17/11/2010 17:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 11259
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần VI
NGÔN NGỮ TRỊNH CÔNG SƠN

Bài hát, nói một cách đơn giản tạo được một điều kỳ diệu: nó làm loãng những gì ta không thích và đồng thời lại tô đậm những điều ta yêu. Không tin ta hãy nhìn quanh ta khắc rõ: người chán đời nghe hát để vơi bớt buồn phiền chất chứa trong lòng; người yêu đời nghe hát cho tình yêu của mình chấp cánh. Hóa ra muôn người cùng nghe hát. Có ai xa lánh tiếng suối reo và lời chim hót đâu? Trong bài hát còn có lời. Lời là bức tranh, là kỷ niệm, là tâm sự. Nó tàng trữ đủ loại hình tượng mà người nghe tùy nghi lọc lựa đưa vào ý thức của mình.

Nó vừa hòa thêm vào tiếng cười làm nhún nhảy màu hoa, vừa lấn át tiếng đạn bom.

Có như vậy bản tình ca mới đi đến với nhiều lớp người: nó đâu phải chỉ làm mền lòng những đôi uyên ương, nó còn làm cho trẻ con mau lớn và người lớn hồi xuân. Có như vậy bài ca phản chiến mới lay động được hậu phương cùng những người đang cầm súng để cho cả hai phía cùng giao cảm trong mơ ước hòa bình.

Ca khúc Trịnh Công Sơn như mọi người đều biết được đặt nặng ở lời. Đây là một loại “chanson poétique” (thi ca), một loại “chanson à texte” (ca khúc diễn lời), chủ ở lời.

Sau đây là một số khía cạnh trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn:

1. Ngôn ngữ “dịp bốn”
Tiếng Việt dùng nhiều chữ đôi. Tiếng đơn âm có khi lọt vào chuỗi câu gây nên trúc trắc. Tiết nhịp thanh âm thích hợp với tai của nhạc sĩ dường như là tiết nhịp được cấu tạo bằng chuỗi bốn chữ đi với nhau, làm ta có thể liên tưởng tới loại “tứ tự thành ngữ” học ở nhà trường ngày trước.

Ngay nhan đề ca khúc bằng bốn chữ đã rất nhiều:

Bên Đời Hiu Quạnh
Một Lần Thoáng Có
Xa Dấu Mặt Trời
Nghe Tiếng Muôn Trùng
Vẫn Nhớ Cuộc Đời
Nghe Những Tàn Phai
Tình Xót Xa Vừa
Ru Ta Ngậm Ngùi
Một Cõi Đi Về
Có Nghe Đời Nghiêng
Chiếc Lá Thu Phai
Biết Đâu Nguồn Cội
Giọt Lệ Thiên Thu
Còn Thấy Mặt Người
Dấu Chân Địa Đàng
Còn Có Bao Ngày
Đóa Hoa Vô Thường
Ra Đồng Giữa Ngọ
Tình Khúc Ơ-bai
Rơi Lệ Ru Người
Hoa Vàng Mấy Độ
Em Hãy Ngủ Đi
Con Mắt Còn Lại
Tôi Đang Lắng Nghe
Khói Trời Mênh Mông
Yêu Dấu Tan Theo
Thành Phố Mùa Xuân
Ru Đời Đã Mất
Chuyện Đóa Quỳnh Hương
Hãy Khóc Đi Em
Rừng Xanh Xanh Mãi
Chìm Dưới Cơn Mưa
Tuổi Đời Mênh Mông
Này Em Có Nhớ
Vàng Phai Trước Ngõ
Ru Đời Đi Nhé
Như Cánh Vạc Bay
Cúi Xuống Thật Gần
Như Tiếng Thở Dài
Xin Trả Nợ Người
Như Chim Ưu Phiền
Còn Ai Với Ai
Để Gió Cuốn Đi
Em Đi Trong Chiều
Cũng Sẽ Chìm Trôi
Góp Lá Mùa Xuân
Lời Của Dòng Sông
Gọi Tên Bốn Mùa
Lời Thiên Thu Gọi
Tưởng Rằng Đã Quên
Cỏ Xót Xa Đưa
Níu Tay Nghìn Trùng
Lặng Lẽ Nơi Này
Hãy Yêu Nhau Đi
Rừng Xưa Đã Khép
Cho Đời Chút Ơn
Tôi Ru Em Ngủ
Người Về Bỗng Nhớ
Bốn Mùa Thay Lá
Tình Yêu Tìm Thấy
…..

2. Kết hợp từ ngữ
Trịnh Công Sơn đưa lại gần nhau những từ ngữ vốn xa lạ với nhau tạo thành một kết hợp từ ngữ độc đáo, giống như tạo thành một từ ngữ thứ ba, một hình tượng mới

Nắng thủy tinh
Tuổi đá buồn
Vườn mắt em
Vết lăn trầm
Dấu chân ngoan

Phơi tình, treo tình (“Phơi tình cho nắng khô mau”, “Treo tình trên chiếc đinh không”) . (Tình Xót Xa Vừa)

Tôi còn trần gian, em sẽ bình minh
(Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)

Hàng cây thắp nến
Miệng môi ốm o lời thề
(Có Nghe Đời Nghiêng)


3. Các biện pháp tu từ
Lời ca của Trịnh Công Sơn đầy ắp biện pháp tu từ đủ loại: nhân cách hóa, tỷ dụ, hoán dụ, phúng dụ, biểu tượng… trong đó có hai biện pháp trở đi trở lại nhiều và đặc biệt giúp tăng thêm tính thi ca cho bài hát: sự láy lại và ẩn dụ.

a. Sự láy lại. Ta bắt gặp những chữ, những phần câu được láy đi láy lại. Đây là một biện pháp tu từ không mới mẻ gì, nhưng phải đợi đến phong trào siêu thực mới được khai thác mạnh tạo nên nhiều hiệu quả bất ngờ, có khi tạo ra một âm thanh dai dẳng, hoặc dập dồn như sóng biển, có khi bắt ta liên tưởng đến chuyển động của quả lắc, của chiếc nôi, cứ một âm thanh đơn điệu ấy lặp lại mãi không thôi. Trong phong trào đọc thơ, ngâm thơ, người diễn đọc cũng sử dụng thủ pháp láy chữ để gây âm hưởng:

Trời còn làm mưa mưa rơi… em mang em mang… còn ai với ai… ngàn năm ngàn năm… (Tuổi Đá Buồn)

b. Ẩn dụ. Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp được Trịnh Công Sơn dùng nhiều hơn cả và đặc sắc hơn cả. Đầu óc anh đầy dẫy hình ảnh so sánh. Anh thấy cái này mà nghĩ ra cái kia và anh diễn đạt cái kia thôi. Do đó hình ảnh được đưa ra so sánh lắm khi không trực tiếp. Anh nói đến dòng sông nhưng thực tâm không phải để miêu tả dòng sông. Tương tự như thế, nhiều hình ảnh khác trở thành ẩn dụ: nắng, mưa, tháp, ngọn đèn, ngọn núi, ngọn cỏ, hòn đá, bông hồng, con chim, con cá, con sâu, con phố, con đò, bão cát, hạt bụi…

Chất thi ca vốn thấm đẫm ca từ Trịnh Công Sơn được cô đúc rồi tỏa rộng ở tất cả những ẩn dụ được sử dụng phong phú, độc đáo.

4. Ngôn ngữ cưỡng bức
Đây là một phương thức sử dụng ngôn từ một cách ép uổng cốt để gây xúc cảm nơi người đọc, người nghe để họ dễ nhận ra sự thật mà người sử dụng ngôn từ không tiện trình bày một cách chân phương.

Khi nói về bản thân mình, anh dùng giọng cười cợt bản thân hoặc tự hạ mình: tự xem mình là hạt bụi, đá cuội, lá cỏ.

“Đời ta có khi là lá cỏ”
(Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ)

Hoặc là: “Tôi xin làm đá cuội, làm hạt mưa tan giữa trời”
(Biết Đâu Nguồn Cội)

… đời tôi ngốc dại
(Chiếc Lá Thu Phai)

Suy nghĩ về thân phận, thân phận mình cũng như đồng loại, anh tránh không đưa ra lời khuyên hay lời dạy, mà lại đưa ra “một con số không” để vừa cười mình và để khỏi mếch lòng ai:

Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi

Anh chỉ nêu ra “một tấm lòng”. Chứ anh không dám khuyên hay dạy ai. Nhưng chỉ nêu ra là có thể đủ để đụng chạm, có thể làm người ta không bằng lòng rồi. Anh vội thêm: “Có một tấm lòng nhưng không để làm gì cả”. Có vậy, may ra người ta mới gật gù: “Nói là không để làm gì cả, nhưng làm khối chuyện đấy”.

Anh lại bảo, chẳng hạn:
Hôm nay thức dậy
Không còn thấy mặt trời
Không còn thấy loài người
(Xa Dấu Mặt Trời)

Anh cố tình dùng lối ngoa ngôn. Làm sao không thấy mặt trời được? Làm sao không thấy loài người được? Nhưng như vậy là thấy cũng như không thấy vậy. Có cũng như không có vậy. Và nếu như có cũng như không có, thì phải đổi khác để làm thế nào cho có.

Nói đến quê hương, anh cảm thấy nói bình thường thì không được nghe ra. Anh phải dùng lối nói thậm xưng, anh phải dùng từ thậm tệ: “nô lệ”, “da vàng” , cùng những hình ảnh đẩy đến cùng cực:

Chẳng biết nơi nao là chốn quên nhà
(Một Cõi Đi Về)

“… Yêu quê hương nay đã không còn”
(Người Con Gái Việt Nam Da Vàng)

Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài


Âm lịch

Ảnh đẹp