11/11/2010 15:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 77358
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGHI LỄ và ỨNG DỤNG

Ban Nghi lễ Phật giáo Tỉnh Bình Thuận

A. Phần mở đầu:

Bất kỳ một tôn giáo hay tổ chức xã hội đều có những lễ nghi biểu hiện cách tôn trọng cung kính đối với quốc gia, lãnh thổ và trong đời sống thường nhật. Tất cả những cách ứng xử qua lại với nhau đều có những khuôn phép nhất định để duy trì thứ bậc và trật tự xã hội. Tùy theo phong tục tập quán của mỗi quốc gia, lãnh thổ mà có những biểu hiện khác nhau để thích ứng trong mọi sanh hoạt.

Tổ đức có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đủ để nói lên rằng, từ ngày xưa đến nay, cách thức ứng xử và trật tự xã hội đã được chú trọng lên hàng đầu để duy trì đạo đức, ứng xử của mỗi con người, duy trì sự tôn trọng lẫn nhau.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không dám mạn đàm đến hết những phạm trù của nghi lễ phép tắc, mà chỉ thu gọn trong một mảng nhỏ, đó là Nghi lễ trong thiền môn, một lãnh vực không thể thiếu trong sanh hoạt tôn giáo và ứng dụng trong đời sống của Tăng Ni và Phật tử. B. Nội dung:

I. Nghi lễ:

1. Định Nghĩa:

Nghi lễ là điều quan trọng không thể thiếu trong kiếp nhân sanh nói chung, giới Phật giáo nói riêng. Vì ngoài cơm ăn, áo mặc, nơi ở v.v… nếu không có nghi lễ thì nơi đó, người đó thiếu phẩm chất, văn hóa, tư cách đạo đức của con người.

Người xưa nói: “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm”. Cho nên, người tu sĩ trượng phu xuất trần, phát túc siêu phương không thể không biết nghi lễ. Vì nghi lễ là liên quan đến oai nghi, quy cũ thiền môn, bởi lẽ, “Hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”. Nghi lễ được đánh giá là không nặng về âm thanh, tán tụng, mà chính là đạo phong trang nghiêm, tâm thành cung kính, đó mới là “Đạo tràng ư xứ xứ”. Hiểu một cách khác, lễ nghi là lòng khiêm hạ, là bày tỏ sự kính thành; cầu nguyện là cách thức đãi lọc tâm tánh, là ban ân, là phát khởi những dòng tâm niệm trong sáng, hữu ích, nung nấu ý chí, trau giồi đạo hạnh cho mình và hướng dẫn kẻ khác. Với cách hiểu như vậy, nghi lễ không phải chỉ mang màu sắc và âm hưởng của tán tụng, cầu nguyện mà còn hàm nghĩa một cách rộng rãi về đường lối tu hành và độ sanh, cũng có thể hiểu:

Nghi: Là dáng, mẫu nghi, nghi lễ, khuôn phép…

Lễ: Là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ, cung kính…

Như vậy, nghi lễ có nghĩa rất rộng, bao trùm hành vi, thái độ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách của con người và xã hội. Trong nghĩa hẹp thì nghi lễ là nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo.

Nghi lễ Phật giáo cũng có hai phần Lễ và Nhạc. Tuỳ theo truyền thống văn hóa nghệ thuật của mỗi miền mà phần lễ nhạc Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện theo truyền thống ấy. Nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc cổ truyền của dân tộc, là một mảng của nền văn hóa truyền thống. Việt Nam ta có ba miền, mang ba loại hình sắc của tập tục nên cũng có tương đồng và dị biệt. Tuy nhiên, cũng không khác những ý nghĩa đã miêu tả.

2. Ý nghĩa của Nghi lễ:

a. Tôn kính: Nghi lễ được hình thành từ xa xưa, trước thời Phật đã xuất hiện những nghi thức tế tự, thờ cúng theo tập tục của Veda Bà la môn giáo. Họ có những trường thi Upanisad để ca ngợi những thần linh theo cách của họ. Khi đạo Phật du nhập qua Đông thổ (Trung Quốc), lại được tô bồi bởi những nghi thức cung kính của nền văn hóa bản địa. Chưa ai xác nhận được nghi lễ có từ lúc nào, mà chỉ biết đó là thể hiện sự cung kính Tam bảo, cung kính với đấng cha lành bốn loại. Ít ai biết được rằng, trong đời sống Thiền môn, mình học nghi lễ từ lúc nào, nhưng ai cũng biết cách xưng tán Tam bảo hết sức cung kính như:

"Phật với chúng con

Tánh vốn thanh tịnh,

Nên sự cảm ứng

Thật bất tư nghì;

Như những viên ngọc

Ảnh hiện với nhau,

Thập phương chư Phật

Ảnh hiện nơi con,

Thân con hiện trước

Thập phương chư Phật,

Con đem đầu mặt

Lạy sát chân Phật".

Đó là những động tác và những xưng tụng ngày nào chúng ta cũng thực hiện, để mong được gần Phật trong thân và tâm. Với hình thức như vậy, chúng ta đang nuôi dưỡng một tâm bình đẳng thanh tịnh, tâm như tâm chư Phật và thân cũng như thân Phật.

b. Lập nguyện: Văn phát tâm Bồ đề nói: “Nguyện có lập thì chúng sanh mới độ được, tâm có phát thì Phật đạo mới thành”. Với người Phật tử, khi trước Phật chúng ta lập lại những lời nguyện của mình để mong ước được lợi lạc cho mình và tha nhân. Nguyện trước Phật là cách chúng ta làm cho đức tánh từ bi được nuôi dưỡng, và chúng ta thường nghĩ rằng, qua lời nguyện và cách cúng dường Phật ta nguyện làm được những đức tánh cao cả mà chư Phật đã thành tựu.

"Hương thơm giữ giới,

Thiền định, tuệ giác,

Hương thơm giải thoát,

Cùng với hương thơm

Giải thoát thấy biết,

Làm thành đài mây

Chói sáng rực rỡ,

Bủa khắp pháp giới,

Hiến cúng mười phương

Các đấng Vô thượng,

Xứng với tự tánh

Làm mọi việc Phật,

Xông ướp chúng sanh

Phát tâm Bồ đề,

Thoát bỏ vọng nghiệp,

Thành Vô thượng giác".

Đó là cách cúng dường và cũng là cách phát nguyện độ sanh, không gì bằng, khi trang nghiêm quỳ trước Phật đài, tâm và thân lắng động cúng dường, như vậy lối vào của giải thoát đã mở bày trước mắt.

c. Trang nghiêm đạo tràng:

"La liệt hương hoa kiến bảo đàn

Trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan

Tâm dung diệu lý hư không thiểu (tiểu)

Đạo khế chơn như Pháp giới khoan

Tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn

Hóa thân đằng vận mộ vân phiền

Hương vân đôi lý chiêm ứng hiện

Vạn vật sum la hải ấn hàm".

Đó là cách thiết trí cúng dường bằng tâm và vật, từ hình tướng đến nội dung đã được tương ứng để tỏ tâm mình lên ngôi Tam Bảo. Đối với những khoa nghi pháp sự, khởi đầu đều bằng những lời tán thán hết sức tha thiết, cũng là một cách khai thị và khai tâm trong hoằng hóa độ sanh, tôn vinh công hạnh của chư Phật. Tán thán công đức ấy cũng là một cách làm cho chúng sanh được thấm nhuần tư tưởng Phật, trải nghiệm sự thực hiện ấy qua khoa nghi. Nghi lễ cũng chính là hoằng pháp lợi sanh, âm dương lưỡng ích, “Đạo sư ba cõi đại hiếu Thích Ca văn, bao đời phụng dưỡng mẹ cha, nhiều kiếp tu hành thành Phật”.

Hay:

“Thỉnh sư na bộ đăng đài,

Đài vị cô hồn thuyết giới.

Đả cổ tam thông đăng bảo tọa,

Phật tử cô hồn tận siêu thăng”.

Đó là đức hạnh và tha lực từ bi của đàn tràng làm cho âm dương lưỡng lợi, tất cả đều được tắm gội trong pháp giới sum la.

II. Ứng dụng của Nghi lễ:

1. Các loại hình nghi lễ:

- Cầu an: Là cầu nguyện an lành, vượt qua các tai ương hoạn nạn. Cầu an cũng thể hiện quan tâm lo lắng và thương yêu giúp đỡ cho tha nhân, nhất là trong lúc mình không làm được gì khác hơn là cầu nguyện. Cầu an cũng nói lên tinh thần đạo đức của người Phật tử khi đứng trước nỗi bất hạnh của kẻ khác. Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, năng lực của tâm hết sức lớn. Cầu nguyện an lành là hình thức chia sẻ chân tình nhất, tâm nguyện, hành động và thực hành tĩnh lặng, xua tan những mối lo âu cho mọi người. Đó cũng là một cách để mọi người thực hành chánh niệm lời Phật dạy.

- Cầu siêu: Là cầu nguyện thân quyến đã qua đời được siêu thoát. Như vậy, cầu siêu là biểu lộ sự quan tâm giúp đỡ cho người thân của mình. Sự quan tâm đối với người đã chết không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện. Nhu cầu và thực hành cầu siêu nói lên nhân sanh quan và vũ trụ quan của Phật giáo, vừa nhân bản vừa rộng rãi; chấp nhận ngoài thế giới hiện thực nầy còn có thế giới khác, đó chính là san sẻ năng lượng của tâm khi nhất tâm cầu nguyện điều gì với tâm nguyện lành, điều lành đó sẽ làm cho cả người sống và người mất đều an lạc.

- Cầu sám hối: Sám hối là tiếng nói của cõi lòng, tiếng nói của sự thật bị bụi trần khuất lấp, đó là lúc hành giả trở lại chiêm nghiệm những hành vi quá khứ đến hiện tại và tu tỉnh tương lai. Tất cả những yếu tố đó làm cho hành giả tự mình xây dựng một tư duy hiện thực và trở thành người giải thoát.

- Cầu tiến bộ tâm linh: Là cầu nguyện mình được phát khởi thiện tâm, phát huy được trí tuệ vượt qua nghiệp chướng, ma chướng để sớm thành tựu được mục tiêu giải thoát của mình. Nhu cầu cầu nguyện tâm linh tiến bộ nói lên tinh thần quyết tâm cầu tiến, nói lên ước vọng tìm kiếm chân lý.

Đó là những loại hình nghi lễ thường nhật mà các Tự viện thường thực hành, nó hàm tính rộng rãi, chứ không phận biệt đẳng cấp, tầng lớp, tùy theo trường hợp để áp dụng.

2. Ứng dụng của Nghi lễ:

a. Trong nhân gian: Trước khi Phật giáo du nhập, Việt Nam đã có truyền thống thờ cúng ông bà. Truyền thống đó đã có tác động và làm thêm sinh động, phong phú nền nghi lễ Phật giáo Việt Nam và nó được xây dựng trên nền tảng như vậy nên trong mọi hoàn cảnh từ thứ dân đến vua quan đều đặt nghi lễ lên hàng đầu. Nên văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc gặp nhau, bổ sung cho nhau.

Đời sống ngày càng nâng cao, khi cuộc sống được cải thiện, người ta sẽ quan tâm đến mức độ hoàn thiện, quan tâm đến nghi lễ. Trải qua những vận mệnh lịch sử, qua những biến cố, người Việt Nam vẫn giữ được truyền thống, đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt, nên Phật giáo có mặt đầy đủ trong tất cả bốn lãnh vực quan hôn tang tế, tuy nhiên, tất cả đều đặt trong nguyên tắc truyền thống của tinh thần nhập thế tuỳ duyên bất biến. Đa phần quần chúng đến với đạo thông qua con đường nghi lễ. Nghi lễ được coi là cầu nối giữa con người và các cảnh giới khác; người làm công tác nghi lễ mang trọng trách hướng dẫn Phật tử biết thờ kính Phật và hiếu kính mẹ cha. Nghi lễ được biểu hiện qua các loại hình được nêu trên, làm cho con người cảm thấy gần gũi với đạo Phật và bỏ được đi những tập tính, tập tục qua tinh thần thân thiện và yêu chuộng sự sống, giảm thiểu những khổ đau.

Mối liên hệ của con người trong xã hội rất đa dạng. Qua đó, các mối liên hệ tình cảm chiếm phần lớn như là: Cúng kỵ ông bà, cha mẹ, tổ tiên, ma chay, hiếu hỷ, cúng âm binh cô hồn, thờ cúng thần thánh, cầu an, cầu siêu, xây dựng nhà cửa, chúc thọ… Các nghi lễ tôn giáo và lễ hội truyền thống như: Tết nguyên đán, rằm tháng giêng, lễ Phật đản, lễ vía Phật, Bồ tát, lễ Vu lan, rằm tháng mười… Những nghi lễ như vậy chi phối mạnh mẽ đến các sinh hoạt tinh thần, văn hóa của đời sống nhân dân. Quý Thầy được quần chúng coi trọng và ngôi chùa là nơi diễn ra hầy hết các buổi lễ ấy. Thông qua nhu cầu nghi lễ, chúng ta tạo được mối quan hệ gắn bó giữa đạo và đời, giữa người tu hành với quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, chúng ta có thể chuyển hóa họ bỏ ác làm lành, sống có đạo đức, an lạc.

b. Đối với Thiền môn: Nghi lễ không thể thiếu trong Thiền môn, tất cả các Tự viện trên toàn quốc, dù theo truyền thống nào cũng chú trọng đến nghi lễ, vì đó chính là đời sống của Tăng Ni, Phật tử. Nghi lễ trong Thiền môn, chính là những nguyên tắc sống, làm nên những người con Phật, sau đó mới trở lại cuộc đời hoằng hoá. Chính nghi lễ đã hướng người Phật tử quay về nương tựa Tam Bảo, ngày nay, nghi lễ vẫn là phương tiện hữu ích cho công cuộc hoằng pháp, vị doanh sự Tỳ kheo, làm công tác sứ giả Như Lai, dùng đó để làm phương tiện giúp đời và thực hiện Phật sự. Nhu cầu nghi lễ của quần chúng rất khó kiểm soát, có những yêu cầu về nghi lễ rất phi lý nhưng không ai hướng dẫn hoặc mạnh dạn bác bỏ nên chúng tồn tại một cách có hại. Người trụ trì vững chãi về nghi lễ và hiểu rõ ý nghĩa của nó sẽ dễ dàng hướng dẫn quần chúng đi vào Chánh pháp. Bằng ngược lại, mình sẽ làm công không cho tà đạo, tuyên truyền giùm họ những nghi lễ vốn không được chấp nhận trong đạo Phật, điều đó dẫn đến sự pha loãng phẩm chất tốt đẹp của đạo Phật. Khi hành lễ, chúng ta chú trọng đến năng lượng tâm để chuyển hóa khổ đau. Khi một người phóng ra một năng lượng tâm linh qua sự tập trung cầu nguyện, luồng năng lượng ấy sẽ tạo ảnh hưởng lên thể chất và tinh thần của đối tượng được cầu nguyện. Người phát ra một năng lượng tâm linh, năng lượng ấy thuộc xu hướng nào thì sẽ tạo ra một hấp lực thu hút luồng năng lượng tương ứng trong không gian, mà ta gọi là tha lực. Tuỳ theo sự tương tác ở mức độ nào mà khả năng, hiệu quả lớn hay nhỏ.

Cầu nguyện cho người khác được bình an thể hiện tính tích cực của từ bi, vị tha, do đó tạo nên “đức độ”. Tâm ta càng hướng về vô ngã vị tha thì mối tương tác giữa tâm ta và tâm Phật sẽ chặt chẽ, tác động mạnh đến người hay hoàn cảnh mình cần cầu nguyện, đó là sức mạnh vô hình nhưng có thực. Dĩ nhiên, không phải ai cầu cũng ứng, cũng được an. Mọi tác dụng cảm ứng đều có điều kiện, nhân duyên có đủ hay không; một ngọn lửa bùng cháy phải đủ các điều kiện cho sự cháy, vậy không nên coi cầu an là phương pháp tối thượng mà chỉ là một “trợ duyên”, điều quan trọng vẫn là “nội lực” hay “nghiệp lực”.

Giáo lý Phật giáo lấy con người làm trung tâm hóa độ, thì nghi lễ cũng dùng trong ý nghĩa đó, đối tượng tôn kính và chủ thể được tôn kính đầy đủ, đây chính là một mảng thế giới quan tương duyên của Phật giáo.

C. Kết luận:

Nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập cũng có tác dụng chuyển hóa khổ đau, làm giảm áp lực của tham lam, sân hận, si mê. Mặt khác, đó là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh rất có hiệu quả. Suốt gần 2000 năm, đạo Phật có mặt trên đất nước Việt Nam, nghi lễ Phật giáo đã tạo thành những dấu ấn tín ngưỡng văn hóa, đã xây dựng nền đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc.

Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng của nghi lễ Phật giáo trong thời hiện đại, chúng ta cần phải quan tâm hơn về việc thay đổi những gì không còn phù hợp, để làm cho nghi lễ Phật giáo vẫn là nét văn hóa đẹp của xã hội và đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trong thế kỷ mới./.

 


Trên Facebook

 

Âm lịch

Ảnh đẹp

Từ điển Online

Từ cần tra:
[Dịch văn bản]
Tra theo từ điển: