Nghi lễ là cái được sáng tạo sau khi đức
Phật nhập diệt, mà một trong những mục tiêu là thể hiện sự kính ngưỡng
đối với Đức Phật và giáo pháp của Ngài, thông qua những hình thức cụ
thể.
Nghi lễ được liên tục sáng tạo, do đó,
tất yếu tạo nên sự khác biệt theo hệ phái, tông phái… và trong mỗi hệ
phái Phật giáo, lại có sự khác biệt theo không gian (địa phương, vùng
miền) và thời gian. Đó là hệ quả tất yếu và tự nhiên của một tôn giáo có
sự phát triển cá biệt hoá, phi tập trung, không có giáo quyền trung
ương toàn cầu như Phật giáo.
Quá trình sáng tạo nghi lễ Phật giáo là
một quá trình đang được tiếp tục. Trong thế kỷ XX, nghi lễ vẫn tiếp tục
sáng tạo, mà điển hình là sự ra đời của hệ phái Khất sĩ, với các nghi
thức tụng niệm riêng.
Đi chùa Ấn Quang vào những năm 1970, ở
một đạo tràng, chúng tôi vẫn thấy nghi lễ được sáng tạo, qua những nghi
thức tụng niệm mới được biên soạn, in roneo, còn thơm mùi mực. Trong
nghi lễ mới, thần chú không được phiên qua âm Hán Việt nữa nên nghe rất
“hiện đại” vào lúc đó. Bài hát Trầm hương đốt cũng được đưa vào
đầu khoá lễ, nên những Phật tử trẻ tuổi rất thích, trong khi những Phật
tử lớn tuổi thì cảm thấy hơi “khó khăn”, vì những câu tán quen thuộc:
“Lư hương sạ nhiệt/Pháp giới mông huân…” không còn được dùng.
Và quá trình sáng tạo nghi lễ đó vẫn
tiếp tục, khi một số vị thượng toạ trung niên trong nước cũng như ngoài
nước biên soạn liên tục những bài sám mới, kết hợp với những nghi lễ mới
để đưa vào đạo tràng của mình.
Một số tôn giáo có nghi lễ thống nhất từ
đầu não giáo quyền trung ương toàn cầu cũng thay đổi quan điểm, dành
chỗ cho sự sáng tạo tất yếu của thời đại và của địa phương, thay vì bắt
tín đồ phải đọc những câu kinh bằng cổ ngữ thống nhất mà không mấy ai
còn hiểu nghĩa.
Đối với tôn giáo mà nghi lễ đã có tính
thống nhất cao độ, nay còn phải “giải” ra như thế, còn đối với đạo Phật,
một tôn giáo mà nghi lễ đã phân hoá cao độ, thiên về xu hướng “sáng
tạo”, “phát triển”, thì nay tính chuyện “buộc” vào sự “thống nhất”, thì
liệu có thể rơi vào tình trạng “duy ý chí”, không khả thi, không thực
tế?
Chỉ một câu niệm Phật Thích Ca, năm tôi
mới đi chùa, chỉ nghe duy nhất mỗi một câu “Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu
ni Phật”. Sau hai mươi năm, thì đã trở thành nhiều câu: “Nam Mô Phật Bổn
sư Thích Ca Mâu Ni”, “Nam mô Bụt Bổn sư Thích Ca Mâu Ni”, “Nam Mô Bản
sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Có băng giảng, chỉ câu niệm Phật mở đầu, vị
chủ lễ từ nước ngoài về niệm “Bụt”, trong khi Phật tử trong nước quen
với cách cũ nên niệm “Phật”, gây ra tình trạng lộn xộn, thậm chí đến
trong lần niệm thứ hai cũng chưa ổn.
Chỉ một câu niệm Phật, trong thực tế đã
diễn tiến như thế, thì nay nói chuyện thống nhất nghi lễ, thì có thực
tế, có khả khi không? Thống nhất bằng cách biên soạn một nghi lễ mới
tổng hợp, hay lấy một dạng nghi lễ phổ biến nhất làm chuẩn, xoá đi các
nghi lễ dị biệt, để chỉ còn một nghi lễ, gọi là nghi lễ “thống nhất”?
Cái khó không phải ở chỗ biên soạn, mà ở
chỗ triển khai thực hiện nghi lễ mới. Nghi lễ thể hiện sự đặc trưng hệ
phái, tông phái địa phương, đạo tràng, thậm chí phong cách cá nhân của
vị viện chủ, trụ trì. Đó là đặc điểm cố hữu của Phật giáo. Sự khác biệt
đó vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực, nhưng xu thế chung
trong đạo Phật là vậy, khó mà cưỡng lại. Và như đã nói, nó đang trên đà
tiếp tục. Chận đứng sự tiếp tục có những khác biệt mới đó cũng đã là
khó, nữa là nói đến chuyện “thống nhất” nghi lễ!
Ở quận 3, TPHCM chẳng hạn, ở những ngôi
chùa cách nhau vài trăm mét, đã thấy những nghi lễ khác hẳn nhau. Thống
nhất nghi lễ Phật giáo trong phạm vi vài trăm mét đó đã là chuyện khó,
huống nữa là trong phạm vi cả nước.
Có lẽ, không phải chỉ Phật giáo Việt Nam
mới có sự khác biệt nghi lễ. Ở các hệ phái, chùa chiền Phật giáo ở
nhiều nước mà Phật giáo chiếm đa số, cũng có sự khác biệt. Các đài
truyền hình Campuchia như CTN, Apsara, TV5, Bayon TV…thường có các khoá
lễ Phật giáo mở đầu buổi phát hình, nhưng không nghi lễ trên đài nào
giống với đài nào. Chúng ta đều biết trong một bài trước đây, Hoàng gia
và đảng chiếm đa số trong chính phủ ở Campuchia hậu thuẫn 2 hệ phái Phật
giáo khác nhau. Từ đó, tất yếu dẫn đến các đài truyền hình trực thuộc
trình chiếu nghi lễ của các hệ phái Phật giáo tương ứng với sự hậu thuẫn
của cấp chủ quản.
Sự khác biệt về nghi lễ cũng có thể thấy trên các kênh Phật giáo Đài Loan, với mỗi tông phái điều hành một kênh truyền hình.
Dù cùng là Nam Tông, như Phật giáo
Campuchia, hay cùng là Bắc Tông, như Phật giáo Đài Loan, cũng vẫn có sự
khác biệt nghi lễ. Huống chi là ở một quốc gia mà Phật giáo có cả Nam và
Bắc tông như ở nước ta.
Chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu thống nhất
nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một việc rất tốt, nhưng trong thực tế sẽ
không thực hiện được, thậm chí không ngăn được việc phát sinh các dạng
có tính chất nghi lễ mới, đặc biệt là ở phần sám pháp đối với Bắc Tông.
Chúng tôi được biết, trong một số gia
đình Việt Nam hiện nay, nhiều thế hệ sống chung trong một ngôi nhà, có
sự khác biệt tôn giáo đã đành. Nhưng chỉ trong số những người còn theo
Phật giáo, trước một bàn thờ Phật chung, đã có hiện tượng nhiều nghi lễ
khác nhau được tiến hành. Cháu ngoại theo Phật giáo Nam tông thì niệm
“Nammô Tasa Bhagavatô Arahatô…”, cháu nội tu niệm Phật, thì cúng Phật
theo nghi thức Tịnh độ, con dâu tu theo pháp môn Làng Mai thì tập tụng
các bài hạnh nguyện bằng tiếng Anh… Ông bà dù quyền hành và mong muốn
đến đâu cũng không thể thống nhất nghi lễ Phật giáo cho chỉ riêng đám
con cháu may mắn còn giữ đạo Phật đó. Trong một nhà đã vậy, thì nói chi
đến một nước, với mấy chục triệu tín đồ.
Bàn chuyện nghi lễ hiện nay, theo ý kiến
chủ quan của chúng tôi, là nên hướng đến sự tinh giản, chấp nhận sự đa
dạng nghi lễ hệ phái, tông phái, địa phương, định hướng cho sự sáng tạo
và hiện đại hoá, trên tinh thần thích nghi với thời đại. Nghi lễ như
những bông hoa dâng cúng lên đức Phật. Nếu cùng thể hiện sự kính ngưỡng,
hãy để “trăm hoa đua nở”.
Đức Phật nói kinh pháp, định giới luật,
Ngài không đề ra nghi lễ nào cụ thể để tế lễ lại chính ngài. Nhưng những
nguyên tắc chung của nghi lễ đã có trong kinh điển. Hai ngàn năm trước,
sau khi đức Phật Niết Bàn, các đệ tử của Ngài đã sáng tạo nghi lễ và
đến nay vẫn còn tiếp tục sáng tạo. Tăng ni Phật tử toàn thế giới đều lạy
Phật, nhưng chư tăng, Phật tử Tây Tạng lạy Phật khác với chư tăng, Phật
tử Campuchia, càng không giống với chư tăng và Phật tử Việt Nam… Tinh
thần lạy Phật đã có trong kinh điển, nhưng có cần đặt vấn đề thống nhất
nghi lễ lạy Phật thống nhất toàn thế giới không, hay cứ để mỗi nơi, mỗi
thời đại lạy Phật theo kiểu mà mỗi nơi, mỗi lúc người con Phật thấy là
thích hợp. Và thực tế, dù là vị tôn đức có uy tín toàn cầu như Đức Đạt
lai Lạt ma hiện nay đi nữa, cũng không thể đứng ra thống nhất chỉ mỗi
nghi lễ lạy Phật được.
Nghi lễ của đạo Phật là nghi
lễ mở. Lịch sử Phật giáo toàn thế giới và lịch sử Phật giáo Việt Nam đã
chứng tỏ điều đó. Trong khi thống nhất nghi lễ là định ra một cái khuôn
và đóng nó lại.
Thiết tưởng, cũng không thể đặt vấn đề
“thống nhất nghi lễ long trọng”, vì thế nào là long trọng và thế nào là
chưa đến mức long trọng. Việc định ra tiêu chí cho mức độ “long trọng”
sẽ lại tạo ra vô số những khác biệt mới và ngày càng xa sự thống nhất.
Bàn luận về thống nhất nghi lễ, theo
chúng tôi, trước hết phải thực hiện bước tinh giản nghi lễ. Vì có tinh
giản thì mới dễ dàng thống nhất. Cơ sở của sự thống nhất là một nghi lễ
tinh giản đến mức Phật tử thuộc hệ phái, tông phái nào đều có thể thực
hiện chung được. Từ đó, mới có thể đi đến giai đoạn bàn luận việc thống
nhất nghi lễ. Nghi lễ phức tạp, chỉ một thiểu số tăng ni Phật tử có thể
thực hiện, thì tất nhiên không thể có sự thống nhất. Thống nhất trong
thiểu số thì mặc nhiên không có giá trị.
Cách làm trước đây của Giáo hội Phật
giáo tại miền Nam từ năm 1964 hướng tới sự thống nhất nghi lễ là một
kinh nghiệm, có thể là một bài học vẫn còn giá trị tham khảo. Đó là
thống nhất nghi lễ theo nguyên tắc cử hành tuần tự nghi lễ của các hệ
phái trước Phật đài. Chính trong việc thực hiện tất cả các nghi lễ khác
biệt trong những cuộc lễ chung, không bỏ qua, không loại trừ nghi lễ hệ
phái, tông phái nào đã là thể hiện sự thống nhất trong nghi lễ.
Trong lễ Vesak 2008 tổ chức tại Hà Nội,
chúng ta đã thấy một sự thể hiện nghi lễ thống nhất như vậy, khi những
vị tôn đức trong trang phục khác nhau của các hệ phái tiếp nối cử hành
những nghi lễ khác nhau, đa dạng, nhiều hình thức trước thánh tượng Đức
Bổn sư. Nghi lễ khi đó hết sức tinh giản, và mặc nhiên, trở thành nghi
lễ thống nhất cho các phái đoàn Phật giáo thế giới.
MT.