn, phát triển.

Nét độc đáo của nghi lễ trong đạo Phật là để bày tỏ lòng tôn kính đối với các đấng đáng tôn kính. Khi nghi lễ được thực hiện thường là để cầu nguyện, nhưng theo quan điểm Phật giáo thì sự cầu nguyện không phải là van xin thần thánh hay bất cứ một thế lực quyền năng nào. Cầu nguyện chính là tập trung dòng tư tưởng về một chổ, một niềm tin duy nhất; dồn cả nghị lực, tinh thần để chuyển đổi quan niệm mê lầm, xấu ác trở nên trong sáng và lương thiện. Vì thế, cầu nguyện chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quán sát tâm mình và khử trừ mọi khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối, nhỏ nhoi… Nói cách khác, cầu nguyện là cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Theo nghĩa đó, nghi lễ trong Phật giáo là lòng khiêm hạ, là bày tỏ sự kính thành. Khi nghi lễ kết hợp với sự cầu nguyện là cách thức đãi lọc tâm tính, là phát khởi những dòng niệm trong sáng, hữu ích, nung nấu ý chí, trau giồi đạo hạnh cho chính mình và hướng đạo cho người.

Nếu nói nghi lễ là biểu hiện của lòng tôn kính Tam bảo, có nghĩa là khi tâm hồn con người chưa được khai phóng triệt để, trình độ chưa đạt đến độ tự giác giải thoát đối với sự hệ luỵ của cuộc đời thì nghi lễ biểu lộ lòng thành kính trong sạch đối với các bậc Đạo sư, đối với Phật pháp, đối với Tăng già qua hành vi ngôn ngữ, đó là hành động tăng thượng tâm, thiện pháp củng cố, ác pháp tổn giảm. Trong nghĩa rộng của nghi lễ thì ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh đều là nghi lễ.

Nếu nói nghi lễ là nghệ thuật triết lý, là vì triết lý của Phật giáo rất cao siêu, nên đối với quần chúng Phật tử rất khó thâm nhập tinh tường. Nên thông qua nghi lễ, đạo lý cao sâu được con người cảm nhận từ tình cảm của con tim trước khi chuyển hóa thành nhận thức của khối óc. Trong thực tiễn đã có những bài tán, kệ tụng rất thâm thúy làm xúc động và rung động, chuyển hóa lòng người, làm cho tâm hồn người nghe sáng lên và sáng lên mãi. Khi nghi lễ chuyên chở được đạo lý cao siêu ấy thì tín ngưỡng của người con Phật trở thành pháp môn tu tập và phương pháp hành đạo. Điều rất dễ cảm nhận, khi bất cứ ai vào chùa, trong không gian yên tĩnh, tiếng chuông, tiếng mõ ấm áp vọng đều, những âm điệu và lời kinh tiếng kệ khi cao vút, lúc trầm hùng, vỗ về dịu nhẹ…, tất cả những điều ấy làm cho con người lắng dịu tâm hồn, tan biến tư dục, gát lại những cuồng vọng phiền muộn âu lo. Quả thật, nghi lễ đã chuyên chở triết lý của sự yêu thương vào lòng người một cách thẩm thấu êm dịu.

Nếu xét nghi lễ như là phương tiện hoằng pháp độ sanh, bởi cuộc đời của tất cả mọi con người đều vốn là vô thường, nên người ta thường hướng những suy tư thầm kín bằng nghi lễ với tất cả tình cảm của mình, do vậy mà nghi lễ sẽ dễ dàng đi vào lòng người hơn là những bài thuyết pháp đầy triết lý. Vì là một pháp phương tiện, nên vị thầy khi ứng dụng nghi lễ cần có những giới hạn nhất định, phải có thái độ vô chấp, và nghi lễ thực hiện phải hội đủ yếu tố về nội dung, mang ý nghĩa giải thoát hơn là sự thỏa mãn đơn thuần về mặt hình thức.

Nghi lễ góp phần trì tâm kiên cố và trang nghiêm đạo tràng. Bởi vì, thực hiện nghi lễ đúng cách sẽ có tác dụng làm cho tâm hồn định tĩnh, chuyên chú và không còn bị ngoại cảnh chi phối. Trước một khung cảnh trang nghiêm, nghi lễ thiền gia sẽ làm cho mỗi người có những rung cảm và ứng xử thích hợp. Lúc đó, nghi lễ đã góp phần tạo nên không gian lễ nghĩa hướng con người đến điều tốt đẹp một cách tự nhiên, trong không gian hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn như khi tiến giác linh thì nghi lễ thể hiện bi ai, ở trong tự, đền, miếu thì nghi lễ tạo thành không gian nghiêm trang tôn kính… từ đó, giúp mọi người tự khép mình vào trong không gian ấy, đó chính là cái “khung trời đạo đức”, tốt đẹp mà nghi lễ mang lại.

Như chúng ta đã biết, nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp là nhiệm vụ cao cả thiêng liêng của những người con Phật, thực hành nghi lễ đúng vẫn còn chưa đủ mà khi thực hiện nghi lễ của Phật giáo đúng và phù hợp sẽ là phương tiện hoằng pháp vô cùng vi diệu. Nhưng nếu không thấu triệt giáo nghĩa, lại xem nghi lễ và thực hiện nghi lễ như là sự đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của quần chúng đơn thuần thì có thể là một tác hại làm pha loãng những giá trị tốt đẹp của đạo Phật và tác hại đến xã hội. Do tính chất của nghi lễ, suy cho cùng là phương tiện ưu thắng dễ cảm hóa lòng người. Vì lẽ đó, nghi lễ nhất thiết phải có ý nghĩa và nội dung đúng Chánh pháp, tuyệt đối tránh các khuynh hướng lệch lạc như sau:

- Xem nghi lễ như là một phương tiện mưu sinh.

- Xem nghi lễ như là sự biểu hiện của mê tín dị đoan.

- Xem nghi lễ như là sự thỏa mãn cuối cùng của con người, là phương thức để thể hiện sự “cầu khấn, van xin” mà lẽ ra nghi lễ chính là con thuyền để chuyển tải những giá trị Chánh pháp vào tâm hồm con người qua con đường cảm xúc và nghi lễ là bước đầu tiên trong con đường tìm cầu giải thoát.

Ngày nay nghi lễ Phật giáo trong nước ta ở ba miền đều có những nét đặc trưng riêng. Tuy vậy, nhưng vẫn có giá trị chung, đó là một pháp môn tu tập, là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh, có tác dụng làm chuyển hóa khổ đau, làm giảm áp lực của tham lam, sân hận, si mê. Do đó, chúng con xin mạnh dạn nêu lên suy nghĩ của mình, kính bạch chư Tôn đức trong ngành Nghi lễ Trung ương và Giáo hội cùng suy xét:

Thứ nhất: Cần có sự thống nhất về giá trị và những vấn đề cốt lõi của nghi lễ Phật giáo trên toàn quốc theo hướng giữ gìn và phát huy những giá trị chung của nghi lễ, nhưng chấp nhận sự khác biệt mang tính vùng miền, nhằm làm phong phú nghi lễ nhưng cũng đảm bảo tính quy cũ của Phật giáo.

Thứ hai: Tổng rà soát để kịp thời có thay đổi những gì không còn phù hợp trước sự phát triển của xã hội đương đại, nhằm bảo đảm cho nghi lễ vẫn là nét văn hóa đẹp của Phật giáo, của xã hội và đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trong hoàn cảnh mới. Vì Phật pháp bất ly thế gian giác.

Thứ ba: Thống nhất biên soạn bộ giáo trình Nghi lễ Phật giáo đưa vào hệ thống đào tạo các Trường Phật học như là một môn học chính khóa theo hướng đảm bảo nếu Tăng, Ni đã qua chương trình đào tạo từ Trung cấp Phật học trở lên đều hiểu đúng, hành đúng các nghi lễ Phật giáo, vì nếu không hiểu đúng, hành đúng nghi lễ Phật giáo thì vô tình tu sĩ có thể biến nghi lễ thành mê tín dị đoan, làm quần chúng nhận thức sai lệch về đạo Phật./.

 


Âm lịch

Ảnh đẹp