Chuông Trống Bát-nhã là
danh từ chung để chỉ cho đại hồng chung (chuông rất lớn) và trống lớn,
thường được đặt hai bên trái phải của chánh điện, theo cách “tả chung
hữu cổ” nghĩa là bên trái đặt chuông, bên phải đặt trống. Nhiều chùa còn
xây tháp an trí chuông và trống, nên nơi đặt chuông trống là “lầu
chuông trống”.
I. Nguồn gốc và ý nghĩa của tiếng Chuông
Nhiều nguồn tài liệu khác nhau đều cho rằng quá trình đưa chuông vào tự
viện và được sử dụng rộng rãi trong các chùa chiền Trung Quốc vào thời
kỳ nào không được xác định. Tuy nhiên, như sử liệu ghi lại chuông đã
được sử dụng vào thời nhà Chu (557 trước TL- 89 TL). Phật giáo Trung Hoa
đã đưa Chuông và Trống vào các tự viện năm nào và do ai đề xướng, hiện
nay chúng tôi chưa tìm ra tài liệu. Tài liệu về lịch sử của chuông và
trống Bát-nhã quả thật là quý hiếm. Tuy nhiên, chúng tôi dựa vào một số
tài liệu sau để tạm truy nguyên nguồn gốc của chúng.
Cuốn Quảng Hoằng Minh Tập (số 2103) trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng
Kinh ghi rằng vào thời Lục Triều (420 - 479) đã có nhiều lầu chuông. Năm
Thiên Hoà thứ 5 (566) đời Bắc Châu, bài Nhị Giáo Chung Minh được khắc
trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai cái trong 3 cái này
được đúc vào năm 570 và 665 TL.
Tục Cao Tăng
Truyện có ghi năm thứ 5 đời Tuỳ Đại Nghiệp (609), ngài Trí Hưng nhận lo
việc chuông tại chùa Thiền Định ở kinh đô Trường An. Trong khoảng thời
gian này và trở về sau, Bắc Châu không ngừng đúc hồng chung để an trí
trong các tự viện.
Lại nữa, theo truyền thuyết
cho rằng hồng chung là do Hoà Thượng Chí Công khởi xướng và vua Lương Võ
Đế (thế kỷ thứ VI) thực hiện để cầu nguyện cho các thần thức bị đọa
trong chốn địa ngục mà người Hoa gọi là chốn U Minh.
Có hai loại chuông thường được sử dụng trong các chùa chiền, tự viện như sau:
Phạn Chung (chuông Phạn): Cũng gọi là “đại chung”, “hồng chung”, “hoa
chung” hoặc “cự chung”. Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt.
Thông thường chuông cao khoảng 1,5m, đường kính khoảng 6 tấc. Loại này
treo trong lầu chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng
hoặc báo thời sớm tối. Người Việt mình thường dùng từ “đại hồng chung”
chỉ cho loại chuông thật to, gần như không còn có quy định cụ thể là
rộng hẹp bao nhiêu nữa. Chuông này còn gọi là chuông U Minh.
Bán chung (chuông bán): Vì chiều kích chỉ lớn bằng 1/2 chuông phạn, nên
gọi là bán chung, còn được gọi là “hoán chung” hoặc “tiểu chung.”
Chuông này thường được đúc bằng đồng, cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường để
tại 1 góc trong chánh điện và được sử dụng trong các buổi pháp hội, nên
còn có tên khác là “ hành lễ chung.” Người Việt Nam cũng như các nước
khác ngày nay cũng linh động chế tạo nhiều loại chuông dạng “bán chung”
này, nhưng cũng không có kích thước cố định.
Về
thỉnh chuông, xưa ở Trung Quốc tuỳ mỗi Tông phái, từng địa phương mà quy
định có khác nhau, nhưng tổng quát là khi bắt đầu thỉnh 3 tiếng và khi
kết thúc đánh nhanh 2 tiếng hoặc 3 hồi chín tiếng cho các loại chuông
nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường là 18, cũng có khi thỉnh 36
tiếng, 108 tiếng. Thỉnh 108 tiếng biểu thị hành giả nỗ lực làm vơi cạn
đi 108 loại phiền não nơi nội tâm. Mười tám tiếng là biểu thị sự thanh
lọc 6 căn, 6 trần và 6 thức.
Ngoài ra, trong
thời cực thịnh của Thiền Tông, chuông an trí tại thiền đường, trai đường
gọi là “chuông tăng đường”, “chuông trai”; chuông để tại chánh điện gọi
là “chuông điện”… Những vị lo việc chuông này gọi là “chung đầu.”
Theo niềm tin cho rằng tiếng vang của chuông có thể thấu đến cõi địa
ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này
liền được giải thoát. Lại nữa, tiếng chuông thanh thoát của chùa có thể
giúp cho loài quỷ đói được nhẹ bớt lòng tham lam, sân hận mà giải thoát
khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở các ngôi chùa Việt Nam hiện nay cũng như các chùa
Trung Quốc thời xưa hoặc các chùa thuộc các nước theo Phật giáo Đại Thừa
như Nhật Bản, Triều Tiên. ...thường có quả chuông lớn để thỉnh vào hai
buổi sáng tối trong ngày khi cầu nguyện. Giờ thỉnh chuông buổi sáng lúc 4
giờ hoặc trước thời công phu buổi sang, tuỳ theo quy định của mỗi chùa.
Người thỉnh chuông vừa đánh chuông vừa đọc bài kệ:
Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.
Nghĩa là:
Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, thiết vi u ám cùng nghe được,
căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông, hết thảy chúng sanh thành chánh
giác. (Bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang, LUẬT SA-DI, SA-DI-NI, Phật Học
Viện Quốc Tế xuất bản, 1989).
Dịch thơ:
1
Nguyện tiếng chuông vang rền pháp giới
Chúng sanh ngục Sắt thảy đều nghe
Tiếng đời sạch, chứng được viên thông
Tất cả muôn loài đều giác ngộ.
(Thích Nhật Từ dịch)
2
Tiếng chuông nguyện vang rền các cõi
Núi Thiết Vi tăm tối nghe hay
Âm thanh đời lắng sạch thay
Chúng sanh giác ngộ, tỏ bày an nhiên.
(Thích Nhật Từ dịch)
II. Nguồn Gốc của Mõ và ý nghĩa
Theo sách Tam Tài Đồ Hội của Vương Tích đời Minh có đoạn: “Mõ là loại
mà dùng cây khắc thành hình con cá, rỗng bên trong, gõ nó sẽ phát ra
tiếng, các hàng Phật tử khi tán tụng đều dùng đến nó.”
Mõ có 2 loại:
Loại hình con cá dài thẳng treo ở nhà kho, nhà ăn…khi đến thời dùng cơm
cháo thì gõ nó để báo hiệu. Loại mõ này chỉ dùng trong các chùa cổ
Trung Quốc; các chùa chiền, tự viện ở Việt Nam không dùng.
Loại hình con cá có vảy cuộn tròn, khi tụng Kinh thì gõ. Loại này cả
Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên đều dùng. Loại mõ này được
nói là xuất hiện thuộc triều đại nhà Minh, Trung Hoa.
Theo sách Tham Thiền Ngũ Đài Sơn Ký (quyển 3), Tống Thần Tông, Hy Ninh
năm thứ 5 ngày mồng 8 tháng 8 ghi: Trong chùa Thanh Thái có thờ tượng
ngài Phó Đại Sĩ. Mỗi khi Ngài muốn gặp các vị tu hạnh đầu-đà nơi cao
sơn, chỉ gõ mõ, chư vị sau khi nghe tiếng mõ ấy liền đến. Sau đó, các tự
viện lớn nhỏ dưới chân núi đều dùng mõ để tập họp đại chúng. Lại có
người cho rằng mõ là do Sa-môn Chí Lâm đời Đường tạo ra, nhưng điều này
cũng không lấy gì làm chắc, vì không có sử liệu rõ ràng. Sách Tăng Tu
Giáo Uyển Thanh Quy (quyển hạ, phần pháp khí) có ghi lại truyền thuyết
rằng có một vị Tăng do phản thầy, huỷ pháp mà bị đoạ làm thân cá, trên
lưng con cá ấy lại mọc một cái cây, mỗi khi sóng to gió lớn, khiến thân
ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, vị Thầy Bổn Sư qua biển,
nhân đó nó muốn đòi nợ liền nói rằng: Thầy không dạy bảo nó nên nó mới
phải bị đoạ làm thân cá như thế này, do đó nay nó muốn báo oán. Thế rồi,
vị Thầy ấy bảo cá nên ăn năn sám-hối, Thầy ấy cũng vì con cá mà cầu
siêu chú nguyện và ngay đêm ấy nó được hóa kiếp. Vị Thầy Bổn Sư liền đem
cây ấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh tỉnh đại chúng. Có thể
vì lý do này các mõ tròn sau này cũng hay khắc hình con cá trên mõ để
cảnh tỉnh đại chúng.
Theo sách Thích Thị Yếu Lãm
ghi rằng: chuông, khánh, bản đá, bản gỗ, mõ đều có khả năng phát ra âm
thanh một khi gõ vào và nhờ nghe đó mà đại chúng tập họp nên các loại đó
đều gọi là kiền chuỳ.
Sách Sắc Tu Bách Trượng
Thanh Quy, chương Pháp Khí cũng nói khi dùng cơm hoặc khi phổ thỉnh
chúng tăng đều gõ mõ. Từ đây chúng ta có thể hiểu lúc đầu mõ dài (loại
1) được dùng để tập họp Tăng chúng.
Nhưng vì sao
cả 2 loại mõ đều khắc hình con cá? Sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy
nói rằng vì loài cá suốt ngày đêm đều tỉnh, nên khắc hình con cá để mỗi
khi gõ, chúng ta tự nhắc mình phải tỉnh thức, chớ có hôn trầm, giải đãi.
Tiếng mõ với mục đích chính là giữ trường canh cho đại chúng khi tụng kinh điển cho nhịp nhàng.
III. Nguồn gốc và ý nghĩa của Trống
Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng,
v.v…Xưa tại Ấn Ðộ dùng để báo thời gian, cảnh báo. Khi Ðức Phật còn tại
thế, dùng nó để tập họp chúng Tăng Bố-tát, nghe pháp…Ngũ Phần Luật có
ghi: “chư Tỳ-kheo bố - tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn: nhược đả kiền
chuỳ, nhược đả cổ…”. Trung Quốc thời xưa dùng nó trong các dịp lễ lộc,
vũ hội…Loại hình có to, nhỏ, treo hoặc để trên giá…Trống to gọi là trống
tẩu, nhỏ gọi là trống ứng, treo để đánh gọi là trống treo…
Từ đời Ðường về sau, theo thanh quy của thiền môn, trống là một trong
những loại pháp khí dùng làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau này Phật
giáo Trung Quốc tiến thêm bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của
tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ
nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”, dùng âm thanh làm Phật sự,
trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam Bảo.
Ai đã đưa trống vào tự viện? Năm nào? Chúng tôi chưa tìm ra tài liệu để
đưa ra một giả thuyết khả dĩ. Tuy nhiên, dựa vào bản dịch bài Thiền Sư
Đại Điên và Hàn Dũ thời Đường Hiến Tông năm 820, chúng ta thấy chuông và
trống đã được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ Phật giáo. Do đó, ít
nhất chúng ta đoán được là trước năm 820, trống đã được đưa vào chùa để
làm pháp khí.
Ngày nay, có một vài nghi thức tán
tụng ở miền Trung và miền Nam sử dụng trống nhỏ để hỗ trợ cho quý Thầy
khi tán tụng. Các loại nghi thức tán tụng này có lẽ cũng chịu ảnh hưởng
của Phật giáo Trung Quốc, vì các thời tụng niệm của Phật giáo Trung Quốc
đều có tán, và loại trống nhỏ này (người Việt mình hay gọi là Trống
Cơm) cũng được xem như một loại pháp khí.
Cách đánh Trống Bát-nhã và ý nghĩa biểu trưng:
- Mới đầu đánh nhập 2 tiếng: biểu thị NHỊ ĐẾ dung thông (pháp thế gian và pháp xuất thế gian dung thông, không ngăn ngại).
- 3 tiếng tiếp (mỗi lần 1 tiếng): tượng trưng cho sự khấu đầu quy y TAM BẢO, nguyện dứt trừ tam độc: tham, sân si.
- 7 tiếng sau đó (vì tiếng thứ 7 và 8 đánh gấp, tính gộp thành 1
tiếng), tượng trưng cho BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT THƯỢNG ĐƯỜNG, tức tác
pháp thỉnh Phật thăng toà.
- Nếu 7 tiếng này
tính thành 8 tiếng: tượng trưng cho câu “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA”
hoặc BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT LAI CHỨNG MINH, tức tác pháp thỉnh Phật
chứng minh.
- Cuối cùng đánh dứt 4 tiếng: tượng trưng cho chứng nhập TỨ ĐẾ.
IV. Vài ý tưởng khác
1) Vài ý niệm về việc sử dụng chuông, trống, khánh tại Ấn Ðộ và các nước khác
Theo cuốn A Dictionary of Symbols (London, 1962, trang 23) cho rằng âm
thanh của chuông là biểu tượng của năng lực sáng tạo. Chuông treo lơ
lửng tượng trưng cho sự huyền bí của trời và đất. Hình dáng của chuông
xuất phát lấy từ hình tượng vòm trời.
Ấn Độ đã
biết sử dụng chuông trên 2000 năm về trước, và có lẽ chuông được sử dụng
rộng rãi trong cung đình, đặc biệt trong các chùa chiền. Các hình thức
nghệ thuật như điêu khắc chùm chuông xuất hiện vào thời kỳ đầu của Phật
giáo có thể được tìm thấy trên các bức phù điêu trên các trụ đá của vua
Asoka (A-dục) và các tháp tôn trí xá-lợi của đức Phật. Không phải tại Ấn
Ðộ mà ngay cả các nước lân cận chịu ảnh hưởng lớn nền văn hóa tư tưởng
Ấn Ðộ như Tích Lan, Miến Ðiện cũng sử dụng chuông, và sau này cả trống
nữa, để biểu hiện lòng thành của người cầu nguyện, và đặc biệt dùng khi
chấm dứt một khóa lễ.
Trong các dịp tưởng niệm
đức Phật, các chuông được sử dụng cùng với một số nhạc khí khác như
trống, sáo để biểu hiện lòng tôn kính đức Phật. Tác phẩm
Saddharmàlankàra, một tác phẩm văn học tôn giáo thời trung đại của người
Tích Lan ghi rằng: chuông được sử dụng đầu tiên ở Tích Lan vào những
dịp đặc biệt như triệu tập tăng chúng. Sau này dần dần nó trở thành một
phần của nghi lễ cúng dường âm nhạc (‘sabda-pùjà) cho đức Phật.
Tín đồ Phật giáo Tây Tạng tin rằng khi họ niệm chú, nhờ sức quay chuông
của họ mà các câu thần chú sẽ đi muôn nơi vạn hướng, làm vơi bớt nỗi
đau khổ của cuộc đời. Cho nên Phật giáo Tây Tạng chế nhiều cỡ chuông cầm
tay cho tín đồ trì niệm và cả những chuông lăn lớn để tín đồ quay.
Dĩ nhiên các loại chuông trống ở Ấn Độ thuở ban đầu không giống với các
loại chuông trống ngày nay ở Trung Quốc hay Việt Nam, Nhật Bản, Triều
Tiên. Ở Trung Quốc trống chỉ được sử dụng để thúc quân ra trận. Chuông
(một hình thức của chiêng) được sử dụng như dấu hiệu của rút quân. Trong
các buổi lễ tế giao của thiên tử không thấy đề cập đến sử dụng các loại
nhạc khí nầy. Trống phần lớn cũng để triệu tập ba quân tướng sĩ hoặc
kêu oan ở cửa quan. Loại trống này được sử dụng rộng rãi về sau trong
giới quan lại để hành quyết tội nhân ở pháp đường.
2) Sự mầu nhiệm của tiếng Khánh
Theo như các thiền sử ghi lại qua các hành trạng của một số vị thiền
sư, thì tiếng khánh có tác dụng rất lớn đối với người tu thiền. Một khi
thiền giả đã vào các tầng thiền như “diệt thọ tưởng định” thì dù có trời
long đất lở thân tâm của vị ấy cũng bất động. Tuy nhiên, chỉ với một
vài tiếng khánh nhỏ cũng đủ đánh thức các Ngài dậy. Câu chuyện Ngài Hư
Vân là một điển hình, trong một cơn thiền định xuất thần kéo dài cả
tuần, chư vị Hòa Thượng khác đã dùng khánh mà đánh thức Ngài xuất định.
Lời cuối, cầu chúc quý cư sĩ thân tâm thường an lạc, hằng tinh tấn làm các thiện sự và tu tập tâm của mình.
Chuông Trống Bát Nhã Có Công Dụng Gì Trong Chùa ?
Tại mỗi chùa khi cử hành lễ, trước giờ khởi sự và sau khi chấm dứt cuộc lễ đều có thỉnh chuông trống bát nhã.
Chuông trống bát nhã dùng để thỉnh Phật tổ và thỉnh chư Tăng cùng nhau
hướng về điện Phật để chứng minh cho buổi lễ sắp diễn ra được thanh tịnh
trang nghiêm.
Bài kệ thỉnh chuông trống bát nhã như sau :
Thỉnh Phật thượng đường
Đại chúng đồng văn
Bát nhã âm
Nhập bát nhã ba la mật đa (đọc 3 lần)
Nghĩa là :
Thỉnh chư Phật vào chánh điện,
Xin tất cả quý vị hiện diện lưu ý
Âm vang của chuông trống bát nhã sẽ hòa nhập theo cùng với trí tuệ sáng suốt của chư Phật thành một thể tánh duy nhất.
Thường thường chuông trống bát nhã được cử lên ba hồi lúc bắt đầu cuộc
lễ, nhưng khi chấm dứt có thể chỉ thỉnh một hồi và cũng đọc bài kệ như
trên. Ngoài việc đón rước và đưa chư Tăng, chư Phật, Hộ Pháp.., việc
đánh chuông trống bát nhã còn tượng trưng cho ý nghĩa tinh thần rất lớn
là nhân tiếng chuông trống để mọi người có mặt trong giờ sắp hành lễ đều
chú tâm vào việc nhiếp tâm cầu nguyện.
Thật
vậy, khi nghe tiếng chuông trống bát nhã gióng lên ai nấy trong chánh
điện đều đứng dậy chấp tay cầu nguyện, đồng thời tâm hồn người nghe cũng
cảm thấy như lắng lặng thanh thoát. Về lịch sử, chuông trống bát nhã
không do ai bày ra, nhưng Phật giáo các nước thuộc vùng Đông-Nam-Á châu
đều xử dụng trống cùng một mục đích và với một ý nghĩa về tinh thần rất
lớn lao vậy.
Muốn cho cuộc lễ được tươm tất và thành kính, chuông trống bát nhã không thể thiếu được lúc bắt đầu và khi chấm dứt lễ.
Tài Liệu Liên Hệ:
Pháp Khí và Pháp Phục, TT. Thích Tín Nghĩa
khaidoan.com.vn