11/11/2010 15:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 77333
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGHI LỄ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY

CẦN SỚM CÓ SỰ THỐNG NHẤT

Ban Nghi lễ Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu

Nghi lễ ở Việt Nam nói chung và nghi lễ Phật giáo nói riêng đều đã có quá trình lịch sử phát triển lâu dài nên rất phong phú và đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều trường phái. Đó là do sự truyền thừa từ những nguồn gốc khác nhau: Loại có nguồn gốc Nho giáo, lúc đầu tuy là những công cụ chính trị của các Nhà nước phong kiến, nhưng trong đó có một số nội dung phù hợp với đời sống xã hội và con người, nên dần dần tự thân đã biến đổi thành nghi lễ truyền thống dân tộc hoặc tín ngưỡng dân gian, đã tiếp tục tồn tại qua các đình làng, đền thờ những người có công với đất nước, lễ hội kỳ yên, các lễ tiết trong vòng đời của con người…; loại có nguồn gốc từ Đạo giáo tuy có những hình thức khó hiểu, xa rời thực tế, nhưng có sức thu hút rất lớn đối với giới bình dân, vì vậy cũng đã có những bước phát triển nhất định từ một số am miếu, tư gia và một số nghi lễ khác được tồn tại từ những phong tục tập quán của các dân tộc, các tôn giáo…

Nghi lễ Phật giáo có nhiều đặc điểm hơn vì Phật giáo đã có một quá trình phát triển lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển của dân tộc từ những năm trước Công nguyên đến nay, Phật giáo thường tùy duyên theo tình hình thực tế nên có tính hội nhập văn hóa rất cao, sự hòa nhập văn hóa Phật – Lão – Nho đã kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cũng do vậy nên nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã dung chứa nhiều hình thức nghi lễ từ những nguồn gốc khác, kể cả nhạc lễ cổ truyền, đàn ca tài tử…, một số chùa còn có quan niệm “Dĩ huyễn độ chơn” nên đã tạm chấp nhận một số hình thái nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Do đó, nghi lễ Phật giáo của ba miền Nam – Trung – Bắc đều có những sự khác biệt, mà cả nghi lễ ở các địa phương của một vùng miền cũng có những chi tiết chẳng tương đồng.

Nghi lễ Phật giáo lại thường được các vị tiền bối sử dụng như một phương tiện để truyền đạo, cho nên trong quá trình phát triển đã thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Ở mỗi địa phương đều được chuyển hóa cho phù hợp với phong tục tập quán, chưa kể đến nhiều trường hợp do sự giao lưu văn hoá với các dân tộc khác hoặc sự hòa nhập tín ngưỡng địa phương theo từng vùng miền. Chính sự thay đổi khác nhau này làm cho nghi lễ Phật giáo đã mang tính địa phương rất lớn, đã gây một số trở ngại trong việc tổ chức nghi lễ chung của Giáo hội. Vì vậy, việc thống nhất nghi lễ Phật giáo là một việc làm rất phù hợp trong tình hình hiện nay, lại có ý nghĩa rất lớn đối việc phát huy Phật giáo.

Xuất phát từ những ý nghĩ đó, Ban Nghi lễ Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xin được phép đề xuất một số ý kiến:

1. Nên sớm có sách giáo khoa về Nghi lễ:

Ban Nghi lễ Trung ương nên có sự chỉ đạo thống nhất việc biên soạn sách giáo khoa về Nghi lễ, chương trình giảng dạy cho từng bậc từng cấp khác nhau ở các trường Phật học. Vì hiện nay tuy đã có một số sách nghi lễ đã được xuất bản, nhưng vẫn còn trong tình trạng tự phát, chưa mang tính phổ cập. Chương trình giảng dạy ở các trường Phật học cũng chưa thống nhất với nhau, tùy theo sự hiểu biết của giảng viên và thói quen ở địa phương nên nội dung giảng dạy còn nhiều điểm khác biệt, đa số chỉ chú trọng về phần thực hiện nghi lễ không chú ý đến ý nghĩa của từng chi tiết lễ bái, càng không chú trọng đến Lịch sử Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, Lịch sử truyền thừa – công lao của các vị tiền bối trong quá trình phát triển nghi lễ. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sách giáo khoa về nghi lễ nên có hai phần: Phần thứ nhất: Lịch sử Phát triển nghi lễ, trong đó có nêu tiểu sử của các vị tiền bối có công; Phần thứ hai là: Nội dung nghi lễ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể và từng cấp học khác nhau.

2. Chú ý đến công tác đào tạo giảng viên:

Về phần này nên sớm có kế hoạch thực hiện, vì hiện nay môn học Nghi lễ thường thiếu giảng viên, nhiều trường hợp giảng viên được mời dạy về kinh nghiệm chuyên môn thì có thừa, nhưng trình độ sư phạm lại quá kém nên không hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy của mình. Có một số thường cho sự hiểu biết của mình là đúng, còn người khác là sai. Một vài trường hợp còn đưa cả những hình thái mê tín vào nghi lễ. Vì thế, Trung ương Giáo hội nên có những khóa tập huấn dài hạn hoặc ngắn hạn cho các giảng viên Nghi lễ và thành viên Ban Nghi lễ Phật giáo của các Tỉnh, Thành hội. Tiếp theo cũng nên tổ chức một hoặc vài lớp chính quy để đào tạo giảng viên của ngành Nghi lễ. Nếu giảng viên có đủ cả chất lẫn lượng thì Nghi lễ Phật giáo sẽ được đồng bộ và phát huy tác dụng hơn.

3. Nghi lễ nên mang tính khoa học và nghệ thuật:

Hiện nay Nghi lễ ngoài tính chất tôn giáo, còn được mọi người xem là một bộ môn nghệ thuật trong lãnh vực văn hóa truyền thống Việt Nam. Bộ Văn hóa Thông tin đang chỉ đạo cho một số tỉnh phía Nam nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về Đàn ca tài tử và Nhạc lễ cổ truyền để tập họp, biên soạn và đề nghị Unesco công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng ta nên sớm có sự thống nhất về nghi lễ cả hai phần hình thức lẫn nội dung, đồng thời cũng nên lượt bỏ có một số nghi tiết còn đậm nét thần quyền, khó giải thích về ý nghĩa. Nghi lễ Phật giáo đương nhiên là một bộ môn nghệ thuật mang tính văn hóa truyền thống, nhưng cũng phải vừa phù hợp với nhận thức khoa học thì mới có thể phát triển tốt đẹp hơn.

4. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam phải mang tính dân tộc:

Có một số người thường nghĩ rằng Nghi lễ của chúng ta là bản sao của Nghi lễ Trung Quốc. Điều này cũng nên xem lại vì Phật giáo du nhập vào Việt Nam trước Trung Quốc đến mấy trăm năm, qua một thời gian dài phát triển đã có thể khẳng định được cái riêng của mình, vẫn biết trong thời kỳ bị đô hộ chúng ta đã vay mượn ít nhiều về tư tưởng, học thuật của người nước khác, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có cái quốc hồn, quốc túy của ta. Nghi lễ cũng vậy – phải được độc lập, phải được thay đổi cho phù hợp với văn hóa nước nhà, những hình thức tế lễ, trang phục, văn tự… phải có màu sắc của văn hóa Việt Nam. Thí dụ như: Y, quan, áo, mão nên dùng của người Việt, dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong các văn bản dùng để cúng tế, các hình thức mê tín hoặc không liên quan đến Phật giáo cũng nên bỏ đi… Có như thế mới phù hợp với tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

5. Nên tiết kiệm trong các Nghi lễ:

Vẫn biết Nghi lễ là một nhu cầu thuộc đời sống tâm linh, nhưng không vì thế mà phải tốn kém quá nhiều trong những lần tế lễ. Vì hiện nay bên cạnh nhu cầu về đời sống tâm linh, còn có những nhu cầu về vật chất không kém phần cấp thiết, nên trang trải phần kinh phí tiết kiệm cho những nhu cầu này. Ngoài ra, Ban Nghi lễ Trung ương cần có chủ trương: Giáo dục, khuyến khích, khen thưởng những cá nhân hoặc tập thể Ban Nhạc lễ ở các địa phương đã có những hoạt động tốt, phù hợp với tôn chỉ Từ Bi Hỷ Xả của nhà Phật.

Tóm lại, nếu xem nghi lễ là một trong những phương tiện hoằng hóa độ sanh, một di sản văn hóa dân tộc, một bộ môn văn học nghệ thuật truyền thống thì phải được sự thống nhất về hình thức lẫn nội dung. Để thực hiện việc làm tốt đẹp này, đề xuất Ban Nghi lễ Trung ương thành lập Hội đồng nghiên cứu, thẩm định và chuẩn hóa Nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Về cơ cấu Hội đồng, ngoài các vị Thạc đức ở Trung ương Giáo hội, nên mời thêm đại biểu của các tỉnh thành hội và một số nhà Khoa học có kiến thức về Nghi lễ cùng tham gia.

 


Trên Facebook

 

Âm lịch

Ảnh đẹp

Từ điển Online

Từ cần tra:
[Dịch văn bản]
Tra theo từ điển: