13/10/2010 23:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 6337
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ: Ở các triều đại quân chủ nước ta, Bộ Lễ giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng tục, đạo đức, giáo phường, đồng văn nhã nhạc.


Tiên học lễ, hậu học văn

Phàm là học trò, khi mới bước vào học đường đều phải nằm lòng câu nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”, điều đó nói lên phép tắc, lễ nghi là điều tất yếu để có một cuộc sống hoàn thiện. Một xã hội văn minh phải là một xã hội có lễ giáo. Phép tắc, lễ nghi từ lâu được xem là “quốc uy” của một quốc gia. Một đất nước, một tổ chức xã hội hay tôn giáo mà việc lễ nghi, phép tắc không đặt lên hàng đầu thì quả thật hỗn loạn. Bởi vậy, từ lâu ông cha ta luôn xem nghi lễ là một thực thể không thể thiếu trong công cuộc trồng người; lấy lễ nghi làm thước đo đạo đức cho nhiều thế hệ và các giai tầng trong xã hội. Các triều đại phong kiến nước ta xem nghi lễ là một bộ phận quan trọng trong bộ máy tổ chức nhà nước. Từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, Bộ Lễ là Bộ đứng hàng thứ 2 trong Lục bộ (Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Công). Người đứng đầu Bộ Lễ được gọi là Thượng thư Bộ Lễ hay Lễ bộ Thượng thư, tương đương với vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay.

Ở các triều đại quân chủ nước ta, Bộ Lễ giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng tục, đạo đức, giáo phường, đồng văn nhã nhạc. Bộ Lễ còn có chức năng trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi cử, chọn người tài đức ra giúp triều đình; tương đương với Bộ Học thời cận đại và Bộ Giáo dục hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay.

“Ôn cố tri tân”, ngày xưa nghi lễ đã là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tổ chức của một quốc gia, ngày nay cũng không ngoại lệ. Đối với một tôn giáo thì lễ nghi chắc hẳn phải đặt lên hàng đầu. Đạo Phật, ngoài kho tàng triết lý sâu sắc còn có âm nhạc, lễ nghi để thức tỉnh lòng người bỏ mê quay về bờ giác. Dùng lễ nhạc để ca ngợi công đức chư Phật, chư Bồ tát, đồng thời còn là cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã và giá trị tự giải thoát.

Nghi lễ Phật giáo Việt Nam

Từ xưa, chư vị Tổ sư đã vận dụng giáo lý Phật đà một cách phong phú vào nền văn hóa Việt Nam, quán triệt tâm lý hoàn cảnh của con người Việt Nam nên đã lập ra những lễ nghi phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để phổ biến những bài kinh, câu kệ đưa vào những giai điệu âm nhạc dân tộc nhằm mục đích khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đồng thời hình thành bộ môn nghi lễ có quy thức và được phổ cập trong chốn thiền môn, giúp cho sự ứng phó đạo tràng luôn hài hòa với đặc tính quần chúng, làm gắn bố thêm giữa đạo và đời. Nhờ vậy, lời dạy của chư Phật, Bồ tát và chư vị Tổ sư đã và đang lan rộng khắp mọi miền đất nước, vang vọng trong chốn thiền môn.

Nghi lễ Phật giáo là sự biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi người đối với Tam bảo. Thực hành nghi lễ Phật giáo phải có hệ thống, bài bản tùy theo tập quán của mỗi địa phương mà hình thành nghi lễ. Đây cũng là một phương tiện đắc lực để dẫn dắt con người vào đạo, làm trang nghiêm dung hạnh tu tập… Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, phương tiện bao giờ cũng có hai mặt, nó có công dụng tốt nhưng cũng lắm bề tiêu cực. Nếu chúng ta vận dụng nghi lễ Phật giáo để tuyên dương Phật giáo, lợi lạc quần sanh thì đó là cội rễ của phước điền, ngược lại mượn nghi lễ Phật giáo để mưu cầu lợi dưỡng cá nhân thì tai hại vô cùng. Thực trạng nghi lễ Phật giáo hiện nay đã và đang trở thành một bức tranh “sáng tối” không rõ ràng, khiến người đời ngộ nhận cho rằng nghi lễ Phật giáo là mê tín dị đoan. Bản thân chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một vị Tăng sĩ áp dụng nghi lễ trong buổi tế lễ tại tư gia của một đạo hữu, nhưng buổi lễ không có chút gì mang nội dung nghi lễ Phật giáo, nếu không nói đó là “tà môn ngoại đạo”!

Đây chỉ mới đề cập đến nội dụng thực hiện nghi lễ, còn về vấn đề pháp phục, lễ nghi thì càng nan giải hơn. Chỉ riêng pháp phục phổ thông trong Tăng Ni thôi cũng đủ để thành một bức tranh đa gam màu, nhiều phong cách. Đó chưa nói đến việc sử dụng pháp phục trong nghi lễ một cách tùy tiện và thiếu hiểu biết của một số Tăng Ni trẻ hiện nay. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, vai trò của người làm công tác nghi lễ ngày nay cần phải biết chuyển hóa như thế nào để vừa có thể duy trì tính truyền thống cao đẹp của chư Tổ, vừa có thể khế hợp với thời đại.

Vai trò và chức năng của nghi lễ Phật giáo

Qua chứng tích lịch sử cho thấy, nghi lễ Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành nền văn hoá của dân tộc, từ văn hoá vật thể cho đến các loại văn hoá phi vật thể như đạo đức, phong tục, tập quán… Có thể nói, nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố tạo thành tính đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Điều này không có gì phải bàn cãi trong việc thừa nhận sức sống và vai trò của nghi lễ Phật giáo trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc. Một vai trò hết sức trọng yếu khác của nghi lễ Phật giáo đó là chức năng hoằng pháp, xương minh Phật pháp, phổ cập giáo lý Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Một thí dụ cụ thể để biện minh vai trò hoằng pháp của nghi lễ Phật giáo, đó là sử dụng lễ nhạc - nghi thức tế lễ Phật giáo để làm phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào đạo hẳn là một liệu pháp hiệu quả mà từ xa xưa các vị Tổ sư nhận chân được điều này. Do đó, tính đặc thù của nghi lễ Phật giáo được chú trọng từ hàng trăm năm trước. Thế nhưng, so với hiện nay thì vai trò nghi lễ Phật giáo được thực thi như thế nào? Chức năng của ngành nghi lễ được đánh giá ra sao trong bộ máy tổ chức của Giáo hội? Liệu Ban Nghi lễ có thực hiện hết chức năng của mình khi được giao vai trò trọng yếu?... Rất nhiều vấn đề được đặt cho ngành nghi lễ của GHPGVN hiện nay.

Tính từ khi thành lập cho đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gần 30 năm, trải qua sáu nhiệm kỳ, nhưng Ban Nghi lễ vẫn còn giậm chân tại chỗ, chưa có bước phát triển đột phá nào để hướng đến sự thống nhất phương thức nghi lễ cũng như đề xuất các vấn đề thực thi nghi lễ Phật giáo. Nguyên nhân thì có nhiều: do khách quan bởi thiếu sự chủ động hay do cơ chế từ phía Giáo hội; do chủ quan bởi thiếu sự nhất quán đồng thuận về những vấn đề mấu chốt của ngành nghi lễ… Có thể ví, Ban Nghi lễ của Giáo hội giống như một bộ phận trong “Lục bộ” của thời kỳ nhà nước quân chủ lập hiến, đó là Bộ Lễ. Vị đứng đầu nghi lễ Phật giáo cũng phải như vị Thượng thư Bộ Lễ. Chẳng những chăm lo việc tế lễ, nghi thức trong Phật giáo mà còn phải quan tâm đến vấn đề đạo đức, lễ giáo, pháp phục… Từ hình thức và nội dung trong nghi lễ Phật giáo cho đến đạo đức, phong tục, lễ nghi trong nếp sống thiền môn… tất cả phải được thiết lập một cách có hệ thống, có căn cứ. Những âm thanh, điệu thức của thiền gia phải được duy trì và sáng tạo. Những buổi lễ truyền thống Phật giáo như Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, các ngày lễ tưởng niệm chư vị tiền bối hữu công trong Phật giáo… phải được thực hiện một cách thống nhất nhưng không tách rời truyền thống. Từng bước Việt hóa những văn bản nghi lễ Hán văn để khế hợp với căn cơ và nhận thức của đại đa số quần chúng.

Nên chăng, Giáo hội cần phải thành lập một trường giảng dạy về nghi lễ Phật giáo hoặc có thể đưa nghi lễ Phật giáo thành một môn học chính thức tại các trường Phật học để các Tăng Ni có điều kiện tiếp cận học hỏi, hầu có những tư tưởng và cái nhìn đúng đắn về vị trí của nghi lễ Phật giáo, đó cũng là một phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị nghi lễ Phật giáo. Thời xa xưa, lễ nghi Phật giáo được thầy trò truyền dạy nhau bằng khẩu thính rất thô sơ nhưng kết quả không nhỏ, lại xuất hiện nhiều vị xuất sắc, không như bây giờ rất đủ điều kiện giáo dục về nghi lễ nhưng lại không có người diễn đạt xuất sắc lời hay ý đẹp của chư Tổ truyền đạt. Ngành nghi lễ nên tìm nguyên nhân ấy, để cùng nhau phổ cập bộ môn này trong Tăng Ni trẻ.

Ngày nay nhân loại đang bước vào thời kỳ đổi mới, những biến đổi trên mọi lĩnh vực về đời sống vật chất và tinh thần là điều hiển nhiên, đó là một thách thức thúc đẩy đất nước phát triển trên nhiều phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội. Việc tiếp thu tinh hoa văn hoá xứ người nhưng vẫn bảo vệ giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hoá dân tộc thì việc phát huy vai trò nghi lễ Phật giáo là vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược. Điều này đòi hỏi sự năng động tinh thần Phật giáo trong vai trò phát huy và dung hợp những giá trị nhân bản bền vững của nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong đời sống văn hóa, tâm linh của một dân tộc. Thế nhưng, muốn xác định những vai trò và vị trí của nghi lễ Phật giáo trong đời sống văn hoá, tâm linh dân tộc, trước hết cần thống nhất nhận thức về bản chất nghi lễ Phật giáo, sự tác động chi phối của nghi lễ Phật giáo trong nền tảng đạo đức, thuần phong mỹ tục của một dân tộc. Điều đó, có nghĩa là nghi lễ Phật giáo phải thích ứng và chứng tỏ được khả năng thâm nhập trong thời đại mới. Nói cách khác, vai trò chính yếu của ngành nghi lễ Phật giáo là phải hình dung về một nền văn hóa dân tộc hiện đại dựa trên căn bản và tinh thần nhập thế của Phật giáo từ truyền thống đến hiện đại.

Như Hiển

Nguon:http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2010/10/13/5E741B/


Âm lịch

Ảnh đẹp