17/11/2010 17:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 11257
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5. Ngôn ngữ siêu thực
Sự vật, con người, đời sống, dưới ngòi bút của Trịnh Công Sơn, lấp lánh những ánh sáng siêu thực. Không còn như cũ nữa. Các nhà thơ siêu thực phương Tây đã làm một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ, bẻ gãy cùm xích cho khuôn hình, chắp vá chữ nghĩa lại thành bức tranh khảm lạ lẫm, mới mẻ. Hội họa lập thể cũng hành động như vậy: đập bể mặt người, bẻ gãy đường nét và phơi bày những chân dung vỡ vụn, quằn quại, rúm ró. Một hôn phối mới của ngôn từ.

Ta chứng kiến, chẳng hạn những sự láy lại của chữ nghĩa trong câu (thường là điều tránh né trong văn chương trước đây), như có đề cập ở phần trên:

Mặt trời mặt trời đã lên
Một ngày một ngày đã qua rồi
Từng vùng từng vùng lá xanh
Rộn ràng rộn ràng tiếng cười nói
(Còn Thấy Mặt Người)

Đó là một thủ pháp ta thường bắt gặp trong thơ siêu thực của Paul Eluard, Louis Aragon, và nhất là Jacques Prévert.

Một số thủ pháp khác cũng được trưng dụng, đối nghịch với văn phong cổ điển: bố cục tự do, miêu tả rời rạc, liệt kê các vật hạng không thứ lớp.

- Màu sắc lắm khi trở nên trừu tượng, mang tính chất tâm lý:

Nắng thủy tinh (Nắng Thủy Tinh)
Môi đốm lửa (Ru Đời Đi Nhé)
Tiếng hát xanh xao (Lời Buồn Thánh)
Vòng tay xanh xao (Mưa Hồng)
Mắt xanh xao (Diễm Xưa)
Mưa xanh (Tuổi Đời Mênh Mông)
Mưa hồng (Mưa Hồng)
Đêm hồng (Dấu Chân Địa Đàng)
Cây bạc đầu (Giọt Lệ Thiên Thu)
Ngàn cây thắp nến (Nắng Thủy Tinh)
Mùa thu úa (Thương Một Ngươi)

- Góc độ thu hình khác lạ:

Đời nghiêng (Có Nghe Đời Nghiêng)
Đời nhấp nhô (Cúi Xuống Thật Gần)
Vai phố (Hôm Nay Tôi Nghe)
Đi quanh từng giọt nước mắt (Ru Đời Đã Mất)
Nắng qua đèo (Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời)
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ (Biển Nhớ)
Đông sang khoác vai tôi (Môi Hồng Đào)
Em mây hoang đường (Hai Mươi Mùa Nắng Lạ)

- Các đồ vật tầm thường, nhỏ bé, xưa nay không ai buồn nói tới nay được con mắt nhạc sĩ ưu ái:

Khăn thêu (Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời)
Áo nhàu (Nắng Thủy Tinh)
Nôi trống
Hồn giấy mới (Đóa Hoa Vô Thường)
Mặt đường vàng hoa như gấm (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
Bia đ á (Diễm Xưa)

6. Ngôn ngữ hiện sinh
Chủ nghĩa hiện sinh phương Tây phát triển sau Thế chiến thứ II, du nhập miền Nam nước ta cuối những năm 50, một phần qua sự phổ biến của hai tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn và Đại Học ở Huế, gây nhiều xao động trong đời sống xã hội và trong nếp suy nghĩ của thanh niên. Nhiều vấn nạn được đặt ra: sống để làm gì, cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, vấn đề tự sát có ý nghĩa gì, đời là hư vô, đâu là thực chất và huyền thoại của vấn đề, sống là vong thân hay phải ngụy tín, thỏa hiệp với tha nhân hay dấn thân vào đại cuộc, thiên chức của nghệ sĩ là gì, đời người là phù du, nơi đây là chốn lưu đày hay quê nhà, ta hợp tác hay đứng ngoài lề xã hội?,…

Lắm vấn đề đặt ra khúc mắc, gây khắc khoải, bế tắc.

Ta tìm thấy một số vấn đề ấy đặt lại trong ca khúc Trịnh Công Sơn đi kèm với những từ ngữ diễn dịch tâm tình của con người thời đại.

- Cái tôi gây hoang mang:
Tôi là ai, là ai (Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)
Thân thế vu vơ (Từng Ngày Qua)
Em là ai? Em là ai? (Em Đi Bỏ Mặc Con Đường)
Chết trên căn phần (Phúc Âm Buồn)

- Cuộc đời phù du:
(Em) năm xưa vui buồn chút phù du
(Hai Mươi Mùa Nắng Lạ)
- Cuộc đời hư vô:
Tay hư vô đốt nến (Lời Của Dòng Sông)

- Nỗi cô đơn và tính vô thường của con người:
Ta biết riêng ta (Ngẫu Nhiên)
Một mình tôi về với tôi (Lặng Lẽ Nơi Này)

- Thực chất và huyền thoại của sự vật:
Rồi dòng sông cũng mang theo tên người vào huyền thoại
(Lời Của Dòng Sông)

- Vong thân và thỏa hiệp đi liền với nhau:
Ngày nay không còn bé tôi quên sống thật thà
(Ngày Nay Không Còn Bé)
Em quỳ gối vong nô (Ru Em)
Người người ngợm ngợm (Giọt Lệ Thiên Thu)

- Tha nhân là khác tôi hay là tôi:
Em là tôi và tôi cũng là em
(Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)

- Đời này là chốn lưu đày hay là quê nhà:
Còn bao lâu cho tha nhân thôi lưu đày chốn đây
(Phúc Âm Buồn)
Vì trái tim tội lỗi lưu vong (Tưởng Rằng Đã Quên)
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà
(Đóa Hoa Vô Thường)

7. Những họa tiết trong tranh đời
Có rất nhiều họa tiết (motif) trong ca khúc Trịnh Công Sơn: con chim, con cá, hòn cuội, chiếc lá khô…

Tôi đề cập đến những họa tiết sau đây:
- Tháp và giáo đường
- Con gà
- Con diều
- Ngựa
- Hạt bụi

a. Tháp và giáo đường.
Trịnh Công Sơn chú ý đến những kiến trúc chọc thủng không gian. Tháp và giáo đường càng cao càng uy nghi nhưng lại càng cô đơn.

Tháp trong lời ca của anh có thể là ngọn “tháp hời” nhỏ lệ cho một thời đã qua không trở lại, mà cũng là loại tháp canh xây cất trên những đồi cao đứng rủ bóng thừa thải.

Giáo đường là nơi xoa dịu những tâm hồn cô đơn.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ (Diễm Xưa)
… Em mang em mang đi về giáo đường (Tuổi Đá Buồn)

b.Gà
Hình ảnh gà có nét riêng. Nếu anh đã nhiều lần ngắm nhìn nhà thờ trong tranh hoặc trong phim ảnh, thế nào hình ảnh gà chót vót trên loại kiến trúc ấy cũng đã ăn sâu vào tâm khảm anh.

Về con gà xứ ta, anh lại chú ý đến con gà gáy trưa, vì tiếng gáy lệch thời khắc này nghe lạc lõng, áo não thế nào.

Có chút nắng trong tiếng gà trưa
(Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi (Lời Thiên Thu Gọi)

c. Con diều
Diều là của trẻ thơ. Đứa bé nào cũng một thời cầm trong tay sợi chỉ nhỏ mà ở đầu kia là chiếc diều nằng nặng nương theo gió lên tới trời cao, như hình ảnh của một phương trời cao rộng, của tự do giữa mênh mông trời đất. Nó là hình ảnh cao hơn, hấp dẫn hơn so với những bọt xà phòng và bong bóng, cũng là những trò chơi ưa thích của tuổi nhỏ:

Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
(Nguyệt Ca)
Thênh thang cùng diều, cùng diều lên nhanh
(Ra Đồng Giữa Ngọ)
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo
(Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)

d. Ngựa
Ngựa có một cơ thể đẹp, lớp áo láng lẩy, những phần cơ thể tròn đầy. Ngựa là hình ảnh hiên ngang, hình ảnh của sự phóng đi, mất hút, chỉ dừng lại ở phía trên cao, ở một miền mộng mị, xa vời. Nó kết thân với kẻ du mục, lao mình vào những chuyến dao du.

Ở những nơi như Huế, người ta ít khi bắt gặp con vật này ở thành phố, chỉ thấy nó ở các vùng đồi núi, đứng riêng lẻ, gặm cỏ âm thầm, rướm mình ra khoảng không. Trông nó như từ trong một truyện cổ tích lặng lẽ bước ra khi nào không ai hay và dáng chừng sẽ mất tăm bất cứ lúc nào.

Nhưng đến khi ngựa về thành phố, chen chân giữa chốn đông người như ở Nha Trang, Đà Lạt để làm ngựa thồ, ngựa kéo xe, nó trở thành một sinh vật bị đày đọa dưới ngọn roi của người xà ích, vó trượt ngã trên con đường rải nhựa trông thật là thảm hại:

Ngựa hí vang rừng xa
(Đóa Hoa Vô Thường)

Vó ngựa trên đồi hay dấu chim bay
(Xa Dấu Mặt Trời)

Gió núi bay qua lao xao bụi bờ lao xao bờm ngựa
(Giọt Lệ Thiên Thu)

Xe ngựa về ngủ say
(Một Ngày Như Mọi Ngày)

Ngựa xa rồi người vẫn ngồi
(Phúc Âm Buồn)

Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng
(Có Những Con Đường)

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
(Dấu Chân Địa Đàng hay Tiếng Hát Dạ Lang)

Ngựa hồng đã mỏi vó trên đồi quê hương
(Xin Mặt Trời Ngủ Yên)

e. Hạt bụi.
Hạt bụi là hình ảnh quá quen thuộc hàng ngày, khắp nơi trên đất nước nhiều đường đất này.

Hạt bụi vùng đất đỏ cao nguyên, nơi Trịnh Công Sơn sống một năm trường đi đi về về từ ngôi trường cheo leo về phòng trọ, thời gian hoàn toàn sống một mình ở Bảo Lộc, xa cách thành phố, gia đình, bạn bè và người yêu.

Hạt bụi cũng là tế bào chết của vật chất, từ gỗ mục, tường xiêu vỡ vụn… Bụi phấn, bụi vôi từ nhiều không gian khác nhau tan hòa lẫn lộn.

Bụi không nằm yên chỗ, không chỉ bám vào vật, nó chờ chực thay đổi chỗ liên hồi trong không gian. Những tro tàn từ các đám cháy bay tràn qua núi qua biển.

Còn có những thiên thạch hóa kiếp thành những vật vi mô, bắt con người nhận ra mình là bọt bèo vô nghĩa giữa đất trời.

Nhưng lại có bụi phấn hoa vui lòng hòa mình vào không gian mênh mông để gieo sự sống.

Bụi về với mây (Phúc Âm Buồn)

Nếu như hạt bụi là cái chết dần mòn của trái đất, là lớp áo ngụy trang bộ mặt tàn tạ của sự vật thì vẫn có hạt bụi mầm sống, tất cả hòa lẫn vào nhau và luân lưu chuyển kiếp.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi (Cát Bụi)

Trịnh Công Sơn là người trầm tư thường trực về thân phận con người và qua mấy cơn bệnh nguy kịch hẳn nhiên anh đã chuẩn bị từ giã cõi đời phù du tạm bợ để bước vào một cuộc viễn du mới.

(Em) còn là hạt bụi giữa hư vô
(Hai Mươi Mùa Nắng Lạ)
Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài


Âm lịch

Ảnh đẹp