1. Hình thức của huyền thoại.
Nhiều
kinh sách Phật chứa đầy huyền thoại. Thí dụ, kinh Bổn Sanh (Jatakas),
kể lại nhiều câu chuyện về tiền thân của Phật Thích Ca, khi người còn
tu hạnh Bồ Tát. Đó là những huyền thoại rất đẹp, rất gợi cảm. Phật giáo
mà không có huyền thoại, thì rất khó đi sâu vào quần chúng đông đảo.
Huyền thoại là những truyện có tính chất thần bí, nói lên những sự kiện
không phải chỉ xảy ra với người ở thế gian này, mà còn gồm những sự
kiện xảy ra với loài Trời, ở cõi Trời. Nếu xét kỹ, huyền thoại bao giờ
cũng nói lên sự thật nào đó hoặc một chân lý đạo đức hay triết học,
hoặc một sự kiện lịch sử có thật.
Nói một cách khác, huyền thoại
là một hình thức văn học thi ca, giàu hình ảnh nghệ thuật, được dùng để
nói lên những chân lý đạo đức- triết học nhất định hoặc một sự kiện
lịch sử nào đó. Nếu hiểu ý nghĩa của huyền thoại là như vậy thì khi đọc
sách Phật gặp các huyền thoại không được cho là mê tín. Truyện “Tấm
Cám” cũng là một huyền thoại, trong đó có nhân vật Ông Bụt. Truyện “Phù
Đổng Thiên Vương” cũng là một huyền thoại, và còn nhiều huyền thoại như
thế nữa mà văn học dân gian Việt Nam tự hào là hạt châu ngọc của mình.
Phải chăng đấy chỉ là mê tín, nên vứt bỏ? Tôi nghĩ, chẳng những không
nên vứt bỏ mà còn phải sưu tầm, đặc biệt là những huyền thoại của Phật
Giáo Việt Nam như truyện Tấm Cám chẳng hạn.
2. Nghi lễ Phật giáo và ý nghĩa của nó.
Phật
tử có tụng kinh lần tràng hạt, dâng hương hoa trước tượng Phật...Nhưng
Phật tử cũng có thể không làm tất cả những việc đó mà vẫn là Phật tử
chân chính. Lần tràng hạt và gõ mõ nhịp nhàng là biện pháp giúp chúng
ta định tâm, bản thân những lời nói đó là đối tượng tư duy và định tâm.
Dâng hương hoa kèm theo lời tán dương Phật cũng có một giá trị tượng
trưng như vậy.
Thượng Tọa Miến Điện Thittila dẫn chứng đoạn văn
tán dương Phật như sau: “Những hương hoa này tôi dâng lên Phật, đấng
thánh, đấng giác ngộ tối cao. Những hương hoa này bây giờ có hình dáng
đẹp đẽ, rực rỡ màu sắc, thơm tho mùi vị. Nhưng rồi đây tất cả sẽ chóng
tàn, hình dáng đẹp đẽ sẽ trở nên héo hon, màu sắc tươi sáng sẽ phai
nhạt, hương vị cũng bay mất. Mọi sự vật rồi đây cũng đều như thế cả;
tất cả đều là vô thường, là đau khổ và không thực. Hiểu điều này, chúng
tôi sẽ đạt đến Niết Bàn, là sự an bình thanh tịnh hoàn toàn, là toàn
thiện, chân thực và vĩnh hằng.” (Xem The Path of Buddha của Kenneth
Morgan, NXB Ronald Press, trg 75). Trong cuốn Khóa Hư Lục của Trần Thái
Tông cũng có bài tán dương Phật có nội dung tương tự.
Có thể nói
rằng, những hình thức trên đây là không cần thiết đối với những người
có khả năng tập trung tư tưởng và định tâm dễ dàng, thế nhưng đối với
quần chúng đông đảo thì chúng lại có tác dụng rất lớn.
3. Vấn đề cầu nguyện trong đạo Phật
Sự
cầu nguyện trong đạo Phật cũng không phải là sự cầu xin như thường thấy
trong các tôn giáo khác. Đạo Phật không tán thành việc cầu xin. Theo
đạo Phật, vũ trụ, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều được chi phối
bởi những quy luật vô cùng hoàn thiện mà không một lời cầu xin, thỉnh
nguyện nào có thể làm thay đổi được. Vì không hiểu biết những quy luật
đó nên phạm lỗi lầm; lỗi lầm tạo ra đau khổ. Muốn thoát khỏi đau khổ,
chúng ta phải nhận thức được những quy luật đó và sống một cách hòa hài
thuận chiều với chúng. Nếu sống trái với quy luật rồi tưởng rằng bằng
cầu xin, cúng dường mà có thể tránh được hậu quả thì lầm to.
Trong
nhiều cuốn kinh, Phật thường nhấn mạnh đến sự vô ích của việc cầu xin
để mong được phúc tránh họa. Phật nói: “Một người ném tảng đá lớn xuống
một hồ sâu, rồi một quần chúng đông đảo tụ tập lại kéo nhau đi khắp nơi
cầu xin: “Hỡi tảng đá lớn! Hãy nổi lên! Hãy nổi lên!”. Nhưng tảng đá
nào có nổi lên được.
Cũng như một người, trong đời giết người và
súc vật, hay lấy của không cho, sống theo tà hạnh và vật dục, nói láo,
nói chia rẽ, nói độc ác, nói phiếm, lòng đầy tham sân và tà kiến. Rồi
một quần chúng đông đảo tụ tập kéo đi khắp mọi đền thờ cầu xin cho
người đó sau khi chết sinh lên cõi Trời, cõi thiện. Nhưng kết quả là
người đó vẫn thác sinh nơi cõi dữ, cõi ác, địa ngục”.
Phật lại
nói tiếp: “Có một ghe chở đầy dầu hoặc sữa bơ chìm. Rồi một quần chúng
đông đảo tụ tập lại, kéo đi cùng khắp cầu khẩn: “Mong sao dầu và sữa bơ
chìm sâu xuống đáy sông”. Nhưng dầu sữa bơ, bất chấp lời cầu nguyện,
vẫn nổi trên mặt nước như thường. Cũng như vậy, một người trong đời
không giết, không trộm cắp, không sống tà hạnh, không nói chia rẽ,
không nói độc ác, không nói phiếm, không tham sân và tà kiến. Rồi có
một quần chúng đông đảo tụ tập lại kéo đi khắp các đền thờ cầu xin cho
người này lúc chết sẽ sinh vào cõi ác, cõi dữ, địa ngục. Nhưng người
đó, bất chấp lời cầu nguyện của đại chúng, lúc chết vẫn sanh lên cõi
thiện, cõi Trời...” (Tương Ưng Bộ Kinh–Samyatta Sutta, Thiên 8, bản
dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu).
4. Tinh thần tự lực tự cường.
Trong
Kinh Pháp Cú (Dammapada), Phật nói: “Dù có ở trên trời cao, dù có ở
dưới vực sâu của đại dương, dù có núp trong hang đá thẳm, không có nơi
nào mà con người có thể trốn khỏi được hậu quả của hành động của mình.
(Kệ số 127). Phật Thích Ca luôn luôn nhấn mạnh trách nhiệm của đệ tử
mình là phải tự mình học và sống theo lời Phật. Phật nói: “Tự các ngươi
phải biết tiến tới, bởi vì đấng Tối Thiện chỉ vạch ra con đường đạo mà
thôi. Nếu các người tiến theo con đường đó, các người sẽ chấm dứt mọi
đau khổ...” (Pháp Cú 275-276).
Tinh thần tự lực tự cường này,
Phật đã nhắc lại lần cuối cùng với người học trò thân cận là Ananda
trước khi Phật qua đời: “Hãy sống một đời thanh tịnh, anh sẽ chấm dứt
mọi đau khổ. Ánh sáng chính là ở trong bản thân anh, nơi nương tựa
chính là bản thân anh. Phật Pháp sẽ là ngọn đèn soi sáng cho anh, nơi
nương tựa duy nhất của anh, và sẽ không có ánh sáng nào khác, nơi nương
tựa nào khác”. (Đại Niết Bàn Kinh–Mahaparinibbana).
Thái độ núp
dưới bóng một đấng Thượng Đế nào đó là biểu hiện của sự thiếu lòng tin
nơi chân lý vừa nói trên, kéo theo sự mất lòng tin nơi chính mình. Làm
mất dần tinh thần tự chịu trách nhiệm, dẫn đến tình trạng nô lệ tinh
thần và trí tuệ ngày càng trầm trọng. Hào hùng thay thái độ sống tự tực
tự cường. Một thái độ như vậy sao gọi là sống tiêu cực, chán đời thụ
động được?
Toàn bộ Phật giáo, toát lên niềm tin rằng mọi người
đều có khả năng giác ngộ chân lý, tự cứu mình ra khỏi vòng đau khổ;
không cần dựa vào sự che chở, phù hộ của một đấng thiêng liêng nào. Đối
với chúng sanh đang đau khổ. Phật không khác gì ông thầy thuốc, Phật
Pháp không khác gì phương thuốc. Chúng sanh muốn khỏi bệnh thì phải
uống thuốc, không một đấng thiêng liêng nào có thể uống thuốc để thay
cho chúng sanh khỏi bệnh được. Người Phật tử chân chánh không phải chỉ
có lòng từ bi, mà còn phải có đức tin vững chắc nơi chân lý này, để
dũng mãnh phấn đấu, không biết mệt mõi, không biết sợ, không chịu giữa
đường dừng bước, kỳ cho đến ngày đạt được mục đích tối hậu là giác ngộ
và giải thoát hoàn toàn mới thỏa.
5. Sống trọn vẹn với hiện tại.
Với
đạo Phật, mọi quyết định cho cuộc sống hiện tại và tương lai của mỗi
người chúng ta, chính là hành động thân, khẩu, ý trong từng giờ từng
ngày của mỗi người, chứ không phải là sự can thiệp của một đấng siêu
nhiên nào, qua lời cầu khẩn của chúng ta. Người nào hiểu điều này sẽ
trở thành một con người tự do, tự tại, sẽ không hối tiếc những chuyện
quá khứ, cũng không lo lắng tương lai, bởi vì người ấy thấy rõ mỗi hành
động trong hiện tại là quan trọng nhất, nó chi phối và tạo tác tương
lai. Nhờ vậy mà Phật tử sống trọn vẹn với từng giây phút hiện tại, sống
tỉnh táo, năng động và lạc quan.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh tập I, có trích dẫn một bài kệ của Phật:
“Không tham việc đã qua.
Như lau xanh rời cành”.
Cuộc
sống trọn vẹn trong hiện tại chính là cuộc sống có cống hiến lớn nhất
đối với xã hội và đối với bản thân, cũng là kiểu sống tốt đẹp nhất, an
lạc nhất, hạnh phúc nhất. Khi nói đạo Phật là kiểu sống, một khoa học
và nghệ thuật sống, đi vào chiều sâu của tâm hồn tức là chúng ta muốn
nói đến cái nếp sống trọn vẹn, tỉnh táo trong từng giây phút hiện tại,
chứ đâu có phải là lối sống mê muội trong lễ bái, tụng niệm và cầu xin.
6. Đạo Phật và đại chúng
Những
điều nói trên đây không có nghĩa là nói phải bãi bỏ các lễ khóa ở chùa,
phải phá chùa, đập tượng Phật. Tuyệt đối không phải như vậy. Vì đạo
Phật không phải là đạo thuộc độc quyền của một số rất ít người đạo cao
đức trọng, học hành uyên bác, hay của riêng Tăng Ni xuất gia. Vì rằng
trước chân lý, mọi người đều bình đẳng, và mỗi người đều có quyền tiếp
cận chân lý theo con đường riêng hợp với căn cơ trình độ của mình. Đạo
Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, tức là một số nhiều không kể
xiết những phương pháp giúp người thấu đạt chây lý.
Phần đông nếu
không là tất cả, chúng ta đều bám vào danh từ hay sắc tướng trong mọi
hoạt động sản xuất hay sinh hoạt và cả trong hoạt động tư duy nữa.
Tương ứng với một danh và một tướng là một ý niệm trong tâm thức chúng
ta. Có mối liên hệ qua lại giữa danh, tướng và ý niệm trong tâm thức.
Tôi nghĩ rằng bộ phận huyền thoại, biểu trưng và nghi lễ trong tôn
giáo, nói chung , Phật giáo nói riêng, đều bắt nguồn từ mối liên hệ
này. Thí dụ, danh tướng chim bồ câu gợi ra ý niệm Phạm Thiên đối với
người Ấn Độ giáo. Hòn đá đen (kaba) trong nhà thờ Hồi Giáo là đối tượng
dựng sách thánh, hai bên có hai Thiên Thần xoè cánh bảo vệ ...
Một
số người cho tất cả những cái đó là phù phiếm, mê tín, vô ích. Nhưng
nếu đi sâu vào vấn đề thì thấy không phải đơn giản như vậy. Tất cả
những cái như âm thanh, tên gọi, hình ảnh v...đều tác động đến tâm hồn
người theo những hướng và chiều sâu nhất định. Âm nhạc còn có tác dụng
thuần hóa đến cả rắn, ngựa, chó, huống chi là đối với người. Cảnh chùa,
tượng Phật, tiếng chuông, nhịp mõ gợi ở chúng ta ý niệm bình lặng, êm
ả, hòa hài. Lần tràng hạt, gõ mõ là phương tiện, biện pháp. Đối với
việc chiêm ngưỡng tượng Phật, cũng vậy.
7. Chiêm ngưỡng Phật.
Không
có gì để cầu xin nơi Phật, vì Phật không phải là một đấng cứu rỗi. Phật
là đấng tự đạt đến giác ngộ, tự giải thoát khỏi mọi đau khổ và đã suốt
hơn 45 năm truyền dạy lại con đường để mỗi người tự đạt đến Giác ngộ và
Giải thoát. Khi chiêm ngưỡng Phật, người học Phật tưởng nhớ đến công ơn
cao dầy đó và chiêm ngưỡng tấm gương tự cứu của Phật, đồng thời tâm
niệm các đức hạnh hoàn thiện như:
-Đại từ, đại bi là thương yêu mọi loài như con một, thông cảm sâu sắc nổi thống khổ của mọi loài.
-Đại
hùng, đại lực, đại trí đại dũng là sự hùng dũng lớn, sức mạnh lớn, trí
tuệ lớn mà đức Phật vận dụng để cứu mọi loài ra khỏi mê lầm và đau khổ
v.v...
Khi chiêm ngưỡng các vị Bồ tát, như Quan Thế Âm, Văn Thù,
Phổ Hiền, Di Lặc, người Phật tử tưởng nhớ đến và tâm niệm lời nguyện
cao cả của các vị Bồ Tát như:
- Nguyện đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn, cứu cánh như Phật.
- Nguyện độ thoát cho tất cả mọi chúng sanh khỏi mê lầm đau khổ.
Hoặc là nghĩ tới các phép tu của các vị Bồ Tát, như:
-
Bốn nhiếp pháp: Bố thí (giúp đỡ mọi người và mọi chúng sanh), Ái ngữ
(lời êm dịu), Lợi hành (làm ích cho mọi người và mọi chúng sanh), Đồng
sự (cùng làm với người khác để giúp họ).
- Lục độ: Bố thí, Trì
giới (sống đạo đức), Nhẫn nhục (bình thản trước mọi nghịch cảnh và
thuận cảnh), Tinh tấn (siêng năng nổ lực không ngừng), Thiền định (định
tâm), Trí tuệ (trí sáng thấu đạt chân lý).
Lục độ nêu trên, các
vị Bồ Tát đều thực hành trọn vẹn, đầy đủ không còn khiếm khuyết gì nữa,
cho nên còn được gọi là sáu phép tu rốt ráo (sách Ấn Độ dùng Ba là
mật–Paramita, nghĩa là đến bờ bên kia, đến cứu cánh). Nghĩ đến các phép
tu của các vị Bồ tát cũng là cách để tự suy xét và tự nhắc nhở chính
mình. Để từng bước hướng hành động của mình theo các phép tu đó.
8. Đạo Phật đại chúng và tông Tịnh Độ.
Một
hiện tượng kỳ lạ, mà chúng tôi đề nghị chúng ta đi sâu nghiên cứu xem,
là quá trình đạo Phật dần dần chuyển từ một đạo Phật trí tuệ, thuần lý
trí, dựa vào tự lực và sự cố gắng bản thân, trở thành một đạo Phật dựa
chủ yếu vào đức tin, dựa vào tha lực hay sự gia hộ từ bên ngoài đến từ
các vị Phật và Bồ tát. Tôi nói thế là có phần đơn giản, có lẽ nên nói
là hai hình thức đó của đạo Phật đã tồn tại song song và ảnh hưởng tác
động lẫn nhau, nhưng về sau này thì hình thức lễ bái, tín ngưỡng của
đạo Phật có phần phát triển. Ngay từ những năm 400 trước Tây lịch, mầm
mống của hình thức đạo Phật tôn giáo đã hình thành và lan tràn dễ dàng
trong quần chúng đông đảo, và đến đầu kỷ nguyên Tây lịch thì nó lại
càng phát triển mạnh, như là một nhánh của Phật giáo Đại thừa. Nó thể
hiện tính quần chúng của Phật giáo. Một mục tiêu của Phật giáo Đại thừa
là phổ cập chánh pháp tới những từng lớp quần chúng đông đảo nhất.
Lẽ
nào giác ngộ và giải thoát chỉ dành riêng cho một thiểu số. Nếu lòng từ
bi của Phật là vô biên, thì ngay cả những người ngu mê nhất cũng được
ảnh hưởng của lòng từ bi đó mới phải. Nếu tất cả chúng sanh đều có cái
mầm giác ngộ, hay Phật tính, thì tất cả chúng sanh đều có thể nắm bắt
được cơ hội để giác ngộ và giải thoát. Đó là cơ sở lý giải để kiến lập
một hình thức đạo Phật chủ yếu dựa vào đức tin nơi tha lực, một hình
thức đạo Phật có thể lôi cuốn quần chúng đông đảo.
Hiện nay đại
biểu mạnh mẽ nhất, phổ biến nhất dành cho hình thức của đạo Phật này là
tông Tịnh Độ. Người tu theo tông này thường niệm danh hiệu Phật A Di
Đà, để cầu vãng sanh nơi cõi Phật A Di Đà, có nghĩa là vô lượng, thọ
mạng vô lượng và ánh sáng vô lượng. Bộ kinh cơ bản của tông này là kinh
A Di Đà, do chính Phật Thích Ca nói ra. Trong kinh này, Phật Thích Ca
có nói là: Nếu có người nào được nghe nói đến Phật A Di Đà mà biết niệm
danh hiệu A Di Đà, niệm cho đến lúc tâm không còn loạn tưởng, thì đến
lúc lâm chung người đó sẽ được vãng sanh về cõi Tây phương cực lạc, sẽ
được nghe Phật A Di Đà giảng Pháp và sẽ được giác ngộ ở bên đó. Tức là
tu theo phép tu Tịnh Độ không khó, chỉ cần có lòng tin mãnh liệt, vì
vậy nhiều Tăng sĩ tu theo tông này, ở bên Nhật, vẫn ăn mặn, có vợ có
con như người cư sĩ bình thường.
Nhiều vị Bồ Tát cũng là đối
tượng sùng bái rộng rãi trong quần chúng. Đặc biệt là Bồ tát Quan Thế
Âm. Chữ Phạn là Avalokitasvara, gồm Ishvara, là ngài hay đấng, và
Avalokita, là ngó xuống chúng sanh với lòng đại từ đại bi. Trong kho
huyền thoại của Việt Nam, có nhiều truyện nói lên tấm lòng đại từ đại
bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, phổ biến nhất là truyện Quan Âm Thị Kính, và
khả năng giáo dục đại chúng của các huyền thoại này quả là không nhỏ.
Nói chung, Phật giáo Đại thừa khẳng định sức mạnh gia hộ của các vị
Phật và Bồ tát trong cõi mười phương đối với chúng sanh niệm danh hiệu
và chí thành cầu mong sự che chở của các vị đó. Ở đây, rõ ràng Phật
giáo Đại thừa đã đi sâu vào địa hạt tôn giáo, địa hạt của những sức
mạnh siêu nhiên, khó hiểu.
9. Hai hình thức Phật giáo cùng hiện hữu.
Như
ở một đoạn trên, tôi có nói đến một đặc sắc của đạo Phật là tinh thần
bao dung, rộng rãi. Bởi vì đạo Phật quan niệm chân lý và hạnh phúc tối
thượng như một trung tâm mà chúng ta có thể hướng đến từ nhiều phía,
bằng nhiều ngã, với nhiều phương tiện và phương cách. Rất ít khi người
Phật tử nói với một đạo hữu khác rằng: “Tu như tôi mới đúng, tu như anh
là sai” mà họ sẽ nói “Hãy xem, trong nhận thức của hai chúng ta, có tất
cả những nhất trí, thì cùng nên ra mà khẳng định, còn những điểm gì
khác nhau chúng ta nên tạm gác qua một bên đã”.
Và thường thường,
sau khi khẳng định với nhau các điểm nhất trí-các điểm này, họ đều thấy
là nhiều và căn bản, họ bổng thấy những điểm khác chỉ là phụ, là số ít
và nhiều khi chỉ khác nhau ở hình thức. Hơn nữa, đối với Phật tử xuất
gia, kỵ nhất là lòng kiêu mạn, tự cho mình là hơn người. Tự cho mình là
đúng, còn người khác là sai lầm, phải chăng đó là biểu thị của tính ngã
mạn? Vả lại, ai đúng ai sai, đó là vấn đề cần được chứng minh qua thực
tế, qua cuộc sống, chứ không phải qua phiếm luận, nhàn đàm. Nếu chưa
bàn lý lẽ mà trong thái độ đã vội tỏ ra kiêu mạn, cố chấp, thì tức là
phép tu của mình đã lệch lạc và sai sót rồi. Pháp sư
Huyền Trang
kể rằng: Ở Ấn Độ, có những tu viện trong đó những người tu Đại thừa ở
lẫn lộn với những người tu Tiểu thừa. Mọi người đều giữ những giới luật
giống nhau. Chỉ có điểm khác là những người tu Đại thừa nghiên cứu kinh
điển Đại thừa, còn người tu theo Tiểu thừa thì học kinh điển Tiểu thừa.
Họ sống hòa hợp đoàn kết, chứ không tranh cãi nhau.
Theo tôi, đó
là lý do căn bản giải thích vì sao hình thức đạo Phật dựa vào trí tuệ
và tự lực vẫn có thể cùng tồn tại và phát triển song song với hình thức
“Đạo Phật chủ yếu dựa vào lòng tin và tha lực”. Thật là rất sai lầm khi
nói tông Tịnh Độ (một phép tu Đại thừa dựa vào lòng tin nơi sự gia hộ
của Phật A Di Đà để được vãng sanh sang cõi cực lạc, nơi Phật A Di Đà
đang giáo hóa) là một biến tướng thoái hóa của đạo Phật nguyên thủy.
Các
nhà tâm lý học đều cho rằng, niềm tin tác động như một chất xúc tác,
giúp cho sự tập trung tư tưởng, giúp cho một cuộc sống đức hạnh và có
hiệu năng. Tin như vậy không thể gọi là mê tín được.
Thêm nữa,
trong đạo Phật, tin nơi Phật còn đồng nghĩa với tin nơi Phật tính sẵn
có trong chính mình, cũng là tin nơi khả năng của mình trong tương lai
sẽ đạt đến giác ngộ và giải thoát hoàn toàn như Phật. Tin ở Phật còn có
nghĩa là tin nơi khả năng vô hạn của trí tuệ, nơi ân đức vô lượng của
đức hạnh (từ, bi, hỷ, xả) và nơi sức mạnh vô biên của ý chí đại hùng
(chiến thắng tham, sân si và siêu vượt vọng ngã). Nhờ thế, người tin
Phật sẽ hướng dần đến đời sống trong sạch và hướng thượng, bởi vì chỉ
với thế lòng tin Phật mới có ích và phép tu niệm Phật mới mang đến hiệu
quả. Tóm lại, càng nghiêu cứu sâu vào lý lẽ của tông Tịnh Độ, chúng ta
càng thấy giữa tông này và các tông khác của đạo Phật không có sự khác
biệt gì về căn bản.
10. Một lòng tin hợp với đạo đức và lý trí.
Tất
nhiên, nếu thấy trọn vẹn, hiểu biết đầy đủ rồi mới tin thì đó không còn
là lòng tin nữa; mà đấy là biết. Khi nào nói tin tức là sự hiểu biết và
thấy chưa thực sự trọn vẹn và đầy đủ. Thí dụ, tôi không thấy đồng xu
trong bàn tay nắm của anh, nhưng tôi tin là có đồng xu ở trong đó. Như
vậy mới gọi là tin. Nếu đã mở bàn tay ra rồi, đã thấy có đồng xu hay
không trong đó rồi thì không thể nói: “Tôi tin” mà phải nói là “tôi
thấy” hay “tôi biết”. “Tin” khác với “thấy” và “biết”.
Lòng tin
của người theo đạo Phật cũng là như vậy, không phải là đã thấy và hiểu
trọn vẹn và toàn bộ rồi nhưng vẫn tin, miễn là niềm tin đó hợp với suy
xét của lý trí. Lòng tin kiểu này có hai mặt tích cực, một là nó khuyến
khích một chứng nghiệm bản thân trên lòng tin đó, và hai là dẫn tới một
cuộc sống hướng thượng.
Thí dụ, Phật tử tin rằng đã có hai vị
Phật, nhờ đã giác ngộ mà được hạnh phúc hoàn toàn, và tin rằng nếu ai
tu học đúng đắn, với lòng kiên trì tinh tấn, theo đúng lời dạy, thì
cũng sẽ thành Phật. Một thí dụ khác, tin ở thuyết nhân quả nghiệp báo,
để luôn luôn tự răng mình, tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, tin
rằng chính mình, chứ không phải một vị Thần linh nào khác, làm chủ cuộc
sống và vận mệnh của mình, nhờ đó mà ngày càng thêm phấn đấu không biết
mệt, hướng đến một tương lai ngày càng tươi sáng hơn. Tôi cho rằng tin
như thế là tích cực và hướng thượng.
Tin ở thuyết tái sanh cũng
là tin nơi sự liên tục của sự sống vô thỉ vô chung, ở đó, sinh và tử
nối tiếp nhau mãi trong quá trình sống dài vô tận, sự chết là điểm khởi
đầu cho một cuộc sống mới. Nhờ tin như vậy, người Phật tử bình thản vô
cùng trước sự chết; họ chỉ cố gắng làm lành lánh ác ngay bây giờ, tại
mỗi thời điểm của hiện tại, bất luận là tuổi đã già hay còn trẻ, để cho
cuộc sống mới sẽ đẹp đẽ hơn; nói cách khác, họ chuẩn bị cái chết của họ
một cách tích cực và hướng thượng. Lòng tin trong đạo Phật chính là như
vậy. Một lòng tin như thế không thể gọi là mê tín được.
Giáo sư Minh Chi