Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế


Tuỳ bút của MAI THÌN
14/11/2010 11:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 3646
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xóm nhỏ dọc triền đồi đầy sỏi đá. Ngay giữa làng là văn Miếu, nơi suy tôn đạo học của cả tỉnh và cũng là nơi thường xuyên diễn ra những đêm hát bội rậm rực tiếng trống chầu.


  Phía trước là cánh đồng với nhánh sông Kôn từng quẫy đạp, uốn lượn dưới chân Thành Hoàng Đế, giờ hững hờ qua những bãi mía soi dưa. Mùa lũ, nước sông dâng ngập trắng bãi bờ. Đầu tiên là con mương nội đồng, rồi cứ thế nước tràn lên từng bậc ruộng. Bám theo lũ là đàn cá chép, cá luối nguồn, cá diếc… đi tìm mồi và tìm nơi đẻ trứng…

Lũ chúng tôi toàn những thằng con trai 13-15 tóc xém, da đen rủ nhau chèo thuyền, thả cá, dăng câu rồi đi bẻ mía trộm. Mùa hè, nước cạn là thú thả diều, nhử chim, tắm sông rồi chia phe đánh trận giả trên cánh đồng đầy rơm  rạ vào những đêm trăng thanh mát.

Chúng tôi vô tư thoả thuê uống nguồn sữa quê hương qua những vệt bùn xám sạm tay chân, qua khét nồng màu tóc hoe trưa cháy, qua những đêm dài ngủ dưới chân người  cầm chầu hát bội, vẳng cả trong mơ câu hát khách thanh bình. Con lân nơi góc Văn Thánh (tên gọi của Văn Miếu - đền văn Bình Định) lung linh theo  tiếng gọi tắc kè những đêm trăng thanh vắng không làm nhụt chí  đám con trai mình trần chân đất từng trèo lên tháp Cánh Tiên bắt chim sáo nghệ, lẩn vào lăng Võ Tánh cưỡi con nghê đá của vị trung thần, hoặc lẻn vào đồn “cuỗm” ống nhòm…

Dù tinh nghịch là thế, nhưng mỗi tết về, khi được cha  dắt vào chùa Thập Tháp hay chùa ông Đá - Nhạn Sơn thì tôi lại cung kính lạy quì dưới những tượng Phật thâm nghiêm và nép mình chui qua chân hai ông Đen ,ông Đỏ để cầu cho sức khoẻ bình an và học giỏi.

“ Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy …” Chẳng nhớ năm nào, chỉ biết đó là cái Tết đầu tiên tôi được vào  học lớp ba của thầy Huệ. Sáng mùng ba Tết, cha chở tôi đi tết thầy bằng chiếc xe “đòn dông” gồ ghề qua những con đường chân trâu lỏm bỏm, qua những đám hội bài chòi, lô tô rộn ràng lời hô anh hiệu… Nhà thầy Huệ ở gần chân tháp Phú Lốc, đường ngõ quanh co xù xì những gốc me tuổi vài thế kỷ, nghe thâm nghiêm, thanh vắng tiếng cu cườm.

Vào nhà thầy, ngồi trên phản gõ, xung quanh sặc sỡ hoành phi liễn đối  treo đầy trên hai hàng cột cái, cha tôi cẩn thận mở chai rượu Bầu Đá rót đầy hai ly trên chiếc khay gỗ cẩn xà cừ  rồi gọi tôi lại  đứng trước thầy đọc câu “chúc thầy năm cũ bước sang năm mới thật nhiều sức khoẻ để dạy dỗ học trò…” mà dọc đường ông đã dặn tôi học thuộc lòng. Tôi mừng rơn  khi được thầy Huệ “lì xì” một đồng cắt và chiếc bánh cốm dẻo thơm vuông vức lóng lánh những hạt đường cát trắng tinh…

Chẳng nhớ năm nào, chỉ biết đó là những năm tôi vừa 8 hay chín tuổi, mẹ hay dắt tôi về giỗ ngoại ở làng Đại Hoà, Nhơn Hậu nằm bên kia Bến Gỗ, cách làng tôi một con sông Quai Vạc, một đoạn Thành Hoàng Đế và năm ba vạc mía, nương dâu. Hồi ấy, cầu Bến Gỗ - cây cầu của tuyến đường sắt Bắc Nam nằm ngay trên Bến Gỗ, một trong những bến sông  sầm uất thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ với những “ngựa xe nghịt dài Bến Gỗ, những bè cây lừng lững đại ngàn tới tấp dừng chân đổi trao mua bán…” chưa bắc ván cho người qua lại, nên mẹ phải đưa tôi đi hướng chùa Thập Tháp, băng qua Bả Canh, rồi xóm Bờ Thành, xóm Nam Tân, Nhạn Tháp… Đó là những làng nghề nổi tiếng quanh thành Hoàng Đế với các nghệ nhân đúc đồng, tiện gỗ, làm rèn, làm đồ gốm nức tiếng nhiều nơi…

Quà mẹ tôi mang về sau ngày giỗ ngoại  thường thì ngoài những chiếc bánh ít lá gai gói trong tàu chuối còn là những cán câu liêm, những chiếc cối đâm cua, hay những chiếc vụ trắc đen hun mua từ làng rèn, làng tiện… Ấy là đặc sản ở quê ngoại, còn ở quê tôi, xứ Gò Găng với đồi Gò Quánh đá ong và hàng rào kẽm gai đầy bom mìn của sân bay Phù Cát thì ngoài chiếc nón mảnh mai được cải biên từ nón ngựa của xứ Kiều Huyên, chỉ có nghề đẽo đá ong và cày sâu cuốc bẵm trên những vạt ruộng dọc con sông Quai Vạc.

Nghề đá ong đòi hỏi người khoẻ mạnh, còn nghề nón thì từ trẻ già, trai gái ai cũng làm được. Nhà tôi không có con gái, nhiều hôm tát nước về khuya, ăn bữa cơm chiều xong đã hơn tám giờ tối. Mọi người đi nghỉ, tôi học bài ở nhà trên, còn mẹ tôi chong đèn chằm nón. Nhiều bữa gặp chợ phiên, bà thức đến một hai giờ sáng để có nón kịp đi chợ Gò Găng  bán, lấy thêm vài đồng lời  cho tôi đi học.

          Có lẽ hình ảnh chiếc đèn dầu và bóng mẹ tôi miệt mài bên vành nón, cùng bao kỷ niệm vui buồn bên chân thành Hoàng Đế và dòng Quai Vạc đã trở thành máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn tôi nên được như ngày nay.

Ghi lại những buồn vui này, hồi ấy tôi có viết nhật ký và làm thơ. Thường là những bài viết về cây vông đồng, về con lân nơi Văn Miếu, về gốc trầu bên cây bồ ngót ông nội tôi trồng ở góc sân (giờ to lớn như cột đình) đã hơn trăm tuổi… Còn có những bài về nỗi buồn chán, bi quan thương tật, hay về cô bạn gái cùng trường thường mặc chiếc áo màu vàng sậm với nón bài thơ tóc thề bỏ lửng…

Hồi ấy, cả làng tôi và gia đình tôi cũng vậy, chiến tranh bom đạn, lam lũ làm ăn,  ít ai nghĩ đến việc học. Cho nên tôi làm thơ mà không dám cho ai hay. Có bài tôi lén gửi cho người bạn gái, còn hầu hết là cất kỹ ở đáy rương. Sau này, khi tôi xa nhà, tưởng là vở cũ, mẹ tôi đã lấy tất cả đem chèn lá, lợp nón. Như vậy, những bài thơ đầu tiên của tôi đã được lợp nón che nắng, che mưa cho những người dân quê sớm tối trên đồng. Ý này về sau tôi có đưa vào một số bài, như bài: “Bài thơ trên cánh diều”, in đầu tiên ở Tạp chí tác phẩm mới của Hội nhà văn Việt Nam.

Những năm đầu tiên xa nhà, học đại học ở Đà Nẵng, nhớ quê, nhớ kỷ niệm tuổi nhỏ, tôi đã viết lại một số bài thơ cũ rồi hợp thành tập “Cổ tích tình yêu” do nhà thơ Thanh Quế đề tựa.

Nguồn sữa quê hương đã nuôi dưỡng đời tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi có được như ngày nay. Câu nói ấy tôi càng thấm thía khi nhận lời khen từ một bác nông quê gặp tình cờ tại đám tang cậu Bốn tôi ở làng Đại Hòa hồi năm ngoái. Ông ôm tôi cười xoà rồi xô ra ngắm nghía: “Bây giờ mày bảnh quá, không ai nhận ra thằng nhỏ đen đúa loi ngoi trên đồng ngày xưa nữa. Đừng quên quê mình nghen con!…”. Vâng, có lẽ nhờ những tháng năm tuổi nhỏ cưỡi bò đi chân đất, lặn ngụp khắp các cánh đồng và các bến sông quê mà tự  trái tim mình tôi đã thấm sâu vị ngọt của quê hương, vị ngọt của tuổi thơ lấm lem bùn đất để rồi từ ấy bật lên những nụ mầm suốt đời quyện chặt với đất quê chứ làm sao nói đến chuyện quên quên nhớ nhớ…

Nhưng… “vật đổi sao dời” trải bao năm tháng xa quê, dọc dài trên trăm miền Tổ Quốc, khi  về lại  thì mẹ đã già. Lưng còng, Tóc bạc. Quê hương  giờ cũng đổi khác. Ông voi đá như già hơn, những hàng tre, những bến sông bên bồi bên lở, những rặng cò ke không còn nữa...Tất cả như đã và đang lặng lẽ đi vào miền cổ tích, nhường chỗ cho những trụ điện bê tông, những cần ăng ten, những trạm bơm  suốt ngày nhả nước... Nhà ông Ba Chữ, ông Đông ở xóm tiện ngày xưa giờ đã có thêm dàn tiện mới, không phải loại đạp bằng chân  để tiện những chiếc vụ của thuở nhỏ, mà được lắp mô tơ điện với công suất mỗi ngày có thể cho ra hàng trăm món hàng lớn.

Mọi cái bây giờ đối với tôi cứ nao nao là lạ. Cây me, khóm thị gần lăng Võ Tánh không còn nữa, và những vườn mít, vườn xoài tượng quanh Văn Miếu “táng xoè hơn mẫu đất” cũng đã bị cưa, bán cho xóm tiện làm cỗ bồng, làm cối chày, làm thớt từ lâu. Nguyên vẹn  với tuổi nhỏ của tôi giờ chỉ còn đồi tháp Phú Lốc, tháp Cánh Tiên sừng sững dưới nắng, là ngôi chùa với ông Đen, ông Đỏ  cao lớn tự thuở nào….

Tuổi nhỏ rong chơi, tôi chưa biết gì về  lịch sử, về những giá trị mà bao  triều đại đã để lại, giờ càng thấm thía dư vị ngọt ngào của dòng sữa quê hương. Nó sẽ mãi chảy trong tôi, con gái tôi và bao nhiêu thế hệ nữa.      

Từ  mỗi bờ tre rặng duối trên con đường làng hay ngõ những ngôi nhà lá mái, đến Bến Mi Lăng, Bến Gỗ, bến sông quê; từ tượng Chim Thần Garuđa mang phong cách Tháp Mẫm đến con voi nơi Hoàng Thành hay con lân Văn Miếu; từ những vũ nữ nơi tháp Cánh Tiên hay trên những sản phẩm của làng tiện làng đúc; từ chiếc hồ bán nguyệt mới khai quật trong Tử Cấm Thành hay ao sen làng Nhạn Tháp; từ những  đêm hò giã gạo đến những đêm hội bài chòi, hát xuân, hát án… tất cả cứ rõ dần, rõ dần, lung linh trong nắng xuân như một sự bừng tỉnh sau giấc ngủ dài… Ngày mai! Hy vọng một ngày mai, nói như ai đó, quê tôi sẽ được cả thế giới tìm đến!

 

Đầu xuân 2005

Mai Thìn

 

Nguon: http://www.lebichson.org/Binhdinh/11TuoiThoBenThanhHD.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp