11/11/2010 15:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 77345
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nét đặc thù của âm nhạc Phật giáo đông phương là không đưa ra một điệu nhạc nào để bắt buộc, mà tùy theo trường hợp địa phương, ngôn ngữ mà tùy duyên, có nghĩa là kệ văn thì không khác mà điệu tiết thì chuyển biến. Vì thế các nhà nghiên cứu âm nhạc Phật giáo đông phương cho rằng: Âm nhạc trong Phật giáo đông phương có nhiều chất thơ.

I. Dẫn khởi nguồn gốc Nghi Lễ

Lễ nhạc là điều rất quan trọng trong đời sống con người. Vì lẽ, đời thiếu lễ, thì đời sẽ hỗn loạn, đời thiếu nhạc, thì đời sẽ khô khan. Bởi vậy, các đạo giáo có ra lễ nhạc cũng không ngoài mục đích này. Vì thế, các tôn giáo cần phải phát huy và duy trì lễ nhạc để gìn giữ nếp sống cao đẹp cho đời. Ðạo Phật, ngoài kho tàng triết lý cao siêu ra, còn có những phương tiện hóa đạo như: âm nhạc, nghi lễ.... mục đích là để ca ngợi công đức của Chư Phật, Bồ Tát và tuyên dương những chơn lý vô thường, giải thoát... dùng nét nhạc để thức tỉnh lòng người.

Khi Ðức Phật còn tại thế, sau mỗi lần thuyết pháp, có chư thiên rãi hoa, trỗi nhạc cúng dường để tỏ lòng quy kính Ðức Thế Tôn và cũng là để tán dương chơn lý cao siêu mầu nhiệm. Lúc sắp viên tịch Ðức Phật phó chúc cho các vị quốc vương hộ trì chánh pháp. Vì thế, sau khi Phật nhập diệt, các vua chúa thường đem âm nhạc ở cung đình để diễn tấu cúng dường pháp hội.

Phật giáo truyền sang Trung Hoa vào thời Ðông Hán niên hiệu Vĩnh Bình, năm thứ 10, vào khoảng tây lịch năm thứ 67. Âm nhạc Phật giáo Trung Quốc bắt nguồn từ Ấn Ðộ. Và thời Tam Quốc theo chân bánh xe hoằng pháp của các vị cao tăng như: Trúc Pháp Lan, Khương Tăng Hội, Chi Khiêm, Cưu Ma La Thập.... Ngoài việc phiên dịch kinh điển, giảng pháp ra các Ngài cũng đồng thời đưa những điệu thức ca vịnh, tán tụng Phật đà (theo phong cách Ấn Ðộ) vào những nghi thức tôn giáo ở Trung Quốc. Lúc bấy giờ ở Trung Hoa đã có Ðạo Khổng và Ðạo Lão, vì muốn hoằng pháp phổ cập đến mọi tầng lớp nhân dân, nên các Tổ Sư đã dùng mọi phương tiện như văn từ, âm nhạc, giọng điệu của hai đạo trên, rồi châm chước những giọng điệu sẵn có của mình, rút lấy những kệ tụng trong tam tạng và giáo lý mà phổ vào, còn âm nhạc thì dùng thanh nhạc cổ điển ở phương đông, giọng điệu thì theo những điệu thức của Chư thiên mà tán tụng(1) với mục đích là làm phương tiện cho việc truyền bá chánh pháp đến mọi người.

Về bộ môn này thì từ xưa tới nay sự giáo dục chưa được thống nhất, những giọng điệu tùy theo sở kiến của vị, thầy tự chỉ vẽ cho đệ tử mình; rồi tùy theo địa phương, tùy theo ngôn ngữ, tùy theo tình huống mà giọng điệu được chuyển biến đa dạng.

Âm nhạc Phật giáo Việt Nam khởi nguyên cũng từ âm nhạc Phật giáo Trung Hoa truyền sang(2). Nhưng các Tổ Sư Việt Nam sớm đã biết hội nhập vào văn hóa của dân tộc, đón nhận cái hay, cái đẹp của người để rồi chuyển hóa thành nét đặc trưng của âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa, từ triều đại Lý - Trần, đất nước chúng ta mở mang bờ cõi về phương nam, lại được tiếp nhận thêm âm nhạc Chămpa và Chân Lạp. Sự hội tụ này đã giúp cho âm nhạc Phật giáo Việt Nam có đến 3 nét nhạc đặc trưng của 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Có thể nói: Âm nhạc của miền Bắc thì mang dáng thanh bình, an lạc của thời lập quốc. Âm nhạc miền Trung thì mang nét thâm trầm của núi Ngự, sông Hương: âm nhạc miền Nam thì mang nét trù phú của sông nước đồng bằng. Từ đây ta có thể khẳng định : là một Tôn giáo không thể không có lễ nhạc, vì đó chính là sức sống của tâm linh được thể hiện ra giọng điệu, cung cách bên ngoài.

II. Ðịnh nghĩa:

Nghi lễ là gì?

Nghi: Phép tắc, khuôn mẫu để mọi người theo; hình thức bên ngoài để bài tỏ cái lễ bên trong.

Thí dụ:

Người có giới đức ở trong.

Phong cách, dáng vóc nghiêm nghị bên ngoài.

(phần hình thức).

Sa Di sớ chép:

Có uy đáng sợ, có nghi đáng kính; trong chứa cái đức uy hùng như Sư tử, ngoài bày cái dáng chững chạc như tượng vương.

Lễ: Cách bày tỏ sự kính trọng;

Cách cư xử đẹp đẽ;

Ðem vật biếu người để bày tỏ sự kính trọng;

Khuôn mẫu đã định

(phần nội dung)

III. Luận Thuyết

Học Nghi Lễ là học cách thức làm lễ, học những giọng điệu, câu văn để ứng dụng khi hành lễ sao cho hợp với thời gian, không gian.

Căn cứ danh nghĩa trên đây, cho nên khi ta nói đến nghi lễ là nói đến nhiều khía cạnh trong một tổ chức Tôn giáo, chứ không chỉ có riêng việc tán tụng mà thôi. Nay xin nêu ra những phần tương quan trong nghi lễ Phật giáo như: Lễ nhạc, Lễ tụng, Lễ khí, Lễ nghi, Lễ bái, Lễ phục, Lễ đường vv...

1. Thế nào là Lễ Nhạc

Khổng Tử nói: Nhạc giả, thiên địa chi hòa giả.

Nhạc là sự hòa hợp của trời đất, âm dương vậy. Âm thanh êm ái, du dương và cử chỉ thanh cao tốt đẹp là 2 phương tiện giúp vào việc giáo hóa con người trở về với đạo đức.

Âm nhạc của Phật giáo thuộc về âm nhạc Bắc tông (thiền tịnh mật song tu). Âm nhạc Phật giáo đông phương thuộc về thanh nhạc (chú trọng ở âm thanh lời tán, còn nhạc khí chỉ là phần phụ họa) (3).

Nét đặc thù của âm nhạc Phật giáo đông phương là không đưa ra một điệu nhạc nào để bắt buộc, mà tùy theo trường hợp địa phương, ngôn ngữ mà tùy duyên, có nghĩa là kệ văn thì không khác mà điệu tiết thì chuyển biến. Vì thế các nhà nghiên cứu âm nhạc Phật giáo đông phương cho rằng: Âm nhạc trong Phật giáo đông phương có nhiều chất thơ. Cũng cần nói thêm là: Thể nhạc và văn chương trong nhà Phật là thể nhạc phổ thơ, nhưng tài tình nhất là một thể thơ mà phổ rất nhiều nhạc. Vì trong một thể thơ mà khi thì tả về đạo lý cao siêu, khi thì tả về sự khổ lụy của kiếp người, khi thì tả về sự ân cần sám hối, khi thì tả về sự nhiếp thọ độ sanh của Chư Phật. Chỉ trong bốn câu kệ thôi mà thể nhạc phổ ra có thể dài hơn (1 thành 10), là những giọng tiếng ngân nga trầm bổng, nếu ghi nhạc ta sẽ thấy rất nhiều nốt (note) nối nhau bằng dấu liên âm mà lời nhạc chỉ có vài chữ. Sở dĩ có những thể nhạc kỳ lạ như vậy, là vì phần nhiều nhạc Á Ðông là nhạc của những dân tộc tiến hóa về tâm linh - tình cảm, nên phải dùng những thể nhạc này mới có thể diễn tả hết được. Vả lại, muốn nói lên cái gì huyền bí cao siêu bằng tinh thần, cũng phải dùng nét nhạc dài và ít lời mới có thể diễn tả hết được.

Về âm điệu thể nhạc của nhà Phật có chừng ba, bốn chục điệu, còn thể thơ thì ít hơn, đại để như.

Loại ngũ ngôn: Thập phương tam thế Phật vv...

Loại tứ ngôn: Nhứt tâm quy mạng vv...

Loại thất ngôn: Trí huệ Hoằng thâm đại biện tài vv...

Loại tứ tuyệt: Ngã kim phụng hiến cam lồ vị vv...

Loại cổ phong: Dương chi, tán lễ vv...

Sơ hiến mộng Huỳnh Lương..vv...

Thất ngôn trường thi: A Di Ðà Phật thân kim sắc vv...

Quy mạng thập phương điều ngự sư vv...

2. Thế nào là Lễ Tụng

Tụng là giọng đọc to có trầm phù, nhịp nhàng theo 1 tiết tấu (3).

Giọng điệu đọc kinh trong lúc hành lễ, có chia ra hai giọng căn bản:

a. Giọng lạc (vui) còn gọi là giọng thiền.

b. Giọng ai (buồn).

- Giọng lạc được đọc tụng trong thời công phu sáng, hay những lúc tuyên pháp ngữ, cầu an vv...

- Giọng ai được đọc trong thời công phu chiều, khóa lễ tịnh độ tối, hay lúc siêu độ vong linh vv...

3. Thế nào là Lễ Khí

Lễ Khí còn gọi là nhạc khí, pháp khí là những nhạc khí được đánh lên trong lúc hành lễ. Nhạc khí gồm có: Chuông gia trì, Mõ Gia Trì (mộc ngư), Kích Tử (Khánh), Linh, Ðẩu (Tang, Tiêu Cảnh), Hồng Chung , Ðại Cổ, Tiểu Cổ (Kinh Cổ), Thủ Lư, Phủ Xích (Chấn Xích), Kiền Chùy, Báo Chung, Mộc Bảng, Bê, Tích Trượng, Như Ý, phất trầnvv....

4. Thế nào là Lễ Nghi

Lễ Nghi là cách thức bày tỏ, sắp đặt bên ngoài để nói lên lòng kính trọng bên trong.

Lễ Nghi trong Phật giáo còn có nghĩa là nói về tác phong, uy nghi của vị tăng khi hành lễ trước đại chúng, phải có đủ thân giáo (4) để cảm hóa quần chúng.

5. Thế nào là Lễ Bái

Lễ Bái là cách lạy trong khi lúc làm lễ. Về cách lạy trong nhà Phật là cách lạy của người Ấn Ðộ. Nguyên khi Phật còn tại thế, các đệ tử mỗi khi gặp ngài đều quỳ xuống đặt đảnh đầu mình lên bàn chân Phật, để bày tỏ sự chí kính của mình. Cho nên khi lạy phải ngũ thể (đầu, 2 tay, 2 chân) sát đất, hai bàn tay trải ra như đang nâng chân Ðức Phật. Lễ Phật thường là lạy 3 lạy tiêu biểu cho Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Nhất là khóa lễ cùng đại chúng, mọi người phải lạy nhịp nhàng theo tiếng khánh dẫn hiệu, tùy theo nghi tiết mà lạy, chứ không được tùy tiện lạy theo ý riêng.

6. Thế nào là Lễ Phục

Lễ Phục là y phục dành riêng trong lúc hành lễ (hội hè cúng tế). Về pháp phục của tăng sĩ thì có 3 y là: 5 điều, 7 điều, 9 điều vv... Ðức Phật đã dạy rõ trường hợp nào được mặc 3 y như trong luật đã dạy.

Riêng Phật giáo Bắc tông thì ngoài 3 y ra còn có những y phục phụ nữa như: Áo vạt khách, áo nhựt bình (5), áo tràng đi đường, áo tràng hành lễ vv... Ngoài pháp phục lại còn có những mạo phục ( mũ ) khác nữa như:

Mũ Quan Âm

Mũ Tỳ Lô

Mũ Hiệp Chưởng (6)

7. Thế nào là Lễ Ðường

Lễ Ðường là những nơi cúng tế, hành lễ. Trong Phật giáo, Lễ Ðường là nơi thờ Phật Bồ Tát... Vì thế lễ đường phải thờ tự thế nào cho trang nghiêm hợp lễ, từ cách bày tượng thờ, đồ tự khí, màu sắc, ánh sáng... phải được bố cục đúng chủ đề, mang nét thiền vị, tránh những màu sắc cải lương, diêm dúa làm nhức mắt người xem.

IV. Ảnh hưởng của Nghi Lễ trong hai thời khóa tụng

Nếu có dịp tham quan những ngôi chùa cổ, ta sẽ thấy trước nhà thiêu hương, phần nhiều đều có treo câu đối:" Mộ cổ thần chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kim kinh ngọc kệ, hoán hồi khổ hải mộng mê nhơn: Trống sớm chuông chiều, thức tỉnh khách trần danh lợi. Kinh vàng kệ ngọc, bảo ban kẻ tục mộng mê ". Phải chăng câu đối này đã nói lên công năng của những thời kinh để cảnh tỉnh khách trần đang còn lặn hụp trong sông mê bể ái, mau quay về chánh đạo đường chơn. Vì thế, nếu ta mang nặng tâm hồn trần tục, ta sẽ không cảm nhận được những lời kinh ấy. Lời kinh tiếng kệ được diễn tấu thành những nét nhạc du dương, lung linh như khói trầm, an tĩnh như định lực, cao vút như núi tuyết và uyển chuyển như tràng phan. Không chỉ giá trị ở văn thơ, triết lý, nét nhạc diễn tả ý thơ, mà đạo lực của người tu mới chính là phần quan trọng đáng kể hơn. Nội tâm của hành giả thì chánh niệm tỉnh giác, ngoại cảnh không gian thì u nhã thanh tịnh. Thế nên nghi lễ âm nhạc của hai thời khóa tụng mang tính chất siêu phàm thoát tục, không vướng lụy trần ai. Nếu chúng ta biết đem tâm thanh tịnh để lắng nghe thì sẽ cảm nhận được những chân lý của kiếp người...

Trong lễ nhạc Phật giáo, nếu nghiên cứu ta sẽ thấy được một nếp sống tâm linh cao đẹp, một nền văn minh siêu việt, một khuynh hướng giải thoát. Với bao nhiêu là màu sắc thiền vị, là âm điệu du dương, là hình bóng thanh nhàn, là nghĩa lý uyên thâm. Nhạc Phật giáo có công năng cảnh tỉnh người đời trở về với đời sống thánh thiện, giúp hành giả nhìn vào thực tại để thấy được mặt thật của chính mình, để không còn bị đảo điên trước huyễn cảnh.

V. Việt hóa Nghi Lễ thích ứng với thời đại

Lễ nhạc Phật giáo ngày xưa đã đạt đến một trình độ khá cao, điều đó có thể thấy được qua sự khảo cứu lễ nhạc cổ điển. Người thực hiện lễ nhạc cần phải có một đời sống tâm linh vững chải, thảnh thơi, bằng ánh sáng chánh niệm quán chiếu. Lúc đó thân, khẩu, ý tương ứng trong chơn lý của pháp ngữ, sự chuyên nhất này sẽ tạo thành một đạo lực thanh tịnh lan tỏa ra không gian pháp giới, nó có công năng chuyển hóa nghiệp lực của chúng sanh. Nhưng lễ nhạc của Phật giáo bây giờ về hình thức lẫn nội dung quả thật đã thua kém ngày trước rất xa, nó không còn biểu lộ được nếp sống tâm linh siêu việt như lễ nhạc cổ điển thưở trước. Vì lẽ, tâm thức của tăng sĩ ngày nay bị thế tục hóa, ngoại cảnh tác động quá nhiều, định lực thì quá non mỏng. Hơn nữa, trình độ Hán văn của tăng, ni ngày nay rất kém, Hán văn không còn được chú trọng nữa, nên đọc thì có mà hiểu thì mù mờ. Như vậy thì làm sao có thể thâm nhập chơn lý ngay lúc ta xướng tụng ! . Chính vì thế mà chủ trương của Giáo hội đề ra là cần phải việt hóa Nghi Lễ để khế hợp căn cơ người nghe và để dễ dàng cho người thực hành Nghi Lễ. Muốn thực hiện được ước vọng này, thiết tưởng Giáo hội cần phải đào tạo một số tu sĩ có vững chải về kiến thức và khả năng về bộ môn nghi lễ, để có thể đưa lễ nhạc của đạo Phật tiến đến những hình thức phù hợp với tâm lý và ngưỡng vọng của con người thời đại. Thế nên lễ nhạc cần phải được thiết lập một cách nghiêm chỉnh, căn cứ trên truyền thống cũ, những thang âm, điệu thức của thiền gia phải được duy trì và sáng tạo, còn nhạc cụ có thể phương tiện dùng bằng chất liệu bây giờ và kỹ thuật mới. Phải có sự trao đổi giữa ba miền, tạo điều kiện gặp gỡ giữa các nhà có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về kiến trúc - đạo học. Giáo hội cần phải thành lập một trường chuyên đề về âm nhạc Phật giáo, để huấn luyện, gạn lọc những bài hát lai Tây, lai nhà thờ, có nên chăng cử xướng trong điện Phật ! ? Phải thống nhất nghi lễ Phật giáo ba miền, để tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đều thấy rằng đây chính là âm nhạc truyền thống của thiền gia, giống như một bài quốc ca của một dân tộc. Nó chính là văn hóa - âm nhạc truyền thống Phật giáo Việt Nam, và chỉ có đất nước Việt Nam mới có được những nét nhạc, âm điệu đặc trưng như thế. Phải cấp thiết thành lập một ban nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật. phải thu lượm những bài thơ, bài văn đã phổ Phật nhạc để tìm hiểu, phân tích, truyền bá, bảo tồn và phát huy. Phật tử Việt Nam sẽ tìm nguồn cảm hứng ở đây để sáng tác và phải cố gắng tu tập cho tâm hồn an tỉnh, thanh thoát để sáng tác.

VI. Kết luận

Qua sự trình bày trên, chúng ta thấy rằng: Âm nhạc Phật giáo là phản ảnh đời sống an lạc của tâm hồn bình dị; thanh khiết của đạo mầu giải thoát. Nội tâm thì bình tỉnh, ngoại cảnh thì trang nghiêm, nền âm nhạc Phật giáo đã hội đủ tinh thần thoát tục, không hệ lụy ưu phiền. " Ðã đến lúc Tăng Ni Phật giáo Việt Nam chúng ta phải bảo tồn những di sản cao quý của cha ông, đừng hời hợt coi thường giống như bác nhà quê đem 1 cái thống đời Khang Hy đựng lúa cho vịt ăn, trong khi đó trên thế giới các nhà bảo tồn nghiên cứu trân trọng tìm những cổ vật quý báu đó để đưa vào viện bảo tàng" (7).

Cuối cùng xin dẫn câu nói của Tổ Sư trong luật Sa Di Sớ chép rằng: " Giá biên na biên, ứng dụng bất khuyết. Bên sự bên lý tất cả đều là phương tiện để đưa người vào đạo, người học Phật phải tùy duyên mà ứng dụng, đừng có cái nhìn cục bộ, tự tôn, cố chấp để làm mất đi những giá trị cao quý của tiền nhân đã dày công xây dựng ".

Tỳ kheo Thích Lệ Trang

Theo minhthanhtu.com

Phần chú thích:

1. Tương truyền người cải biên âm nhạc Phật giáo Trung Quốc sớm nhất là Tào Thực tự Tử Kiến hiệu Ðông An Vương, trước tu theo đạo tiên, ông thường tu luyện trên đỉnh Ngư sơn. Trong lúc sắp đắc đạo ông nghe được tiếng ca hát của Tiên nữ tán thán đạo hạnh tu hành của ông. vì nét nhạc du dương, thiền vị, thanh thoát siêu trần, làm ông say mê thâm nhập. Sau này, được tham vấn với các bậc cao tăng của Phật giáo và được nghiên cứu Giáo lý của Ðức Phật, ông nhận thấy đạo Phật mới đích thực là chơn lý giải thoát khổ đau, nên ông phát tâm quy hướng học Phật. Ðược các Tổ Sư khuyến hóa, ông liền phổ những điệu thức của Chư thiên mà chính ông được nghe, rồi thêm vào những giọng điệu sẵn có mà chế ra giọng điệu tán tụng cho Phật giáo gồm có: Thái tử tụng, Thiểm tụng... Ông dựa theo kinh Thụy Ứng Bản Khởi mà sáng tác. Người đời sau gọi đó là khúc Ngư Sơn Phạm Bái. Ông còn sáng tác một loại nhạc như: Thanh Khúc Chiết, để ghi lại các ca khúc của Phật giáo Trung Hoa. Ông chọn lời , chế nhạc truyền lại làm nghi thức cho đời sau. Nhờ đó mà âm nhạc Phật giáo đông phương rất du dương, thanh thoát, nó có nhiều nét đặc thù, nhạc điệu ở thế gian không thể sánh kịp (Pháp Uyển Châu Lâm).

2. Theo tài liệu hiện có:

Pháp Sự Ðạo Tràng Công Văn Cách Thức - xuất bản năm 1299.

Ðến năm 1302 có Hứa Tông Ðạo từ Trung Hoa sang Việt Nam truyền bá khoa Chẩn Tế Du Già Diệm Khẩu (Phật giáo sử luận - Nguyễn Lang).

3. Tiếng phạn là Bái : chúc tụng.

Bái Tán : đọc canh, tán tụng.

4. Thân giáo: dùng hành động, thân tướng để giáo hóa quần chúng.

5. Áo nhật bình: do Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tổ khai sơn chùa Tây Thiên (Huế) sáng tạo.

6. Mũ Hiệp Chưỡng: chỉ riêng Phật giáo Việt Nam mới có, mũ này do các vua triều Nguyễn chế ra để ban tặng cho các vị Tăng Can đội khi vào triều. Sau được dùng phổ cập trong những pháp hội trai đàn.

7. Trích lời " nói chuyện về âm nhạc Phật giáo " của Giáo sư Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê.


Âm lịch

Ảnh đẹp