Lời mở đầu
Thờ
Cúng Và Lễ Bái là một trong những Gia Bảo tinh thần đáng quý của Tổ
Tiên để lại cho con cháu kế thừa. Gia Bảo này đã được hấp thụ tinh hoa
lâu đời do các Tôn Giáo bồi đắp và xây dựng. Gia đình Việt Nam có Truyền
Thống, đều coi trọng và thiết lập Hương án trong nhà để chuyên trách về
việc Thờ Cúng Và Lễ Bái.
Người
Thờ Cúng Và Lễ Bái thì nhiều nhưng người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị vấn
đề thì lại quá hiếm. Nhất là những người Việt Nam tỵ nạn ra nước ngoài
ít ai thông hiểu về ý nghĩa và giá trị của sự Thờ Cúng Và Lễ Bái. Họ
cũng thiết lập bàn thờ và tổ chức nghi lễ trong nhà có tính cách giả
chiến, hời hợt tạm bợ cho có lệ theo tập tục cổ truyền, nhưng việc làm
của họ thiếu sự tôn kính thiêng liêng. Thành thử vấn đề Thờ Cúng Và Lễ
Bái không tạo được niềm tin vững chắc cho thế hệ con cháu trẻ tuổi tân
học.
Ngoài
ra, lại có một số người lợi dụng niềm tin và sự hiểu biết nông cạn của
đa số quần chúng trong việc Thờ Cúng Và Lễ Bái, nên họ đã manh nha khai
thác tận cùng vấn đề mê tín dị đoan nhằm mục đích buôn bán làm ăn. Họ
bày vẽ thêm nhiều nghi cách mơ hồ vô nghĩa, khiến cho việc Thờ Cúng Và
Lễ Bái trở nên phức tạp để độc quyền tín ngưỡng. Họ vô tình làm giảm giá
trị Truyền Thống Văn Hóa lâu đời của Dân Tộc về ý nghĩa Thờ Cúng Và Lễ
Bái. Đã vậy lại thêm một số người Trí Thức có thành kiến, họ bôi bác và
kết án, cho việc Thờ Cúng Và Lễ Bái là một hình thức hoang đường.
Những lý do trên thúc đẩy chúng tôi cho ra quyển sách: “Vấn Đề Thờ Cúng Và Lễ Bái”. Tác phẩm này không có cao vọng lột trần được toàn diện chiều sâu ý nghĩa và giá trị của vấn đề. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày một vài quan điểm có tính cách biện minh lý giải ý nghĩa và giá trị của sự “Thờ Cúng Và Lễ Bái” qua lăng kính Phật Giáo.
Hơn nữa, sự ra đời của quyển sách “Vấn Đề Thờ Cúng Và Lễ Bái” nhằm đóng góp một phần nào trong phong trào phục hưng nền Văn Hóa Dân Tộc và tạo cơ hội phục vụ cho Cộng Đồng Việt Nam ở hải ngoại về
mặt Tín Ngưỡng. Nền Văn Hóa Dân Tộc cần phải được phát huy rộng lớn và
làm sáng tỏ quan điểm Truyền Thống lâu đời qua nhiều khía cạnh trong mọi
lãnh vực, để làm khuôn vàng thước ngọc cho người Việt ly hương nương
tựa sống còn. Quyển sách nhỏ này được gói ghém bằng một tâm nguyện khiêm tốn hầu đóng góp
vào kho tàng Văn Hóa Phật Giáo và Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam, xem như một
công tác hiếm hoi, hướng trở về Nguồn, phụng sự Chánh Pháp. Tác phẩm “Vấn Đề Thờ Cúng Và Lễ Bái” nhất định còn thiếu sót nhiều về mặt hình thức cũng như nội dung. Chúng tôi kính mong các bậc cao minh chỉ bảo góp ý thêm để cho tác phẩm có giá trị và đầy đủ hơn khi tái bản.
Cẩn bút
THẮNG HOAN